Về Thiền Minh Sát

Đã đọc: 4835           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong ngôn ngữ Pali, Vipassanà có nghĩa là "tuệ" (insight). Ðây là tinh yếu của giáo pháp đức Phật, là sự chứng nghiệm các chân lý mà Ngài đã thuyết giảng.

Chân nghĩa của Thiền Vipassanà

Trong ngôn ngữ Pali, Vipassanà có nghĩa là "tuệ" (insight). Ðây là tinh yếu của giáo pháp đức Phật, là sự chứng nghiệm các chân lý mà Ngài đã thuyết giảng. Nhờ Thiền tập mà Ngài đã giác ngộ, nên Ngài ưu tiên dạy về các trạng thái Thiền cũng như phương pháp để đạt đến cứu cánh giải thoát. Vấn đề chúng ta phải giải quyết là làm thế nào hiểu đúng và làm đúng lời dạy của đức Phật, vì lý giải lời dạy của Ngài sẽ rất khó khăn nếu không thực hành giáo pháp. Vậy nếu có một kỹ thuật Thiền nào tồn tại suốt bao nhiêu thế hệ, dẫn đến các kết quả mà Phật đã mô tả, và nếu kỹ thuật đó phù hợp một cách chính xác với giáo pháp của Ngài cũng như soi sáng các chi tiết hãy còn khó hiểu của nó, thì kỹ thuật đó tất đáng cần phải tìm hiểu. Vipassanà là phương pháp, kỹ thuật phi thường vì nó đơn giản, không giáo điều và hữu hiệu.

Thiền sư học giả người Miến vào cuối thế kỷ XIX truyền Thiền Minh Sát Tuệ cho Thiền sư Saya U Thet. Saya U Thet truyền cho Sayagyi U Ba Khin, thầy của Goenka. Vipassanà là tuệ thấy được tính cách vô thường của tâm và thân, do đó thanh lọc toàn bộ tâm thức. Thiền Vipassanà là sự phát triển một cách có hệ thống các tuệ này nhờ kỹ thuật quan sát thực tại của chính mình, tức quan sát các cảm giác trong tự thân.

Thiền Tập Vipassanà

Phương pháp thực tiễn do đức Phật đưa ra để tận diệt tham sân si là Bát Chánh Ðạo gồm ba phần: Giới, Ðịnh, Tuệ. Không giữ Giới sẽ không tiến bộ được. Giữ Giới chẳng những tránh gây tổn hại cho người mà cho cả chính ta, lời nói và hành động bất thiện làm tâm ta xáo trộn, không đủ yên tịnh để quán sát thế giới nội tâm. Như vậy, Giới cần thiết chẳng những cho việc cải thiện xã hội, cải thiện cá nhân mà còn cho việc tiến bộ của nhân loại trên con đường Phật pháp tức con đường giác ngộ giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử triền miên bất tận này.

Nhờ giữ Giới ta cố gắng làm chủ ngôn ngữ và hành động. Tuy nhiên, nguyên nhân của khổ đau nằm trong các tâm hành (mental actions) của chúng ta. Ðơn thuần giới hạn lời lẽ và hành động sẽ vô dụng nếu tâm trí cứ sôi sục trong tham ái và giận hờ, trong tâm bất thiện. Bị chia rẽ như thế chúng ta không bao giờ hạnh phúc vì sớm hay muộn tham sân si sẽ bộc phá và ta sẽ phạm giới.

Ðể đối phó, ta phải tu tập bhàvanà (phát triển tâm), tức là phải tu định (samàdhi) và tu tuệ (pannà). Tu định là học cách kiểm soát các tiến trình tâm để làm chủ tâm trí. Theo Bát Chánh Ðạo, tu định gồm ba phần: chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh tinh tấn là bước đầu tiên trong việc phát triển tâm. Tâm ta dễ dàng bị tham sân si làm xao động. Cho nên phải củng cố nó, an định nó để nó trở thành một khí cụ hữu ích cho việc xem xét bản chất của ta ở giai tầng vi tế nhất để phát hiện và tiêu diệt chấp trước.

Ðức Phật dạy nhiều phương pháp tập trung và duy trì tâm ý trên một đối tượng duy nhất. Nhưng phương pháp khám phá thực thể nội tại thuận lợi nhất, phương pháp chính đức Phật đã thực tập, là quán niệm hơi thở (ànàpànasati). Thiền sinh ngồi thẳng, mắt nhắm hoặc hơi nhắm, ý thức hơi thở ra vào nơi đầu mũi. Sở dĩ phải đặt sự chú ý vào đầu mũi vì thiền sinh cần có một định lực thật mạnh để tiến qua giai đoạn Thiền tuệ.

Thiền sinh cũng không niệm thầm hoặc đếm hơi thở vì chẳng bao lâu Thiền sinh sẽ quên chú ý vào hơi thở. Nếu khi thở vào thiền sinh niệm "vào", khi thở ra, niệm "ra" thì các tiếng này trở thành một mantra (thần chú). Vậy hãy chỉ chú tâm vào hơi thở, hơi thở thuần túy, chớ không vào cái gì khác!

Ðây không phải là bài tập luyện thở, mà là bài tập phát triển chánh niệm. Thiền sinh chú ý vào hơi thở tự nhiên của mình càng lâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi thấy tư tưởng trôi dạt lang thang, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn kéo nó về hơi thở. Cứ thế, đừng căng thẳng cũng đừng nãn chí, cứ tiếp tục chú ý vào hơi thở.

Quán niệm hơi thở còn là phương tiện để ta tu tập chánh niệm. Ðau khổ bắt nguồn từ vô minh. Chúng ta phản ứng bởi vì chúng ta không biết chúng ta đang làm gì, không biệt thực tại của chính mình. Tâm trí tiêu phí hầu hết thời gian vào việc sống lại các kinh nghiệm vui sướng hay buồn khổ đã qua, vào việc kiến tạo các ảo tưởng và dự đoán tương lai vì hăm hở hay lo sợ. Khi kẹt vướng trong tâm thái tham sân, chúng ta không ý thức được đang xảy ra cái gì hoặc ta đang làm gì. Thế mà chính lúc này đây, chính thời khắc hiện tại lại cực kỳ quan trọng. Chúng ta không thể sống trong quá khứ, vì quá khứ đã trôi qua. Chúng ta cũng không thể sống trong tương lai, vì tương lai vượt quá tầm tay và chưa đến: chỉ có thể sống trong hiện tại.

Nếu ta bất thức các hành động hiện giờ đang là, thì ta buộc phải lập lại các sai lầm trong quá khứ và không bao giờ thành tựu được các mơ ước tương lai được. Nhưng nếu ta phát triển được khả năng ý thực cái hiện tiền, ta có thể dùng quá khứ để hướng dẫn các hành động của ta trong tương lai cho có trật tự hầu đạt được mục đích mong muốn. Phật pháp là lộ trình của cái tại-đây-và-ngay-bây-giờ. Vì thế cần phải phát triển khả năng ý thức trong từng phút giây hiện tại. Thực tập quán niệm hơi thở, phát triển khả năng ý thức tại đây và ngay bây giờ: lúc này ta đang thở vào, lúc này ta đang thở ra!

Một lý do nữa để phát triển quán niệm hơi thở là vì ta muốn chứng nghiệm thực tại tối hậu. Chú ý vào hơi thở giúp khám phá những gì ta chưa biết về chính ta, đưa ra ý thức những gì hãy còn trong vô thức. Quán niệm hơi thở như một cây cầu nối tâm ý thức và tâm vô thức, bởi vì hoạt động của hơi thở vừa có tánh cách ý thức vừa có tánh cách vô thức. Ta có thể quyết định kiểm soát hơi thở hoặc điều khiển hơi thở theo ý ta muốn. Thậm chí ta còn có thể ngừng thở một thời gian. Thế nhưng khi ta thôi kiểm soát, hơi thở sẽ tái lập mà không cần ai thúc giục cả.

Chẳng hạn, ta có thể bắt đầu bằng cách thở hơi mạnh để chú ý dễ dàng hơn. Ngay sau khi việc ý thức vào hơi thở trở nên rõ ràng và ổn định, ta để cho hơi thở vào ra một cách tự nhiên, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc sâu hoặc cạn, hoặc nhanh hoặc chậm ... Không nên cố gắng điều chỉnh hơi thở và chỉ cố gắng ý thức nó. Nhờ duy trì ý thức về hơi thở tự nhiên ta bắt đầu ý thức được các chức năng tự động của thân thể, hoạt động mà trước đây thường thì ta không hề hay biết (bất thức). Chúng ta bắt đầu nhận thấy thực tại thâm sâu hơn.

Một lý do nữa để phát triển ý thức đối với hơi thở là nhằm giải thoát khỏi tham sân si bằng cách, trước hết hãy ý thức chúng. Hơi thở phản ánh tâm trạng của ta. Khi tâm bình ổn, hơi thở đều và nhẹ, khi tâm bị các trạng thái tiêu cực xâm chiếm, hơi thở liền thô tháo, nặng nề. Như vậy hơi thở có thể cho ta biết các tâm thái của ta và giúp cho ta đối phó với chúng.

Còn một lý do khác khiến ta phải thực hành quán niệm hơi thở. Vì mục đích của tu là đạt đến một tâm trí tự do, cần phải cẩn thận thực hành sao cho mỗi bước đi hướng về mục đích phải lành mạnh và trong sạch. Ngay trong bước đầu phát triển Thiền định, dùng một đối tượng quán niệm có tính cách lành mạnh. Hơi thở là một đối tượng có tính cách đó. Ðừng tham luyến hay chối từ hơi thở, và nó là một thực tại hoàn toàn ly cách với ảo tưởng.

Ngay giây phút tâm hoàn toàn chú mục vào hơi thở, nó bèn thoát ly tham sân si. Dù phút giây thanh tịnh đó có ngắn ngủn đến đâu, giây phút đó vẫn có cái năng lực cực kỳ mãnh liệt vì nó thách thức toàn bộ tâm lý ô nhiễm và thiên chấp của ta. Tất cả các phản ứng đã tích lũy bị đánh động, bắt đầu xuất hiện thành những khó khăn khác nhau, ở thân cũng như ở tâm, nhằm ngăn trở cố gắng phát triển chánh niệm của ta. Chúng ta có thể cảm thấy sốt ruột muốn tiến bộ nhanh chóng, đó là tham, hoặc ta tức giận hay thất vọng bởi vì tiến chậm đó là sân. Ðôi khi uể oải chế ngự ta, khiến ta vừa ngồi Thiền đã lơ mơ buồn ngủ. Ðôi khi ta bị xáo trộn, đến nỗi ta giao động chân tay hoặc tìm cớ để khỏi Thiền tập. Ðôi khi óc nghi ngờ phá sụp ý chí tu tập- những nghi ngờ ám ảnh không lý do về thầy, về pháp, về khả năng tu tập của chính ta.

Vào những lúc như thế chúng ta cần phải hiểu rằng các chướng ngại này nổi lên chỉ vì phản ứng lại các thành công mà ta đã đạt được trong khi tu tập quán niệm hơi thở. Nếu ta kiên trì, chúng sẽ biến mất. Khi chúng biến mất, công phu sẽ dễ dàng hơn, vì ngay ở giai đoạn tu tập sơ khởi này một số lớp trước nhiễm mặt ngoài của tâm đã được nhổ bỏ. Bằng cách này, ngay khi ta tập quán niệm hơi thở, ta đã bắt đầu tổng rửa tâm trí và hướng đến giải thoát.

Chánh định là chú tâm vào hơi thở, phát triển sự ý thức phút giây hiện tại. Duy trì sự trực nghiệm này từ giây phút này sang giây phút khác, càng lâu càng tốt, đó là chánh định.

Trong sinh hoạt hằng ngày, chú ý cũng cần thiết, nhưng chú ý này không phải là chánh định. Samàdhi là chú tâm vào đối tượng đã thoát khỏi tham sân si.

Khi thực tập quán niệm hơi thở ta thấy rằng duy trì trực nghiệm không gián đoạn quả thực khó khăn biết bao. Dù quyết tâm ghìm chặt, chú tâm vào hơi thở, ta vẫn xao lãng hồi nào không hay. Ta thấy mình giống như người say rượu cố gắng đi thẳng, không xô bên này cũng chẳng ngã bên kia. Thật ra ta say rượu vô minh và ảo tưởng, nên ta cứ lạc bước vào quá khứ hoặc tương lai, hoặc vào tham sân. Như thế, chúng ta không thể giữ con đường ngay ta trực nghiệm hay chánh niệm liên tục được.

Là người học Thiền, hãy khôn ngoan chớ để mình thất vọng hay ngã lòng khi vấp phải các khó khăn nói trên, mà cần phải hiểu rằng cần có thời gian để thay đổi các thói quen thâm căn cố đế của nội tâm. Sự thay đổi đó chỉ thực hiện được khi ta công phu liên tục, kiên nhẫn và lúc nào cũng sẵn sàng khởi sự lại. Công việc của chúng ta đơn giản chỉ là tái lập sự chú tâm vào hơi thở khi ta phát hiện rằng mình đã xao lãng, làm được điều ấy là ta đã thực thi được một bước quan trọng trong công cuộc chuyển biến thế giới vẫn đục của nội tâm. Dần dần thời gian xao lãng trở nên ngắn hơn, thời gian chánh niệm được duy trì - chánh định càng lúc càng dài.

Khi định được củng cố, ta bắt đầu cảm thấy thư thái, hạnh phúc, tràn đầy sinh lực. Từng chút, từng chút một, hơi thở biến chuyển, trở nên êm ái, đều đặn, nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng hình như hơi thở ngừng nghỉ hoàn toàn. Thực sự thì tâm trí đã trở nên tĩnh lặng, thân thể cũng an tịnh và sự biến dưỡng chậm lại, nên ít cần oxygen hơn.

Ở giai đoạn này vài Thiền sinh trải qua nhiều kinh nghiệm lạ thường khác nhau: thấy ánh sáng, hình ảnh, nghe âm thanh ... Tất cả các kinh nghiệm ngoại giác quan này chỉ là dấu hiệu cho biết tâm trí đã đạt đến một mức định cao hơn. Tự bản thân chúng không có giá trị gì và không đáng được lưu tâm. Ðối tượng của quán niệm là hơi thở, niệm cái khác đều là sự xao lãng. Ta cũng đừng trông chờ các kinh nghiệm đó; chúng xảy ra ở trường hợp này mà không xảy ra ở trường hợp kia. Chúng chỉ là các cột mốc đánh dấu các bước tiến bộ trên đường đi. Ðôi khi các cột chỉ đường được đặt ở ngoài tầm mắt, hoặc đôi khi có lẽ vì quá tinh tấn dấn bước, ta đi qua chúng mà không để ý. Nhưng nếu ta nhận lầm cột mốc chỉ đường là đích đến và bám chặt vào nó, thì ta đã sai lạc hoàn toàn. Dẫu sao, thì cũng có vô số các kinh nghiệm cảm quan lạ thường phải trải qua. Người tu tập giáo pháp (Dhamma) không tìm kiếm các kinh nghiệm như vậy mà đi tìm tuệ giác - bản tính của mình để thoát khỏi khổ đau.

Vì vậy chúng ta tiếp tục chú tâm duy nhất vào hơi thở, khi tâm trí trở nên an định hơn, hơi thở trở nên tinh tế và khó theo dõi hơn, vì thế cần phải cố gắng nhiều hơn để duy trì sự chú tâm. Bằng cách này chúng ta tiếp tục mài giũa tâm trí, làm sắc bén định lực để biến nó thành một dụng cụ để xuyên thấu cái thực tại biểu kiến, hầu quan sát được thực tại vi tế nhất ở bên trong.

Có nhiều kỹ thuật khác để phát triển định tâm. Người ta có thể dạy bạn tập trung vào một từ ngữ bằng cách lập lại nó, hay vào một hình ảnh, thậm chí làm đi làm lại một cử chỉ nào đó. Làm như vậy bạn sẽ bị thu hút vào đối tượng của sự tập trung và đạt một trạng thái xuất thần đầy hỷ lạc. Dù một trạng thái như vậy chắc chắn là rất thú vị khi nó còn tồn tại, nhưng khi nó chấm dứt thì ta lại thấy mình lọt trở lại đời sống thường nhật với bao nỗi đa đoan. Các kỹ thuật này tác hành bằng cách phát triển một tầng lớp an định và hỷ lạc ở bề mặt tâm thức, nhưng ở bề sâu thì vẫn còn trước nhiễm không hề hấn gì. Các đối tượng dùng để đắc định trong các kỹ thuật như thế không có liên quan gì đến các thực tại như thực của chúng ta. Các hỷ lạc mà ta đạt được, được xây dựng một cách hữu ý và áp đặt lên trên tâm thức, thay vì đáng lẽ, nó phải trồi lên một cách tự phát từ các tầng lớp sâu thẳm của một tâm thức đã thanh tịnh. Chánh định không thể là sự say đắm của tâm hồn. Nó phải thoát khỏi mọi ảo tưởng, mọi sự áp đặt giả tạo.

Ngay trong giáo pháp của đức Phật, cũng có nhiều trạng thái Thiền định (Jhàna) - có thể đạt được. Chính bản thân đức Phật đã đạt được Tứ thiền bất định trước khi Ngài giác ngộ, và Ngài tiếp tục thực hành chúng suốt quãng đời còn lại của mình. Tuy nhiên, bản thân các trạng thái Thiền định này không có khả năng đưa Ngài tới giải thoát. Cho nên khi Ngài dạy các trạng thái định, Ngài nhấn mạnh chức năng của chúng chỉ là bàn đạp để phát triển tuệ giác. Thiền sinh vun bồi định lực không nhắm vào việc đắc thọ hỷ lạc, mà nhắm vào việc rèn luyện tâm trí thành một khí cụ để xem xét thực tại của chính mình và khử trừ các chấp nhiễm gây ra đau khổ. Ðó là chánh định.

Thế Thanh (dịch)
NSGN, tháng 11-1996

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập