Sự kết cấu và hình thành Phật học Nguyên thủy

Đã đọc: 3827           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Học thuyết của Thích Ca có những đặc điểm riêng của nó, như chúng ta thấy học thuyết của Thích Ca từ đầu đến cuối luôn luôn sử dụng thái độ phân tích, so sánh của từng vấn đề.

Sự kết cấu Phật học nguyên thủy, gồm hai phương diện hình thức và nội dung. Sau đó, những đệ tử của Ngài Phật tin tưởng và duy trì hai tạng Kinh và Luật này. Thế thì, phương thức duy trì như thế nào? Suốt 45 năm, Thế Tôn tuyên dương chánh pháp, những nơi mà Ngài thuyết giảng tương đối khá rộng, không những chỉ có thế, Ngài còn cho phép những đệ tử dùng tiếng địa phương truyền bá, khi tuyên dương chắc chắn có một phương thức cố định. Căn cứ tập quán đương thời, phương thức duy trì những Kinh Luật này là khẩu truyền, nương vào ký ức truyền trao cho nhau, thích nghi nhất cho ký ức là dùng hình thức Kệ tụng, vì hình thức kệ tụng vừa ngắn gọn, lại vừa có âm vận, thuận tiện cho việc tụng đọc và ghi nhớ. Trong Luật tạng của các Bộ phái, còn bảo tồn một số tư liệu những đệ tử Phật tụng kinh (Tham khảo Lai Duy “Phật Kinh Nguyên Thủy Tụng Đọc Pháp”, những kinh đề cập đến vấn đề này như “Nghĩa Túc Kinh” (Hán dịch có đơn hành bản, Pàli văn, được chép trong Kinh tập), “Ba La Diên Kinh” (Hán dịch trong “Đại Trí Độ Luận”, “Du Già Sư Địa Luận” đều có trích dẫn, Pàli văn được chép trong Kinh tập), “Pháp Cú Kinh” (Hán, Pàli đều có đơn hành bản).v.v... những kinh vừa nêu trên toàn bộ đều dùng hình thức kệ tụng. Những kệ tụng này, có một số thuộc loại không có câu hỏi mà tự trả lời (vô vấn tự thuyết), có một số thuộc loại vấn đáp. Ngoài ra, còn có một số vấn đề như Phật nói kinh lúc nào, ở đâu và đối tượng là ai.v.v..., cũng đều được ghi chép, gọi đó là Duyên khởi.

Qua đó, có thể nói rằng, hình thức bảo tồn kinh luật lấy ‘kệ tụng’ làm trung tâm, nghĩa lý của nó, hẳn nhiên phải thông qua sự giải thích, tức là tiếp tục có sự phát triển. Sự giải thích này được gọi là A tỳ đạt ma (Abhidhrma), ý nghĩa là đối pháp; Kinh là phạm vi của pháp, những gì giải thích về pháp được gọi là đối pháp. Hình thức của đối pháp có mấy loại như dưới đây: 1. Ưu ba đề xá (nghị luận), đơn thuần đem lời Phật dạy giải thích, vừa đơn giản vừa rõ ràng, dễ dàng tìm hiểu nghĩa lý. Phương pháp này, chính bản thân đức Phật cũng đã sử dụng, như kinh “Đại Duyên Phương Tiện” trong “Kinh Trường A hàm”, là sự giải thích của đức Phật đối với pháp duyên khởi. 2. Màtrka (Bổn mẫu), đây là phương thức giải thích những điểm chính yếu của toàn văn, gọi đó là ‘bổn mẫu’, nghĩa là từ trọng điểm đơn giản này, phát sinh nhiều đạo lý, như người mẹ sinh con. Phương pháp này, có một số do chính Phật nói, có một số do đệ tử nói. 3. Quyết trạch, nghĩa là trong những loại nói pháp không giống nhau chọn ra một loại, đây chủ yếu là đề xuất phương thức chọn lựa danh tướng. Vì có rất nhiều ý nghĩa danh tướng giống nhau, để xác định ý nghĩa của nó, cho nên phân chia chủng loại khác nhau. Phương pháp này phần lớn căn cứ vào số chữ nhiều ít mà phân loại, nghĩa là từ pháp thứ nhất cho đến pháp thứ mười, do đó gọi là pháp ‘thập thượng’ hay pháp ‘Tăng nhất’. Pháp thứ mười trở lên cũng có như 12 nhân duyên .v.v... nhưng rất ít. Như thế, phương pháp phân loại này, vừa thuận tiện cho việc hoằng dương chánh pháp, vừa dễ dàng ghi nhớ.

Do vì tình hình như thế, có thể nói phương pháp lưu trữ những lời Phật dạy là sử dụng hình thức ‘kệ tụng’, kế đến là ‘duyên khởi’, từ đó phát triển thành A tỳ đạt ma. Sau khi Phật diệt độ, những hình thức này trở thành cố định. Theo truyền thuyết cho rằng, sau khi Phật diệt độ không bao lâu, tại động Thất diệp thuộc thành Vương xá, có cuộc kết tập thánh điển gồm 500 vị Tỳ kheo. Lần kết tập này, được ghi chép trong luật tạng của các Bộ phái, nội dung cơ bản giống nhau, nhưng có một số bộ phận nhỏ không giống nhau, vì mỗi Bộ tự thêm vào hoặc giảm đi. Lần kết tập này, những người tham gia là đệ tử của Phật, do ngài Ca Diếp chủ trì đại hội, phương thức hội nghị là ‘tụng đọc’, tức trong hội nghị đề cử một người đọc lại những lời Phật dạy cho mọi hội nghị nghe, sau đó do các thành viên trong đại hội thẩm định. Những gì được đại hội thông qua, cái ấy được xem là Phật nói. Phương thức kết tập kinh điển này cũng là hình thức kết tập của những lần sau. Nội dung Kết tập lần này, theo truyền thuyết, gồm có kinh và luật, thậm chí có cả luận (Abhidharma). Lần kết tập thứ nhất là sự kết tập kinh và luật là điều có tin được, nhưng kết tập luận là điều không thể xảy ra. Ngay cả việc sau khi đức Phật nhập diệt liền có kết tập này cũng là vấn đề khó đi đến xác định, huống hồ là việc kết tập luận tạng, nhưng cũng có thể xảy ra việc này, đặc biệt là vấn đề giới luật, vì cần phải xác định những giới điều. Căn cứ vào những bộ luật mà các Bộ phái truyền thừa, chúng ta có thể tìm ra cái gọi là nguyên thủy; hoặc là cái được sản sinh từ lần kết tập đầu tiên. Kinh điển mà được kết tập ở lần thứ nhất này phải chăng là A hàm? Dường như là không phải. Vì trong A hàm có đề cập đến hình thức Cửu phần giáo (1. Kinh; 2. Ứng tụng; 3. Ký biệt; 4. Kệ tụng; 5. Tự thuyết; 6. Như thị ngữ; 7. Bổn sanh; 8. Vị tằng hữu; 9. Phương quảng), Theo ngài Giác Thiên giải thích, hiện còn lưu trữ một bộ phận trong 9 phần giáo là Kinh (Pàli văn xếp vào Tiểu Bộ, Hán dịch là Tạp tạng). Do đó, chúng ta có thể suy đoán, rất có khả năng kinh điển mà được kết tập ở lần thứ nhất là hình thức 9 phần giáo, về sau mới biên tập thành A hàm.

Tiêu chuẩn biên tập A hàm. Thứ nhất là căn cứ vào sự dài ngắn của kinh mà phân loại: Như những kinh có nội dung dài được xếp vào Trường A hàm; nội dung ngắn xếp vào “Tạp A hàm” (Tương ưng); nội dung trung bình xếp vào “Trung A hàm”; ngoài ra, có một loại y cứ vào số mục lớn nhỏ mà phân định, loại này được xếp vào “Tăng Nhất A hàm”. Thứ hai là căn cứ vào nội dung của kinh mà phân loại: Như “Kinh Trường A hàm”, phần lớn nội dung của kinh này là đề cập đến những vấn đề của ngoại đạo, như ‘kinh Sa môn quả’ là bài kinh có nội dung bài xích 6 phái ngoại đạo; Những kinh chuyên giải thích vấn đề học tập, được biên tập vào “Trung A hàm”; Những kinh trình bày đạo lý tu tập Thiền định, biên tập vào “Tạp A hàm”; Những kinh, nội dung mang khuynh hướng tuyên truyền rộng rãi, biên tập vào “Tăng Nhứt A hàm”. Sự biên tập và hình thành kinh A hàm vào khoảng 100 năm sau khi Phật nhập diệt. Từ đó về sau có khá nhiều quan điểm khác nhau về sự biên tập A hàm và luật bộ, có thể nói sở dĩ có sự bất đồng này, do liên quan đến sự truyền thừa. Theo truyền thuyết cho rằng, Kinh là do A Nan tụng, luật là do Ưu Ba Li đọc, đương nhiên mỗi bên đều có hệ thống riêng, đồng thời theo truyền thuyết cũng đề cập rằng, Ngài Phú lâu Na đối với việc kết tập phát sanh ý kiến bất đồng, điều đó nói lên rằng, Ngài cũng có hệ thống riêng. Kết tập kinh điển lần thứ 2, Ngài A Na Luật tự mình lại có hệ thống riêng. Những sự dị biệt này, chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phân phái trong Phật giáo.

Liên quan đến nội dung của vấn đề lời dạy nguyên thủy của đức Phật, trong truyện ký của Thích Ca có đề cập đến một số vấn đề như sau: Thích Ca từ khi xuất gia, thành đạo cho đến tuyên truyền giáo pháp, đều không rời khỏi bối cảnh của giai cấp Sát đế lợi. Ngài muốn thay thế cho giai cấp Sát đế lợi giải quyết những vấn đề nan giải về sự hỗn loạn tư tưởng của xã hội đương thời, triết học của ngài là triết học thật tiễn (nhân sanh triết học) nhằm phản bác triết học Bà la môn, điều này mang ý nghĩa Ngài thay thế cho tổ quốc Ca Tỳ La Vệ  để tranh giành địa địa vị, nhờ vậy mà có được danh hiệu Thích Ca Mâu Ni (Bậc tánh của giòng tộc Thích Ca). Điểm này, đối với tiền đồ tổ quốc của Ngài có lợi thế khá lớn. Ví như, vào độ tuổi già yếu Thế Tôn thường tuyên thuyết giáo pháp ở nước Kiều tát la, điều đó đã dẫn đến sự ôn hòa giữa hai nước Kiều Tát La và Ca Tỳ La Vệ thay vì bị uy hiếp.

Dưới chế độ xã hội giai cấp, học thuyết của Thích Ca mang khuynh hướng chống lại chủ nghĩa duy vật là điều tự nhiên. Ngài cực lực phản đối 6 phái triết học đương thời, tư tưởng của Ngài không đi vào con đường cực đoan, ngược lại mang sắc thái ôn hòa. Điều đó đã dẫn Ngài đến thành công, vì được các giai cấp trong xã hội ủng hộ, thậm chí có một số tư tưởng gia của Bà La Môn theo Ngài. Một mặt, Ngài không tán thành chế độ chủng tánh của Bà la môn, nhưng mặt khác, Ngài gần như đồng ý chế độ chủng tánh. Chúng ta có thể lấy "Ngũ giới" là căn bản đạo đức của xã hội đương thời làm thí dụ điển hình. 5 giới vốn là của Bà la môn và Kỳ na giáo, Thích Ca cũng lấy 5 giới này làm tiêu chuẩn đạo đức, nhưng không phải hoàn toàn đồng ý, Ngài lấy giới “ly dục” là một trong 5 giới của Bà la môn đổi thành giới “không uống rượu”. Lại, như Ngài chủ trương xuất thế, cho rằng tất cả sự vật trong thế gian vốn không thật có - không, tuyên dương Niết bàn, nhưng ở phương diện khác, Thích Ca đối với mọi người lại đề cao bố thí và trì giới, cho rằng, chính sự ưa thích giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc. Có thể nói, phương pháp tu tập của Thích Ca so với cách tu tập khổ hạnh hà khắc, tế tự phiền phức của Bà la môn giáo có phần đơn giản đi nhiều, do đó được mọi người hoan nghênh tiếp nhận, nhất là giai cấp thương nhân.

Thích Ca đã từng tham vấn và học tập qua những học giả nổi danh đương thời, do đó, học thuyết của Ngài có phần hoàn chỉnh, vì Ngài biết kế thừa và chọn lọc cái hay của những học thuyết khác. Do vậy, học thuyết của Ngài có liên quan mật thiết đến những học thuyết khác của đương thời xã hội Ấn độ. Những học thuyết đương thời có hai khuynh hướng: 1. Tư tưởng Bà la môn, cho rằng sự hình thành vũ trụ là từ một nhân căn bản chuyển biến hình thành những cái khác, tư tưởng này được gọi là thuyết trong nhân có quả. Dùng nó để chỉ đạo thật tiễn, những người theo tư tưởng này lấy tu tập thiền định làm trung tâm, thông qua tu thiền định để nhận thức cái gọi là “nhân căn bản”, từ đó có thể đạt đến cảnh giới giải thoát. 2. Tư tưởng phi Bà la môn, cho là sự vật do nhiều nhân kết hợp mà thành, phái này được gọi là thuyết ‘trong nhân không có quả’. Học thuyết này dùng để chỉ đạo cuộc sống, sau đó phái này lại chia thành hai phái khác nhau, một phái đề cao tu tập khổ hạnh, và phái khác đề cao thỏa mãn dục vọng. Đối với những lý thuyết trên Thích Ca đều không chấp nhận, cho nên tự mình đưa ra thuyết Duyên khởi, Ngài cho rằng, các pháp cùng nhau nương tựa, cùng làm điều kiện sanh diệt cho nhau, chẳng phải do một nhân sanh nhiều quả, cũng chẳng phải nhiều nhân sanh một quả mà là cùng nhau làm nhân làm quả. Mục đích của lý thuyết này nhằm đả phá lý thuyết “Nhất nhân luận” (thuyết do một nhân mà sinh ra tất cả) của Bà la môn, có khuynh hướng “Vô Thần Luận”, nhưng học thuyết của Ngài không triệt để đả phá toàn bộ học thuyết Bà la môn nhưng Ngài lại tin tưởng sử dụng thuyết ‘nghiệp lực’, cho rằng, tác dụng của nghiệp có tầm mức quan trọng trong cuộc sống.

Hai hệ thống học thuyết vừa tường thuật trên đều lấy bản thể luận làm điểm căn cứ, nhưng học thuyết của Thích Ca trên căn bản không đề cập thảo luận những vấn đề liên quan bản thể luận, như ‘14 vấn đề vô ký’ (nghĩa là 14 vấn đề không giải thích) mà Ngài đề cập: Vũ trụ là thường hay vô thường? Vũ trụ là hữu biên hay vô biên? Sanh mạng sau khi chết còn hay mất? Sanh mạng và thân là một hay khác? .v.v… (3 loại đầu, mỗi loại phân thành 4 vấn đề, như thường, vô thường, hữu thường vô thường, phi hữu thường phi vô thường.v.v., loại sau lại phân thành hai vấn đề, tổng cộng có 14 vấn đề), những vấn đề này, đối với giới học thuật đương thời, là đề tài được đưa ra cùng nhau thảo luận, nhưng riêng Thích Ca thì ngược lại, không chịu thảo luận, với lý do là những vấn đề này cùng với đời sống thật tế con người không một tí gì quan hệ, giả như nếu đem chúng thảo luận, cũng không giải quyết giúp ích được gì cho con người. Do đó, trong nhân quả, Ngài không thừa nhận cái gọi là ‘nhân thứ nhất’.

Học thuyết của Thích Ca có những đặc điểm riêng của nó, như chúng ta thấy học thuyết của Thích Ca từ đầu đến cuối luôn luôn sử dụng thái độ phân tích, so sánh của từng vấn đề. Như ngay từ lúc đầu giữa hai khuynh hướng hưởng thọ dục vọng và khắc khổ của khổ hạnh, Ngài nên lựa chọn con đường nào trong hai cực đoan ấy, cuối cùng Ngài chọn con đường "trung đạo". Con đường trung đạo của Ngài là chú trọng phương diện hành động thật tế, như Ngài cho rằng, quan điểm của những nhà duy vật đương thời, chủ trương thỏa mãn dục vọng là mục đích của nhân sinh là không hợp lý, ngay cả việc Ni kiền tử chủ trương hà khắc trong việc tu khổ hạnh cũng không đúng, ngược lại Ngài cho rằng, chỉ có con đường "Trung đạo", là con đường không khổ cũng không vui mới là con đường chân chính. Về sau, Thích Ca phát huy tư tưởng này thành hệ thống lý luận, không chấp trước ở một bên. Ngài tự cho rằng, ta là người ‘phân biệt’ chẳng phải là người luận bàn thiên về một bên. Tư liệu đề cập đến quan điểm này, một cách sớm nhất là "Kinh Pháp Cú. Phẩm Nê hoàn", nói rằng, “Pháp qui phân biệt, Chân Nhân qui tịch diệt” (mục đích của Pháp là để phân biệt, mục đích của Thánh nhân là trở về tịch diệt). Đây là sự chứng minh nội dung mà Phật nói trong nguyên thủy là “phân biệt luận giả”.

Học thuyết của Thích Ca có hay không có người thừa kế? Có người cho rằng, trước Phật Thích Ca vẫn còn có Phật, như Phật Ca Diếp, “Kinh Pháp Cú” là do Phật Ca Diếp truyền thừa. Cũng có người cho rằng, không phải chỉ có một vị Phật mà có tất cả là 4 vị Phật. Vua A Dục đã lấy 4 vị Phật này làm đối tượng tôn thờ.

 

 

SÁCH THAM KHẢO

1. Lại Duy: “Phật Kinh Nguyên Thủy Đọc Tụng Pháp”, ‘Phật học nghiên cứu’ thiên thứ 2.

2. “Luật Tứ Phần” Quyển 54.

3. Lữ Trưng: “Ấn Độ Phật Giáo Sử Lược”, chương 1, tiết thứ 1.

4. Vô Bách Duy, “Nguyên Thủy Phật Giáo Đích Nhược Can Vấn Đề”, ‘Hiện đại Phật học’ năm 1956, kỳ 10 và 1957 kỳ 1. 

Nguồn: Tuệ Chủng

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập