Lục tổ Huệ Năng không hề viết bài kệ Bồ Đề bổn Vô Thọ ?

Đã đọc: 7040           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, bấy giờ là vị Giáo thọ được tôn kính, nhằm khuyến dạy đồ chúng hoặc ít ra là để tự khuyến dụ mình. Không có việc thi đua làm kệ và không có bài kệ nào được viết lên vách chùa cả. Từ đó, dĩ nhiên không hề có bài kệ đối đáp, Lục Tổ không hề có bài kệ như thế, chỉ do người sau vì vụng về muốn tâng bốc Lục Tổ và hạ uy tín của Thượng tọa Thần Tú mà thôi!

Hai bài kệ dưới đây trích trong Lục Tổ đàn kinh rất nổi tiếng trong giới Thiền học, được phổ biến, giảng luận không biết bao nhiêu là giấy mực ở khắp nơi từ hơn một thế kỷ qua. Nhưng do có nhiều học giả nêu nghi án về người ghi chép kinh và nội dung kinh, hai bài kệ ấy cũng đáng nghi ngờ:

Bài của Thượng tọa Thần Tú:

Thân thị bồ-đề thọ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

身 是 菩 提 樹

心 如 明 鏡 臺

時 時 勤 拂 拭

勿 使 惹 塵 埃

Thân là cây bồ-đề

Tâm như đài gương sáng

Phải luôn lau chùi sạch

Chớ để bụi trần bám

 

Bài của Lục tổ Huệ Năng:

 

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh kính diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

菩 提 本 無 樹

明 鏡 亦 非 臺

本 來 無 一 物

何 處 惹 塵 埃

Bồ-đế vốn chẳng cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Bụi trần bám vào đâu?

 

Duyên khởi hai bài kệ này là do Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn bảo đồ chúng mỗi người hãy làm một bài kệ trình cho ngài, nếu bài nào tốt nhất, chứng tỏ được sự kiến tánh thì Tổ sẽ truyền y bát, công nhận là Tổ thứ sáu, kế tiếp ngài. Trong lịch sử Phật giáo, nhất là trong lịch sử Thiền, chưa từng có vị Tổ, vị thầy nào lại bảo các đồ đệ thi đua làm kệ để được chọn làm Trụ trì hay là Tổ kế vị cả! Lý do khiến Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ của mình lên vách chùa cũng là lạ! Thượng tọa làm xong bài kệ thì đắn đo suy nghĩ, rằng trình kệ mà mong làm Tổ kế tiếp thì không tốt, nhưng không trình thì không được Ngũ tổ nhận ra tâm tánh mình mà dạy dỗ thêm. Làm kệ xong đã bốn ngày, mười ba bận định vào trình Tổ, mỗi bận sợ đến toát mồ hôi mà không dám trình (người ghi chép Đàn kinh làm sao biết được ý nghĩ của Thượng tọa Thần Tú và tình trạng lo ngại của ngài trong lúc ấy và cả sau khi viết kệ lên vách?). Cuối cùng, bài kệ được viết lên vách chùa thì cũng là trình Ngũ Tổ bài kệ mà thôi!

Lục Tổ Huệ Năng cũng không có lý do gì chính đáng để nhờ viết bài kệ đối đáp của mình lên vách, cạnh bài kệ của Thượng tọa Thần Tú. Bài kệ này nếu mang ý nghĩa bày tỏ sự kiến tánh thì cũng mang ý nghĩa phê phán tác giả bài kệ thứ nhất là Thượng tọa Thần Tú và đồng thời đáp ứng việc thi đua làm kệ, tức là mong được làm Tổ kế vị. Sự việc này há có thể gán cho Lục Tổ được sao?

Bây giờ chúng ta hãy thử xét qua nội dung của hai bài kệ:

Bài Thượng tọa Thần Tú: Một khi đã quyết định tu tập, quyết định xuất gia, đem thân mình, thân phận mình, để dấn thân vào con đường tìm về giái thoát tối hậu thì thân này, thân mạng này cũng vững chãi, kiên cố như cây bồ-đề, cái tâm này phải giữ cho trong sạch, sáng láng như tấm gương sáng. Do đó phải luôn luôn giữ cho thân này, cho tâm này đừng bị phiền não, dục vọng, nói chung là các lậu hoặc xâm chiếm, ví như luôn lau chùi tấm gương, giữ cho gương sáng, không để cho bụi bặm bám vào. Đây là tâm niệm, là sự nhắc nhở cho người tu, nhờ đó mà tinh tấn, có trí tuệ sáng suốt, thấy được tâm tánh mình.

Bài của Lục Tổ Huệ Năng: Cây bồ-đề vốn không có, đài gương sáng cũng không có, xưa nay không có vật gì cà thì bụi trần không bám vào đâu được. Đã bảo xưa nay không có gì cả thì sao lại nhắc đến bụi trần? Không có gì cả nhưng lại có bụi trần ư? “Vô nhất vật” hay “Không” của bài kệ không có gì mới lạ! Giáo lý Không của Đức Phật đã được thuyết giảng từ 11 thế kỷ trước và được kinh điển Đại thừa triển khai từ hơn 5 thế kỷ trước thời Lục Tổ đến độ hầu như ai biết đến Phật giáo cũng đều biết qua ý nghĩa Không. Đặc biệt, người tu Phật, tu Thiền hẳn ai cũng biết kinh Kim cương dạy rằng các pháp hữu vi đều như mộng, như sương, như ánh chớp… và rằng hễ những gì có hình tướng thì đều là hư vọng…Bốn câu kệ nói về Không ấy bị gán cho Lục Tổ  thực chẳng chứng tỏ gì cho cái tâm chứng ngộ!

Từ các suy luận trên, ta có thể tin rằng bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, bấy giờ là vị Giáo thọ được tôn kính, nhằm khuyến dạy đồ chúng hoặc ít ra là để tự khuyến dụ mình. Không có việc thi đua làm kệ và không có bài kệ nào được viết lên vách chùa cả. Từ đó, dĩ nhiên không hề có bài kệ đối đáp, Lục Tổ không hề có bài kệ như thế, chỉ do người sau vì vụng về muốn tâng bốc Lục Tổ và hạ uy tín của Thượng tọa Thần Tú mà thôi!

Khi ghi chép Pháp Bảo Đàn kinh, Thiền sư Pháp Hải, đệ tử của Lục Tổ (hoặc có ai đó về sau thêm bớt một số chi tiết), tưởng rằng như thế sẽ làm tăng phẩm chất cao đẹp, trí tuệ tuyệt vời của Lục Tổ, nhưng thật ra, nội dung cuốn kinh có vẻ như một cuốn tiểu thuyết viết vụng về hay một bản tường thuật sai lạc. Nhiều chi tiết trong kinh này  khiến người ta khó tin là thật: Sự việc Lục tổ không biết chữ mà lại trích dẫn nhiều kinh Phật đúng vanh vách, lại giảng nghĩa cả những từ Phạn ngữ; sự việc Tổ đang hàng ngày bán củi nuôi mẹ bỗng có người cho mười lạng bạc, về trao cho mẹ  (có lẽ chỉ dùng được trong một năm) rồi ra đi biền biệt, không cần biết mẹ đau ốm, sống chết thế nào; sự việc Ngũ Tổ gõ ba tiếng vào cối để ngầm hẹn gặp Lục Tổ vào canh ba (nhà chùa mà có tai vách mạch rừng đến thế ư? Sao không ghé tai mà dặn?); sự việc Ngũ tổ giấu việc trao y pháp cho Lục Tổ, bảo phải bí mật rời chùa ngay, thế mà sau đó lại bảo với chúng rằng y pháp đã về phương Nam, khiến hàng trăm (?) đồ chúng rượt theo Lục Tổ để giành y và Thượng tọa Huệ Minh đã bắt kịp trước tiên; sự việc Lục Tổ chê bai pháp môn của Thượng tọa Thần Tú; sự việc Lục Tổ bảo chép hành trạng và pháp ngữ của ngài thành kinh, lấy tên là Pháp bảo đàn kinh (trong Phật giáo, chỉ có lời Phật thuyết giảng được ghi lại thì mới được gọi là kinh), bảo là để cứu đời (Lục tổ đâu có kiêu mạn như vậy?)…; và nhiều chi tiết có vẻ thần bí, khó có thể tin là thật.

Phần lớn pháp ngữ (ngoại trừ một số bị chép thiếu sót hoặc do người sau thêm thắt vào) của Lục Tổ được ghi chép lại trong Pháp bảo đàn kinh là vô cùng quý giá, xứng đáng là Thiền ngữ của vị Tổ đã mở ra một chân trời mới, một không khí mới của Thiền, phổ biến khắp đất nước Trung Hoa và lan truyền khắp thiền giới của rất nhiều quốc gia. Sự chứng ngộ và địa vị cao vời, xán lạn của Lục Tổ trong Thiền giới thì không ai dám nghi ngờ. Sự phát triển Tổ sư Thiền khởi từ ngài với Thiền công án, thoại đầu… và nền văn học Thiền rất phong phú, qua hai vị Đại đệ tử của là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng, từ đó các dòng Thiền với ngài Thạch Đầu, khởi xuất dòng Vân Môn, Tào Động, Pháp Nhãn và với ngài Mã Tổ, ngài Bách trượng, khởi xuất dòng Quy Ngưỡng, Lâm Tế. Đặc biệt, dòng Lâm Tế và Tào Động phát triển mạnh ở nước ta cho đến ngày nay.

     
Lâu nay có lắm bài bình giảng về hai bài kệ nói trên, triển khai ý nghĩa, nói đến sự thâm diệu trong từng lời từng ý, rồi đặc biệt xưng tán Lục Tổ; thiết nghĩ chẳng dính dáng gì đến ngài cả, kể cũng hoài công!

 Nguồn: quangduc.com

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
Minh Quyên 22/02/2016 08:08:34
Rất đúng! Cảm ơn thầy Trần Tuấn Mẫn. Phải nghiên cứu, tu tập nghiêm túc, nắm được cốt tủy của đạo Phật, dùng tuệ giác thẩm sát, quán chiếu mới thấy được hư thật, chân ngụy. Người tu học Phật không nên vì cảm tình riêng, vì mục đích cá nhân, tư tâm của mình mà thêu dệt, nói những điều sai sự thật mà cho đó là lời Phật, Tổ, gây mê lầm cho chúng sinh.
avatar
Thien Duyen 23/06/2016 03:02:11
Con khong dam co y kien trong viec nay. Nhung theo y con hieu 2 cau "Bon lai vo nhat vat. Ha xu nha tran ai" co nghia la "Xua nay khong mot vat gi co that. Hat bui cung khong co thi lam gi co bui dinh vao dau". Con xin da ta.
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Đăng nhập