Chết - Hậu táng và vấn đề coi ngày giờ

Đã đọc: 5564           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nhận diện vô thường và vô ngã không chỉ dừng lại là một thái độ nhận thức, mà nên để chúng nẩy mầm trong cuộc sống…

A. Về vấn đề ‘chết’[1]

Chết là một trong tứ khổ, Phạn ngữ gọi là: Catasro duḥkhatāḥ, trong đó là chết [maraṇa] được gọi là khổ [duḥkha] là chuỗi cuối cùng trong tứ khổ (Sanh lão bệnh tử), đây là một khái niệm bình dân mà bất kỳ thợ nề hay người làm mộc nào cũng biết. Có thể họ lạ lẫm trong thuật ngữ tứ khổ, tuy nhiên ‘Sanh lão bệnh tử’ là từ quen thuộc trong đời sống thường nhật phi tín ngưỡng. Có những người không ‘may mắn’ nằm 1 trong tứ khổ (nhưng ở đây là phận rủi chứ chẳng phải là may).

Có những anh nhi chưa kịp mở mắt chào đời mà đã xa mẹ lìa cha; trong nghi thức Chẩn tế cô hồn gọi thành phần này là đoạ thai sản nạn [đoạ thai nghĩa là xảy thai]; cũng có những người còn độ tuổi xuân xanh vác mộng thay đổi sơn hà: Sông Ô giang Hạng Võ bỏ mình, nào có đợi chi đến bệnh (chi thứ 3 trong tứ khổ). Rồi cũng có những người không bệnh mà vong, trong Kinh Dược Sư gọi là hoạnh tử (nghĩa là chết lảng xẹt; chết một cách ngang xương) làm kẻ cô đơn hồn phách mộ phần đồng hoang. Và như vậy, những ai ‘may mắn’ được…nằm chết trong trình tự của mắc xích tứ khổ này cũng là đều ‘hạnh phúc’ trong đời. Tuy nhiên, đức Phật gọi đó là khổ, vì trong cảnh tử biệt sanh ly, ai cũng xót xa đau đớn ngậm ngùi…

Trong Kinh Du Hành số 2 (Trường A-hàm), diễn tả các thầy Tỳ kheo khóc nhào lăn lộn khi nhìn thấy đức Thế tôn sắp đại diệt độ: “Sau khi Phật diệt độ, các Tỳ-kheo buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng: “Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt. Như thân cây lớn, trốc rễ, gãy cành. Lại như con rắn bị đứt khúc, bò trườn, uốn lượn, không biết trườn đi lối nào. Các Tỳ-kheo cũng vậy, buồn đau, vật vã, gieo mình xuống đất, lăn lộn kêu than không tự kềm chế nổi, nức nở mà nói rằng: ‘Như Lai diệt độ sao chóng thay! Thế Tôn diệt độ sao sớm thay! Đại pháp sao chìm lặn sớm thay! Quần sanh mãi suy sụp; con mắt của thế gian đã tắt…”[2]

Để trấn an các đệ tử chưa thoát ly trần cấu và lập lại quan điểm của mình về quy luật tồn vong sinh diệt, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ ôm lòng ưu bi như vậy. Từ trời đất đến người vật, không có cái gì sanh ra mà không kết thúc. Muốn các pháp hữu vi không bị biến dịch, thì không thể nào được. Trước đây Ta đã từng dạy ân ái là vô thường, có hội hợp tất có chia ly. Thân này không phải của mình, mạng này không ở lâu được.”[3]

Như vậy, chết là một quy luật tất yếu phải xảy ra: “Dù cho trốn ở trời cao/Lặng sâu xuống biển chui vào hang sâu/Dù cho trốn ở nơi đâu/Cũng không tránh khỏi tránh móc câu tử thần” (Pháp Cú, phẩm Ác, câu 128). Như vậy, chết là một kết thúc một hành trình trong chuỗi sinh diệt, ở đây có thể tạm gọi là: “Trời đất là quán trọ của muôn vật, thời gian là khách đi qua của trăm đời” (Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ; quang âm giả bách đại chi quá khách. Lý Bạch, Xuân dạ yến đào lý viên tự). Đành rằng, đức Khổng tử nói: “Vị tri sanh, yên tri tử” (Luận ngữ, Tiên tiến 11: 12).[4] Hình như ngài tránh né câu hỏi này “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ” (Chưa phụng sự người sống, sao lại thờ người chết). Tuy nhiên, việc tránh né câu hỏi của Tử Lộ không có nghĩa là ngài bất tri về chúng. Một đoạn khác, ngài nhận định về bản thân: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (Luận ngữ, Vi chính 2: 4) và nhận thức về vũ trụ: “Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sanh yên, thiên hà ngôn tai” (Luận ngữ, Dương hoá: 17: 19). Như vậy, ít ra ngài “tri” được thiên mệnh, nghĩa là nắm bắt được quy luật vận trình của chân lý tự nhiên. ‘Thiên hà ngôn tai’ nghĩa là bất lực trước vấn đề ngôn ngữ, vì chúng diễn tiến như thế. Nếu chúng ta vai mượn tinh thần Kinh Pháp Hoa thì có lẽ là “Pháp nhĩ như thị”, vì người ta không thể tách bóc chân lý đúng bản chất của nó là gì. Thiên-hà-ngôn-tai!

Đành rằng, ngài nói: “Yên tri tử” (làm sao biết được việc chết), nhưng Khổng tử rất đặt nặng vấn đề Lễ - Nhạc, thậm chí đưa chúng lên hàng kinh điển, trong cái gọi là “Lễ” thì việc “ sự tử” là một điển chế hẳn hoi: “Tử sanh tam niên, nhiên hậu miễn ư phụ mẫu chi hoài, phù tam niên chi tang, thiên hạ chi thông tang dã (Luận ngữ: Dương hoá 17: 21) [Người ta sinh ra, ngoài ba năm, cha mẹ mới hết ẳm bồng. Vậy, muốn tỏ lòng biết ơn, cái tang ba năm là tang thông thường của kẻ làm con].[5] Nếu như người ta cho rằng“chết là hết” thì việc tế tự và phụng sự người đã khuất để làm gì! Ít ta, người ta tin tưởng rằng có một thế giới cho người đã khuất, và ai đó đã khuất bóng đi rồi thì họ sẽ nhập tịch vào một cảnh giới của họ. Tuy nhiên việc tế tự và tang ma của Khổng tử không phải ai cũng nhất tề ủng hộ, Mặc tử: một chủ lưu tư tưởng kiêm ái đã đối kháng lại (ông đưa ra 4 quan điểm), trong đó quan điểm thứ 2 nói: “Lại còn tang ma lớn và để lâu, chôn trong quan ngoài quách, tiễn người chết như dọn nhà. Ba năm khóc lóc, phải dìu mới đứng dậy, phải chống gậy mới đi, tai không được nghe gì, mắt không được thứ gì; điều đó đủ mất thiên hạ”.[6] Tuy nhiên, Mặc Địch có lẽ quá đà khi phê phán Khổng gia, nhưng có lẽ không có gì ngạc nhiên vì ông xuất thân từ giới bình dân; tư tưởng của ông hầu hết phục vụ cho thợ nề và võ sĩ lang thang. Vì vậy, tư duy của ông chắn chắn có phần ảnh hưởng từ quán tính ở điểm xuất phát nhất định. Trong khi đó, Khổng tử xuất thân từ gia đình vọng tộc, hơn nữa ngài sinh ra từ việc cầu đảo của mẹ ngài là Nhan Trưng Tại ở miếu Sơn thần. Rồi từ bé ngài hay bài biện trò chơi cúng tế, dâng hương cùng các chúng bạn. Vì vậy, từ thuở lên 3 tuổi ngài đã mồ côi cha, hơn 20 năm sau ngài mồ côi mẹ; cộng với một khả năng có những suy nghĩ khác những bạn bè đồng lứa, vì vậy việc ngài chú trọng việc ‘Lễ’ (trong đó có tang ma) là điều không có gì đáng phàn nàn như Mặc tử cả!

B. Vấn đề tống táng

1. Chu Dịch nói về hậu táng

‘Đám tang thời xa xưa, người ta lấy củi bọc dầy tử thi, rồi đem ra đồng chôn ở đó; không lấp đất lên và không trồng cây [ở đó để ghi dấu]. Thời gian cư tang thì không nhất định. Về sau thánh nhân cải đổi việc đó bằng cách tạo ta quan và quách…”[7]

2. Quan điểm của Mạnh Tử

Mạnh tử nói: “Hồi đời thượng cổ, người ta chưa có lệ tống táng cha mẹ. Khi cha mẹ mãn phần, người ta đem bỏ bên đường mương khe suối […] Hồi thời thượng cổ, người ta lấp đất sơ sài mà chôn cha mẹ, đó là sự đáng khen rồi. Về sau, xã hội có tổ chức, con người trở nên văn minh, thì kẻ hiếu tử, bậc nhân chơn khi tống táng cha mẹ, ắt nên trịnh trọng noi theo lễ phép vậy”[8]

Như vậy, thời thượng cổ (có lẽ Mạnh tử ám chỉ dân tộc của mình) đã có hình thức thổ táng. Ngoài thổ táng người Trung quốc cũng có hoả táng[9] (thổ táng hiện nay cũng còn khá thịnh hành ở một số vùng nông thôn Trung quốc). Trong phim ảnh Hàn quốc, người ta cũng thấy hình thức Thuỷ táng (nhưng chúng chỉ được thực hiện sau khi hoả táng xong). Trong văn hoá của người Ấn giáo, người ta có hình thức Thuỷ táng…đơn giản hơn: để người chết trên một bè cây, rồi thả họ trôi lềnh bềnh trên sông Hằng.[10] Như vậy, mỗi dân tộc đều có văn hoá hậu táng khác nhau, ngay cả trên mảnh đất Trung quốc, người dân tộc Khiết Đan người ta đem tử thi treo trên cây, rồi 3 năm sau họ hạ ‘quan tài’ xuống rồi mới nhặt xương và đốt đi.[11]

2. Nhà Thiền nói về táng sự

2.1 Lục tổ Huệ Năng (638 – 713) nói về táng sự cho bản thân mình

Trong Pháp Bảo Đàn nói: “[…] Các ngươi phải tự hộ trì, sau khi ta viên tịch, chớ nên theo tình chấp thế gian rơi lệ buồn rầu, nhận phúng điếu và để tang, làm như vậy chẳng phải là đệ tử, cũng chẳng phải chánh pháp”[12]

 Về bản thân ngài, là người đạt ngộ Thiền giới thì chắc chắn một thiền sư như ngài không mấy quan tâm việc hậu táng linh đình, ê a tán tụng. Tuy nhiên, đó là việc nhận thức của bản thân ngài chứ không phải thiền sư nào cũng ‘gặp nhau’ trên cầu Thiền quan. Nam Nhạc Hoài Nhượng (677 – 744) là môn hạ của Lục tổ, và Mã Tổ Đạo Nhất (709 – 788) là cao đệ của ngài Nam Nhạc. Từ nhánh thiền của Mã Tổ Đạo Nhất truyền cho Bách Trượng Hoài Hải (720 – 814). Như vậy, ngài Bách Trượng là pháp điệt của Lục tổ (trải qua 4 đời). Và thiền sư Đức Huy – một thiền sư có công lao to lớn trong việc tập thành nên Sắc tu Bách trượng thanh qui là pháp điệt đứng hàng thứ 18 của ngài Bách Trượng, một tác phẩm được biên tu trên nền tảng Cổ thanh qui (của ngài Bách Trượng). Quan điểm về táng sự của Thiền sư Đức Huy như sau:

2.2 Vài điểm ghi nhận vấn đề táng sự của Sắc tu Bách trượng thanh qui của thiền sư Đức Huy

a. Tang phục (hiếu phục) khi một trụ trì qua đời

“Thị giả và các tiểu sư (đệ tử của cố trụ trì) mặc tang phục áo dài (trực chuyết) bằng sô gai, chấp sự tăng hai tự (tức Đông và Tây tự – TCT) mặc tang phục áo dài trực chuyết bằng cỏ gai, người chủ tang và sư huynh tôn trưởng đồng môn của cố trụ trì mặc áo dài trực chuyết bằng vải thô…”[13]

b. Di quan (Di khám)

“Di thể liệm vào quan tài được ba ngày thì đập nấp quan tài lại […] đặt giá móc áo và các loại đồ dùng hằng ngày của cố trụ trì lúc sanh tiền để phụng sự […] Trên bàn đặt phía trước linh vị trần liệt tế phẩm thật là phong phú, lại dùng màn lụa mỏng thả rủ xuống che lại, để cho mọi người tế lễ”[14]

c.  Bố trí bàn thờ - tụng niệm

“[…] Trước quan tài trần liệt bàn, trên mặt bàn đặt lư hương, bình bông, hoa trắng, thắp hương, đốt đèn cầy[15] giữ cho cháy mãi không tắt. Sáng chiều hai lượt cúng trà thang thuỷ cơm cháo cùng tụng kinh. Ngoài ra còn cụ bị cả đèn lồng, chập choả hương hoa, cờ phướn…”[16]

d. Tiến sư và Tuyên pháp ngữ (trong tác phẩm này gọi là treo di ảnh, cử ai và dâng cúng trà thang)

 “[…] Cử hành Phật sự cử ai xong, chủ tang lễ[17] cất tiếng khóc: Ai, ai, ai (buốn thương, buồn thương, buồn thương) thì mọi người cùng khóc theo (cũng khóc ba tiếng ‘Ai, ai, ai’), các tiểu sư (đệ tử của cố trụ trì), đứng sắp hàng dưới màn cũng khóc lóc thảm thiết”[18]

Bốn mục trên (từ a – d) người viết lược trích vài đoạn trong Sắc tu Bách Trượng thanh qui (tất nhiên là còn nhiều nữa) để chúng ta thấy rằng, thái độ nhận thức về táng sự của mỗi Thiền sư khác nhau như thế nào. Tất nhiên, người viết không thể bạo gan so sánh ‘một vấn đề’ nhưng được phát biểu trong ‘hai thời điểm’ khác nhau; trong hai con người khác nhau…Thật là bất kính, ngây ngô và bất toàn làm sao khi đem hai Thiền sư lừng lẫy đem ra ‘tỉ giảo’ như thế này. Tuy nhiên, quan điểm của Thiền sư Đức Huy có thể là lời đề nghị (trong vấn đề này) hơn là một điển phạm thanh qui: nghĩa là buột phải thi hành: “Sắc tu Bách Trượng thanh qui hiện tại vẫn mang tính tuyệt đối quyền uy trong việc trị lý tự viện[19] […] Bất kể là ở tình hình nào thì các tự viện trứ danh đều tuyệt đối không dung thứ bất cứ ai làm ngược lại quy định của Sắc tu Bách Trượng thanh qui”[20] Tuy nhiên, gò ép một sự xúc cảm để quy chúng là một điều bắt buộc là điều ‘làm ngược lại’ với tự nhiên (và vi phạm – can thiệp vào....quyền được...xúc cảm!)

C. Vấn đề chiêm bốc và ‘trạch nhật’ cho người đã chết

Trong Kinh Sa-môn quả số 2 của Trường Bộ I đức Phật khuyên các tỳ kheo tránh xa những tà hạnh như xem tướng, bói quẻ: “Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hạt cải v. v... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn vị ấy thì tránh xa những tà hạnh kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.”[21] Trong kinh văn này (và hầu hết các kinh văn khác) đức Phật không đưa ra quan điểm phủ nhận việc bói toán chiêm tinh là những việc làm nhảm nhí và vô bổ, nhưng đó là nghề tà mạng và phi Phạm hạnh của một Tỳ kheo đúng nghĩa.[22]

Đó là hai vấn đề khác nhau và không nên hời hợt vội quy kết việc bói toán hay dự triệu là những trò hề.

Có một điều cũng khá ngạc nhiên là trong Sắc tu Bách Trượng thanh qui cũng khá coi trọng việc ‘chọn ngày lành tháng tốt’. “Phàm hành giả mới nhận được độ điệp, dùng mâm gỗ có nắp đậy bằng vải đựng tờ độ điệp trình bổn sư của mình và lưỡng tự Đông – Tây xem. Tại các nơi đều phải thắp hương (nhang) lại kính ba lạy, chọn ngày lành tháng tốt, bày biện cúng phẩm, cử hành nghi thức cạo đầu...[...] Chọn ngày lành tháng tốt đã xong, tức cách ngày đó một đêm cạo đầu...”[23]

Mặc dù trong nguyên tác chỉ nêu hai chữ 選日 (tuyển nhật: chọn ngày). Tuy nhiên, hai dịch giả tài hoa thực sự không thêm thắt, mà ngược lại làm cho dịch ngữ mềm mại và rõ nghĩa hơn. Rất có thể Sắc tu Bách Trượng thanh qui cũng khá coi trọng ‘lương nguyệt kiết nhật’ cho nên việc chọn người quản lý nông/trang trại được Sắc tu Bách Trượng thanh qui đề xuất hai phương pháp: hiệp thương công cử hoặc dùng Kinh Dịch (qui chiêm) xủ quẻ để tuyển chọn. Tác phẩm này nói: “Thảng hoặc có được cần cựu liêm chính phò giúp trụ trì, công khai việc đề bạt, lượng tài cán mà bổ dụng, hoặc giả phải dùng đến biện pháp trước đại chúng giở sách ra bói chọn người sung chức này”[24]

Như vậy, chọn người đúng việc thông qua qui chiêm được thanh qui này sử dụng không phải là sự tuỳ tiện và…phương tiện ngẫu nhiên. Kinh Dịch có vị trí quan trọng trong cấu hình tư tưởng của người Trung quốc. Vì vậy, chúng mang lại sự tin tưởng gần như...tuyệt đối ắt có lí do của nó.[25]

Hầu như không có một dân tộc nào không có loại hình chiêm bốc (hoặc tương tự) trong văn hóa phong tục. Truyền sử kể rằng, khi thái tử Tất-đạt-đa giáng sinh, vua cha đã mời một tiên nhân chiêm bốc ở Bắc Ấn đến xem tướng cho thái tử….

 Như vậy, có thể nói rằng việc chiêm tinh bói quẻ là để thỏa mãn hay giải tỏa những mối nghi ngờ của bản thân (hay cho tập thể) thông qua việc ‘lắc lắc’ để trắc nghiệm ý chí của thần thánh là hung hay kiết. Mà hễ quẻ ứng là tốt (nghĩa là thần thánh cho một kết quả là X hay phi X) thì lúc này kinh nghiệm và tư duy cá nhân sẽ được nhường lại cho lời quẻ. “Dù vua tôi hay dân chúng không bằng lòng, nhưng khi bốc phệ cho là tốt thì sự việc hoài nghi đưa ra xem bói ấy vẫn tốt”[26]

Trong vòng tròn nghi lễ đời người (cụ thể như quan [đội mũ] hôn tang tế) dường như  vấn đề bốc phệ chạy dạy từ vạch xuất phát đến nơi ‘an nghỉ cuối cùng’. Thật ra, nói là ‘cuối cùng’ nhưng người chết phải trải 18 công đoạn[27] trong nghi lễ tang ma (từ phủ liễm: liệm xác đến tang phục: qui định về hình thức hiếu phục và thời gian cư tang). Trong đó (tức 18 công đoạn) thì công đoạn thứ 12: vu bốc trạch triệu táng nhật (nhờ thầy bói chọn ngày hạ táng và vị trí ngôi mộ) được xem là vấn đề tiên quyết về nơi ‘an nghỉ cuối cùng’. Vì vậy, coi ngày cho người đã khuất không phải là việc làm tùy tiện, vì chúng là loại hình văn hóa – tín ngưỡng – phong tục hẳn hoi. Mặc dù trong Kinh Sa-môn quả số 2 (xem phần C ở trên) đức Phật phê bình những Sa-môn và Bà-la-môn đã ăn của tín thí nhưng lại ‘cưu mang’ hành nghề dự triệu để sinh nhai. Tuy nhiên, nếu chúng ta ứng dụng phương tiện này (tức vấn đề vu bốc) trong sự tiếp thu có chọn lọc, và đặc biệt là thái độ tiếp cận phương diện này nhằm hợp lưu văn hóa – tín ngưỡng bản địa và tôn giáo thì không phải là điều đáng lên án. Vì vậy, việc coi ngày giờ (thậm chí là nghiên tập về chúng) không thể róc bỏ trong phương tiện hành đạo. Nhưng nếu lạm dụng và ngụy trang – quá đà trong phương tiện thì chúng ta có thể ‘dự đoán’ họ đi về đâu trong chánh pháp.

D. Tạm kết

Trong Kinh tứ thập nhị chương, chương 38 nêu: “Phật hỏi vị Sa-môn rằng: ‘Mạng người sống chừng bao nhiêu lâu’? Thưa rằng: ‘Trong vài ngày’ […] Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác nữa: ‘Mạng người sống chừng bao lâu’? Thưa rằng: ‘Trong một hơi thở’. Phật khen: ‘Hay lắm! Ông mới là hiểu đạo’.[28] Như vậy, mạng sống con người được in qua hơi thở. Có gì là ‘hưởng thọ’ hay ‘hưởng dương’ trong vũ trụ bao la này? Người ‘trơ gan’ cùng tuế nguyệt: 800 tuổi như Bành Tổ cũng chỉ là 1 mm trong lũy thừa mũ en-nờ của thời gian. Trung quốc có câu ngạn ngữ: Hoa vô thập nhật hồng (hoa tươi không quá mười ngày); cái tuổi xua đuổi cái xuân xanh. Trời bình minh thì phải chiều tà, lá úa tiềm phục từ thuở lá còn xanh…

Nhận thức và đối diện vô thường, vì vậy người đạt ngộ thấy việc sinh tử là chuyện bình thường thôi (Sinh tử nhàn nhi dĩ). Nếu đã xem sinh tử là nhàn thì bận lòng chi mộ táng nơi nào để tử điệt trường xuân. Nhân quả thì không thể vai mượn và nghiệp sẽ là cánh buồm đưa chúng ta ‘đi về’ trong tương ứng.

Nếu người thân chẳng may chết trùng hoặc lọt vào khung ‘mặc định’: Càn phạm hung thần gia chủ nguy cũng không có gì sợ hãi. Một người đã khuất nếu lúc sinh tiền thích chơi đánh banh: nếu họ tung một quả banh ở chiều cao bao nhiêu mét thì bây giờ chúng rơi về bấy nhiêu mà thôi. Việc chọn ngày giờ kiết trong an táng hay ‘tinh tuyển’ mộ phần vào nơi đắc địa thì khả năng này mang lại khá mong manh trong nhân quả. Thậm chí, việc lập đàn cầu đảo cho người đã khuất chỉ mang lại một phần trong bảy phần (theo Kinh Địa Tạng) mà thôi. Người còn sống không thể mua bảo hiểm cho người đã khuất trong việc đầu tư cầu nguyện.[29] Nhân quả của nghiệp và sự tương tác của chúng tự động sinh ra lãi suất theo…qui định.

Nhận diện vô thường và vô ngã không chỉ dừng lại là một thái độ nhận thức, mà nên để chúng nẩy mầm trong cuộc sống…

Gá nhờ bốn đại gọi là thân

Tâm vốn không sinh bởi cảnh trần

Cảnh trước nếu không tâm nào có

Tội, phúc chiêm bao khởi lại tan[30]

 


[1] Trong Hán văn cổ có nhiều từ đặc tả vấn đề chết, thí dụ: 死、亡、沒 đều có nghĩa là chết hay từ trần (nghĩa Việt ngữ). Tuy nhiên, trong Hán cổ thì nếu vua chết gọi là 崩 [băng] hay 殂 [tồ]; chư hầu chết gọi là 薨[hoăng]; đại phu chết gọi là 卒[tốt] ; kẻ sĩ chết gọi là 失祿 [thất lộc]. Theo Lê Anh Minh, Chu Dịch Đại Truyện. 2011. HN: NXBKHXH, trang 137 (Hệ từ hạ). Nếu là người theo đạo Phật, một khi họ qua đời thì thông thường gọi là  vãng sanh; còn các vị Hoà thượng, Thượng toạ chết để là viên tịch.

[2] Tuệ Sỹ dịch – chú, Trường A-hàm. 2008. TPHCM: NXB Phương Đông, trang 185 (Mục 35, Thiên nhân thống thiết)

[3] Tuệ Sỹ dịch – chú,  Sđd, trang 123 (Mục 16, Công bố quyết định nhập diệt)

[4] Chưa viết được việc sống, làm sao biết được việc chết. Câu này đôi lúc người ta được chèn thêm chữ ‘Yên 焉 trước chữ  ‘năng tri tử’ . Nhưng có thật là Khổng tử không biết gì về việc chết hay không? Chu Dịch đại truyện (Lê Anh Minh dịch, Sđd, trang 51, Hệ từ thượng) nói: “Thánh nhân ngước lên quan sát hiện tượng trên trời, cúi xuống quan sát các hình thể dưới đất, cho nên biết nguyên do của sáng và tối. Các ngài suy cứu cặn kẽ từ khởi đầu đến kết thúc của vạn vật, cho nên biết giải thích về sống chết…”. Hai chữ thánh nhân đây không phải là phiếm chỉ bất định, mà hầu hết dành cho vua Nghiêu, Thuấn, Vũ hay Chu Công, một ‘điển hình’ mà Khổng tử rất hâm mộ. Hơn nữa,  từ Văn ngôn đến Hệ từ đều có ‘Tử viết’. Mặc dù ngài nói: 子曰:述而不作,信而好古,竊比於我老彭。 ‘Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu [好: hiếu: 廣韻 [呼到切]去號] cổ; thiết tỉ ư ngã lão Bành’ (Luận ngữ - Thuật nhi 7: 1) [Khổng tử nói: Ta tường thuật lại [truyền lại cho đời sau] chứ không sáng tác, ta tin tưởng và hâm mộ đạo lí người xưa; ta trộm ví mình với ông Bành Tổ]

[5] Đoàn Trung Còn, Tứ Thư – Luận ngữ.  2006. Huế: NXB Thuận Hoá, trang 280 – 281, chỗ in đậm là nhấn mạnh của người trích dẫn (HLT)

[6] Lê Anh Minh, Lược sử triết học Trung Quốc. 2010. TP.HCM: NXB ĐHSP.TPHCM, trang 66

[7] Lê Anh Minh dịch và chú, Chu Dịch đại truyện. 2011. HN: NXBKHXH, trang 147 (Hệ từ hạ)

[8] Đoàn Trung Còn, Tứ Thư – Mạnh Tử. 2006. Huế: NXB Thuận Hoá, trang 179

[9] “[…] hoả táng bắt đầu có từ  Xuân thu. Đến đời Tống, tương đối phổ biến”. Nhiều người dịch, Đại cương lịch sử văn hoá Trung quốc. 1994. TP.HCM: NXBVHTT, trang 125

[10] Pháp uyển châu lâm (quyển 7) nói: “依如西域葬法有四。一水漂。二火焚。三土埋。四施林 [Tạm dịch: Theo phong tục người Tây vực có 4 hình thức hậu táng: một là thuỷ táng (thả xác chết trên sông cho trôi bềnh bồng); hai là hoả táng; ba là Thổ táng (chôn) và bốn là khiêng xác chết bỏ vào rừng (lâm táng hay điểu táng)] Dẫn: Đại Tạng Kinh tập 53, No. 2122, trang 999b

[11] Nhiều người dịch, Sđd trang 125

[12] Thích Duy Lực, Chư kinh tập yếuKinh pháp bảo đàn. 1993. TP.HCM: THPG/TP.HCM ấn hành, trang 250, đoạn in đậm là nhấn mạnh của người trích dẫn (HLT)

[13] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng đồng dịch, Sắc tu Bách Trượng thanh qui I. 2008. TP.HCM: NXB Phương Đông, trang 348

[14] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập I, trang 351

[15] Trong Tỉ giảo Tôn giáo học của Thích Thánh Nghiêm (Đài Loan Trung Hoa thư cục ấn hành, THDQ năm thứ 570), chương V: Trung quốc đích tôn giáo, trang 131 nói: “香燭紙錢,今之一般人以爲是信仰佛教的標誌, 其實在此三事中, 佛教衹用香之一事。佛教雖主張以明燈供佛, 卻未言蠟燭, 而稱油燈…” [Dịch: Ngày nay, nói chung người ta đều cho rằng: ‘Nhang, đèn, giấy tiền vàng mã’ thuộc về biểu hiện tín ngưỡng Phật giáo, nhưng thật ra trong ba vấn đề trên thì giới Phật giáo chỉ dùng duy nhất là hương (nhang) mà thôi. Đành rằng, giới Phật giáo có chủ trương dùng đèn để cúng Phật, nhưng chưa từng đề cập là sử dụng đèn cầy, mà chỉ nói đến đèn dầu mà thôi]. Đoạn gạch chân là nhấn mạnh của người trích dẫn (TCT chú)

[16] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập I, trang 351 – 352

[17] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập I, nói: “Phàm người chủ tang phải là bậc lão thành danh đức” trang  343

[18] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập I, trang 355

[19] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập II, trang 33

[20] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập II, trang 34

[21] Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh I. 2005. HN: NXB Tôn giáo, trang 129, đoạn 56

[22] “恒修淨命不行咒術醫藥占卜諸邪命事: Thường xuyên tu hạnh thanh tịnh, không được làm các nghề tà mạng như luyện chú, luyện đan, chiêm bốc…[Dẫn: Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, quyển  515 (Phẩm Bất thối tướng, phần 3, thứ 22. Đại Chính Tạng tập 7, No. 220, trang 630b)

[23] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập II, trang 55, 56.

[24] Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng, Sđd tập I, trang 477, đoạn in đậm là chỗ nhấn mạnh của người trích dẫn (HLT)

[25] Hệ từ thượng nói: “[…] Xem xét cái phức tạp, tìm tòi cái bí ẩn, thu lấy điều thâm sâu, suy ra điều xa xôi; qua đó xác định việc cát hung trong thiên hạ và tựu thành những nỗ lực lớn trong thiên hạ, không gì bằng phép bói cỏ thi và phép bói rùa”. (Theo Lê Anh Minh, Sđd, trang 112) 

[26] Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh, Kinh Dịch và cấu hình tư tưởng Trung quốc. 2006. HN: NXBKHXH, trang 721 (phần III, Phép bói của người Trung quốc ngày xưa)

[27] Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh, Lịch sử văn minh và các triều  đại Trung quốc. 2004. TP.HCM: NXBTH/TP.HCM, trang 148, 149 (phần: Nghi thức tang lễ)

[28] Thích Hoàn Quan, Phật tổ ngũ kinh. 1995. TP.HCM: THPG.TP/HCM ấn hành, trang 275 – 276

[29] Trong Trung quốc Phật giáo doanh liên tinh tuyển. 1997. Bắc Kinh: Yến Sơn xuất bản xã, trang 120 nêu hai câu đối ở điện Bồ-tát (tác phẩm không nêu là hai câu đối được tôn trí vị Bồ-tát nào) tại Thành phố Hoắc Châu ( 霍州) tỉnh Sơn Tây có  hai câu đối: 經懴可超生難道閻王怕和尚. 紙錢能贖命分明菩薩是贓官 (nguyên tác là giản thể, người viết đánh phồn thể cho dễ đọc. Phiên âm như sau: Kinh sám khả siêu sinh, nan đạo Diêm vương phạ Hoà thượng/Chỉ tiền năng thục mệnh, phân minh Bồ-tát thị tang quan. Tạm dịch: Tụng kinh bái sám mà làm cho người mất được siêu sinh thì chẳng lẽ ông Diêm vương ‘rét’ ông Hoà thượng/ [Còn nếu] Đốt giấy tiền vàng mã mà mua được tính mạng thì rõ ràng Bồ-tát thì vị quan tham). Vế thứ 2 của câu đối, tác giả đã phê phán Phật giáo thuần tín ngưỡng quần chúng. Tuy nhiên câu đối này đã gán ghép Bồ-tát vào ‘giấy tiền vàng mã’ là sự sai lầm căn bản về nhận thức Phật giáo

[30] Như Sơn trước, Tuệ Hải dịch, Ngự chế Thuyền điển thống yếu kế đăng lục. Mất năm xuất bản, trang 13

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Hư Trúc 16/10/2011 11:07:41
Kinh Thiên Địa Bát Dương có câu như thế này: "Sinh bất trạch nhật, tử bất trạch nhật, hà huống tẩn táng tất vân lương thần kiết nhật, nhiên thỉ tẩn táng" tức la sinh không chọn ngày, chết không chọn ngày, tại sao lúc tẩn liệm, an táng phải xem ngày, coi giờ rồi mới tẩn táng. Dù có người nói là kinh này được sáng tác ở Trung Hoa, nhưng mấy câu trên nghe có vẻ hợp đạo lắm.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập