Đức Phật Trong Kinh Hoa Nghiêm Và Đức Phật Lịch Sử

Đã đọc: 15388           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kinh Hoa Nghiêm cho rằng thân đức Phật ngồi thành đạo dưới cội Bồ-đề đó chỉ là báo thân của Phật. Thân nầy do cha mẹ sanh ra, do vật chất nuôi dưỡng, có già có chết. Còn thân Phật vĩnh hằng đó là thân đức Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana, hay còn gọi là Đại Nhật Như Lai) thường trụ trong mười phương pháp giới, dầu cho báo thân của đức Phật Thích-ca có nhập Niết-bàn tại Sa-la song thọ thì Pháp thân kia vẫn như nhiên, không hề bị sanh già bệnh chết chi phối.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca  Mâu-ni Phật.

Xin cho hỏi đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm khác với đức Phật thường như thế nào? Theo lịch sử xuất xứ của Kinh này [tôi thấy] có nhiều điều không phù hợp. [Kinh ghi rằng] Bồ-tát Long Thọ lên trời thỉnh [Kinh] về, nhưng nhiều quá không thỉnh hết, nên chỉ thỉnh một phần nhỏ trong đó. . . Vậy Kinh Hoa Nghiêm này có phải đức Phật thuyết, hay do Ngài Long Thọ viết ra? Nếu như lịch sử của Kinh là như thế thì khó lòng mà tin rằng Kinh này do Phật thuyết. Xin vui lòng cho những người học Phật chúng tôi được biết cụ thể.

Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát.

Thích Thiện Đạo.

***

Kính chào Thầy Thiện Đạo,

Dựa theo nghi vấn của Thầy, GH xin trình bày vài vấn đề như sau:

1) Đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm và đức Phật lịch sử

Theo hầu hết các nhà nghiên cứu Phật học, nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất mô tả cuộc đời đức Phật lịch sử là nguồn văn học Pàli, đặc biệt là Kinh tạng và Luật tạng. Hơn 2.200 năm về trước, tư tưởng đức Phật lịch sử và đức Phật trong các Kinh điển Đại thừa cũng đã là một vấn đề gây tranh luận giữa các bộ phái với nhau.   Cụ thể là trong luận  phẩm Những Điểm Dị Biệt[1], một trong bảy bộ luận căn bản của Thượng Toạ bộ do tôn giả Mục-kiền-liên-đế-tu (Moggalìputta-tissa) trước thuật đã đề cập đến vấn đề này.

Kinh Hoa Nghiêm, một pho triết lý của Phật giáo Đại thừa ra đời sớm nhất vào thế kỷ thứ I sau TL và phát triển thời Bồ-tát Long Thọ (Nàgàrjuna). Do đó, hình ảnh đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm nói riêng và các Kinh hệ Đại thừa nói chung có nhiều điểm khác nhau đối với hình ảnh đức Phật lịch sử trong Kinh tạng Nikàya.

Kinh điển Nikàya mô tả đức Phật từ những sự kiện: dòng họ, quê quán, cuộc sống, xuất gia, tu khổ hạnh, giác ngộ chơn lý, chứng đắc vô thượng giác, 45 năm du hoá, đến khi nhập Niết-bàn tại Ta-la song thọ một cách đầy đủ, chi tiết với hình ảnh của một con người thật. Kinh điển Nikàya cũng cho rằng tuy một vị A-la-hán hay một vị Phật có đầy đủ các thuộc tính như: Tam minh (Tivijja), Lục thông (cha.lbhi~n~nà), Thập lực (Dasabala) và Tứ vô sở uý (catuvesàraja), v.v… , nhưng các ngài vẫn chịu sự chi phối của định luật vô thường như sanh, lão, bệnh, tử.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kỹ Kinh Đại Bát-niết-bàn (số 16) thuộc Trường Bộ, chúng ta sẽ thấy rằng ở đấng Đạo Sư nói riêng và những vị A-la-hán nói chung, vẫn có những điểm kỳ diệu. Đức Phật dạy tôn giả Ànanda:

“Này Ànanda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ànanda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ànanda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại

Chữ “kiếp”, trong ngôn ngữ Pàli là “kappa” (trong tiếng Anh là aeon), một con số chỉ cho thời gian rất lâu trong toán học cổ đại Ấn Độ, có thể bằng tuổi thọ của trái đất, chứ không phải là một “kiếp người”, 60, 70 hoặc 100 năm như chúng ta thường dùng.

Như vậy, sắc thân (rùpakàya) của đức Phật không hoàn toàn bị luật vô thường chi phối, bởi vì chính đức Phật   nhận thấy đã đến lúc nhập vô dư Niết-bàn, nên Ngài nhập diệt mà không cần vận dụng năng lực do tu tập bốn thần túc để trụ thêm ở đời. Đây là điểm kỳ diệu của đức Phật mà các giáo chủ ngoại đạo khắp Đông Tây không thể có được.

Cho nên, chúng ta cũng không thể nói rằng đức Phật giống như các chúng sanh khác chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết như một người phàm phu. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, I, trang 662 , Bà-la-môn Dona hỏi đức Phật có phải Ngài là một vị Phạm Thiên không?[2] Ngài có phải là một vị Trời không?[3] một vị Dạ-xoa không?[4] Ngài có phải là một Càn-thát-bà không?[5] Ngài có phải là một con người (manussa)  bình thường không? Đức Phật trả lời rằng Ngài không phải tất cả. Ngài là một vị Giác Ngộ (Buddha). Đức Phật còn đưa ra một hình ảnh rất đẹp là giống như một đoá sen sanh, đỏ hay trắng được sinh ra trong bùn nhơ nước đọng, nhưng vượt lên khỏi bùn nhơ nước đọng mà nở hoa. Cũng vậy, đức Phật được sinh ra  và được lớn lên trong đời, nhưng vượt lên trên cuộc đời,  đã an trú trong thế giới vô nhiễm, không còn mọi lậu hoặc cáu bẩn trong tâm thức. Nói tóm lại, đức Phật có đầy đủ những thuộc tính như mười danh hiệu của Ngài.

Điểm khác biệt then chốt giữa đức Phật lịch sử và đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm là đức Phật trong Nikàya chỉ có một thân  đó là nhục thân  hay còn gọi là báo thân.  Trong khi đó, Kinh Hoa Nghiêm xiển dương đức Phật có tam thân (trikàya), đó là Pháp thân (Dharmakàya: thân thường trụ bất sanh bất diệt), Báo thân (Sambhogakàya: thân phước đức có 32 tướng tốt do cha mẹ sanh ra và vật chất nuôi dưỡng) và Ứng hoá thân (Nirmà.nakàya: thân biến hoá khắp nơi để hoá độ chúng sanh ở các cõi). Ba thân nầy còn có cách gọi khác là “Tự tánh thân”, “Thọ dụng thân” và “Biến hoá thân”.  Khái niệm “Tam thân” chỉ xuất hiện trong Kinh điển Đại thừa, hoàn toàn không có mặt trong Tam tạng  hệ Nikàya.

Có lẽ vì  muốn cảnh tỉnh cho các hàng ngoại đạo chấp chặt cho rằng đức Phật cũng bị luật sanh lão bệnh tử chi phối, không chứng đắc các quả tối thượng, các pháp ly sanh diệt, các pháp của bậc thượng trí, cho nên các nhà Đại thừa  đã đưa ra khái niệm tam thân để xiển dương quả vị giác ngộ tối thượng của đức Phật, là vượt khỏi sống chết, hằng tự tại trong tam giới để tuỳ duyên hoá độ chúng sanh. Đây là năng lực tự nhiên của một bậc A-la-hán toàn giác, năng lực của bậc Thiên nhân chi Đạo Sư (bậc Thầy của trời người) có được, các vị Vua của các cõi trời như Phạm thiên, Đế-thích, được các Bà-la-môn tôn vinh như là Đấng Tạo Hoá   cũng không thể đạt được.

Tuy nhiên, khái niệm Pháp thân (Dharmakàya) đã xuất hiện trong Kinh điển Nikàya dưới một dạng khác, pháp thân ở đây chỉ cho lời dạy của đức Phật, không có nghĩa là một pháp thân thường trú, bất sanh bất diệt theo cách hiểu triết học của Phật giáo Đại thừa. Tương Ưng Bộ Kinh III, trang 219 ghi: “Ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta, Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp.” Cũng như trong Kinh Đại Bát -Niết-Bàn thuộc Trường Bộ có ghi lại sự kiện tôn giả  Ànanda đau buồn vô hạn trước sự ra đi của đức Thế Tôn, đức Phật biết được tâm niệm của tôn giả Ànanda và cả đại chúng, đặc biệt đối với các vị hữu học, Ngài gọi Tôn giả Ànanda đến và dạy:

Này Ànanda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời của bậc Đạo Sư không còn nữa. Chúng ta không có Đạo Sư.” Này Ànanda, Pháp và Luật mà Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ngươi.

Như vậy, qua hai dẫn chứng trên, chúng ta có thể suy luận rằng thân Phật thật sự cũng là chính giáo pháp của đức Phật, chứ không chỉ là báo thân có đầy đủ 32 tướng trang nghiêm. Báo thân hay nhục thân rồi phải chịu già, bệnh, chết. Ngài dạy rất nhiều lần trong các Kinh “các pháp hữu vi là vô thường, chịu sự chi phối của biến hoại, sanh diệt”.

Kinh Hoa Nghiêm cho rằng thân đức Phật ngồi thành đạo dưới cội Bồ-đề đó chỉ là báo thân của Phật. Thân nầy do cha mẹ sanh ra, do vật chất nuôi dưỡng, có già có chết. Còn thân Phật vĩnh hằng đó là thân đức Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana, hay còn gọi là Đại Nhật Như Lai) thường trụ trong mười phương pháp giới, dầu cho báo thân của đức Phật Thích-ca có nhập Niết-bàn tại Sa-la song thọ thì Pháp thân kia vẫn như nhiên, không hề bị sanh già bệnh chết chi phối.

Khái niệm “ứng hoá thân” (Nirmà.nakàya) trong Kinh tạng Nikàya tuy không có đề cập, nhưng năng lực của “thần túc thông” mô tả là có thể hoá hiện một thân thành nhiều thân, tự tại du hí, không bị trở ngại bởi bất cứ chướng ngại vật nào. Như vậy, khái niệm “Ứng hoá thân” (Nirmà.nakàya) chưa viết thành văn tự, nhưng trên thực tế khái niệm đó đã có mặt trong một thuật ngữ khác, đó là diệu dụng của thần túc thông ngay từ thời đức Phật.

Bối cảnh pháp hội trong Kinh Hoa Nghiêm như phẩm “Thế Chủ Diệu Trang Nghiêm” ghi là sau khi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề, trong 21 ngày đầu tiên ấy, đức Phật đã   nhập Hải Ấn đại định, hiện Đại Nhật Pháp thân (Vairocana: Tỳ-lô-xá na) thuyết pháp cho các hàng Bồ-tát từ Sơ điạ (Hoan hỷ địa) trở lên số nhiều như vi trần để vào bất thối chuyển. Vô số chúng Bồ-tát (Boddhisatva) cùng vô số các Thần Kim Cang (Nàràya.na), cùng các chúng chư thiên (deva) đến dùng thi kệ tán thán đức Như Lai. Thân đức Phật ngồi tại Bồ-đề Đạo Tràng chỉ là báo thân (Sambhogakàya) của Phật, còn thân nói pháp cho các vị Bồ-tát từ sơ địa trở lên nầy là thân Phật Tỳ-lô-giá-na (Vairocana).

Trong Đại Phẩm (Mahàvagga)[6] thuộc Luật tạng Pàli cho rằng, sau khi đức Phật thành đạo tại Bồ-đề Đạo Tràng, trong 21 ngày đầu tiên ấy, đức Phật đã ngồi hưởng lạc thọ giải thoát mà Ngài đã chứng được và quán sát lý duyên khởi theo hai chiều thuận nghịch. Dựa vào Kinh Nikàya chúng ta không tìm ra nơi nào nói rằng đức Phật đã thuyết Kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày như lịch sử hình thành Kinh nầy ghi lại, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận giá trị nghĩa lý uyên áo thâm diệu của bộ Kinh nầy. Điều nầy sẽ  được trình bày trong phần 3 của bài viết.

Dưới lăng kính của các nhà triết học Đại thừa, sự ra đời của Đức Phật được xem như là giả hiện. Các hình ảnh và Phật sự của Ngài từ lúc nhập mẫu thai cho đến lúc nhập Niết-bàn đều là thị hiện, vì đức Phật đã thành đạo từ vô lượng kiếp về  trước. Nếu theo quan niệm như vậy, vô tình chúng đã làm mất đi tính chất nỗ lực của Đức Phật trên con đường tầm cầu chân lý, và chiến đấu nội tâm để đạt giác ngộ tối thượng. Lập luận như vậy làm cho tinh thần giáo hoá độ sanh không mệt mỏi của Đức Phật không có tác dụng mạnh, và quá trình tu khổ hạnh cầu đạo giải thoát cũng mất ý nghĩa thậm thâm.

Đọc kinh điển Pàli, chúng ta sẽ phát hiện đức Phật được mô tả trong Kinh rất gần gũi, gần gũi đến độ chúng ta có thể đến bên cạnh, quỳ dưới chân Ngài và đảnh lễ nghe pháp. Chúng ta có thể đến với Ngài bất kỳ lúc nào khi chúng ta đau khổ. Cuộc đời hoằng pháp của Ngài cao cả nhưng rất dung dị. Ngược lại nền văn học Phật giáo Đại thừa cho chúng ta một pho triết lý đồ sộ nhưng hình ảnh của đức Phật có lẽ quá cao xa đối với chúng ta. Không phải chỉ Kinh Hoa Nghiêm mà hầu hết các Kinh Đại thừa đều như vậy, chỉ có một số ít Kinh là ngoại lệ.

Dĩ nhiên, cũng có một vài đoạn trong 4 bộ Nikàya và một số kinh thuộc Tiểu Bộ ra đời hơi muộn nên bị thêm thắt nhiều yếu tố thần thoại trong lịch sử, khó có sức thuyết phục. Để xác định vấn đề lịch sử này, chúng ta có thể dựa vào các văn bản của Phật giáo, các tác phẩm Kinh điển và sớ giải văn học của các tôn giáo khác như Kỳ-na-giáo (Jainism) hoặc tác phẩm Upanisad (Áo Nghĩa Thư) của văn học Bà-la-môn (Bramanism, nay là Ấn giáo: Hinduism) để đối chiếu, rồi rút ra kết luận.  Nguồn văn học Pàli vẫn được hầu hết các bậc cao đức Tăng Ni và các nhà nghiên cứu Phật học xưa nay thừa nhận là tài liệu đáng tin cậy nhất.

Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu có khuynh hướng tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp hoá độ chúng sanh của đức Phật trong văn học Pàli hơn là đức Phật trong văn học Đại thừa. Tài liệu có thể tham khảo thêm, như tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tác phẩm  Đức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha) của H. W. Schuman được cư sĩ Nguyên Tâm-Trần Phương Lan dịch sang tiếng Việt.  Tài liệu liên quan trực tiếp đến vấn đề  của bài viết nầy, được TT. Thích Chơn Thiện trình bày trong phần “Đức Phật trong Nam Tạng và Bắc Tạngtrong Phật Học Khái Luận. Nhiều tài liệu khác trình bày cuộc đời đức Phật dưới góc độ lịch sử của nhiều tác giả khác nằm trong phần Đức Phật và Phật Pháp.

Việc nghiên cứu so sánh hai hình ảnh đức Phật lịch sử và đức Phật theo quan điểm triết học của các nhà tư tưởng Đại thừa nói chung, Kinh Hoa Nghiêm nói riêng  là một công trình đòi hỏi công phu vì phải trưng dẫn nhiều dẫn chứng trong Tam tạng. Việc biên khảo như vậy sẽ mất nhiều thời gian, nên ở đây, người viết  chỉ trình bày một cách đại cương.

2) Kinh Hoa Nghiêm do Phật thuyết hay do Bồ-tát Long Thọ viết?

Quá trình hình thành Kinh tạng cho thấy, Kinh điển Đại thừa ra đời sớm nhất vào thế kỷ thứ nhất trước TL. Đánh dấu đầu tiên là hệ văn học Bát-nhã, sau đó mới đến Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn và các bộ Thánh điển khác lần lượt ra đời.

Căn cứ Đại Tạng Kinh tiếng Hoa, Kinh Hoa nghiêm (Avatam.saka Sùtra) gọi đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Buddhàvatam.sa-mahavaipulyana-sùtra) có ba bản dịch khác nhau. Bản đầu tiên được Ngài Buddhabhadra (phiên âm Hán-Việt là: Phật-đà-bạt-đà-la, hoặc được dịch nghĩa: Phật Hiền, có chỗ dịch là: Giác Hiền) dịch sang tiếng Hoa đầu tiên vào năm 418 sau TL, thời Đông Tấn, gồm 60 quyển. Bản dịch thứ hai của Ngài ‘Sik.sànanda (Thật-xoa-nan-đà) thời nhà Đường, gồm 80 quyển. Bản dịch thứ ba do Ngài Praj~na (Bát-nhã) cũng thuộc đời Đường niên hiệu Trinh Quán dịch gồm 40 quyển. Bài nghiên cứu Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm của học giả Cao Quán Như (Trung Quốc)   được cư sĩ Định Huệ dịch sang Việt ngữ[7] cho rằng ba bản dịch trên có nội dung khác nhau vì ba bản Sanskrit không đồng. Qua niên đại và nội dung của ba phiên bản khác nhau, chúng ta có thể kết luận là Kinh Hoa Nghiêm xuất hiện khá muộn và không đồng bộ.

Kinh Hoa Nghiêm bản tiếng Hoa được HT. Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt là bản gồm 80 quyển của Pháp sư Thực-xoa-nan-đà (‘Sik.sànanda) và Bát-nhã (Pra~na).

Đại sư Trí Khải cho rằng Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh tối quan trọng được chính đức Phật tuyên thuyết cho các vị đại Bồ-tát và chư thiên ngay sau khi thành đạo trong  21 ngày đầu tiên[8]. Cách phân loại này chỉ dựa vào tông chỉ và quan điểm riêng của Ngài, hoàn toàn không dựa vào lịch sử hoằng pháp của đức Phật hoặc quá trình hình thành Kinh điển của cả hai truyền thống lớn.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận công lao phân chia Kinh điển đầu tiên ở Trung Hoa của Ngài Trí Giả Đại Sư.  Theo quan điểm của người viết, nếu không nhờ cách phân chia trên của Đại Sư Trí Khải, giới học thuật Trung Hoa khó tìm ra được cửa ngõ và đặt niềm tin   để đi vào mảnh đất Phật pháp mênh mông này. Vì lúc bấy giờ, Kinh điển từ Ấn Độ, Trung Á được truyền vào Trung Hoa khá nhiều và mang nhiều hệ tư tưởng đặc thù nhưng không lắm điểm dị biệt.

Còn xuất xứ của Kinh nầy, như Thầy  đặt nghi vấn có phải do Bồ-tát Long Thọ (Nàgàrjuna)   lên thiên cung thỉnh về hay không?. Không biết Thầy đã đọc từ ấn bản nào, nhưng phần lớn những tài liệu liên quan đến cuộc đời thật và huyền thoại của Bồ-tát Long Thọ và Kinh Hoa Nghiêm đều cho rằng, chính Ngài đã xuống tận Ta-kiệt-la Long Cung (Avanatapta), nơi cất giấu bộ Kinh Hoa Nghiêm này để thỉnh về và truyền bá.

Dù truyền thuyết về quá trình hình thành Kinh này như vừa kể trên, hay truyền thuyết về Bồ-tát Văn Thù thị hiện trên Ngũ Đài Sơn ở Trung Hoa để tuyên thuyết Kinh này cũng không thể nói lên tiếng nói trung thành về quá trình hình thành Kinh Hoa Nghiêm. Giáo pháp cao thượng của đức Phật là để phổ hoá chúng sanh, đức Phật và chư vị Bồ-tát lẽ nào lại đem dấu tận Long Cung hay thế giới chư thiên nào, không đem ra để truyền bá làm lợi lạc cho đời? Cũng không thể lập luận rằng Kinh nầy vì cao siêu mầu nhiệm nên Long Vương mới  đem cất giấu dưới Long Cung. Những loại truyền thuyết như vậy hoàn toàn không có giá trị đối với quá trình hình thành Kinh điển thật .

Còn Kinh Hoa Nghiêm có phải chính Bồ-tát Long Thọ viết hay không, cho tới nay, Kinh nầy vẫn được tin như truyền thuyết đã nói là do chính Bồ-tát Long Thọ đã thỉnh về từ Ta-kiệt-la Long Cung, trùng tuyên và truyền bá sâu rộng ở thời đại của Ngài. Dựa vào các Luận phẩm trước tác của Ngài để lại, chúng ta không thấy  đề cập đến Kinh Hoa Nghiêm.Tuy nhiên,  trong các Luận phẩm Ngài sáng tác có đề cập đến những Kinh điển đương thời,  trong đó có đề cập đến phẩm “Nhập Pháp Giới” và phẩm “Thập Địa”. Qua đó, chúng ta có thể suy luận rằng phẩm “Thập Địa” và phẩm “Nhập Pháp Giới” trong Kinh Hoa Nghiêm đã có mặt   và có thể  đóng vai trò rất lớn đến những bộ luận của Bồ-tát Long Thọ.

Lại nữa, như chúng ta thấy Kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Sanskrit có tới 3 bản. Bản dịch sớm nhất từ thời Đông Tấn (317-420), hai bản khác đến thời Đường mới được dịch và phổ biến ở Trung Quốc. Ngài Long Thọ thị tịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ III TL. Như vậy thời đại Ngài và thời gian Kinh Hoa Nghiêm đầu tiên được dịch sang tiếng Hoa cách nhau không nhiều. Do đó, chúng ta có thể đoán rằng bản Kinh Hoa Nghiêm bằng tiếng Sanskrit đầu tiên có thể do Bồ-tát Long Thọ trước thuật hay ít ra chính Ngài đóng góp công không nhỏ cho pho triết lý đồ sộ nầy.

Trong cuốn Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, cố HT. Thích Thanh Kiểm ghi: “Tương truyền, ngài Long Thọ đã trước tác bộ Đại Bất Tư Nghì Luận để chú thích Kinh Hoa Nghiêm, gồm 10 vạn bài tụng, bộ Thập Trụ Tỳ-bà-sa Luận [...], chỉ là một bộ phận nhỏ ở trong bộ này” (trang 167).

Một nhận định khác xin trình bày ở đây, là dầu Kinh Hoa Nghiêm do Bồ-tát Long Thọ viết, hay một vị Thánh Tăng nào đời sau soạn thuật thì Kinh đó vẫn có giá trị như lời Phật dạy, vì những học thuyết “tương tức, tương nhập” “Lục huyền duyên khởi” hay “Lục tướng viên dung” v.v….không đi ngoài giáo lý duyên khởi của đức Phật mà còn khai triển rộng ra trên bình diện khác. Đồng thời chúng ta cũng phải thừa nhận và mang ơn  vì  những tác phẩm nầy ra đời để đáp ứng nhu cầu của thời đại triết học, một thời kỳ Phật giáo bắt buộc phải có những tác phẩm kinh điển mang  nội dung nhuốm màu triết học để  vượt trên những học thuyết lớn mạnh của Bà-la-môn giáo trỗi dậy như nấm lúc bấy giờ.

3) Thái độ của hàng Phật tử khi biết được sự thật lịch sử

Đáng lẽ ra, bài viết được kết thúc ở phần 2. Nhưng vì người viết muốn chia xẻ một vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân, cũng như những trao đổi riêng với một số huynh đệ và Phật tử khi đọc Kinh Phật. Rất mong những điều này sẽ giúp một chút tư lương nào đó đối với những Phật tử vừa mới bỡ ngỡ  đến với đạo Phật.

3.1. Chấp nhận  sự thật

Về phương diện lịch sử: Qua quá trình nghiên cứu, nhiều học giả đã phát hiện nhiều điểm về cuộc đời đức Phật lịch sử khác với đức Phật được mô tả trong Kinh điển Đại thừa.

Về phương diện tư tưởng: Dựa theo tư tưởng của từng bộ Kinh, chúng ta có thể   suy luận Kinh nào do đức Phật thuyết hoặc Kinh nào do các vị Bồ-tát, Thánh tăng Phật giáo sau nầy trước tác.

Về phương diện biên tập dưới dạng văn bản viết: Theo phương pháp nghiên cứu dựa vào ngôn ngữ trong văn bản, chúng ta có thể xác định Kinh nào được biên tập trước hoặc sau.

Những phát hiện như vậy, lắm lúc làm cho những vị có niềm tin tuyệt đối đối với Kinh điển bị sốc. Bản thân người viết cũng từng trải qua kinh nghiệm “điêu đứng” khi phát hiện ra sự thật như vậy.

Đạo Phật là đạo tôn trọng sự thật, chúng ta mạnh dạn chấp nhận sự thật lịch sử, những khúc quanh, những hạn chế trong ngôn ngữ,  trong văn học. Tinh thần tôn trọng Kinh điển là một điều rất quý, nhưng khăng khăng cho rằng điều đó đúng 100% lời Phật dạy  cũng chưa phải là một điều hay; hoặc cứ khăng khăng cho rằng Kinh đó do chính kim khẩu đức Phật tuyên thuyết mặc dầu không có cơ sở để thuyết phục, cũng là quan điểm cần phải nhìn lại. Vì đạo Phật luôn kêu gọi tinh thần “trạch pháp”, nghĩa là cần phải hiểu rõ giáo pháp một cách rành mạch. Tinh thần trạch pháp nầy  rất cần cho mỗi Phật tử, vì điều đó sẽ giúp cho những người tu tập theo giáo pháp của đức Phật không bị thối thất khi bị những tà sư ngoại thuyết lạc dẫn. Đức Phật cho phép chúng ta nghi những gì có thể là chưa đúng với chơn lý, những gì không phù hợp với đạo đức, với trí tuệ của loài người, dầu đó là nghi ngờ giáo pháp của đức Phật. Trong  một bài trao đổi với Phật tử Trần Thanh về Đại thừa và Tiểu thừa: Phái nào cao siêu hơn? người viết đã trình bày  sơ lược vấn đề này.

3.2.  Không thối thất niềm tin và tâm cầu học nơi Kinh điển

Việc truy nguyên tác giả và niên đại Kinh điển của hai truyền thống Bắc truyền và Nam truyền thật sự chỉ có giá trị về phương diện sử học. Nó giúp người đời sau biết rõ các quan điểm, tư tưởng triết học của thời đại đó. Ngoài ra, kiến thức này giúp chúng ta khỏi phải bận tâm nhiều nếu khi phát hiện một hai tư tưởng được chứng minh là không phải do chính đức Phật tuyên thuyết.

Thầm nghĩ: “Độc Kinh giả minh Phật chi lý” (đọc kinh là để hiểu rõ nghĩa lý của lời Phật dạy) vẫn là phương châm hàng đầu cho Phật tử trong mọi thời đại. Bối cảnh đức Phật xuất hiện thuyết Kinh với vô số hào quang chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, với vô số chúng Bồ-tát bất thối v.v…chỉ là tiền đề phương tiện cho một nội dung giáo lý uyên bác mà bộ Kinh đó chuyên chở. Ví dụ, Kinh Hoa Nghiêm chẳng hạn, không vì Kinh nầy không phải do chính đức Phật tuyên thuyết mà phủ nhận giá trị tư tưởng “Lục Tướng Viên Dung”, “Thập Huyền Duyên Khởi”  và hình ảnh tượng trưng tham học với 53 vị đại Bồ-tát của Thiện Tài Đồng Tử. Hình ảnh đó mãi là là tấm gương sáng ngời để cho hàng hậu học phàm phu chúng ta noi theo.

Xin giới thiệu một bài nghiên cứu chuyên đề và một tác phẩm, trong đó có một chương trình bày về tông Hoa Nghiêm, 1) Mười huyền môn: trật tự của thế giới trong tương quan vô tận của TT.Tuệ Sỹ ; 2) Tông Hoa Nghiêm của  cố   HT. Thích Thiện Hoa; 3) Bốn pháp giới Viên dung vô ngại của tiến sĩ Hồng Dương.  Đây là những bài nghiên cứu, sáng tác vô cùng giá trị giúp chúng ta có  thêm thông tin về sử học và triết lý uyên áo của Kinh Hoa Nghiêm.

Mong rằng tất cả người con Phật thọ trì kinh điển với tinh thần của người góp nhặt hoa giáo pháp, kết thành tràng hoa để làm đẹp cuộc sống của mình và người.

Cầu chúc Thầy luôn có một đời sống nội tâm vững mạnh với niềm pháp lạc vô biên.

Cầu chúc Phật tử nào hữu duyên đọc bài này luôn có niềm tin bất thối với giáo pháp và luôn sống với lời dạy quý báu của đức Phật.

Nam-mô Thường Hoan Hỷ Bồ-tát Ma-ha-tát.


[1] Nguyên tác bằng ngôn ngữ Pàli: Kathàvatthu, được Aung và Bà Rhys Davids dịch sang tiếng Anh: Points of Controversy, PTS, 1917. Bản Anh ngữ nầy đã được hai cư sĩ Tâm An và Minh Tuệ dịch sang tiếng Việt, ấn hành năm 1987 tại TP. Hồ Chí Minh.

[2] Phạm thiên: tiếng Pàli là Brahma, theo quan niệm của Bà-la-môn giáo, Phạm Thiên là Đấng Sáng Tạo của thế giới, giống như trong các tôn giáo hữu thần ngày nay cho rằng có một Đấng Tạo Hoá vậy.

[3] deva // god: một thần dân của Đấng Sáng Tạo.

[4] Yakkha: một loại ma, quỷ, thần có uy lực hơn người, nhưng trí tuệ kém hơn loài người.

[5] Gandhabha: loại chư thiên chuyên về phần âm nhạc ở các cõi trời.

[6] Tham khảo The Book of the Discipline, Mahàvagga, Vol. IV, bản dịch tiếng Anh của Bà I. B. Horner do hội The Pali Text Society xuất bản tại Oxford,  năm 1931, từ trang 1 –5.

[7] Chúng tôi vô tình phát hiện nội dung bản dịch của cư sĩ Định Huệ  bằng Hán văn lại giống với nội dung bài viết Avata.msaka Sùtra của Cao Quán Như bằng Anh ngữ trongbộ Từ Điển Phật Học (Encyclopeadia of  Buddhism), tập II, (Ceylon, The Gorvernment Press, 1966) trang 435 - 446. Nội dung của bài viết trong Bộ Từ Điển nầy có phần đầy đủ hơn về phương diện chú thích.

[8]Bài Kệ phán giáo nổi tiếng của Đại Sư Trí Khải:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật

A-hàm thập nhị phương đẳng bát

Nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm

Pháp Hoa, Niết-bàn cộng bát niên.

Thích Thiện Đạo hỏi; TS. Thích Giác Hoàng trả lời

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập