Lên chùa làm đám cưới

Đã đọc: 4470           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cả hai bạn trẻ này đều thường xuyên đi lễ chùa vào chủ nhật để tìm sự thanh thản sau những ngày làm việc mệt nhọc. Họ cho biết đã chứng kiến một số bạn trẻ lên chùa tổ chức lễ cưới và được nghe các sư thầy khuyên răn về cuộc sống gia đình. Sau khi kết hôn, mỗi tháng họ lại cùng nhau lên chùa một lần để cùng ôn lại những điều phát nguyện, những lời hứa với nhau trong lễ cưới, cùng nhau bước trên một con đường đúng đắn cho cuộc sống lứa đôi.

Chuẩn bị cho đám cưới của mình, đôi bạn trẻ L.G.Kh. - D.Th.Th. đã quyết định tổ chức hôn lễ tại chùa Đình Quán (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) với mong muốn luôn có một gia đình tâm linh để giải tỏa những bộn bề lo toan.

Trước hết, đôi bạn trẻ cùng gia đình phải thỉnh nguyện ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi nhận được sự đồng ý mới bắt đầu bước vào công việc chuẩn bị cho buổi lễ kéo dài khoảng một giờ. Hôn lễ tổ chức ở chùa sẽ có những nghi thức như các thủ tục bái lạy thiên địa, cha mẹ, phu thê giao bái...

Chuẩn bị tổ chức lễ thành hôn, đôi bạn trẻ phải lên chùa 3-5 ngày để cùng nhau nghe sư thầy giảng về đạo vợ chồng. Ngoài ra, hai người sẽ phải viết thư cho nhau, kể lại quá trình tìm hiểu nhau, từ đâu mình bắt đầu có tình cảm với nhau. Những hờn giận, những gì chưa hiểu sẽ được đôi bạn trẻ giãi bày qua bức thư, đồng thời cũng thể hiện những trăn trở, mong ước của cuộc sống trong tương lai. Hai bức thư này được dán kín đến buổi lễ thành hôn mới mở ra và đọc cho hai người cùng nghe.

Tái hiện đám cưới truyền thống

Hôn lễ được tổ chức tại điện tam bảo, không có âm nhạc, không có tiếng cười đùa, chỉ có tiếng kinh cầu đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và sắc y vàng rực của nhà Phật. Phía trước bàn thờ Phật, chư tăng ngồi thành hai hàng, cùng tụng kinh niệm Phật khi bắt đầu buổi lễ. Cô dâu, chú rể và gia đình, thân hữu mặc lễ phục, áo dài tiến vào đứng cạnh nhau theo lối chính giữa điện tam bảo, chia nhau chỗ ngồi theo đúng qui cách "nam tả nữ hữu" (nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải).

Khi buổi lễ bắt đầu, cô dâu chú rể được dẫn đến trước bàn thờ tam bảo dâng hương và quì hai bên để nghe các thầy chủ lễ dặn dò về đạo vợ chồng, cách thương yêu những người trong gia đình, cách sống sao cho cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc vững bền. Trong cách thức hôn lễ thì phần chính là một bài pháp ngắn của vị chủ lễ trước khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể, khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với chánh pháp và đạo lý ở đời...

Sau đó, cô dâu chú rể quì lạy hai bên cha mẹ, đọc năm lời phát nguyện mà cô dâu chú rể phải thề nguyện và làm theo. Đó là: Nguyện cùng nhau sống đời sống hằng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và nòi giống. Xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mình. Nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. Nguyện thường tự nhắc nhở rằng sự trách móc hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không giải quyết được gì, chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới có thể bồi đắp hạnh phúc. Và nguyện dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu trong tương lai.

Sau mỗi lời phát nguyện, tiếng chuông chùa lại vang lên như chứng giám cho những lời hứa của đôi vợ chồng trẻ.

Tiếp đó, nghi lễ phu thê giao bái được đôi bạn trẻ thực hiện, trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì hôn lễ nói cho hai vợ chồng biết ý nghĩa của việc trao nhẫn cho nhau. Sau đó, hai người sẽ lần lượt nói với nhau những lời ước nguyện. Trước tam bảo, hai vợ chồng hứa với nhau, với các vị chư tăng phật tử và gia đình, họ sẽ yêu thương nhau, yêu thương gia đình mới của mình. Cùng với đôi vợ chồng trẻ, hai bên gia đình cũng phải hứa trước tam bảo và các vị chư tăng sẽ cùng đôi bạn trẻ xây dựng hạnh phúc, chỉ bảo cho dâu rể nên người.

Buổi lễ trong chính điện vừa xong thì việc sắp xếp, dọn các bàn tiệc cũng sẵn sàng. Các sư thầy, chư tăng ngồi bàn riêng, gia đình hai họ và thân hữu vào mâm với những bàn tiệc bày biện sang trọng không kém nhà hàng, tất cả đều là cơm chay.

Cầu nối giữa đạo với đời

Cùng được tổ chức đám cưới với đôi vợ chồng L.G.Kh. - D.Th.Th. còn có một đôi bạn trẻ cũng người địa phương. Cả hai bạn trẻ này đều thường xuyên đi lễ chùa vào chủ nhật để tìm sự thanh thản sau những ngày làm việc mệt nhọc. Họ cho biết đã chứng kiến một số bạn trẻ lên chùa tổ chức lễ cưới và được nghe các sư thầy khuyên răn về cuộc sống gia đình. Sau khi kết hôn, mỗi tháng họ lại cùng nhau lên chùa một lần để cùng ôn lại những điều phát nguyện, những lời hứa với nhau trong lễ cưới, cùng nhau bước trên một con đường đúng đắn cho cuộc sống lứa đôi.

Theo thầy Thích Đàm Nguyện, trụ trì chùa Đình Quán: "Hiện nay việc tổ chức hôn lễ theo nghi thức nhà chùa chưa nhiều lắm. Với chúng tôi, không cần phải là phật tử mới được tổ chức, họ chỉ cần lòng thành và hướng tâm thì nhà chùa sẽ làm lễ thành hôn cho hai người để cầu chúc cho cuộc sống lứa đôi".

Thầy Nguyện cho biết trong mấy năm trở lại đây, chùa Đình Quán đã tổ chức trên dưới mười hôn lễ cho các đôi bạn trẻ. Tất cả họ đều đang sống hạnh phúc và vẫn thường xuyên lên chùa lễ Phật cầu an. Đặc biệt, mỗi khi có những mâu thuẫn gia đình, họ đều gặp các thầy để được răn dạy, được khuyên bảo những lối đi đúng đắn. Hơn thế nữa, lễ cưới ở chùa chính là "cầu nối giữa đạo với đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư tăng và hàng Phật tử tại gia".

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập