Tham vấn: những câu hỏi về động kinh, hốt hài cốt, coi tướng, xem bói, nợ nần, chết trùng, hồi hướng cho người mất

Đã đọc: 7147           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

1/ Hỏi: Kính thưa Thầy, người bị động kinh về già thì đây là nghiệp của kiếp trước hay kiếp hiện tại. Làm sao để giảm được bệnh dù đã trị Tây y tích cực.

Đáp: Bệnh này do nhiều nguyên nhân lắm chứ không phải một. Ví dụ như mù mắt là có khi do mình móc mắt con vật hoặc có khi cứ coi cái gì tầm bậy thì bị nghiệp mù. Nên nó nhiều nguyên nhân chứ không có khẳng định. Như người bị động kinh cũng vậy, động kinh là do một cái nghiệp gì đó mà mình không thể khẳng định được, dĩ nhiên cũng bị tổn phước gì đó. Nếu mình nhìn người đó trực tiếp, mà phải có đạo nhãn thì mới biết được chính xác cái nhân người ta đã gây, chứ khó đoán mò được lắm. Tuy nhiên, nghiệp gì thì mình cũng ráng cố gắng làm phước, lúc tỉnh mình lạy Phật, làm phước, bố thí, đắp đường, cúng dường… dần dần vẫn có thể hết bệnh.

2/ Hỏi: Kính thưa Thầy, cúng thí thực nhưng hay bị quên thì có tội không. Và khi cúng thí thực thì nên cúng ngoài sân hay trong nhà?

Đáp: Khi mình cúng thí thực thì được cái phước vì mình cho các vong linh ăn. Còn khi mình quên thì làm cho người ta thất vọng, vậy thôi. Và quả báo, sau này cuộc đời mình có những lúc gặp may và có những lúc mình thất vọng. Vì vậy, cố gắng đừng quên nếu mình phát tâm cúng thí thực mỗi ngày.

Và cúng thí thực nên cúng ngoài sân, ngay cái cổng nhà của mình, để các vong ở trong nhà hay ngoài đường cũng tới ăn được luôn. Còn thức ăn cúng thí thực xong thì không được ăn, chỉ để cho thú vật ăn, vì cái phần tâm linh của thức ăn đã bị lấy đi hết rồi, nếu mình ăn cái bả của thức ăn thì cái não mình sẽ bị suy nhược liền.

3/ Hỏi: Kính thưa Thầy, một người lúc sống thiếu phước, khi chết thì được người sống hồi hướng cho. Như vậy người chết đó có nhận được không và nhận được nhiều hay ít?

Đáp: Nhận được và nhận một phần nhỏ thôi, nhưng mà vẫn đỡ hơn là không nhận. Ví dụ người thân của mình chết, mà nếu mình thấy sợ là người đó họ thiếu phước thì mình đắp đường, bố thí, in kinh, giúp đỡ, làm từ thiện… Rồi mình quỳ trước Phật nói: Con nguyện đem công đức này hồi hướng cho người tên đó - họ đó. Thì ở cõi kia người đó nhận được, họ sẽ đỡ khổ liền. Hoặc mình có người thân đã mất hiện về nói: “ Ở dưới này lạnh lẽo không có đồ mặc”. Thì đừng có mua quần áo giấy đem đốt, mà mình phải mua áo ấm, quần áo đẹp đem bố thí cho người nghèo. Sau đó, mình thắp nhang quỳ trước Phật nói: Con nguyện hồi hướng công đức này cho người tên đó. Tự nhiên, ở cõi kia người đó có đồ đẹp mặc liền. Làm vậy nó vừa thực tế, vừa đem lại lợi ích trong cuộc sống, mà đúng nhân đúng quả, người mất sẽ hưởng được rất tốt, và bền.

4/ Hỏi: Kính thưa Thầy, con có biết một chị gần xóm, chị ấy siêng năng đi chùa, tụng kinh, lạy Phật khoảng mười năm nay. Tuy nhiên, gia đình chị không hạnh phúc lắm, mấy năm nay chị bị điên rất nặng, ăn mặc xơ xác, mắt thâm đen, bỏ nhà đi khắp nơi, đôi khi bị bọn thanh niên dụ dỗ hãm hiếp. Con thắc mắc không lẽ công đức tụng kinh, lạy Phật mười năm không giúp cho chị thoát khỏi bệnh điên sao?

Đáp: Mình không đủ đạo nhãn để biết hết nhân quả của người ta đâu. Có khi người đó đã nói bậy một câu gì, hay khinh chê ai hoặc là vô ý có một cái gì đó xúc phạm tới Thần Thánh nặng, chứ không đơn giản. Bị điên thường là do kiêu mạn và chê bai Thần thánh. Có thể thấy bề ngoài thì điên như vậy, nhưng nếu sống gần người đó, mình mới phát hiện họ có những cái tội cũng xứng đáng, chứ không bao giờ bất công hết, mà luôn luôn công bằng. Ví dụ ta thấy người đó đi chùa rất lâu mà sao điên? Không ngờ ổng đi chùa, vô trong đó ổng kiêu mạn, ổng chê người này, chê người kia, riết không ai chịu nổi. Thì đúng là ổng phải điên, nhân quả là như vậy.

5/ Hỏi: Kính thưa Thầy, như Thầy đã dạy, nếu tu một thời gian mà thấy xuất hiện những điều tốt sau đây thì biết mình tu đã đúng. Tức biết vị tha, bớt ích kỷ, bớt giận hờn, lo nghĩ về người chung quanh nhiều hơn, cuộc sống thấy may mắn hơn. Còn như ngược lại thì biết mình tu sai. Vậy con phải làm sao để cứu vãn?

Đáp: Hãy thực hành theo Kinh Kim Cang dạy tức “Làm mà không chấp công” cũng là một cách cứu vãn. Ta ráng làm phước cho nhiều mà không chấp công thì sẽ cứu vãn được từ từ… rồi nó sẽ bớt. Mà sự thật, ví dụ mình thấy điều đó mình tưởng bị xui, nhưng chưa chắc đâu. Ví dụ mình mới tụng kinh xong, vừa ra khỏi chùa thì bị xe đụng té xuống đường làm trầy tay. Mình nói: “Ủa, mới đi chùa nghe pháp, tụng kinh mà sao đi ra bị đụng xe?”. Sự thật, nếu hôm đó mình không đi tụng kinh là người ta cán gẫy cái tay mất. Tưởng là xui, sự thật là cái xui đó đã bớt rất nhiều rồi mà mình không biết. Mình không đủ con mắt đạo nhãn, nhiều khi mình hay kết luận sai là vậy.

6/ Hỏi: Kính thưa Thầy, con biết rất rõ việc coi bói, coi tướng cũng là một hình thức mê tín dị đoan và cũng là điều tuyệt đối cấm kỵ đối với tất cả những ai được mệnh danh là đệ tử của Phật. Vậy còn việc coi ngày, cất nhà, khai trương, cưới vợ thì sao, có gì khác biệt, xin Thầy chỉ dạy?

Đáp: Sự thật thì thời gian, ngày, giờ nó có cái quy luật gì đó mà người xưa họ khám phá ra được. Chính vì nó có quy luật đó nên mới có tử vi. Tử vi là dựa vào ngày, giờ sinh người đó mà luận ra được cuộc đời của họ, mà đúng hết sáu, bảy chục phần trăm chứ không phải không. Tuy nhiên, dù có quy luật gì thì vẫn bị nhân quả chi phối, nhân quả vẫn là gốc.

Cho nên, nếu mình cảm thấy chưa yên tâm, mình làm phước chưa đủ thì khi cất nhà nên coi ngày. Còn nếu mình tin chắc nhân quả thì thôi liều mạng luôn. Mình cứ ráng lo làm phước rồi tự nhiên tốt.

7/ Hỏi: Kính thưa Thầy, vì đời trước lỡ vay nên đời này con ráng trả cho dứt nợ trần. Con mơ ước đời sau khi biết nói tiếng đầu tiên là xin xuất gia. Vậy kể từ bây giờ con phải tu hạnh gì, có phải thường xuyên thọ Bát quan trai không?

Đáp: Phải phát nguyện mỗi ngày và sống như người xuất gia từ bây giờ thì qua kiếp sau sẽ được như vậy. Có khi là chưa kịp mở miệng, đẻ ra là người ta bưng tới chùa người ta để luôn nữa.

Nên có những người có duyên tu, nhiều khi mới sinh ra là người ta đem bỏ trước cửa chùa và được nhà chùa nuôi nấng trở thành chú tiểu luôn. Nhiều khi mình không ngờ đó là vị Hòa thượng tái lai theo hạnh nguyện mà sinh ra trong cái thân phận đó. Bởi vì những người tu nhiều đời thì không có cái phước được cha mẹ thương yêu, do nhiều đời họ tu, họ không có nuôi con, nên không có chăm sóc con cái. Họ không có cái nhân quả về điều đó, nên kiếp này khi sinh ra thì không được tình thương yêu của cha mẹ kỹ lưỡng, dễ bị mồ côi và dễ vô chùa sớm là vậy. Mà coi chừng đó lại là những vị cao Tăng.

8/ Hỏi: Kính thưa Thầy, gia đình con có đi hốt cốt, cha con và chị ruột có đi coi ngày đàng hoàng nhưng không may chôn cất lại chỗ khác. Chưa được năm mươi ngày thì người anh con đứng coi thợ xây mộ đã đứt gân máu và chết. Thiên hạ đổ xô đổ thừa coi ngày không tốt, ma bắt hồn anh con đi. Vậy con không biết anh con tới số hay do lỗi gì.

Đáp: Có những trường hợp như vậy. Trên nhân quả thì mình cứ nói tổng quát là người này tới số chết, nhưng mà sự thật nó có cái chuyện người âm bắt mình chết. Tức là ngoài việc người sống họ giết mình, người âm vẫn có cách để họ giết mình. Có những đứa trẻ nhiều khi mới đẻ ra, cái thần thức nó còn yếu, rồi bị ma bắt, bóp họng nó chết, thân thể xanh lè. Đó là bị người âm giết nó. Nhưng mà cũng do nhân quả, mình có số mới bị vậy.

Như có câu chuyện: Là có một vị Thiền sư về ở cái chùa đó, khi đến ông thấy trong chùa có một cái miếu thờ một vị vua đời xưa. Ông dọn cái miếu đó để ở. Đêm ông nằm ngủ thì thấy con rắn mãng xà nằm bên cạnh, ông xô con rắn đó qua một bên để nằm tiếp, ông không sợ. Phải nói, đây là vị Thiền sư đắc đạo.

Qua đêm sau, ông nằm mơ thấy vị vua mà được thờ trong miếu đó tới nói chuyện với ông. Vị đó nói: “Đây là chỗ ở của tôi, nhưng mà Ngài tới ở nên tôi phải đi” (bởi vì cái đức của ông Thiền sư lớn hơn), nhưng mà tôi xin Ngài cho tôi bảy chục tráng đinh để hầu hạ tôi”. Trong giấc mơ ông Thiền sư liền gật đầu. Thì qua ngày hôm sau, tự nhiên có một trận dịch bệnh nổi lên, chết sạch bảy chục tráng đinh trong chùa, chôn một loạt bảy chục người. Tức là người âm bắt đi đó.

Có điều chúng ta nghĩ nếu giết như vậy thì mang tội, nhưng mà sự thật là giữa cõi này cõi kia nó có những cái ranh giới không rõ ràng. Và đôi khi ví dụ cái người đó cái số của họ là làm tôi tớ, ở trong chùa cũng là làm công quả để phục vụ thì khi chết đi theo ông kia cũng làm người phục vụ. Tại cái số làm người phục vụ thôi, cái phước của họ nhiêu đó. Ở cõi này cũng làm người phục vụ, qua cõi kia cũng làm người phục vụ. Đó là những bí mật mà mình không biết hết được. Cho nên, đôi khi vậy, mình đừng có sợ chết lắm, vì cõi nào cũng là một cõi để sống thôi. Và cõi nào mà mình biết Phật pháp, mình biết thương yêu, biết làm phước thì cõi nào cũng tốt hết. Hiểu như vậy rồi tự nhiên mình không có sợ chết. Nhưng mà cũng có những trường hợp như vậy chứ không phải là không. Tuy nhiên nhân quả vẫn chi phối, mình biết làm phước cho chắc rồi thì không sợ gì hết.

9/ Hỏi: Kính thưa Thầy, có những người chết mà bị ngày trùng thì đạo Phật mình có cách gì để tẩm liệm, giúp cho vong hồn người ta được siêu thoát không? Còn ngoại đạo thì người ta yếm, tội cho vong linh đó quá.

Đáp: Ngày trùng tức là cái nhân quả chết trùng hợp, họ bắt thêm người thân. Nhưng sự thật cái người thân bị bắt theo cũng có cái nhân quả phù hợp, phải đi theo để hầu người đó, sống với người đó sao đó thì mới bị. Còn nếu không có nhân quả phù hợp cũng không có gì hết. Nếu mình sợ thì cứ làm phước, rồi cầu siêu cho người đó thật nhiều, và cầu an cho gia đình thì cũng cản lại được. Chứ đừng có dùng bùa ếm, dùng bùa ếm thì chỉ gây thù chuốc oán thôi, không nên.

10/ Hỏi: Kính thưa Thầy, xin thầy cho con rõ là những người không biết hờn giận có gì khác với những người không tự trọng và không có tự ái?

Đáp: Không tự trọng tức là không biết sợ người ta khinh mình vì mình làm điều lỗi lầm. Nghĩa là mình làm điều lỗi lầm để cho người ta khinh mà không biết mắc cỡ tức là người không biết tự trọng. Còn người biết tự trọng là rất sợ người ta coi thường vì mình sai lầm về đạo đức. Người ta coi thường mình về tài sản mình không sợ, ví dụ mình nghèo mình không sợ người ta khinh. Nhưng mà mình làm một cái gì sai lầm để người ta khinh thì rất là sợ. Đó là người biết tự trọng, thì đó là một đạo đức tốt, trong đạo Phật gọi là có tàm có quý, mình dịch bây giờ là biết tự trọng. Còn tự ái là khác nữa. Tự ái tức là dễ giận hờn, dễ chấp nhất, dễ phiền não, thì cái này không có tốt. Còn cái mà trong kinh Kim Cang nói là không hờn giận không chấp thì đây là một cái hạnh của Bồ tát, khác nhau hẳn luôn.

Thượng tọa Thích Chân Quang

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Đăng nhập