Tác hại của rượu qua lời Phật dạy trong kinh Trường A Hàm

Đã đọc: 1079           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cuộc sống xã hội ngày một tiến bộ, con người đã đi xa đến mức dường như có thể làm chủ được cả thế giới vật chất này. Họ đã chế tạo phi thuyền để đi vào không gian, lên mặt trăng, vào sao hỏa… đó cũng được coi là một sự chiến thắng về ngoại giới.

Tuy vậy sự thành tựu đó vẫn chưa được gọi là vinh quang khi mà nội tâm con người vẫn còn nhiều khổ đau, phiền muộn. Nếu làm chủ được nội tâm, chiến thắng được nội giới lẫn ngoại giới đó mới là chiến thắng tối thượng. Thế mà khó có người làm được, vì chính bản thân họ vẫn không tìm ra lối thoát cho riêng mình khi bị rơi vòng xoáy bất tận của cuộc sống. Nghèo hay giàu đều có nỗi khổ riêng và nỗi khổ chung. Một số người tìm cách giải thoát bằng sự quyên sinh, một số thì lại buông trôi đời mình trong rượu chè, ma túy… để rồi tự bít lối thoát của chính mình, tự đeo thêm đau khổ khi mình vẫn chưa thoát khổ đau. Tác hại của việc dùng rượu giải sầu, hay dùng ma túy quên đời ít nhiều mọi người cũng đã biết. Nay mượn lời dạy trong kinh “Trường A Hàm” để phân tích sâu hơn với ý nguyện người hữu duyên đọc được bài này có thể tự nhận thức và giúp người khác nhận thức được tác hại của rượu mà xa lìa cảnh khổ đạt vui an lạc. Kinh dạy uống rượu có sáu tác hại:

1.Tổn thất tài sản

 

Ảnh minh họa.

Người nghiện rượu sẽ không bao giờ có cuộc sống ổn định, nếu cha, chồng hoặc người gánh vác trách nhiệm chăm lo cuộc sống gia đình mà nghiện rượu thì kinh tế sa sút, gia cảnh túng nghèo là chuyện không bao giờ tránh khỏi. Khi kinh tế thiếu hụt, tài sản mất dần vì không có việc làm, người nghiện rượu sinh tâm nhàm chán, không còn ý chí phấn đấu xây dựng đời sống gia đình, họ bỏ mặc mọi thứ và tìm rượu để giải sầu. Có người vì rượu mà mất hết nhà cửa, ruộng đất, gia đình tan nát. Khi không còn tiền mua rượu, vì nghiện nên họ bắt buộc phải mua thiếu, dần dần thành con nợ.

2. Sinh bệnh

Tác hại của rượu đối với người uống là điều có thể minh chứng. Người nghiện rượu đã là một con bệnh, và cơ thể họ chính là miếng mồi ngon cho các vi trùng xâm nhập. Nếu quan sát ta có thể hình dung cơ thể người nghiện giống như xác một con vật đang trong giai đoạn bị thối rửa, trên cơ thể chính là nơi nuôi dưỡng hàng vạn con dòi, vi khuẩn gây hại bò dọc bò ngang. Chúng vô cùng vui vẻ, thoải mái khi biết rằng chúng sẽ không bao giờ bị chết đói vì trên thế gian này vẫn còn vô số những người nghiện rượu.

Y học chứng minh, người mắc chứng nghiện rượu hoặc uống rượu nhiều, vô độ sẽ bị tổn hại về mặt tinh thần lẫn thể xác.Trạng thái say rượu được chia ra nhiều mức độ: từ lâng lâng nghĩa là hưng phấn, đến say, rồi xỉn, khi con người hoàn toàn chịu sự chi phối của chất cồn.  Nói chung chất cồn trong rượu tác hại vào nhiều cơ quan, nặng nhất là hệ thần kinh trung ương. Người say rượu, từ chỗ huênh hoang, thiếu thận trọng trong lời nói, cử chỉ, không cảm thấy xấu hổ nữa. Họ có thể đi đến chỗ có những hành động khác hẳn  bình thường. Nghiện rượu kéo dài còn có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ, hay thậm chí tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Bá Nhuận, nguyên là Bác sĩ Khoa Gan-Mật-Tụy của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rượu tác động lên hệ thần kinh, khiến người ta không làm chủ được mình, dẫn đến những hành động gây ra hậu quả khôn lường, dẫn đến những tai nạn giao thông rất đáng tiếc.

Rượu còn liên quan đến nhiều căn bệnh ung thư hiểm nghèo khác. Các nghiên cứu cho rằng những người uống trên 50 phân khối rượu mạnh mỗi ngày, thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, ung thư cuống họng, ung thư trực tràng và riêng với phụ nữ thì còn có thêm khả năng là bị ung thư vú.

Bàn về những hậu quả của rượu thì phải kể đến sự mệt mỏi sau mỗi cơn say. Khi uống quá chén thì sáng hôm sau thức dậy chúng ta sẽ cảm thấy trong người mệt mỏi, đầu nhức như búa bổ, và dạ dầy đau quặn. Những người nghiện rượu đều đã có những kinh nghiệm tương tự như vậy.

Phụ nữ đang mang thai uống rượu, thì có thể đưa tới khuyết tật cho thai nhi, vì thế các bác sĩ khuyên phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng rượu bia. Ảnh hưởng của rượu trên thai nhi được các giới chức y tế Pháp nghiên cứu và công bố vào năm 1968.

Năm 1973, trên tạp chí Y học Lancet, Kenneth Lyons Jones và David W. Smith đặt tên cho ảnh hưởng này là Fetal Alcohol Syndrome. Họ đã nghiên cứu hình dáng bất bình thường của 5 đứa trẻ do các bà mẹ nghiện rượu kinh niên sanh ra. Rồi đến ngày 31 tháng Năm 1977, trong chương trình phát hình buổi chiều, đài NBC đã mang trình diện hình ảnh em bé Melissa bị ảnh hưởng của rượu mà người mẹ uống khi mang thai em. Đầu em nhỏ, thân hình mảnh khảnh, mí mắt hẹp. Dung mạo bất bình thường của em bé đã gây một xúc động lớn trong công chúng.

Rượu cũng là nguyên nhân đưa đến chứng xơ gan, ung thư gan. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức giải thích: “Đây là một trường hợp rất phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê thì ở Việt Nam những trường hợp rượu đưa đến bệnh ung thư gan có tỉ lệ khá cao. Lý do là vì lá gan của chúng ta bị tác dụng bởi những chất cồn ở trong rượu, và sẽ đưa tới hủy họai các tế bào trong gan, đưa tới sự đóng mỡ trong gan. Và nó làm cho những chức năng gan không hoạt động được nữa. Và tới giai đọan cuối thì nó làm cho lá gan bị xơ cứng, và có thể đưa tới ung thư gan.”

3. Đấu tranh

Ảnh minh họa.

Rượu vào lời ra đó là việc bình thường của các vị tôn thờ “thần lưu linh” làm Sư phụ. Nhưng khi đã không còn làm chủ bản thân thì rượu chính là động lực thúc đẩy người say nói lời vô ích, phi nghĩa, gây bất hòa chia rẽ dẫn đến đấu tranh nhau. Có câu chuyện, cha vợ với chàng rể cùng nhậu sau một ngày làm việc ngoài đồng về. Khi mới vào cuộc con và cha còn phân biệt trật tự tôn ti, kính cẩn hai tay nâng ly mời cha uống trước. Đến giai đoạn giữa tuy vẫn còn gọi cha xưng con nhưng không còn rót mời như trước mà đến phiên ai người đó tự rót. Lúc này rượu đã ngấm dần, thần lưu linh bắt đầu lãng vãng, đầu óc đang du hí chốn thiên đàng, đến giai đoạn cuối thì cha con như nhau, chàng rể lúc này không còn nhận biết trước mặt mình là người cha vợ cao cả như ngày nào nên nhằm vào mặt mà văng tục chửi thề, gọi mày xưng tao, vung tay múa chân… cha vợ cũng không kém gì, đối đáp hăng say, lời qua tiếng lại dẫn đến đấu tranh, cha con đánh nhau, vỡ đầu phun máu. Kinh “Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi” có dẫn ra 36 lỗi của người say như sau:

01. Uống rượu say khiến con chẳng kính cha mẹ, cha con không có trên dưới

02. Nói năng bậy bạ

03. Uống rượu nói lời chia rẽ, nói nhiều

04. Say rượu nói hết những điều cơ mật của người

05. Say rượu mắng trời quở đất chẳng biết húy kỵ

06. Say rượu nằm giữa đường, chẳng biết đường về hoặc đánh mất đồ vật

07. Say rượu chẳng thể đi đứng đoan chánh

08. Say rượu ngã tới ngã lui hoặc rơi vào mương rãnh, hầm hố

09. Say rượu té lên té xuống vỡ cả mặt mày

10. Say rượu mua bán lầm lộn, gây việc đụng chạm với người

11. Say rượu làm mất việc làm, chẳng lo làm ăn sinh sống

12. Hao tổn tiền của

13. Say rượu chẳng nghĩ đến sự đói lạnh của vợ con

14. Say rượu mắng chửi chẳng  kể đến luật pháp

15. Say rượu cởi áo quần, thân thể lõa lồ chạy khắp nơi không biết hổ thẹn

16. Say rượu chạy vào nhà người lôi kéo phụ nữ nói bậy nói bạ

17. Muốn đánh người bên cạnh

18. Dậm chân la lối om sòm làm kinh động đến hàng xóm

19. Say rượu giết càn các loài trùng kiến

20. Say rượu đập phá đồ đạc trong nhà

21. Người say rượu bị người nhà coi như kẻ ở trong tù ngục, say sưa không có suy nghĩ

22. Kết bạn cùng bọn người ác

23. Xa người hiền lành

24. Say rồi tỉnh dậy thân thể cảm thấy bệnh hoạn         

25. Say sưa ói mửa dơ bẩn,vợ con chán ghét

26. Say sưa tâm ý buông lung không biết tránh thú dữ

27. Say sưa chẳng tôn kính người hiền, chẳng kính sa môn

28. Say rượu dâm dật không biết kiêng sợ

29. Say rượu như người điên mọi người tránh xa

30. Người say như người chết không còn biết gì cả

31. Người uống rượu say sẽ bị bệnh gan

32. Trời rồng, quỉ thần đều không thích người uống rượu

33. Bạn tốt xa lánh

34. Say rượu quậy phá bị chính quyền bắt, hoặc bị đánh đòn

35. Sau khi chết đọa địa ngục, uống nước đồng sôi

36. Được ra khỏi địa ngục, sanh làm người thường ngu si

Lại nữa, khi uống rượu say không làm chủ bản thân, nói những lời gây phiền não, oán hận lẫn nhau khiến bạn bè chí thân trở thành thù địch, anh chị em trong gia đình không còn kính nể thương yêu nhau, mất hết uy tín với đối tác làm ăn, bị kẻ dưới coi thường, con cháu không quý mến.

4. Tiếng xấu đồn khắp

Dân gian có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Đối với người say ngay khi còn sống danh tiếng đã không được ca ngợi mà lúc chết đi người thế gian còn chê bai, khinh miệt. Vì lúc sống họ đã không làm được điều gì có lợi ích cho bản thân, không những thế gây mất an ninh trật tự trong xã hội, khiến gia đình lầm vào cảnh bần hàn túng thiếu. Không ai ca ngợi người nghiện rượu là người tài giỏi, kể cả những bạn nhậu chí thân cũng chưa chắc đã tôn trọng mình. Họ đến nhậu vì thấy mình còn khả năng để lợi dụng, nhưng khi hết thời thì chẳng ai đưa mắt ngó nhìn. Xã hội ngày nay, không chỉ người nghèo, kém hiểu biết mới nhậu mà còn rất đông những vị có quyền cao chức trọng, tiền bạc danh vọng cũng nhậu nhiều không kém, thậm chí còn được liệt vào hàng “nhậu có đẳng cấp”. Kết quả điều tra mới đây nhất tại Việt Nam của Viện Chiến lược và chính sách y tế Việt Nam cho thấy một thực tế đáng ngại: đó là cán bộ nhà nước và người có trình độ học vấn cao lại chiếm tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất 77%. Đây là điều đáng lo ngại, nếu tình trạng này gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự suy giảm nguyên khí quốc gia, cũng thật đáng tiếc khi họ chấp nhận bán rẻ danh tiếng, uy tín, phẩm hạnh, trình độ học vấn, năng lực của mình cho “thần ma men”. Công lao đốn củi ba năm đem đốt trong một giờ là thế! Người nghèo nhậu với bạn nghèo, chỉ chai rượu vài trái cóc, ổi…người giàu nhậu với bạn giàu, đầy đủ cao lương mỹ vị nhưng khi say thì giàu nghèo đều như nhau, hậu quả gánh chịu cũng không khác nhau chút nào.

Thực trạng thanh thiếu niên nghiện rượu cũng đáng báo động. những thanh niên thường chủ trương “Nam vô tửu như kỳ vô phong,” xem tửu lượng là biểu hiện của “sức mạnh” nên mỗi khi vào “độ” nhậu, thường khích nhau để xem ai uống được nhiều bia rượu, đâu biết rằng cơ quan nội tạng của họ phải âm thầm gánh chịu những tác hại ghê gớm của chất cồn như thế nào!

Đầu tiên là rượu có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng cho cơ thể. Thường khi uống nhiều rượu thì chúng ta ăn ít hoặc không ăn gì cả, trong khi rượu không mang những chất dinh dữơng đến cho cơ thể, mà chỉ cung cấp calori. Vì vậy chúng ta thiếu các chất dinh dưỡng, thí dụ như vitamin, chất đạm, và các khoáng chất khác. Ngược lại năng lượng dư thừa và sẽ tích tụ lại trong cơ thể để thành ra mỡ. Vì vậy thường những người nghiện rượu hay có bụng to, là vì có nhiều mỡ đóng ở quanh bụng. Chẳng những thế, sau khi uống rượu say, hăng máu anh hùng tổ chức đua xe, hoặc “tự sướng” bằng cách lạng lách, đánh võng trên đường gây tại nạn nghiệm trọng, nếu không chết cũng tàn tật, di chứng đau bệnh cho hiện tại và tương lai. Tại Việt Nam mỗi năm, vào các dịp Tết lễ, số tai nạn giao thông lại tăng vọt đến vài ngàn, có khi hàng chục ngàn người thương vong hay tàn phế chỉ vì tệ lái xe sau khi say xỉn.

5. Nóng giận bạo ngược

Ảnh minh họa.

Hung hăng bạo ngược ngang tàn là bạn đồng hành thân thiết của thần ma men. Con người khi đã bị rượu khống chế thì sự hung hăng càng tăng gấp bội. Có người uống rượu vào thường nói lảm nhảm, kể hết chuyện này đến chuyện khác, đem những chuyện riêng tư kín đáo, vui buồn kể hết mà không cần biết hậu quả ra sao. Người khác lúc say lại đập bàn, phá ghế, đánh chửi vợ con, mắng tục chửi thề xúc phạm Phật, trời… không kiêng nể người trên kẻ dưới.

Mỗi lần nghe tiếng chồng say xỉn về từ đầu ngõ là vợ cùng mấy đứa con phải tìm “nơi bôn tẩu” vì nếu không sẽ bị những trận đòn vô cớ. Vì thế, khi chưa say, cha là cha, chồng là chồng nhưng khi say rồi cha và chồng trở thành ác quỷ. Hình ảnh cha nhậu say, đánh mẹ, mắng con luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn những đứa trẻ thơ mới lớn, chúng khiếp sợ cha và nhiều khi muốn tìm cách giết chết con quỷ để cứu lấy cha. Nhưng rồi, khi lớn lên nếu không nhận thức được tác hại của rượu, đứa con bắt đầu tập uống, dần dần trở thành nghiện. Cha không thể bảo con đừng uống vì ngày trước cha cũng từng uống. Thế là nỗi khổ đau truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gia đình ấy trở thành địa ngục trần gian, nơi giam chứa những con người mang linh hồn quỷ dữ.

Ngọn lửa sân hận được châm ngòi bằng rượu đã để lại hậu quả vô cùng đau đớn, một gia đình từ chỗ an ổn đi đến tuyệt vọng, cha bị cầm tù vì vô tình giết chết mẹ trong lúc say, con trai rơi vào vòng nghiện ngập tù tội, con gái phải bán mình để có tiền trả nợ giang hồ… thảm trạng ấy thế gian ngày nay không thiếu!

6. Trí tuệ ngày càng tổn giảm

Như trên đã nói về hậu quả bệnh tật của người nghiện rượu, nay nhắc lại để người say mau tỉnh giác. Con người vốn dĩ hơn con vật ở nơi “trí tuệ” nhận biết đúng sai, thiện ác. Nhưng người đã say không thể tự chủ, đánh mất trí tuệ sáng suốt thì chẳng khác gì cầm thú. Làm việc thiếu thận trọng đã gây hậu quả khôn lường, người say thiếu trí tuệ hiện đời đau khổ vì bệnh tật, bạn tốt lánh xa, tiếng xấu lưu lại ngàn thu, chẵng những thế sau khi chết đi còn phải đọa vào trong địa ngục, chịu khổ uống nước đồng sôi. Mãn hạn địa ngục lại sinh làm súc vật như heo, bò, trâu, chó…bị người đánh đập để trả nợ ngày trước mắng chửi đánh đập người khác, mãn kiếp súc sinh nếu được làm người chịu cảnh ngu si, khờ khạo bị người coi khinh. Đau khổ chất chồng đau khổ, ngu si nối tiếp ngu si. Đời đời nằm trong vòng sinh tử khổ đau cũng vì thiếu trí tuệ do rượu gây ra. Nay nhận rõ rồi mau tu tỉnh sửa sai, để ngày sau không hối hận.

Nay đã phân tích tác hại của rượu với ý nguyện mong những ai còn đang bị rượu sai khiến hãy mau kíp tránh xa thần ma men, một dạ một lòng bỏ ác làm thiện, gieo nhân lành cho ngày sau được an ổn. Lại nữa, sớm nhận biết thân này khó được nhưng dễ mất, mạng sống trôi qua như tên bắn, không rõ sống chết khi nào, vậy mà để đời mình chìm ngập trong rượu chè, u mê thì thật uổng lắm thay! Ngài Tịch Thiên (Santideva) trong quyển “Nhập Bồ Tát Hạnh”, phẩm “Những Lợi Lạc Của Bồ Đề Tâm” có dạy:

Phúc thay ta được thân nhân loại

Hãy dùng thân tự lợi, lợi tha

Dịp này nếu để luống qua

Thì khi chết đến biết là về đâu?

Thế nên, muốn biết sau khi chết đi về đâu thì bây giờ hãy xem mình đang làm những gì. Nếu chìm ngập trong rượu chè thì đường về của chúng ta chỉ là ba cõi khổ đau: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Nếu muốn thoát khỏi vòng khổ đau đó, để sinh về cõi lành thì hãy nghe lời ngài Tsongkhapa dạy trong “Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ” như sau: “Hãy từ bỏ những thú vui tạm bợ của thế gian. Nỗ lực đi theo con đường mà chư Phật hài lòng, để đời mình luôn có ý nghĩa. Hỡi người diễm phúc. Hãy tịnh tâm lắng nghe.” Từ bỏ thú vui tạm bợ của thế gian đối với người say là từ bỏ rượu. Đi theo con đường chư Phật hài lòng đó là quyết tâm cai rượu, quy y Tam bảo, nhận giữ năm giới, niệm Phật, làm lành, để đời mình không trôi đi một cách uổng phí! Đồng thời khuyến tấn những người đã lầm đường lỡ bước như mình mau lánh ác làm lành, nỗ lực sám hối lầm lỗi để có được cuộc sống an lành.

Ai muốn sống an lạc

Hãy từ bỏ rượu chè

Ai muốn thoát sinh tử

Hãy siêng tu trí tuệ

Phần tham khảo:

  1. Kinh Trường A Hàm.
  2. Kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi.
  3. Nhập Bồ Tát Hạnh. Nguyên tác Đạo sư Santideva (Ngài Tịch Thiên).
  4. Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ (Lam tso nam sum). Nguyên tác Đạo sư  Tsongkhapa.
  5. Ảnh hưởng của rượu trên thai nhi. Bác sỹ Nguyễn Ý Đức. Texas_Hoa Kỳ.
  6. Tác hại của rượu đối với sức khỏe. Quỳnh Như phóng viên RFA.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập