Suy tư về vấn nạn loại Tăng ra khỏi Tam Bảo

Đã đọc: 4242           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chuyện năm ngoái. Mẹ dắt con trai 10 tuổi về chùa xin Sư quy y. Buổi lễ quy y Sư để ý cậu con trai có gương mặt phúc hậu yên lặng tham dự buổi lễ từ đầu đến cuối.

Người mẹ 35 tuổi tín tâm hướng về Phật dâng trọn tấm lòng thành.

 Mẹ Vũ thị H Sư cho Pháp danh: Thường Giới

Con Đặng Vũ Q được Sư cho Pháp danh: Thường Trọng. Sau lễ quy y hai mẹ con ra ngồi dưới hàng cau chùa, mẹ dặn con: “ Q ạ ! Bố con đã mất, hôm nay con với mẹ về chùa xin Sư phụ quy y, mẹ con mình đã chính thức là đệ tử Đức Phật, là đệ tử của Sư Phụ, mẹ con mình nương tựa vào Sư Phụ mà học đạo tu tập. Kể từ hôm nay mẹ phát nguyện ăn chay trường, để cầu nguyện cho con thành danh thành nhân trong cuộc đời, biết yêu thương mọi người, biết nghĩ đến vận mệnh của Tổ quốc, không gây khổ và phá phách một ai, mẹ sẽ nấu cơm mặn cho con ăn, con đừng có gắp cá gắp thịt bỏ vào chén cơm của mẹ như mọi khi nữa”.Với đứa con 10 tuôi những lời nhắn nhủ căn dặn của chị là hơi quá tầm hiểu của biết của cháu, nhưng mà cháu vẫn hiểu, hiểu theo cách của cháu cảm nhận, cháu gật đầu và hứa với mẹ.

 

Chuyện năm nay .

 

Chiều ngày 25 tháng giêng mẹ con đến chùa mang biếu Sư một chút quà với lời lẽ chân chất: “ Hôm mồng một tết con có đi chùa lễ Phật, nhưng hôm đó Phật tử đông quá ! Con chưa mừng tuổi Sư Phụ được. Hôm nay mẹ con con đến chùa lễ Phật thăm Sư Phụ, cầu chúc người có nhiều sức khoẻ để dìu dắt hướng dẫn chúng con trên bước đường tu tập. Nếu không gặp được Sư Phụ thì con làm sao hiểu được Phật pháp, làm sao buông bỏ những chuyện phù phiếm mà tu hành. Chồng chết con tưởng chừng như mất tất cả, tưởng chừng như không đứng vững ở cõi đời, nhưng duyên lành con gặp Phật gặp Sư Phụ, câu kinh tiếng kệ lời lẽ động viên của Sư Phụ và bạn đạo, con đã vượt qua đựơc khổ đau mà sống nuôi con. Hằng đêm con mở băng đĩa giảng của các Thầy các Sư Cô mà nghe, nghe xong giảng giải lại cho con trai nghe, con giảng từ từ chậm chậm cháu cũng hiểu được mỗi khi một ít, cháu thương Phật thích đi chùa và cũng rất thích ăn chay với mẹ. Con không thể nào ở mãi bên cạnh con con, con sẽ chết trước cháu và con muốn trang bị cho con con một chút vốn luyến phật pháp, một chút từ bi yêu thương , một chút trách nhiệm với cộng đồng để cháu sống. Con quý các Thầy, con quý Tăng, nếu không có Tăng ai làm đạo, ai hoá đạo, ai xây chùa, ai nuôi chúng điệu để truyền đăng Phật pháp. Con có người bạn tham gia ban hộ niệm, mỗi khi có gia đình người hấp hối thì bạn con cùng với những người trong ban hộ niệm đến liên hệ với gia đình và hộ niệm cho người sắp lâm chung. Chỉ niệm bốn chữ thôi A Di Đà Phật không phải Nam Mô A Di Đà Phật, bạn con kể lại mỗi khi ban hộ niệm của nhóm bạn con đi tới đâu, và niệm tụng cầu nguyện cho ai thì người đó được vãng sanh. Con rất nghi ngờ về chuyện dễ dàng vãng sanh như vậy. Bạn con và nhóm bạn của bạn ( Ban Hộ Niệm) nói: “ gia đình nào mà mời họ thì sẽ không được mời các Thầy ( Tăng, Ny) chỉ có họ lo đám từ đầu đến cuối, sau đám tang: Tuần sơ thất, tuần tam thất, chung thất chỉ có đạo tràng BHN đến với gia đình. Con rất lo Sư Phụ ạ ! Con lo nếu tình trạng này kéo dài, nếu BHN kiểu này mà nhân rộng thì nguy cơ Tăng Bảo không còn. Con mới biết đạo, nhưng con luôn lo lắng cho đạo pháp, bởi vì tối nào con cũng vô các trang mạng Phật giáo để đọc tin đọc bài tìm hiểu giáo lý. Niềm ưu tư của con có được là cũng từ nơi những bài viết chấn hưng Phật giáo của các Thầy các Cư Sĩ, con đã bắt đầu lao vô lãnh vực này để tìm hiểu. Con vô google tìm hiểu con có biết năm xưa ( trước 1975) Cư Sĩ Đoàn Trung Còn một nhà Phật học lỗi lạc, vì bất mãn một số các Thầy ( Tăng ) ông đã bằng uy tín và tài giỏi của mình lập nên Tịnh Độ Cư Sĩ Việt Nam (không có Tăng hiện diện trong tổ chức này). Cư Sĩ Chánh Trí  Mai thọ Truyền, cũng là một nhà Phật học lỗi lạc, cũng bất mãn một số các vị Tăng cũng đã từng phát ngôn: “ Tôi chỉ Quy Y Phật Bảo, Quy Y Pháp Bảo, không cần Quy Y Tăng Bảo. Ông đã lập nên chùa Xá Lợi, thành lập Hội Phật Học Nam Việt do ông quản lý, ông cũng không cần Tăng Bảo. Nhưng rồi thương ghét cũng cứ luân hồi lòng vòng, Chùa Xá Lợi do ông sáng lập, không còn cư sĩ quản lý nữa mà đã giao lại cho Chư Tăng quản lý điều hành.

Bạch Sư Phụ ! Con có người bạn ở Đắc Lắc, tu học tại chùa Khải Đoan cũng có kể cho con nghe về Ban Hộ Niệm tương tợ như ở Gia Lai, cũng đi niệm Phật hộ niệm cho người chết, cũng tuyên bố ai được họ hộ niệm thì đều được vãng sanh, và quan trọng nhất vẫn là loại Tăng ra, không cần Tăng. Trong số các vị trong BHN hầu hết đều có quy y, có pháp danh, nhưng khi tham gia BHN niệm Phật bốn chữ (A Di Đà Phật) thì không còn gắn bó với chùa nữa thậm chí đối lập.

Chuyện đáng lo là ở chỗ đó, bên ngoài nhìn vô thì thấy họ vẫn mặc áo tràng lam, vẫn chuông vẫn mõ, vẫn niệm Phật A Di Đà ( tuy có bốn chữ). Nhưng bên trong, đường lối là đối lập hẳn với Tăng Bảo, tìm cách loại Tăng giống như Cư Sĩ Đoàn Trung Còn và Cư Sĩ Mai Thọ Truyền năm xưa. Trong nhận thức của một số người chưa biết rõ nội tình thì thấy mời BHN tiện lợi và không tốn kém, dễ mời. Bởi mời Sư Tăng thì phải công đức phải tạ ( không công đức không tạ lấy đâu tu sửa chùa chiền, nuôi chúng điệu ăn học, tiếp nối phật pháp tương lai)còn mời họ không phải thù lao,tạ tiền, miễn sao để cho họ trọn quyền quyết định đám tang, có trường hợp biểu gia đình ký sẵn vào giấy cam kết, hoặc là tờ di chúc của cha hoặc mẹ để lại căn dặn con cháu phải mời ban hộ niệm  (BHN).

Thời gian gần đây trên các trang mạng Phật giáo, rộ lên những tin tức về chuyện cải đạo, đó là một nỗi lo lớn. Bên trong đạo tràng niệm Phật tự phát là BHN, ban trị sự Phật giáo của mỗi tỉnh không quản lý được, nở rộ khắp nơi. Nhìn bên ngoài thì thấy có đạo tràng niệm Phật đi hộ niệm khắp nơi, nhiệt tình, không nhận tiền, không ăn cơm nhà tang chủ nữa, nói tóm lại chỉ có giúp và giúp không đòi hỏi gì hơn, miễn sao tang chủ, trai chủ không đến chùa, không mời Sư Tăng, không liên hệ đến Sư Tăng,  Cách này còn đáng lo đáng sợ hơn nhiều so với chuyện cải đạo tín đồ Phật giáo công khai mà các tôn giáo khác đang thực hiện khắp mọi miền đất nước mà mọi người đều nhìn thấy.

Bạch Sư Phụ !  BHN kiểu này nở rộ khắp nơi, nhiều tỉnh thành HỌ đã và đang sinh hoạt với mục đích là loại Tăng Bảo, không hiểu các Hoà Thượng, Thượng Toạ lãnh đạo GHPGVN đã rõ chưa ? Các Hoà Thượng, Thượng Toạ lãnh đạo các Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh thành đã rõ chưa? Các Ngài có kêu gọi các BHN tự phát đó về răn nhắc họ nên tham gia vào đạo tràng niệm Phật của từng chùa cùng tu cùng học, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị Sự thì lợi ích hơn nhiều, hơn là tự phát theo kiểu đó dẫn đến nội bộ phân hoá tan rã, và nguy nhất là Tam Bảo chỉ còn nhị bảo, vì Tăng Bảo đã loại trừ.

Đầu năm, thưa Sư Phụ chuyện không vui như vậy con cũng áy náy, nhưng là một Phật tử mang ơn Phật mang ơn Tăng rất nhiều con không thể làm thinh. Chuyện con vừa kể Sư Phụ có rõ chưa ạ !

Sư mỉm cười gượng, vầng trán hằn thêm nếp ưu tư trả lời:

“Sư Phụ có hiểu có rõ nhưng chưa nói ra được, vì BHN tự phát đang đi hộ niệm cho người chết, mặc áo tràng lam, có chuông, có mõ, có Phật A Di Đà, lại không lấy tiền thù lao, không đòi hỏi gì hết. Chỉ có loại Tăng ra khỏi Tam Bảo thôi, mà không có gì làm bằng chứng thì làm sao nói họ được”. Sáu chữ A Di Đà Phật với bốn chữ A Di Đà Phật vậy mà trùng trùng cách biệt. Xưa nay lục tự Di Đà thì Phật giáo bình yên, còn tứ tự Di Đà thì gây xáo trộn trọng nội bộ Phật giáo. Nam Mô là cung kính, mất Nam Mô, Tăng Bảo loại  trừ. Phật giáo Việt Nam hết nạn nọ đến tai kia. Hiểm nạn từ bên ngoài, hiểm hoạ từ bên trong.

Quý Phật tử niệm bốn tiếng Di Đà, quý vị đang là đệ tử Phật, có pháp danh nữa, đã từng quy y, ai quy y cho các vị nếu không phải Tăng, các vị ngồi quy y trong chánh điện trong chùa, mà chùa xây cất được là từ những đồng tiền hỷ cúng của phật tử khi mời chư tăng đến nhà hộ niệm, hiếu sự, các vị làm thay việc của quý chư tăng hết, phật pháp sẽ không còn tồn tại ở thế gian. Các vị vãng sinh về nước cực lạc hết, nhìn xuống trần gian này chỉ còn tín đồ các đạo khác, không còn Phật tử nữa các vị có vui không? Các vị có yên lòng sáng đi hái hoa  trên con đường dát vàng dâng cúng Phật, rồi thanh thản ngồi nghe Phật thuyết pháp, tiếp tục tu hành. Còn thế hệ con cháu chúng tôi Tăng Bảo không còn, các Cao Tăng Tòng Lâm Thạch Trụ không còn, không còn Tăng để cất chùa, nuôi chúng điệu, không còn Tăng để giảng giải, dịch kinh viết sách, tổ chức khoá tu, truyền giới dạy dỗ tu hành, chúng tôi biết nương tựa vào đâu? Các vị thì đã vãng sanh hết rồi, con cháu các vị có khi lại rẽ sang tín ngưỡng khác. Hạt giống Phật pháp truyền thừa từ xưa đến nay đều  từ Tăng qua Tăng, chứ Cư Sĩ như các vị không thể thay thể  vai trò đó được, cha mẹ trong BHN khi chết rồi thì có truyền lại BHN cho con cho cháu tiếp nối? Các vị là con Phật các vị nỡ lòng nào để cho Phật pháp lụi tàn bằng cách làm Phật sự vì tự ái, vì sự không cân nhắc lợi hại của mình.

 

Trong kinh Pháp Hoa Đức Phật có dạy: “ Tam giới bất an do như hoả trạch -  Cõi Dục giới , Sắc giới, vô sắc giới không yên ổn chút nào giống như đang ở trong lò lửa” Không cần nói đến Tam giới, chỉ cần nói đến cõi này thôi, cõi người ta này thôi thì đã thấy như đang ở trong nhà lửa. Lửa cháy bùng lên ai cũng thấy ngọn lửa, thì chữa cháy rất dễ, còn lửa cháy mà không thấy ngọn lửa, âm ỉ cháy, âm thầm cháy, cháy khéo léo để mọi người không nhận ra là lửa đang cháy thì nguy hại khôn cùng. Vì không thấy lửa bùng lên thì hơi đâu mà chữa. Nhưng kết cục cháy nào cũng là cháy, hệ quả là đống tro tàn. Cá nhân tôi nếu các vị trong BHN mà cùng ngồi xuống cho chúng tôi giáp mặt, chúng tôi lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo, trả ơn giới sư đã truyền giới cho tôi tu hành. Tôi lạy các vị và kêu lên thống thiết rằng: “ Các vị đừng bỏ công ăn việc làm, đừng bỏ công việc gia đình, đừng tránh né đưa đón con đi học, đừng xao lãng trách nhiệm làm vợ, làm cha để dành hết thời giờ cho BHN tự phát, để cầu cho người chết được vãng sanh (mà có thật vãng sanh không?)mà đạo pháp thì  lụi tàn, Tăng Bảo không còn ở thế gian. Ngoại đạo tung hoành truyền đạo giữa chốn không người.Kết thúc bài này bằng cách bắt chước cách niệm Phật của các cụ bà, cụ ông miền bắc cả ngàn năm nay: “ Con niệm Nam Mô A Di Đà Phật”.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (9 đã gửi)

avatar
adidafat 09/10/2011 22:22:26
viet thi cung duoc do nhung nhu vay thi chua dung lam nen coi lai bai viet cua minh nhieu lan di roi moi dang tai len mang .doc bai viet nay thay nhu dang doc cau chuyen tieu lam
avatar
dangtrinh 10/10/2011 09:12:22
"doc bai viet nay thay nhu dang doc cau chuyen tieu lam"
--->chuyện tiếu lâm nhưng cười ra ... nước mắt.
avatar
Nguyen Xuan phong 11/10/2011 15:43:21
CẤN NHÌN THẤU ĐÁO HƠN VỀ BAN HỘ NIỆM
Hồng Vân



Nếu cho rằng, việc hình thành các đạo tràng hộ niệm là loại tăng ra khỏi Tam bảo là không đúng. Chúng ta có quá khắt khe khi nhìn những công việc của các Ban hộ niệm đang làm hiện nay không ?

Trong thời gian gần đây, có khá nhiều thông tin bài viết nêu vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo qua việc hình thành các tổ chức đạo tràng, Ban hộ niệm và các nghi lễ Phật giáo như cầu siêu, cúng thất…

Thực tế, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn tránh cái nhìn phiến diện dễ gây ra sự hiểu lầm cho một việc làm công đức mà các đệ tử Phật, các đạo tràng và Ban Hộ niệm đang tiến hành hiện nay.

Vì không thể nói nhiều các vấn đề, trong bài viết này tôi chỉ xin đi sâu vào việc hình thành đạo tràng lập Ban hộ niệm để giúp người có tâm nguyện được vãng sinh về Tây Phương Cực lạc.

Do các công lao hoằng pháp của các vị tăng trên khắp mọi miền đất nước mà pháp môn Tịnh Độ đã phát triển rất mạnh. Vì lẽ đó mà hình thành rất nhiều các đạo tràng và Ban hộ niệm ở Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta nên cần ghi nhận về sự phát triển đó.

Phút lâm chung rất quan trọng đối với người cầu sinh cõi Tây Phương Cực Lạc.

Như mọi người đều biết, nguyệp lực hay mục đích cuối cùng của các đệ tử theo pháp môn Tịnh độ là sau khi rời bỏ báo thân sẽ được vãng sinh về Tây Phương cực lạc. Đây là một pháp môn được coi là thù thắng bất khả tư nhất trong thời kỳ mạt pháp.

Do nương nhờ vào tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà , các chư vị Bồ tát và Thánh chúng nên pháp môn này không chỉ dành cho các tăng sĩ mà cả các cư tu sĩ tại gia cũng có thể tu hành giải thoát trong một kiếp người.

Vì có thể mang theo đới nghiệp đi vãng sinh nên giây phút lâm chung của người sắp mất là rất quan trọng. Để bạn đọc hiểu sâu về công việc của các Ban hộ niệm, tôi xin được đưa ra một số lời thuyết giảng khai thị của Ấn Quang đại sư - Vị tổ thứ 13 của Tịnh độ tông và cũng là vị tăng được cho là sự hiện thân của Bồ tát Đại Thế Chí.

Khi nói về tầm quan trọng của giờ phút lâm chung, Ân Quang Đại Sư đã nói: “Giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo…Người lâm chung, thần thức của họ không tập trung. Mỗi người mỗi khác, trong tiềm thức của họ khơi lại những hành vi thiện ác mà khi sống họ đã huân tập từ lâu nay. Hình bóng tạng thức sẽ dẫn thần thức của họ đi ra ngoài. Lúc này họ bị bất lực, vì thần thức hoàn toàn do nghiệp lực làm chủ, năng lực và sức hút của nghiệp cũ rất nặng. Nếu nghiệp xấu ác của người đó nhiều, thì chủng tử xấu ác khởi lên mạnh mẽ, lập tức họ bị chiêu cảm đi vào trong ba đường xấu ác. Nếu nghiệp thiện nhiều, thì chủng tử thiện khởi lên, họ được chiêu cảm sanh về các cõi thiện, là cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la”…

Được vãng sinh hay không là ở “một niệm sau cùng” của thời khắc lâm chung.

- Một niệm sau cùng là ác, liền lúc đó trong tâm xuất hiện cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thần thức sẽ theo nghiệp mà đi đầu thai vào những cảnh giới ác trong tam ác đạo.

- Một niệm sau cùng là thiện, lúc đó trong tâm liền xuất hiện thiện cảnh của trời, người và thần thức sẽ theo những thiện cảnh này mà đầu thai vào tam thiện đạo.

- Một niệm sau cùng, nếu là nhất tâm niệm “A Di Đà Phật”, cầu vãng sinh Tây Phương. Trong tâm sẽ xuất hiện cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và A Di Đà Phật cùng chư Thánh Chúng đến tiếp dẫn, thần thức liền đi theo Phật về Thánh đạo của thế giới Cực Lạc.
.
Vì vậy, để những người có tâm nguyện được vãng sinh về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà vào giờ phút lâm chung rất cần phải có người hộ niệm. Ấn Quang Đại Sư nói: “Nếu bình thường, hằng ngày họ siêng năng tu niệm Phật, tức là gieo chủng tử Phật vào trong tâm của họ. Chủng tử Phật ngày càng phát triển lớn mạnh, khi lâm chung, chủng tử Phật xuất hiện trước, lúc ấy mới cảm ứng đạo giao với Phật và được Phật tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu sự huân tập chủng tử Phật vào trong tâm họ chưa đủ mạnh, chưa đủ năng lực để vãng sinh, thì cần phải có người khác trợ lực, bằng cách niệm Phật trợ niệm, thì chủng tử Phật mới xuất hiện, mới dễ dàng vãng sinh được.”

Ban hộ niệm là để hộ niệm, trợ niệm giúp người cầu vãng sanh

Hộ niệm, trợ niệm nghĩa là trợ giúp cho tâm người đó khởi lên chủng tử Phật. “Là một Phật tử, bất luận là người đó tu hành theo pháp môn gì, hành trì như thế nào (ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, trì chú vv...), điều quan trọng nhất là làm sao để khi lâm chung trong tâm họ xuất hiện bốn chữ “A Di Đà Phật” và có ý nguyện muốn được vãng sinh”. Việc trợ niệm, hộ niệm cho người trước khi ra đi đối với pháp môn Tịnh Độ là vô cùng quan trọng, có khi còn quyết định là người đó có được vãng sinh hay không.

Trong thời gian qua, nhờ sự trợ giúp của Ban hộ niệm đã có rất nhiều người được vãng sinh. Những minh chứng đó đã được đăng tải trên mạng qua các ấn phẩm băng đĩa làm cho nhiều cư sĩ tại gia thấy hoan hỉ và hy vọng mình có thể về được với Phật A Di Đà mà không nhất thiết phải xuống tóc vào chùa.

Trước khi nói về công đức của người hộ niệm, xin được nói thêm Hộ niệm hay trợ niệm không phải là cúng cầu siêu, cúng thất tuần, lập trai đàn cầu siêu các vong linh. Như phần đã nói ở trên, Ban hộ niệm chỉ là những người giúp đỡ người sắp chết trong giờ phát lâm chung không đủ sức đẩy chủng tử A Di Đà Phật lên để cảm ứng đạo giao với Chư Phật do những nghiệp xấu và các oan gia trái chủ tìm đến đòi nợ. Còn cúng cầu siêu là là cúng cầu cho những vong linh (người đã chết rồi) sớm được siêu thoát. Hai việc này hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Chúng ta không nên hiểu nhầm là Ban hộ niệm đến nhà để cầu siêu cho các vong linh của người mới mất. Trong các cuộc hộ niệm nếu người nào mới phát tâm nguyện về thế giới Tịnh độ muốn quy y Tam bảo thì Ban hộ niệm cũng phải mời các vị tăng đến quy y chứ các thành viên trong Ban hộ niệm không làm những công việc này.

Vì sao Ban hộ niệm lại trợ niệm cho cả những người chưa niệm Phật, hay chưa quy y Tam Bảo khi còn sống. Đó là dựa trên lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư “Người chưa biết tu hành, nhưng trước giờ phút lâm chung nếu biết ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sinh, vẫn được vãng sinh. Hãy tùy cơ khai thị, giúp cho họ vững tâm niệm Phật, và tha thiết cầu vãng sinh để được hưởng cảnh an vui cực lạc, chứ không phải chết”.

Trên thực tế có không ít người chưa từng niệm Phật cũng đã được vãng sinh. Vì sao như vậy cần phải có một bài viết sâu hơn về vấn đề này.

Công việc chính của Ban Hộ niệm và những người hộ niệm là hỗ trợ niệm Phật cho người sắp ra đi “Mọi người thay nhau luân phiên niệm Phật, giúp cho người lâm chung giữ được chính niệm. Vì lúc này tâm và sức lực của người bệnh rất yếu, họ khó có thể niệm liên tục và lâu dài được, hoàn toàn nương nhờ vào sự trợ niệm của người khác mới có thể thành tựu được.”

Vì vậy, Ban trợ niệm phải niệm liên tục 24/24 gần như không ngừng nghỉ. Với một thời gian dài và liên tục như vậy các tăng sĩ ở chùa khó có thể đảm đương nổi. Chỉ có các cư sĩ tại gia mới có thể đảm tránh thay phiên nhau đến niệm. Mỗi lần niệm cũng chỉ kéo dài từ 2 – 3 tiếng đồng hồ là mệt rồi. Về nguyên tắc theo giới luật Tịnh Độ tông, Ban Hộ niệm chỉ là người trợ giúp hộ niệm nên không được dùng bất kỳ thứ gì của chủ nhà dù là một chai nước uống.

Để có thể hoàn thành công việc hộ niệm, rất nhiều cư sĩ tại gia bỏ cả công việc làm đến giúp sức trợ niệm. Vì sao vậy ? Vì họ hiểu công đức của người hộ niệm rất lớn. Theo Đại Sư Ấn Quang thì “Trợ giúp thành tựu cho một chúng sinh được vãng sinh, tức là thành tựu cho một chúng sinh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”.

Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sinh. Người hộ niệm biết rất rõ phương pháp cũng như đạo lý mình chịu giúp người đạt được Tịnh niệm vãng sinh thì mình cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm. “Thành tựu một người được vãng sinh Tịnh Ðộ chính là thành tựu một chúng sinh làm Phật. Công đức thế ấy há nghĩ lường nổi ư!... Nên biết, mình giúp cho một người khác được chính niệm vãng sinh, tức là mình được quả báo lành ở tương lai, là người khác sẽ trợ niệm lại cho mình được chính niệm vãng sinh về cõi Phật”

Nhiều người tưởng rằng, ai cũng có thể đi hộ niệm, ai cũng có thể làm trưởng ban hộ niệm. Thực tế “Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sinh, không được hộ niệm”. Đó là nguyên tắc trong việc đưa người vào ban Hộ niệm mà Ân Quang Đại Sự đã nói. Nhất là đối với người được giao trọng trách làm trưởng Ban hộ niệm.

Khi đi vào thực tế chúng ta sẽ thấy trưởng Ban hộ niệm quan trọng đến như thế nào. Nếu họ không có đầu óc tổ chức điều hành, căn lành lớn và tâm trong sáng thì không thể hiểu được những vướng mắc của người ra đi cần phải buông bỏ, càng không thể điều đình với các oan gia trái chủ đến đòi nợ. Xin được tán thán công đức các Ban hộ niệm, Trưởng Ban hộ niệm đã hết lòng hết sức đưa các chúng sinh về thế giới Tây Phương Cực lạc.

Vì sao trong khi khi hộ niệm chỉ cần 4 chữ A Di Đà Phật là đủ. Ngài Ấn Quang Đại Sư nói: “Bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chỉ niệm bốn chữ A Di Ðà Phật. Do ít chữ dễ niệm nên bịnh nhân sẽ để tâm niệm theo hoặc nhiếp tâm lắng nghe, đều tốn ít tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu ở ngoài đến cũng niệm như vậy. Nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc, lại nghỉ một chốc rồi mới lại niệm tiếp khiến bệnh nhân niệm Phật gián đoạn. Như lúc bệnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa (niệm càng nhiều càng tốt). Sau đấy, mới lo liệu, sắp đặt mọi việc”.

Tôi đã đi hộ niệm một số lần. Khá vất vả, đêm khua sớm tối nhưng công việc của người hộ niệm thật sự không cần đến các tăng sĩ ở chùa. Chỉ trừ khi quy y Tam bảo cho người sắp mất. Mỗi khi các nhà sư đến, Ban hộ niệm rất cung kính giống như khi lên chùa vậy. Mọi người trong Ban hộ niệm chỉ nghĩ làm sao cho người mình hộ niệm được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Giây phút hồi hộp nhất là khi trưởng Ban hộ niệm xin phép được rờ vào người của vong linh.

Nếu sau khi hộ niệm, thân họ mềm mại, sắc mặt trang nghiêm, còn ấm nơi đỉnh đầu là họ vãng sinh được, chúng tôi vui mừng đến muốn khóc, cảm thấy mình tinh tấn hẳn lên. Nều sau khi niệm không có được kết quả đó thì nỗi buồn khó che dấu trên khuôn mặt của mọi người.

Qua những điều phân tích ở trên ta thấy, nếu cho rằng, việc hình thành các đạo tràng hộ niệm là loại tăng ra khỏi Tam bảo là không đúng. Chúng ta có quá khắt khe khi nhìn những công việc của các Ban hộ niệm đang làm hiện nay không ?

Việc các đạo tràng Ban hộ niệm được thành lập trên thực tế chỉ là hình thành thêm những rễ cây phát triển lan toả trên mặt đất tiếp sức cho cây cổ thụ Phật giáo ngày càng ăn sâu, bám rễ trong lòng quần chúng nhân dân.

Tất nhiên khi một cái mới ra đời không tránh khỏi những tiêu cực sai xót. Nhưng chúng ta cần phải nhìn vào bản chất của vấn đề. Kính mong bạn đọc và các vị chư Tăng có cái nhìn thông cảm và thấu rõ hơn.

Nam Mô A Di Đà Phật !

(Phật Tử Việt Nam)
Reply Tán thành Không tán thành
-8
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Diệu Liên 14/10/2011 08:00:02
Chắc Hồng Vân là chúng trưởng, hay là đệ tử chân truyền của thầy Ngộ Thông.? Tôi chỉ muốn mời chư tăng ni đến hộ niệm. Tôi muốn theo phật chứ không muốn về Đài Loan hay Úc Châu.
avatar
ngu thong 14/10/2011 08:30:23
hầu hết mọi người ở PTVN, ĐPNN đã nhìn thấu đáo về BHN, chỉ trừ HỒNG VÂN, NGUYỄN XUÂN PHONG và một vài người ủng hộ.
avatar
Quang Sanh 03/11/2011 05:02:06
Các Thầy công việc Phật sự đa đoan. Diệu Liên nếu có người thân lâm chung khoảng 1 hặc 2 giờ đêm đến mời thầy chưa chức thầy đã đi được. Nếu đi được các thầy cũng sẽ không hộ niệm liên tục 8 giờ liền. Các thầy thường giao việc hộ niệm cho cư sĩ tại gia hoặc các ban hộ niệm
Reply Tán thành Không tán thành
-3
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Tran quang Binh 07/11/2011 15:39:09
Chỉ có một bài viết cuã một người thường mà ngã lòng, tin hay không là mình tự mình giaỉ thoát đừng mong cầu ai.
avatar
Diệu Liên 09/11/2011 07:54:12
Quang Sanh à. con cháu, bà con người mất không hộ niệm được sao mà phải mời BHN mà họ tự cho là chỉ có họ hộ niệm mới vãng sanh, Thầy chùa cũng thua, không bằng họ.
Hay chỉ có BHN mới tài cán như thế, mới có quyền cho người chết vãng sanh?
Quang Sanh tự suy nghĩ đi nhé?
avatar
Hư Trúc 15/08/2012 03:08:28
Suy tư về vấn nạn loại Tăng ra khỏi Tam Bảo,
Tôi nghĩ nếu như vậy nên làm cho Phật tử chú ý đến Tăng già hơn, thí dụ những chức vụ như Pháp chủ thì đã có rồi, còn từ Chủ tịch hội đồng trị sự trung ương đến Trưởng ban trị sự tỉnh , chánh đại diện quận-huyện nên dùng những danh xưng như Tăng trưởng, Tăng giám, Tăng Chánh, Tăng Cang,...nghe đạo vị hơn mà cũng làm Phật tử nhớ đến tăng già nhiều hơn.
Mô Phật không biết Hư Trúc có lạc đề không, nhưng cũng nhiệt tình đóng góp!
Kính
tổng số: 9 | đang hiển thị: 1 - 9

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.43

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập