Phương pháp quán niệm hơi thở

Đã đọc: 16268           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thực tập hơi thở có ý thức là chúng ta chịu ở nhà để chăm sóc, để biết rằng có những gì đang xảy ra trong thân, trong tâm, và ngoài hoàn cảnh của chúng ta.

KINH AN BAN THỦ Ý TRONG KHO TÀNG NAM VÀ BẮC TÔNG

Chúng ta đã học và đã biết rằng chánh niệm là sự có mặt đích thực của ta trong những giây phút của sự sống hàng ngày. Để cho thật sự có mặt trong đời sống hàng ngày, chúng ta thực tập chánh niệm. Muốn nuôi dưỡng chánh niệm, thì phương pháp thở là phương pháp hay nhất và cực kỳ quan trọng.

Chúng ta có thể chánh niệm khi bước đi, khi ngồi, khi ăn, khi nói. Nhưng khi nắm vững hơi thở thì chúng ta duy trì chánh niệm được lâu dài hơn. Chừng nào còn nắm được hơi thở, chừng đó ta còn duy trì được chánh niệm. Cho nên thực tập niệm hơi thở là một phép thực tập rất quan trọng. Vì vậy, tôi thường nói địa vị của kinh An Ban Thủ Ý trong thiền quán là một địa vị rất lớn.

An ban, tiếng Phạn là Anapana, có nghĩa là thở vào, thở ra. Tiếng Hán là Nhập tức, xuất tức. Đức Thế Tôn đã để lại cho chúng ta một văn bản rất quan trọng về phương pháp thực tập quán niệm hơi thở. Đó là kinh Anapana Smrti. Tiếng Phạn Smrti có nghĩa là niệm.

Ngày xưa các thầy dịch chữ Smrti là thủ ý, tức là nắm lấy tâm ý của mình, đừng để cho nó lọt ra ngoài. Khi dùng phương pháp thở vào, thở ra để giữ lấy tâm ý, đừng cho nó đi hoang, thì gọi là An ban thủ ý. An Ban Thủ Ý là tên của một kinh trong đó Bụt dạy về phương pháp quán niệm hơi thở. May mắn thay cho chúng ta, sau 2600 năm, kinh đó vẫn còn nguyên vẹn trong tạng Pali và trong Hán tạng.

Trong tạng Pali có hàng trăm lần Bụt dạy về phương pháp quán niệm hơi thở, và Anapana Smrti S(tra là kinh gồm thâu hết tất cả những điều Bụt dạy về cương yếu của phương pháp quán niệm hơi thở. Kinh này có ở trong Trung Bộ.

Trong Hán Tạng chúng ta có Đại An Ban Thủ Ý Kinh, nhưng kinh này không còn được nguyên vẹn, tại vì trong kinh này, những chú giải lẫn lộn với nguyên văn. Chúng ta phải đi vào Tạp A Hàm thì mới tìm được những đoạn văn tương đương với kinh Anapana Smrti S(tra của tạng Pali. Tất cả những giáo lý Bụt dạy về quán niệm hơi thở trong kinh Anapana Smrti tiếng Pali, chúng ta đều thấy được, tìm được, nhận diện được trong kinh Tạp A Hàm. Trong Tạp A Hàm chúng ta chỉ cần phối hợp ba kinh nhỏ là chúng ta có một kinh tương đương với Anapana Smrti S(tra của tạng Pali.

Chúng ta rất lấy làm vui mừng mà nhận thấy rằng những điều Bụt dạy về phương pháp quán niệm hơi thở ở trong truyền thống Nam tông, giống hệt như trong truyền thống Bắc tông. Một bên là Nikaya, Nam tông, một bên là (gama, A Hàm, tức là Bắc tông. Hai truyền thống đã xa nhau trên 2000 năm mà vẫn giữ nguyên vẹn được những điều chỉ giáo của đức Thế Tôn.

 

HOÀNG ĐẾ CỦA VƯƠNG QUỐC NGŨ UẨN

Khi chúng ta thực tập thở ra, thở vào có chánh niệm, thì ta ở lại với ta. Ta không bỏ ta mà đi. Khi ta rời bỏ ta, thì có thể có những sự đáng tiếc xảy ra. Cũng như một căn nhà hay một ngôi chùa không người chăm sóc, có thể có những chuyện xảy tới trong căn nhà đó, trong ngôi chùa đó, mà vì ta không có mặt ở nhà, cho nên ta không xử lý được, không đáp ứng được với những nhu cầu trong lúc những việc đó xảy ra. Vì vậy có thể xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Thực tập hơi thở có ý thức là chúng ta chịu ở nhà để chăm sóc, để biết rằng có những gì đang xảy ra trong thân, trong tâm, và ngoài hoàn cảnh của chúng ta. Thực tập An ban Thủ Ý cũng giống như một ông vua chú ý đến việc triều chính, biết đến dân tình, và lãnh thổ của mình có được an toàn không, có được hạnh phúc không, mình là một ông vua có trách nhiệm. Nếu ông vua đó đi chơi và không biết những gì đang xảy ra trong vương quốc của mình, không biết dân đang nổi loạn, không biết có những cuộc đảo chánh đang ngấm ngầm xảy ra ở trong triều đình, thì ông vua đó không phải là ông vua giỏi.

Chúng ta là hoàng đế của vương quốc chúng ta. Vương quốc của chúng ta là hợp thể ngũ uẩn, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Đó là lãnh thổ của chúng ta. Trong lãnh thổ rất bao la sắc - thọ-tưởng-hành-thức đó, có rất nhiều chuyện đang xảy ra. Đôi khi có những xung đột, những tranh chấp, những khổ đau, những khối nặng nề. Cũng có thể có những núi đang phun lửa mà ta không biết, ta cứ để cho những cái đó xảy ra, ta không làm gì hết để có thể tái lập sự hòa điệu, sự an ninh, sự hạnh phúc ở trong lãnh thổ của chúng ta.

Vì vậy khi thực tập An ban Thủ Ý là chúng ta làm một cuộc trở về để có mặt. Có mặt cho chính ta, có mặt cho những đau khổ, những hạnh phúc, những khó khăn của chúng ta. Nếu thực tập An ban thủ ý trong năm phút thì ta có mặt ở nhà năm phút. Nếu thực tập được 15 phút thì ta có nhà 15 phút. Vì vậy ta biết rằng muốn ở nhà bao lâu thì ở, và phương pháp để ở nhà, đừng chạy rong là phương pháp trở về với hơi thở có ý thức. Trở về với lãnh thổ năm uẩn của chúng ta, và chúng ta nói rằng: Lãnh thổ của ta ơi, ta đang có nhà cho ngươi đây, thì tự nhiên năm uẩn có một sự bình an liền lập tức. Năm uẩn biết rằng mình đang được chăm sóc, mà yếu tố để chăm sóc đó là chánh niệm. Chánh niệm được phát hiện dưới hình thái thực tập hơi thở.

Những lúc mình giận hờn, mình tuyệt vọng, mình khổ đau, mình lo lắng mà không có chánh niệm ở nhà, thì sự giận hờn, sự lo lắng, sự tuyệt vọng càng lớn hơn, nó tự do leo thang. Nhưng khi có chánh niệm ở nhà, và chánh niệm đó đang được nuôi dưỡng bởi hơi thở có ý thức, thì dù chuyện gì xảy ra đi nữa, an ninh của ta cũng được bảo đảm.

Chúng ta đã học rằng chánh niệm là Bụt. Khi thở vào và thở ra có chánh niệm, tức là chúng ta mời Bụt vào nhà. Nếu có Bụt ngồi đó, thì tuy những khổ đau vẫn còn đó, những giận hờn còn đó, những tuyệt vọng còn đó, nhưng chúng ta đã được đặt vào một tình trạng an ninh rồi. Khi một em bé bị sốt, khi một em bé bị nhức răng, bị đau bụng, khi em có những đau khổ về thân, về tâm, nếu em không có bà mẹ ở bên cạnh, thì em bé đó đau khổ rất nhiều. Còn nếu có bà mẹ ở bên, bà ẵm em vào lòng, thì dù những khổ đau còn đó, nhưng em bé rất an tâm, bà mẹ cũng an tâm. Có mặt bà mẹ thì thế nào tình trạng cũng sẽ tốt đẹp hơn lên. Khi thực tập hơi thở vào và hơi thở ra có chánh niệm, tức là chúng ta đưa bà mẹ về với em bé, cho nên không có lý do gì mà ta phải tiếp tục lo lắng. Tại vì, tuy những khổ đau vẫn còn đó, nhưng bà mẹ đã có mặt rồi, thì thế nào sự khổ đau đó cũng dịu xuống, và thế nào những phương pháp để chữa trị khổ đau cũng sẽ được phát hiện.

Khi trong cơ thể của chúng ta đau nhức, khi trong cơ thể của chúng ta có những sự bất thường, thì sự có mặt của chánh niệm cho ta thấy một cách rõ ràng tình trạng đó của cơ thể. Chánh niệm nhận diện được những gì đang xảy ra trong cơ thể, những đau nhức nào đang có mặt trong cơ thể. Chánh niệm này đang hiện hữu dưới hình thức chánh niệm về hơi thở. Hơi thở của chánh niệm ôm lấy cơ thể của chúng ta, vỗ về những cơ phận của chúng ta.

Ví dụ ta có một vết thương ở thận hay nơi bả vai. Thực tập hơi thở chánh niệm cũng giống như ta ôm lấy vết thương đó và ta nói rằng: Vết thương ơi, có ta ở đây, không sao đâu! Trong khi thực tập như vậy thì năng lượng của chánh niệm bắt đầu tiếp xúc với vết thương ở trong ta. Khi tiếp xúc như vậy, ta biết rằng ta có thể làm gì để cho vết thương đó đừng tăng trưởng, và ta có thể làm gì để vết thương đó thuyên giảm. Đó là vai trò của chánh niệm.

Nếu ta lắc đầu từ chối, không ăn trái ớt hay miếng Chocolat của người khác tặng, là vì sao? Đó là vì ta có chánh niệm. Ta biết rằng nếu ta ăn cái đó vào thì lưỡi của ta sẽ có một vài cảm giác khoái lạc, nhưng sau đó thì lá gan của chúng ta sẽ lãnh đủ, ruột của chúng ta cũng sẽ lãnh đủ. Mà sở dĩ chúng ta từ chối được như vậy là nhờ chúng ta có tuệ giác. Chúng ta có tuệ giác gì mới được chứ? Chúng ta có tuệ giác về cơ thể của chúng ta, biết rằng thức ăn này tạo ra một lạc thọ nhất thời ở trên lưỡi, nhưng sau đó nó sẽ tạo nên những khổ thọ kéo dài ở trong ruột, trong gan ta suốt đêm, và trên mặt ta suốt tuần! Vì vậy cho nên ta nói "Dạ cám ơn" một cách rất là mạnh mẽ, dứt khoát. Đó là nhờ có tuệ giác, nhờ có chánh niệm.

Chánh niệm đó không phải tự nhiên mà sinh ra đâu! Tại chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá khứ, đã có cơ hội để thực tập quán chiếu ít nhiều về chocolat. Nếu trong mọi lĩnh vực khác mà ta cũng có chánh niệm như vậy thì ta sẽ có an ninh rất nhiều. Ta sẽ có an ninh về phương diện cơ thể, về phương diện sức khỏe, và ta sẽ có an ninh cả về phương diện tâm linh.

Đứng về phương diện tâm linh, chúng ta có tới 51 tâm hành mà ta phải nhận diện bằng chánh niệm. Mỗi khi có một tâm hành động đậy, trồi lên, thì nhờ hơi thở của chánh niệm mà ta nhận diện đó là tâm hành nào. Nếu đó là tâm hành thương, ta biết rằng đây là tâm hành thương. Nếu đó là tâm hành giận, ta biết đó là tâm hành giận. Ban đầu mình chỉ gọi tên nó thôi. Hãy gọi đúng tên tôi, đó là vai trò của chánh niệm. Nếu một trong 51 tâm hành phát khởi, mà ta gọi đúng được tên nó là ta đã giỏi rồi. Nhiều khi một tâm hành trồi lên, ta không biết tâm hành đó đang lên! Có khi hai ba tâm hành cùng tranh nhau trồi lên, ta cũng không biết. Phòng khách của ta trở thành một bãi chiến trường! Các tâm hành muốn lên bao nhiêu thì lên, muốn làm gì thì làm, muốn tàn phá thế nào thì tàn phá. Tại vì sao? Tại ta không có mặt ở trong phòng khách của ta, vì vậy mà phòng khách của ta trở nên một bãi chiến trường.

Nếu có mặt ở trong phòng khách, nếu chúng ta thực tập hơi thở có ý thức, thì bất cứ một tâm hành nào phát sinh, và có mặt ở trong phòng khách, tức là vùng ý thức của ta, thì ta nhận diện được tâm hành đó liền lập tức. Ta không đuổi đánh nó. Ta chỉ cần nhận diện: Anh đó hả, mời anh ngồi chơi, và nhất định mình sẽ ngồi chơi với người đó. Nhưng ngồi chơi không phải là để kiểm soát! Mình ngồi chơi là để uống trà với tâm hành đó, để nhận diện tâm hành đó. Đó là sứ vụ của chánh niệm. Mình phải thực sự ngồi chơi với tâm hành đó, chứ không phải: "Anh ngồi đây nghe, lát nữa tôi sẽ trở lại", rồi mình đi luôn. mình để tâm hành đó ngồi một mình trong phòng khách của mình, đó là điều rất nguy hiểm!

Mình nhận diện ra tâm hành đó, rồi phải ngồi đó để săn sóc tâm hành của mình. Tâm hành đó có thể là một tâm hành rất dễ thương, một tâm hành rất có lợi lạc. Nếu mình chịu ngồi với tâm hành đó, ôm lấy tâm hành đó thì tâm hành đó sẽ thành lớn mạnh và đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc.

Ví dụ đang đi thiền hành, mình bắt gặp một bông hoa vàng ở trong đám cỏ xanh, bắt gặp một ngôi sao, một làn sương sớm, và mình có cảm giác hạnh phúc, mình thấy cái đẹp, mình tiếp xúc với cái đẹp, mình thưởng thức cái đẹp, mình được cái đẹp nuôi dưỡng, đó là tâm hành khinh an, tâm hành hạnh phúc, những tâm hành rất tốt. Nếu chánh niệm có mặt với tâm hành khinh an và hạnh phúc đó thì mình giữ được tâm hành khinh an và hạnh phúc đó ở lâu với mình. Mình tiếp tục thở, tiếp tục bước những bước chân vững chãi và thảnh thơi, mình nuôi dưỡng tâm hành đó. Mình giữ được tâm hành đó ba phút thì mình được hưởng ba phút. Mình giữ được tâm hành đó 5 phút thì mình được hưởng 5 phút, và tâm hành đó càng lúc càng lớn. Khi tâm hành đó trở về trong chiều sâu của tâm thức, thì nó đã lớn hơn trước rồi, và đây là điều rất ích lợi cho mình trong tương lai.

 

HỌC ĂN ĐỂ NUÔI DƯỠNG THÂN TÂM

Trong khi ngồi ăn trái cam với một người bạn tu, thì chúng ta có thể ngồi ăn trái cam đó không có chánh niệm, hay là có chánh niệm. Ngồi ăn một trái cam và ngồi chung với một người anh, người chị, người em của mình trong tăng thân, đó là những chuyện thường xảy ra trong đời sống hàng ngày của mình. Hạnh phúc của mình tùy thuộc vào chỗ mình có chánh niệm hay không.

Lúc ngồi ăn như vậy, mình đang tiếp xúc với hai thứ, một là trái cam; hai là người anh, người chị hay người em của mình. Ngồi ăn như vậy, có thể có ba trường hợp xảy ra. Có thể có nhiều, nhưng ta thử xét ba trường hợp thông thường.

1. Chiếm hữu bởi tâm hành tiêu cực
2. Thất niệm
3. Có mặt đích thực - Niệm

Trường hợp thứ nhất là tuy tiếp xúc với trái cam và với sư chị rất dễ thương của mình, nhưng mình không có hạnh phúc, là tại tâm mình đang bị xâm chiếm bởi một nỗi buồn nào đó, bởi một cơn giận nào đó, một sự lo lắng nào đó. Thành ra trái cam có ngọt cũng không có giá trị gì. Tuy nhiên cái ngọt của trái cam, mình không thể không chấp nhận rằng nó không có mặt. Có! dù mình giận thì trái cam vẫn ngọt như thường. Sư chị dễ thương, nhưng mình đang bị chìm đắm trong sự giận hờn, buồn bã hay lo ngại, không phải vì vậy mà sư chị không còn dễ thương nữa! Sư chị vẫn dễ thương, nhưng mình không thừa hưởng được gì cả, tại vì mình đang bị chiếm hữu bởi một tâm hành tiêu cực. Trong giây phút đó mình vẫn tiếp tục đau khổ. Sự kiện có trái cam và có sư chị ở đó, không nghĩa lý gì nhiều. Cho nên mình đánh mất cơ hội của mình!

Trường hợp thứ hai là trường hợp mình tuy không bị chiếm hữu bởi một tâm hành tiêu cực, nhưng mình vẫn không thực sự có mặt. Tuy trong trường hợp thứ nhất, mình bị chiếm hữu bởi một tâm hành tiêu cực thì đó là một trường hợp thất niệm, tức là không có mặt. Nhưng trường hợp thứ hai cũng là trường hợp thất niệm. Tuy rằng mình không bị chiếm hữu bởi một tâm hành tiêu cực, nhưng mình không thực sự có mặt đó, mình đang suy nghĩ vẩn vơ về chuyện khác, về quá khứ, về tương lai. Mình không đau khổ nhưng mình không có mặt. Trường hợp thứ hai cũng là thất niệm, nhưng nó nhẹ hơn trường hợp thứ nhất. Vì vậy cam tuy có ngọt, sư chị tuy rất dễ thương, nhưng mình vẫn không hưởng được gì cả.

Trường hợp thứ ba là trường hợp mình có mặt. Có mặt là nhờ nhiều nguyên do, nhiều điều kiện. Có thể là nhờ sự nhắc nhở của sư chị, nhờ sự nhắc nhở của tiếng chuông, hay là nhờ mình biết thực tập hơi thở của chánh niệm. Đây là trường hợp mình có mặt đích thực. Khi có mặt đích thực rồi thì mình không còn bị chiếm hữu bởi một tâm hành tiêu cực, mình không bị lôi kéo theo quá khứ, theo tương lai, mình trở về, và do đó mình tiếp xúc được với trái cam mầu nhiệm và với sư chị mầu nhiệm.

Có thể rằng trong trường hợp thất niệm, ta ăn cam cũng thấy ngọt sơ sơ, và thấy khuôn mặt sư chị hiền hậu, từ bi, ta cũng thấy dễ chịu. Nhưng cái ngọt đó, và cái dễ chịu đó nó rất ít, tại vì ta không thực sự có mặt. Bây giờ khi có niệm, ta thật sự có mặt, ta tiếp xúc một cách sâu sắc với trái cam và với sư chị, và ta có thể ăn trái cam trong vòng 15 phút và ta có thể ngồi với sư chị trong suốt thời gian 15 phút đó với chánh niệm. Trong thời gian đó, ta nuôi dưỡng hạnh phúc rất lớn. Đây đâu phải là ngồi thiền, đây đâu phải là đi thiền hành, đâu phải là tụng kinh, đâu phải là tụng giới, đâu phải là pháp đàm, nhưng nó đích thực là sự thực tập.

Trong trường hợp thứ ba, ngồi đó và có chánh niệm, mình cũng có thể chia ra làm hai trường hợp nữa. Một là mình có chánh niệm chút xíu rồi mình lại thất niệm. Rồi mình có chánh niệm chút xíu, rồi mình lại thất niệm trở lại, on and off. Trường hợp thứ hai là mình có chánh niệm suốt trong thời gian 15 phút. Có thể ở giữa nó có những trường hợp khác, nhưng ta chỉ nói đến hai trường hợp có chánh niệm, một là chánh niệm không tồn tại lâu dài, và một là chánh niệm vững chãi trong suốt 15 phút gặp mặt. Trong suốt 15 phút đó, hạnh phúc của ta tăng tiến, và đó là vốn liếng cho tương lai của ta. Hạnh phúc mà ta có trong giây phút hiện tại, là tư lương cho ngày mai của ta.

Giáo lý đạo Bụt rất hay, giáo pháp của đức Thế Tôn có tính cách vượt thoát thời gian, Bất quản thời nhật. Giờ phút mà chúng ta ôm lấy giáo pháp đó để thực tập, thì ta đã có hạnh phúc rồi. Mà nếu hạnh phúc đã có mặt trong hiện tại thì thế nào nó cũng có mặt trong tương lai.

Khi cưa củi thì chúng ta đã có hạnh phúc rồi, tại vì chúng ta biết rằng chúng ta đang có củi. Nếu không có củi thì làm sao mình đang cưa được? Mình còn biết thêm rằng ngày mai, trong những lúc trời lạnh, thế nào mình cũng có củi để sưởi ấm. Cái hạnh phúc đó có ngay trong giây phút hiện tại, giây phút cưa củi, không chờ đến lúc sưởi ấm mới có hạnh phúc. Nhờ đó mình biết rằng hạnh phúc có trong hiện tại, thì thế nào nó cũng có trong tương lai.

Trong khi đi thiền hành, trong khi tiếp xúc với sương sớm, với sao Mai, với mặt trời hừng Đông, với lá cuối Thu, nếu có mặt đích thực thì ta nuôi dưỡng hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Tất cả những hạnh phúc mà ta được hưởng trong giây phút hiện tại, chúng sẽ trở thành tư lương, vốn liếng cho ngày mai. Điều chúng ta cần nhớ ở đây là tuy chúng ta có chút chánh niệm, chúng ta nhận diện được trái cam và sư chị, nhưng chánh niệm đó có thể không được bền lắm, Nếu biết phương pháp quán niệm hơi thở, thì chúng ta duy trì được niệm lực đó lâu hơn, có thể suốt trong thời gian chúng ta tiếp xúc.

Tất cả chúng ta đều đã thực tập ăn cơm với tăng thân trong chánh niệm. Chúng ta ăn trong 30 hay 40 phút. Mỗi ngày chúng ta đều có cơ hội để làm chuyện đó. Chúng ta quán niệm rằng: Bụt dạy ta khi ăn nên duy trì chánh niệm, để ý đến thức ăn và tăng thân bao quanh. Thức ăn ở đây là trái cam, và tăng thân bao quanh là sư chị, cho nên trong trường hợp này ta cũng nên thực tập như vậy, đừng để tâm suy nghĩ vẩn vơ, suy nghĩ tới chuyện quá khứ hay tương lai.

Sư anh cùng ngồi ăn với sư em. Hai ta đều đang thực tập với nhau, chúng ta đều cùng đang có trái cam, chúng ta đều cùng đang có bạn tu. Chúng ta được hiến tặng những điều kiện như nhau. Sư anh cũng có thức ăn, và sư anh cũng có tăng thân. Sư em cũng có thức ăn, và sư em cũng có tăng thân. Hai người đồng đều nhau. Giờ đây hai người phải thực tập. Nếu sư anh, trong suốt thời gian 15 phút, ăn có hạnh phúc, là tại sư anh giữ được chánh niệm nguyên vẹn, không đi ra đi vào. Nếu sư em chỉ có hạnh phúc vài ba phút rồi hạnh phúc đó tiêu mất, là tại sư em không duy trì được chánh niệm trong suốt thời gian ăn cam.

Ăn cơm im lặng cũng vậy. Ăn cơm không phải là một hành động máy móc, không phải là một sinh hoạt tầm thường. Ăn cơm là một pháp thực tập. Tất cả chúng ta có mặt tại Làng Mai, đều có cơ hội để thực tập ăn cơm, và ai cũng biết rằng chánh niệm càng sâu sắc, thì hạnh phúc càng lớn. Để ý tới thức ăn và tăng thân bao quanh, chỉ hai điều đó thôi. Nhưng càng tiếp xúc sâu sắc với hai điều đó chừng nào thì hạnh phúc càng lớn chừng đó. Nếu đã tiếp xúc sâu sắc rồi thì mình khoan nói "tôi đã tiếp xúc sâu sắc nhất". Không, chưa nhất đâu! Chúng ta có thể có nhiều tiến bộ hơn trong sự tiếp xúc với thức ăn và với tăng thân.

Trước hết là với thức ăn. Chúng ta nói rằng miếng cà rốt này là tặng phẩm của đất trời, và công phu lao tác. Miếng cà rốt này là một vị đại sứ, đại diện cho cả vũ trụ, tới đây với mình để đưa sự sống tới cho mình. Tại vì nhìn vào miếng cà rốt chúng ta thấy trong đó có mặt trời, có đám mây, có đại địa, có tuyết, có nắng, có người nông phu v.v... Chúng ta có thể tiếp xúc với miếng cà rốt đó một cách cạn cợt hay sâu sắc là tùy vào cái niệm và cái định của chúng ta lúc đó. Ăn một miếng cà rốt, mình có thể sung sướng cực kỳ, giống như mình tiếp nhận một người bạn cố tri. Ở trong miếng cà rốt có thể có chân như, có bản thể, có thể có Bụt, có pháp, có tăng. Nó tùy chiều sâu của sự tiếp xúc của mình.

Khi xem một cuốn phim về thú vật và thấy con rắn phải há miệng nuốt một con ếch, chúng ta thấy cảm thương. Thấy một con chim sà xuống sông, dùng hai chân cặp một con cá rất lớn rồi bay lên trời. Hoặc thấy một con cọp đuổi theo một con nai, con thỏ, thì chúng ta thấy rõ ràng rằng trong cuộc sống, có những khổ đau.

Khi thấy con cọp cắn cổ con nai rất hiền, rất xinh đẹp, chúng ta cảm thương con nai. Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rằng con cọp đó không thể không cắn con nai, tại vì nó cần phải sống. Nếu có hiểu biết thì không những chúng ta thương cho thân phận của nai con hiền lành, xinh đẹp kia, mà chúng ta cũng thương cho con cọp, thương nó buộc lòng phải giết nai con để sống. Những con mãnh thú đó phải đi săn mồi. Có điều khác với con người là chỉ khi đói nó mới đi săn. Còn con người thì không đói cũng đi săn! Săn cho vui!

Khi đã có tiền đủ để sống, nhưng mình vẫn đi săn tiền như thường. Mình muốn giàu hơn, cho nên mình phải khai thác nhiều hơn nữa. Khai thác những người khác, khai thác thị trường và mình gây đau khổ cho những chủng loại khác. Con người không bằng lòng, không mãn ý như con cọp hay con sư tử. Tại vì khi no rồi thì con cọp hay con sư tử buông thức ăn còn lại cho những con thú khác ăn. Còn chúng ta thì không buông. Chúng ta giữ lại cho mình.

Chúng ta là ai? Chúng ta là người buôn bán, doanh thương, không bao giờ dừng nghỉ trên con đường đi kiếm lợi tức và làm giàu cho chúng ta. Vì vậy sự ác độc của con người so với sự ác độc của con cọp hay con sư tử, còn lớn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần! Chúng ta đều là những người thợ săn cả. Săn không bao giờ biết chán, và chúng ta tạo ra những đau khổ khắp nơi trên thế giới. Chúng ta tạo ra áp bức, bất công, chúng ta làm lũng đoạn xã hội, làm hư hỏng môi trường, tại chúng ta là những người thợ săn không có biên giới.

Ở Làng Mai, trong khi ngồi ăn miếng cà rốt hay cà chua, chúng ta cảm thấy sung sướng là tại chúng ta không cần phải làm như con cọp kia, đi cắn cổ một con nai để sống. Chúng ta không phải nuốt một con ếch vào trong bụng như con rắn. Hơn nữa chúng ta không phải làm như người thợ săn của loài người, đi săn tiền bạc, danh vọng suốt ngày, suốt đêm, săn ngay cả trong giấc ngủ! Càng ngày càng làm giàu và càng tạo ra những cái bất công xã hội, càng ngày càng làm ô nhiễm môi trường.

Ở trong một thiền viện, chúng ta có cái hạnh phúc được ăn chay, và biết phép ăn để chỉ cần ăn ít mà vẫn có đủ chất bổ. Ăn như thế nào để vẫn giữ được tâm từ bi và nuôi dưỡng tâm từ bi đó càng ngày càng lớn. Trong khi ngồi ăn, chúng ta có thể có rất nhiều hạnh phúc. Biết bao nhiêu người muốn được như chúng ta mà không được!

Ngồi quán chiếu thì chúng ta thấy hiện trong giờ phút này, có những người đang cầm đầu con gà để cắt cổ. Tại những lò sát sinh người ta đang giết bò, giết heo, giết cừu. Nếu đã đi thăm những lò sát sinh và thấy cách người ta hạ sát những con bò, con heo, con gà thì có thể khi về nhà, quý vị không còn ăn thịt được nữa. Có những con bò được tắm rửa và đẩy vào trong những đường hầm. Chúng có linh tính, biết rằng chúng đang đi vào chỗ chết, cho nên chúng không chịu bước thêm, nước mắt đầm đìa vì biết sinh mạng mình sẽ chấm dứt trong mấy giây đồng hồ nữa! Khi thấy được những giọt nước mắt đó, chúng ta không còn lòng dạ nào để ăn một miếng thịt bò nữa. Quý vị có nhớ chuyện rất đông các em bé bên Mỹ từ chối ăn thịt heo sau khi coi phim Babe không?

Khi ăn cơm với tăng thân, nếu chúng ta quán chiếu và tiếp xúc được với những điều như vậy, thấy được hình ảnh con rắn đang nuốt con ếch, thấy hình ảnh con sư tử cắn cổ con nai, thấy dòng nước mắt đau khổ của con bò, thì chúng ta cảm thấy mình rất may mắn mà được ăn đơn giản mà ngon lành như thế này, và mình sẽ có một niềm hạnh phúc lớn hơn.

Hạnh phúc đó là hạnh phúc cho ai? Có phải là loại hạnh phúc ích kỷ, hạnh phúc chỉ cho riêng mình hay không? Không! Quán chiếu như vậy là chúng ta tập tạo hạnh phúc, vì nếu không được nuôi dưỡng bằng hạnh phúc này thì chúng ta có thể làm được gì cho ai? Nếu không có hạnh phúc thì chúng ta không thể chia sẻ được hạnh phúc cho ai cả. Cho nên có hạnh phúc trong giây phút hiện tại là rất cần cho chúng ta.

Chính nhờ những hạnh phúc đó mà chúng ta có thể làm được gì, và tránh được làm gì để đừng gây thêm khổ đau trên thế giới. Hạnh phúc đó là hạnh phúc ta thừa hưởng ngày hôm nay và ta sẽ có ngày mai. Hạnh phúc đó là hạnh phúc mà chúng ta chia sẻ cho mọi người và mọi loài. Tăng thân bao quanh ta là một bảo vật. Dễ dầu gì mà chúng ta được sống trong một tăng thân có được ánh mắt, có được nụ cười, có được sự tha thứ, có được tình yêu thương?

 

NẮM ĐƯỢC VÔ THƯỜNG LÀ GIẢI THOÁT

Ngày xưa đức Thế Tôn đã hành đạo trên núi Linh Thứu, đã hành đạo tại tu viện Trúc Lâm, và đã giảng dạy tại tu viện Cấp Cô Độc. Thời gian hành đạo của đức Thế Tôn là 45 năm. Đâu có lâu? Tu viện Kỳ Viên là nơi có tăng thân tập hợp rất phồn thịnh. Đức Thế Tôn đã có mặt tại đó liên tiếp trong hai mươi mấy mùa an cư. Thầy trò đã hẹn nhau là mùa hè nào đức Thế Tôn cũng sẽ trở về tu viện Kỳ Viên, và sau khi ra Hạ thì Thế Tôn còn ở tại tu viện Kỳ Viên một thời gian nữa, để cho các thầy và các sư cô tu học tại các trung tâm khác về thăm ngài. Vì vậy thỉnh thoảng đức Thế Tôn gia hạn mùa an cư kiết Hạ, thay vì ba tháng thì ngài cho an cư bốn tháng để cho các trung tâm khác, sau khi các vị đã mãn hạn an cư rồi, có thể lên đường về Kỳ Viên để thăm đức Thế Tôn. Ngày xưa không có điện thoại, không có máy Fax, không có cách gì để biết đức Thế Tôn hiện đang ở đâu. Vì vậy mà một hôm ngài đã hẹn rằng: Thưa quý vị, tôi sẽ ở đây trong mỗi mùa an cư, và sau khi an cư, các thầy khác có thể đi, nhưng tôi sẽ ở lại thêm một tháng nữa, vì vậy quý vị muốn thăm thì về đây. Ngày xưa thầy trò hẹn nhau như vậy đó.

Nhưng ngày nay, tới tu viện Kỳ Viên thì chúng không thấy có một vị khất sĩ nào tu học ở đó nữa. Nơi đó đã trở thành một chỗ hoang tàn! Có một phái đoàn khảo cổ Nhật Bản đã tới đó để khai quật di tích Kỳ Viên. Họ đã khám phá ra và trình bày cho chúng ta thấy rõ ràng nền móng của những phòng ốc trong khuôn viên đó. Chỗ này là Phật đường, chỗ này là phòng của vị trụ trì, chỗ này là tăng xá. Tuy những phòng ốc đó đã hoàn toàn đổ nát, nhưng ngày nay nhờ công trình của đoàn khảo cổ đó khai quật, mà chúng ta thấy được nền móng của tu viện đó, và chúng ta biết được thiết trí hồi đó của Kỳ Viên là như thế nào. Tăng đoàn của Kỳ Viên trong thời Bụt còn tại thế, phải là một tăng đoàn rất có hạnh phúc, tại vì có đức Thế Tôn ở đó, có những vị đệ tử lớn của đức Thế Tôn như thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên ở đó, và tăng đoàn tu học với sự yểm trợ của vua Ba Tư Nặc, và những người phật tử lớn như là cư sĩ Cấp Cô Độc, và bà Lộc mẫu Vi((kh( hộ trì, cho nên hạnh phúc của tăng đoàn chắc là lớn lao lắm. Nhưng giai đoạn đó cũng chỉ kéo dài hai ba mươi năm mà thôi.

Ngày xưa tại trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở Việt Nam, ban giám đốc, sinh viên, tác viên xã hội, các thầy, các cô, các chú, các anh, các chị làm việc với nhau rất là hạnh phúc. Vừa làm vừa hát những bài tâm ca, và phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chỉ kéo dài được có 11 năm. Một chế độ như chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm cũng chỉ kéo dài được 10 năm. Làng Mai của chúng ta đang bước vào năm 15 tuổi. Nếu có chánh niệm thì quý vị biết rằng mình đang sống trong giây phút hiện tại ở trong tăng thân Làng Mai, một tăng thân có hạnh phúc. Chúng ta sống trong một tăng thân, nơi đó có ánh mắt thương yêu, ánh mắt rộng lượng, có nụ cười, có sự hiểu biết, có sự tu tập. Chúng ta làm nơi nương tựa cho hàng trăm ngàn Phật tử khắp nơi. Ngồi ăn cơm, trước mắt là sư anh, phía sau là sư em, bên kia là sư chị. Chúng ta phải biết rằng đây là một cơ hội hy hữu. Được bao vây bởi một tăng thân cùng thực tập chánh niệm, đó là một hạnh phúc. Tùy theo cái niệm lực của mình mạnh hay yếu mà hạnh phúc đó nhiều hay ít. Còn ngồi ăn mà mình bị vướng víu vào những nỗi khổ niềm đau, những giận hờn của mình, thì rất là uổng phí cho mình. Tại sao tất cả mọi người đều đang hạnh phúc, mà riêng mình lại đang đau khổ, không tiếp xúc được với thức ăn, và với tăng thân? Mình còn đợi đến lúc nào nữa? Tại vì đây có thể là giai đoạn hạnh phúc nhất của tăng thân Làng Mai. Nếu mình không có hạnh phúc trong lúc này, thì chờ đến lúc nào mới có hạnh phúc?

Làng Mai cũng như bất cứ một hiện tượng nào khác, có sinh và có diệt. Nó nằm dưới sự chi phối của vô thường. Tu viện Cấp Cô Độc, tu viện Kỳ Viên của đức Thế Tôn mà còn vậy, thì Làng Mai làm sao mà khác hơn được? Thành ra chúng ta ngồi trong giây phút hiện tại với tăng thân, cùng ăn một bát cơm đạm bạc, chay tịnh do chính bàn tay của sư em, của sư anh, của sư chị nấu ra, nếu chúng ta không có hạnh phúc, thì thử hỏi bao giờ và ở đâu chúng ta mới có thể có hạnh phúc?

Đây không phải là những lời khuyến dụ về luân lý, đây là tiếng chuông của chánh niệm. Nếu có mặt thực sự, nếu có quán chiếu thì ta có hạnh phúc. Nếu không có mặt, nếu không quán chiếu thì ta không có hạnh phúc. Chỉ có vậy thôi. Vấn đề là chúng ta có mặt đó hay không, chúng ta có thực tập hay không! Phải nhớ rằng hơi thở có chánh niệm là phương pháp rất mầu nhiệm để giữ cho chúng ta có mặt thường xuyên trong giây phút hiện tại.

Chúng ta vừa nghe một tiếng chuông và chúng ta đã ngừng lại để thở. Tại sao nghe một tiếng chuông thì chúng ta ngừng hết mọi suy tư của chúng ta, những nói năng của chúng ta, và chúng ta bắt đầu thở vào nhẹ nhàng, sâu sắc; thở ra nhẹ nhàng, sâu sắc? Tại vì ở đây tăng thân hiểu và tiếp nhận tiếng chuông như tiếng gọi của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ trong trái tim của chúng ta gọi, chứ không phải là từ trên tòa sen trong chánh điện gọi. Tiếng chuông vọng lên là ta biết đức Thế Tôn nói rằng: Con ơi, con hãy trở về với con, với hải đảo tự thân, con hãy thực sự có mặt. Chúng ta nghe từ đầu cho tới cuối tiếng chuông. Trong thời gian đó, chúng ta thở, và chúng ta biết rất rõ rằng ba hơi thở mà chúng ta thở đó là để cho tiếng chuông đi vào trong tim, vào tận đáy tâm thức của chúng ta. Tiếng chuông đó duy trì sự có mặt của chúng ta trong suốt thời gian tiếng chuông ngân nga. Chúng ta biết rằng trong thời gian nghe chuông đó, có sự an tĩnh, có sự có mặt, và cố nhiên có hạnh phúc, có pháp lạc. Vì vậy cho nên nghe ba tiếng chuông thôi, và thở chín hơi thở thôi là đã nuôi dưỡng cho thân và tâm ta rất nhiều rồi. Nó làm lắng lại những tâm hành, nó giúp chúng ta có mặt thật sự trong thời gian của chín hơi thở đó.

Trong khi ngồi thiền, chúng ta thiền quán về những đề tài nào, chúng ta lựa chọn những đề tài nào, điều đó cần một sổ công phu mà tôi đã nói trước đây. Tuy vậy, điều tối thiểu của một thời thiền mà chúng ta có thể làm được, là ngồi thở trong chánh niệm để cho chúng ta thực sự có mặt. Thực sự có mặt tức là đang sống. Không có mặt tức là đang chết. Ngồi thiền tức là sống dậy. Ngồi thiền tức là có mặt đích thực. Có mặt để làm gì cũng được hết, miễn là có mặt. Có mặt để hát một bài hát, để tụng một bài kinh, để duy trì hình ảnh của đức Thế Tôn, duy trì hình ảnh của thầy, của cha, của mẹ, của anh, của chị, của mặt trời, mặt trăng, đều được hết. Miễn là mình thật sự có mặt. Thật sự có mặt thì mình có an ninh.

Niệm có nghĩa là nhận diện cái gì đang xảy ra. Có nhiều cái đang xảy ra lắm. Mình không cần nhận diện tất cả những cái đang xảy ra, mình chỉ cần nhận diện một cái đang xảy ra là đủ rồi. Tại vì một cái đó mà nhận diện cho sâu sắc, thì đồng thời ta nhận diện được tất cả những gì đang xảy ra.

 

VÀI THỰC TẬP CÓ MẶT SÂU SẮC TRONG NGÀY

Khi ôm bát đứng với tăng thân trước giờ ăn, thì giờ phút ôm bát và đứng chung với các sư anh, sư chị và các bạn tu đó, phải là giây phút hạnh phúc tuyệt vời. Không cần phải đợi đến lúc lấy cơm mình mới thấy vui, hay ngồi xuống ăn nó mới vui. Đứng đó phải là vui rồi. Cũng vì vậy nên quý vị được khuyến thỉnh, khi nghe chuông báo giờ ăn, là nên có mặt tại nơi hẹn liền lập tức, vì các thành phần khác của tăng thân đang cần mình có mặt ở đó. Tuy rằng cái đuôi còn dài, nhưng sự kiện mình có mặt ở đó với bình bát của mình, là một sự thực tập. Đại chúng thấy có mặt của tăng thân ở đó là đại chúng được nuôi dưỡng. Tuy biết rằng còn khá lâu thì mới tới phiên mình lấy thức ăn. Nhưng chính trong khi ôm bình bát và đứng ở đó, là mình đã hiến tặng sự có mặt của mình cho tăng thân rồi. Đồng thời mình cũng hưởng thụ sự có mặt của những thành phần khác trong tăng thân. Vì lý do đó mà nghe chuông là phải có mặt liền.

Mình nuôi mình bằng tăng thân, tại vì tăng thân được làm bằng những phần tử thực tập chánh niệm. Khi những thành viên của tăng thân đang đứng đó và đang thở, là mình có lợi rồi. Người nào cũng đứng đó, người nào cũng thở, người nào cũng biết nhìn bằng con mắt từ bi, người nào cũng biết mỉm cười. Đó là thực tập. Những người bạn của chúng ta từ các phương tới, đứng trong hàng, họ có thể cảm nhận được tăng thân này là mầu nhiệm, tuy họ chỉ thấy mình đang ôm bình bát, đang đứng trong hàng thôi. Họ chưa nghe thuyết pháp, chưa tham dự pháp đàm, chưa tụng kinh, chưa ngồi thiền, nhưng nội việc họ thấy các vị trong làng có mặt một cách đích thực, không suy nghĩ vẩn vơ tới quá khứ và tương lai, thì đó đã là một bài thuyết pháp cho họ rồi. Và những người bạn ở phương xa về tới làng, đã bắt đầu hưởng được cái pháp lạc, đã bắt đầu được ôm lấy bởi năng lượng chánh niệm của tập thể do đại chúng đóng góp.

Đến khi khởi đầu bữa ăn, nghe ba tiếng chuông thì mình cũng thực tập như vậy. Ba tiếng chuông đó, đâu có làm cho mình mất thì giờ thêm? Ba tiếng chuông là để nhắc chúng ta thực tập ăn cơm, nhắc chúng ta ăn một cách thảnh thơi, trong sự có mặt, sự lắng dịu của chúng ta.

Khi thấy chúng ta bước từng bước chậm rãi, có người nói rằng thời đại này người ta đi bằng hỏa tiễn, bằng máy bay phản lực, vậy mà mình làm gì cũng chậm rì! Tại sao phải chậm như vậy? Nhìn hình thức giống như chúng ta có phản ứng với sự chạy đua ngày nay!

Nhưng đây không phải là phản ứng, không phải tại ngoài đời họ chạy đua quá mà mình làm ngược lại! Không phải như vậy! Nếu tu tập là chỉ để làm ngược lại với người ta, thì tu tập không ích lợi gì cả! Mình đi chậm như vậy nhưng trong những bước đi đó nó có sự an lạc, có sự nuôi dưỡng. Mà không phải là mình đi, mình đang đứng đó, chờ các hàng trước bước đi. Tuy đang ở trong tư thế đứng chờ, nhưng mình phải đi bằng bước chân của những người trong hàng trước!

Cũng như trong thiền trà, khi người dâng chén trà đầu tiên lên Bụt, nâng khay trà lên ngang mày, và bước những bước thanh thản thì không phải là người đó đi một mình, tất cả đại chúng trong thiền trà theo dõi, tất cả phải thở, phải đi với người đang dâng trà lên Bụt. Giây phút đó không phải là tốn thì giờ! Tại vì thời giờ để làm gì nếu không phải là để sống và để hạnh phúc? Trong thời gian người dâng trà đi từng bước chậm rãi như vậy thì ta cũng đi theo trong tâm tưởng, và bước chân của người đó chính là bước chân của chúng ta. Vì vậy đừng ngần ngại, đừng nói rằng ta đang làm mất thì giờ của tăng thân. Không phải vậy, chính ta hấp tấp, ta vụt chạc, muốn làm cho mau rồi, đó mới làm mất thì giờ của tăng thân! Tại vì chúng ta cướp đi, phá đi, lấy đi của tăng thân những gì mà tăng thân, lẽ ra phải được hưởng.

Chính sự vững chãi, chính sự thảnh thơi, chính cái chánh niệm của chúng ta, tăng thân mới cần. Tăng thân không cần sự gấp rút của chúng ta. Trong khi ta gấp rút, mất chánh niệm, chúng ta làm hại cho tăng thân rất nhiều.

Vì vậy trong khi chấp tác, ta phải biết điều mà chúng ta hiến tặng cho tăng thân trước tiên là cái hạnh phúc, sự thảnh thơi của chúng ta. Còn công tác kia nó là thứ yếu. Nếu cần hai người, hay ba người để làm công tác đó, thì ta đề nghị hai người, hay ba người. Và chúng ta phải làm việc đó trong sự thảnh thơi, trong chánh niệm, trong hạnh phúc.

Khi đi thiền hành cũng như sau buổi pháp thoại và đi ra khỏi thiền phòng, tôi vẫn đi thảnh thơi từng bước, dù tăng thân có phải đứng chờ đến lượt mình đi. Tôi biết rằng mỗi bước chân của tôi, phải là một bước chân thật đàng hoàng, tăng thân đang chờ đợi, và sẽ chờ đợi tôi bước những bước đi như vậy. Dù tôi đi trong một đám đông hay đi một mình, thì tôi cũng bước như vậy. Đối với tất cả quý vị ở trong tăng thân cũng vậy, dù quý vị đi một mình, hay đi trong một nhóm năm, bảy người, một trăm người trong tăng thân, thì quý vị cũng phải bước những bước thảnh thơi và vững chãi, tại vì tăng thân đang chờ đợi quý vị đi như vậy. Đi như vậy là đi cho tất cả mọi người.

Cho nên việc quan trọng nhất không phải là tiếp xử, ngoại giao, lịch sự bên ngoài mà là phải an trú trong chánh niệm. An trú trong chánh niệm là mình đã không phụ nhau rồi. Còn không an trú trong chánh niệm, thì dù mình có khéo léo, dù mình có ngoại giao cách mấy thì mình cũng vẫn phụ người kia. Tại vì người kia đến đây không phải vì sự tiếp xử bên ngoài. Người kia tới đây là người kia cần cái phong thái, cần cái bản chất chánh niệm của mình.

Trở lại với việc ăn cơm, khi mình xới cơm và gắp thức ăn vào bình bát, là để làm gì? Không phải để có thức ăn! Để có thức ăn vào bát là một chuyện, mà để thực tập hơi thở và tiếp xúc với thức ăn trong khi mình lấy thức ăn, đó mới là điều quan trọng. Đây là muối mè, đây là cà rốt và đây là bông cải luộc. Tại sao mình lại lơ đảng, tại sao mình lại cạn cợt, tại sao mình bỏ cơ hội để tiếp xúc sâu sắc với những cái đó? Bông cải này từ đâu tới? Cơm sáng này do ai nấu? Mỗi tuần, mỗi mười ngày mình cũng có cơ hội nấu thức ăn cho tăng thân. Sáng hôm nay mình không lo thức ăn sáng, nhưng mình biết rằng đã có người làm từ sáng tinh sương ở trong bếp, để giờ này tăng thân có thức ăn sáng. Khi tiếp xúc như vậy, mình thấy tăng thân như là một thực tại ôm ấp lấy mình, và mình cảm thấy rất có hạnh phúc trong khi lấy thức ăn đó bỏ vào bát. Chính thời gian lấy thức ăn bỏ vào bát là thời gian thực tập. Nếu chúng ta làm công việc đó trong chánh niệm thì có thể thời gian đó lâu hơn chút đỉnh, nhưng đó là cần thiết vô cùng! Nó là điều chính và người sư em đứng sau ta, thấy ta lấy thức ăn như vậy, thì sư em sẽ được thừa hưởng cái phong thái và chánh niệm của chúng ta.

Trên con đường từ nơi lấy thức ăn đi vào thiền đường, chúng ta cũng phải bước thảnh thơi, tại vì ngày xưa Bụt đã bước thảnh thơi, các thầy đã bước thảnh thơi trên con đường khất thực. Dù đoạn đường đó chỉ dài khoảng 100 thước, thì chúng ta biết rằng cái trăm thước đó là trăm thước của an lạc, của hạnh phúc, và ta phải đi cho có an lạc, cho có hạnh phúc. Đó là thực tập.

Khi đến chỗ ngồi, đặt bát xuống, xá, rồi thực tập: Ngồi đây ngồi cội Bồ đề, Vững thân chánh niệm không hề lãng xao, rồi mới ngồi xuống. Nếu không đọc câu thi kệ đó, thì chúng ta thở, chúng ta mỉm cười, nói rằng: Được ngồi chỗ này là thích quá! Nó cũng tương đương với câu kệ trên đây. Không hẳn chúng ta phải đọc câu kệ đó, nhưng chúng ta phải làm một cái gì tương đương với câu đó, thì mới thực tập chánh niệm được. Còn nếu chỉ ngồi xuống không thôi thì không được. Trong đại chúng có những người làm được, thì ta cũng phải làm cho được. Ngồi sao để cho có hạnh phúc. Để có thêm năng lượng hạnh phúc, chúng ta có thể quán tưởng những lúc chúng ta phải đứng rất lâu, rất mỏi mà chưa được ngồi, nghĩ rằng nếu ngồi xuống được thì thích quá! Bây giờ ta phải ngồi xuống trong tâm trạng đó.

Được ngồi trên tọa cụ của mình, ngồi thẳng và thở trong khi những người bạn tu khác đang ôm bình bát đi đến từ từ. Giây phút đó không phải là giây phút bỏ đi, mà là giây phút để thực tập.

Thi kệ nhật dụng là những tiếng chuông chánh niệm, là những người bạn tu tinh chuyên, vì vậy chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với thi kệ trong mọi công việc. Ví dụ khi mở nắp bình bát ra, trước khi lấy cơm, chúng ta đã tiếp nhận pháp môn của Bụt:

Tay nâng chiếc bát không, Tôi thấy rằng trưa nay. Tôi có đủ may mắn, Để có bát cơm đầy.

Đó là bản chất của sự thực tập chánh niệm. Đó là điều mà người ta chờ đợi ở một người tu, đó là tất cả cái đẹp của bản chất của một người tu. Mình làm đẹp cho mình là nhờ những giây phút như vậy.

Tay nâng chiếc bát không, Tôi thấy rằng trưa nay, tôi có đủ may mắn, để có bát cơm đầy, cái quán chiếu đó không có tính cách hình thức. Tại vì khi nhìn cái bát không thì mình thấy tuy cái bát không nhưng mình sẽ có thức ăn. Có rất nhiều em bé trên thế giới, cầm cái bát mẻ, và cầm hoài mà không có gì để bỏ vào trong đó cả! Chúng đành đi ngủ với bụng đói!

Theo thống kê của UNESCO, cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc, thì mỗi ngày có tới 40 ngàn trẻ em chết vì thiếu thức ăn và chất bổ dưỡng. Khi biết rằng cái bát của mình là bát không, nhưng chỉ trong vòng năm bảy phút là nó sẽ đầy cơm, đầy thức ăn, đó là điều làm cho mình có hạnh phúc, và hạnh phúc đó nó trộn lẫn một chút xót thương, một chút từ bi.

Hai cái mình đều cần hết. Hạnh phúc mà không có từ bi thì nó chưa đậm đà. Cũng giống như đồ xào mà chưa có muối, chưa mặn mòi. Có khi nấu chè, chúng ta còn cho thêm chút muối. Chút muối đó nó làm cho chè đậm đà hơn lên. Cũng vậy, sự xót xa ở trong lòng mình, đôi khi nó làm cho hạnh phúc trong mình tăng trưởng. Chính cái xót xa đó nuôi dưỡng lòng từ bi của mình, để sau này cũng như trong hiện tại, mình có thể sống như thế nào để được chia sẻ hạnh phúc với những người thiếu may mắn.

Khi lật cuốn Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn ra, quý vị thấy có những bài kệ để thực tập trong khi ăn cơm. Từ việc đứng chờ, cho đến việc mở bình bát để thấy bình bát không, rồi thấy bình bát đã đầy:

Tay nâng chiếc bát đầy, Tôi thấy cả vũ trụ, Đang dang tay góp mặt, Để cùng nuôi dưỡng tôi,

Nhờ vậy mà mình có một sự biết ơn. Cho nên không những các sư cô, sư chú cần phải học thuộc những bài kệ đó để thực tập, mà các vị thiền sinh cư sĩ, cũng nên học thuộc những bài đó để thực tập. Khi mình thuộc lòng rồi, mình thực tập thành thạo rồi thì mình có thể tự sáng tác ra những bài thi kệ để mình thực tập. Khi cần, mình cũng có thể dùng hơi thở hay sự quán chiếu để thay thế cho những bài thi kệ. Tại vì chúng ta có tự do trong phương pháp thực tập của chúng ta. Thực tập sao cũng được, miễn là có thực tập. Thực tập theo phương pháp nào cũng được, miễn là mục đích của thực tập là giúp ta thực sự có mặt và tiếp xúc sâu sắc với gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Chúng ta biết rằng niệm tức là nhận diện. Trước hết là nhận diện đơn thuần, tức là gọi đúng được tên nó, biết nó là gì, mà không cần phải phán đoán, không cần phải chạy theo, hoặc là phải xua đuổi. Nhận diện đơn thuần là chỉ cần biết nó có mặt đó, và tránh hai thái cực, một là vướng mắc vào nó, hai là trốn chạy nó.

Cái đối tượng của sự nhận diện đơn thuần đó, đối tượng của cái niệm đó, có thể là một tâm hành, một thân hành, mà cũng có thể là một sắc hành. Ví dụ khi mình nhận diện một ngôi sao: À có ngôi sao đó, thì ngôi sao là một sắc hành. Khi nhận diện một sự buồn rầu ở trong mình, thì đó là nhận diện một tâm hành. Tâm hành nhận diện một sắc hành, tâm hành nhận diện một tâm hành, tại vì niệm cũng là một tâm hành.

 

HÌNH THÀNH CỦA NIỆM HƠI THỞ

Khi chúng ta nhận diện hơi thở thì hơi thở là sắc hành hay tâm hành? Theo kinh Niệm Xứ thì hơi thở thuộc về thân hành, nó là một phần của thân hành, nó có dính líu tới những bắp thịt, tới hai buồng phổi, và hoành cách mô của chúng ta. Hơi thở là một hiện tượng rất đặc biệt. Cơ thể của chúng ta làm ra hơi thở. Tuy hơi thở thuộc về thân, nhưng hơi thở là cái rất gần với tâm. Nó được nhận diện như một cây cầu bắt từ thân qua tâm. Vì vậy khi tiếp xúc được với hơi thở bằng niệm, thì ta có thể làm cho thân và tâm trở về với nhau thành một khối. Đó là yếu tố căn bản để thực sự có mặt.

Thân và tâm của chúng ta trong đời sống hàng ngày, thường không hợp nhất. Thân có thể ở đây, nhưng tâm ở chỗ khác! Thân có thể ở hiện tại nhưng tâm có thể ở quá khứ hay ở tương lai. Vì vậy cho nên giữa thân và tâm có hơi thở, có cây cầu bắc từ thân sang tâm. Cho nên nắm lấy hơi thở mà thở trong chánh niệm thì chỉ nội trong một vài giây đồng hồ, thân và tâm bắt đầu trở về với nhau, và ta có sự đoàn tụ giữa thân hành và tâm hành. Thở vào tôi biết đây là hơi thở vào, thở ra tôi biết đây là hơi thở ra. Chỉ trong vòng ba hơi thở hay ít hơn, thì thân và tâm trở về một khối, mình từ giã quá khứ, mình từ giã tương lai, và mình có mặt trong giây phút hiện tại. Thân tâm nhất như là một quả vị tu chứng mà chúng ta có thể đạt ngay trong vòng 10 giây đồng hồ. Có thân tâm nhất như thì ta có mặt thật sự bây giờ và ở đây. Còn không có thân tâm nhất như, ta vẫn đang còn phiêu lãng trong thế giới của thất niệm, ta còn đi hoang. Vì vậy sự trở về để thống hợp thân và tâm là hành động đầu tiên của người tu.

Sự trở về này là trở về bằng một phương tiện giao thông rất mầu nhiệm, đó là hơi thở. Người ta có thể trở về bằng máy bay phản lực, nhưng mình chỉ cần bắt đầu thở vào một hơi là trở về liền lập tức, và mình bắt đầu có mặt, có mặt cho lãnh thổ của mình tức là năm uẩn.

Vậy thì đối tượng đầu của niệm là hơi thở, và hơi thở ở đây có thể là hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở vào của mình có thể ngắn hay có thể dài; có thể hổn hển hay êm dịu; có thể thô hay là tế. Điều quan trọng là mình nhận diện được nó, tại vì hơi thở có phẩm chất của nó. Có khi phẩm chất của hơi thở rất thấp kém, rất ồn ào. Có khi hơi thở có phẩm chất cao hơn, rất nhẹ nhàng. Hơi thở mình có thể như là con ngựa đang phi, hoặc như là con rắn, trườn đi rất dịu dàng, im lặng. Kinh nói rằng hơi thở dịu dàng như con rắn trườn đi thì tốt hơn là hơi thở như con ngựa đang phi. Kinh còn dùng hình ảnh của một dòng nước nhỏ chảy ở trong cát. Sau cơn mưa, ta thấy có những dòng nước mịn đi trong cát, len lỏi rất nhẹ nhàng. Đó là hình ảnh của hơi thở nhẹ nhàng, có phẩm chất cao.

Khi thở vào, ta nói đây là hơi thở vào. Nó là hơi thở vào, mình nhận diện nó là hơi thở vào, đó là nhận diện đơn thuần. Nếu hơi thở vào của mình ngắn, mình biết nó ngắn. Thế nào gọi là ngắn và thế nào gọi là dài? Ngắn và dài đây có nghĩa là ngắn chừng đó và dài chừng đó, không tính theo một đơn vị đo lường nào cả.

Khi thở vào mình chỉ cần biết nó ngắn hay dài thôi, chứ không phải nói: Thở vào tôi thấy hơi thở tôi quá ngắn! Không nên làm như vậy. Mình chỉ cần nhận diện đây là hơi thở vào và hơi thở này ngắn. Biết mà không chê bai, không khen ngợi, không lên án, không chỉ trích, không dính mắc, không xua đuổi, thì gọi là nhận diện đơn thuần. Điều này rất là quan trọng.

Thở vào một hơi, biết rằng đây là hơi thở vào, và hơi thở vào đó có phẩm chất như thế nào; ngắn hay dài, nó hổn hển hay không hổn hển, nó thô hay nó tế, nó ồn ào hay nó nhẹ nhàng, mình phải nhận diện cho được. Khi thở ra, mình nói đây là hơi thở ra, và nó ngắn hay dài, nó ồn ào hay nhẹ nhàng, thì mình biết. Đó đã là sự thực tập rồi. Nếu tiếp tục thực tập như vậy thì nội trong ba hay bốn hơi thở, phẩm chất của hơi thở tự nhiên tăng tiến, mà mình không cần cố gắng, không lao động mệt nhọc. Mình không được đẩy, không được uốn nắn, không được đàn áp, không được can thiệp.

Chúng ta đang để ý tới hơi thở vào của chúng ta, và đó gọi là niệm hơi thở vào. Chúng ta biết rằng niệm bao giờ cũng là niệm cái gì. Ý thức bao giờ cũng là ý thức về cái gì. Một bên là chủ thể, một bên là đối tượng (Hình 1).

 

Hình 1 - Hai phần của niệm hơi thở vào

Đối tượng này là hơi thở vào, và ta đang có ý thức về hơi thở vào. Một phần gọi là Năng niệm, một phần gọi là Sở niệm. Đây là những danh từ chuyên môn. Sở niệm là hơi thở vào, năng niệm là cái đang nhận diện đây là hơi thở vào.

Niệm này từ đâu mà sanh ra? Chúng ta biết rằng tâm thức của chúng ta cũng có hai phần. Một phần gọi là tàng, một phần gọi là ý (Hình 2).

 

Hình 2 - Tâm thức và sự phát hiện của chánh niệm

Chúng ta thường nói trong phần tàng có chứa 51 hạt giống tâm hành. Cố nhiên trong đó có tâm hành gọi là niệm. Niệm có ở dưới tàng thì nó mới phát hiện lên phần ý được.

Đây là một điều rất quan trọng, xin quý vị chú ý. Quý vị đừng nghĩ rằng hạt giống của niệm ở dưới tàng, nó trồi lên vùng ý và nó trở thành ra phần chủ thể, tức là phần năng niệm. Không phải như vậy! Nó không giống chuyện chúng ta có một máy thâu âm để trong túi, rồi móc máy ra để thâu những lời nói hay bài hát. Chánh niệm với tư cách của một hạt giống. nó không sinh động theo kiểu đó.

Cũng đừng tưởng rằng chánh niệm như là cái thước, chúng ta có thể rút ra để đo chiều dài, chiều ngang của căn phòng này. Không phải như vậy. Nó không có sẵn một chủ thể để chúng ta móc ra để đo đối tượng!

Cũng giống như cái buồn, không phải chúng ta có sẵn một nỗi buồn ở trong ta, lâu lâu chúng ta móc ra buồn người này một ít, xong buồn người kia một ít. Không phải như vậy!

Việc ăn của chúng ta cũng vậy. Ta không có sẵn cái ăn ở trong con người để chúng ta ăn chuối, ăn bánh mì, ăn cam. Không phải như vậy. Tại vì ăn luôn luôn là ăn cái gì. Khi có cái đang bị ăn thì mới có cái đang ăn. Nghĩa là ăn thì cũng có Năng ăn và Sở ăn. Khi không có thức ăn thì sự ăn không xảy ra, không có mặt. Giận cũng vậy. Khi không có đối tượng của giận thì không có cái giận. Không phải mình có sẵn cái giận đó rồi mình đem ra giận người này xong rồi mình giận người khác! Niệm cũng như vậy thôi.

Thành ra chúng ta phải thấy rằng hạt giống của niệm hay của giận ở dưới tàng thức là một năng lượng, một tập khí, một khả năng. Và cái đối tượng kia nó cũng nằm ở dưới tàng thức. Khi có sự xáo động của đối tượng, thì có sự xáo động của năng lượng hay tập khí, và nó phát sinh ra cái "Năng và Sở" ở vùng ý thức, trong đó mới có chủ thể và có đối tượng.

Nói rõ hơn, là phải có điều kiện, phải có căn cứ để phát sinh. Lấy một ví dụ chúng ta có một máy chụp hình, có một ống kính, và chúng ta cũng có một vật như một cây đèn cầy (Hình 3).

 

Hình 3: Chủ thể và đối tượng qua một máy chụp hình

Hình của đèn cầy đi vào trong máy hình, và ảnh của nó sẽ là một cây đèn cầy lộn ngược ở trên tấm phim. Chúng ta biết rằng ảnh đèn cầy nó khác với cây đèn cầy thật. Nhưng nếu không có cây đèn cầy thì không có ảnh đèn cầy. Cũng vậy, nếu không có máy hình thì không có ống kính. Con mắt của chúng ta là nhãn căn, còn cây đèn cầy là sắc trần.

Nhãn căn là con mắt thịt thôi, nó không phải là cái thấy. Mà sắc trần nó không phải là cái bị thấy, cũng như hình ảnh cây đèn cầy không phải là cây đèn cầy, và tấm phim chuyên chở hình ảnh đèn cầy thì cũng không phải là máy hình. Nhưng nhờ có nền tảng của con mắt và nền tảng của sắc trần mà tấm phim này ôm được hình ảnh cây đèn cầy. Tấm phim ôm hình ảnh này, nó là một pháp trong đó có chứa chủ thể và đối tượng. Một cái năng và cái sở nằm trong tấm phim này. Ta phải thấy rõ rằng cái hình ảnh của cây đèn cầy ở trong phim, không phải là tự thân của đèn cầy, nó được phát xuất từ cái đèn cầy; và tấm phim không phải là cái máy hình, nó phát xuất từ cái máy hình.

Niệm cũng vậy. Niệm phát ra trong một tích tắc là ta đang có ý thức về hơi thở vào của ta. Nghĩa là niệm hơi thở nó phát xuất từ: (i) Hơi thở vào đang có mặt, và (ii) Năng lượng của chánh niệm (được phát sinh nhờ có tâm sở tác ý). Nếu thiếu một cái thì sẽ không có cái thứ hai. Chúng nương nhau mà biểu hiện. Ví dụ như một cây bút, nó có bên trái, bên phải. Nếu không có trái, thì không có phải. Nếu không có phải, thì không có trái.

Hiện tượng mà chúng ta gọi là niệm, cái tâm hành niệm hơi thở, nó có đó, nó phát sinh ra đó, và nó chỉ tồn tại trong một tích tắt, trong một sát-na thôi. Rồi nó chuyển biến, nó đi sang sát-na khác. Nó là một dòng tâm hành. Miễn là hai cái căn cứ của nó (tức là hơi thở vào và năng lượng của chánh niệm) còn tiếp tục có đó, thì dòng tâm hành này tiếp tục biểu hiện và chuyển biến.

Kinh có nói rằng: Trong ban đêm, nếu mình cầm một cây nhang có một đốm đỏ, và mình vẽ một vòng tròn, thì người đứng xa có thể có cảm tưởng là có một vòng tròn lửa. Nhưng kỳ thực là không có vòng tròn lửa. Nó chỉ có những đốm lửa rất nhỏ nối tiếp nhau, liên tục, cho nên nó cho mình cảm tưởng có một vòng tròn lửa.

Tâm hành của mình cũng vậy, nó chỉ là những khúc tâm hành rất ngắn, nhưng vì đoạn này nối với đoạn kia, thành ra mình có cảm tưởng tâm hành đó kéo dài. Cũng như một đoạn phim. Khi quay phim thì phim của mình chụp một hình, rồi nó chạy sang một phần phim khác, và chụp thêm một hình thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu. Cho nên mình cần một cuộm phim dài. Khi chiếu ra, mình thấy có sự liên tục, và mình tưởng là có sự liên tục, nhưng thật ra, như trong trường hợp Cinéma, nó được làm bằng 24 tấm hình trong mỗi giây đồng hồ chiếu phim, liên tiếp nối đuôi nhau, cho nên mình thấy người đó đưa tay lên một cách liên tục.

Ở đây cũng vậy, khi mình quán niệm hơi thở, thì có một tâm hành gọi là niệm hơi thở xảy ra. Nhưng vì mình duy trì nó, thành ra mình thấy nó tồn tại suốt trong thời gian mình thở vào, rồi mình thở ra. Trong suốt thời gian đó mình đều có niệm. Nếu mình làm ăn không đàng hoàng thì nửa chừng nó đứt niệm! Cũng như mình quay vòng tròn lửa, nếu quay nửa chừng mà đứt thì đâu còn vòng tròn lửa? Nó chỉ còn nửa vòng tròn hay một phần ba vòng tròn mà thôi.

 

BỐN ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM

Tâm hành niệm hơi thở này thật ra nó chỉ tồn tại trong một sát -na thôi, nhưng tại vì mình thực tập liên tục, thành ra việc quán niệm hơi thở này kéo dài, và mình có thể làm cho nó kéo dài 5 phút, 10 phút, 15 phút, hoặc là nửa giờ. Trong khi đó thì ở dưới tàng thức có hai điều kiện tiếp tục nâng đỡ để cho niệm hơi thở tiếp tục được. Cũng như cái máy video kia tiếp tục quay, và tôi tiếp tục nói, thì đó là hai căn bản cho cuốn Video pháp thoại này thành hình. Bốn nhân duyên nuôi dưỡng chánh niệm là:

1.    Tâm hành niệm có một cái duyên, tức là một điều kiện, gọi là nhân duyên.
Thành ra hạt giống của niệm ở trong tàng là nhân duyên thứ nhất.

2.    Hơi thở vào của mình là duyên thứ hai, gọi là sở duyên duyên.

Tại sao có hai chữ duyên? Duyên tức là điều kiện, mà điều kiện đầu là điều kiện hạt giống. Nhân có nghĩa là hạt giống. Theo lối viết chữ Hán thì chữ nhân gồm có chữ đại, một cái rất lớn, nhưng hiện đang bị nhốt trong một cái khung cho nên nó vẫn còn nhỏ! Ví dụ như hạt cải. Nếu quý vị ra nhà Mặt trời, nơi các sư cô đang trồng rau, thì quý vị sẽ thấy một cây cải rất lớn, có thể nặng tới hai, ba kí. Cây cải đó là từ một hạt giống rất nhỏ. Hạt cải tuy nhỏ nhưng mình có thể thấy được cây cải lớn như ngày hôm nay! Từ cái rất nhỏ, nhưng nó có thể là cái rất lớn! Chỉ vì nó đang bị một giới hạn là vỏ hột cải bọc lại, nó chưa đủ những điều kiện, vì vậy cho nên nó chỉ là nhân thôi.

Tâm hành niệm nằm ở trong phần tàng của mình, chỉ là một nhân duyên của niệm mà chưa phải là niệm. Mỗi ngày mình phải thực tập để cho nhân duyên này có năng lượng thêm, để cho nó phát sinh dễ hơn khi cần đến. Cũng như hạt cải, nếu mình có một cây cải rất tốt thì nó cho ta những hạt cải rất chắt. Sau này đem gieo thì ta có thể có những cây cải rất lớn.

Sự thực tập hàng ngày làm cho nhân duyên về niệm thật vững chãi ở trong tàng thức, và khi vững chãi rồi thì nó phát sinh rất dễ, rất lớn, nó phát sinh như là năng duyên của những đối tượng khác của niệm. Đối tượng của nó, như đã nói ở trên, cũng là một duyên, nên gọi là Sở duyên duyên. Sở duyên có nghĩa là đối tượng. Năng duyên là chủ thể. Đây là danh từ chuyên môn của Duy Biểu Học. Sở dĩ năng có được, sở có được là tại vì có nhân duyên và có sở nhân duyên.

3.   Ngoài hai cái duyên đó, chúng ta còn cần những duyên khác để cho niệm thành tựu, và kéo dài. Đó là Tăng thượng duyên. Tăng thượng tức là giúp cho nó thành tựu dễ dàng, lớn lên dễ dàng. Ví dụ chúng ta có máy hình rồi, chúng ta có cây đèn cầy rồi, nhưng chưa có ánh sáng thì cũng chưa chụp hình được. Thành ra sư chú, sư cô phải bật đèn lên. Ánh sáng là một tăng thượng duyên, nó giúp cho máy hình và đèn cầy thành tựu công việc chụp ảnh.

Cũng như khi chúng ta có hạt giống rồi, có đất rồi, chúng ta gieo xuống rồi, nhưng không có ánh sáng, không có mưa thì cây không mọc lên được, vì ánh sáng và mưa là tăng thượng duyên.

Chánh niệm cũng vậy. Thầy của mình là tăng thượng duyên, sư anh, sư chị của mình là tăng thượng duyên; tiếng chuông là tăng thượng duyên; lời hô canh của sư em là tăng thượng duyên. Trong một đạo tràng như Mai Thôn, chúng ta phải tạo ra cho nhiều tăng thượng duyên, tức là nhiều điều kiện thuận lợi để cho sự phát triển của hạt giống niệm thành hình. Những ai trong chúng ta tạo được tăng thượng duyên cho sự tu học, đều có công đức cả. Tăng thượng duyên quan trọng nhất là bản thân của mình. Nếu mình đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống có chánh niệm, thì mình là một tăng thượng duyên rất tốt cho các sư anh, sư chị, sư em của mình.

4.   Duyên thứ tư mà người ta thường nói tới là Thứ đệ duyên. Thứ đệ tức là cái sau nó tiếp tục cái trước. Có khi gọi là Đẳng vô gián duyên. Đẳng tức là đều đều. Vô gián là nó không bao giờ bị gián đoạn, không bao giờ ngưng lại cả. Có một nơi mà người ta không bao giờ ngưng được đau khổ, đó là Địa ngục Vô gián. Như vậy điều kiện thứ tư là điều kiện liên tục, miên mật, không bị gián đoạn, tức là Thứ đệ duyên.

Trong một bữa ăn có chánh niệm, nếu có thứ đệ duyên thì chúng ta có chánh niệm và có hạnh phúc từ khi ngồi xuống ăn cho đến khi ăn cơm xong. Nếu không có thứ đệ duyên thì chúng ta có chánh niệm và hạnh phúc được một lát rồi chúng ta chìm đắm trong sự suy nghĩ quá khứ, tương lai.

Niệm hơi thở của chúng ta cũng vậy, căn cứ vào nhân duyên của hạt giống chánh niệm trong ta, căn cứ trên đối tượng là cái gì đang xảy ra, và căn cứ trên những điều kiện nó giúp đỡ như là tiếng chuông, như là sự có mặt của thầy, của tăng thân, mà mình duy trì niệm hơi thở cho bền vững, thì tự nhiên niệm đó được kéo dài. Niệm kéo dài tức là sự có mặt của Bụt được kéo dài, và chúng ta được che chở, được nuôi dưỡng lâu dài hơn.

Ban đầu thì chúng ta nhận diện hơi thở vào: Đây là hơi thở vào. Rồi từ hơi thở vào đó, nhờ ta có mặt cho nên ta mới nhận diện rằng hơi thở vào nó ngắn, hay nó đã dài rồi. Hơi thở vào còn hổn hển hay đã êm dịu. Ta nhận diện nó, ta gọi tên nó và ta biết được phẩm chất của nó mà ta không chê trách, cũng không hờn dỗi. Ta ôm lấy nó một cách rất trìu mến, như một bà mẹ ôm lấy con, và ta thực tập. Nếu ta thực tập nửa phút, một phút, hai phút thì phẩm chất của nó sẽ tăng tiến.

Là người tu, chúng ta phải nắm cho thật vững phương pháp An Ban Thủ Ý. Tại vì An Ban Thủ Ý là phương pháp rất mầu nhiệm, và từ đầu thế kỷ thứ ba, Việt Nam chúng ta đã có kinh An Ban Thủ Ý của thầy Tăng Hội. Chúng ta cũng có những lời chú giải và bài tựa kinh An Ban của thầy Tăng Hội.

Phương pháp Quán Niệm Hơi Thở, phương pháp thực tập hơi thở có ý thức, giúp chúng ta có mặt một cách thường xuyên để chăm sóc bản thân của chúng ta, đồng thời chăm sóc cho tăng thân; làm ra hạnh phúc cho chúng ta và cho những người nương tựa vào chúng ta.

Nguồn: Làng Mai

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập