Từ thể loại văn bản kinh Phật ở Ấn Độ đến hệ thống thể loại văn học Phật giáo Việt Nam

Đã đọc: 5164           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Có thể thấy văn học Phật giáo Lý - Trần hiện diện tương đối phong phú các thể loại văn học trung đại và ở đó có những thể loại đạt đến đỉnh cao, có giá trị về mặt học thuật lẫn nghệ thuật văn chương.

Do vị trí địa lý của đất nước nằm ở ngã tư giao lưu quốc tế nên dân tộc ta trong quá trình sinh tồn và phát triển đã sớm có sự giao lưu và tiếp biến văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự tiếp biến văn hoá (acculturation) đó cũng đồng thời tạo nên bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc. Lịch sử đã chứng minh trong quá trình giao lưu với bên ngoài, ta đã tiếp xúc với văn hoá – tư tưởng Ấn Độ trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá – tư tưởng Trung Hoa.

Tiếp xúc với văn hoá – tư tưởng Ấn Độ, dân tộc ta chủ yếu là tiếp thu tư tưởng và giáo lý Phật giáo. Hồi ấy, văn hoá Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm bằng con đường truyền giáo (văn hoá bác học) và bằng con đường di dân (văn hoá bình dân). Đối với cư dân Việt tại Giao Châu thì tiếp thu văn hoá Ấn Độ chủ yếu là tiếp thu văn hoá tư tưởng giáo lý và nghi lễ cúng dường của nhà Phật; còn đối với cư dân Chăm pa, Phù Nam, Lâm Ấp, Thuỷ Chân Lạp (tức khu vực miền Trung và Nam bộ ngày nay) thì tiếp thu văn hoá tư tưởng Ấn Độ không chỉ bằng con đường truyền giáo mà còn cả con đường di dân. Ngay trong khi tiếp thu văn hoá Phật giáo thì cư dân nơi đây còn tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu đậm sinh hoạt tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, Bà la môn giáo nữa, và văn hoá Ấn Độ đã in dấu ấn sâu đậm qua kho tàng văn hoá dân gian, qua những chứng tích lịch sử như thành quách, đền đài, chùa tháp, bia ký nơi vùng đất này mà hiện nay chúng ta đang tôn tạo gìn giữ. Riêng ở Giao Châu, Phật giáo bằng đường biển qua các nhà sư Ấn Độ đi theo thuyền buôn truyền vào nước ta từ rất sớm vào khoảng cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên tại Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Từ trung tâm Luy Lâu, Phật Giáo truyền sang trung tâm Bành Thành rồi trung tâm Lạc Dương ở Trung Quốc. Điều này, sách Thiền uyển tập anh có nhắc đến, rồi sau đó các nhà nghiên cứu Phật học, Phật giáo sử ở Việt Nam như Thích Mật Thể, Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát … đã chứng  minh trong các công trình viết về Phật giáo Việt Nam và chính các học giả Trung Quốc như Nhiệm Kế Dũ, Hồ Thích, Phùng Hữu Lan (1)… cũng đã thừa nhận trong các công trình nghiên cứu của các vị. Sử sách xưa cũng cho biết từ thế kỷ thứ II, rồi thứ IV, thứ V đã có nhiều đoàn truyền giáo ở ta sang Trung Quốc giảng đạo và cũng khoảng thời gian này, các vua chúa Trung Quốc đã mời các danh tăng tại Giao Châu sang nước họ để thuyết pháp giảng kinh truyền đạo như  Khương Tăng Hội, Đạo Thanh, Huệ Thắng v.v..

Sự tiếp xúc lớp văn hoá tư tưởng Phật giáo này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hoá Việt Nam lúc bấy giờ không nhỏ. Phật giáo hồi ấy chỉ chú trọng thực hành nghi lễ với sự lan toả ảnh hưởng đến mạch sống của cư dân bản địa hơn là thành lập, tổ chức giáo đoàn, tông phái và có sách vở ghi chép như lớp văn hoá sau, tức lớp văn hoá Phật giáo từ phương Bắc theo đường bộ truyền xuống vào thời nước ta bị Bắc thuộc. Bên cạnh tiếp thu văn hoá tư tưởng Phật giáo, ngày ấy, cha ông ta còn tiếp thu những thành tố văn hoá khác như âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc, điêu khắc, ẩm thực v.v.. Văn hoá Phật giáo cùng các thành tố văn hoá khác của Ấn Độ đã thâm nhập vào văn hoá Việt Nam và trở thành một lưc lượng đối trọng, như là một thứ vũ khí chống lại thống trị phong kiến phương Bắc. Trong khi đó, lớp văn hoá Phật giáo từ Trung Quốc truyền xuống lần sau được chính quyền phong kiến trung ương Trung Quốc cùng các quan Thứ sử, Thái thú cai trị ở các địa phương bảo trợ, ủng hộ nên có điều kiện mở rộng, lấn át những gì ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo lớp trước. Lớp văn hoá sau chủ yếu là Đại thừa Phật giáo Thiền tông, có sự kết hợp với Mật tông và Tịnh độ tông với hệ thống kinh điển Hán tạng, một ngôn ngữ đơn âm, gần gũi và thích hợp với ngôn ngữ Việt hơn, nếu so sánh với kinh sách viết bằng chữ Pali, Sancrit đa âm. Do vậy, lớp văn hoá sau dần dần xoá mờ tất cả những gì của văn hoá đạo Phật lớp trước truyền sang.

Trong quá trình giao lưu với Ấn Độ, dân tộc Việt Nam ta đã tiếp thu tư tưởng – giáo lý Phật giáo chủ yếu là qua các nghi lễ cúng tế và qua hệ thống kinh văn, trên cơ sở những gì phù hợp với mình, có lợi cho dân tộc mình góp phần làm phong phú thêm văn hoá – tư tưởng của dân tộc. Ở đây, bài viết này chỉ bước đầu điểm qua dù rất sơ lược hệ thống thể loại kinh văn Phật giáo Ấn Độ, để từ đó tìm hiểu mối quan hệ tương hỗ giữa thể loại kinh văn ấy với thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời khi tìm hiểu thể loại của một bộ phận văn học có một hình thức đặc thù và một nội dung uyên áo này, không thể không nhắc đến các thể loại văn học của Trung Quốc mà bộ phận văn học này ở nước ta đã tiếp thu.

 

1. TỪ HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN BẢN KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ:

So với tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới như Bà la môn giáo, Hindu giáo (Ấn Độ giáo), Hồi giáo, Kitô giáo v.v.. thì Phật giáo là một tôn giáo có hệ thống Tam tạng kinh điển vĩ đại nhất. Tìm hiểu tư tưởng – triết lý nhà Phật, trước hết phải xuất phát từ hệ thống tác phẩm kinh điển này. Hệ thống Tam tạng kinh điển ấy được ghi chép lại dù bằng ngôn ngữ Pali (Pali tạng) hay Sancrit (Sancrit tạng) đi chăng nữa thì chúng cũng đều sử dụng một hệ thống thể loại tương ứng. Cho nên, tìm hiểu thể loại văn bản cũng là cách để giải mã và góp phần tiếp cận hệ thống tư tưởng uyên áo và uẩn súc được thể hiện trong những văn bản ấy. Qua các thời kỳ kết tập bởi các vị đại đệ tử của đức Thế tôn, kinh sách nhà Phật được chia thành ba loại hình: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng mà sử sách quen gọi là Tam tạng kinh điển hoặc Tam tạng thánh điển. Hệ thống kinh sách này thì nhiều vô kể, khó có thể đếm hết và luận bàn được. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước đã căn cứ vào nội dung và hình thức thể hiện ở mỗi văn bản nên đã phân định hệ thống thể loại các tác phẩm đó. Theo các bộ từ điển Phật học hiện hành như Phật Quang đại từ điển, Phật Quang xuất bản xã, 1989, 08 quyển; Phật học đại từ điển, Thượng Hải thư cục, 1970, 02 quyển; Từ điển Phật học Hán Việt, Hoà thượng Kim Cương Tử chủ biên, Phân viện Nghiên cứu Phật học – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, 02 tập; Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, Phật học tùng thư, Sài Gòn, 1968, 03 tập, thì hệ thống tác phẩm kinh điển Phật giáo gồm 12 thể loại như sau: Khế kinh, Trùng tụng, Phúng tụng, Thụ ký, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sinh, Bản sự, Phương quảng, Vị tằng hữu, Tự thuyết, Luận thuyết. Còn trong Kinh Xà dụ, một quyển kinh thuộc Trung Bộ kinh (Hoà thượng Thích Minh Châu dịch) thì lại nêu lên 09 thể loại là: Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bản sinh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Qua tra cứu, chúng tôi nhận thấy tuy cách gọi tên có khác nhau ở hai nguồn tư liệu nhưng xét đến cùng lại là một vì có sự xuất nhập, gộp tách thể loại hoặc nêu tên gọi khác của thể loại. Chẳng hạn thể loại Như thị ngữ là cách gọi khác của thể loại Bản sự, cũng thế Trùng tụng là cách gọi khác của thể loại Ứng tụng và Phúng tụng là cách gọi khác của Kệ tụng v.v.. Những thể loại này cũng chính là những thể cách thuyết giảng của đức Thế tôn về các pháp tướng cho các đệ tử nghe. Sau này các đệ tử ghi lại trong 09 hoặc trong 12 bộ kinh, tương ứng với 09 hoặc 12 thể thuyết pháp.

Có lẽ cũng cần nêu ra đây dù có dông dài đôi chút, nội hàm thuật ngữ các thể loại trên để có thể hiểu rõ hơn hình thức và nội dung tư tưởng chính của các thể loại tác phẩm kinh điển đó (những nội hàm thuật ngữ này, chúng tôi tổng hợp nghĩa của chúng từ vài bộ từ điển Phật học nêu trên).

1.1. Kinh: Phạn ngữ là Sutra, dịch âm Hán Việt là Tu-đa-la, Tô-đát-lãm, Tô- đát-la, dịch nghĩa là Khế kinh, Chính kinh, Quán kinh, Kinh bản… Hệ thống Thánh điển Phật giáo gồm ba tạng là: Kinh, Luật, Luận thì Kinh tạng là một trong ba tạng ấy. Trong loại hình cơ bản của hệ thống kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ thì Kinh là một trong chín bộ kinh, hoặc một trong mười hai bộ kinh. Về danh nghĩa, kinh bao hàm các nét nghĩa sau: Một là, Kinh là giáo lý mà đức Thế tôn diễn thuyết. Thuật ngữ Tu-đa-la vốn là thuật ngữ của Bà la môn giáo, về sau được Phật giáo sử dụng, để chỉ cái ý xuyên suốt, không phân tán. Hai là, theo bộ Du-già-sư-địa luận, quyển 25 thì nguyên ý của Tu-đa-la (Kinh) là Tuyến; Điều; Ty (tức sợi tơ) với nét nghĩa quán xuyến nhiếp trì. Tất cả chúng sinh do được giáo lý nhiếp trì nên không để tâm lưu tán vào nẻo ác. Còn theo A- tỳ-đàm tâm luận, quyển 8 thì Tu-đa-la có 5 nghĩa: Xuất sinh (nảy sinh các nghĩa); Tuyền dũng (nghĩa lý là vô tận); Hiển thị (hiểu rõ các nghĩa); Thằng mặc (biện rõ tà chính); Kết man (quán xuyến các pháp). Và tại lời chú giải các bộ kinh như Duy-ma-cật kinh chú, quyển 1; Đại bát Niết-bàn kinh tập giải, quyển 1; Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, quyển thượng … thì Kinh gồm các nghĩa: quán xuyến, nhiếp trì, hằng thường, tức là quán xuyến chư pháp, trải suốt cổ kim mãi mãi không dứt. Về đại thể, Kinh thường được hiểu theo hai nét nghĩa: rộng và hẹp. Với nghĩa rộng, Kinh là hết thảy những giáo pháp được đức Thế tôn giảng thuyết. Giáo lý mà kinh xiển dương thì gọi là kinh pháp, kinh giáo. Thư tịch ghi chép kinh giáo được gọi là kinh điển. Với nghĩa hẹp, Kinh mà Phật điển thông dụng mang 2 nét nghĩa hẹp : Một là, Kinh là một trong Tam tạng Kinh, Luật, Luận. Kinh được chia thành hai loại: Kinh Đại thừa và Kinh Tiểu thừa. Kinh Đại thừa chia thành: Bát-nhã, Bảo tích, Đại tập, Hoa Nghiêm. Niết-bàn, Trùng dịch, Đơn dịch; Cao ly tạng chép in trong 521 bộ và 264 quyển. Kinh Tiểu thừa chia thành: A-hàm và Đơn dịch; Cao ly tạng chép in trong 240 bộ và 614 quyển. Theo Đại Chính tân tu đại tạng kinh thì chia kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa thành 10 bộ: A-hàm, Bản duyên, Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo-tích, Niết-bàn, Đại tập, Kinh tập, Mật giáo. Tất cả in trong 1460 bộ, gồm 4225 quyển. Chư kinh phần lớn là lời đức Phật nói ra, trong đó có một số là lời đệ tử nói. Những văn bản kinh bắt đầu bằng cụm từ “Như thị ngã văn” là do sau khi đức Phật nhập diệt ít lâu, các đệ tử kết tập mà thành; Hai là, chỉ Khế kinh, một trong 9 bộ kinh hoặc trong 12 bộ kinh, tức giáo pháp ghi thẳng lời đức Phật nói ra bằng tản văn. Kinh điển hiện nay được ghi lại trong Đại tạng kinh là Hán dịch (Hán tạng) và Phạn ngữ (Pali tạng, Sancrit tạng). Đại tạng kinh tuy gồm Kinh, Luật, Luận nhưng phần Kinh là nhiều nhất nên nhà Phật gọi Đại tạng kinh la Nhất thiết kinh.

Khế kinh (Ũtras) còn gọi là Khế phạm, Khế tuyến. Kinh văn hợp với căn cơ của con người với cái lý của pháp nên gọi là khế (khế cơ, khế lý). Vì thế, khế kinh còn gọi là hợp kinh. Đó là các khế kinh mà đức Phật đã giảng thuyết được ngài A Nan nhớ lại hết và nói ra trong kỳ hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất, phù hợp với mọi căn cơ của tất cả mọi hạng người, ai nghe cũng đều được lợi ích. 

          1.2. Ứng tụng (Trùng tụng): Ứng tụng Phạn ngữ là Geya, phiên âm là Kỳ dạ. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là Trùng tụng, Trùng tụng kệ, dùng để chỉ một trong 9 và trong 12 bộ kinh. Hình thức của loại kinh điển này là lặp lại nội dung chủ yếu của phần tản văn đã được trình bày ở trên bằng vận văn (văn vần) để người nghe, người học Phật dễ nhớ. Trùng tụng, Trùng tụng kệ (Geya): Trùng: lặp lại; tụng: đọc ca, dùng để chỉ hình thức vừa thuyết giảng bằng văn xuôi ở trên , lại vừa dùng kệ tụng bằng văn vần ở dưới để kết luận. Đây là một trong 12 thể thuyết pháp của đức Phật.

1.3. Kệ tụng (Phúng tụng): Phạn ngữ là Gathà, phiên âm Hán Việt là Già-tha, Già-đà, dịch là Kệ tụng hay Phúng tụng. Hình thức vận văn, mỗi bài thường có 4 câu với số chữ nhất định trong một câu (thường lấy 3 đến 8 chữ làm thành một câu, lấy 4 câu làm thành một bài). Lời của kệ tụng thường đẹp đẽ, bởi tụng là mỹ ca, dùng nhiều mỹ từ để ngợi ca công đức của chư Phật, Bồ tát, nhằm tóm tắt (đại ý) của một thời kinh, một cuộc thuyết pháp, hay bày tỏ lòng cảm mến, tin tưởng đối với tam bảo. Thuật ngữ Kệ còn có tên dịch khác là Kiệt, chỉ loại kệ bằng văn vần, có tính giáo huấn, thâu tóm hết ý nghĩa của Kinh. Trong các văn bản của nhà Phật, về ý nghĩa, có nhiều loại Kệ: Kệ tụng, Kệ ngộ giải (trình bày điều tỏ ngộ chân lý của người học đạo bằng lời thơ với 4 câu, mang ý sâu sắc, uẩn súc); Kệ tán (dùng câu kệ để tán thán công đức của người khác); Kệ biệt (từ chỉ thơ văn nhà Phật nói chung, làm thơ gọi là ke, làm văn gọi là biệt). Về hình thức tuỳ theo số chữ trong câu mà có những tên gọi (định danh) khác nhau, gồm Ngũ chủng kệ và Nhị chủng kệ. Ngũ chủng kệ (5 loại kệ) mang 5 hình thức: Một là, chỉ câu ngắn từ 2 chữ đến 5 chữ làm thành một câu, lấy 4 câu làm thành một bài; Hai là, chỉ bài kệ 4 câu, có mỗi câu 6 hoặc 7 chữ; Ba là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu có 8 chữ; Bốn là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu 9 chữ đến 26 chữ; Năm là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu rất dài có từ 26 chữ trở lên. Nhị chủng kệ (2 loại kệ) mang hai hình thức: Thông kệ và Biệt kệ. Thông kệ là loại kệ tthường gặp trong các văn bản kinh; còn Biệt kệ chỉ loại kệ đặc biệt, dùng để chỉ một bài kệ tuy lấy 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ v.v.. làm thành một câu và cứ 4 câu hợp thành một hàng dài, nhưng tối đa chỉ đến 32 chữ làm thành một bài kệ. Đây là phép đếm kinh của người Thiên Trúc, Ấn Độ ngày xưa. Mặc dù Trung Quốc đã dùng thuật ngữ Kệ tụng, Phúng tụng để dịch thuật ngữ Gathà (Già-đà) trong Phạn ngữ, nhưng bên cạnh nét nghĩa trên, Phúng tụng còn có nghĩa rộng hơn, dùng để chỉ những câu chữ (thường là văn vần) nhằm phúng vịnh, tán thán nghĩa lý thâm diệu và ca tụng công đức Tam bảo.  

          1.4. Như thị ngữ: còn có tên gọi khác là Như thị thuyết; Bản sự, là một trong 12 bộ kinh. Hai chữ “Như thị” là lời mở đầu của tất cả các bộ kinh Phật do các đại đệ tử đọc tụng trong ba lần hội nghị kết tập kinh điển, sau khi đức Phật nhập diệt, nó có nghĩa là “như vầy”, “như thế này” nhằm trình bày và xác tín điều có thực, bày tỏ sự tin tưởng và thuận theo. Trong Phật giáo nếu tin theo thì nói “như thị”, còn không tin thì nói “bất như thị”. Chính vì thế, cụm từ mở đầu các văn bản kinh thường là “Như thị ngã văn”(Chính tôi nghe như vầy / Chính tôi nghe như thế này). Đây là lời của ngài A-Nan đọc tụng lại nguyên văn lời đức Thế tôn giảng thuyết khi còn tại thế nhằm bày tỏ sự xác tín, tránh sự tranh luận trong giáo hội lúc bấy giờ. Bản sự là thuật ngữ chỉ một trong 12 bộ kinh, Phạn ngữ là Itivrttaka, Hán ngữ phiên âm là Y-đề-mục-đa-già, dịch Hán Việt là Bản sự (sự việc gốc), Như thị ngữ (nói như vầy), Như thị thuyết (thuyết như vầy). Thuật ngữ này chỉ phần kinh văn mà đức Phật thuyết giảng về sự tích hạnh nghiệp của các đại đệ tử là Bồ tát, Thanh văn v.v.. trong đời quá khứ. Bộ luận Hiển Dương có nói rõ “Bản sự là chỉ phần Như lai nói về các việc đời trước của các thánh đệ tử”. Thuật ngữ này còn dùng để chỉ một bộ kinh gồm 07 quyển do ngài Huyền Trang đời Đường dịch từ Phạn ngữ gồm 3 phẩm : Nhất pháp phẩm, Nhị pháp phẩm, Tam pháp phẩm.

          1.5. Bản sinh: Phạn ngữ là Taka, Trung Quốc phiên âm là Xà-đà-già, Hán Việt dịch là Bản sinh, là một trong 12 bộ kinh (Thập nhị bộ kinh). Nội dung kinh văn này do đức Thế tôn nói về hạnh nghiệp tu hành của ngài khi còn là Bồ tát.

          1.6. Vị tằng hữu: Phạn ngữ là Adbhuta, Trung Quốc phiên âm là A-phù-đà, Hán Việt dịch là Vị tằng hữu, có khi nói cho đủ là Vị tằng hữu pháp (Adbhuta – dharma phiên âm là A-phù-đà Đạt-ma); Vị tằng hữu kinh, là một trong 12 bộ kinh với nội dung nói về Phật và Bồ tát thị hiện vô số thần lực bất khả tư nghì (không thể luận bàn được).

          1.7. Phương quảng: là thuật ngữ, tên chỉ chung các bộ kinh Đại thừa Phật giáo. Đồng thời đây còn là tên riêng chỉ bộ kinh thứ 10 trong 12 bộ kinh. Bộ này gọi là Phương quảng kinh. Sách  Thắng man bảo quật quyển trung có ghi “Phương quảng là tên chung của kinh Đại thừa”. Nội dung kinh này ghi nhận lại những cuộc thảo luận của các vị thánh đệ tử được đức Phật xác nhận là phù hợp với nghĩa lý thâm diệu do Phật giảng thuyết.

          1.8. Thụ ký: Phạn ngữ là Vyàkarana, phiên âm là Hoà-già-la, chỉ một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh văn này đức Phật ghi nhận đặc biệt cho chúng sinh nào đã phát tâm tu theo hạnh nghiệp của Phật sau này sẽ được thành Phật và thành Phật ở thế giới tương lai nào đó.

          1.9. Tự thuyết (Cảm hứng ngữ): Đây là thuật ngữ chỉ một trong 12 bộ kinh. Tự thuyết kinh ghi chép lại lời đức Thế tôn nói ra trong trường hợp đặc biệt. Tự thuyết còn được gọi một tên khác là Cảm hứng ngữ.

1.10. Nhân duyên: Đây là thuật ngữ của nhà Phật, mang ba nét nghĩa: Một là, một vật sinh ra, cái gì đích thân cho nó cường lực thì gọi là nhân; cái gì thêm thắt nhược lực vào thì gọi là duyên. Ví dụ: hạt giống (chủng tử) là nhân; mưa móc, nhà nông … là duyên. Nhân và duyên này hoà hợp mà sinh ra lúa, thóc và từ thóc mới chế biến ra gạo. Nhân duyên là gốc của các pháp. Khi chú sớ Kinh Lăng Nghiêm, các vị luận sư đã viết: “Phật giáo lấy nhân duyên làm tông, vì Phật thánh giáo hoá từ cạn đến sâu thuyết về mọi pháp không ngoài hai chữ nhân duyên”. Ngài La Thập đã nói: “Lực mạnh là nhân, lực yếu là duyên”. Ngài Tăng Triệu cũng nói: “Trước sau tương sinh, đó là nhân; hiện tướng trợ thành, đó là duyên. Các pháp cần phải có nhân duyên kết hợp lẫn nhau mới thành lập được”. Hai là, Nhân duyên còn là tên một trong 12 bộ kinh. Bộ kinh này Phạn ngữ là Nidana (Ni-đà-na), bởi trong các kinh thường có những phần mở đầu giống như lời tựa, nêu lý do vì sao đức Phật lại thuyết giảng về những vấn đề đó. Các phần này được gọi là Tự. Tự gồm có hai loại: Thông tự và Biệt tự. Biệt tự chính là Ni-đà-na (Nhân duyên). Ba là, đây là một trong Tứ duyên. Ở đây nhân và duyên không tách biệt, xa rời nhau, nhân cũng tức là duyên. Tứ duyên gồm Nhân duyên (lục căn: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý là nhân; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là duyên );  Thứ đệ duyên còn gọi là Đẳng vô gián duyên (chỉ tâm, tâm sở pháp cứ theo thứ tự không hề gián đoạn mà phát khởi lên); Duyên duyên còn có tên gọi khác là Sở duyên duyên (chỉ tâm, tâm sở pháp do mượn duyên mà sinh khởi, là sở duyên của tự tâm); Tăng thượng duyên (chỉ lục căn năng chiếu cảnh phát thức có lực dụng tăng thượng, lúc các pháp sinh chẳng sinh chướng ngại). Điều này các bộ luận như Trí độ luận, Duy thức luận đã có trình bày, lý giải rất rõ nghĩa. 

          1.11. Thí dụ: Phạn ngữ là Apadana (A-bà-đà-na), Hán dịch là Thí dụ. Đây là một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh này nêu ra những thí dụ, nhờ những thí dụ này đã giúp cho người học đạo, nghe kinh hiểu được rõ nghĩa của giáo lý. Thí dụ chính là lấy cái pháp mình đã biết để làm sáng tỏ cái pháp chưa được biết. Kinh Pháp hoa văn cú có giải thích “Thí là so sánh, dụ là nói cho hiểu rõ, bằng cách dựa vào cái này để so sánh với cái kia, dùng cái nông cạn để nói cái sâu sắc… nói cây đang lay động để cho biết là có gió; làm quạt hình tròn để ví với mặt trăng. Cho nên gọi là thí dụ”. Thí dụ có 8 cách thức là: 1. Thuận dụ (thuận theo lẽ thường ở đời, đi từ nhỏ đến lớn mà nói ra cho rõ ý); 2. Nghịch dụ (hình thức này trái với cách trên, tức đi từ lớn đến nhỏ để nói ý mình); 3. Hiện dụ (lấy việc thường thấy trước mắt để ví dụ, chẳng hạn nói tâm của chúng sinh như loài vượn, ý như loài khỉ (tâm viên ý mã) là ví dụ để chỉ tâm ý con người luôn động, không tĩnh tại); 4. Phỉ dụ (nêu giả thiết không có thật để thí dụ, chẳng hạn nêu 4 quả núi để chỉ 4 nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người); 5. Tiên dụ (nêu thí dụ trước, sau đó mới giảng giáo lý thích hợp, chẳng hạn nói có người thích hoa lan muốn hái lấy nên bị dòng nước cuốn đi. Chúng sinh cũng thế luôn mải theo lắm điều ham muốn nên bị dòng nước tử sinh dìm chết); 6. Hậu dụ (thuyết giảng giáo lý trước, sau mới dùng thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa của giáo lý đã nêu); 7. Tiên hậu dụ (trong khi giảng thuyết, cả trước lẫn sau đều dùng thí dụ, chẳng hạn nói: ví như cây chuối sinh quả rồi thì chết, người ngu được nuôi dưỡng sẽ cũng như vậy); 8. Biến dụ (từ đầu đến cuối đều dùng thí dụ để làm sáng tỏ điều muốn nói). Trong kinh tạng, hiện có 5 bộ kinh mang tên kinh thí dụ: Tạp thí dụ kinh, 01 quyển do Đạo Lược sưu tập; Chúng sinh tạp tuyển thí dụ kinh, 02 quyển, không rõ tên người dịch; Cựu tạp thí dụ kinh, 02 quyển, Khương Tăng Hội dịch; Tạp thí dụ kinh, 02 quyển, không rõ tên người dịch; Tạp thí dụ kinh , 01 quyển, Chi Câu La đời Hậu Hán dịch. Ngoài ra, còn một bộ kinh mang tên Phật thuyết thí dụ kinh do Nghĩa Tịnh đời Đường dịch. Nội dung kinh văn này ghi lại lời đức Phật giảng giải cho Thắng Quang Vương nghe, trong đó nêu ra các thí dụ về giếng cạn, rễ cây, hai con chuột, bốn con rắn, rồng dữ độc, giọt mật, ong đốt, lửa thiêu. 

          1.12. Luận thuyết (Giải thuyết): là sự ghi chép lại những điều luận giải về chính pháp của đức Phật và của các vị Bồ tát, A-la-hán và các vị Tổ sư. Đây là một tiểu loại của Luận tạng (một trong Tam tạng). Trong Tam tạng kinh điển thì Luận tạng là bộ kinh thứ 12 trong 12 bộ kinh (Thập nhị bộ kinh) và được gọi là Luận nghị kinh, Phạn ngữ ghi là Upadesa (Ưu-bà-đề-xá). Bản kinh này ghi lại lời của đức Phật vấn đáp biện luận về pháp tướng. Còn phần kinh ghi lời của các vị đại đệ tử, các vị Bồ tát, A-la-hán sau khi đức Phật tịch diệt, các vị đã chuẩn theo đó mà giải thích kinh nghĩa, biện luận các pháp tướng thì được gọi là A-tỳ-đạt-ma tạng (Abhidharma). Trong Đại tạng kinh thì kinh Ưu-bà-đề-xá và kinh A-tỳ-đạt-ma tạng thuộc phần Luận tạng.

2. ĐẾN HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM:

Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam tiếp thu tư tưởng – giáo lý Phật giáo qua hệ thống kinh văn với các thể loại như trên, từ đó có sự tiếp biến và sáng tạo thêm thể loại mới. Hiện chúng tôi chưa có đủ tư liệu và cũng chưa có điều kiện để tiếp cận và thống kê đầy đủ các thể loại văn học Phật giáo Trung Quốc. Có điều thú vị là văn học cổ Trung Quốc đã sáng tạo một thể loại văn học độc đáo mà thể loại này ở Ấn Độ có thể là không có, hoặc nếu có thì đó chỉ là hình thức kết hợp các  lối văn trong các văn bản kinh khi đức Thế tôn giảng thuyết, chứ chưa thành một thể loại văn học riêng biệt, đó là thể loại Biến văn, Bảo quyển mà các nhà khảo cổ tìm thấy ở động Đôn Hoàng. Đây là thể loại đặc thù của văn học Phật giáo Trung Quốc. Tình hình tư liệu hiện nay ở nước ta cũng chưa tìm thấy tác phẩm theo thể loại này, mặc dù vẫn có nhiều tác phẩm về hình thức có sự kết hợp ba lối văn: Tản văn, Biền văn và Vận văn trong các sách của nhà Phật, nhà Nho. Điều đó có nghĩa, sự kết hợp ba lối văn trong một tác phẩm  trong kinh Phật đã có từ lâu rồi. Khi sang Trung Quốc các nhà sư đã dùng hình thức này để giảng thuyết giáo lý tư tưởng vi diệu của kinh, làm cho những tư tưởng ấy dễ được rộng rãi Phật tử tiếp thu. Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc còn có giả thuyết rằng, chính Biến văn, Bảo quyển với sự kết hợp các lối văn đã ảnh hưởng nhiều đến thể loại Hý khúc, Tiểu thuyết dân gian Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam  hiện chưa tìm thấy một tác phẩm nào thuộc thể tài Biến văn hay Bảo quyển, nhưng hình thức kết hợp ba lối văn thì được sử dụng nhiều trong các tác phẩm  thuộc thể loại Ngữ lục, Luận thuyết, Tụng cổ, Niêm tụng kệ của nhà chùa như Thiền uyển tập anh,Tham đồ hiển quyết (Viên Chiếu), Khoá hư lục (Trần Thái Tông), Thượng sĩ ngữ lục (Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung); trong các truyện truyền kỳ của nhà Nho như Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) v.v.. Gần đây, có nhà nghiên cứu còn nêu giả thuyết, tuy ta chưa có tác phẩm viết theo thể Biến văn nhưng ít nhiều cũng đã chịu ành hưởng của thể loại này nhất là lúc nước ta chịu sự thống trị dưới thời nhà Đường, và phải chăng các thể loại như Vè, Truyện Nôm bình dân có thể có ảnh hưởng từ Biến văn Đôn Hoàng? (2). Có nhà nghiên cứu còn nói Thiền uyển tập anh là một dạng hình thức của Biến văn trong văn học Việt Nam (3).

Có thể nêu ra đây một số thể loại thường gặp trong văn học Phật giáo Việt Nam  mà những thể loại này có nguồn gốc từ các thể loại kinh văn Ấn Độ như : Kệ (kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giải), Ngữ lục, Tụng cổ, Niêm tụng kệ, Luận thuyết, Phổ thuyết, Tự thuyết (Tự), Minh, Bi, Ký, Truyện truyền đăng, v.v.. Khi bàn về thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, chúng tôi chủ yếu là nói về thể loại văn học Phật giáo thời Lý – Trần, bởi lẽ Phật giáo thời Lý – Trần là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam và văn học Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa của văn học Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa, qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy văn học Phật giáo thời Lý Trần hiện diện đầy đủ các thể loại của văn học Phật giáo Việt Nam mà các giai đoạn văn học sau thời này không thể nào sánh bằng về chất lượng cũng như về hình thức nghệ thuật thể hiện.

Văn học Phật giáo Lý - Trần thuộc văn học trung đại nên hệ thống loại hình - thể loại của bộ phận văn học này cũng không thoát khỏi hệ thống loại hình - thể loại của văn học trung đại, mặc dầu nó cũng có vài đặc thù riêng bởi đây là văn học tôn giáo.

Trong bài Mấy vấn đề nghiên cứu văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình, B.L. Riptin đã viết ”Muốn xác định văn học trung đại, cần phải đặt nó trong mối quan hệ với hai kiểu giáp ranh tức quan hệ với văn học cổ đại và văn học cận đại. Văn học trung đại là nền văn học nằm giữa hai nền văn học cổ đại và văn học cận đại” (4). Có thể phát biểu cách khác, văn học trung đại là văn học tồn tại song song với sự tồn tại của chế độ phong kiến. Nền văn học đó mang nặng ý thức hệ phong kiến, chịu ảnh hưởng thế giới quan tôn giáo. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu văn học đã xác định cái mốc của văn học trung đại Việt Nam bắt đầu từ khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược vào mùa đông năm 938 để mùa xuân năm sau (939) thiết lập vương triều độc lập, tự chủ cho đến hết thế kỷ XIX. Cũng cần nói thêm đến giữa thế kỷ XIX (từ năm 1858) xã hội Việt Nam không còn thuần túy là xã hội phong kiến mà bắt đầu chuyển dần sang một hình thái xã hội khác : thực dân nửa phong kiến. Tuy hình thái xã hội có thay đổi nhưng văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX vẫn sáng tác theo thi pháp văn học trung đại, với thể loại và ngôn ngữ của văn học trung đại ... Nếu đi sâu vào từng giai đoạn cụ thể của văn học trung đại Việt Nam thì có thể thấy nếu giai đoạn đầu của văn học trung đại (sơ kỳ trung đại: thế kỷ X - XV), hệ thống thể loại có thứ bậc tôn ty, đậm tính chức năng, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thế giới quan tôn giáo và ý thức hệ chính thống, cơ chế mỹ học có tính quy phạm, ước lệ, tượng trưng thì văn học trung đại giai đoạn cuối (hậu kỳ trung đại: thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX và nửa cuối thế kỷ XIX) đã có sự chuyển hướng rõ rệt về loại hình tư tưởng, loại hình ngôn ngữ, loại hình hình tượng lẫn thi pháp.

Riêng về loại hình thể loại (type) của văn học Phật giáo Lý – Trần, theo chúng tôi thống kê thì nó tồn tại đầy đủ các loại vận văn, tản văn, biền văn với các thể tài tiêu biểu của văn học trung đại. Đa số những thể loại này mang tính chức năng rõ nét, bởi tính chức năng là sản phẩm tất yếu của văn học thời trung đại như trên đã nói. Tính chức năng ấy có liên hệ chặt chẽ với ý thức hệ chính thống của giai cấp thống trị và mang nặng thế giới quan thần bí tôn giáo. Đây là thứ tôn giáo có tính chất cả vùng, cả khu vực. Ở Việt Nam thời bấy giờ  chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật - Lão - Nho. Ảnh hưởng Tam giáo này được phản ánh xuyên suốt trong các tác phẩm, ở các thể loại khác nhau của văn học trung đại Việt Nam, nhất là văn học trung đại giai đoạn đầu : thời Lý - Trần. Những thể loại đó là những sản phẩm thành văn tuân theo quy luật văn - sử - triết bất phân. Hồi ấy, với tư duy tổng hợp, cha ông ta đã hiểu chữ “văn” với một nội hàm và ngoại diên rất rộng, chứ không như cách hiểu của thế hệ hiện đại hôm nay. Các vị cho rằng mọi trước tác, trước thuật đều được gọi là “văn”. Vì không phân biệt các loại nên đã dẫn đến thực trạng văn học mang hai loại chức năng :

- Chức năng hành chính gồm các thể tài: chiếu, chế, biểu, hịch, cáo, văn sách, kinh nghĩa ...

- Chức năng lễ nghi - tôn giáo gồm các thể tài: kinh, kệ, thơ Thiền, ngữ lục, tụng cổ, niêm tụng kệ, bi, minh, ký, văn tế, luận thuyết tôn giáo, truyện truyền đăng, truyện các thánh  ...

Nếu những thể loại mang tính chức năng hành chính gồm những áng văn mang phong cách hoành tráng cao thượng (syblime) thì những thể loại mang tính chức năng tôn giáo lại mang đậm dấu ấn tư tưởng triết học Phật-Lão-Nho.

Văn học với hai chức năng trên, hiện các nhà lý luận văn học gọi đó là những thể loại có yếu tố phi văn học hay những thể loại có chức riêng ngoài văn học. Theo B.L. Riptin, những thể loại này vào đầu thời trung đại ở vị trí trung tâm, rất được coi trọng, còn những thể loại mang tính chức năng yếu hoặc không mang tính chức năng như thơ trữ tình (thơ vịnh, thơ xướng họa thù tạc, thơ tả cảnh, thơ ngôn chí ...), truyện truyện kỳ, tiểu thuyết chương hồi, truyện thơ ... thì tồn tại bên ngoài rìa. Đến giai đoạn cuối của thời trung đại, nó được chuyển vào vị trí trung tâm, trở thành văn học hình tượng; trong khi đó, những thể loại mang tính chức năng lại đẩy ra ngoài rìa và sẽ tàn lụi hoặc mất hẳn ở thời cận hiện đại. Sở dĩ có sự phân biệt thứ tự tôn ty như trên là do người sáng tác xem các thể loại như là một thứ  lễ tiết văn học (étiquette littérature), một quan niệm về sự lịch thiệp văn học (décence littérature)(5). Việc phân loại và xác định ranh giới các thể loại văn học thời Lý - Trần là một việc không đơn giản bởi lẽ từ trước đến nay các nhà nghiên cứu đã có thể có những cách nhìn không thống nhất. Có người coi thể loại văn học là tất cả những thể thức viết văn, tức chú trọng đến hình thức nghệ thuật của thể tài mà phân loại, và hình thức đó đã được thời đại quy ước bằng những cái tên thông dụng như chiếu, biểu, hịch, cáo... Cũng có người chú ý đến phương thức phản ánh của thể loại, tức đặt tên cho một số thể loại bằng chính cái cách thức, cái chức năng mà thể loại đó đảm nhiệm như  ai, điếu, tán, tụng ... Từ sự phức tạp trên, Nguyễn Huệ Chi đã quan niệm “chỉ có thống kê tỉ mỉ tất cả mọi đặc điểm riêng và chung, về nghệ thuật cũng như về phương thức biểu hiện nội dung tác phẩm, của mọi thể thức viết văn mà thời đại Lý - Trần đã thông dụng thì mới phân định được thật hợp lý các thể loại văn học Lý - Trần. Những đặc điểm chung nhất và bền vững nhất cho một số hình thức văn chương sẽ có tác dụng tập hợp các hình thức đó vào trong một loại. Những đặc điểm thấp hơn, riêng biệt hơn và cũng kém bền vững hơn, sẽ làm cho mỗi loại phân thành nhiều thể. Và những đặc tính trung gian giữa từng loại, thể, lại có tác dụng nối các loại các thể lại trong một chỉnh thể với nhau” (6). Do xu thế phát triển của ngôn ngữ, do sự linh hoạt, uyển chuyển của người cầm bút và do mối quan hệ chặt chẽ giữa các thể, các loại thường tạo thành những quan hệ đan chéo phức tạp, những bước chuyển hóa đưa đến những thể loại có khả năng tổng hợp hơn. Dĩ nhiên, bước chuyển hóa từ loại này sang loại kia bao giờ cũng thay đổi về chất. Nó đòi hỏi có biến đổi sâu sắc trong hình thức nghệ thuật. Còn giữa thể này và thể kia trong cùng một loại thì nhiều khi mới là đổi thay về lượng, hoặc về phương thức phản ánh tác phẩm (7).Từ đó, một số nhà nghiên cứu đã chia văn học Lý - Trần thành 5 loại, được xếp theo thứ tự tôn ty và theo chiều hướng diễn tiến hợp quy luật: thơ ca - biền văn - tản văn - tạp văn - truyện kể. Riêng Nguyễn Huệ Chi trong Khảo luận văn bản của bộ sách Thơ văn Lý – Trần , tập 1, trang 183-184 đã phân loại chi tiết theo sơ đồ về mối quan hệ giữa chúng như sau:

 

 

 

Thơ ca

            Thơ sấm vĩ

            Thơ suy lý

            Thơ trữ tình

           Thơ tự sự

 

 

Biền văn

             Phú

             Hịch, cáo

             Chiếu, chế

             Biểu, tấu

 

Tản văn

             Văn bình luận

             Văn thư  tín

             Văn ngữ lục

Tạp văn

        Luận thuyết tôn giáo

 

Truyện kể

             Truyện

              Sử

              Bia, ký

 

Có thể có người sẽ có băn khoăn ít nhiều về hệ thống phân loại chi tiết này, nhưng ở đây chúng tôi xin tạm chưa bàn thêm gì mà chỉ muốn nói rằng trong hệ thống thể loại đó, văn học Phật giáo Lý - Trần đã hiện diện gần như đa số các thể loại. Có điều, hệ thống thể loại từ đời Lý đến đời Trần đã có sự chuyển biến, phát triển cả về chất lẫn về lượng. Nếu hệ thống thể loại của văn học Phật giáo  đời Lý chưa hình thành đầy đủ, chỉ mới có một số thể loại chủ yếu như kệ, thơ Thiền, thơ tả cảnh, từ khúc, bi ký, minh, ngữ lục ... thì sang văn học Phật giáo đời Trần, bên cạnh những thể loại đã có, còn xuất hiện thêm phú, ca, tụng cổ, niêm tụng kệ, luận thuyết tôn giáo, các thể truyện, thơ trữ tình. Dĩ nhiên, những thể loại trên cũng được phân định rạch ròi và sắp xếp có thứ bậc tôn ty theo quy luật Văn - Sử - Triết bất phân và theo quan niệm văn học thời trung đại.

Như trên có đề cập, những thể loại văn học Lý - Trần mang hai tính chức năng và nếu các thể loại văn học mang tính chức năng hành chính rất hiếm hoặc không được các tác giả của bộ phận văn học Phật giáo  sử dụng thì ngược lại, những thể loại mang tính chức năng tôn giáo lại được các tác giả của bộ phận văn học này ưa chuộng, sử dụng rộng rãi, bởi nó gắn bó và phù hợp với nhà chùa nhiều hơn.

Có thể miêu tả một số thể loại tiêu biểu của văn học Phật giáo Lý - Trần như sau, những thể loại này cũng tiêu biểu cho hệ thống thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, vì Phật giáo giai đoạn sau thời Lý – Trần không có thấy thêm thể loại mới nào:

2.1. Sấm vĩ .

Hình thức thể loại này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, ở các sách Dịch vĩ, Thư vĩ, Thi vĩ. Đó là những bài văn vần ngắn, dùng lối chiết tự để dự đoán, báo trước những hiện tượng chính trị, những sự kiện lịch sử sẽ xảy ra. Thể loại này trước thời Lý - Trần đã xuất hiện với những bài văn vần ngắn của Định Không, La Quý (An) thuộc dòng Thiền Tỳ ni đa lưu chi  mà trong một bài viết trên tạp chí Hán Nôm chúng tôi có dịp trình bày. Có thể xem những bài tứ ngôn, ngũ ngôn này là hình thức phôi thai để sang thời Lý - Trần hoàn chỉnh hơn, nội dung súc tích mang nét huyền bí hơn. Chẳng hạn, vào cuối đời Đinh đã xuất hiện Sấm thi (khuyết danh) tiên đoán việc Đỗ Thích giết hai vua nhà Đinh, rồi nhà Lê lên thay, tiếp theo là nạn cát cứ với mười hai sứ quân v.v... Hay như lời tiên đoán của sư  Đỗ Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành về vận nước qua bài Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, tr. 204).

Cuối triều Lê, Thiền sư Vạn Hạnh (939? - 1018) tiên đoán người họ Lý ở hương Cổ Pháp đang giữ chức Thân vệ Tả Điện tiền chỉ huy sứ sẽ lên ngôi báu và hương Cổ Pháp sẽ đổi tên thành phủ Thiên Đức trong bài sấm Quốc tự :

          Cái tam nguyệt chi nội,            Trong vòng ba tháng nữa,

          Thân vệ đăng trụ xã tắc.          Thân vệ lên nối ngôi.

          Lạc trà ấn quốc tự,                            Cây đa in chữ “quốc”,

          Thập khẩu thủy thổ khứ,          Đất Cổ Pháp này thôi,

          Ngộ thánh hiệu Thiên Đức.      Gặp thánh hiệu Thiên Đức.

                              (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 217)                                 

“Thân vệ” là chức quan của Lý Công Uẩn: Thân vệ Tả Điện tiền chỉ huy sứ. “Thập khẩu thuỷ thổ khứ” được dùng theo lối chơi chữ, chiết tự, chữ “thập” (十) và chữ “khẩu” (口) ghép thành chữ “cổ” (古); ba chữ “thuỷ” (水), “thổ” (土), “khứ” (去) ghép thành chữ  “pháp” (法), mà Cổ Pháp 古 法 là tên làng (hương) tức nơi chôn nhau cắt rốn của Lý Công Uẩn, sau này đổi tên thành Thiên Đức.

Hoặc bài Yết bảng thị chúng cũng của sư Vạn Hạnh  dự báo họ Lý sẽ thay họ Lê trị vì thiên hạ, đem lại cảnh thái bình cho nhân dân (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 217). Cũng xung quanh việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thời gian này còn xuất hiện một chùm thơ sấm mà bộ sách Thơ văn Lý - Trần tập 1, các soạn giả chỉ chọn 7 bài. Những bài sấm vĩ  này hiện chưa rõ tác giả nhưng theo các soạn giả thì phần lớn chúng đều có dính dáng đến tiểu sử các nhà sư như Vạn Hạnh, Đa Bảo và quan lại như  Đào Cam Mộc ... Có thể đây là những sáng tác của một nhóm nhân vật tích cực trên nhằm mục đích ủng hộ cuộc đảo chính nhà Lê và tuyên truyền cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Ở đây cũng cần lưu ý là trong chùm thơ sấm này có một bài với nhan đề Đại Sơn, mà Thơ văn Lý - Trần tập 1, tr. 219 ghi là khuyết danh, nhưng theo Thiền uyển tập anh thì đó là bài kệ mang tính sấm vĩ của Thiền sư La Quý (An) đọc vào năm 936.

Thể loại thơ sấm vĩ  ở văn học Phật giáo đời Lý, hiện chỉ còn 13 bài, còn văn học Phật giáo  đời Trần thì hiện chưa tìm thấy sấm vĩ.

Nhìn chung, sấm vĩ là lời tiên đoán, dự báo việc sẽ xảy ra nhưng người đọc cũng có thể nghĩ rằng việc xảy ra rồi mới xuất hiện sấm vĩ vì nhằm khẳng định, đồng thời củng cố niềm tin trong tâm thức của quần chúng về vấn đề, sự việc đó.

2.2. Từ khúc .

Theo các nhà nghiên cứu, từ khúc là tên gọi chung cho tất cả những bài hát cổ của Trung Quốc, hoặc có tính chất  dân gian, hoặc do văn nhân nghệ sĩ dựa theo các lối Sở từ, nhạc phủ mà sáng tác.

Sự thật từ và khúc có khác nhau. Từ gần với thơ hơn, từ  thường theo lối câu dài câu ngắn, nhưng cũng có hạn định. Bộ vần của từ có rộng rãi hơn. Riêng khúc, chỉ áp dụng cho hí khúc và số lượng chữ trong câu của bài khúc, không nhất định, có thể thay đổi do sự diễn xướng. Nói chung, người ta vẫn có xu hướng gọi chung là từ khúc vì xét về hình thức câu thơ thì cũng có những nét tương tự giữa từ và khúc. Điều đó có nghĩa là phần lớn từ khúc ngày xưa thường phổ nhạc để ca, ngâm (bao gồm cả ca lời (ca từ) và nhạc). Về hình thức của thể loại, những từ khúc này thường làm theo thể trường đoản cú hoặc trúc chi từ . Câu ngắn có thể ba, bốn hay năm chữ, câu dài có thể lên đến mười, mười một chữ. Vần và nhịp trong bài cũng không cố định, có thể gieo vần bằng hoặc trắc, hay bằng trắc xen kẽ nhau và thường là cước vận. Nhịp có thể là lẻ trước chẵn sau hoặc ngược lại. Trong văn học Trung Quốc, thể loại này thịnh hành vào đời Đường và đạt đỉnh cao vào thời Tống. Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết những thể loại văn học đạt nhiều thành tựu trong văn học Trung Quốc như phú đời Hán, thơ đời Đường, từ đời Tống và tiểu thuyết đời Minh - Thanh đủ chứng tỏ từ khúc đời Tống đã đạt đến trình độ điêu luyện như vừa nêu. Theo Bùi Văn Nguyên, từ khúc đời Đường, đời Tống có đến hàng mấy trăm điệu. Trong văn học Việt Nam, có một số điệu được các văn nhân nước ta mô phỏng như Bồ tát man, Tây giang nguyệt, Nguyễn lang quy, Xuân quang hảo, Cách phố liên, Bộ bộ thiềm, Nhất tiễn mai, Phong hoa lạc ... và hầu hết sáng tác bằng Hán văn, tuy thỉnh thoảng cũng có nhà thơ sáng tác một ít bằng quốc âm  (8).

Riêng trong văn học Lý - Trần, với ngót năm thế kỷ văn học, thể loại này lại rất hiếm. Theo thư tịch hiện nay, chỉ  mới tìm  thấy một bài và bài này lại là của bộ phận văn học Phật giáo Lý - Trần. Đó là bài Vương lang quy từ được viết theo điệu Nguyễn lang quy của Khuông Việt quốc sư Ngô Chân Lưu (933-1011). Bài từ được Khuông Việt viết năm 987 dưới triều vua Lê Đại Hành (980-1005) lúc ông được triều đình cử ra giao thiệp với sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Khi sứ giả hoàn thành nhiệm vụ trở về, ông đã viết từ khúc này để tặng tiễn sứ giả. Xác định hoàn cảnh ra đời như trên để thấy rõ tầm quan trọng của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã đánh giá “Vương lang quy từ không chỉ là một trong những tác phẩm mở đầu cho nền văn học dân tộc, mà nó còn gắn liền với các sự kiện quan trọng của lịch sử ngoại giao và Thiền tông nước ta ở thời kỳ mới giành được độc lập, thế kỷ X” (9). Một bài từ khúc thường có tổng số 47 chữ được sắp xếp trong 8 câu. Tuy vậy, ở các nghệ sĩ tài hoa vẫn luôn tìm cách “phá rào”, tức sáng tác theo lối biến thể tăng hoặc giảm số tiếng trong bài. Trên cơ sở nghiên cứu Tống từ ở những bài được viết theo điệu Nguyễn lang quy, tác giả đã so sánh và rút ra kết luận “Điệu Nguyễn lang quy dù biến thể theo kiểu tăng hoặc giảm trong một bài được cố định ở số 3 và trong từng câu, số chữ chỉ tăng hoặc giảm trong một bài từ 1 đến 2, nếu biến thể tăng thì chỉ tăng chữ ở câu 2 và 5. Những thông số trên là biên độ biến thể cho phép, chúng tạo thành đường viền sóng dao động biến thể điệu Nguyễn lang quy” (10). Như vậy, bài từ được viết theo điệu này nếu biến thể giảm thì sẽ có 44 chữ, còn nếu biến thể tăng thì sẽ có 50 chữ (con số dao động cố định là 3). So sánh với bai từ đang lưu hành chép trong Đại Việt Sử Ký toàn thư thì có 49 chữ (tr.172), trong tuyển tập Thơ văn Lý - Trần (tập 1, tr. 209) cũng vậy; còn trong Thiền uyển tập anh thì chỉ có 48 chữ (tờ 9a). Từ đó, bằng phương pháp khảo sát văn bản, dựa vào cấu trúc loại hình thể loại, đặc biệt là tìm sóng dao động của cấu trúc và phương pháp giải mã văn bản bằng cách tìm hệ quy chiếu ảnh xạ của các sự kiện lịch sử - ngoại giao - văn học - từ nghĩa, đặt bài thơ tặng Lý Giác bên cạnh bài từ đáp của Khuông Việt, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra một văn bản được khôi phục gần với nguyên tác nhất, theo biến thể tăng (gồm 50 chữ) đúng với diện mạo của nó như sau :

Vương lang quy                                                            Chàng Vương trở về

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,      Gíó xuân đầm ấm cánh buồm giương,

Dao vọng thần tiên phục đế hương.              Ngóng vị thần tiên lại đế hương.

Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang,                     Non nước nghìn trùng vượt đại dương,

Cửu thiên quy lộ trường.                                          Trời xa bao dặm trường !

Nhân tình thảm thiết đối ly thương,          Lòng người thảm thiết, chén đưa đường,

Phan luyến sứ tinh lang,                                          Vin xe sứ giả vấn vương !

Nguyện tương thâm ý vị biên cương,        Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng :

Phân minh tấu ngã hoàng.                                       Lưu ý chốn biên cương.

                  (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr.209, có sửa chữa lại)                   

2.2.3. Kệ và thơ Thiền .

Về tên gọi của thể loại này, các nhà nghiên cứu đã nêu lên một số tên như thơ của nhà chùa, thơ thể hiện triết lý Phật giáo, kệ ... đều là thơ Thiền. Nguyễn Duy Hinh đã chia thơ Thiền làm ba loại :

Thứ nhất, các thể loại kệ, tụng cổ là những hình thức “bình giảng về lý thuyết Phật giáo”, “thuần túy bàn về giáo lý và tu hành”, “đó là những tác phẩm thuộc phạm trù kinh và luận của Phật giáo”.

Thứ hai, những áng văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo, nội dung bàn về Sinh, Tử, Hữu, Vô, Tâm, Phật ... đã thoát khỏi kệ, mang những rung động thơ ca, nhưng đứng giữa thơ  và kệ.

Thứ ba, những tác phẩm ít nhiều có sử dụng từ ngữ Phật giáo song tuyệt nhiên không mang nội dung Phật giáo (11).

Nguyễn Phạm Hùng trong luận án “Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu Văn học Việt Nam thời Lý - Trần” đã tổng kết các quan niệm về thơ Thiền như sau :

- Thơ Thiền là các bài kệ nhằm nêu lên một triết lý Thiền, một quan niệm Thiền hay một bài học Thiền nào đó;

- Thơ Thiền là thơ nằm giữa kệ và thơ, vừa ảnh hưởng tư  tưởng Thiền, vừa mang những rung động thơ ca có tính trần thế;

- Thơ Thiền là thơ bao gồm cả kệ và các bài thơ “tức cảnh sinh tình” của các nhà sư, nhằm nêu lên một triết lý, một quan niệm Thiền;

- Thơ Thiền là thơ của các nhà sư và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu và yêu thích Phật giáo, nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp nêu lên một triết lý, một bài học, một trạng thái cảm xúc, tâm lý Thiền (12).

Trên cơ sở đó, tác giả đã chia thơ Thiền làm hai loại :

- Thơ Thiền thiên về triết lý: nòng cốt của nó là kệ (tán, tụng, ngộ giải) và cả những bài thơ trực tiếp phát biểu về các triết lý và quan niệm Thiền. Thời Lý, nó chiếm tới 139 trên 148 đơn vị tác phẩm, tức 94% tổng số thơ Thiền. Thời Trần, nó chiếm tới 182 trên 257 đơn vị tác phẩm, tức 70% tổng số thơ Thiền.

- Thơ Thiền thiên về trữ tình: những bài thơ thuộc loại này mang yếu tố Thiền về tư tưởng, cảm xúc, tâm trạng, tâm lý. Đó là những bài thơ có khả năng mở rộng biên giới của thơ Thiền. Thời Lý, nó chỉ có 9 đơn vị tác phẩm với tỷ lệ 6% tổng số thơ Thiền. Thời Trần, có 75 đơn vị tác phẩm chiếm tỷ lệ 30% tổng số thơ Thiền (13).

Như vậy khái niệm thơ Thiền hàm một nghĩa tương đối rộng, có tính chất mở. Ở đây, như đã giới thuyết, chúng tôi xem những sáng tác của Thiền sư, vua chúa, quan lại kể cả nhà Nho có trực tiếp hay gián tiếp tu Thiền hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền học, Phật giáo; kể cả những tác phẩm sử dụng những thể loại tồn tại trong nhà chùa đều là văn học Phật giáo. Từ quan niệm có tính chất mở đó, chúng tôi tạm chia kệ và thơ Thiền gồm năm loại như sau :

- Loại thứ nhất là kệ (kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giải). Những bài kệ này trực tiếp trình bày giáo lý, tư tưởng nhà Phật bằng hình thức thơ ngắn gọn, cô đúc, chuyển tải những nội dung súc tích, những tư tưởng uyên áo của Thiền học, Phật học. Những bài kệ đó có mã ngôn ngữ riêng, muốn tìm hiểu được chúng người đọc phải có chìa khóa để giải mã thì mới có thể thấu đạt, thể nhập được chân lý ẩn tàng trong đó. Thật ra, về nguồn gốc, kệ là những bài văn vần (thơ) thường là bốn câu, có khi tám câu với nhiệm vụ thâu tóm một cách cô đọng lời kinh bằng văn xuôi đã giảng thuyết ở phần trước. Chính từ ghép “kinh kệ” đã nói lên mối quan hệ gắn bó đó.

Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy trong văn học Phật giáo Lý - Trần những bài kệ trong Thiền uyển tập anh, trong Khóa hư lục (Trần Thái Tông), Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (Trần Tung) v.v... như các bài Nguyên hỏa của Khuông Việt; Tâm không của Viên Chiếu; Thị đạo của Trường Nguyên; Hữu tử tất hữu sinh của Trì Bát; Hiến hương kệ, Thử thời vô thường kệ... của Trần Thái Tông; Kiến giải, Thị học... của Tuệ Trung Thượng sĩ...

Cũng có khi đó là lời răn dạy đệ tử, hoặc lời trối trăng của các Thiền sư đọc trước lúc tịch diệt như các bài Thị đệ tử Bản Tịch của Thuần Chân; Thị tịch của Ngộ Ấn; Thị chúng của Tuệ Trung Thượng sĩ.

Sau đây là 4 câu kệ do Khuông Việt ứng khẩu trước lúc mất, để nói cái bản thể trường tồn của vũ trụ mà trong bất kỳ hiện tượng vật chất nào cũng có nó:

                  Nguyên hỏa                      

Mộc trung nguyên hữu hỏa,               Lửa sẵn có trong cây,

Nguyên hỏa phục hoàn sinh.             Vơi đi, chốc lại đầy.

Nhược vị mộc vô hỏa,                        Ví cây không sẵn lửa,

Toàn toại hà do manh ?          Xát lửa, sao bùng ngay ?

                    (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr.211)                                  

Hoặc bài Thị chúng  của Tuệ Trung Thượng sĩ bảo mọi người hãy nuôi dưỡng và giữ nguyên cái trạng thái hồn nhiên chân chất như trẻ thơ, đừng để cái sắc tướng làm sai lạc, phiền nhiễm. Có như thế mới giữ được Phật tính:

Thế gian nghi vọng bất nghi chân,              “Dối” ưa, “thực” ghét, ấy trò đời,

Chân vọng chi tâm diệc thị trần.                 Thực dối tâm kia, bụi cả thôi.

Yêu đắc nhân cao siêu bỉ ngạn,                   Muốn nhảy cho cao, sang bên no,

Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân.             Hỏi xem con trẻ, có như lời.

                    (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr.231)           

- Loại thứ hai là kệ được thi vị hóa. Có thể xem đây là thơ triết lý bởi lẽ về hình thức, các tác giả đã sử dụng thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn, với ngôn ngữ lung linh, đầy hình  ảnh đẹp và gợi cảm, giàu chất thơ, nhưng đằng sau cái vỏ hình thức ngôn ngữ ấy ẩn tàng triết lý nhiệm màu của nhà Phật. Chúng ta thường gặp những câu thơ, bài thơ thuộc loại này trong Tham đồ hiển quyết (Viên Chiếu); Nhất nhật hội chúng (Tịnh Không); Cáo tật thị chúng (Mãn Giác) với hai câu cuối; Vạn sự quy như, Nhập trần (Tuệ Trung Thượng sĩ) v.v... Sinh tử, Chân tâm chi dụng (Trần Thánh Tông) v.v...

Chẳng hạn trong Tham đồ hiển quyết thông qua dạng vấn đáp (thể ngữ lục) khi có đệ tử hỏi “Lý không phân biệt được, tướng không thể thấy được, vì sao mà không thấy ?” thì được Viên Chiếu trả lời bằng hai câu thơ tả cảnh thật gợi cảm :          

            Uyển trung hoa lạn mạn                           Hoa rực rỡ vườn hồng

          Ngạn thượng thảo ly phi                             Cỏ thưa thớt bờ sông

                    (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 284)                                 

Hoa dù cho rực rỡ trong vườn, cỏ dù thưa thớt ngoài nội, tất cả là những cái có thật trong hiện thực khách quan (thực tướng). Nhưng chúng có tồn tại mãi không? Hoa sẽ tàn, cỏ sẽ héo. Như thế thực tướng cũng chính là giả tướng. Vấn đề ở chỗ người học đạo cần phải đạt đến cái tâm không phân biệt thì mới thấy hết, mới thể nhập cái bản thể chân như, lúc ấy hoa với cỏ  chỉ là một mà thôi. Trong Nhất nhật hội chúng, Thiền sư Tịnh Không đã ghi lại lời hỏi đáp giữa đệ tử với Thiền sư, khi đệ tử hỏi “Như hà thị Phật” (Thế nào là Phật ?) thì được trả lời bằng hai câu thơ sinh động :

Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,                 Nắng tỏa, trăng soi triệu cõi đời,

Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.                          Ai ngờ sông núi móc mưa rơi.

                    (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 481)                                 

Qua lời đáp, Tịnh Không đã đưa ra khái niệm vô tận vô cùng của thời gian, không gian là hai thuộc tính gắn liền với bản thể vũ trụ, để giải đáp cái điều mà đệ tử thắc mắc (Thế nào là Phật). Đồng thời, Thiền sư cũng lưu ý đồ đệ là không nên câu chấp, bám vào những hiện tượng thoáng qua chốc lát như mưa móc (vân vụ) mà hiểu chữ “Phật”.

- Loại thứ ba là thơ mang cảm hứng Thiền học. Đây là những bài thơ cảm xúc trữ tình nhưng nội dung có đề cập đến tâm, Phật, sinh, tử, niết bàn, chân như, sắc không, hư vô ... Loại này chiếm một số lượng khá lớn trong kệ thơ Thiền. Ở văn học Phật giáo đời Trần nó xuất hiện với tần số cao hơn trong văn học Phật giáo  đời Lý. Có thể đơn cử một số bài tiêu biểu như Ngôn hoài của Không Lộ; Hưu hướng Như lai của Quảng Nghiêm; Hoa điệp của Giác Hải và nhiều bài thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung như Thủ nê ngưu, Vấn Phúc Đường đại sư tật, Điệu tiên sư, Ngẫu tác, Chí đạo vô nan, Tâm vương, Đề tịnh xa v.v..; nhiều bài thơ của Huyền Quang như Tảo thu, Thạch thất, Diên Hựu tự, Đề Đạm Thủy tự v.v... Hãy đọc lại vài bài trong số trên để thấy rõ hơn:

              Tự tại (Tuệ Trung Thượng sĩ)

Đằng thử vô đoan tiệm tiệm xâm,Nanh chuột dây bìm cứ lấn xâm,

Quy lai chung lão ký sơn lâm.      Về thôi, già gởi chốn sơn lâm.

Sài môn mao ốc cư tiêu sái,         Nhà tranh cửa liếp phong quang chán,

Vô thị vô phi tự tại tâm.              Phải trái đều không, tự tại tâm.

             (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr.242)                              

Ngày tháng thì qua mau, đời người sẽ chóng già cho nên người học đạo cần giữ thanh tịnh, bình thản, tự tại, vô thị vô phi. Đó là lời khuyên của vị Thượng sĩ triều Trần qua bài thơ đầy ý vị trên.

Hay như bài Đề Đạm Thủy tự của Huyền Quang:   

Đạm Thủy đình biên đã thảo đa,        Bên đình Đạm Thủy cỏ đua tươi,

Không sơn vũ tễ tịch dương tà.          Mưa tạnh non quang, bóng ngã dài.

Nhân qua liễn lộ đầu Thiền thất,       Tiện lối xe vua vào vãng Phật,

Ủng phạn xao chung giản lạc hoa.    Thỉnh chuông, giúp sãi nhặt hoa rơi.                        

(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 698)

- Loại thứ tư  là thơ tức cảnh sinh tình, bộc lộ cảm xúc tâm trạng của Thiền sư đối với cái lung linh, mỹ lệ của ngoại cảnh thông qua cảm quan Thiền học. Loại này cũng chiếm một tỷ lệ khá cao trong thơ Thiền, nhất là trong thơ Thiền đời Trần. Có thể liệt kê một số bài tiêu biểu như Ngư nhàn của Không Lộ (?), nhiều bài thơ của Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang như Cúc hoa (6 bài), Sơn vũ, Chu trung, Trúc miên, Ngọ thụy, Nhân sự đề Cứu Lan tự, Địa lô tức sự, Quá Vạn Kiếp, v.v...

Sau đây là bài Phiếm chu của Huyền Quang:

Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang,        Lướt gió thuyền  con ruổi tít mù,

Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.              Non xanh nước biếc, ánh trời thu.

Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại,                  Khuất lau sáo nổi vài ba tiếng,

Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.          Sương phủ, trăng chìm dưới đáy sâu.

 (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr.694)                    

Những bài thơ của Tuệ Trung như Giang hồ tự thích (I, II), Thoát thế, Phúc Đường cảnh vật v.v...; của Trần Thái Tông như  Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn; của Trần Thánh Tông như Đề Huyền Thiên động, Hạnh Thiên Trường hành cung; của Trần Nhân Tông như  Xuân hiểu, Động Thiên hồ thượng, Xuân cảnh ...

              Xuân cảnh (Trần Nhân Tông)

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,                 Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.                Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,                    Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.                        Cũng tựa lan can nhìn núi mây.

(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr.460)                             

- Loại thứ năm là thơ của số vua chúa, quý tộc, quan lại, Nho sĩ viết về nhà chùa, ít nhiều chịu ảnh hưởng và mang cảm hứng Thiền.

Loại này chiếm một số lượng cũng đáng kể trong kệ và thơ Thiền. Chẳng hạn, ở đời Lý có một số bài của Thượng thư  Đoàn Văn Khâm với Vãn Quảng Trí Thiền sư, Điệu Chân Không Thiền sư, Tặng Quảng Trí Thiền sư; của Lý Thái Tông với Truy tán Tỳ ni đa lưu chi; của Lý Nhân Tông với hai bài  Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư; Tán Giác Hải thiền sư, Thông Huyền đạo nhân; đặc biệt ở đời Trần, dạng này tần số xuất hiện cao hơn với các tác giả như Trần Anh Tông với các bài Vân Tiêu am, Ký Phổ Tuệ tôn giả ...; của Trần Minh Tông với Cam Lộ tự, Nguyệt Áng sơn Hàn Đường, Tặng Huyền Quang tôn giả... Một số thơ của nhóm Bích Động thi xa  như  Mai thôn phế tự, Đề Gia Lâm tự... của Trần Quang Triều; Tiên Du Vạn Phúc tự, Túc Thứu thượng nhân thiền phòng... của Nguyễn Sưởng; Đại tạ ngự tứ mặc họa long; Nguyệt nhật yết Diên Quang tự Nguyệt Đàm thượng nhân của Nguyễn Ức ... Ngoài ra, có thể kể thêm một số bài khác như Phỏng tăng của Phạm Toại; Đề Cam Lộ tự  va Du Phật Tích sơn lưu đe của Phạm Sư  Mạnh. Bài Ký Phổ Tuệ tôn gia của Trần Anh Tông:

Huyễn khu tuy kiên bất túc ưu,                   Đừng lo bền mãi thân hư ảo,

Khách vân tụ tán, thủy phù bào.                 Mây hợp rồi tan, bọt nước trôi.

Ức lai Phật pháp nguy như lũ,                     Phép Phật huyền vi, bừng nhớ lại,

Độc đối hàn đăng lệ ám lưu.                      Đèn xanh một bóng lệ thầm rơi.

           (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 582)                             

Hay như bài Đề Gia Lâm tự của Trần Quang Triều :

          Tâm khôi oa giác mộng,                      Nguội ngắt lòng danh lợi,

          Bộ lý đáo Thiền đường.                       Am Thiền rảo gót qua.

          Xuân vãn hoa dung bạc,                     Xuân chầy hoa mỏng mảnh,

          Lâm u thiền vận trường.                    Rừng thẳm ve ngân nga.

          Vũ thu thiên nhất bích,                      Mưa tạnh da trời biếc,

          Trì tịnh nguyệt phân lương.               Ao trong ánh trăng ngà.

          Khách khứ tăng vô ngữ,                    Khách về sư biếng nói,

          Tùng hoa mãn địa hương.                  Thông rụng nức mùi hoa.

(Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 614)                   

Trên đây là sự phân loại các dạng kệ và thơ Thiền. Thật ra, xét đến cùng, sự phân loại như thế cũng chỉ là tương đối, vì chỉ căn cứ vào tác giả, vào nội dung phản ánh của tác phẩm chứ chưa đủ sức thuyết phục, bởi lẽ, rất khó có thể phân chia rạch ròi về các dạng thơ Thiền. Nếu so sánh thể loại này với các thể loại khác của văn học Phật giáo thì có thể thấy văn học Phật giáo Lý-Trần thích sử dụng thể loại kệ và thơ Thiền. Con số 405 tác phẩm trên tổng số 471 đơn vị tác phẩm mà chúng tôi khảo sát với tỷ lệ gần 86% đã nói lên điều vừa nêu.

Về mặt nội dung chuyển tải, trên cái nhìn tổng thể về văn học Phật giáo Lý - Trần, có thể thấy kệ và thơ Thiền trực tiếp hay gián tiếp bày tỏ giáo lý Phật giáo, bàn về Phật về Thiền  vẫn là đa số với 321 trên tổng số 405 đơn vị tác phẩm, chiếm tỷ lệ gần 80%. Trong khi đó kệ và thơ Thiền mang nội dung cảm xúc trữ tình, cảm hứng Thiền chỉ chiếm 84 trên tổng số  đơn vị tác phẩm với tỷ lệ trên 20%.

Nếu so sánh giữa kệ và thơ Thiền đời Lý với đời Trần, qua phân loại và thống kê, thơ Thiền đời Lý thường thiên về bày tỏ giáo lý nhà Phật, tần số xuất hiện rất cao (tỷ lệ 94%), còn đời Trần thì nội dung này lại thấp hơn (tỷ lệ trên 70%). Bên cạnh thơ Thiền thiên về cảm xúc trữ tình thì ngược lại, văn học Phật giáo  đời Lý chỉ chiếm khoảng 6%, còn văn học Phật giáo đời Trần thì chiếm khoảng 30% như đã có nhà nghiên cứu thống kê (14) và chúng tôi cũng nhất trí với con số thống kê ấy. Điều đó có nghĩa là khi cảm xúc trữ tình trong thơ Thiền ngày càng gia tăng thì biên giới thơ Thiền sẽ được mở rộng và lúc này, thơ Thiền “tiến gần tới các thể loại thơ trữ tình hay thơ tự sự thì hình thức thể loại của nó càng mờ nhạt đi những dấu ấn riêng biệt mà mang hình thức gần gũi với các thể loại thi ca khác(15). Nhiều thơ Thiền của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Huyền Quang .v.v... là những minh chứng cho ý kiến trên.

Về mặt hình thức thể loại, nếu đa số kệ và thơ Thiền đời Lý thường được viết theo thơ cổ thể hay lối trường đoản cú, hoặc tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn phóng khoáng về niêm luật, vần điệu, câu chữ; nói chung là mang tính chất mở thì thơ Thiền đời Trần đa phần lại được viết thể luật Đường tứ tuyệt hoặc bát cú (thoảng hoặc mới gặp vài bài trường thiên cổ phong) nên khuôn khổ, quy  phạm và nghiêm ngặt hơn.

2.2.4. Ngữ lục.

Ngữ lục là một thể loại văn học khá đặc biệt trong văn học trung đại. Trước hết cần xác định văn ngữ lục là dạng văn nói. Đây là lời nói của những nhân vật lịch sử nổi tiếng được người đương thời hoặc người đời sau ghi lại một cách trung thành trong sách vở, thường là trong các bộ sử. Vấn đề ai là tác giả đích thực (người nói hay người viết) của các đoạn văn ấy đã được Nguyễn Huệ Chi lý giải ở phần Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý-Trần tập 1, tr. 166-170. Riêng trong bộ phận văn học Phật giáo Lý - Trần, thể loại ngữ lục hiện còn với một số lượng không đến nỗi ít ỏi. Đây là lời nói đã được cố định hóa bằng văn bản. Nói cách khác, về mặt hình thức, ngữ lục là lời hỏi và lời đáp giữa hai đối tượng giao tiếp, thường là giữa trò và thầy, giữa vị Thiền sư này với Thiền sư kia. Lời đối thoại hay vấn đáp này có khi diễn đạt bằng khẩu ngữ và được ghi lại dưới dạng văn xuôi, cũng có khi được diễn đạt bằng lời thơ bóng bẩy, giàu hình ảnh sinh động, với lối ẩn dụ kín đáo nhằm mục đích gợi mở hay đánh mạnh vào tâm thức của người hỏi (người cầu đạo) giúp họ bừng tỉnh, thông tỏ chân lý. Về mặt nội dung, lời đối thoại hay vấn đáp trên thường đề cập đến những vấn đề thuộc lĩnh vực Thiền học, Phật học như Phật tính, Chân như, Niết bàn, sinh-tử, vô thường, hằng thường, sắc-không .v.v...

Điều đáng tiếc là qua thời gian, binh hỏa chiến tranh, thiên tai, những tác phẩm thuộc thể loại này hiện còn chẳng là bao so với thư tịch cổ cho biết.

Văn học Phật giáo  đời Lý hiện chỉ còn lại vài đoạn của Tham đồ hiển quyết (Viên Chiếu); Nhất nhật hội chúng (Tịnh Không); Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn (Chân Không). Còn trong văn học Phật giáo đời Trần theo thư tịch cho biết thì được mùa hơn và có lẽ dung lượng tác phẩm có dáng vẻ bề thế, quy mô hơn. Có thể nêu ra đây những tác phẩm lớn như Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung do Pháp Loa ghi lại, Thạch thất mỵ ngữ, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, cả hai của Trần Nhân Tông, rất tiếc đã thất truyền. Đoạn sách lục của Pháp Loa (hiện chỉ còn vài đoạn); Phổ Tuệ ngữ lục của Huyền Quang (đã thất truyền). Và một số tác phẩm hiện còn nhưng chưa xác định chắc chắn tác giả của chúng như Thánh đăng ngữ lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục. Riêng tác phẩm Thiền uyển tập anh ngữ lục thì có sự pha tạp, đan xen giữa các thể loại vì nó vừa ghi lại hành trạng, tiểu truyện các vị Thiền sư; vừa chép lịch sử truyền thừa các dòng Thiền thông qua các thế hệ các Thiền sư  (truyền đăng), lại vừa chép lời vấn đáp giữa các Thiền sư (ngữ lục) và những lời ấy có thể xem như là các công án Thiền. Có người xem nó là tác phẩm thuộc thể tài biến văn (16); có người xếp nó vào loại văn truyện cổ (17) và có người thắc mắc đó có phải là “văn bản truyền đăng không ?(18). Để dễ hình dung, hãy đọc lời vấn đáp sau trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung:

          Vấn:              Khải tư Thượng sĩ, như hà thị Phật pháp đại ý ?

          Sư vân:          Ngao đầu đả lãng, tiêu minh nhãn,

                               Bằng dực đoàn phong, lũ nghị trường.              

          Tiến vân:        Nhậm ma tắc học nhân đắc nhập đầu xứ ?

          Sư viết:          Bà giới phi tha giới,

                               Cơ xan chỉ nhữ xan.

          Tiến vân:        Như hà thị thanh tịnh pháp thân ?

          Sư vân:          Xuất nhập ngưu tâu nội,

                               Toàn nghiêm mã phẩn trung.

                    (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 310 -311)

Dịch : Hỏi:               Bạch Thượng sĩ, thế nào là đại ý của Phật pháp ?

          Sư đáp:          Đầu ngao vỗ sóng, mắt sâu bọ,

                               Cánh bằng lướt gió, ruột kiến trùng.

Lại hỏi:          Như vậy thì người học đạo làm thế nào để bước vào nơi đó ?

          Sư đáp:          Gãi ngứa đâu phải ngứa của người,

                               Đói ăn chính thật bụng nhà ngươi.

          Lại hỏi:          Thế nào là thanh tịnh pháp thân ?

          Sư đáp:          Ra vào trong nước đái trâu;

                               Chui rúc giữa đống phân ngựa.

          (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 317-318).

2.5. Niêm tụng kệ, tụng cổ.

Đây là hai thể loại đặc thù của văn học Phật giáo. Văn học Phật giáo đời Lý chưa có, thể loại này chỉ xuất hiện trong văn học Phật giáo đời Trần. Hiện tượng này có lý do riêng của nó, vì lúc này Thiền tông đã phát triển mạnh, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống con người các tầng lớp và con người có nhu cầu trình bày những gì đã giác ngộ.

Trước hết cần xác định niêm tụng kệ và tụng cổ là thể loại kết hợp giữa hai hình thức ngữ lục và kệ, nhằm mục đích vừa diễn giải, vừa đúc kết những vấn đề cốt yếu của Thiền học để học trò dễ ghi nhớ.

Theo thư tịch hiện còn thì văn học Phật giáo đời Trần chỉ có 2 tác giả có để lại các tác phẩm thuộc thể loại này, đó là Trần Cảnh (Trần Thái Tông) với Niêm tụng kệ trong Khóa hư lục và Trần Tung (Tuệ Trung Thượng sĩ) với tụng cổ trong Thượng sĩ ngữ lục. Về mặt hình thức kết cấu giữa niêm tụng kệ  và tụng cổ khá giống nhau, gồm nhiều tiết, mỗi tiết gồm 3 phần. Tên gọi các phần của các thể loại như sau : niêm tụng kệ gồm cử, niêm và tụng; tụng cổ gồm cử, luận (sư vân) và tụng.

Cử  là nêu lên một câu chuyện trong Phật thoại hay những lời giảng đạo của các Tổ sư, cao tăng đời trước để làm đề dẫn.   

Niêm (ở tụng cổ của Trần Tung thì dùng hai chữ Sư vân) : phần này có nhiệm vụ nêu ý kiến của tác giả về vấn đề mà phần cử đã nêu ra, bằng cách giải thích, bàn bạc, có khi bổ sung, có khi phản bác lại vấn đề đó. Có thể xem đây là phần luận của vấn đề.

Tụng là phần tóm tắt những kiến giải của tác giả thành một bài kệ cô đọng, có vần, có hình ảnh để người học đạo tụng. Tụng là hình thức đọc một cách tập trung và thường xuyên; một biện pháp của các đệ tử nhà Phật trong khi tu hành. Bằng phương pháp tụng, người học đạo dần dần sẽ hiểu ra và ghi nhớ được những điều cao sâu của giáo lý.

Thể loại niêm tụng kệ và tụng cổ cũng có nét gần gũi với hình thức giảng tập quen thuộc của Thiền học xưa kia, gọi là tu tập công án. Công án là câu nói rút ra từ kinh Phật hoặc từ các bộ ngữ lục của chư Tổ, phần nhiều khó hiểu và có khi như phi lý. Người học đạo trong quá trình tu tập cần trực cảm được cái chân lý Thiền ẩn sau những mệnh đề phi lý đó, nhưng không phải bằng con đường suy luận lôgic mạch lạc của trí tuệ mà bằng con đường nung đốt của tình cảm, dồn ép của tâm trạng, ngưng tụ của tâm thần; tức con đường  trực cảm tâm linh. Người thầy sẽ dựa vào đó mà khơi mở tâm lý Thiền trong lòng người học đạo theo những cách thích ứng với từng người và thông thường là đẩy những tâm trạng bối rối, sự “khổ cứu, khổ cầu” của môn nhân lên đến mức cao nhất, tới một thời điểm nhất định nào đó thì trực quan sẽ giúp họ vượt qua khủng hoảng tức là đột ngột bừng sáng chân lý và đó là lúc người tu hành ngộ đạo (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 151 và tr. 348).

Có điều trong niêm tụng kệ của Trần Thái Tông, các dẫn dụ được nêu ra không đến nỗi quá bí hiểm cao sâu mà phần lớn, tác giả dùng những hình tượng nhiều khi rất đậm chất thơ để khêu gợi sự liên tưởng của người học đạo. Còn ở tụng cổ của Tuệ Trung, cách đặt vấn đề (cử) đến giải thích (luận) và kết luận (tụng), tác giả cũng tuân theo cái phi lôgic qua những mệnh đề phi lý, tức bác bỏ suy luận theo lý trí. Ba phần đó chỉ gắn bó với nhau về hình thức chứ không gắn về nội dung nên người học đạo, khi đứng trước vấn đề nêu ra sẽ có sự bối rối tâm lý. Nhưng chính sự luận giải phi lý tính kia lại là một hiệu quả mạnh để dồn ép người học đạo đi nhanh đến trạng thái xuất thần, bừng vỡ. Tuy vậy, nếu đọc kỹ các tiết (các công án) trong tụng cổ của Tuệ Trung có khá nhiều công án mang tính suy luận lôgic. Ở đây, lý trí đã can thiệp nhiều vào quá trình tu tập, chứ không như hình thức tu tập Thiền đạo trước đó. Dường như đây cũng là đặc điểm chung của các hình thức đối thoại Phật giáo đời Trần.

Nếu so sánh niêm tụng kệ, tụng cổ với kệ, có thể thấy bài tụng (kệ) của chúng cũng gần gũi với kệ trong kinh. Nhưng nếu kệ trong kinh có nhiệm vụ tóm tắt nội dung tư tưởng mà phần văn xuôi giảng trước đó với lời lẽ ngắn gọn cô đúc bằng hình thức thơ thì kệ (tụng) trong niêm tụng kệ và tụng cổ cũng làm nhiệm vụ tóm tắt lời kiến giải ở trên bằng hình thức thơ cô đúc, nhưng nó không chỉ đơn thuần mang chức năng nói mà còn đòi hỏi người học đạo phải  đọc tụng tập trung và thường xuyên để một lúc nào đó sẽ nhờ sự gợi mở này mà giác ngộ.

Nếu so sánh hai thể loại trên với ngữ lục, có thể thấy chúng đều dùng hình thức ẩn dụ để luận giải công án Thiền. Nhưng niêm tụng kệ và tụng cổ khác với ngữ lục ở chỗ kết cấu. Niêm tụng kệ và tụng cổ có 3 phần; còn ngữ lục chỉ có 2 phần vấn và đáp. Ngữ lục thường dùng những ẩn dụ, đậm chất khẩu ngữ ví von, có khi diễn đạt bằng văn xuôi, có khi bằng thơ, thiên về cái phi lôgic, hay sử dụng nghịch ngữ để kéo người học đạo thoát ra khỏi con đường sáo mòn của những cách suy nghĩ lôgic theo lý trí, để phá tan mớ tư duy lý tính mờ mịt, rối như bòng bong. Đây là hình thức tu tập theo kiểu đốn ngộ. Còn ở niêm tụng kệ và tụng cổ tuy cũng sử dụng cái phi lôgic, nghịch ngữ nhưng thông thường những câu thơ trong phần tụng không đến nỗi quá cao siêu bí hiểm như lời đáp trong ngữ lục. Mặt khác, qua kết cấu 3 phần, người học đạo khi nghiền ngẫm công án ở phần cử và được giải thích, biện luận, gợi mở của thầy ở phần niêm (trong niêm tụng kệ) phần luận (trong tụng cổ) thì đến đây, khi đọc phần tụng, người học đạo sẽ dần dần sáng tỏ. Niêm và luận như là một tia sáng lóe lên rọi vào bóng tối, soi chiếu trong thâm tân người học đạo, giúp họ bừng tỉnh, giác ngộ. Đối với người học đạo nếu căn cơ kém, nhờ phần niêm và tụng này mà được mở lối. Như vậy, niêm tụng kệ và tụng cổ vẫn kế thừa truyền thống đốn ngộ của Thiền, nhưng rộng mở, mềm dẻo hơn. Và phương pháp khai thị, truyền dạy, dẫn dắt lại uyển chuyển hơn, phù hợp với nhiều đối tượng có căn cơ khác nhau. Đây là sự kết hợp giữa tụng kinh, niệm Phật với tọa Thiền của Phật học đời Trần. Điều này góp phần làm cho Phật học, Thiền học đời Trần mang tính đại chúng, rộng mở hơn giai đoạn trước. Hãy đọc hai dẫn chứng sau để thấy rõ hơn :

Cử     : Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp phá nhan vi tiếu.

Niêm  : Dịch khởi mi mao trước nhãn khan,

            Tiến tiền nghĩ nghị cách thiên san.

Tụng : Thế tôn niêm khởi nhất chi hoa,

            Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia.

            Nhược vị thử vi truyền pháp yếu,

            Bắc viên thích Việt lộ ưng xa. (Niêm tụng kệ - Trần Thái Tông, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, tr.122)

(Nêu: Thế tôn cầm hoa sen giơ lên, Ca Diếp nét mặt rạng rỡ mĩm cười.

Niêm  : Nhíu cả lông mày mở mắt trông,

  Tiến gần lại thấy cách muôn trùng.

Tụng : Thế tôn tay nhón một cành hoa,

  Ca Diếp mừng nay thấy lại nhà.

  Nếu bảo phép truyền là có vậy,

  Đường Nam xe Bắc dặm còn xa.

Còn đây là công án thứ tám (tiết thứ tám) trong Tụng cổ của Tuệ Trung Thượng sĩ :

Cử      :        Lão Tử viết : “Sủng nhục nhược kinh”.

Sư vân :       Thủ trung xảo họa thiên ban vật,

          Tâm thượng duyên sinh vạn lự ưu.

Tụng viết :   Hàn tự trước y nhiệt thoát y,

Vô hàn vô nhiệt hữu thùy tri ?

           Đãn khan ngự liễu cung hoa sắc,

          Bất độc tàm xuân hoại tứ thì.

     ( Thơ văn Lý – Trần, tập 2, tr.338)

Nêu:              Lão Tử  nói : “Vinh nhục đều không sợ”.

Sư nói :        Tay khéo vẽ nên ngàn sự vật,

          Lòng càng thêm nẩy vạn lo âu.

Tụng rằng : Nồng cởi áo ra, lạnh khoác vô,

Không nồng không lạnh, biết sao giờ ?

          Xem màu liễu ngự hoa cung đấy,

          Lọ phải tìm xuân hỏng bốn mùa).              

         (Thơ văn Lý – Trần, tập 2, tr. 345).

Nếu ở công án trên, trong phần , Trần Thái Tông dẫn ví dụ trong kinh Phạn Vương      vấn Phật quyết nghi, ghi lại lịch sử truyền đăng bằng tâm truyền của Thiền đạo thì ở công án sau, trong phần cử, Tuệ Trung lại dẫn lời của Lão Tử trong sách Đạo Đức Kinh. Từ lời gợi dẫn đó, qua phần niêm (luận) và tụng, người học đạo nghiền ngẫm lâu dần sẽ đạt đến chân lý.

2.6. Ca, ngâm.

Theo thư tịch cổ hiện còn, thể loại này văn học đời Lý chưa có. Văn học Phật giáo đời Trần hiện còn vài tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ (Phật tâm ca, Phóng cuồng ngâm, Trừu thần ngâm); của Trần Nhân Tông (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca).

          Về hình thức thể loại, ca và ngâm không gò bó về niêm luật, vần điệu. Số câu trong bài cũng không hạn định. bài Phật tâm ca của Tuệ Trung viết bằng chữ Hán gồm 12 khổ. Khổ đầu gồm 8 câu thất ngôn xen lục ngôn (2 câu đầu); mười một khổ còn lại, mỗi khổ 5 câu, câu 1 và 2 mỗi câu có 3 tiếng, ba câu còn lại mỗi câu 7 tiếng. Thật ra mỗi khổ ở đây là một bài tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn và câu đầu chính là câu lục ngôn được tách ra làm hai. Vần gieo ở cuối câu (cước vận) và đa số là vần trắc (8/12 khổ gieo vần trắc), chỉ có 4 khổ gieo vần bằng. Khác với Tuệ Trung, bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông lại viết bằng quốc âm. Đây là một trong số ít tác phẩm văn học sớm nhất hiện còn được viết bằng tiếng mẹ đẻ, cuối bài là một bài kệ chữ Hán viết theo lối thơ thất ngôn tứ tuyệt, như là lời đúc kết nội dung bài ca, góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Về thể loại của bài ca có thể đó là thể tứ ngôn trường thiên; cũng có thể đó là thể bát ngôn, mỗi câu hai vế, mỗi vế tám tiếng chia thành hai nhịp 4/4; tuy chia hai vế nhưng không đối nhau như trong loại văn biền ngẫu. Do số từ trong câu hoặc do cắt nhịp như trên nên đọc lên nghe như lối ca vè dân gian, tuy  không vần nhưng nhờ xen kẽ bằng trắc (cuối câu hay cuối vế) làm cho âm điệu nhịp nhàng, hài hòa.

Hai bài ngâm của Tuệ Trung thì hình thức có khác. bài Phóng cuồng ngâm dài 26 câu, đa số mỗi câu có bảy tiếng, thỉnh thoảng có xen câu tám tiếng. Vần gieo ở cuối các câu chẵn. Còn bài Trừu thần ngâm gồm bốn khổ theo lối cổ phong, ba khổ đầu mỗi khổ sáu câu, mỗi câu bảy tiếng; riêng khổ cuối gồm 10 câu. Vần được gieo là vần trắc kiểu độc vận ở cuối các câu chẵn. Hai bài đều hay sử dụng chữ hề làm từ đệm trong mỗi câu mà chúng ta thường gặp trong Sở từ, Ly tao hay trong các bài phú Cổ thể lối lưu thủy có pha tao thể (như bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu...). Có lẽ do đặc trưng của thể ngâm nên phải sử dụng từ đệm  để dễ ngâm, dễ hát. Cả bốn bài ca và ngâm vừa nêu trên đều mang nội dung bàn về Phật về Thiền, tỏ bày điều liễu ngộ của các tác giả.

2.7. Phú.

Phú có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Cổ đại. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long đã cho rằng phú có nguồn gốc từ   Sở từ, Ly tao. Ông viết “Ban Cố cho phú là loại thơ cổ. Đến khi Khuất Nguyên làm Ly tao thì thể phú mới bắt đầu lan rộng. Nhưng phú bắt nguồn từ nước Sở và thịnh lên ở đời Hán” (19).

Phú có nghĩa đen là mô tả, trình bày. Chính Lưu Hiệp trong tác phẩm lý luận nổi tiếng trên cũng đã viết “Phú giả, phô dã” (Phú chính là trình bày - Văn tâm điêu long). Do thế, đặc trưng của thể phú là trình bày cái đẹp. Lời văn trong phú lấy sự vật để nói cái chí, chú ý đến cái sáng tỏ, to lớn; đề cao sự trật tự để giúp việc cai trị. Xét về hình thức, lời văn của phú cốt ở tỉ mỉ, đầy đủ. Xét về trình bày, cốt ở sự dồi dào, thiên về kỹ xảo (20).Thể phú tồn tại với nhiều dạng thể : Phú tán thể (lối tán), phú văn thể (lối văn xuôi), phú cổ thể, phú Đường luật (luật thể). Thể phú xuất hiện trong văn chương Việt Nam khá sớm với Bạch Vân Chiếu xuân hải của Khương Công Phụ (thế kỷ VIII) với “lời lẽ tao nhã mà thoát sáo, được người đời Đường xưng phục(21). Nói đến phú trong văn chương Việt Nam phải kể đến phú đời Trần. Các bài phú này đều phô diễn tư tưởng, tình cảm của kẻ sĩ đối với đất nước, đối với vương triều vì thế phú chỉ được đề cao khi nhà nước phong kiến đã lấy Nho giáo làm ý thức hệ để xây dựng đất nước. Do phú đời Trần thịnh hành nên trong văn học Phật giáo đời Trần cũng hiện còn vài bài (Văn học Phật giáo đời Lý chưa thấy thể phú). Đó là Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông; Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang, Giáo tử phú tương truyền của Mạc Đỉnh Chi. Điểm đáng chú ý và rất thú vị là nếu phú của các Nho sĩ đời Trần viết bằng chữ Hán thì ba bài phú trong văn học Phật giáo  đời Trần lại viết bằng chữ Nôm, thể hiện được tư tưởng, giáo lý nhà Phật. Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông là bài phú quốc âm gồm 10 hội, mỗi hội gieo một vần, các hội chẵn gieo vần bằng và các hội lẻ được gieo vần trắc. Cuối bài phú (ở cuối hội thứ 10) có bài kệ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Có thể xem bài kệ này là lời đúc kết tư tưởng Thiền học của nhà vua - Thiền sư Trúc Lâm đệ nhất tổ và cũng là chủ đề của bài phú.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,                      Cõi trần vui đạo, hãy tùy duyên,

Cơ tắc xan hề, khốn tắc xan.                         Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.

Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch,                Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm,

Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.                  Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền.

             ( Thơ văn Lý Trần, tập 2, q. thượng, tr. 510)                                              

Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang cũng được viết bằng chữ Nôm tuy không chia từng hội như bài Cư trần lạc đạo phú nhưng có thể thấy nó gồm 8 đoạn và mỗi đoạn lại gieo một vần (Phú bát vận, vay mượn từ Trung Quốc, thường dùng trong thi cử đời  Trần), bằng trắc xen kẽ nhau ở mỗi đoạn như bài phú của Trần Nhân Tông. Cuối bài phú có bài kệ bằng chữ Nôm theo thể luật Đường thất ngôn bát cú với niêm, luật, vần, đối rất chỉnh, đúng yêu cầu của thể thơ. Bài phú vịnh cảnh thiên nhiên nơi Vân Yên và nơi đó là chốn đi về của Huyền Quang đến cõi vô tâm . Giáo tử phú tương truyền của Mạc Đỉnh Chi cũng được viết bằng chữ quốc âm gồm 204 câu theo thể tứ ngôn, đơn điệu, kéo dài, vần gieo không chỉnh. Ý tứ bài phú mộc mạc, có sự lặp ý, và có phần gần với bài ca vè dân gian hơn. Nếu ở hai bài phú trên thể hiện tư tưởng Thiền tông thì bài phú này chịu ảnh hưởng giáo lý Phật giáo Tịnh độ tông rõ nét với tư tưởng nghiệp báo luân hồi, khuyên con và có lẽ cũng khuyên người đời nên làm lành tránh dữ để sau này khi nhắm mắt  xuôi tay khỏi chịu cảnh sa vào địa ngục với những cực hình thảm khốc.

2.8. Minh, bi, ký.

Mặc dầu minh là một thể văn vần còn bi ký lại là thể văn xuôi cổ nhưng ở đây chúng tôi vẫn xếp chung vào một tiểu mục bởi lẽ, bài minh thường gắn bó khắng khít với bài  bi ký. Riêng thời Lý-Trần, thể loại này chỉ xuất hiện trong nhà chùa, của nhà chùa và là sản phẩm của tôn giáo - tín ngưỡng, tồn tại trên các chuông đồng, bia đá (Kim thạch văn). Tác giả của thể loại này có thể là nhà sư, cũng có thể là nhà Nho nhưng bản thân văn bia thời này thì hầu như chỉ xuất hiện với mục đích tôn giáo, lưu hành trong phạm vi thờ cúng và nhất là nhà chùa. Vì “hiện chưa tìm thấy tấm văn bia Lý - Trần nào nằm ngoài phạm vi tín ngưỡng” (22).

Về hình thức, bài bi ký được viết theo lối văn xuôi cổ (tản văn), cuối bài có xen vận văn (bài minh). Về nội dung, bài văn xuôi ấy thường ghi lại quá trình xây dựng, tôn tạo, trùng tu các danh lam thắng cảnh; tán dương công đức của những người đã đứng ra xây dựng, trùng tu hoặc ghi công đức đóng góp của các thiện nam tín nữ; hay ghi tiểu sử những nhân vật có công đối với tôn giáo; cũng có thể đó là các bài ký sự ca ngợi cảnh già lam và tất cả được khắc trên bia (bi ký). Cuối bài văn xuôi là bài văn vần (minh) thường nhiều câu, mỗi câu có 4 hay 5 tiếng, với nhiệm vụ thâu tóm nội dung phần văn xuôi đã trình bày trước đó. Do bi ký mang tính ghi chép, kể việc như đã nêu, phần nào khắc họa được những con người nhiều khi rất sinh sắc nên bi ký được xếp vào loại truyện kể (23).  

Đánh giá về văn bia Lý – Trần,  Nguyễn Huệ Chi viết : “Vì đạo Phật thời Lý - Trần còn giữ  được vai trò tích cực nên văn bia Lý - Trần nói chung đã thoát khỏi những công thức tín ngưỡng gò bó khô khan và vượt lên thành một thể văn đầy sức sống của văn học Lý - Trần. Đặc biệt, văn bia Lý - Trần đã xây dựng được những bức chân dung sinh động rất hiếm thấy ở các thời đại sau, mà những con người mẫuđể tạo nên các bức chân dung ấy lại không phải là những nhà tôn giáo, những vị sư, mà trước hết là những con người trần tục, những người phụ nữ tích cực tham gia việc nước như công chúa Phụng Duong, những anh hùng nhân cách sáng rực như Lý Thường Kiệt. Nội một điều đó cũng đủ thấy cái khả năng cải tạo và thanh lọc của thời đại Lý - Trần đối với các thứ giáo lý già cỗi(24).

Chưa kể số đã mất, văn học Phật giáo Lý - Trần hiện còn khoảng gần 20 văn bia. Lê Quý Đôn trong Kiến Văn tiểu lục đã cho rằng đời Lý còn 7 bia khắc trên chuông đồng bia đá với nội dung tán dương đạo Thiền mà ông đã hạ bút khen “Văn thời nhà Lý, lối biền ngẫu bóng bẩy, đẹp đẽ giống thể văn nhà Đường” (Kiến Văn tiểu lục). Thật ra, qua thống kê, đời Lý hiện còn 09 bài (7 bài có tên tác giả và 2 bài khuyết danh). Đó là : An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (Chu Văn Thường); Bảo Minh Sùng Phúc tự bi (Lý Thừa Ân); Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh, Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (hai bài này của Pháp Bảo); Viên Quang tự bi minh tính tự (Dĩnh Đạt); Đại Việt quốc đương da đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (Nguyễn Công Bật); Báo Ân Thiền tự bi ký (Ngụy Tư Hiền); và hai bài khuyết danh là Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh và Cự Việt quốc Thái úy Lý Công thạch bi minh tự. Văn bia thuộc loại hình văn học mang tính chức năng và nội dung những bài trên là những tác phẩm mang tính sử học nhưng lại có giá trị văn học.

Sang đời Trần, có những bài bi ký nổi tiếng như Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự của Lê Củng Viên (?); Khai Nghiêm tự bi ký và Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký đều của Trương Hán Siêu v.v... Hai bài ký của Trương Hán Siêu một mặt ca ngợi cảnh đẹp của già lam, mặt khác lại chỉ trích giới tăng đồ lộn xộn, bài bác giáo hội Phật giáo, nhưng được nhà chùa chấp nhận.

2.9. Tự.

Tự là thể loại văn học được viết theo lối tản văn. Nội dung của thể văn này thường là thuật, kể nguồn gốc, nguyên ủy về một việc gì đó. Chẳng hạn, Hồ Tông Thốc viết bài minh và tự để khắc vào bia chùa Từ Ân (Từ Ân tự bi minh tịnh tự) kể việc công chúa Thiệu Minh đời Trần xây dựng chùa Từ Ân trên đất Tây Quan (Thơ văn Lý – Trần, tập 3, tr. 70-71); hay Tạ Thúc Ngao viết bài minh và tự về chùa Sùng Khánh ca ngợi ông Nguyễn Ẩn tự Vân Giác sáng lập chùa này ở huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự). Do bài văn kể việc nguyên ủy và khắc lên bia nên ở đây, thể Tự gắn liền với thể bi ký và minh.

Tự còn là một bài văn viết ở đầu sách, bày tỏ ý kiến của người làm sách, mà hôm nay chúng ta gọi là bài tựa, lời nói đầu. Chẳng hạn, vào năm 1443, Phan Phu Tiên đã san định lại Việt Âm thi tập, có viết bài tựa cho cuốn sách ông đã làm Tân san Việt âm thi tập tự hay vào năm 1495, Chu Xa có tuyển chọn lại tập thơ và nhờ Nguyễn Tấn viết lời tựa Tân tuyển Việt âm thi tập tự. Ở đây, bài viết chỉ đề cập đến thể tự với tư cách là bài văn ở đầu cuốn sách. Thể loại này trong văn học Phật giáo  trước thế kỷ X cũng đã được sử dụng với Khương Tăng Hội khi dịch và chú sớ các quyển kinh Phật. Văn học Phật giáo Lý - Trần hiện còn một số bài của Trần Thái Tông như Kim Cương tam muội kinh tự, Thiền tông chỉ nam tự và trong luận thuyết Khóa hư lục (Bình đẳng lễ sám văn tự; Lục thì sám hối khoa nghi tự ...). Trong số đó, đặc biệt nhất và giá trị nhất là Thiền tông chỉ nam tự. Đây là lời nói đầu cuốn sách chỉ dẫn về đạo Thiền : Thiền tông chỉ nam. Đáng tiếc là cuốn luận thuyết này đã thất truyền nhưng qua nhan đề và qua bài tựa, người đọc cũng đoán được phần nào nội dung cốt yếu của sách. Bài tựa chỉ có vài ba trang nhưng lại là một văn bản có nhiều giá trị : lịch sử, văn học, triết luận.

Về hoàn cảnh ra đời, có lẽ bài tựa được viết vào những năm cuối đời làm vua của Trần Thái Tông. Ông lên ngôi vào năm 1225 và nhường ngôi  vào năm 1258. Trong bài tựa, nhà vua có nói mình bỏ ngôi lên núi cầu Phật vào năm Thiên ứng Chính bình thứ 5 (nhằm mùng 3 tháng 4 năm Bính Thân, tức 9/5/1236). Sau đó theo lời khuyên của Quốc sư cùng triều thần, nhà vua miễn cưỡng về lại ngôi vừa trị nước, vừa tu Thiền trong khoảng vài chục năm (thập sổ niên gian), chứng ngộ rồi viết sách, tức khoảng năm 1256. Xét ý văn cuối bài tựa, sách Thiền tông chỉ nam được quốc sư  ngợi khen và khuyên nên in để chỉ dẫn cho kẻ hậu học. Vì thế nhà vua cho khắc in lúc ông còn tại ngôi và ông đã viết bài tựa vào dịp này. Như vậy, bài tựa ra đời sớm nhất là năm 1256 và muộn nhất là năm 1258. Về lịch sử, trong bài tựa, Thái Tông có nói buồn vì cha mẹ mất sớm nên nhà vua đi tu. Thực tế lại khác. Đó là chuyện đau lòng, đầy bí ẩn, rất khó nói, nhất là chuyện có liên quan đối với người thân, những bậc tôn kính như chú như anh đang ở ngôi vị cao nhất nước. Có lẽ đây là thiếu sót có chủ ý của Thái Tông trong bài tựa !

Còn trên góc độ văn chương, Thiền tông chỉ nam tự tuy là lời nói đầu của một tác phẩm nhưng lại có giá trị như một văn bản tự sự thuần túy, một áng văn kể chuyện tâm tình có giá trị nghệ thuật trong kho tàng văn xuôi chữ Hán đời Trần. Xuyên qua bài tựa, nỗi day dứt đau khổ của Thái Tông được vẽ lại khá rõ nét. Cuộc vi hành của vua rời kinh thành lên Yên Tử thật gian nan  vất vả với lòng thành mộ đạo, cùng mối duyên lành với Phật pháp đã được tác giả ghi lại bằng một giọng điệu tâm tình thật chân thành, một bút pháp linh động hấp dẫn.

          Cuối cùng, trên góc độ triết luận, Thiền tông chỉ nam tự  tuy là lời thuyết minh cho cuốn sách nhưng lại là cương lĩnh của Thiền học đời Trần, mở ra giáo lý nền tảng của Thiền phái Trúc Lâm với đạo - đời kết hợp, chủ trương Phật - Thánh phân công hợp tác, thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên, trên cơ sở khôi phục và phát huy những truyền thống nhân ái và yêu nước của dân tộc để tạo thành một tinh thần rộng mở sáng ngời, góp phần tạo nên một Thiền học mang bản sắc riêng rất độc đáo. Đó là tinh thần dung hợp Việt hóa những tư tưởng ngoại lai, nhờ vậy mới tạo được cái thế đứng vững chãi của dân tộc, sức mạnh của thời đại với hào khí Đông A bất diệt (25).

2.10. Luận thuyết tôn giáo.

Thể loại luận thuyết có thể chia làm hai dạng nhỏ luận thuyết chính trị và luận thuyết tôn giáo. Ở luận thuyết chính trị, chúng ta thường gặp trong các bộ sử khi các sử gia ghi lại những lời bàn, lời bình luận về việc trị nước, còn thể loại luận thuyết tôn giáo là những lời bình luận, bàn bạc về triết lý của tôn giáo. Trong văn học Phật giáo, thể loại này trước thời Lý - Trần cũng đã có những thành tựu với Lý hoặc luận của Mâu Bác; Đạo cao pháp sư tập của Đạo Cao. Đến thời Lý - Trần, nó được nở rộ và có nhiều thành tựu lớn.

Về nội dung, những tác phẩm này thường bàn đến Phật, Thiền; về hình thức, chúng tiếp thu cả thơ, biền văn và tản văn nhưng tạo nên những đặc sắc riêng. Ở đây vừa có tự sự, vừa có triết lý, vừa trình bày, lý giải, vừa cảm xúc trữ tình, nên có nhà nghiên cứu xếp thể Luận thuyết tôn giáo vào loại Tạp văn (26).

Theo Thơ văn Lý - Trần (tập1) thì văn học đời Lý hiện còn mấy đoạn luận thuyết như của Vạn Hạnh khuyên vua Lý Công Uẩn (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr. 215), Đàm Dĩ Mông phê phán tăng đồ (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr. 525), tăng phó Nguyễn Thường khuyên vua Lý Cao Tông không nên mê đắm âm nhạc buồn thảm (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr. 527) nhưng tất cả cũng chưa phải là luận thuyết tôn giáo. Chỉ có một đoạn của sư Cứu Chỉ bàn về Tâm và Pháp có thể được xem là luận thuyết tôn giáo (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr. 253). Phải đợi đến đời Trần, thể loại này mới có những đóng góp với một số tác phẩm có dáng bề thế quy mô như Khóa hư lục của Trần Thái Tông với 32 đoạn luận thuyết (phổ thuyết). Cuối mỗi đoạn, tác giả kết lại bằng mấy câu kệ nêu bật những nội dung tư tưởng chính đã bàn bạc ở trên để người nghe, người đọc dễ nhớ mà tu tập; Thiền tông chỉ nam (đã mất, chỉ còn lại bài tựa) của Trần Thái Tông; Tăng già toái sự (đã mất) của Trần Nhân Tông; Đoạn sách lục và  Tham Thiền chỉ yếu (đã mất) của Pháp Loa, hiện chỉ còn sót lại một vài đoạn như Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn; Trúc Lâm đại tôn giả thượng tọa thính sư thị chúng (đoạn này gần với thể Ngữ lục hơn); Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết và đặc biệt là Yếu minh học thuật ... (Thơ văn Lý - Trần, tập 2, q. thượng, tr. 650-679). Ngoài ra, có thể kể thêm vài đoạn luận thuyết của Lê Văn Hưu trong bộ Đại Việt sử ký có đề cập đến nhà Phật như Lý gia sùng Phật luận, Quy công Phật đạo luận ...

2.11. Truyện.

Truyện là một thể loại thuộc loại hình tự sự, loại truyện kể. Truyện kể gồm ba thể: truyện, sử và bi ký. Có thể xem truyện kể là hình thức vừa nhảy vọt lại vừa kế thừa thủ pháp nghệ thuật của cả bốn loại (thơ ca, biền văn, tản văn, tạp văn). Chỗ đặc biệt ở loại này là bắt đầu hình thành một cốt truyện, tình tiết hoặc phong phú hoặc đơn giản. Và xoay quanh cốt truyện là những nhân vật được khắc họa nhiều khi rất sinh sắc (27). Có thể nêu các dạng thể của  truyện trong văn học Phật giáo Lý -Trần như thực lục, hành trạng, truyền đăng, thần kỳ ...

Nếu truyện thần kỳ là dạng truyện cổ viết về thần tích, truyền thuyết hay những câu truyện cổ dân gian được văn bản hóa như Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp) Nam ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng)... Ở đó đã ghi những mẩu chuyện có dính dáng đến các vị Thiền sư Lý - Trần thì thực lục, hành trạng, truyền đăng là những sản phẩm độc đáo của văn học Phật giáo. Những tác phẩm này chép lại cuộc đời sự nghiệp, hành trạng, tính hạnh các vị Thiền sư đã có công truyền thừa, xiển dương Phật pháp.

Đời Lý có Nam tông tự pháp đồ của Thiền sư Thường Chiếu, ghi chép tiểu sử các vị danh tăng các thế hệ (đã thất truyền). Những tác phẩm thuộc thể loại này hiện còn chủ yếu là của văn học đời Trần như Thiền uyển tập anh. Do sao chép qua thời gian và tên gọi tác phẩm có khác nhau: Thiền uyển tập anh ngữ lục, Thiền uyển kế đăng lục, Thiền uyển truyền đăng lục nên các nhà nghiên cứu đã xếp nó vào các thể loại khác nhau, dù xếp vào thể loại nào thì cũng có cái lý của nó. Có nhà nghiên cứu xếp nó vào loại ngữ lục, cũng có người xếp nó thuộc thể văn truyện cổ loại sử ký - truyện như  Phạm Văn Diêu (28); Văn tự sự truyện ký như  Đinh Gia Khánh (29); truyền đăng (30) hay biến văn (31) mà ở trên chúng tôi có nhắc qua. Bởi lẽ, sách đã chép tiểu truyện của các vị Thiền sư, trong đó có chép lời đối đáp (ngữ lục) của các vị khi hỏi và trả lời về Thiền, về Phật. Qua tiểu truyện và ngữ lục, tác phẩm lại ẩn tàng rất lớn những giá trị thi ca.

Thượng sĩ hành trạng : Đây là tác phẩm có lẽ do Trần Nhân Tông viết. Cuối tác phẩm có bài bạt của Đỗ Khắc Chung viết theo lệnh của nhà vua lúc bấy giờ (có lẽ là lệnh của vua Trần Anh Tông). Tác phẩm viết về hành trạng của Tuệ Trung Thượng sĩ, nhờ thế người đọc qua các thế hệ sẽ hiểu thêm về một nhân cách lớn, một cá tính độc đáo của một vị tướng tài, có công với đất nước, không màng công danh phú quý, ngao du sơn thủy, tu Thiền. Ngoài ra, tác phẩm còn có 6 bài kệ của Tuệ Trung, một bài kệ và một bức thư của Trần Thánh Tông và một bài kệ của người viết (Trần Nhân Tông).

Tam tổ thực lục là tác phẩm chép tương đối đầy đủ, chính xác tiểu sử của ba vị tổ sư  Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử : Điều Ngự Giác hoàng đệ nhất tổ Trần Nhân Tông; Phổ Tuệ Minh Giác Tịnh Trí đại tôn giả đệ nhị tổ Pháp Loa và Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả. Thực ra, tác phẩm là một tập hợp của người đời sau sao chép lại từ các nguồn khác nhau. Phần một chép truyện Trần Nhân Tông được lấy nguyên xi từ  Thánh đăng lục; phần hai chép truyện Pháp Loa là lược sao từ  một bia cổ ở chùa Hương Hải do đệ tử Trung Minh dựa vào Đoạn sách lục của Pháp Loa để soạn một bảng niên phả, do Huyền Quang khảo đính. Bảng niên phả này được khắc in trên bia đá ở chùa Hương Hải vào năm 1362. Còn phần ba chép truyện Huyền Quang với nhan đề Tổ gia thực lục là một tác phẩm hoàn chỉnh. Và do thế, Nguyễn Huệ Chi đã đề nghị “nên trả lại những bài văn về đúng chỗ xuất phát của nó”, và “cái tên Tam Tổ thực lục đã đến lúc có thể xóa bỏ trên văn đàn” (32). Riêng truyện Tổ gia thực lục có thể xem là một truyện đạt đến trình độ nghệ thuật cao trong văn học đời Trần.

Thánh đăng lục (Thánh đăng ngữ lục) : Như  đã nêu ở trước, có thể xếp tác phẩm này thuộc thể loại ngữ lục. Đây là một tập thực lục chép về năm ông vua - năm vị Phật tử - Thiền sư triều đại nhà Trần : Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông. Trong từng truyện, người viết đã biết kết hợp một cách khéo léo tính chất tự sự với miêu tả, miêu tả với ngữ lục. Nhờ thế mà chân dung các nhân vật trong các tập truyện hiện rõ qua một bút pháp nhất quán “với phong cách xây dựng chân dung trong các tập truyện Thiền đời Trần” (33).

Để hiểu rõ hơn về diện mạo thể loại văn học Phật giáo thời Lý – Trần, có thể xem bảng thống kê sau:

 

BẢNG THỐNG KÊ CÁC THỂ LOẠI TÁC PHẨM

VĂN HỌC PHẬT GIÁO THỜI LÝ - TRẦN

STT

Tên thể loại

Văn học Phật giáo đời Lý

Văn học Phật giáo đời Trần

Tổng

số

1

Sấm vĩ

13

00

13

2

Từ khúc

01

00

01

3

Kệ,

Thơ Thiền

148Triết lý : 139         

      Trữ tình : 09

257  Triết lý : 182

        Trữ tình : 75

 

405

4

Ngữ lục

03

04

07

5

Tụng cổ,

Niêm tụng kệ

00

02

02

6

Ca, ngâm

00

04

04

7

Phú

00

03

03

8

Minh, Bi ký

09

07

16

9

Tự

00

04

04

10

Luận thuyết

tôn giáo

04

06

10

11

Truyện ký

01

05

06

Tổng cộng

179

292

471

 

Có thể thấy văn học Phật giáo  Lý - Trần hiện diện tương đối phong phú các thể loại văn học trung đại và ở đó có những thể loại đạt đến đỉnh cao, có giá trị về mặt học thuật lẫn nghệ thuật văn chương. Những thể loại ấy vừa mang nét chung của các bộ phận văn học khác cùng thời kỳ lại vừa mang nét đặc thù của văn học Phật giáo. Chẳng hạn, những thể loại như kệ-thơ Thiền, luận thuyết tôn giáo, ngữ lục, tụng cổ - niêm tụng kệ, bi minh ký nếu đặt trong mối tương quan với văn học nhà Nho  thì chúng là những sản phẩm độc đáo của nhà chùa, của văn học Phật giáo. Đa số những tác phẩm thuộc các thể loại trên là văn học chức năng, phục vụ cho mục đích tôn giáo. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm mang tính hình tượng (thơ trữ tình, phú, ca). Theo quan niệm của văn học trung đại, những tác phẩm này thuộc loại phi chức năng vì ít hoặc không chở đạo mà chỉ bộc lộ cảm xúc trữ tình, những rung động tinh tế của Thiền sư - thi sĩ  trước hiện thực muôn màu muôn vẻ thông qua cảm quan Thiền học. Chứng tỏ càng về sau khi thể loại được mở rộng biên giới từ bất phân đến hữu phân thì sẽ tạo nên những tác phẩm văn học hình tượng sinh động.

Chỉ tiếc là ta chưa có thể loại Biến văn, Bảo quyển như Trung Quốc, nhưng hình thức kết hợp các lối văn trong một tác phẩm như thể loại này thì văn học của ta thời bấy giờ cũng đã có không ít. Những thể loại trên đều bắt nguồn từ thể loại kinh điển nhà Phật ở Ấn Độ, từ các thể loại văn học cổ Trung Quốc và khi tiếp thu rồi sáng tạo, các tác giả của bộ phận văn học này ít nhiều có cải biên đôi chút cho phù hợp với thực tế của mình. Trong các thể loại vừa nêu trên, có thể thấy có một số thể loại ta tiếp thu từ văn học Trung Quốc như ca, ngâm, từ khúc, phú, kệ và thơ Thiền viết theo thể Đường luật, còn lại là bắt nguồn từ thể loại kinh văn nhà Phật. Những luận thuyết triết ly đời Trần như Khoá hư lục chẳng hạn, tác phẩm là sự tổng hợp nhiều thể loại của kinh văn như Ứng tụng (Trùng tụng); Luận thuyết (Giải thuyết); đồng thời tác phẩm còn được tôn vinh là một bản Kinh nhật tụng đời Trần. Các thể Kệ (kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giải v.v.. ) là bắt nguồn từ thể Phúng tụng (Kệ tụng) trong kinh văn. Các thể Ngữ lục, Tụng cổ, Niêm tụng kệ mang nội dung như là Công án để khơi gợi tâm thức người học đạo thông tỏ chân lý, hiểu bản thể chân như thì những thể loại này cũng bàng bạc trong nhiều văn bản kinh thuộc thể Phương quảng, Thí du qua các lời vấn đáp về chân lý giữa đức Phật với các vị đệ tử. Các thể truyện  ghi chép về hạnh nghiệp các vị Tổ sư các dòng Thiền, các truyện truyền đăng v.v.. phải chăng là một biến thể của thể kinh Bản sự (Như thị ngữ)?. Nếu so sánh với thể loại văn bản kinh thì văn học Phật giáo của ta còn có thêm thể Thơ Thiền, mà thể tài này chưa thấy trong kinh văn ở Ấn Độ. Cũng cần khẳng định, các bậc tiền bối khi xưa đã đánh giá rất cao về thơ chữ Hán thời Lý – Trần, trong đó có ke và thơ Thiền. Đây là những vần thơ hay nhất của bộ phận thơ chữ Hán ở Việt Nam. Chỉ riêng trên góc độ thể loại, có thể thấy văn học Phật giáo thời Lý – Trần có những đóng góp không nhỏ, làm cho văn học Việt Nam phát triển rực rỡ trong buổi đầu phục hưng dân tộc.

                                                             Gò Vấp, cuối năm Bính Tuất – 2006

 

(Kỷ yếu Hội nghị khoa học “Văn học Việt Nam và Văn học Đông Á - Đông Nam Á”, tháng 10 năm 2007, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV TP HCM)

 

CHÚ THÍCH:

(1). Xin xem:

- Thiền uyển tập anh, bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A 3144, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có ghi lại lời sư Trí Không trả lời câu hỏi của bà Nguyên phi Ỷ Lan về lịch sử truyền thừa Phật giáo ở nước ta, thì sư Trí Không có dẫn lại lời của Đàm Thiên pháp sư nói khi vua Tuỳ Cao Tổ (Trung Quốc) ngỏ ý muốn làm chùa tháp tại Giao Châu, tuyển danh tăng sang hoằng hoá thì Đàm Thiên đáp: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi … Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu rước nước ta”.

- Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức, Sai Gòn tái bản, 1960.

- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá Bối, sài Gòn, 1973.

- Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, tái bản, 1999.

- Nhiệm Kế Dũ, Hán Đường Phật giáo tư tưởng luận, Bắc Kinh xuất bản xã, 1963, bản dịch đánh máy, Thư viện KHXH, Hà Nội, ký hiệu, vd 888; vd 2025.

- Phùng Hữu Lan, Đại cương triết học sử Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, Trường ĐHSP Huế, 1966.

(2). Trần Quang Huy, Từ Biến văn, Bảo quyển Trung Quốc và chân kinh Việt Nam, thử nhận định về vai trò của Phật giáo hai nước trong sự hình thành tiểu thuyết, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3 – 2003, tr. 45 – 58.

(3). Nguyễn Hữu Sơn, Thiền uyển tập anh từ góc nhìn một nét tương đồng hình thức thể tài Biến văn, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4- 1997, tr. 73 – 80.

(4). B.L. Riptin, Mấy vấn đề nghiên cứu văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình, Tạp chí văn hoc, Hà Nội, số 2 – 1974, tr. 107 – 123.

(5). B.L. Riptin, tlđd.

(6). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản trong bộ Thơ văn Lý – Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 183.

(7). Nguyễn Huệ Chi, sđd, tr. 183.

(8). Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức, Thơ ca Việt Nam: hình thức và thể loại, Nxb KHXH, Hà Nội, 1971, tr. 318.

(9). Nguyễn Đăng Na, Về bài Vương lang quy từ – Khảo sát và giải mã văn bản, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1 – 1995, tr.9.

(10). Nguyễn Đăng Na, Về bài Vương lang quy từ – Khảo sát và giải mã văn bản, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1 – 1995, tr. 11.

(11). Nguyễn Duy Hinh, Phật giáo với văn học Việt Nam, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4 – 1992, tr. 4 – 6.

(12). Nguyễn Phạm Hùng, Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn hoc Việt Nam thời Lý – Trần, Luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn, bảo vệ tại Viện Văn học, Hà Nội, tháng 7 – 1995, tr. 36.

(13). Nguyễn Phạm Hùng, tlđd, tr. 46 – 47.

(14). Nguyễn Phạm Hùng, tlđd, tr. 46.

(15). Nguyễn Phạm Hùng, tlđd, tr. 47.

(16). Nguyễn Hữu Sơn, Thiền uyển tập anh từ góc nhìn một nét tương đồng hình thức thể tài Biến văn, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 4- 1997, tr. 73 – 80.

(17). Phạm Văn Diêu, Văn học đời Trần Hồ, tài liệu in Rônêô, khoá giảng tại ĐH văn khoa Sài Gòn, 1971 -1972, 151 trang.

(18). Nguyễn Tử Cường, Nghĩ lại lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thiền uyển tập anh có phải là văn bản truyền đăng không?, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1 – 1997, tr. 77 – 82.

(19). Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, bản dịch của Phan Ngọc, Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 4 – 1996, tr. 143 – 209.

(20). Lưu Hiệp, tlđd.

(21). Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá, Sài gòn, tái bản, 1970, tr. 87.

(22). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr. 185.

(23). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr.183.

(24). Nguyễn Huệ Chi, sđd, tr. 185 - 186.

(25). Nguyễn Công Lý, Về bài tựa sách “Thiền tông chỉ nam” của Trần Thái Tông, Tạp chí Hán Nôm,  số 3 – 1997, tr. 39 – 45.

(26). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr. 183 – 184..

(27). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr. 183.

(28). Phạm Văn Diêu, tlđd.

(29). Đinh Gia Khánh, Văn học Việt Nam thế kỷ X – đầu thế kỷ XVIII, tập 1, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1978.

(30). Nguyễn Tử Cường, tlđd.

(31). Nguyễn Hữu Sơn, tlđd.

(32). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr. 121.

(33). Nguyễn Huệ Chi, Khảo luận văn bản, sđd, tr. 122.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập