Nên Dùng Chánh Tri Kiến Làm Đầu

Đã đọc: 1824           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Những người kém may mắn thường sinh ra, lớn lên và sống trong những môi trường bạo lực gia đình, bạo động xã hội, những nơi có nhiều vấn đề tệ nạn như hút chích, trộm cắp ... Ít nhiều họ phải chịu ảnh hưởng và bị tiêu thụ những tệ nạn trên. Nếu không còn con đường lựa chọn nào khác, họ phải tiếp tục "sống chung với lũ". Rồi tự tạo ra những hành động tiêu cực tương tự để được tiếp tục tồn tại.

 Kính bạch thầy!

 

 Sau khi được nghe thầy giảng về ý nghĩa của bài Kinh Phước Đức, do Đức Phật truyền trao lại. Qua đó con đã hiểu được phước đức do chính tự mình tạo ra chứ không phải cầu xin mà có được. Phước đức tự thân chính là năng lực giúp con người được sống bình an trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong bản Kinh này, con tâm đắc nhất hai bài kệ đầu tiên. Vì theo con nghĩ, đó chính là hành trang, là nền tảng vững chắc của sự hiểu biết và đạo đức căn bản nhất của một con người, để xây dựng một thế giới hoà bình, đất nước cường thịnh văn minh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc và người người được sống trong sự bảo bọc, thương yêu lẫn nhau. Ngoài ra, đây còn là sợi chỉ hồng xuyên suốt toàn bộ nội dung của bản kinh này:

 

 "Lánh xa kẻ xấu ác

 Được thân cận người hiền

 Tôn kính bậc đáng kính

 Là phước đức lớn nhất.

 

 Sống trong môi trường tốt

 Được tạo tác nhân lành

 Được đi trên đường chánh

 Là phước đức lớn nhất".

 

 - "Lánh xa kẻ xấu ác".

 Bản thân mình đầy rẫy nhiều thứ xấu ác mà mình còn không biết được, huống chi mình biết được sự xấu ác của người khác để tránh xa hay sao? Vì sao vậy? Vì chấp vào cái tôi và cái của tôi. Đấy gọi là vô minh!  

 Vô minh là nguyên nhân chính gây ra các loại phiền não trần lao cho con người. Vì vậy sau khi giác ngộ, Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta  đâu là khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái vắng bặt khổ và tám lộ trình cắt đứt sự khổ. Ở đây Ngài dạy lộ trình đầu tiên chính là chánh tri kiến để đối trị với vô minh. Người có chánh tri kiến sẽ hiểu biết rõ đâu là kẻ xấu ác, đâu là suy nghĩ xấu ác, đâu là hành động xấu ác, đâu là lời nói xấu ác, và cuối cùng là kết quả của cái ác. Mỗi khi cái xấu ác được nhận diện thì chúng ta sẽ biết cách diệt trừ nó khi nó đã phát sinh. Nếu nó chưa phát sinh thì chúng ta sẽ không cho nó có bất kỳ cơ hội nào để phát sinh. 

 

 - "Được thân cận người hiền".

 Người hiền ở đây chính là bậc thiện tri thức, hay nói cách khác chính là điều thiện lành đối đãi với cái xấu ác. Khoảng cách giữa kẻ xấu ác và người hiền trí chỉ là một bức mành vô hình. Nếu không dùng  tuệ giác chánh tri kiến để nhận diện kẻ xấu ác thì chúng ta cũng sẽ không biết đâu là người hiền trí để mà gần gũi, để cùng tạo ra một môi trường tốt trong tự thân và xung quanh ta. Ví dụ: 

 Khi thấy xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Chúng ta ngay lập tức tri hô cho những người xung quanh biết và cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ và sơ cứu nạn nhân. Mỗi người một việc như: Gọi điện báo cho cảnh sát, báo cho người thân của họ (nếu có thông tin), gọi xe cứu thương, đặt biển cảnh báo để các phương tiện giao thông khác biết (ít nhất là tránh được việc xảy ra những vụ tan nạn kép không đáng có), dẹp đường tránh ùn tắc và khi xe cấp cứu đến chuyển nạn nhân đi bệnh viện sẽ nhanh hơn và thời gian cũng là yếu tố cứu được nạn nhân kịp thời .v.v. Đó là việc làm của người hiền trí, có chánh tri kiến, có đạo đức, cho dù trong số họ có những người chưa bao giờ đi Chùa hoặc được nghe pháp, nhưng họ hiểu được đâu là việc cần làm và phải làm. Vì vậy dù Đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện trên cuộc đời này thì tám lộ trình giúp con người chấm dứt mọi khổ đau cũng cứ có mặt ngay trong cuộc đời này theo quy luật duyên khởi của nó. Ngài là người chỉ cho chúng ta biết được những con đường mà Ngài đã từng đi qua mà thôi.

 Ngược lại với những hành động thiện lành trên thì được gọi là kẻ xấu ác hoặc xấu ác như: Tranh thủ hôi của, lợi dụng đông người lộn xộn để móc túi, giật đồ, thấy người bị nạn không cứu mà chỉ khoanh tay đứng nhìn để thoả mãn tính tò mò hoặc tệ hại hơn là chỉ lo quay phim, chụp hình rồi đưa lên mạng để câu like ... Đó là những hành động không nên làm!

Qua ví dụ trên cho chúng ta thấy, chúng ta đang tự tạo ra một môi trường tốt hay xấu tuỳ thuộc vào sự hiểu và cách nhìn nhận của từng người. Khi một người chìa tay ra giúp đỡ nạn nhân, sẽ có nhiều người cùng ủng hộ và sẵn sàng trợ giúp. Như vậy chúng ta đang nối vòng tay lớn,tràn đầy sự yêu thương trong cuộc đời này. Ngược lại khi chúng ta lao vào hôi của, giật đồ, khoanh tay đứng nhìn, quay phim, chụp hình để câu like cho mình trên sự khổ đau của người khác thì cũng sẽ có người bắt chước làm theo. Như vậy chính chúng ta đang mạnh ai nấy sống, lánh xa cộng đồng bằng những tập khí thờ ơ, lạnh nhạt, chai tim... Và kết quả chắc chắn sẽ là đau khổ. Vì sao? Vì vô minh! 

 "Được thân cận người hiền" cũng chính là yếu tố giúp chúng ta dẹp trừ những tập khí vô minh để phát sinh tuệ giác.

 

 - "Tôn kính bậc đáng kính"

 Bậc đáng kính là những người vừa có tài lại vừa có đức trong xã hội. Ở đây muốn chỉ cho những người có đời sống giới hạnh đạo đức thanh cao, những người đã và đang đi trên những lộ trình giải thoát mọi nỗi khổ niềm đau.

 Hơn 26 thế kỷ trôi qua, mặc dù Đức Phật không còn tại thế nữa, nhưng những lời dạy quý báu của Ngài vẫn cứ được truyền trao cho tới tận bây giờ. Những lời dạy đó là chân lý tối thượng, là người thầy để chúng ta học và hành theo chứ không phải đặt lên tủ kính hoặc bàn thờ trang trọng để cúng bái, cầu xin. Vậy không những tôn kính Ngài, tôn kính những bậc mô phạm nào đó, mà chúng ta còn phải tôn kính những bài học, những phương pháp có thể mang lại niềm hạnh phúc an vui cho chúng ta ngay trong đời này và những đời sau.

 Sự tôn kính đó không dừng lại ở chỗ học và hành, mà phải nỗ lực truyền bá rộng rãi, trải khắp năm châu, đi đến những vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương hải đảo, để người người cùng được trải nghiệm như mình, được an vui như mình. Chúng ta được may mắn sinh ra và lớn lên trong thành phố này. May mắn hơn nữa là được sinh hoạt trong một ngôi chùa, được sự truyền trao chỉ bảo của chư Tăng, chư Ni. Được sống trong một môi trường tốt như vậy chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi yên để được hưởng thụ giáo pháp một mình sao? Chẳng lẽ chúng ta chỉ truyền trao với những người có duyên hay sao?

 Nhân là do con người tạo ra, duyên cũng do con người tạo ra và quả cũng thế. Đồng bào vùng sâu vùng xa là những người kém may mắn, vì thế chúng ta nên thương họ nhiều hơn bằng những hành động thiết thực cụ thể. Ví dụ như thông qua những chuyến từ thiện để tiếp cận và truyền trao các  chân lý như Tứ Thánh Đế, Duyên Khởi... giúp họ vượt qua được phần nào cái đói, cái rét, cái đau của thân và cái khổ của tâm. Ai làm được như thế thì đó cũng là bậc đáng tôn kính!

 - "Sống trong môi trường tốt

 Được tạo tác nhân lành".

 Những người kém may mắn thường sinh ra, lớn lên và sống trong những môi trường bạo lực gia đình, bạo động xã hội, những nơi có nhiều vấn đề tệ nạn như hút chích, trộm cắp ... Ít nhiều họ phải chịu ảnh hưởng và bị tiêu thụ những tệ nạn trên. Nếu không còn con đường lựa chọn nào khác, họ phải tiếp tục "sống chung với lũ". Rồi tự tạo ra những hành động tiêu cực tương tự để được tiếp tục tồn tại. Ví dụ:

 Tại Việt Nam ta, nạn bạo lực gia đình vẫn đang còn tiếp tục hoành hành các chị em phụ nữ. Nó là nhân tố trực tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống tư duy, nhận thức của con cái. Từ đó những đứa trẻ này sẽ chán sống một cuộc sống gia đình và sẽ dẫn đến việc sống bụi đời, rồi lại tiếp tục gây ra các tệ nạn xã hội khác. Hoặc sau này, nếu là con trai, người đó lại bắt chước và tiếp tục bạo hành với vợ của họ. Nếu là con gái đôi khi họ ghê sợ những người đàn ông. Vì người ba của họ đã làm xấu đi hình ảnh được dựa dẫm vào một bờ vai vững chắc.

 Vì vậy được sống trong một môi trường tốt cho ta thấy rằng đó là phước đức lớn của chúng ta. Vậy làm thế nào để có được phước đức lớn? Câu trả lời: "Được tạo tác nhân lành"! 

 Các nhân lành đó là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói điều hung ác, không nói lời tâng bốc nịnh bợ, không tham dục, không tà kiến. Căn bản của nhân lành là không tham, không sân và không si. Như đã trình bày ở trên, người có chánh tri kiến sẽ biết được đâu là nhân thiện lành và đâu là nhân xấu ác để cố gắng làm và không nên làm. Khi được sống trong một môi trường tốt, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều thuận duyên hơn trên con đường làm lành lánh dữ. Nhưng không vì thế mà nhởn nhơ coi thường những điều ác và những điều lành nhỏ. Chúng ta phải luôn nỗ lực, không ngừng nghỉ trên con đường gieo trồng các nhân lành, tránh xa cái xấu ác đó bằng cách: "Các việc lành chưa phát khởi hãy làm cho nó phát khởi. Các việc lành đã phát khởi thì phải làm cho nó phát triển và nhân rộng nó lên. 

 

 - "Được đi trên đường chánh

 Là phước đức lớn nhất".

 Đường chánh là đường nào? Chắc chắn đó không phải là con đường vô minh đưa chúng ta đi vào những nẻo đường tối tăm, xấu ác đem lại khổ đau cho mình và cho người. Giờ đây, chúng ta hãy tận hưởng những phút giây hạnh phúc trong hiện tại và cố gắng nỗ lực đi qua tám lộ trình này để  diệt tận khổ đau nhé, đó chính là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Ngoài tám lộ trình này ra không có bất kỳ một con đường nào khác có thể đưa chúng ta tới bến bờ an vui giải thoát được.

 Trong hai bài kệ trên đã cho chúng ta thấy rõ rằng, người có chánh tri kiến, sẽ có chánh tư duy và sẽ có đời sống đạo đức tốt, tác động ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, tạo ra những môi trường tốt. Cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào họ cũng được an ổn, hạnh phúc. Điều đó được gọi là phước đức của tự thân, do mình nỗ lực gieo trồng mới có được. Phước đức này chính là Bồ Tát, Hộ Pháp, Thiện Thần che chở cho chúng ta được sống đời an lành hạnh phúc trong kiếp này và kiếp sau.

 

 Quảng Thành

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập