Ý Nghĩa Và Cách Hành Trì Bồ Đề Tâm Trong Tâm Kinh Bát Nhã

Đã đọc: 2680           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Bồ Đề Tâm” là cụm danh từ vô cùng thiết thực, chuyên môn, rất gần gũi và cũng rất xa xôi trong Phật Giáo. Thiết thực là vì chư Phật ba đời đều tán dương và ai muốn thành tựu Phật quả đều phải hành trì. Chuyên môn bởi vì các Kinh, Luận và chư vị Tổ sư đều đã giới thiệu, chú giải rất nhiều cũng như tự thân Bồ Đề Tâm bao hàm rất nhiều thuật ngữ. Gần là vì chúng ta cần thực hành hằng ngày. Xa là vì phải thực hành vô lượng, vô biên, a tăng kỳ kiếp mới thành tựu. Vậy, hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu ý nghĩa của “Bồ Đề Tâm” và phương thức hành trì Bồ Đề Tâm thông qua tâm kinh Bát Nhã – bài kinh tinh tuý của đại Bát Nhã (Tỷ kheo Trí Quang dịch).

I/ ĐỊNH NGHĨA BỒ ĐỀ.

Bồ Đề nguyên Phạn âm là Bodhi. Từ Bồ Đề có căn là từ Bud có nghĩa là sự hiểu biết, sự tỉnh thức, sự tỉnh giác, sự hiểu ra một vấn đề,…

1. Các cách dịch Bồ Đề.

Theo cách cổ dịch, chư Tổ dịch Bồ Đề bằng chữ “Đạo”(道). Đạo có nghĩa đen là con đường; nghĩa bóng là: nguyên lý, đức lý, tính chất,… Như vậy, Bồ Đề trong cách dịch này có thể hiểu là sự từ bỏ mê lầm để đạt được sự sáng suốt tuyệt đối, sự hướng dẫn hành vi của con người nhằm thành tựu sự sáng suốt giải thoát.

Theo cách tân dịch, Bồ Đề được dịch bằng chữ “Giác” (覺). Đây cũng là cách dịch của ngài Huyền Trang pháp sư. Giác có nghĩa là sự hiểu biết. Tuy nhiên có rất nhiều sự hiểu biết, ví dụ như: ảo giác, tri giác, cảm giác,… Do có nhiều hàm ý trong chữ “Giác”; vì vậy, chữ “Giác” không hàm chứa được “Đức lý” của căn từ Bud trong từ Bồ Đề (Bodhi). Đôi khi, nội hàm trong chữ “Giác” không tương đồng và trái ngược hoàn toàn với Bồ Đề. Bởi vì, Bồ Đề là sự diệt trừ mê lầm để đạt được quả vị Giác Ngộ giải thoát. Như vậy, chỉ khi nào “Giác” thuần tịnh và đi kèm với “Chánh Tín” thì nó mới đủ công năng để diễn tả nội hàm của chữ Bồ Đề.

Ngài Cưu Ma La Thập dịch Bồ Đề là Vô Thượng Giác (無上覺) – sự hiểu biết không gì sánh bằng hay Tuệ Giác Vô Thượng (慧覺無上) – trí tuệ không có tuệ nào hơn được nữa.

Ngài Tăng Triệu – đệ tử của ngài Cưu Ma La Thập phiên âm Phạn văn Bồ Đề (Bodhi) thành hai chữ Bồ Đề (菩提) hoặc dịch thành Vô Thượng Bồ Đề (無上菩提); ý chỉ sự giác ngộ của một bậc đã diệt hết si mê. Đây là sự giác ngộ của một bậc Thánh. Trí tuệ thuần tịnh, chính xác này của chư bậc Thánh là do quá trình tu tập, diệt hết mọi mê lầm nên phát sanh tuệ giác. Chứ không phải ai cũng có thể đạt được; bởi vì do còn mê lầm, chúng ta không thấy được cái tuệ giác ấy. Bên cạnh đó, bậc Thánh tu chứng vào quả vị nào thì sẽ có được kết quả tu chứng khác nhau, nên ngài Tăng Triệu để nguyên âm (dịch âm) chứ không dịch nghĩa.

2. Phân loại Bồ Đề Tâm.

Dựa vào kết quả tu chứng của từng bậc Thánh, chúng ta có thể phân định Bồ Đề Tâm thành ba loại tương ứng với Tam Thừa. Bao gồm:

-          Bồ Đề Tâm của bậc Thanh Văn – Alahan;

-          Bồ Đề Tâm của chư vị Độc Giác, Duyên Giác

-          Bồ Đề Tâm của chư Phật, Bồ Tát

a. Tính chất chung của các loại Bồ Đề Tâm.

Tính chất chung của ba loại Bồ Đề Tâm vừa nêu đó chính là hạt nhân tự tánh đều có ở bên trong. Hạt nhân ấy chính là “Vô lậu” (無漏) – sự đạt được trí tuệ không ô nhiễm, không dơ bẩn, không còn và đoạn diệt hết tất cả phiền não.

Ngoài ra, Bồ Đề trong tất cả các cách phân loại trên chính là Tuệ Tâm sở – một trong năm tâm sở (Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Tuệ) theo Duy Thức học.

b. Sự khác biệt của các loại Bồ Đề Tâm.

Tuy nhiên, dù tính chất tự tánh của ba loại Bồ Đề Tâm là tương đồng, nhưng vẫn có sự khác biệt trong ba bậc Bồ Đề Tâm do quả vị tu chứng ở mỗi bậc là hoàn toàn khác nhau.

Nếu Bồ Đề Tâm trong bậc Thanh Văn và Duyên Giác cũng là Vô lậu trí nhưng chỉ có “Diệu quan sát trí” thì Bồ Đề Tâm của chư Phật, Bồ Tát có đầy đủ cả bốn Thắng trí. Bởi do, Bồ Đề Tâm của chư Phật, Bồ Tát diệt bỏ hoàn toàn Ngã chướng và Sở tri chướng, chuyển đổi hoàn toàn tám thức trong hệ thống các thức. Vì vậy, Bồ Đề Tâm của chư Phật, Bồ Tát đầy đủ: Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí và Đại viên cảnh trí.

II/ ĐỊNH NGHĨA BỒ ĐỀ TÂM (菩提心).

Dựa vào hai từ cấu tạo là “Bồ Đề” và “Tâm”, chúng ta có thể định nghĩa Bồ Đề Tâm theo ba cách:

1. “Bồ Đề” làm túc từ cho “Tâm”.

Khi đó, Bồ Đề có nghĩa là đạo, Tâm có nghĩa là ý nguyện, chí nguyện, sự mong cầu,… Như vậy, Bồ Đề Tâm trong trường hợp này có nghĩa là: chí nguyện cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Với Bồ Đề Tâm mang ý nghĩa này, trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Vong thất Bồ Đề Tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” – nếu quên mất đi chí nguyện cầu Vô Thượng Bồ Đề, mà làm các pháp lành, thì cũng là nghiệp ma. Hay trong “Phát Bồ Đề Tâm” thuộc nghi thức sám hối cũng có đoạn:

“Ngã kim phát tâm

Bất vị tự cầu

Nhơn – Thiên phước báu

Thanh Văn, Duyên Giác

Nãi chí quyền thừa

Chư vị Bồ Tát

Quy y tối thượng thừa

Phát Bồ Đề Tâm…”

Dịch:

“Tâm nguyện chúng con

Không cầu hạnh phúc

ở trong nhân loại

và trên chư thiên;

chỉ theo đại thừa

phát bồ đề tâm…”

(Nghi thức Sám Hối – Tỷ kheo Trí quang biên tập)

2. “Tâm” chính là Tâm Sở.

Khi chữ “Tâm” trong từ “Bồ Đề Tâm” có ý nghĩa nội hàm chính là Tâm sở – sự nhận thức, khả năng nhận thức của tám thức. Thì Bồ Đề Tâm có nghĩa là: Tâm có Bồ Đề.

3. Bồ Đề chính là Tâm.

Bồ Đề chính là Tuệ Giác Vô Lậu của Đại thừa, bao hàm cả bốn Thắng Trí, chính là Trí Tuệ trong mỗi chúng sanh. Tâm với tám thức mà bản chất cũng chính là Trí Tuệ. Như vậy Bồ Đề chính là Tâm và Tâm cũng chính là Bồ Đề.

III/ PHÁT BỒ ĐỀ TÂM (發菩提心).

1. Định nghĩa.

Phát có nghĩa là: lập nên, phát sinh, phát hiện,… Bồ Đề Tâm chính là: chí nguyện cầu mong Tuệ Giác của chư Phật. Như vậy Phát Bồ Đề Tâm là: lập nên chí nguyện cầu mong Tuệ Giác Vô Thượng của chư Phật.

Tuy nhiên, chữ “Phát” ở đây còn bao hàm cả ý nghĩa: phát huy, phát triển,… Do vậy, ngoài ý nghĩa là “lập nên”, thì chữ “Phát” còn có nội hàm là: làm tròn đầy Tuệ Giác Vô Thượng.

Như vậy, phát Bồ Đề Tâm là quá trình làm sinh khởi tâm nguyện cầu Tuệ Giác Bồ Đề; phát triển tâm nguyện và thể hiện tâm nguyện đó vào trong đời sống. Làm sao cho tất cả các sự nhận thức phát triển thành Tuệ Giác Bồ Đề. Hay nói cách khác, là làm cho các nhận thức cuối cùng trở thành cứu cánh trọn vẹn – Vô Thượng Bồ Đề.

2. Bản chất của sự nhận thức.

Chư Phật và chư vị Luận sư luôn xác định rằng: “bản chất, tính năng của tâm chính là Phật, chính là Vô Lậu Tuệ, chính là Vô Thượng Bồ Đề”. Cho dù, Vô Lậu Tuệ đó đang ở trạng thái hạt giống mà chưa phát triển; cho dù, chúng ta còn đang là phàm phu chưa phải là bậc Thánh; thì, Vô Lậu Tuệ vẫn chính là bản chất của sự nhận thức, của tâm. Còn tri giác, cảm giác,… chỉ là những trạng thái giả tạm mà thôi.

Lấy ví dụ giữa trạng thái khoẻ và trạng thái bệnh trên cơ thể của con người minh chứng. Cả hai trạng thái khoẻ hay bệnh đều là của thân mình. Bệnh là trạng thái bất ổn định của tứ đại, mang tính chất tạm thời. Vì vậy, không ai muốn và không ai có thể lấy trạng thái bệnh để làm bản chất của cơ thể. Chỉ có trạng thái khoẻ mới là bản chất của cơ thể. Cũngvậy, những cảm giác, tri giác,… chính là những nhận thức tán loạn, điên đảo, bất ổn định; không thể nào làm bản chất của sự nhận thức. Chỉ có Vô Lậu Tuệ – sự “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” mới chân thật là bản chất của nhận thức.

3. Sự hỗ trợ Bồ Đề Tâm.

Bồ Đề Tâm hay nói cách khác là “tính năng vô lậu” giống như hạt giống trong tự thân mỗi chúng sanh. Nó không thể tự nhiên mà có và cũng không thể tự nhiên mà phát triển một cách mau chóng. Muốn nó lớn mạnh cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Và quan trọng nhất là hai yếu tố sau đây:

a. Sự hỗ trợ của thiện tri thức, của chư Phật, Bồ Tát.

Chư Phật và chư Bồ Tát đã có công đức sâu dày giáo hoá chúng sanh trong vô lượng kiếp. Chúng ta cần nương theo nguyện lực, tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát mà phát triển Bồ Đề Tâm. Bên cạnh đó, sư trưởng, chư tôn đức Tăng – Ni, các thiện hữu, thiện tri thức,… luôn là những bậc nâng đỡ ta trên con đường đạt được Tuệ Giác Vô Thượng.

b. Sự hỗ trợ từ thánh giáo.

Ngày nay chúng ta thiếu thiện duyên nên xa thời kỳ Chánh Pháp, không được gần gũi kim thân chư Phật. Do vậy, cần huân tập đa văn, cầu học Thánh giáo, nghiên cứu giáo lý để phát triển ngày càng thêm lớn mạnh chí nguyện cầu Bồ Đề Vô Thượng.

IV. CÁCH HÀNH TRÌ BỒ ĐỀ TÂM TRONG TÂM KINH BÁT NHÃ

1. Giới thiệu cách hành trì.

Chánh kinh: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”.

Dịch nghĩa: “Quán tự tại Đại bồ tát đã đi vào Đại bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt mọi khổ ách”.

Quán có nghĩa là thấy, là sự nhận thức. Tự tại có nghĩa là làm chủ được chính bản thân của mình. Như vậy Quán tự tại có nghĩa là bậc có khả năng làm chủ được nhận thức của chính bản thân mình. Và “đã đi vào Đại bát nhã ba la mật đa sâu xa” có nghĩa là đã đi vào Đại bát nhã ba la mật đa sâu xa của chính bản thân mình – sự chứng ngộ do bản thân mình đạt được.

Khi đó, sẽ soi thấy năm uẩn đều không. Nếu dịch chữ “chiếu kiến” là “thấy” thì dễ bị mắc kẹt vào ngôn ngữ giữa phạm trù “có và không”. “Thấy có” nên mới có phạm trù đối nghịch là “thấy không”. Vậy nếu không thấy gì cả; thì khi đó, sẽ thấy cái gì?

Không ở đây không phải mang ý nghĩa nội hàm là có và không. Không ở đây là một trạng thái tâm, siêu việt mọi khái niệm. Bồ Tát Long Thọ đã nói về tính không như sau: “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Có nghĩa là: “ý niệm ngôn ngữ không khẳ năng để diễn tả, lắng hết mọi tâm hành”.

2. Giới thiệu phương pháp “Quán”.

Chánh kinh: “… thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”.

Dịch nghĩa: “…soi thấy năm uẩn đều không, vượt mọi khổ ách. Ngài nói, tôn giả Thu tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy”

Khi có một, hai hay ba yếu tố của năm uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) hoặc thâm chí cùng một lúc cả năm yêu tố cùng khởi lên thì hành giả cần đưa các yếu tố khởi lên đó trở về trạng thái siêu việt. Quá trình đưa về trạng thái siêu việt có thứ tự sau:

Thấy được sự xuất hiện, sự khởi lên của các yếu tố. Sử dụng phép “Quán” để làm lắng yên các yếu tố. Diệt từ “Phiền não chướng” và “Sở tri chướng” đang hiện hữu. Cuối cùng là đưa yếu tố khởi lên trở về với bản chất tự tánh. Bản chất tự tánh đó là gì? Đó là tính không, là tính siêu việt, tính tuyệt đối của Vô Thượng Bồ Đề, Vô Lậu Bồ Đề.

Như vậy ta thấy, tu tập Bát Nhã là làm sao cho hạt giống Bát Nhã phát triển lớn mạnh thành Vô Thượng Bồ Đề thông qua phương pháp “Quán”. “Quán” đến cảnh giới “đi vào Đại bát nhã ba la mật đa sâu xa”.

3. Cách thức Chỉ – Quán.

Phương pháp “Quán” ở trên bao gồm hai phần: Chỉ và Quán. Chỉ có nghĩa là khi yếu tố nào đó trong năm uẩn khởi lên thì làm cho nó lắng yên lại. Quán có nghĩa là đưa yếu tố khởi lên đó trở về bản chất siêu việt. Do vận dụng hoàn hảo Chỉ và Quán nên đức Quán tự tại mới nói rằng: “sắc tức là không”.

Ở trạng thái bình thường, khi thấy Sắc, chúng sinh sẽ ấn tượng nơi cái Sắc đó. Sau đó, kéo theo tâm lý muốn nắm bắt. Khi đó, thức về sắc hiện hữu. Do vậy mà tâm ta ghi nhận có Sắc.

Khi ở trong trạng thái “Quán”, thấy sắc, chư Bồ Tát vẫn sinh ấn tượng nơi cái Sắc đó. Tuy nhiên, không có tâm lý muốn nắm bắt phát sinh. Vì không có tâm lý muốn nắm bắt phát sinh, nên thức về sắc bị đoạn diệt. Và sau đó, Bồ Tát vừa dùng tâm liên tục quán sát mọi sự vật, lại vừa khéo léo đưa Sắc trở về với bản chất tính không – tính siêu việt mọi trạng thái và ngôn ngữ, là sự thanh tịnh, là đại trí tuệ.

Khi thức về không, thì lúc đó; tâm không bị ô nhiễm, không bị phiền não, không bị chướng ngại. Ở trại thái đó, trí tuệ phát khởi. Trí tuệ lại có tác dụng phát huy hoạt dụng khi đem tâm quan sát mọi sự vật – thuộc về Sắc uẩn. Do vậy, đức Quán tự tại mới nói: “không tức là sắc”.

4. Hoạt dụng của Trí Vô Lậu.

Khi tâm trong trạng thái loạn động, tâm ghi nhận, nhận biết điều gì thì khi tâm trong trạng thái tĩnh lặng, tâm vẫn ghi nhận, nhận biết được điều đó. Nhưng khi tâm trong trạng thái tĩnh lặng có khả ghi nhận điều gì thì tâm trong trạng thái loạn động hoàn toàn không có khả năng ghi nhận điều đó.

Bởi vì, tâm trong trạng thái thế gian, phàm phu, trần tục… tâm sẽ ghi nhận các dữ liệu. Khi tâm đó được chuyển đồi dần dần, diệt sạch si mê, thì tâm đó sẽ trở thành “Tâm không”. Hay nói cách khác là Vô Lậu Trí phát sanh. Đối tượng của Trí Vô Lậu đó chính là Thắng Cảnh – Sắc uẩn ở trạng thái thuần tịnh, khi đó Sắc uẩn còn được gọi với một danh xưng là “Diệu Hữu”. Khi Vô Lậu Trí phát sanh thì tâm sẽ nhận thức được cảnh giới của chư Phật hoặc cảnh giới tương ứng với quả vị tu chứng. Cộng thêm vào đó là các dữ liệu đã được ghi nhận khi ở trong trạng thái thế gian. Như vậy, Vô Lậu Trí bao gồm cả những nhận thức về cảnh giới phàm phu và cảnh giới chư Phật. Trong khi đó, tâm trong trạng thái thế gian không thể nào ghi nhận được cảnh giới của chư Phật hiện hữu như thế nào.

Như vậy, Vô Lậu Trí hay “Tâm không’ là trạng thái tâm trong tịch tĩnh nhưng có thể ghi nhận, nhận biết hết thảy cảnh giới từ phám phu đến chư Phật.

Trong sử còn có mẫu đối thoại giữa vua Trần Thái Tông và Phù Vân Quốc Sư về vấn đề “Giác ngộ Phật tánh” như sau. Khi vua Trần Thái Tông quyết định cầu chân, nhất tâm lánh lên núi Yên Tử để cầu Phật: “Tu cầu làm Phật, chẳng toan sự nào”. Khi ngài Phù Vân Quốc Sư gặp vua Trần Thái Tông. Thấy được ý hướng khát khao tuyện đối, ngài Phù Vân Quốc Sư đã cho nhà vua một lời khuyên mà bài “Thiền tông Chỉ Nam” của nhà vua còn nhắc đến:

“Núi vốn không có Phật,

Phật tồn ở nơi tâm,

Tâm yên lặng mà biết,

Ấy gọi là Phật thật”

5. Siêu việt trong mọi trạng thái.

Chánh kinh: “Xá Lợi tử! Thị chư kháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tinh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh; tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo; vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố”.

Dịch nghĩa: “Tôn giả Thu tử, Không ấy của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên trong Không không sắc thọ tưởng hành thức, không nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, không sắc thanh hương vị xúc pháp, không nhãn giới cho đến không ý thức giới, không vô minh và sự tận diệt tận của vô minh, cho đến không lão tử và sự diệt tận của lão tử, không khổ tập diệt đạo, không quán trí, không thủ đắc, vì không thủ đắc gì cả”

“Không” siêu việt mọi pháp giới, siêu việt mọi khái niệm: tăng, giảm, sanh, diệt, tịnh, cấu,…

Chỉ có cách lắng mọi xúc cảm, yên lặng nhận biết tánh Không của nó là như vậy. Do đó, không chỉ năm uẩn, sáu căn, sáu trần, sáu thức đều phải được khéo léo đưa trở về nơi bản chất tính Không. Mà ngay cả đến tứ đế, thập nhị duyên khởi, giác ngộ, niết bàn cũng đều cần đưa trở về nơi bản chất ấy. Lúc đó, trí tuệ, tuệ giác tương đồng với tính Không không khác. Đắc và sở đắc thánh quả cũng không còn.

6. Vô trước, vô sở.

Khi một trong các yếu tố của năm uẩn hoặc cả năm yếu tố cùng khởi lên, chúng sanh sẽ ấn tượng với các yếu tố đó. Từ đó, phát sinh ra “Ái”. Vì “Ái” chấp thủ nên sinh ra “Thủ”. Vì muốn đạt được cái “Thủ” đó, nên sinh khởi hành động tạo tác bất thiện từ đó sinh ra “Nghiệp”. “Nghiệp” tích luỹ qua thời gian và không gian sinh ra “Hữu”. Từ “Hữu” đưa đến kết quả luân chuyển trong luân hồi ba cõi, sáu đường. Đây chính là sự luân chuyển của Duyên Khởi.

Tu tập và ứng dụng theo tinh thần Tâm kinh Bát Nhã, thấy sự sinh khởi của các yếu tố, dùng “Quán” để làm lắng yên, diệt trừ phiền não và sở tri chướng, đưa các yếu tố về với bản chất tự tánh – tánh Không. Rồi lại dùng cái tâm Không ấy liên tục quán sát mọi sự vật. Đây chính là quá trình làm chủ lấy nhận thức của chính mình – Quán tự tại.

Khi tu tập như vậy, “Hữu” diệt. “Hữu” diệt kéo theo “Thủ” diệt. “Thủ” diệt kéo theo “Ái” diệt. “Ái” diệt chính là “vô thủ trước”. Vì vậy trong trạng thái Không thì “vô thủ trước”, tâm hoàn toàn yên lặng, yên tĩnh, tịch diệt, Tuệ Vô Lậu xuất hiện. Đó nhờ vào đâu? Nhờ vào “vô sở đắc cố”, “vô trí”, “vô đắc”,… khi đó có nghĩa trí không đó và quả vị tu chứng cũng không. Tất cả đều nhờ “vô thủ trước” – không năm lại, không chấp trước.

Khi quay về với tính Không, con người không bao giờ phản kháng lại với những tâm niệm được sinh khởi. Khi tâm thức ghi nhớ một việc bất thiện, bất như ý; nếu chúng ta chấp thủ vào nó, vướng mắc vào nó hay phản kháng, chống đối, đàn áp nó; thì cả hai phương thức trên đều là sai lầm và không hiệu quả trong việc làm lắng dịu tâm. Do vậy, việc niệm Phật làm lắng đọng tâm là việc làm thiết thực nhất trong trường hợp này.

7. Hiệu quả của Bồ Đề Vô Thượng.

Chánh kinh: “Bồ đề tát đoả y bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cố tri bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú năng trừ nhất thiết khổ chơn thiệt bất hư cố. Thuyết bát nhã ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha”.

Dịch nghĩa: “Bồ tát vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên tâm không bị chướng ngại, vì không chướng ngại nên không khiếp sợ, siêu thoát mộng tưởng thoát loạn, cứu cánh niết bàn. Phật đà cả ba thì gian vì y theo Bát nhã ba la mật đa nên được vô thượng bồ đề. Do đó mà biết Bát nhã ba la mật đa là bài chú rất thần diệu: bài chú rất sáng chói, bài chú tối thượng, bài chú tuyệt bậc mà đồng bậc, trừ được hết thảy khổ não, chắc thật, không hư nguỵ. Nên tôi nói Bát nhã ba la mật đa. Ngài liền nói chú ấy: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha”.

8. Đưa đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

Nhờ y vào Bồ Đề Vô Thượng, nhờ y vào tuệ giác siêu viêt, tâm vô lậu, tính năng vô lậu mà chư vị Bồ Tát xa rời “điên đảo mộng tưởng” đạt được trạng thái yên ổn, an lạc. Ba đời chư Phật cũng y vào Bồ Đề Vô Thượng mà đạt được Vô Thượng Bồ Đề.

Do đó, nên phải biết rằng, Bồ Đề Vô Thượng đó, tuệ giác siêu việt đó, tính năng vô lậu đó, tâm vô lậu đó chính là một bài thần chú vĩ đại, vi diệu, vô thượng. Đó chính là một bài thần chú đồng bậc vì xét về tiềm năng thì ai cũng có thể đạt được. Đó chính là một bài thần chú siêu bậc vì xét về thể hiện thì chỉ có chư Phật mới chứng được trọn vẹn mà với thành tựu trọn vẹn.

9. Diệt trừ mọi khổ não.

Bài chú siêu việt ấy có khả năng loại trừ mọi khổ đau một cách chân thực không dối trá, hư nguỵ. Vì sự giác ngộ thuần tịnh và chân chính đó chính là ánh sáng soi chiếu, ánh sáng dẫn dắt hành giả trên lộ trình tu tập giải thoát.

10. Thần chú vĩ đại.

Vì tâm khi gặp chủ thể thường có khuynh hướng nắm bắt, chấp thủ. Vì nắm bắt, chấp thủ nên không thể xả ly. Vì không xả ly nên phiền não, luân hồi, sanh tử. Do đó, thần chú vĩ đại nói rằng, muốn đạt được Vô Thượng Bồ Đề thì tâm cần bỏ qua, đi qua, không nắm bát vào các chủ thể mà tâm tiếp xúc. Có như vậy thì việc đạt được Vô Thượng Chánh Giác là điều dễ dàng thực hiện được.

V. KẾT LUẬN

Khi chúng ta thọ giới, từ: ngũ giới, thập thiện đến Bồ Tát giới; đó chính là lúc Bồ Đề Tâm được phát hiện. Đây chính là bước đầu tiên, quả vị đầu tiên trên con đường Bồ Tát Đạo. Từ đó, chúng ta cần phát triển thêm nữa, làm lớn mạnh thêm nữa để thăng tiến trên con đường đạt được quả vị Thập địa Bồ Tát. Sự nỗ lực không ngừng này sẽ đưa chúng ta đạt đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề, rốt ráo Bồ Đề, Giác Ngộ tối thượng, Phật Đà.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập