Hoạt động giáo dục Phật giáo: đôi điều suy nghĩ

Đã đọc: 2870           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngành giáo dục Phật giáo nếu nhìn từ sơ đồ, cơ cấu tổ chức trường lớp thì ta thấy rất bài bản gồm các cấp bậc từ thấp đến cao. Thấp nhất là Lớp sơ cấp, đến Trường trung cấp (cơ bản), Lớp cao đẳng, và Học viện (hay đại học) Phật giáo. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, ta lại thấy có những điều bất ổn (nhưng lại phản ảnh sự linh hoạt của chư tôn đức ngành giáo dục nhằm đối phó với cơ chế).

Đã 30 năm trôi qua, kể từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một khoảng thời gian không quá ngắn nhưng cũng không quá dài cho sự củng cố và phát triển PGVN nói chung và ngành giáo dục Phật giáo nói riêng. Nói là 30 năm nhưng thực chất chỉ hơn phân nửa thời gian ấy Phật giáo hoạt động tương đối chính thức. Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục Phật giáo là một thách thức lớn. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không phải nằm ở thời gian mà là chính sách phát triển và phương thức đổi mới giáo dục Phật giáo. Đến nay, ngành giáo dục Phật giáo vẫn chưa có mô hình giáo dục phù hợp với sự phát triển của thời đại. Đó là một trăn trở lớn của Giáo hội, của Ban giáo dục và cả những người học Phật. Những trở lực nào đã làm trì trệ nền giáo dục và hướng đi nào để đáp ứng sự đổi mới?

Tình hình chung và vai trò giới hạn

Sau khi đất nước thống nhất, nền chính trị nước nhà quy về một mối và chi phối mọi sinh hoạt trong xã hội. Phật giáo cũng không phải là ngoại lệ. Ngành giáo dục Phật giáo tạm thời ngừng nghỉ và những thành tựu của nó trước năm 1975 bị gác lại hay chuyển mục đích sử dụng. Đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập thì các ban ngành mới được chính thức hoạt động dưới sự quản lý của Ban tôn giáo và sự giám sát của các ban ngành khác. Nhiệm vụ của giáo dục Phật giáo được trao cho một ban gọi là Ban giáo dục tăng ni. Tên của ban này đã xác định rõ là đối tượng của giáo dục Phật giáo chỉ gồm tăng ni, tức là giới hạn vai trò vốn có của Phật giáo là giáo dục mọi đối tượng có nhu cầu học Phật. Cái tên của ban này cũng làm nhiều người hiểu là chỉ có tăng ni mới cần được giáo dục, còn những đối tượng khác thì đã hoàn thiện. Từ đó đến nay, ban này nỗ lực hoạt động trong giới hạn của mình nhằm cung cấp nhân sự tài đức để đưa con thuyền Giáo hội đi lên. Những nỗ lực ấy đã đem đến những kết quả đáng kể, nhất là con số trường lớp được thành lập và tăng ni tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực có thể sử dụng được sau khi đào tạo thì dường như chưa có số liệu thống kê đánh giá. Ta hãy nhìn lại hệ thống tổ chức giáo dục để suy luận thành quả của nó ra sao.

Những bất cập của hệ thống giáo dục

Hệ thống trường lớp

Ngành giáo dục Phật giáo nếu nhìn từ sơ đồ, cơ cấu tổ chức trường lớp thì ta thấy rất bài bản gồm các cấp bậc từ thấp đến cao. Thấp nhất là Lớp sơ cấp, đến Trường trung cấp (cơ bản), Lớp cao đẳng, và Học viện (hay đại học) Phật giáo. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, ta lại thấy có những điều bất ổn (nhưng lại phản ảnh sự linh hoạt của chư tôn đức ngành giáo dục nhằm đối phó với cơ chế). Theo quy định trên thì hệ thống trường lớp phải được áp dụng đồng bộ trên toàn quốc. Thế nhưng, thực tế thì chỉ có một số tỉnh thành có lớp sơ cấp được mở với lý do đào tạo như lớp gia giáo tại chùa nhằm bồi dưỡng kiến thức cho tăng ni trong khi chờ đợi vào trung cấp. Khi tốt nghiệp trung cấp, tăng ni muốn tiếp tục học cao hơn thì hoặc là thi tuyển vào Học viện hoặc vào thẳng Lớp cao đẳng. Nói là Lớp cao đẳng mà không phải là Trường cao đẳng vì nó thực chất là trung cấp nối dài, trực thuộc Trường trung cấp. Ý tưởng này là do chư tôn đức thương tưởng tạo điều kiện cho tăng ni có cơ hội trau dồi thêm kiến thức chuyên môn Phật pháp. Đến cấp cao nhất trong Phật giáo là đại học thì nó cũng bị giới hạn ở mức cử nhân. Hiện tại đại học Phật giáo mới bắt đầu đào tạo sau đại học nhưng mang tính chất nội bộ. Dẫu sao cũng đáng khích lệ.

Chương trình đào tạo

Vì hệ thống trường lớp không đồng bộ nên chương trình giảng dạy ắt hẳn là không thể thống nhất về nội dung. Mỗi trường đưa ra chương trình đào tạo riêng và sự phân chia nội dung tất nhiên theo quan điểm của bổn trường. Khi hết trung cấp, tăng ni muốn đậu trong kỳ thi tuyển vào đại học Phật giáo thì phải nắm bắt thông tin, và tìm hiểu nội dung ôn thi thì mới có hy vọng cao. Lý do là nội dung đề thi tuyển sinh có khi chẳng ăn nhập gì với nội dung đã từng học dưới các Trường trung cấp nhất là môn việt văn và ngoại ngữ.

Thời gian tuyển sinh đào tạo

Theo quy định hiện nay, thời gian học sơ cấp là 2 năm, trung cấp 4 năm, cao đẳng 3 năm, học viện 4 năm. Một tăng ni sinh muốn hoàn tất chương trình cử nhân phải mất 10 năm liên tục, và hoàn tất cao đẳng phải mất 9 năm. Nếu tăng ni là ấu niên xuất gia, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học vào học ngay chương trình Phật học thì chí ít 28 tuổi mới có cử nhân Phật học. Trường hợp tăng ni vừa học hai chương trình Phật học và thế học thì thời gian hoàn tất cử nhân có thể ngắn hơn nhưng chắc chắn không bảo đảm chất lượng, phần lớn xem nhẹ Phật học. Nếu những vị xuất gia muộn thì cứ như thế tính ra sẽ biết tuổi tốt nghiệp.

Điều đáng nói là các trường Phật học không chiêu sinh hàng năm mà cách 2 hay 4 năm một lần, cụ thể là 2 năm đối với sơ cấp, 4 năm hay hiện tại có nơi 2, 3 năm đối với trung cấp, 4 năm hay hiện tại là 2 năm đối với đại học. Nếu tăng ni học xong sơ cấp mà trung cấp đã khai giảng rồi thì phải chờ 4 năm sau hay hiện tại là 2 năm; đại học cũng tương tự. Thế thì thời gian cho một tăng ni tốt nghiệp cử nhân Phật học theo quy định hiện nay chí ít cũng phải trên dưới 30 – một độ tuổi quá già đối với trình độ ấy so với sinh viên bên ngoài chỉ khoảng 22 – 23.

Nhân sự điều hành, giảng dạy

Do đặc thù của Phật giáo nên nhân sự Phật giáo thường kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Tuy nhiên, một vị hiệu trưởng mà không làm việc toàn thời gian cho trường lớp là điều đáng quan ngại cho sự giáo dục. Nếu vì lý do tế nhị là cơ chế thì chí ít vị phó hiệu trưởng thường trực phải là người làm việc toàn thời gian cho trường lớp. Nhìn vào quỹ thời gian làm việc người ta có thể thấy được phần nào chất lượng giáo dục. Đối với giáo thọ, họ phải có giáo án và kinh nghiệm giảng dạy nhất định. Nên có hợp đồng và trả lương phù hợp cho họ thì họ mới làm tốt. Nếu áp dụng chế độ công quả thì rất khó điều hành hiệu quả trường lớp. Rất tiếc, đây là cách làm hiện nay của giáo dục Phật giáo.

Chỉ tiêu tuyển sinh

Một trong những điều trường lớp quan tâm là số lượng tăng ni đăng ký học. Chưa có một quy định nào về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường Phật học. Những thành phố lớn thì sĩ số vài trăm tăng ni trong khi các tỉnh xa thì chỉ chưa đầy 30 vị. Một lớp học với sĩ số gần 200 cùng học chung tại giảng đường và một lớp học chỉ hơn 20 vị thì được cho là đủ tiêu chuẩn trường lớp không!? Một số tỉnh cũng thích mở trường nhưng tăng ni không đủ nên phải vận động mọi lứa tuổi cho đông. Đây thực sự là gánh nặng cho các vị giáo thọ và chất lượng giáo dục.

Tiêu chuẩn đánh giá

Nói về đánh giá học tập thì thật nhiêu khuê vì chưa có tiêu chí đánh giá nào được áp dụng chung. Hầu hết đều do trường và cụ thể là do chính vị giáo thọ đánh giá. Không ai dám chắc là sự đánh giá của các vị là chính xác là đáng tin cậy trừ những bậc giáo thọ có kinh nghiệm về sư phạm. Trình độ trung cấp mà kiểm tra đánh giá chỉ bằng bài luận cuối khóa thì e rằng chưa ổn bởi họ cần kiểm tra thường xuyên và với hình thức trắc nghiệm kiến thức nữa. Trình độ cử nhân mà làm tiểu luận trên 4000 từ hay trên 10 trang A4 là quá giỏi. Một học kỳ làm khoảng 5 tiểu luận là bằng luận văn cử nhân rồi. Sau 4 năm học, họ sẽ rất giỏi nếu như đó là sản phẩm thật sự của họ. Chúng ta thật khâm phục các vị giáo thọ đã chịu khó hướng dẫn và đọc hết bài của sinh viên!?

Quản lý giáo dục

Có thể nói quản lý giáo dục Phật giáo là thiếu chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn hợp tác. Ở xã hội, ngành giáo dục quản lý từ bộ, xuống sở, rồi phòng sau đó là các cơ sở trường lớp. Từ đó, các chức vụ được bổ nhiệm như bộ trưởng, giám đốc sở, trưởng phòng, hiệu trưởng…để quản lý hoạt động giáo dục. Ở cấp tỉnh, do có nhiều trường học từ thấp đến cao nên mới có sở quản lý và sở chịu sự quản lý cấp cao hơn. Nếu như trong một tỉnh chỉ có một trường hay không có trường nào liệu các chức vụ ấy được đưa ra không. Chắc chắn là không. Thế mà trong Phật giáo lại có. Có nhiều tỉnh không có trường lớp Phật giáo nhưng vẫn có trưởng ban giáo dục tăng ni. Những nơi có trường Phật học thì đúng ra hiệu trưởng phải kiêm trưởng ban giáo dục tăng ni nhưng một số tỉnh thì không như vậy. Không biết các vị trưởng ban giáo dục tăng ni nơi không có trường Phật học và nơi có trường nhưng đã có hiệu trưởng, tiến hành giáo dục tăng ni bằng cách nào. Có cần cơ cấu đầy đủ các ban ngành cho tất cả các tỉnh thành không và cơ cấu để làm gì!?

Việc quản lý và lưu trữ hồ sơ của các trường Phật học cũng là điều đáng quan tâm. Ngoại trừ các trường đại học quản lý hồ sơ sinh viên tương đối tốt nhưng chưa có mã số sinh viên hay chỉ cấp cho các khóa học mới đây, hồ sơ tăng ni sinh ở các Lớp cao đẳng, và Trường trung cấp không ai biết được ngoại trừ chính trường ấy. Kết quả là tăng ni muốn chuyển trường khó mà chuyển được và bằng thật học giả là điều có thể đoán được. Hơn nữa, trong khi Giáo hội quy định tăng ni trụ trì phải đủ các điều kiện trong đó có yêu cầu văn bằng Phật học thì việc tiêu cực xảy ra là rất dễ hiểu. Muốn truy nguồn gốc bằng thật giả thì khó mà tìm được bởi cơ quan quản lý đâu có nắm hồ sơ lưu trữ.

Quan hệ hợp tác

Về nội bộ Phật giáo thì các trường không có sự liên kết nhau nên không thể trao đổi sinh viên lẫu nhau hay sinh viên muốn chuyển trường cũng không được. Về đối ngoại thì các trường đại học bên ngoài không công nhận văn bằng của ta trong khi một số nước quanh ta thì họ chấp nhận. Đó là một nghịch lý và là một sự bất công mà Phật giáo cần phải tranh đấu đòi hỏi quyền lợi cho sinh viên của mình.

Đổi mới hệ thống giáo dục

Củng cố hệ thống giáo dục

Giáo dục Phật giáo mạnh trước hết hệ thống trường lớp phải đồng bộ và thống nhất từ trên xuống dưới trong cả nước. Khi đã phân chia rõ ràng từng cấp bậc cụ thể thì sẽ dễ dàng định hướng nội dung chương trình cho từng cấp. Trong khi định hướng nội dung đào tạo, các nhà soạn thảo sẽ đưa ra mô hình đào tạo sao cho thích hợp theo nhu cầu của Phật giáo và xã hội. Có 2 mô hình phổ biến:

Một là đào tạo theo mô hình truyền thống khép kín mang tính chuyên môn Phật giáo dành cho những ai chuyên nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Thời gian 10 năm là đủ, sau đó tăng ni vừa nghiên cứu vừa trau dồi thêm tùy điều kiện riêng.

Hai là đào tạo theo mô hình tương đương với đại học thế tục. Những ai đáp ứng đủ những điều kiện về tuyển sinh thì đều được tham gia thi tuyển. Thời gian đào tạo như các đại học thế tục. Mô hình này đang còn trong giai đoạn tranh luận, chưa thống nhất.

Trong khi tăng ni tốt nghiệp phổ thông trung học có quyền thi tuyển vào các trường đại học thế tục thì đại học Phật giáo lại không chấp nhận. Làm như thế, vô hình trung, giáo dục Phật giáo đẩy con em mình ra ngoài để họ hòa mình vào thế tục. Lý luận rằng họ chưa đủ trình độ Phật học thì cứ đánh giá trình độ họ một cách công bằng và khoa học. Còn cho rằng họ chưa trải qua thời gian học tập cấp dưới nên bản chất người tu chưa thuần, dễ ngã mạn thì không thuyết phục bởi đâu phải ai cũng như vậy và cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh như thế. Vả lại, để tăng ni học ở các đại học thế tục thì họ không ngã mạn và thuần thục sao!?

Khi đã xác định mô hình đào tạo rồi thì bước tiếp theo là quy định về điều kiện thành lập trường lớp, quy chế đào tạo. Nếu ta không đủ quyền quy hoạch trường lớp thành các cụm thì ta đưa ra các quy định về tiêu chí trường lớp, chỉ tiêu chiêu sinh. Tỉnh thành nào đáp ứng điều kiện thì mở trường lớp, không thì tự giải thể hay sáp nhập vào các tỉnh thành lân cận để tạo thành cụm.

Về chiêu sinh hay tuyển sinh, nên mạnh dạn thực hiện hàng năm. Có thể ta giảm chỉ tiêu tuyển sinh thấp xuống nhưng tuyển sinh hàng năm thì vẫn đảm bảo số lượng sinh viên. Ví dụ: thay vì Học viện 2 năm tuyển sinh một lần lấy số lượng 600 sinh viên thì cứ mỗi năm tuyển sinh 1 lần lấy 300 sinh viên. Làm như vậy vừa giúp tăng ni bớt chán ngán chờ đợi, giữ được đà hứng thú học tập; vừa tạo cơ hội cho sinh viên nợ môn học có thể trả nợ sớm bằng cách theo học với khóa mới. Các trường trung cấp cũng phải tương tự như vậy. Điều này sẽ rất khó khăn cho các trường trung cấp vì đụng chạm tới lợi ích riêng của họ nên khó thực hiện nhưng đó là con đường phải đi nếu muốn đổi mới.

Để quản lý và tạo điều kiện cho tăng ni học tập thật sự thì các trường phải lưu trữ hồ sơ và trình lên ban giáo dục quản lý. Mỗi sinh viên phải có mã số, khóa học. Khi cần thiết tra cứu thì chỉ cần gõ vào địa chỉ của ban giáo dục là có thể biết thông tin cần thiết. Quản lý tốt sẽ hạn chế tình trạng không đáng có trong ngành giáo dục.

Biên soạn chương trình đào tạo khung

Sau khi đã có mô hình thì việc tiếp theo là biên soạn giáo án theo mô hình ấy. Điều này đã có nhiều ý kiến cụ thể rồi nên ở đây không bàn thêm.

Một điều cần lưu tâm khi soạn thảo là phải có chương trình thực hành bắt buộc với chuyên ngành đào tạo thường gọi là thực tập, khảo sát thực tế…Học lý thuyết mà không hướng dẫn thực hành thì trái với tôn chỉ Phật giáo là ‘tri hành hợp nhất’.

Chọn lựa nhân sự điều hành, giảng dạy

Nhân sự là nhân tố quyết định sự thất bại hay thành công của mọi tổ chức và trường lớp Phật giáo cũng không ngoài quy luật ấy. Nhân sự điều hành trường lớp phải là những người trực tiếp làm việc toàn thời gian cho giáo dục và có khả năng chuyên môn. Nếu nhân sự không chuyên môn và chỉ làm việc bán thời gian cho giáo dục thì sự thành công của trường lớp khó có hy vọng. Thành công ở đây là thực sự chứ không phải hình thức.

Về giáo thọ giảng dạy, Phật giáo chưa có cơ chế biên chế như nhà nước nên ta cứ hợp đồng rõ ràng, thời gian phục vụ và mức lương cụ thể. Có như thế mới đủ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm các vị giáo thọ đối với sự nghiệp giáo dục, và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu.

Mở rộng đào tạo

Như trên đã đề cập, trong khi tăng ni được phép học tại các trường thế tục thì người cư sĩ lại không được cho phép vào học tại các trường Phật học. Một số trường thế tục có khoa tôn giáo, khoa Phật học và mọi công dân đều có quyền theo học thì tại sao họ không được quyền học Phật học hay các ngành khác tại trường Phật học. Chúng ta phải kiên trì đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình để mở rộng, phát triển đại học Phật giáo. Đồng thời, chúng ta cũng phải đòi quyền lợi chính đáng về sự tôn trọng công bằng với các đại học thế tục vì hiện tại các đại học thế tục không chấp nhận bằng cấp của ta trong khi ta thì chấp nhận của họ. Muốn vậy, đại học Phật giáo phải đáp ứng các quy định của bộ giáo dục và không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo. Tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta.

Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN là dịp chúng ta ôn lại chặng đường đã đi qua với những thành công và tồn tại. Từ đó, xây dựng chính sách mới phù hợp với thời đại nhằm khắc phục những bất cập và phát huy các giá trị thành công. Đây là cách thức xã hội đang làm. Liệu rằng sau khi kỷ niệm GHPGVN nói chung và giáo dục Phật giáo sẽ đổi mới! Thành quả tương lai sẽ trả lời thắc mắc ấy!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
jesse 09/09/2011 13:01:26
bài viết hay quá..tôi cũng mong được như vậy...
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập