Hoài Bão Lớn Của Lý Công Uẩn Qua Một Bài Thơ (1000 năm Thăng Long nhìn lại)

Đã đọc: 7427           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (974 – 1028) người đã khai sinh ra triều đại nhà Lý trải qua hơn 200 năm, đây là triều đại tiêu biểu cho tinh thần độc lập của nước Việt, qua việc xây dựng một nhà nước vững mạnh, đó chính là kết quả có tính kế thừa của một quá trình hơn 60 năm điều chỉnh từ ý thức kháng chiến dành độc lập bằng con đường vũ lực (võ) sang phương thức trị nước bằng hệ thống tổ chức hành chánh (văn). Sau khi lên ngôi, ông đã làm thay đổi vận mệnh quốc gia qua việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La rồi đổi tên thành Thăng Long với Chiếu dời đô mà âm vang của nó vẫn còn vang vọng đến ngày nay.

Một con người hiển hách như thế nhưng xuất thân từ chốn quê nghèo, lại được nuôi dưỡng  nơi cửa Phật. Từ chốn cửa thiền ông lớn lên, rồi tham gia triều chính và cuối cùng trở thành vị vua anh minh, lỗi lạc của nước Việt, nhưng cũng chính vì xuất thân từ nhà chùa như thế nên ngày nay còn lại không ít những truyền thuyết về con người ông với mệnh đế vương từ tấm bé qua việc ông không cho ngài Hộ Pháp ở chùa bằng cách viết vào sau lưng ngài dòng chữ “đày đi 3000 dặm” khiến cho ngài Hộ Pháp phải báo mộng cho vị Trú trì để gỡ tội cho mình, hay qua bài thơ “Tức cảnh” với truyền thuyết rằng lúc nhỏ Lý Công Uẩn hay nghịch, một hôm bị thầy phạt, trói bắt nằm dưới đất. Đêm khuya, muỗi không ngủ được, cậu liền tức cảnh ngâm bài thơ rằng:

     

        即景

天為衾枕地為氈
日月同雙對我眠
夜深不敢長伸足
止恐山河社稷顛

 

Thiên vi khâm chẩm địa vi chiên,

Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên,

Dạ thâm bất cảm trường thân túc,

Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên.

 

Trời làm chăn gối đất làm nệm,

Trời, trăng cùng đối diện giấc ngủ của ta,

Đêm tối quá không dám duỗi dài chân,

Chỉ sợ núi sông đất nước rối loạn.

 

Bài thơ này được ghi lại trong Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề. Tuy nhiên một lần nữa trong văn học Việt Nam lại có bài thơ lại trùng với bài thơ của Trung Quốc (TQ) cụ thể là của Chu Nguyên Chương tức Minh Thái Tổ (1328-1398) trong sách Anh Liệt truyện, không có tác giả, do Triệu Cảnh Thâm và Đỗ Hạo Minh hiệu chú, Thượng Hải văn hóa xã xuất bản năm 1957. Tương truyền rằng thuở hàn vi Chu Nguyên Chương nương nhờ chùa Hoàng Giác, được Phương trượng chùa thương mến, cũng chính vì vậy mà ông đã bị các người trong chùa đố kị, vì thế một hôm họ đóng cửa khiến ông phải ngủ ngoài, tức cảnh này ông đã sáng tác bài thơ.

 

即景

天為羅帳地為氈
日月星辰伴我眠
夜間不敢長伸足
恐踏山河社稷穿

 

Thiên vi la trướng địa vi chiên,

Nhật nguyệt tinh thần bạn ngã miên,

Dạ gian bất cảm trường thân cước,

Khủng đạp sơn hà xã tắc xuyên.

 

Trời làm màn lớn đất làm nệm,

Mặt trời, trăng, sao là bạn của giấc ngủ ta.

Trong đêm không dám duỗi dài bàn chân,

Sợ đạp xuyên cả núi sông đất nước.

 

Do hai con người này có xuất thân và sự nghiệp gần như giống nhau - Thuở hàn vi đều nương nhờ cửa Phật - Sau cũng đều là vua, khai sinh ra một triều đại mới. Nên bối cảnh ra đời của bài thơ được lưu truyền lại hầu như giống nhau, ngôn từ của bài thơ cũng thế, khiến cho người đời sau không biết bài thơ đích thực là của ai. Ở nước Việt có lẽ vì lòng tự tôn dân tộc, có người cứ trích dẫn và mặc nhiên xem như của Lý Công Uẩn, nhưng có người cẩn thận hơn thì lại có khuynh hướng cho rằng bài thơ này vốn của họ Chu, ta chỉ tiếp thu rồi nhuận lại, hay nói thẳng ra là bài ấy của Trung Quốc, ta lấy (nếu không ai biết thì coi như đạo thơ) rồi sửa lại đôi chút mà thôi. Đây không phải là trường hợp duy nhất, mà còn rất nhiều bài thơ hay ở nước ta trùng với bài thơ ở TQ, và hầu như những người nghiên cứu đều cho rằng ta “nhuận” lại của TQ. Tất nhiên cho dù có tự tôn dân tộc bao nhiêu chăng nữa thì vấn đề hai bài thơ giống nhau là một thực tế hiển nhiên, nhưng bảo rằng ta nhuận sắc từ bài thơ của TQ thì theo thiển ý của tôi là cần phải xem lại nhận định này. Trong suy nghĩ như vậy trong bài viết này tôi thử tìm hiểu xem bài thơ này là của Lý Công Uẩn hay ta nhuận lại của TQ.

 

Trước hết ta hãy tìm hiểu nội dung bài thơ của Lý Công Uẩn.

 

Câu 1: “Thiên vi khâm chẩm địa vi chiên”. Trời làm chăn gối, đất làm nệm

 

Ông nói “Trời làm chăn gối đất làm nệm” Chăn, nệm, gối là vật đồng hành với con người đi vào giấc ngủ, là chứng nhân cho biết bao giấc mơ thầm kín của con người, những gì bí mật nhất của con người khi chưa biết giãi bày cùng ai thì chỉ biết tâm sự cùng chăn gối. “Thập niên chẩm thượng trần trung mộng, bán dạ đăng tiền vật ngoại tâm - Mười năm ôm gối mộng đời, nửa đêm chợt ngộ vật thời ngoài tâm” hay “Vô phi nhất chẩm mộng trung xuân – Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân”(Chinh phụ ngâm). Đó là chiếu chăn thông thường, ở đây tác giả lại lấy trời làm chăn gối, đất làm nệm, thân nằm dưới đất mà đầu gối ở trên trời, như vậy kích thước của giấc mộng lớn đến nỗi phải có tấm chăn lớn rộng như trời mới che không cho ai thấy được thì xem ra giấc mộng này là giấc mộng thay đổi giang sơn chứ đâu phải thường, nó lớn bởi vì thành công thì vinh hiển mà thất bại thì hậu quả khôn lường, tuy cường điệu hóa để thể hiện sự lớn lao, quan trọng của cái hoài bão mà tác giả đang ấp ủ, nhưng vẫn hoàn toàn phù hợp với quy luật tư duy, cách dùng từ trong câu này hoàn toàn phù hợp trong trường liên tưởng của từ “ngủ”. Ngay từ câu đầu này tác giả đã cho người đọc biết rằng có một điều ông không thể nói thẳng ra, nhưng nó hiện diện sau những ngôn từ mà ông sử dụng. Nó là gì? Nó là một giấc mơ, một hoài bão hay nói một cách tiêu cực thì nó là một âm mưu.

 

Câu 2 : “Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên”. Trời trăng cùng đối diện giấc ngủ của tôi.

 

Theo tôi thì “nhật nguyệt” ở đây có nghĩa là “ngày tháng” và “song” là “cả hai” hay “cùng chung” hay theo nghĩa trong bài “khi nào cũng, luôn luôn”. Vì sao như vậy? Vì nếu “nhật nguyệt” là mặt trời và mặt trăng thì đêm làm sao có mặt trời mà đối với giấc ngủ được, và “song 窗” là cửa sổ  (theo sách trong Thơ văn Lý Trần), như vậy lẽ nào khi ngủ tác giả cũng quay về cửa sổ và chỉ ở đó mới có mặt trời và mặt trăng. Như vậy “đồng song ” có nghĩa “cả hai cùng, khi nào cũng” hay “luôn luôn”. Rõ ràng trong câu thơ này tác giả đã thật khéo léo dấu cái hoài bão mà tác giả không thể nói ra một cách tách bạch được, nên trong câu này tiếp ý câu trước, tác giả đã tiếp tục dấu hoài bão ấy đi, cái hoài bão mà ta hiểu là “hoài bão lớn” ấy khi nào cũng nung nấu trong tâm tác giả. Ta có thể hiểu câu này là “trải bao ngày tháng khi nào hoài bão ấy vẫn luôn được ấp ủ trong lòng tôi”.

 

Câu 3 :  “Dạ thâm bất cảm trường thân túc”. Đêm tối quá không dám duỗi chân dài.

 

Sang đến câu này thì ta thấy nhà thơ đã cho ta biết vì sao chưa thực hiện hoài bão lớn mình được, ấy là vì đêm tối quá, tối quá thì không thấy được đường đi, không nhìn thấy mặt người, không phân biệt được ai quen ai lạ, ai thuộc về ai nên không dám hành động, hay ta có thể nói rằng “đêm tối quá” là tình hình khách quan và “Duỗi dài chân” là chủ quan, như vậy tình hình khách quan chưa rõ ràng, chưa đủ điều kiện, chưa chín muồi nên chưa dám chủ quan tiến hành bạo động được.  Đêm tối ấy là cái tình hình của triều đại Lê Ngọa Triều lúc ấy, tâm trạng các quan trong triều ra sao vẫn chưa biết được rỏ ràng nên Lý Công Uẩn chưa dám có động tĩnh gì, điều này ta có thể thấy trong Đại Việt sử kí toàn thư khi Vạn Hạnh thiền sư khuyên Lý Công Uẩn nên nắm lấy triều chính, thì tức khắc ông đã bị Lý Công Uẩn cho người đưa về an dưỡng tại chùa Tiêu Sơn hay khi  Đào Cam Mộc đề nghị Lý Công Uẩn mau nắm lấy quyền hành thì Lý Công Uẩn liền đe sẽ báo quan bắt. Bởi vì như đã nói ở trên nếu thực hiện hoài bão này không thành công như mong muốn thì hậu quả sẽ khôn lường.

 

Câu 4 : “Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên” . Chỉ sợ sơn hà xả tắc rối loạn.

 

Như  vậy là cuối cùng nhà thơ đã cho biết lý do mà cái hoài bão của ông vẫn còn ngủ yên, trước hết là vì tình hình chưa chín muồi (Câu 3) vì thế nên ông sợ. Ông sợ gì? Ông sợ đất nước sẽ điên, mà đã điên lên rồi thì còn đâu nữa an bình, điên thì chuyện giết người, cướp của, bao nhiêu chuyện phi luân sẽ xảy ra, một người điên có vũ khí, quyền lực thì đã quá nguy hiểm rồi, huống chi cả đất nước điên, hậu quả rõ ràng không thể lường được. Xã hội sẽ phân hóa, hận thù, chia rẽ sẽ lên cao, tiềm lực nước nhà sẽ suy yếu trầm trọng, mà nếu như thế thì bao nhiêu công sức của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn sẽ tan thành mây khói, bởi vì đây là thời kì mà nỗi lo thường trực của nước Việt không phải là cơm ăn áo mặc, mà chính là nếu suy yếu đi thì sẽ là cơ hội cho phương bắc tái lập ách đô hộ mà họ đã đánh mất sau một ngàn năm thống trị, hay nói khác hơn ông sợ nếu thực hiện hoài bão ấy không khéo thì sẽ đánh mất nền độc lập non trẻ, một nền độc lập mà cả dân tộc trải qua ngàn năm đổ bao xương máu mới dành lại được.

 

Qua phân tích ta thấy rõ ràng bài thơ này nói lên tâm trạng của Lý Công Uẩn trong thời gian ông chuẩn bị thay nhà Lê, lập lên nhà Lý, một triều đại có tính nhân văn nhất cho đến nay. Bài thơ thật đẹp, thật hay, hình ảnh ngôn từ mà tác giả dùng trong bài thơ tạo nên một chỉnh thể xuyên suốt, làm cho người đọc cảm nhận được một con người có chí khí với một hoài bão lớn lao, nhưng hành động hết sức có trách nhiệm với giang sơn đất nước. Bài thơ này do Lý Công Uẩn sáng tác hay do người đời sau làm rồi gán cho Lý Công Uẩn, ta không biết, ta chỉ biết rằng người xưa đã bảo đó là của Lý Công Uẩn thì ta tin rằng bài thơ này là của ông hay tôi tạm gọi là của Việt Nam (VN), nhưng nhất định bài thơ này không thể được sáng tác trong hoàn cảnh như nó được lưu truyền .

 

Như đã đề cập trên, bài thơ này lại trùng với một bài thơ của TQ, vì vậy mà nhiều người cho rằng bài thơ ở VN chỉ là nhuận sắc bài thơ của TQ. Vậy ta thử tìm hiểu xem bài thơ của TQ sáng tác như thế nào để có kết luận ai nhuận của ai.

 

Câu 1 :  “Thiên vi la trướng địa vi chiên”. Trời làm màng lớn, đất làm nệm

 

Câu đầu này tác giả nói “Trời làm màn lớn, đất làm nệm”. Câu này cung cấp cho người đọc một hình ảnh một người nằm trên mặt đất nhìn lên trời cao, chung quanh trống trơn không gì che đậy. Với ngôn từ như vậy ta thật khó mà tìm ra một ẩn ý nào bên trong, có chăng thì người ta có thể cho rằng ý tác giả nói rằng: Con người đang nằm giữa trời đấy đó là một ông lớn, thế thôi. Tuy nhiên về mặt tính hợp lý trong trật tự tư duy thì ta thấy câu này không ổn bởi vì:

 

1 - Khi nói đến “ngủ” là phải liên quan đến giường, chăn, gối, đệm, chứ màn không phải vật dụng phục vụ cho việc này, đặc biệt nằm ngoài trời như thế mà không cần chăn gối thì quả là lạ. Do đó dùng từ “màn lớn” ở đây là không phù hợp với trường liên tưởng của từ “ngủ”, vì vậy nó có tính khiên cưởng.

 

2 – Nếu cho rằng ý tác giả muốn nói rằng người nằm đó có một giấc mơ, một hoài bão lớn, sau này có thể làm thay đổi giang sơn thì cái màn lớn hay cái nệm không có khả năng gợi ra điều ấy, bởi vì muốn nói đến sự ấp ủ thì lấy chiếu chăn, hay ước mơ thầm kín thì gối là biểu tượng, còn màn trời, chiếu đất thì chỉ cho sự tan hoang, lạnh lẽo.

 

Câu 2 : “ Nhật, nguyệt, tinh thần bạn ngã miên”. Mặt trời, trăng, các vì sao là bạn giấc ngủ của tôi.

 

Như vậy “ Nhật nguyệt” ở đây phải hiểu là mặt trời và mặt trăng, không thể hiểu là ngày tháng (thời gian) được, vì trong câu này ngoài mặt trời, mặt trăng ra còn có muôn ngàn vì sao nữa, nên chi những từ này chỉ có nghĩa là những tinh tú trên trời mà thôi, mà nếu như vậy thì ban đêm làm sao có mặt trời mà làm bạn cùng giấc ngủ, do vậy từ “nhật”ở đây có vấn đề. Vấn đề theo tôi là người ta đã xóa đi hai chữ “đồng song” để thay vào đó hai chữ “tinh thần” khiến cho từ “nhật” có nghĩa là “ngày” hay “thời gian” thành ra “nhật” là “mặt trời” hay “hành tinh”.

 

Câu 3 : “Dạ gian bất cảm trường thân cước”. Trong đêm không dám duỗi dài bàn chân.

 

Cước là bàn chân, là bộ phận cuối cùng của chân, từ mắt cá trở xuống, do đó nó có kích thước cố định nên không thể duỗi dài ra thâu vào một cách vô thức được, đặc biệt khi ngủ. Hay nói khác hơn co duỗi trong khi ngủ là co duỗi theo bản năng thì chỉ có co duỗi chân (túc) mà thôi. Vì vậy từ “cước” được dùng trong võ thuật với nghĩa là ‘đá”. Có nghĩa là nó được thực hiện bởi sự cố ý của con người khi dùng bàn chân như là vũ khí, cho nên dùng ‘cước” ở đây là hoàn toàn vô lí. Đã vậy lí do cho việc không duỗi dài bàn chân là vì “trong đêm”. Như phân tích ở trên “trong đêm” ở đây là điều kiện khách quan, vậy nếu điều kiện khách quan là “trong đêm” mà không dám duỗi bàn chân, thì cần phải đợi đến lúc ban ngày chăng? Mà nếu như thế thì câu 1 và 2  trở thành vô nghĩa. Ở đây hoàn cảnh khách quan là đêm, cho dù có không dám chăng nữa thì người nằm đó cũng nằm trong đêm rồi, (hoàn cảnh của bài thơ), nên nói “Trong đêm không dám duổi dài bàn chân” là hoàn toàn vô lý, cũng như ta nói “ không dám tắm vì đang bơi trong hồ nước vậy”.Rỏ ràng cách dùng từ ở đây có vấn đề. Vấn đề ở đây là cái tính chất của đêm như : đêm tối quá không dám đi ra ngoài, đêm lạnh quá không dám thức khuya, đêm thanh vắng quá không dám ho mạnh, đêm âm u quá không dám cựa quậy gì, chứ đâu thể vì ban đêm suông thôi được. Như vậy trong câu thơ này thiếu mất cái lí do hợp lí cho việc không dám duỗi bàn chân, lí do đó nằm ở chỗ người ta đã đưa từ “gian” để thay cho từ thâm” nên mới ra cớ sự ấy.

 

Câu 4: “ Khủng đạp sơn hà xã tắc xuyên”.

 

Sợ đạp xuyên sơn hà xã tắc. Câu trên đã nói không dám duỗi bàn chân, tiếp đến lại sợ đạp, đã duỗi thì khỏi đạp chứ sao chỉ một bàn chân mà vừa duỗi vừa đạp. Đã sợ thì sợ cái gì chứ sao sợ đạp, có thể sợ “bị đạp” nhưng trong trường hợp này thì không thể vì việc duỗi chân đã đặt chủ thể bài thơ vào thế chủ động rồi. Hơn nữa nếu câu kết với động từ “xuyên” là kết quả của sự vừa duỗi bàn chân vừa đạp, thì thông điệp mà bài thơ gởi tới người đọc là bàn chân ấy mạnh lắm, ông ấy mạnh lắm, chỉ duỗi bàn chân là xuyên cả sơn hà xã tắc thế thôi, hay sơn hà xã tắc là nhỏ bé dưới bàn chân của ông ta, chứ không lấy sơn hà xã tắc làm trọng, cần lưu ý rằng theo truyền thuyết bài thơ này Chu Nguyên Chương viết khi còn ở chùa Hoàng Giác, có nghĩa là chẳng có quyền hành gì. Qua phân tích trên, nếu gắng gượng lắm thì ta có thể nghĩ rằng thông điệp mà bài thơ gởi tới người đọc là “Nhân vật được đề cập trong thơ là một người có mệnh đế vương, nên chỉ cần nhích bàn chân là xuyên cả sơn hà xã tắc”. Tuy nhiên ta thấy rằng ngôn từ dùng trong bài thơ này hết sức khiên cưỡng, từ đó dẩn đến ý từng câu thơ nhiều khi mâu thuẫn nhau, dĩ nhiên khi đã như thế thì khó mà có được một chỉnh thể trong tác phẩm, đây chính là hậu quả của việc sửa lại từ một bài thơ khác với dụng ý là chiếm lấy quyền trước tác, do vậy bài thơ của TQ không thể là chính bản. Hơn nữa Chu Nguyên Chương là một nhân vật lịch sử lớn của TQ, đã khai sinh ra triều đại nhà Minh người được biết với tên Minh Thái Tổ, vậy sao tác phẩm của ông ta không được ghi vào sử sách mà lại rơi rớt ngoài nhân gian.

 

 

 

Năm nay, 2010, là tròn 1000 năm Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long, việc dời đô đó bắt đầu từ cái hoài bão một cuộc cách mạng lớn lao như bài thơ đã mô tả, nhưng lớn lao hơn nữa là đã ông thực hiện hoài bão đó một cách có trách nhiệm, không phải vì quyền lực đang có của mình và ngai vàng trong tương lai mà mê mờ rồi nóng vội. Bởi vì nếu sơ suất thì hậu quả sẽ là nghiêm trọng, tối thiểu cũng nồi da xáo thịt, xa hơn nữa là cơ hội cho thế lực ngoại bang thừa cơ lập lại sự thống trị mà chúng buộc phải từ bỏ trước sự kiên trì, nhẫn nại, không tiếc xương máu quyết dành cho được độc lập cho nước nhà của bao thế hệ người dân Việt. Tóm lại với những gì tôi đã trình bày, tôi cho rằng bài thơ này là của VN, hay cụ thể là của Lý Công Uẩn chứ không thể có chuyện “nhuận sắc” được, mà đã là của VN thì trả lại cho VN, hay đã là của Lý Công Uẩn thì phải trả về cho Lý Công Uẩn./.

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (5 đã gửi)

avatar
thanh huong 08/12/2010 02:10:54
Tac gia bai viet nay van con ton tai tinh than dan toc, tinh chu quan trong qua trinh binh luan tho.
Su khac biet trong 2 bai tho, co chang chi la su khac biet giua nhung loi binh luan thien lech cua tac gia.
Toi khong phan doi cach than hoa mot hinh tuong cua tac gia, the nhung, neu viet nhu the nay thi no khong co gia tri nghien cuu.
avatar
Trần hoàng đế 08/12/2010 08:08:42
Tôi thấy bạn Thanh Hương phê bình như vậy không rỏ, nói một cách khác nếu một người có nghiên cứu thì hãy nêu ra đâu là cái vô lí ( chủ nghĩa dân tộc + chủ quan)mà tác giả Viên như đã vấp phải. Đừng nói chung chung, vì như thế chẳng qua chỉ nói để thỏa mãn cái mà bấy lâu mình tin tưởng mà thôi. Hãy thuyết phục đọc giả của mình bằng một bài phản biện. Nếu không thì cũng là một trong những kẻ thích phê bình nhưng chẳng có gì hơn ngoài lí do Tàu thì bao giờ cũng là thầy cùa Ta. Mong lắm.
avatar
huy 31/10/2011 07:32:38
tôi có điều thắc mắc:
tôi có từng được đọc qua bài thơ này và chỉ nhớ câu đầu là:màn trời chiếu đất ngủ cùng sương
câu cuối:sợ nước non giang nam nghiêng ngả
các bạn cho ý kiến?
avatar
NANI 10/02/2019 21:50:13
XUẤT SẮC!!!
avatar
NANI 10/02/2019 21:50:28
hay quá
tổng số: 5 | đang hiển thị: 1 - 5

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập