Nguyên tắc thực tiễn và phương pháp “Giáo Dục Tỉnh Giác”

Đã đọc: 4590           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Đại Niệm Xứ như sau: “Này các thầy tỳ kheo! Vì thanh tịnh cho chúng sanh, vì độ thoát ưu não, vì diệt tận khổ đau, vì thể nhập chân đế, vì chứng đắc niết bàn, duy nhất có một con đường, đó chính là Tứ Niệm Xứ.”

1. Lời nói đầu

 “Giáo dục tỉnh giác ” ngoài việc học hiểu giáo pháp trên mặt lý thuyết ra, điều quan trọng nhất là cần phải tự thân hành trì, nuôi dưỡng và làm lớn mạnh năng lực tỉnh giác, để nhìn thấy mọi sự vật như thật, không bị mê hoặc bởi hình tướng bên ngoài, dùng trí tuệ và từ bi để đối diện và giải quyết những vấn đề xãy ra trong cuộc sống.

Để hiểu rõ chi tiết hơn, bài viết này lấy giác tánh viên mãn mà Đức Phật đã giáo huấn để làm y cứ cho việc giáo dục tỉnh giác. Dựa trên điều này, tôi tạm nêu lên ba vấn đề chính: Thứ nhất, nguyên tắc thực hành; thứ hai, phương pháp thực hành; thứ ba, thảo luận chương trình học và sự thực hành sau khi học xong.

2. Nguyên tắc thực nghiệm

Trong kinh tạng Pali của Ấn Độ, Đức Phật dạy: “Chánh pháp hiện ở đời này, không chờ đợi ở đâu khác, hãy đến để mà thấy, giáo pháp ấy có khả năng hướng thượng và tự thân chứng đắc.” Điều này có nghĩa là, tất cả giáo lý và phương pháp giáo dục của Đức Phật có thể tu chứng trong đời này, tùy mọi lúc có thể tu tập, mọi người đều có thể nhìn thấy, tức là hướng vào nội tâm để nhận biết rõ thân tâm của chính mình, hướng đến diệt trừ khổ đau, tự thân chứng đạt giải thoát giác ngộ.

Ngoài những ý nghĩa nêu trên, nguyên tắc thực tiển về sự giáo dục tỉnh giác cũng cần phải mang tánh phổ biến, tánh khả thi, tánh an toàn, tánh hiệu quả và tánh tuần tự. Do đó, thực hành sự giác ngộ luôn phù hợp với tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi chủng tánh, mọi trình độ, mọi tầng lớp, mọi quốc gia, cho đến bất luận mọi tôn giáo, mà không cần bất cứ lễ nghi hay hình thức nào cả. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có thể thực tập, cũng đều đạt được kết quả giống nhau.

3. Phương pháp thực tập

Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Đại Niệm Xứ như sau: “Này các thầy tỳ kheo! Vì thanh tịnh cho chúng sanh, vì độ thoát ưu não, vì diệt tận khổ đau, vì thể nhập chân đế, vì chứng đắc niết bàn, duy nhất có một con đường, đó chính là Tứ Niệm Xứ.” Trong đoạn kinh này, Đức Phật đã đưa ra con đường duy nhất để diệt trừ khổ đau chính là tu tập Tứ Niệm Xứ, tức là tu tập về thân niệm trụ, thọ niệm trụ, tâm niệm trụ và pháp niệm trụ. Dưới đây sẽ luận bàn từng chi phần.

 

(1)Tỉnh giác trong từng động tác của thân thể

Chánh niệm biết rõ từng động tác của thân thể, y cứ vào kinh Đại Niệm Trụ, Đức Phật dạy rằng: “ Tỳ kheo khi đi, biết mình đang đi; khi đứng, biết mình đang đứng; khi ngồi, biết mình đang ngồi; khi nằm biết mình đang nằm. Thân thể này ở trạng thái nào, chúng ta chánh niệm biết rõ trạng thái đó.” Ý nghĩa của kinh văn dạy chúng ta thực tập phải biết rõ ràng từng động tác của thân thể, duy trì chánh niệm biết rõ những động tác của chính mình, thì sự tỉnh giác luôn có mặt.

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy: “ Này tỳ kheo! Biết rõ chính xác khi ra vào; khi nhìn trước xem sau; khi co khi duỗi thân; khi khoát y, trì bát; khi ăn , uống, nhai , thưởng thức mùi vị; khi đại tiểu tiện; khi đi, đứng, nằm , ngồi,ngủ,thức, nói năng hay im lặng tất cả đều rõ biết chính xác.” Nghĩa là, mỗi hành giả luôn thực tập chánh niệm như khi nhìn trước, nhìn sau; khi khoát y, trì bát… luôn ý thức được hành động của mình bất luận là ngày hay đêm. Nếu chúng ta thực tập liên tục không gián đoạn, thì sẽ đạt được kết quả viên mãn về chánh niệm tỉnh giác.

(2)Tỉnh giác về hơi thở

Đức Phật dạy rằng: Đoan nghiêm thân thể, an trụ chánh niệm ngay trước mặt, chánh niệm khi hơi thở vào, chánh niệm khi hơi thở ra.” Nghĩa là, chúng ta phải thực tập chánh niệm biết rõ khi hơi thở vào và ra, để tâm chúng ta không quay về với quá khứ, không tìm cầu tương lai, mà duy nhất an trụ chánh niệm nơi hơi thở ngay trong phút giây hiện tại.

(3)Tỉnh giác về cảm thọ

Đức Phật từng dạy: “ Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc, liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc; khi thọ nhận cảm giác khổ, liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ; khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ, liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ.” Hành giả luôn an trú chánh niệm biết rõ những cảm thọ đang xãy ra ở ngay trong giây phút hiện tại, mà không khởi bất cứ tâm sở khác như tham lam hay sân hận và các loại tâm lý khác.

(4)Tỉnh giác về tâm niệm

Bậc Đạo Sư từng dạy: “Tỳ-kheo có tâm tham dục, thì biết đúng như thật có tâm tham dục, khi lìa tâm tham dục thì biết đúng như thật lìa tâm tham dục; khi có tâm sân hận sinh khởi, thì biết đúng như thật có tâm sân hận, khi lìa khỏi tâm sân hận, biết đúng như thật lìa tâm sân hận; khi tâm si mê sinh khởi, biết đúng như thật có tâm si mê sinh khởi, khi lìa tâm si mê, biết đúng như thật lìa tâm si mê.” Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy rằng, hành giả tu tập sự tỉnh giác luôn quán chiếu tâm niệm thiện hay bất thiện sinh khởi, cho đến sự đoạn trừ tâm bất thiện, phát triển tâm niệm thiện. Nói chung, hành giả luôn quán chiếu rõ sự tướng chân thật của tâm, có như vậy mới đưa hành giả đi đến đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết Bàn.

Ở trên đã giới thiệu về bốn phương pháp thực tập tỉnh giác khác nhau, tỉnh giác về thân, tỉnh giác về hơi thở, tỉnh giác về cảm thọ, tỉnh giác về tâm. Mỗi phương pháp đều có tính ưu việt riêng, nhưng trong đó phương pháp thực tập về thân là thích hợp với hành giả mới thực tập giai đoạn ban đầu, bởi vì quán chiếu về hơi thở rất là vi tế, và khi tập trung theo dõi từng hơi thở ra vào, hành giả sẽ không còn chú ý đến tạp niệm xung quanh. Còn khi quán chiếu về cảm thọ và tâm, dể khiến cho người mới thực tập không tập trung được tỉnh giác mà dể khởi tạp niệm. Do đó tôi sẽ tập trung để thảo luận về thực tập tỉnh giác về thân thể.

4. Luận bàn thêm về tỉnh giác trong từng động tác của thân thể

Con người là một loại động vật, nên suốt ngày vận động, do đó chúng ta hãy lợi dụng những vận động này để luyện tập tỉnh giác là một phương pháp rất thiện xảo. Nhưng trong cuộc sống phần đông mọi người suy nghĩ tạp niệm lung tung, không tỉnh giác trong giây phút hiện tại với mọi hành động.Vì muốn thay đổi đời sống phải thực tập tỉnh giác, phương pháp thực tập dựa vào lời dạy của Đức Phật là luôn chánh niệm trong mọi hành động, nếu có năng lực tỉnh giác trong từng hành vi cử chỉ của chính mình, thì sự tỉnh giác đó sẽ luôn tăng trưởng. Năng lực tỉnh giác chính là biết rõ ý niệm của mình, đồng thời biết rõ thật tướng thân tâm của chính mình.

Nếu như chúng ta đi tìm nguyên nhân của khổ đau, thì có thể phát hiện là do tạp niệm, vọng niệm sinh khởi. Có hai loại ý niệm: Thứ nhất không làm chủ được ý niệm, được gọi là tạp niệm hay vọng niệm. Giống như: sân hận, tham lam, vô tri, sợ sệt, tật đố … những loại ý niệm như vậy, làm cho chúng ta thọ khổ. Thứ hai có thể làm chủ được ý niệm, với loại ý niệm này được gọi là “ý niệm tự nhiên” tức là tỉnh giác biết rõ về những ý niệm sinh khởi ngay trong phút giây hiện tại, loại ý niệm này không làm cho chúng ta thọ khổ. Ví như hằng ngày khi chúng ta quét nhà, giặt quần áo hay bất cứ hành động nào cũng có sự tỉnh giác, đây là tự nhiên ý niệm, với loại ý niệm này chỉ đem đến lợi ích mà không phương hại bất cứ điều gì. Trong đời sống chúng ta cần nuôi dưỡng loại ý niệm này.

Chúng ta thường bị loại ý niệm thứ nhất bao vây, làm cho tâm tham, tâm sân, tâm si luôn sinh khởi, dẫn đến thọ khổ. Một thực tế chứng minh cho chúng ta thấy rằng càng suy nghĩ thì càng tức giận, bởi vì do vọng niệm sinh khởi nên bất cứ lúc nào, làm gì cũng đều thọ nhận kết quả của khổ đau.

Chỉ khi nào năng lực tỉnh giác của chúng ta lớn mạnh, thì mới có thể nhận biết rõ ý niệm, có như vậy mới không bị tạp niệm, vọng niệm lôi kéo. Tỉnh giác cũng như con mèo nhỏ, vọng niệm giống như con chuột lớn. Hành giả nào chưa luyện tập tỉnh giác, ban đầu tỉnh giác rất yếu, phải luôn luôn thực tập tỉnh giác thì mới có thể tăng trưởng, khi tỉnh giác thuần thục rồi thì vọng niệm sẽ được chế ngự, giống như con mèo nhỏ, lần lần rồi sẽ lớn mạnh, khi con mèo lớn mạnh thì có thể bắt được con chuột lớn. Do đó, quan trọng của việc thực tập là phải luyện tập liên tục không được gián đoạn, giống như con mèo luôn phải biết tự biết mình, không cần để ý đến con chuột, khi con mèo lớn rồi tự nhiên nó sẽ biết cách xử lý con chuột. Chính vì thế, khi thực tập, chúng ta không nên ép chế vọng niệm, cũng không chạy theo vọng niệm, mà chỉ cần tập trung vào quán chiếu tỉnh giác trên mỗi hành động. Sau khi chúng ta có năng lực tỉnh giác lớn mạnh rồi, mọi ý niệm sanh khởi lập tức có thể biết được, cho đến đoạn trừ tâm tham, tâm sân và chuyển hóa tâm niệm bất thiện thành tâm niệm thiện.

Quan trọng của thực tập tỉnh giác, là không ngừng cử động thân thể, bởi vì nếu thân thể yên tịnh không động, thì vọng niệm sẽ dể sinh khởi, trong trạng thái như vậy, sẽ suy nghĩ lung tung mất chánh niệm. Ngoài ra, dễ bị hôn trầm, buồn ngủ. Do đó, phải luôn cử động một bộ phận của thân thể, nương vào đó mà thực tập tỉnh giác.

Trong lúc luyện tập, thân tâm phải nhẹ nhàng, mọi tư thế ngồi đều có thể tốt, chỉ cần cảm thấy thoải mái là được. Lưng phải thẳng, con mắt mở tự nhiên, nhìn về phía trước, nhưng không được nhìn quá xa hoặc quá gần, cũng không được cố gắng tập trung vào một nơi nào đó, tay và chân di chuyển cần nhẹ nhàng, không cần niệm ra tiếng, không cần niệm thầm, cũng không cần phải đếm số hơi thở, chỉ cần để tất cả tự nhiên. Khi vọng niệm đến, không cần để ý , chỉ cần giác biết sự di chuyển của bộ phận cơ thể, khiến cho sự tỉnh giác càng lâu càng tốt.

Khi ngồi lâu, chân sẽ có cảm giác đau đớn, mình có thể thay đổi thế ngồi, nhưng phải giác biết mình đang đổi tư thế ngồi. Khi ngồi lâu đau chân như vậy, không được đối kháng bởi đây là hiện tượng rất tự nhiên, cũng không nên cố gắng chịu đựng, hoặc giả cố ngồi cho thật lâu, nếu làm như vậy sẽ trái với hiện tượng tự nhiên. Bởi vì thân thể của chúng ta là vô thường, vô ngã, do đó không nên khống chế như vậy. Quang trọng là khi thay đổi thế ngồi mình rỏ biết như thật là mình đang thay đổi tư thế, phải luôn luyện tập như vậy.

Cũng vậy, quán chiếu về hơi thở cũng phải thuận theo tự nhiên, không cần cố ý để điều phục hơi thở, không cần cố ý quan sát rỏ. Khi đi cũng vậy, không cần cố đi thật nhanh, cũng không cần cố đi thật chậm, mà chỉ cần đi một cách nhẹ nhàng, chỉ cần thuận theo một cách tự nhiên nhẹ nhàng để thực tập tỉnh giác, không cần cố ý truy cầu, khi vọng niệm đến thì tiếp nhận,và tiếp tục quán chiếu biết rỏ về động tác của thân thể.Nếu chúng ta thực tập như vậy, từ lúc nào không hay, chúng ta sẽ nhận ra được thân và tâm của chúng ta một cách rất dễ dàng,Chỉ cần chúng ta gieo hạt giống đúng, thì sẽ có kết quả như ý. Do đó, cần phải dùng thân tâm nhẹ nhàng tỉnh giác từng động tác của cơ thể mình, nếu trồng hạt giống như vậy, thì sẽ có được phương pháp diệt trừ được khổ đau. Khi thực tập tỉnh giác thuần thục , bất cứ lúc nào tâm thức của mình cũng chuyển biến,chuyển biến từ nặng thành nhẹ, từ tối tăm ra ánh sáng,từ bi và trí huệ tự nhiên hiển lộ.

5. Thời khóa

Muốn có một thân thể khỏe mạnh, thì phải luyện tập mỗi ngày, thực tập chánh niệm tỉnh giác cũng vậy, cần phải có thời gian luyện tập như một ngày, ba ngày hay bảy ngày, cho đến mười ngày, thậm chí suốt cả đời.

Thời gian một ngày: Buổi sáng dành hai giờ giới thiệu về nguyên lí và phương pháp, hai giờ thực tập chánh niệm. Buổi chiều, thực tập chánh niệm hai tiếng, một tiếng trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề thực tập.

Thời gian ba ngày: trước hết sắp xếp cho nghĩ cho thiền sinh. Ngày thứ hai từ năm giờ sáng cho đến chín giờ tối chia thời khóa thực tập. Trong thời gian buổi chiều hay buổi tối phải có một tiếng để giải đáp thắc mắc của thiền sinh. Ngày thứ ba cũng chia thời khóa luyện tập, nhưng trước khi kết thúc ba ngày tu tập , phải có thời gian một tiếng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tu tập.

Thời gian bảy ngày và mười ngày : Sắp xếp chỗ nghĩ cho thiền sinh,trừ hai ngày đầu ổn định sinh hoạt, tất cả những ngày còn lại thực tập tỉnh giác. Đồng thời, trong khóa thiền,mỗi thiền sinh phải luôn trình bày qúa trình thực tập của mình với vị thầy hướng dẫn. Sau khi kết thúc khóa thiền cần phải có thời gian hai tiếng để chia sẻ kinh nghiệm.

Thực tập sau khóa: Do vì tập khí lâu ngày khó thay đổi, nên sau khóa thực tập kết thúc, phải cố gắng thực tập liên tục không để gián đoạn,nếu làm được như vậy, sẽ duy trì được năng lực của tỉnh giác. Để giúp phát triển năng lực của tỉnh giác chúng ta phải cố định thời khóa mỗi ngày một tiếng hoặc nhiều hơn, tùy theo thời gian của mỗi chúng ta.

6. Kết luận

Chúng ta ai cũng muốn sống hạnh phúc, tìm cầu hạnh phúc, nhưng ít ai biết rằng hạnh phúc ở ngay nơi chính mình mà không phải tìm cầu ở đâu khác. Chính vì không hiểu điều này, nên nhiều người khi gặp chuyện trong cuộc sống thì thường tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài, cầu xin thần thánh, nhưng thần thánh vẫn còn bị chi phối bởi phiền muộn khổ đau, vì vậy không thể là nơi nương tựa được và thường không giải quyết được những vấn đề khổ đau của tâm mà mình đang chịu đựng. Đức Phật có dạy rằng: “Hãy an trú nơi hòn đảo chính mình, an trú nơi nương tựa chính mình.” Đoạn kinh đã gởi cho chúng ta thông điệp hãy nương vào chính mình, hãy lấy tự thân làm nơi nương tựa. Do đó, Đức Phật muốn chúng ta thông qua tự thân nỗ lực tu tập, tự mình nương tựa với chính mình, tức là y vào sự tỉnh giác, thực tập tỉnh giác để xem xét căn nguyên của mọi vấn đề, từ đó triệt tiêu phiền não khổ đau.

Mỗi chúng sanh đều có giác tánh thanh tịnh, cũng tức là nói mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, mỗi người trong chúng ta ai cũng có kho báu, nhưng tự thân mình phải khai quật, nếu chúng ta khai quật được kho báu thanh tịnh, thì sẽ đoạn trừ được khổ đau. Chúng ta đi theo bước chân của Đức Phật, hãy cùng đi trên con đường của Phật, con đường đó chính là con đường của tỉnh giác. Bất cứ việc gì chúng ta làm mà không có tỉnh giác thì sẽ tạo ra khổ đau, trái lại nếu chúng ta có tỉnh giác trong việc làm sẽ không làm đau khổ cho mình và người khác. Do đó, để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, đoạn trừ phiền não khổ đau trong cuộc đời, chúng ta phải nỗ lực rèn luyện tỉnh giác, từ sáng cho đến tối luôn quán chiếu về những động tác của chúng ta. Trong đời sống mỗi ngày chúng ta luôn vận động, hãy lợi dụng sự động này mà rèn luyện tỉnh giác, luôn thực tập như vậy, thì trước sau cũng có được kết quả viên mãn.

Nuôi dưỡng giác tính chính là trọng tâm của “giáo dục tỉnh giác”, chỉ có năng lực của tỉnh giác mới có thể đoạn trừ vọng niệm. Cho nên xã hội ngày nay từ các em nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành cho đến các vị lớn tuổi đều cần phải thực tập tỉnh giác, bởi vì tất cả mọi người đều đối diện với khổ đau và phiền não.

Tác giả : Giáo sư Lâm Sùng An

Dịch giả: Thích Chúc Đại

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập