Sức Mạnh Đoàn Kết Qua Hình Ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm Ngàn Tay Ngàn Mắt

Đã đọc: 4386           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bồ Tát Quán Thế Âm còn có danh hiệu là Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, tức ngàn tay ngàn mắt để giáo hoá và cứu độ chúng sinh. Vậy ý nghĩa này như thế nào?

 
 Theo Phật giáo phát triển (đại thừa), Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ pháp tu nhĩ căn viên thông nên đã thành tựu việc giác ngộ (Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Hạnh nguyện vào đời độ sinh của ngài cũng chính là danh xưng của ngài. Đó là Quán xét rộng khắp mười phương Thế giới không ngăn ngại. Nghe được tròn đầy tất cả mọi Âm thanh của chúng sanh mà tuỳ duyên thị hiện với đầy đủ 32 ứng hoá thân (Kinh Thủ Lăng Nghiêm) để cứu khổ cứu nạn cho muôn loài. (Kinh Pháp Hoa có 33 thân ứng hiện). Vì sao hình tượng của ngài là phụ nữ? Theo sách Trang Nhạc Uỷ Đàm truyền rằng, từ đời Đường (Trung Hoa) trở về sau, các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo nước này, khi tạc tượng ngài đều dùng hình ảnh người phụ nữ. Vì ngài có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ nên chúng ta thường gọi ngài là Mẹ Hiền Quan Âm.
 
  Bình nước cam lồ cùng nhành dương liễu trên tay ngài tượng trưng cho tình thương yêu và sự hiểu biết, hay còn gọi là Từ bi và Trí tuệ. Hai điều này có thể giúp chúng ta tịnh hoá thân tâm, chặt đứt sợi dây phiền não, thoát khỏi sinh tử trần lao.
 
 Ngài có đến 500 danh hiệu (Ngũ bách danh Quán Thế Âm Bồ Tát), mỗi một danh hiệu là một vị Bồ Tát nên cần phải có đủ 1000 cánh tay và 1000 con mắt (500x2=1.000). Khi thấy Tôn tượng như thế này, chúng ta thường xưng danh hiệu ngài là Phật Bà ngàn tay ngàn mắt, Chuẩn Đề Quan Âm, hoặc Thiên thủ Quan Âm (Trung Hoa kiêng huý chỉ "Thế" nên gọi tắt là Quan Âm, lâu dần thành quen, các nước ảnh hưởng văn hoá Phật giáo Trung Hoa đều gọi như vậy.
 
 Tôn tượng Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt nói lên điều gì? Đây là điều khá thú vị cho những ai muốn tìm hiểu và chính tôi cũng rất thích ý nghĩa đặc biệt này.
 
  1000 tượng trưng cho số nhiều. Trong những bàn tay đều có những con mắt, tượng trưng cho lòng Từ bi luôn đi đôi với Trí tuệ. Từ bi là ban vui và cứu khổ. Vậy lấy cái gì để ban vui cứu khổ cho chúng sinh? Lấy Trí tuệ. Trí tuệ từ đâu mà có? Từ sự học rộng nghe nhiều, rồi tư duy phân tích và trải nghiệm những điều đó mà có được. Ví dụ:
 
 Bố thí là một trong sáu hạnh của Bồ Tát. Trong đó Bố thí ngoại tài là ban tặng của cải, tiền bạc, vật chất. Nội tài là hiến tạng, hiến máu, hiến mô, hiến giác mạc và hiến xác... 
 
 Vô uý thí  là ban tặng sự không sợ hãi như bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ đạo đức, pháp luật, công lý mang lại sự bình yên cho cộng đồng, quê hương làng xóm. 
 
 Pháp thí, tức sự diễn bày Trí tuệ Bát nhã, giáo lý Duyên khởi, Tứ Thánh đế, vô thường, phi ngã và ngũ uẩn.v.v... hướng dẫn con người trải nghiệm Bát chánh đạo, giải quyết nỗi khổ niềm đau, xây dựng một thế giới an vui hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Đó là phương pháp Bố thí tối thắng nhất! Nên nói Từ bi đi đôi với Trí tuệ là vậy.
 
 Những con mắt, những cánh tay đều nhìn và chỉ về một hướng, tượng trưng cho sự đoàn kết nhất trí một lòng. Trong một tập thể, mặc dù có nhiều người, mỗi người một tính cách, suy nghĩ, thân phận khác nhau nhưng không ai chống trái ai, tất cả đều đồng tâm, đồng lòng cùng chung một chí nguyện. Sự gắn bó, đoàn kết tạo nên sức mạnh của một tập thể, mỗi người hãy là những cánh tay nối dài của mọi người. Như thế làm việc gì cũng dễ dẫn đến thành công. Nếu ngược lại sẽ dẫn đến thất bại đổ vỡ. Vậy sức mạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm là sức mạnh đoàn kết!
 
Lịch sử nước nhà đã chứng minh được sức mạnh của sự đoàn kết đó. Mỗi khi lòng dân đã hiệp lại làm một thì "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Hồ Chủ Tịch vẫn thường nhắc nhở cán bộ rằng: "Dễ vạn lần, không dân cũng chịu. Khó trăm lần, dân chịu cũng xong". Và người đã từng khẳng định rằng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
 
 Ngài có ngàn tay ngàn mắt, có thể hiểu là sự phấn đấu không ngừng, làm việc không mệt mỏi. Chúng ta chỉ có 2 tay và 2 mắt, vì thế nên chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để được như ngài, chí ít cũng phải bằng hai, bằng ba mình. Ví dụ, một người biết tiếng Anh, sẽ bằng hai người. Một người biết cả tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Đức nữa thì sẽ bằng bốn người. Hoặc trước đây trong một ca chúng ta chỉ làm được 10 sản phẩm. Nhưng nhờ sự học hỏi kinh nghiệm, biết cách sắp xếp công việc, ứng dụng khoa học công nghệ, cộng với sự chú tâm, cố gắng, nay trong một ca, chúng ta có thể làm gấp hàng chục lần, hàng trăm lần thậm chí hàng ngàn lần. Ví dụ như việc xây dựng một khu chung cư, một cây cầu trước đây cần phải có rất nhiều công nhân và thời gian, còn bây giờ số lượng người và thời gian không cần nhiều như vậy, giúp cho tiến độ thi công ngắn lại, công trình sớm hoàn thiện, chi phí sản xuất thấp hơn nhưng mang lại năng suất lao động hiệu quả cao.
 
 Vẫn còn đó rất nhiều điều ý nghĩa về hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng với trí hạn hẹp và trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không đủ khả năng khai thác, truyền tải thêm. Kính mong các bậc minh sư, thiện hữu tri thức rộng lòng thương tưởng và hoan hỷ chỉ giáo thêm.
 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Được quan tâm nhất

Đăng nhập