Đừng rơi vào ma nghiệp

Đã đọc: 4280           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hễ đứng ở đâu, ở thời điểm nào mà có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thì có lòng tham, có sự sân hận, có mù quáng và nhất định chúng sẽ dẫn sinh tranh cãi, bạo động, chiến tranh, sợ hãi, thất vọng và khổ đau.

Tôn giáo không thể nào tự có, nếu con người không có niềm tin. Và Tôn giáo không thể nào chân chính, khi viện dẫn những quyền lực siêu nhiên để khủng bố con người và vinh danh Thần linh để giết hại con người và muôn thú.

Tôn giáo nào không bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và chúng sinh, mà trái lại khủng bố con người và giết người hàng loạt để vinh danh Thần linh, thì Tôn giáo ấy không phải là Tôn giáo của con người và chúng sinh; hoặc khi vị giáo chủ của Tôn giáo ấy ra đời, mà những tín đồ phụng thờ vị giáo chủ ấy, giết hại chúng sinh để hiến tế hay ăn mừng, thì Tôn giáo ấy cũng không phải là Tôn giáo của con người và cũng không có ân đức gì với chúng sinh khi vị ấy xuất hiện. Tôn giáo ấy chỉ là Tôn giáo của những kẻ thiếu nhân văn và cuồng tín.

Nó trở thành độc hại, cản trở bước tiến của thế giới con người về nơi chân thiện và vị tha. Đức tin cuồng tín và mù quáng thường dẫn sinh bạo động và chiến tranh.

Lịch sử của xã hội nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Những kẻ kinh doanh Tôn giáo xưa và nay, đều lợi dụng đức tin mù quáng và yếu hèn của tín đồ, để ru ngủ và mê hoặc bởi những điều hứa hẹn mơ hồ, huyễn hoặc, nhằm kiếm lợi nhuận hay kích động những tính chất bạo động nơi những người có đức tin Tôn giáo mù quáng, tạo nên những chiến tranh dân tộc, thuộc địa, ý thức hệ hay tín điều mà thủ lợi không phải là những người cầm súng ra chiến trường hay là những người tiêu thụ súng đạn, mà nơi những nhà chủ trương sản xuất súng đạn và cổ vũ chiến tranh dưới nhiều hình thức và danh nghĩa khác nhau để có lợi nhuận và quyền uy.

Triết học cũng không thể nào tự có, nếu con người không có tư duy. Nhưng những tư duy sai lầm, sẽ tạo thành một hệ thống triết học dẫn xã hội con người đến chỗ phá sản tri thức và nhân tính.

Người dân chất phác, những tư duy của họ chỉ nghĩ về cơm ăn áo mặc, nhà ở mà họ không có hệ thống triết học lý luận cho họ về nhà ở, áo mặc và cơm ăn. Vì vậy, ai cho họ nhà ở thì họ theo, ai cho họ cơm ăn, áo mặc thì họ cúi đầu và ai cho họ niềm tin thì họ thờ phụng.

Nhưng, người có lương tâm, thì không nên sử dụng những phương tiện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, niềm tin mù quáng để dụ dỗ và mê hoặc lòng họ. Nói dối với trẻ thơ, thì tội lỗi gấp mười lần so với nói dối với người lớn! Và nói dối với nhân loại thì tội lỗi tăng lên gấp cả triệu lần so với sự tự lừa dối chính mình.

Và sự tự lừa dối chính mình, thì không có bất cứ khả năng nào để có thể tự cứu rỗi và cũng không ai có thể cứu rỗi nổi người tự lừa dối.

Văn hóa, học thuật và nghệ thuật cũng có gốc rễ từ nơi tư duy của con người. Tư duy sai lạc, thì văn hóa, học thuật, nghệ thuật biểu hiện từ tư duy ấy cũng chỉ là những sản phẩm phù phiếm, nửa vời, như những người ngồi bên nầy bán cầu mà khen ngợi hay chỉ trích những gì đang diễn ra ở bên kia bán cầu!

Những người ở bên nầy bán cầu chỉ trích hay khen ngợi những gì đang xẩy ra ở bên kia bán cầu, họ nào đâu có biết là ở bên kia bán cầu đang sinh hoạt trong những thời điểm và những tư duy mà những múi giờ chuyển động của địa cầu đang hoàn toàn chênh lệch và trái ngược, vì vậy mà bên nầy mọi người đang ngủ thì bên kia mọi người đang thức, người đang thức có thể nói gì với người đang ngủ và người đang ngủ nghe và hiểu được gì từ những ngôn ngữ hay ý tứ của người đang thức!

Con người không có tư duy, thì chẳng có gì để gọi là văn hóa, học thuật và nghệ thuật cả.

Người có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thường muốn đem tư duy của mình áp đặt lên tư duy của người khác và buộc người khác đi theo hướng tư duy của mình. Họ biến con người trở thành những con bò và họ tự biến họ trở thành những kẻ chăn bò và họ là kẻ chăn bò cho một người chủ duy nhất do họ tưởng tượng.

Tưởng tưởng về một ông chủ hay một bản ngã sẽ đưa con người đi tới với đời sống của tham lam, thù hận, bạo động, chiến tranh, thất vọng và khổ đau. Đây là chân lý, vì nó không riêng gì cho người bên này bán cầu hay bên kia bán cầu. Không riêng gì cho người có Tôn giáo hay không Tôn giáo. Không riêng gì cho người xưa hay người nay và không riêng gì cho kẻ trí thức hay người mông muội.

Hễ đứng ở đâu, ở thời điểm nào mà có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thì có lòng tham, có sự sân hận, có mù quáng và nhất định chúng sẽ dẫn sinh tranh cãi, bạo động, chiến tranh, sợ hãi, thất vọng và khổ đau.

Nên, tư duy hữu ngã, sẽ tao ra nền văn hóa hữu ngã. Văn hóa hữu ngã chỉ là văn hóa của chiến tranh, mọi học thuật đi từ hữu ngã là để đầu độc thực hiện chiến tranh và mọi nghệ thuật đi từ hữu ngã chỉ là để kích động chiến tranh, nên khổ đau xẩy ra là điều tất yếu, không có gì để cho ta ngạc nhiên.

Ở nơi nào có “tự ngã” ở nơi đó có hận thù và chiến tranh. Hòa bình không bao giờ có mặt ở nơi những Tôn giáo hay nơi những nền văn hóa giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc đề cao tự ngã với những tham vọng quyền năng, gom thu hết cả muôn dân về một đầu mối.

Bản chất của lòng tham là xấu và nó là thuộc tính tạo nên tội lỗi. Lòng tham càng lớn thì tính xấu càng nhiều và thủ đoạn càng lắm, cho dù nó có khoác lên bất cứ hình thức áo mão hay ngôn ngữ diễm lệ hoặc ca nhạc thánh thần nào.

Lòng tham là nguồn gốc của mọi tội lỗi và là nơi cất chứa của mọi thù hận và mù quáng! Phụng thờ và khiếp nhược trước thần linh, không phải là đi từ tính cách lễ phép của con người, mà đi từ nơi tính chất hèn yếu, ích kỷ và tham lam của nó.

Con người càng ích kỷ, thì họ càng đam mê thần linh và họ muốn vay mượn thần linh để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của họ. Nhưng không có thần linh nào ở trên trời hay ở dưới đất có thể đáp ứng nổi lòng tham của con người. Con người có thể yếu đuối về thể chất, nhưng lòng tham của họ lại mãnh liệt và dẻo dai vô cực.

Thần linh thì không làm cho ai mê muội, nhưng mê muội là do tính ích kỷ nơi con người đối với thần linh. Thần linh là sự linh thiêng, trong sáng và linh hoạt của tinh thần. Thần linh như thế ai cũng có, loài nào cũng có và ngay cả nơi muôn vật cỏ cây cũng đều có. Có mà không có khả năng biểu hiện là do tính tham dục nơi tâm con người và chúng sinh hay do tính chất tiếp nhận hỗn tạp thiếu gạn lọc từ nơi các lưu mạch của mọi sự hiện hữu.

Người đệ tử của Phật, có ba pháp hành cần phải thực tập mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày để lọc đi những tạp nhiễm của thân tâm, khiến cho nguồn mạch sáng trong, linh tâm tinh duệ. Ba pháp hành ấy chính là Văn Tư Tu.

Văn là lắng nghe, để lọc những gì tạp nhiễm do nghe đem lại, khiến cho tâm không bị ô nhiễm bởi nghe. Ta thực tập hạnh lắng nghe như vậy, nhuần nhuyễn, tuệ giác sẽ sinh khởi trong đời sống của ta. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh lắng nghe như vậy, gọi là văn tuệ.

Tư là chiêm nghiệm sau khi nghe, sau khi thấy và sau khi các quan năng tiếp xúc với các đối tượng, ta thấy điều gì có khả năng đem lại lợi ích thiết thực cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho ta, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì ta chọn lấy để thực tập, và nếu sau khi chiêm nghiệm, thấy nó phù hợp với thời cuộc và tương ưng với ngũ dục mà không lợi ích gì cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho mình, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì mình dứt khoát không làm. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh chiêm nghiệm hay tư duy như vậy, gọi là tư tuệ.

Tu là ứng dụng những gì mình đã quyết tâm lựa chọn, sau khi đã trải qua hạnh lắng nghe và hạnh chiêm nghiệm. Tuệ giác sinh khởi từ sự tu tập, ứng dụng gọi là tu tuệ.

Thực tập các pháp môn Văn Tư Tu như thế mỗi ngày, tuệ giác ở nơi đời sống của ta sẽ phát sinh và tâm khoan dung độ lượng, không kỳ thị nơi ta cũng từ đó mà sinh khởi.

Bấy giờ, tâm ta tuy độ lượng, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm độ lượng của ta, mà làm những công việc phi độ lượng, ấy mới gọi là phẩm chất độ lượng do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy khoan dung, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm khoan dung của ta, để làm những công việc phi khoan dung, hại mình, hại người, ấy mới gọi là phẩm chất khoan dung do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy không phân biệt kỳ thị, nhưng ta thấy nhân quả không sai, chân ngụy rõ ràng, chính tà phân minh, thiện ác không xen tạp, khiến cho bất cứ ai không thể lợi dụng sự không kỳ thị phân biệt của ta, để làm những công việc kỳ thị phân biệt, ấy mới gọi là không kỳ thị phân biệt, do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành.

Nếu thiếu sự thực tập miên mật đối với pháp môn Văn Tư Tu hay Chính Niệm Tỉnh Giác, thì tà niệm khởi sinh, khiến cho mọi việc làm hay sự tu tập của ta đều rơi vào tình trạng “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hay như công án của một Thiền Sư đã nêu lên từ xưa để cảnh giác chúng ta “Đầu lọt, bụng lọt, đuôi không lọt”.

Vì vậy, chúng ta phải cẩn mật tu hành, luôn tỉnh giác đối với thân, thọ, tâm và pháp, qua các quan năng nhận thức, đừng lạm dụng ngôn từ, đừng lạm dụng các phương tiện tùy duyên hay ngoại giao, để rồi tự lừa dối chính mình mà rơi vào ma nghiệp!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.33

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập