Đạo Đời Tính Sao Cho Phải Lẽ?

Đã đọc: 1843           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

HỎI: Tôi là Phật tử ở xa, được biết có một số người cũng thường đi chùa, lễ Phật nhưng không quy y Tam bảo. Tôi có hỏi lý do thì họ bảo rằng sẵn sàng quy y Phật, quy y Pháp nhưng không thể quy y Tăng. Họ lý giải rằng không quy y Tăng là vì các vị Tăng Ni đa phần tuổi nhỏ hơn họ mà quy y rồi thì phải gọi bằng thầy và xưng là con, theo họ điều này là không hợp lý. Xin hỏi quý thầy rằng trong giáo luật của Đức Phật có quy định là Phật tử thì phải xưng con với thầy (Tăng, Ni) dù họ nhỏ tuổi hơn rất nhiều?

 
ĐÁP: Câu hỏi này rất hay và khó trả lời, vì đây là một vấn nạn Phật pháp trong thời hiện tại. Trong Kinh tụng hằng ngày tại chùa Thiên Khánh có câu:
Về chùa kính Phật trọng Tăng
Cùng nhau học hỏi trau giồi thân tâm.
Một lòng quyết chí tu hành
Thâm ân Phật tổ ơn sâu khó đền.
Ở đâu cũng đều có khuôn phép riêng, nước có phép tắc nước nhà, gia đình có quy củ gia quy, cũng lại như thế trong đạo có giới luật và những phép tắc của đạo Phật. Đại đa số ai cũng tin sâu vào Phật bảo và hầu hết đều tin Pháp bảo. Riêng Tăng bảo có người tin người không, thế cho nên để phát khởi đức tin trọn đời quy ngưỡng, cung kính, đảnh lễ, hộ trì, ta phải biết chọn minh sư chân chính hoặc thầy lành bạn tốt.
Đối với đạo Phật, ba ngôi Tam bảo rất quý báu, hiếm có khó gặp ở thế gian nên người Phật tử chân chính nói chung phải kính lễ, tôn thờ.
Tam bảo là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.
Phật là tiếng gọi tắt của chữ Phật-đà trong tiếng Phạn ý chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni và chư vị đại Bồ-tát đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.Phật là người đã hoàn thiện chính mình, không còn bị trói buộc bởi tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc đẹp và ngủ kỹ mà đa số người thế gian khó bề vượt qua nổi.
Phật là con người đã hoàn toàn tự tại, giải thoát nhờ phước huệ song tu với tinh thần vô ngã vị tha. Pháp là những lời dạy chân chính của Phật qua sự trải nghiệm trong tu chứng nên thấy rõ chúng sinh sống chết luân hồi đều do mình tạo lấy.
Phật bảo là chỉ cho người đã tu hành tới mức từ bi, trí tuệ viên mãn. Bất cứ chúng sinh nào cũng đều có khả năng thành Phật, song trong lịch sử thế giới hiện nay bậc được thành Phật vẫn chỉ có một mình đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Từ một kẻ phàm phu như chúng ta mà tu hành thành Phật thì thật là chuyện hiếm thấy trên thế gian này, bởi ít có khó gặp nên mới nói là báu.
Lời dạy chân chính do đức Phật truyền đạt rất đơn giản, thực tế giúp cho mọi người chuyển mê thành ngộ, chuyển xấu thành tốt, chuyển đời phàm phu trở thành thánh nhân và giác ngộ giải thoát. Pháp của Phật dạy đơn giản, thiết thực, chân lý, dù trải qua bao thời đại những lời dạy ấy vẫn rất quý báu vì giúp mọi người thoát khỏi khổ đau sinh tử.
Những kẻ đang lầm đường lạc lối gặp được ngọn đuốc soi đường, người học đạo gặp được Chánh pháp cũng lại như thế. Nhân loại đang bị chìm đắm trong biển khổ sông mê do không tin nhân quả, nay gặp được những lời dạy chân chính của đức Phật giúp cho chúng ta soi sáng lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Pháp là những lời dạy chân chính, thiết thực của đức Phật giúp cho chúng ta tu tập, hành trì vượt qua nỗi khổ, niềm đau để được an vui, hạnh phúc. Pháp bảo là những lời Phật dạy trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh nhằm chỉ cho mọi người tin sâu nhân quả mà dứt ác làm lành, tu hạnh giác ngộ giải thoát và giúp đỡ mọi người không biết mệt mỏi, nhàm chán với tấm lòng vô ngã vị tha.
-Phép tắc thế gian thì tính theo tuổi đời mà sắp xếp ngôi vị thứ bậc, theo nguyên lý kính lão đắc thọ. Trong đạo Phật thì thiên trọng về giới đức (tuổi tác và tài năng xếp sau giới đức), đại đức Tăng phải giữ 250 giới; đại Ni phải giữ 348 giới thế cho nên kính Phật phải trọng Tăng là như thế. Chính giới đức của người xuất gia người đời không giữ được, cho dù là bậc cao niên trưởng thượng vẫn khó mà làm được. Vì không giữ được giới đức thanh cao thoát tục ấy nên hàng Phật tử tại gia phải quy ngưỡng, cung kính, đảnh lễ, hộ trì Tăng bảo.
Tăng là những người tu hành theo đạo Phật có nhiệm vụ truyền bá những lời Phật dạy, gìn giữ chùa chiền, kinh tạng, tạo điều kiện cho mọi người thân cận Tam Bảo, học tập, hành trì những lời Phật dạy để có được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tăng bảo là những người kế thừa và tiếp tục sự nghiệp của đức Phật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn lại cho tất cả mọi người.
Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật sống chung với nhau theo tinh thần Lục hòa, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho tất cả mọi người. Người thế gian thường sống trong tranh đua, giành giật, hơn thua nên không bao giờ họ sống vui vẻ, hòa hợp, thuận thảo với nhau được.
Lục hòa là: thân hòa cùng chung ở, miệng hòa không tranh cãi, ý hòa đồng vui vẻ, giới luật hòa cùng giữ, hiểu biết cùng chia sẻ, lợi hòa cùng chia đồng. Sáu điều này là tinh thần sống hòa hợp của chư Tăng. Chính vì thế, tu sĩ sống theo tinh thần Lục hòa thật là một điều quí báu trên thế gian này, bởi lẽ ấy nên gọi những người tu hành chân chính là Tăng bảo.
Tăng là những người truyền thừa thay Phật hoằng dương Chánh pháp, sống trong tinh thần Lục hòa, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần chia vui sớt khổ, phục vụ vì lợi ích chúng sinh.
Tăng là những người hiến trọn đời mình cho mục đích trên cầu thành Phật, dưới hoằng hóa độ sanh vì lợi ích con người. Nhờ có chư Tăng, Ni thay Phật hoằng truyền những lời dạy của Ngài khiến cho Chánh pháp được mở mang rộng rãi đến với tất cả mọi người. Những ai hấp thu được tinh ba của Phật pháp sẽ ngày càng được an vui, hạnh phúc hơn và sẵn sàng an ủi, sẻ chia, giúp đỡ tha nhân vì tình người trong cuộc sống.
Nhưng Tăng cũng có nhiều loại, đại khái lược có ba là Bồ Tát Tăng, Thanh Văn Tăng và Phàm Phu Tăng. Đây là Tăng bảo chân chánh xứng đáng được mọi người y chỉ tu học và tôn kính cúng dường.
Phật tùy duyên giáo hóa và đã nhập Niết bàn, nay chỉ còn lại những lời vàng ngọc của Ngài. Chư Tăng thay Phật truyền trì Chánh pháp, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vì lợi ích chúng sinh.
Tăng phàm phu là những người chân thật nguyện hiến đời mình cho lý tưởng giác ngộ và giải thoát, đang kế thừa con đường Phật đạo, tuyên dương Chánh pháp giúp cho mọi người bớt khổ thêm vui, luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Phàm phu Tăng tuy chưa thành tựu đạo quả nhưng vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn mọi người biết cách dứt ác làm lành nhờ tin sâu nhân quả nên chính vì vậy ai phát tâm cúng dường phàm phu Tăng vẫn được phước báo không thể nghĩ bàn.
Thực tế trong cuộc đời này phàm phu Tăng là số đông gần gũi với chúng ta nhất. Phàm phu Tăng chân thật tu hành thuyết pháp độ sanh mang tinh thần của các vị thánh Tăng Bồ Tát và thánh Tăng Thanh Văn.
Phàm phu Tăng là số đông nên quý Phật tử dễ gần gũi và tiếp cận hơn, chúng ta vẫn học hỏi được những điều hay lẽ phải để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.
Tăng là đoàn thể sống trong an vui, hòa hợp. Vì lợi ích số đông mà nhiều người cùng sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết với tinh thần vô ngã vị tha.
Người Phật tử chân chính nương tựa Tăng đoàn hòa hợp, những bậc chân tu, truyền bá đúng chính pháp Phật-đà, từ nay cho đến trọn đời không tu theo thầy tà, bạn xấu nhưng vẫn tôn trọng bằng tình người trong cuộc sống.
Trong cõi đời vô thường này mới thấy đó nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh mà nay đã tán gia bại sản, cửa nát nhà tan, con cái chia lìa. Duy chỉ có Tam bảo Phật-Pháp-Tăng mới giúp chúng ta vượt qua biển khổ sông mê, vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình bằng cách dứt ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch nên mới gọi là ba ngôi báu.
-“Phật tử chùa Thiên Khánh, nguyện noi gương Phật Thích Ca Mâu Ni, dấn thân tu học phước huệ trang nghiêm. Dân tộc nước Việt Nam, phát huy tinh thần mang đạo vào đời, do hai triều đại Lý-Trần sáng lập”.
-“Hoàng đế Lý Thái Tổ khơi nguồn tâm linh mở trang sử mới cho người dân nước Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa đạo vào đời phá trừ mê tín làm rạng rỡ tổ tiên”.
Người Phật tử nên đến với đạo Phật bằng sự hiểu biết chân chính, tự soi sáng lại chính mình và thấy rằng tất cả mọi hiện tượng sự vật đều nương tựa vào nhau mới bảo tồn sự sống, chính vì vậy chúng ta phải sống đạo đức, tôn trọng luật pháp nhằm góp phần làm trong sạch và an lạc cho mình và xã hội.
Trong lễ quy y, người Phật tử được bổn sư khai thị “xem tất cả chư vị Tăng Ni trên thế gian là thầy của mình”, thế cho nên sau khi quy y rồi, tùy duyên mà theo chư vị Tăng Ni khắp nơi để học đạo. Người Phật tử chân chính, trước khi làm gì và đi theo quan điểm của ai, chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư chiêm nghiệm, sau khi thấy rõ lợi ích thiết thực, không làm tổn hại người vật, ngay khi đó chúng ta mới tin và bắt đầu thực hành theo. Người thầy quy y cho Phật tử chỉ là người thầy hướng đạo, trợ duyên cho mình quy hướng Tăng-già, chứ không phải mình quy y duy nhất nơi vị Tăng (hoặc Ni) bổn sư ấy. Hiện nay, một số Phật tử sau khi quy y với một vị thầy, muốn học đạo nơi các vị Tăng Ni khác thì e ngại vì sợ mang tội phản sư. Tuy nhiên, ta phải biết chọn lựa vị minh sư chân chính để học đạo mới thực sự có an lạc trong cuộc sống. Thời buổi này thầy tà bạn ác, rồng rắn lẫn lộn nơi nào chỉ dạy nhân quả không cúng sao giải hạn, vì cúng sao giải hạn giống như ban phước giáng họa của đấng bề trên. Mặt khác, một số ít vị Tăng Ni khi thấy đệ tử quy y mình đi tu học nơi các chùa khác cũng hờn trách họ là phản đồ và cấm Phật tử chùa mình không được đến chùa khác học đạo. Tất cả những quan niệm này đều không đúng với tinh thần học đạo chân chính.
Người Phật tử sau khi tiếp nhận lời dạy chân chính Phật-đà, quyết sống trung thành với lý tưởng giác ngộ giải thoát, luôn ý thức gương mẫu làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích xã hội, hộ trì Tam bảo trong hiện tại và mai sau.
Giới luật của Đức Phật có quy định rất rõ ràng, một người xuất gia thọ Đại giới, sống Phạm hạnh thanh tịnh, dự vào hàng Tăng bảo tuy chưa chứng đắc các Thánh quả vẫn xứng đáng là thầy của trời người. Hàng Phật tử cung kính Tăng bảo chân chính để có cơ hội tu học và hộ trì chư Tăng để tạo phước duyên.
Trọn cuộc đời một người có thể làm phước, ăn chay, niệm phật, tụng kinh, tu tập… nhưng người đó chưa bao giờ quy y, tức là chưa tham dự vào một buổi lễ quy y chính thức thì cũng không thể gọi là một phật tử chính thức. Lúc đó (chưa quy y) chỉ có thể gọi là một phật tử cảm tính, phật tử tín ngưỡng. Chỉ có quy y trước Tam bảo mới trở thành phật tử đúng pháp.Vì thế, hàng Phật tử tại gia vì “kính Phật nên trọng Tăng”, vì ái kính giới đức tu hành và đại nguyện phụng hiến của chư Tăng (Ni) nên phát tâm quy ngưỡng, tôn vinh làm thầy. Chư vị Tăng (Ni) giới đức tinh nghiêm, phạm hạnh đầy đủ, họ xứng đáng làm thầy của hàng Phật tử tại gia. Ngày xưa trong chế độ phong kiến, hàng vua chúa là thiên tử cũng không ít vị kính lễ các bậc cao tăng, tôn làm quốc sư huống gì người thường như chúng ta.
Tam Bảo bên ngoài là điều kiện cần thiết đối với người phật tử, nhưng nếu chỉ biết có Tam bảo bên ngoài mà quên tu tâm, hướng thiện thì đó đơn thuần là chấp sự bỏ lý, chỉ theo hình thức suông. Nói cách khác, để được giác ngộ, giải thoát và thành Phật thì trước tiên mỗi người phải quay lại Tam bảo tự tâm, tin chính mình là Phật để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và sống lại với tính giác sáng suốt của mình.Mặt khác, không chỉ trong hiện đời sinh ra là được làm Tăng (Ni) mà nhiều kiếp về trước họ đã tu hành, tích công bồi đức sâu dày nên đời này hội đủ duyên lành để sớm được xuất gia. Hình thức bên ngoài Tăng (Ni) có thể là tuổi trẻ đầu xanh, tuổi tác chỉ đáng hàng con cháu nhưng đức hạnh bên trong thì cao vời nhờ đã huân tu giới đức trong nhiều kiếp.
Có điều, chư vị xuất gia cũng phải nhìn lại mình, xem mình có đủ đức độ để tự xưng thầy với hàng cư sĩ hay không, nhất là những vị cao niên tuổi đáng bậc cha chú của mình? Trong cách xưng hô hàng ngày, những vị xuất gia tu đức khiêm cung vẫn tự xưng mình là thầy (cô) nhưng đối xưng thì vẫn gọi ông (bà, cô, bác,… anh, chị, em) chứ không gọi con, trừ những Phật tử hiểu đạo, thuần thành. Thiết nghĩ, đây cũng là phương tiện tùy duyên ứng xử nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn cho cả đạo và đời.
 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập