Hạnh Chia Sẻ Yêu Thương Của Quan Âm Thị Kính

Đã đọc: 2023           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sở dĩ Bồ tát được mang danh hiệu là Quán Thế Âm vì Ngài luôn chia vui sớt khổ với muôn loài trong mọi trường hợp như thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, hạn hán, bị yêu tinh ma mị hãm hại, bị giam cầm tù tội, cho đến nạn trộm cướp và bị vua quan chiếm đoạt. Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm xứng đáng cho chúng ta học hỏi và bắt chước làm theo. Ngài lúc nào cũng ứng hóa hiện 32 thân, khi thì làm người nữ, lúc lại làm vua, làm thương buôn hay kẻ bần cùng, cho đến mọi thành phần trong xã hội để độ khắp hết thảy chúng sinh.

Trong thế giới loài người có một vị Bồ tát ai cũng có thể biết như một vị cứu tinh. Ngài có trái tim yêu thương và hiểu biết, luôn mở rộng tấm lòng nhân ái chẳng nỡ bỏ một ai đau khổ. Ngài chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Khi nghe ai trong khốn khổ, khó khăn, tuyệt vọng tâm niệm đến Ngài thì Ngài liền ra tay cứu giúp và nâng đỡ.

     Bồ tát Quán Thế Âm thực hành hạnh lắng nghe, hạnh không sợ hãi, hạnh từ bi và trí tuệ và hạnh chia vui sớt khổ nên Ngài không những giúp đỡ chúng sinh vượt qua nỗi khổ, niềm đau về vật chất mà còn hướng dẫn chúng sinh về mặt tinh thần nhằm giúp người tin sâu nhân quả, tin chính mình có khả năng vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống bình yên, hạnh phúc bằng trái tim hiểu biết.Thật ra, tất cả chúng ta đều là một vị Bồ tát Quán Thế Âm đích thực ngay tại đây và bây giờ, nơi chính bản thân mình.

     Nếu nói về chùa và tín ngưỡng của người Việt Nam thì hầu như hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đã ăn sâu và thấm nhuần trong lòng mọi người. Từ khắp ba miền đất nước hầu như chùa nào cũng có thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, thậm chí mỗi nhà đều có thờ Ngài. Rõ ràng, niềm tin vào Bồ tát Quán Thế Âm đã ăn sâu vào tàng thức của người dân nước Việt.

     Bồ tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ vô lượng kiếp nhưng vì thương chúng sinh còn mãi chìm đắm trong biển khổ, sông mê nên đã phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán vì Ngài thấy mọi người đáng thương hơn đáng trách.

     Sở dĩ Bồ tát được mang danh hiệu là Quán Thế Âm vì Ngài luôn chia vui sớt khổ với muôn loài trong mọi trường hợp như thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, hạn hán, bị yêu tinh ma mị hãm hại, bị giam cầm tù tội, cho đến nạn trộm cướp và bị vua quan chiếm đoạt. Hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm xứng đáng cho chúng ta học hỏi và bắt chước làm theo. Ngài lúc nào cũng ứng hóa hiện 32 thân, khi thì làm người nữ, lúc lại làm vua, làm thương buôn hay kẻ bần cùng, cho đến mọi thành phần trong xã hội để độ khắp hết thảy chúng sinh.

     Chúng ta tu và học theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm như nhịp cầu kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống với tinh thần từ bi và trí tuệ, với tấm lòng vô ngã vị tha. Hình ảnh của Ngài đã in sâu vào lòng mỗi người con đất Việt. Sự tôn thờ và kính ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm xem ra đời nào cũng có, nhưng để hiểu biết và thực hành theo hạnh của Ngài thì dường như rất ít người đạt được trọn vẹn. 

     Đức Phật đã từng dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta thì cũng như hủy báng Ta”. Thật vậy, kính ngưỡng, lễ bái, tưởng niệm và tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm đã trở thành một việc làm thuờng xuyên và phổ biến của người Việt Nam. Thế nhưng, tuyệt đại đa số đều đến với Ngài bằng niềm tin hơn sự hiểu biết, điều đáng buồn hơn nữa là phần đông dân ta xem Ngài như một vị nữ thần linh có đủ quyền năng để ban phước giáng họa.

     Đối trước Ngài, thay vì chúng ta lắng lòng chiêm ngưỡng, quán xét đức hạnh của Ngài để phản chiếu lại nơi tâm mình mà học theo hạnh Ngài, bồi dưỡng tinh thần, làm thăng hoa đời sống tâm linh, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội thì chúng ta lại cứ duy trì niềm tin mù quáng nên chính ta là người góp phần đưa Phật giáo đến bờ vực thẳm của mê tín dị đoan bằng cách cầu khẩn, van xin.

     Như chúng ta đã biết, sự gia bị cùng với hạnh nguyện ban vui cứu khổ của Bồ Tát Quán Thế Âm là có thật, nhưng chúng ta không phải vì thế mà bỏ quên khả năng tự lực của chính mình. Phật dạy mọi hành động tốt hay xấu đều được quyết định bởi nguyên lý nhân quả. Hơn nữa, đạo Phật luôn khuyên nhủ mọi người hãy “tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình”, “chính mình là chủ nhân của bao điều hoạ phúc” và phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp”.

     Nhiều người không hiểu cứ nghĩ đem của cải vật chất, vàng ngọc quý báu để khoác lên tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm mà van vái, cầu xin được Ngài phù hộ để được an vui, hạnh phúc. Niềm tin và thái độ tôn thờ như thế không chóng thì chầy cũng sẽ bị “thần tượng sụp đổ” bởi niềm tin thái quá khi việc làm ăn sa sút. Bởi lẽ, khi sự việc không thành họ sẽ cho rằng Bồ tát không linh và trở lại hủy báng mà đánh mất mình trong hiện tại.

     Ngày xửa ngày xưa, có một người trải qua vô lượng kiếp hành Bồ tát đạo vì lợi ích chúng sinh nên siêng năng, tinh tấn tu hành. Cứ như thế nhiều kiếp ngài chịu thống khổ trong sinh tử luân hồi để hành Bồ tát đạo, đến kiếp chót Bồ tát đầu thai làm con gái nhà họ Mãng ở đất Cao Ly. Gia đình họ Mãng có hai người con và Thị Kính là chị. Nàng lớn lên tài sắc vẹn toàn, lại hết lòng hiếu thảo với mẹ cha. Đến tuổi lấy chồng nàng được cha mẹ gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ, một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, con nhà giàu lại rất siêng năng, chăm học. Hai vợ chồng sống với nhau rất ấm êm, hạnh phúc.

    Một buổi tối nọ, Thiện Sĩ ngồi đọc sách và Thị Kính ngồi may bên cạnh chồng. Lát sau, chàng cảm thấy mệt nên lăn ra ngủ thiếp đi. Nàng quay sang nhìn chồng và bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược rất khó coi. Thị Kính lấy dao định tỉa sợi râu thì Thiện Sĩ giật mình tỉnh giấc, thấy vợ cầm dao kề sát cổ mình chàng tưởng nàng muốn sát hại chồng liền nắm tay nàng la lớn: “Nàng định cầm dao giết ta sao?” Thị Kính đáp: “Em thấy chàng có sợi râu mọc ngược khó coi nên định cắt nó đi!"

     Trong cơn hoảng hốt nửa tỉnh nửa mê, Thiện Sĩ nhất định không tin lời vợ mà một mực tin nàng định sát hại mình. Giữa lúc đó, cha mẹ chồng nghe tiếng hai người lời qua tiếng lại bèn sang phòng hỏi rõ sự tình. Nghe con trai kể ông bà tin ngay Thị Kính có ý giết chồng nên lập tức mời ông bà xui sang trách móc và trả lại con. Mặc dầu Thị Kính đã quỳ xuống van xin tha thứ và thanh minh cho mình nhưng cả nhà chồng đều nhất định không nghe.Tiếng xấu đồn xa, Thị kính không biết giải bày cùng ai đành nuốt lệ đau thương một mình chịu tiếng oan giết chồng.

     Cuộc sống thế gian điều hạnh phúc nhất là khi lớn lên được lập gia đình, yên bề gia thất, sinh con đẻ cái làm rạng rỡ Tông phong. Ước mơ ấy không thành hiện thực mà còn chuốc lấy nỗi oan khiên giết chồng nên nàng chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ. Không còn con đường nào khác, Thị Kính xuống tóc xuất gia để báo ân phụ mẫu và sau này tẩy rửa nỗi oan giết chồng. Nhưng ngặt nỗi, ngày xưa không có chùa Ni mà chỉ có chùa Tăng, nàng muốn đi tu thì chỉ còn cách giả dạng nam nhi và trốn nhà đi mới có chỗ tu hành. Nhưng một lần nữa, Thị Kính lại chịu tiếng xấu bỏ nhà theo trai khi nỗi oan giết chồng vẫn chưa kịp gột rửa.

     Nàng bây giờ với hình dạng của một đấng nam nhi đành nuốt lệ đau thương đến chùa Vân Tự xin được công quả, xuất gia. Thầy trụ trì không biết nàng giả trai nên đã chấp nhận cho nàng công quả rồi xuống tóc thọ giới Sa Di với Pháp danh Kính Tâm. Từ đó, Kính Tâm nương náu cửa chùa, sớm khuya Thiền định, sáng làm việc, trưa học hỏi, chiều sám hối để vượt qua bao nỗi ưu phiền.

     Thời gian tu hành chưa lâu thì tai vạ khác lại ập đến, tuy giả trai nhưng nhan sắc mặn mà của thầy Kính Tâm làm một tiểu thư tên Thị Mầu đem lòng thầm thương trộm nhớ. Thị Mầu là con gái một phú hộ giàu có trong làng, nàng thường xuyên đi chùa lễ Phật, thấy Kính Tâm quá đẹp trai nên dệt mộng muốn gá nghĩa vợ chồng. Đã nhiều lần nàng nói rõ sự thật nhưng đều bị từ chối, vì yêu thương muốn chiếm đoạt mà không được nên nàng ta trở nên thù ghét thầy Kính Tâm.

     Một lần nọ Thị Mầu quan hệ với một đầy tớ trong nhà và đã có thai. Khi mọi chuyện vỡ lẽ nàng bị làng xã phạt vạ “không chồng mà chữa” thì bèn đổ tội do thầy Kính Tâm dụ dỗ. Thầy bị làng xã kêu đến giải bày nhưng không biết trả lời ra sao. Nếu thầy nói thật mình mang phận nữ nhi thì không thể tiếp tục tu hành, còn nếu không nói thì phải chịu tội bị đánh đập tàn nhẫn. Oan khiên giết chồng chưa giải quyết xong thì vụ việc này còn nặng nề hơn trước. Nếu nói sự thật thì được vô tội nhưng Thị Mầu sẽ bị chịu tội vu oan và bản thân thầy cũng không thể tiếp tục tu. Vậy là cuối cùng thầy đành chấp nhận tội lỗi về mình và phải chịu bị mọi người sĩ nhục, đánh đập. Thầy trụ trì thấy đệ tử bị đánh nhiều quá nên thương xót, van nài, năn nỉ làng cho nộp tiền bồi thường.          

     Tuy thương đệ tử nhưng vì sợ ô danh cửa Thiền môn nên thầy trụ trì cho Kính Tâm ra ở cổng Tam Quan, không cho thầy được ở trong chùa nữa. Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, sau 9 tháng 10 ngày đứa bé ra đời là một bé trai bụ bẫm. Gia đình phú ông bắt Thị Mầu phải đem đứa bé giao cho cha nó là thầy Kính Tâm. Đang lúc lạy Phật sám hối, nghe tiếng trẻ thơ kêu khóc thầy vội ra xem thì thấy đứa bé, bèn ẵm vào chùa vì không còn cách nào khác.

     Dư luận bên ngoài lại càng bàn tán xôn xao, nếu không phải là con mình thì thầy nuôi đứa bé đó làm gì? Mỗi ngày trôi qua, ngày nào thầy cũng đi hết đầu làng đến cuối xóm để xin sữa cho đứa bé, chịu không biết bao nhiêu tiếng đời dèm pha, chỉ trích, mắng nhiếc. Chúng ta thấy, nỗi oan ức quá nhục nhã ê chề nhưng thầy Kính Tâm vẫn chấp nhận nhịn chịu. Bình thường ta có thể chịu nhục một hai ngày, nhưng chịu nhục những mấy năm trời với bao nhiêu lời mắng chửi thì quả thật không thể tưởng tượng nổi.

     Sau ba bốn năm ròng rã với nỗi oan khiên không thể giãi bày nhưng thầy Kính Tâm vẫn nuôi đứa bé ngày một khôn lớn. Cậu bé giờ đây là một chú tiểu với ba vá trên đầu, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Cuộc hành trình giả dạng nam nhi xuất gia tu hành cũng đã sắp đến ngày viên mãn. Trước khi an nhiên, tự tại ra đi khi duyên trần sắp hết, thầy Kính Tâm viết một bức tâm thư giao cho cậu bé và dặn dò chú đưa bức thư cho cha mẹ mình rồi vui vẻ ra đi.

     Đứa bé nhớ lời cha dặn vội chùi nước mắt đến gặp sư ông báo tin cha chú đã qua đời. Khi chuẩn bị làm lễ nhập quan mọi người mới té ngửa ra thầy Kính Tâm là một người nữ. Tin tức nhanh chóng lan truyền, cả làng người già trẻ nhỏ tìm đến chùa rất đông như những ngày lễ hội. Nỗi oan tình bấy lâu nay đã được tỏ bày khi lá thư đến tay cha mẹ nàng. Ai nấy đều biết nàng không phải là gái giết chồng và cũng không phải đã trốn nhà theo trai. Hai mối nghi ngờ nơi quê nhà nay được sáng tỏ, Thiện Sĩ hay tin vội theo cha mẹ vợ đến chùa Vân Tự làm lễ tang cho người vợ năm xưa.

     Lúc bấy giờ, ai nấy cũng đều xuýt xoa khen ngợi hạnh nhẫn nhục, chịu đựng của nàng cùng tấm lòng từ bi vô hạn. Thầy trụ trì đã cung thỉnh chư vị Hoà thượng đến làm lễ giải oan và phú ông khi biết mọi chuyện đã phát tâm lo mọi chi phí và đứng ra xin lỗi, tạ lễ trước mặt mọi người. Giữa lúc cử hành lễ giải oan, một đám mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời cùng một âm thanh làm chấn động cả đoàn người. Nàng Thị Kính đã tu hành đắc đạo nay hết duyên trần nên trở về cội gốc. Chàng Thiện Sĩ sau khi chôn cất vợ xong cũng xin ở lại chùa tu đến hết cuộc đời. Dân gian từ đó nhắc đến câu chuyện đã quen gọi nàng là Quan Âm Thị Kính.

     Ngày xưa, trong thời đại phong kiến người phụ nữ phải chịu luật Tam tòng, khi chưa chồng thì thờ cha, khí có chồng thì thờ chồng, khi chồng chết thì thờ con, ngoài ra còn phải công-dung-ngôn-hạnh. Thường người thế gian gái lớn lên thì phải có chồng, trai lớn lên thì phải có vợ để phát triển và duy trì giống nòi nhân loại, có con để nối dõi Tông đường. Thị Kính đã có người chồng gia giáo, giàu có nhưng vì một phút sơ ý mà phải chịu tiếng hàm oan, mang tiếng giết chồng. Nếu là người khác chắc họ đã phải mượn chai thuốc độc để kết liễu đời mình. Vì nhân duyên nhiều đời hành Bồ tát đạo chưa được viên mãn nên Thị Kính tiếp tục con đường đang đi và đã đi để báo ân Phật tổ, ân cha mẹ, ân pháp sư và ân tất cả chúng sinh.

     Xuất gia là con đường thiêng liêng, cao cả có thể giúp cho mọi người vượt qua nỗi khổ, niềm đau mà tiến lên con đường Phật đạo. Lần thứ nhất Thị Kính chịu oan vì một phút sơ ý, sự nhẫn chịu này nằm trong tình thế bắt buộc chứ không phải thật là kham nhẫn. Lần thứ hai khi giả thân nam xuất gia làm Tăng mà phải chịu tiếng dụ dỗ gái lành, chịu nỗi oan ức, bị người mắng chửi, đánh đập nhưng nàng vẫn tiếp tục nhẫn chịu. Lần nhẫn chịu thứ hai này cũng chưa phải thật là kham nhẫn vì còn nằm trong sự chọn lựa. Nàng chấp nhận chịu oan vì muốn giữ kín thân phận để được tiếp tục tu hành và để tránh cho Thị Mầu phải mang tiếng xấu “không chồng mà có chữa”.

     Đến lần thứ ba sau khi Thị Mầu sinh con rồi đem bỏ trước cổng chùa, nếu không phải là cha thì tại sao nàng lại nhận nuôi? Chính việc này đã khiến cho thầy trụ trì và mọi người tin chắc thầy Kính Tâm đã dan díu với Thị Mầu và là cha ruột của đứa bé. Nhiều người oán ghét, chửi bới om sòm vì nghĩ thầy là một thầy tu vô liêm sĩ, nhưng cũng có người thương tình cho thầy chút sữa nuôi đứa bé qua ngày.

     Tuy oan khiên đến như thế nhưng thầy Kính Tâm mỗi ngày vẫn công phu đều đặn, sáng trưa chiều tối trong mọi thời, mọi lúc, mọi nơi. Ai nghĩ tốt xấu, đúng sai hay dèm pha, chỉ trích thì cũng là chuyện của họ. Thầy vẫn nuôi đứa bé không phải con mình cho đến tận gần 5 năm trời. Dù quá khứ, dĩ vãng vẫn còn đó nhưng việc gì cần làm đã làm xong nên Bồ tát biểu hiện thân bệnh rồi an nhiên, tự tại ra đi.

     Lần an nhẫn thứ ba này Bồ tát đã cứu được đứa bé dù đó không phải là con ruột của mình. Người xưa có câu “dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Quả thật, dù có xây mười ngôi chùa đi nữa cũng không bằng làm phúc cứu cho một người. Sự ra đi của Thị Kính đã đánh tan bao nhiêu oán hờn từ xưa nay, người ở lại cảm thấy vô cùng ân hận vì đã xúc phạm đến vị Bồ tát mà không hay, không biết.

     Qua câu chuyện trên chúng ta thấy lòng từ bi của Bồ tát quá lớn lao. Lòng từ bi đó được trọn vẹn bởi sức kham nhẫn tột cùng. Chúng ta thấy, nếu là một người nữ bình thường chắc phải tự tử chết để được yên thân, nhưng nàng Thị Kính vẫn kham nhẫn nhịn chịu để được sống và tiếp tục tu hành. Trong ba lần kham nhẫn, hai lần đầu vì có sự bắt buộc nên đành chịu; đến lần thứ ba nàng kham nhẫn vì lòng tư bi thương xót, muốn cứu mạng đứa bé mà quên đi bao tủi nhục, ưu phiền.

     Như vậy, ai có lòng từ bi và sự kham nhẫn nhờ biết quán chiếu cuộc đời là một dòng chuyển biến của khổ đau và hạnh phúc tạm bợ sẽ có ngày thành tựu viên mãn công hạnh của Bồ tát. Nói tóm lại, muốn thực hiện viên mãn công hạnh Bồ tát thì phải có giới đức, có tấm lòng từ bi rộng lớn, có trí tuệ mới biết rõ bản chất của các pháp là không thật và sự kham nhẫn chịu đựng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

     Trong kinh A-hàm có nói người nữ có 5 chướng nên không thể thành Phật. Vậy tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại hiện thân một người nữ? Thật ra, Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của người biết giữ giới đức, có tấm lòng từ bi bao la rộng lớn, có trí tuệ và biết lắng nghe. Bồ tát hiện thân người nữ để nói lên tình thương bao la rộng lớn mà trong các thứ tình không gì thiêng liêng, cao cả như tình mẫu tử, tình mẹ thương yêu đứa con duy nhất của mình.

     Người mẹ dù bận việc gì nhưng khi nghe tiếng con khóc liền buông bỏ tất cả mà vội vàng chạy lại vỗ về con. Bồ tát Quán Thế Âm cũng lại như thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu nhưng một khi nghe tiếng chúng sinh kêu cứu thì liền hiện thân đến giúp đỡ, sẻ chia. Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm tay mặt cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Dương liễu là loại cây vừa dẻo vừa mềm nên không bao giờ bị gió cuốn gãy. Nếu cứng quá thì dễ gãy, còn mềm quá thì không có sức chịu đựng lâu dài.

     Hạnh kham nhẫn, nhịn chịu là khéo tuỳ thuận chúng sinh để hướng họ quay về với Chánh pháp. Người nhẫn nhục mới trông qua thấy rất yếu hèn nhưng kỳ thật họ có sức mạnh phi thường vì đã tự chiến thắng được tình cảm và phản ứng của bản năng. Bị dèm pha, chửi mắng nặng nề nhưng nàng Thị Kính không giận; bị vu oan giá hoạ nhưng nàng vẫn bình tĩnh, an nhiên. Vậy nàng không phải Bồ tát là gì?

     Nước cam lồ là thứ nước trong, mát và ngọt dịu phải hứng ngoài sương mới có được. Khi chúng ta đang bị nóng bức, khô khan mà được uống một giọt nước cam lồ sẽ thấy ngọt ngào, mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho tâm trong sạch và lòng từ bi của Bồ-tát. Khi chúng sinh bị lửa phiền não tham-sân-si làm nóng bức thì Bồ tát sẽ dùng nước từ bi dập tắt và đem lại sự mát mẻ, an lành.

     Từ bi là lòng thương không vụ lợi, không phân biệt thân sơ; lòng thương chân thật, bình đẳng, thấy người khổ liền giúp không có sự mong cầu. Bởi tính chất quí báu vô thượng của nước cam lồ nên phải được đựng trong bình thanh tịnh. Bình thanh tịnh là tượng trưng cho ba nghiệp trong sạch, tức tâm không còn phiền não tham-sân-si. Chữ cam là ngọt, lồ là sương. Sương mù đọng trên lá cây. Nước sương trong sạch, dịu ngọt gọi là nước cam lồ. Nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi rộng lớn không có sự phân biệt. Tâm ấy trong sạch, dịu ngọt như nước cam lồ. Vì vậy, nước từ bi rưới tới đâu thì lửa phiền não tắt ngụm tới đó.

     Ngọn lửa thù hằn, oán giận của chúng ta cháy hừng hực nên chỉ có nước từ bi mới đủ sức dập tắt được. Chúng ta muốn hết sân si, nóng giận thì phải có lòng từ bi nên nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi rưới tắt lửa sân hận. Khi ai gặp bất hạnh, khổ đau, người có lòng từ bi sẽ tìm cách giúp đỡ, khuyên nhủ, động viên họ qua cơn hoạn nạn. Nước cam lồ là tượng trưng cho tâm thanh tịnh, sáng suốt. Nếu muốn đem rưới cho mọi người được mát mẻ thì phải nhờ cành dương liễu là sự kham nhẫn, chịu đựng mà không có ý niệm tốt xấu.

     Như vậy, sự kham nhẫn, nhịn chịu khi gặp nghịch cảnh, khó khăn là luôn tùy thuận, nhẫn nại, không chống đối hay than phiền. Do đó, hình ảnh cành dương liễu là nói lên sự chịu đựng trong an nhiên, tự tại chớ không phải gượng ép. Vì tâm an ổn, nhẹ nhàng, không xao động mới có thể đem nước cam lồ hay lòng từ bi chan rải đến tất cả mọi người.  

     Chúng ta thấy, rõ ràng từ bi và nhẫn nhục song hành bên nhau thì làm việc gì cũng dễ thành tựu. Có từ bi mà thiếu nhẫn nhục, hay ngược lại có nhẫn nhục mà thiếu từ bi thì cũng không được. Cho nên, trong kinh đã nói Bồ tát cầm cành dương liễu rưới nước cam lồ lên khắp cả nhân gian. Qua đó chúng ta thấy hình tượng Bồ tát cầm cành dương liễu rải nước cam lồ lên tất cả mọi người là đem lòng từ bi chan rải cho tất cả chúng sinh. Nhờ có sức mạnh của lòng từ bi mà Bồ tát đã chuyển hoá được lòng sân hận do tập khí nhiều đời của con người.

     Cho nên, muốn thực hiện lòng từ bi điều kiện tiên quyết là ba nghiệp phải thanh tịnh. Người có tâm từ bi rộng lớn muốn cứu giúp chúng sinh nếu không có sức kham nhẫn, chịu đựng thì sự cứu độ khó được viên mãn. Do đó, muốn đi vào đời chia vui sớt khổ, giúp đỡ thế nhân phải có cành dương liễu rồi về sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sinh.

     Câu chuyện Quán Âm Thị Kính đã cho ta thấy muốn tu hành viên mãn ngoài việc giữ giới đức trọn vẹn còn phải thể hiện lòng từ bi và thực hiện hạnh kham nhẫn, chịu đựng. Vậy chúng ta tu đều phải học hạnh kham nhẫn và có lòng từ bi. Nhẫn không có nghĩa là gồng mình gánh chịu mà là dùng trí tuệ để thấy biết đúng như thật, buông xả mọi hơn thua, tốt xấu, phải quấy với người mà không phiền muộn, khổ đau.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập