Thiền công án

Đã đọc: 10431           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Công án là các câu hỏi, hay các câu trả lời không ăn nhập với nhau nhưng thách thức đối với con người bạn, đối với cái khái niệm nền tảng nhất về tự ngã của bạn. Công án như vũ khí sắc bén đâm vào tự ngã và từ đó tuôn trào ra Phật Tánh. Công việc của bạn không phải là tác chiến hay vật lộn với các cú tấn công này, mà là trung hòa chúng.

Công án (kung an) xuất phát từ Trung Quốc, tiếng Nhật gọi là Koan, có nghĩa là nguyên tắc chung. Trong Thiền tông, các công án được dùng như chất xúc tác để đánh thức bản chất sâu thẳm, trong sạch của bạn. Công án thường kể lại một cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò, trong đó, câu hỏi hay câu trả lời của vị thầy nhằm khai mở bản chất sâu thẳm của vạn pháp như chúng là. Có lẽ, công án điển hình, sớm nhất là công án về câu chuyện, khi Đức Phật Thích Ca không nói một lời, đưa cành hoa sen lên trước hội chúng. Lúc đó, tất cả hội chúng đều im lặng, ngơ ngác không hiểu, chỉ trừ tôn giả Ca Diếp mỉm cười.

Công án là một công cụ cao cấp, không có sức mạnh siêu nhiên ẩn tàng nào nhưng lại có thể giúp hành giả giác ngộ khi thực hành đúng đắn. Tôi từng nghe Thiền sư Genki gọi chúng là ‘cách mở nắp lon’ cho Tâm của bạn.

Công án chỉ nên được dùng sau khi bạn đã vào được chánh định. Chánh định là trạng thái của tâm khi tất cả ý niệm, suy nghĩ, cảm thọ, phán đoán… đã im bặt, và tâm đã trở nên sáng tỏ, lặng lẽ, phản chiếu một cách tự nhiên, trôi chảy tự do trong khoảnh khắc này. Nếu tâm bạn chưa đắc định, thì đừng tu tập gì với công án. Công án sẽ quậy lên dòng nước của tâm, và nếu tâm đang có sẵn sự hỗn loạn thì pháp tham công án sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tệ hơn. Đó là lý do vì sao Thiền sư Genki chỉ trao cho công án trong khi vào các kỳ nhập thất Sesshins (có sách dịch là nhiếp tâm, tiếp tâm, một kỳ thất dài nhiều ngày. LND) trong đó học nhân dễ nhập định hơn.

Công án sẽ KHÔNG được giải đáp. Bất kỳ đáp ứng mô tả nào: kiểu có/không, hay kiểu cái này/cái kia… đều sẽ bị bác bỏ. Thường thường, công án không cần gì tới lời nói ngôn ngữ. Một vài cử chỉ đột khởi cũng là đủ rồi. Đó là lý do vì sao tôi nói công án không được trả lời, nhưng được giải quyết.

Để tham một công án có nghĩa là để một công án hoạt động trong bạn. Khi một mức độ chánh định đã đạt được, bạn đưa công án vào tâm. Cách khởi công án thích hợp nhất là nêu câu hỏi một cách dịu dàng nhưng liên tục vào ý thức. Đừng mất thì giờ tìm cách hiểu công án. Hãy để nó đưa tâm của bạn xuyên qua chất vấn này, và đừng có nỗ lực nào giải đáp nó. Bất kỳ phân tích nào cũng chỉ làm uổng phí thì giờ, và tận cùng kiểu đó chỉ cao lắm là sản xuất ra một câu trả lời kiểu Thiền giả mạo. Công án là một khí cụ nhắm tới chỗ diễn dịch, giải thích, bắt chước hay phân tích của chúng ta mà đánh vào; và rồi, chỉ sau khi chúng ta cạn kiệt hay là buông bỏ hết mọi kiểu khảo sát, điều tra loại đó, thì một mức độ thâm sâu hơn của tham cứu mới có thể dò tới được.

Chỉ khi nào chúng ta có thể thú nhận rằng chúng ta không biết gì hết, thì pháp tham công án chân thực mới bắt đầu được. Hãy để công án trong bụng của bạn, nơi đó có thể khởi đầu như là bạn đã nuốt một quả cầu sắt nóng, tới nỗi nó không thể bị tiêu hóa hay trục xuất đi. Thực tế, đôi khi sau nhiều năm tu tập, công án sẽ làm phần việc của nó, tâm bạn sẽ mở ra trong sự hiểu biết sâu thẳm.

Công án là các câu hỏi, hay các câu trả lời không ăn nhập với nhau nhưng thách thức đối với con người bạn, đối với cái khái niệm nền tảng nhất về tự ngã của bạn. Công án như vũ khí sắc bén đâm vào tự ngã và từ đó tuôn trào ra Phật Tánh. Công việc của bạn không phải là tác chiến hay vật lộn với các cú tấn công này, mà là trung hòa chúng.

Bất cứ khi nào một công án khởi lên trong tôi, trước khi vào độc tham (tham vấn riêng giữa Thầy và trò), tôi để mặc cho nó trôi mất đi; đó là bảo đảm tốt nhất rằng [cái] đáp ứng khởi lên trong khi độc tham, hay trước mặt vị Thầy, sẽ là [một đáp ứng] tươi mới. Thường thì, đáp ứng mà tôi trình trong buổi độc tham gần giống như phản ứng lúc đầu của tôi. Tuy nhiên, bằng cách buông bỏ các đáp ứng đầu tiên và kế tiếp đó, công án có cơ hội tốt nhất để mở rộng hiểu biết của bạn vào trong sự hiển lộ đầy đủ nhất.

Thí dụ, khi trả lời công án “Cái gì là tiếng vỗ của một bàn tay”, bạn có thể hiểu nó là sự VẮNG LẶNG: niềm vắng lặng tịch diệt bao trùm khắp vũ trụ, cái tự thân là Đạo. Nhưng nh?ng hiểu biết có phần suy lý này không nói được gì cả. Khi xem như là một đáp ứng, thì nó đã chết từ lâu. Làm cách nào bạn cảm nhận niềm vắng lặng tịch diệt này trong từng mảnh thân tâm bạn, và khi điều này được kinh nghiệm một cách trực tiếp, thì làm cách nào bạn sẽ hiển lộ được kinh nghiệm của bạn để cho vị Thầy hài lòng?

Hãy can đảm, đừng ngồi yên và đông lạnh; ít nhất hãy nói, “Con không biết”. Bất kỳ đáp ứng nào bị Thầy bác bỏ đều sẽ khép lại một ngõ hẹp không tới đâu, hay là sẽ đẩy bạn tới một vài hướng mới. Từ từ, vị Thầy sẽ giúp bạn gạt bỏ mọi đáp ứng, chỉ trừ một phản chiếu thuần tịnh trong trẻo về cái đang được hướng tới. Mỗi công án đòi hỏi một đáp ứng riêng biệt, độc đáo, trong khung của câu hỏi. Nếu một công án hệt như một tay quyền đánh vào đầu, thì sẽ vô dụng khi đáp ứng bằng cú đá vào ống quyển. Nếu Thầy đòi có một quả táo, hãy mang tới đủ thứ riêng của bạn; nhưng hãy hiểu rằng một quả cam hay một ổ bánh mì sẽ không đáp ứng được.

Công án được xem như hạt giống của tỉnh ngộ. Đôi khi cần một thời gian dài lâu để trưởng dưỡng sự gian nan, có khi thời kỳ trưởng dưỡng này ngắn và trực tiếp. Muốn giải quyết trọn vẹn một công án, bạn phải để cho nó lớn lên trọn vẹn; một công án phải được tự hiển lộ. Để nuôi dưỡng và chăm sóc cho một công án, một cách đơn giản và liên tục, bạn hãy kích vào cái chăm chú tỉnh biết của bạn, cái cốt tủy của “câu hỏi” hay của “cuộc trực diện” đó.
Thí dụ, nếu công án là “Hãy mang cho tôi tự tánh của tiếng chuông chùa” thì trước tiên, chúng ta phải sửa sọan cái nền đất nơi mà công án sẽ được trồng vào bằng cách nhập định (tình trạng khi tâm bạn hoàn toàn tự nhiên, tĩnh lặng, quân bình, và tỉnh giác tròn đầy). Một khi sự an định đã thiết lập (ở các oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm…), chúng ta trồng công án một cách liên tục và chăm chú bằng việc đưa công án vào sự tỉnh giác, và đặt nó an nghỉ trong bụng mình. Nơi đó, nó sẽ mọc lên và lớn dậy mà không cần thêm bất kỳ nỗ lực nào.

Trong thí dụ đi tìm tự tánh của tiếng chuông chùa, chúng ta hãy để cho tiếng chuông chùa vọng lên trong bụng, cho tới khi nó có thể trôi ra khỏi người chúng ta mà không có bất kỳ phân biệt suy lý nào. Vào khoảnh khắc tỉnh ngộ, quả chín của công án sẽ tự nhiên đứt rời khỏi chúng ta như là một đáp ứng rõ ràng mà không chút màu mè nào về “nó” hay “tôi”. Lúc đó, không có gì tách rời giữa hành giả và tiếng chuông; chúng sẽ là một, mà không có can thiệp nào từ ý thức phân biệt.

Qua nhiều năm tu tập công án với nhiều Thiền sư khác nhau, tôi đã hiểu rằng công án có thể chia làm 5 loại khác nhau. Thực sự, cũng có thể chia chi tiết thêm nhiều nhóm phụ nữa, nhưng xét đến tận cùng tất cả cách chia đều vô nghĩa, một công án chỉ là một công án thôi.

Một số công án đòi hỏi sự buông bỏ các hàng rào giữa bạn và thiên nhiên chung quanh. Những công án như hãy mang cho tôi tiếng mưa rơi, tự tánh của đóa hoa, hay một ngọn núi trên một sợi dây thừng, tất cả đều đẩy học nhân vào hướng của sự tỉnh giác mở rộng.

Các công án khác thì đòi hỏi hành giả buông bỏ các rào cản khái niệm và giả tạo đang dựng lên giữa chính bạn và Phật. Các công án như, hãy mang cho tôi tự tánh của pho tượng [Phật] đứng trên bàn thờ kia, hãy đưa cho tôi xem yếu nghĩa việc làm của Thiền Sư (Câu Chi, Sư Ngạn, Lâm Tế…); hay là khi hàm răng của ông cắn vào cành cây giữa bờ vực mà tay chân đều không bám đâu được, làm sao ông trả lời một câu hỏi chân thành xin giải bày pháp yếu (Chân Lý/ Ý chỉ tổ sư)?...

Một số công án đòi hỏi hành giả mở hết các cửa về đời người bằng cách yêu cầu “hãy mang tới cho ta tự tánh của lão già (hay [của] phụ nữ, đứa trẻ, hài nhi, thằng bịp, tên ngốc, pháp sư, nhà sư, thầy giáo, cái chết, sự sinh, bạn hữu, kẻ thù, niềm vui, nỗi buồn…)”.

Một số công án đòi hỏi hành giả hiển lộ Đạo trong tự thân (nền tảng của Thực Tại, cái vượt qua sinh tử, qua tướng và vô tướng, qua đúng và sai, âm và dương, nam và nữ, và qua mọi nhị nguyên khác).

Cuối cùng, có những công án đòi hỏi hành giả hiển lộ các hành vi bình thường. Các công án đẩy chúng ta vào lối này có thể là yêu cầu “hãy hiển lộ chân tánh của khắp pháp giới trong khi rửa chén,…”.

Tất cả các công án đều đòi hỏi chúng ta tỉnh ngộ hiện tiền, và sống trọn vẹn với cái hiện tiền đó mà không còn màng lọc nào giữa chúng ta và phần còn lại của thực tại.
Khi thiền công án được tu tập đúng hướng, chúng ta sẽ khám phá rằng chính đời sống chúng ta là công án lớn nhất của mọi công án. Bất kỳ trở ngại hay hoàn cảnh nào có vẻ như tách rời chúng ta xa khỏi chính chúng ta, hay xa khỏi bất kỳ ai hay bất kỳ vật gì khác, đều có thể được dùng như một công án. Hãy đưa trở ngại hay nan đề đó vào tâm bạn, như cách đã mô tả trên, và chờ cho nó chín cây, và rụng xuống mà không cần tìm cách sửa chữa, thay đổi hay phân tích. Bạn sẽ khám phá rằng tất cả các trở ngại đề là ảo giác của kiểu này hay kiểu khác của tâm.

Để thấy thực tại một cách rõ ràng là hãy gỡ bỏ hết mọi rào cản bên trong bạn, giữa tự ngã của bạn và mọi thứ khác với nó. Tam Tổ của Thiền Tông nói rằng không hề có gì cách biệt hay bị lọai trừ, vạn pháp vẫn chuyển động và đan vào nhau mà không phân biệt gì.

Thí dụ, tôi thường bị ám ảnh bởi nhiều loại niệm cứ dường như lập đi lập lại không ngừng; nhưng rồi, nếu tôi lui lại khỏi các loại niệm đó, hay là [lui khỏi] nỗi đau đớn, và giữ nó một cách dịu dàng và chăm chú trong bụng hay trên đùi, rồi trong một trật tự tương đối ngắn thì đợt sóng niệm hay nỗi đau đớn đó sẽ tan biến đi, đôi khi lại hiển lộ ra bằng một câu chuyện hay một chân lý trước đó chưa thấy. Cũng có lúc, sự nhẹ gánh này chỉ là tạm thời, có khi là vĩnh viễn, nhưng luôn luôn với sự tỉnh giác chăm chú thì nó có thể giải quyết xong, hay ít nhất là đã có tiến triển trong thực hành. Một lần, tôi được hỏi là có phải đáp ứng với một công án thì y hệt như đóng kịch không, và tôi nói: “Vâng, y hệt như đóng kịch giỏi, nơi mà, trong sự chân thành thuần tịnh, không có gì cách biệt giữa người diễn viên với vai mà anh ta đang đóng”.


***

(Thiền sư Genjo Marinello là Viện Chủ Chùa Dai Bai Zan Cho Bo Zen Ji tại Seattle, Hoa Kỳ. Thầy đã tập Thiền từ năm 1975, xuất gia và thọ giới năm 1980, rồi thọ cụ túc giới năm 1990. Ngoài việc chịu trách nhiệm các chương trình dạy Thiền ở chùa, Thầy còn làm công tác Tham Vấn Về Y Tế Tâm Thần, và là Giám Đốc về Tâm Linh (Washington State Licensed Mental Health Counselor and Spiritual Director) tại khu vực Capitol Hill của Seattle, đồng thời là một thành viên trong Hội đồng khoa của đại học Antioch University. Bài sau đây của Thiền sư Genjo Marinello nói về pháp tu công án. Chỗ này xin mạn phép góp một ý nhỏ: Thiền sư Genjo Marinello khuyên rằng nên để công án nơi bụng, tuy nhiên theo người dịch thấy, nên để nghi tình về công án ngoài thân, lơ lửng dưới tầm mắt, sẽ có lợi hơn và sẽ duy trì dễ hơn, nhất là khi rời oai nghi ngồi, tới một lúc chỗ nào mắt nhìn cũng thấy niệm nghi tình hiện ra. Nếu thấy khó để niệm ngoài thân, độc giả cũng không nên để niệm riêng vào một điểm nào trong thân, mà nên để niệm này ở toàn thân một cách tự nhiên. Tùy độc giả sẽ thấy cách nào thích hợp. Tham công án khác với tham thọai đầu. Công án là một tích truyện, mang trong đó một vấn đề, có khi mang cả nhiều vấn đề. Còn thoại đầu là công án được chọn để hướng về một câu hỏi đơn độc, dễ hướng tâm hơn).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập