Giúp chồng vượt qua thói quen dựa dẫm vào bố mẹ

Đã đọc: 1168           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Con rất hạnh phúc vì sắp tới đây gia đình bé nhỏ của mình sẽ đón chào một thành viên mới. Nhưng bên cạnh niềm vui đó thì thường ngày con phải đối mặt với những suy nghĩ khi sinh con xong trong thời gian ở nhà chăm sóc con thì chồng con sẽ làm gì để nuôi gia đình. Con đã từng đặt những câu hỏi gợi ý để thăm dò ý kiến của chồng nhưng đổi lại con nhận được những câu trả lời rất thất vọng là: “Thiếu tiền mua sữa thì cứ xin bà nội”. Nghe như vậy con thất vọng lắm nhưng con không biết nói gì, trong khi đó ba mẹ chồng cũng không nhắc đến chuyện công việc làm cho chồng con. Con biết ba mẹ chồng rất thương con của mình, nhưng theo con nghĩ trước kia chưa có vợ, chưa có con thì khác, giờ đã có vợ và sắp có con thì chồng con nên suy nghĩ tới công việc gì đó để phụ giúp nuôi gia đình, chứ không phải cái gì cũng ngửa tay xin mẹ. Trong khi đó, thời gian rảnh chồng con toàn ngồi chơi đá bóng online, con thì đang mang thai vậy mà phải phụ mẹ chồng buôn bán, nhiều khi khách vào mua hàng, cần những vật nặng như két bia, thùng nước ngọt,… vậy mà chồng con vẫn điềm nhiên ngồi chơi, mặc con mang những thùng bia nặng cho khách. Mỗi lần như vậy, con thấy buồn và ứa nước mắt.
Con đã nói rất nhiều lần mà tình hình chẳng có gì thay đổi, con rất mệt mỏi khi nói mãi về một vấn đề này nên con mong Thầy giúp con! Cảm ơn Thầy nhiều.

Lê Thu Hà, Quảng Ninh

Đọc thư chị, tôi cảm thấy chị đang đối diện sự thất vọng về người chồng bàng quan, thiếu trách nhiệm, không thạo việc gì, quen thói dựa dẫm vào cha mẹ. Để giúp chồng chị thay đổi lối sống và để giúp chị vượt qua sự hụt hẫng và tuyệt vọng về cuộc hôn nhân, chị nên lưu tâm những điều sau đây:
Đừng quá lo lắng trong lúc mang thai

Thời gian mang thai là lúc mà chị cần nghỉ ngơi thích hợp, tránh rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, buồn phiền, chán chường, tuyệt vọng. Mỗi suy nghĩ và hoạt động của chị đều ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi trong bụng chị. Đừng để chuyện buồn về chồng tạo ra những phản ứng tiêu cực đối với chị và con chị.

Lo lắng chẳng những không có ích gì trong việc giải quyết các vấn nạn và trở ngại mà ta đang vấp phải, mà trong nhiều tình huống lo lắng chỉ làm tăng cảm xúc mệt mỏi và vô vọng. Người lo lắng sẽ không thể trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây. “Nói mãi về một vấn đề” với chồng mà nói không khéo sẽ có thể làm tăng sự lo lắng cho cả hai và góp phần làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Từ nay đến ngày chị sinh, ngoài các vận động thích hợp cho thai phụ, chị nên dành nhiều thời gian dưỡng tâm trí, trải nghiệm tâm linh; xem các sách thánh hiền để học các lời dạy minh triết; thực tập các đức tính từ bi, hỷ xả, rộng lượng, bao dung, tha thứ và nhiều đức tính cao quý khác sẽ giúp chị trở nên cao thượng, an vui, hạnh phúc, đồng thời, góp phần làm cho nhân cách con chị phát triển theo hướng vị tha trong tương lai. Hít thở chánh niệm, đi đứng thư thái, tâm trí an nhiên, đừng để dao động cảm xúc trước cảnh thuận nghịch... sẽ giúp chị dưỡng thai tốt. Nói chung, mang thai là thời gian mà chị nên dành nhiều tình cảm cao quý cho chính mình và đứa con trong bào thai hơn là chồng chị và cha là của đứa con tương lai. Việc gì chưa được như ý thì hãy để nó sớm trôi qua. Đừng nên quá bận lòng và vướng kẹt. Tập thói quen này sẽ giúp chị sống hạnh phúc cho mẹ con chị trong thời gian nhạy cảm nhất trong đời chị.
Hai thái độ nên tránh

Nhiều ông chồng suy nghĩ rằng chuyện trong nhà là trách nhiệm của vợ nên khi có vợ ở nhà, các ông thường ỷ lại và phó mặc mọi việc cho vợ, vốn là phái yếu và không thích hợp với các việc nặng nhọc. Xem ra chồng chị cũng thuộc tuýp đàn ông này. Để giúp chồng vượt qua thói bàng quan với vợ và gia đình, chị nên tránh hai thái độ ứng xử sau đây:

Thứ nhất, không nên than ngắn thở dài về tình trạng “vô tư” và “biếng nhác việc nhà” của chồng, vì sự than vãn không giúp ích gì cho việc cải thiện tính tình của anh ấy, vốn đã quen thói dựa dẫm cha mẹ từ trước mà ra. Trong nhiều tình huống, vợ càng than vãn càng làm cho một số ông chồng tự ái, từ đó, nảy sinh các phát ngôn cộc lốc, bất cần đời, thậm chí làm tổn thương vợ.

Thứ hai, chị không nên ôm đồm, tự làm tất tần tật mọi việc mà không cần nhờ vả chồng. Chị em phụ nữ nào quá chu đáo và tự lập cao thường khổ thân và khổ tâm. Khổ thân vì phải ôm đồm quá nhiều thứ không còn thời gian dành cho bản thân. Khổ tâm vì thấy chồng không có tính ga lăng giúp đỡ vợ cùng làm việc nhà, bỏ mặc mọi thứ cho vợ.

Hai thái độ ứng xử vừa nêu trên chỉ làm cho tình hình trở nên bất ổn hơn. Trong tình huống một, người vợ sẽ thất vọng nhiều hơn khi tình hình chẳng có gì thay đổi, từ đó, cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thất vọng, cô đơn. Trong tình huống hai, người vợ nào không biết khéo nhờ chồng giúp đỡ hoặc cùng làm việc nhà sẽ phải vất vả nhiều hơn và cô đơn hơn.
Khéo nhờ chồng làm việc nhà

Nên tránh thái độ ứng xử trên, chị hãy khéo nhờ cậy để chồng ra tay nghĩa hiệp. Đối với việc nặng nhọc, đòi hỏi đến cơ bắp, hoặc các việc dành cho người nam, thay vì tự làm, chị nên nhờ chồng làm giùm. Khi nhờ chồng, chị nên nở nụ cười tươi, là nói lịch sự để anh ấy hăng hái làm. Trong trường hợp chồng chị trả lời: “Để đó, khi nào rảnh anh sẽ làm”, chị đừng nên cáu gắt, đừng nhắc nhở nhiều lần, đừng xắn tay áo tự làm.

Thay vì loay hoay khuân vác, bửa củi, lúi húi bắc ghế thay bóng đèn, hì hục sửa vòi nước hư,... chị cố gắng khéo giúp anh nhận ra rằng nếu không có bàn tay đàn ông của anh ấy mọi việc trong nhà sẽ hỏng hết.

Thay vì nổi cơn tam bành, chị hãy nhõng nhẽo nhờ vả nhờ đúng cách, chị sẽ giúp chồng vượt qua thói bàng quan, vô tư và biếng nhác. Thay vì khóc lặng vì tức và tủi, chị đừng tự ái khi phải nỗ lực giúp chồng. Đừng cố chứng tỏ mình quá giỏi, tự tay làm hết mọi thứ. Hãy khéo thể hiện là người chân yếu tay mềm để chồng hoan hỉ ra tay nghĩa hiệp giúp các việc nặng nhọc.

Theo Phật giáo, trong mỗi người đều tiềm ẩn đức tính: Biết hi sinh và cống hiến. Có lẽ do sống trong hoàn cảnh dựa dẫm vào cha mẹ lâu năm, tiềm năng đó của chồng chị đã bị ngủ quên. Giờ chị cần đánh thức tiềm năng đó ở chồng. Vấn đề là nghệ thuật và sự khéo léo. Không có gì là không thể làm được.

Hãy giúp anh ấy thấy anh ấy là người rất quan trọng trong mái ấm gia đình chị. Vai trò và đóng góp của anh ấy là rất quan trọng và có ý nghĩa. Mỗi khi chồng làm tốt việc được nhờ hay việc nhà, chị nên khen tặng vài câu chân tình. Chị cần chứng tỏ cho anh ấy thấy rằng chị tự hào về anh ấy khi anh ấy làm được các việc đáng làm. Biết khen chồng đúng chỗ, đúng cách sẽ khiến chồng “nở từng khúc ruột”.

Nhờ cha mẹ chồng khuyên chồng

Thay đổi tính cách của một con người từ xấu thành tốt, từ tiêu cực thành tích cực,... không phải là chuyện một ngày, một bữa. Đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi đến sự kiên trì, hiểu biết, có phương pháp và sự khéo léo. Trong hoàn cảnh của chị, chồng chị có thể do thói quen dựa dẫm vào mẹ từ nhỏ nên đã trở thành công tử bột, mọi việc trong nhà không đụng đến ngón tay. Dần dà thành thói quen không muốn nỗ lực làm việc gì cho người khác. Khi lập gia thất, chàng trai trở thành chồng và cha vẫn tiếp tục sống bàng quan và vô tư đối với mọi việc. Đây là gốc rễ của vấn đề.

Thay vì việc khuyên can chồng đến độ chị phải bị “mệt mỏi khi mãi nói về một vấn đề” của chồng, chị nên khéo léo chia sẻ với gia đình chồng, đặc biệt là cha chồng để tìm sự cảm thông và đồng minh tích cực. Chị có thể nhờ cha chồng hoặc một nhân vật bên chồng có uy tín với chồng chị khuyến khích chồng chị tìm “công việc gì đó để phụ giúp nuôi gia đình”, kết thúc thói quen “ngửa tay xin mẹ”. Bằng cách này, một mặt chị không phải mệt mỏi vì chồng chị chưa hay chậm hợp tác, mặt khác có tác động tích cực trong việc thay đổi lối sống và cách ứng xử của anh ấy. Cũng là một vấn đề, có người nói thì có tác dụng thay đổi, trong khi người khác nói thì mọi việc đứng yên. Cha chồng nhắc nhở con trai vượt qua thói dựa dẫm vào mẹ sẽ dễ thành công hơn là vợ nói với chồng điều đó.

Ngoài sự nhắc nhở con trai, cha chồng chị cũng nên làm gương trong việc giúp đỡ mẹ chồng chị. Làm gương thường có giá trị giáo dục trực tiếp và hiệu quả hơn là những lời giáo huấn thông thường. Khi cha chồng chị giúp đỡ mẹ chồng chị thì chồng chị có thể giúp đỡ chị là điều không khó lắm. Tác động tích cực trên nền tảng tương quan gia đình thường dễ xuất hiện và có tác động làm thay đổi nhân cách và lối sống theo chiều hướng tích cực.

Trong trường hợp cha chồng và gia đình chồng của chị cảm thông và đứng về phía chị mà vẫn không thay đổi được tình huống thì tốt nhất, trong thời gian mang thai, chị nên thực tập hài lòng để khỏi phải rước phiền não và hành hạ cảm xúc bản thân. Trong mọi tình huống thành công hay không thành công trong nỗ lực giúp chồng chị chuyển hóa thói quen dựa dẫm vào mẹ chồng, chị nên giữ thái độ vui tươi, hạnh phúc, để cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn.


***

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập