Trách nhiệm xã hội nhìn từ triết học đạo đức Phật giáo

Đã đọc: 3159           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giáo lý phật giáo tuy không có khái niệm “Trách nhiệm xã hội” song các triết lý, quan điểm nhân sinh Phật giáo đã thấm đẫm tinh thần đó.

Trách nhiệm xã hội (Social Reponsibility) là một lý thuyết đạo đức nhấn mạnh đến cá nhân, tổ chức về nghĩa vụ phải hành động vì lợi ích xã hội. Xét từ góc độ cá nhân đó là bổn phận, nghĩa vụ của một con người đối với xã hội nói chung và là một tiêu chuẩn của đạo đức và là yếu tố cấu thành nhân cách người. Xét từ góc độ xã hội, trách nhiệm xã hội là một trong những cơ sở để gắn kết các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội, như một giá trị để đảm bảo quyền sống cho tất cả mọi người, việc ý thức sự quan tâm đến người khác, quan điểm về bổn phận công dân đối với tổ quốc, nghĩa vụ đối với xã hội, lòng khoan dung, vị tha, sự giúp đỡ người nghèo khổ, che chở, bảo vệ người yếu đuối v.v... là những biểu hiện cụ thể của trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội có mối quan hệ mật thiết với hành vi đạo đức. Theo E.Kant “một hành vi thực sự có tính đạo đức phải là một hành vi thực hiện theo “mệnh lệnh tuyệt đối” (Categorical Imperative) có nghĩa “mệnh lệnh tuyệt đối” là một yêu cầu đạo đức cao nhất đúng cho mọi đối tượng, mọi không gian và thời gian, do vậy đạo đức liên quan chặt chẽ đến trách nhiệm và nghĩa vụ và con người phải có trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh tuyệt đối này[1].Trên phương diện xã hội học, trách nhiệm xã hội là năng lực phản hồi (Response-ability), là sự hồi đáp với người khác, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ người khác. Theo Emmanuel Levinas, trách nhiệm xã hội là sự thuyết minh vị kỷ trong đó bản thân cá nhân “tôi” bắt buộc phải hồi đáp lại, giao tiếp với người khác, đảm bảo một sự sẵn sàng đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội: trẻ mồ côi, góa phụ, người tật nguyền.v.v. tóm lại đó là nghĩa vụ, bổn phận của một cá thể trong mối quan hệ với con người trong xã hội, biểu hiện một tâm thể tự nguyện và sẵn sàng.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, “Trách nhiệm xã hội” của con người không chỉ dừng lại ở gia đình, cộng đồng xã hội mà còn là sự mở rộng ra khu vực và nhân loại: đó là bổn phận, nghĩa vụ của con người trước những vấn đề toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, chiến tranh hủy diệt, phân cực đói nghèo, thất học v.v... Gần 30 năm qua, Việt Nam đã chủ động hội nhập vào các nền kinh tế quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế, văn hóa trên toàn cầu và đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, quá trình xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, theo kinh tế thị trường tự do, cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cơ chế tiêu cực và bất cập trong đời sống xã hội; đó là sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa, đạo đức trong giáo dục, y tế và dịch vụ công, là sự lạnh lùng, vô cảm đối với con người, cộng đồng xã hội v.v... chúng ta đều biết trách nhiệm xã hội là một vấn đề rất rộng lớn, có ngoại diên bao quát tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội. Vì thế, bài báo này chỉ muốn hướng tới trách nhiệm xã hội cá nhân (Social Responsibility of personal) và trách nhiệm của các công ty, doanh nghiệp (Corporate social responsibility).Qua nhiều thông tin, tài liệu thống kêcó thể nhận thấy trách nhiệm xã hội của cá nhân và doanh nghiệp chưa được quan tâm, chưa trở thành một giá trị, một phong cách sống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng trách nhiệm xã hội của cá nhân, doanh nghiệp: như tác động hàng ngày của kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức v.v... Một trong những nguyên nhân mà chúng tôi thực sự quan tâm và chia sẻ trong bài báo khoa học này là nguyên nhân giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội cho thế hệ trẻ, quần chúng nhân dân và trong việc giáo dục đạo đức, đạo đức tôn giáo có vai trò lớn trong việc hình thành, phát triển phong cách, lối sống có trách nhiệm xã hội.

Giáo lý phật giáo tuy không có khái niệm “Trách nhiệm xã hội” song các triết lý, quan điểm nhân sinh Phật giáo đã thấm đẫm tinh thần đó. Mục đích tối cao của Phật giáo là cứu khổ để giải thoát đã thể hiện tinh thần nhân văn cao cả “vì con người và cho con người”, tin tưởng vào con người, chia sẻ, cảm thông nỗi khổ của con người, và tìm con đường hiệu quả để giúp con người thoát khổ, như Phật tổ đã nói: “Giống như đại dương hùng dũng chỉ có một vị, đó là vị mặn của muối, trong học thuyết của ta chỉ có một vị là vị giải thoát[2].

Đối với cá nhân, yêu cầu về mặt đạo đức đối với cá thể là: trì giới, tĩnh tâm, làm điều thiện, trau dồi trí tuệ, sống thiểu dục – tri túc. (Giới – định – tuệ).

Giới (sila) là thực hành đạo đức, là phương tiện để ngăn ngừa các hành động sai lầm, chấm dứt mọi điều ác, làm các điều thiện. Theo từ điển Hán Việt: “Giới có nghĩa là ngăn cấm không được làm việc gì trái với sự thật, trái với điều thiện, trái với đường lối giải thoát, là phương pháp điều trị tội lỗi do thân, miệng, ý gây ra; hầu mang lại lợi ích cho mình và cho người[3].

Trong quá trình trì giới, người phật tử phải quán triệt 3 nguyên tắc tiên quyết sau:

1. Điều gì đem lợi ích cho ta mà gây tổn hại cho người là không được làm.

2. Điều gì đem lại lợi ích cho ta và đem lại lợi ích cho người thì nên làm.

3. Điều gì gây tổn hại cho ta và gây tổn hại cho người là không nên làm.

Ba nguyên tắc này, chính là thể hiện vấn đề cốt lõi của “trách nhiệm xã hội” hiện nay.

Thập thiện là pháp môn tu của hành giả, nội dung căn bản của thập thiện bao gồm nghiệp thiện ở thân, khẩu, ý về thân nghiệp có 3 điều: không sát sinh mà phóng sinh; không trộm cắp mà bố thí; không tà dâm mà sống trong sạch. Về khẩu nghiệp có 4 điều: không nói lời dối trá mà nói lời trung thực; không nói lời độc ác, xúc xiểm gây chia rẽ mà nói lời dịu hiền, đoàn kết; không nói lời thêu dệt, vô nghĩa, tráo trở mà nói lời có ích. Về ý nghiệp có 3 điều: không tham mà biết từ bỏ hoặc bố thí; không sân mà có lòng từ bi, không si mà sáng suốt, có trí tuệ, tỉnh giác[4].

Hệ thống giới luật của Phật giáo khá phức tạp song chỉ cần thực hành thập thiện thôi, cá nhân thực hành đã có nội lực để thực hiện trách nhiệm rồi, chẳng hạn tâm phóng sinh và bố thí chính là thể hiện trách nhiệm đối với người khác và đối với xã hội: mở rộng phóng sinh chính là bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái và mở rộng bố thí đó là giúp đỡ, chia sẻ với mọi người. Tứ vô lượng tâm gồm: từ, bi, hỷ, xả được cá nhân sử dụng để đối trị với tham, sân, si và những biến tướng của chúng. Từ là tình yêu thương, xuất phát từ đức hy sinh tự ngã, để làm vui cho mọi người; Bi là cứu khổ, lòng thương xót nỗi thống khổ của mọi người, mọi loài, tinh thần cứu giúp tha nhân. Song theo Phật giáo: “Giáo lý từ bi sẽ rõ nghĩa nếu ta không chứng tỏ nó trong đời sống thực tế của chúng ta[5]. Hỷ là sự vui có tỉnh giác, tùy hỷ với những thiện pháp mà mọi người xung quanh đạt được”. Xả là sự đúng đắn, nhận định chân chính, suy luận vô tư, không luyến ái, không ghét bỏ, không ưa thích, cũng không bất mãn. Sự thực hành xả là mở rộng lòng từ, buông bỏ, tiêu trừ hết mọi tâm trạng hẹp hòi, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa…[6]. Từ, bi và hỷ, xả có mối quan hệ mật thiết với nhau, sự hỷ, xả đưa chúng ta đến niềm vui khi ta đang chìm trong đau khổ, sự từ bi mang lại sự thăng bằng cho hỷ, xả và giữ cho chúng không bị tha hóa thành tình cảm ủy mị hay ngược lại lạc quan một cách vô minh. Hỷ, xả cũng giữ cho tâm từ, bi không thoái hóa thành u buồn, tăng cường sinh lực đưa chúng ta đến những hành động phục vụ con người, xã hội. Như vậy, giáo lý vô lượng tâm là cơ sở của cá nhân về trách nhiệm xã hội.

Trong các mối quan hệ xã hội “trách nhiệm xã hội” của Phật giáo thể hiện trong hai nguyên tắc đạo đức là “lục hòa” và “tứ ân”. Lục hòa là sáu sự hòa hợp gồm: “Giới hòa, kiến hòa, lợi hòa, thân hòa, khẩu hòa, ý hòa[7]. Hòa trong Phật giáo có nghĩa là hòa với mục đích đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Trong đời sống xã hội; thì phật giáo khuyên lục hòa đồng tu, nghĩa là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái, đạo nghĩa thầy trò, tình bằng hữu, bà con thân quyến v.v... nguyên tắc: “tứ trọng ân”: ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc vương và ơn Tam bảo. Thực chất của ơn tam bảo nhắc nhở người tu hành theo Phật giáo là phải có bổn phận, trách nhiệm với cha mẹ bằng sự cung kính, phụng sự và cầu chúc cha mẹ giải thoát khỏi vòng sinh tử. Thực chất của ơn chúng sinh nhắc nhở người hành giả phải có bổn phận, trách nhiệm báo đáp lại bằng sự siêng năng làm việc và học đạo, quan tâm, giúp đỡ và cầu cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát.Thực chất của ơn quốc vương là phải có trách nhiệm, nghĩa vụ báo đáp bằng cách làm dân lương thiện và lo tu hành.Thực chất của ơn tam bảo là phải báo đáp sự cung kính, cúng dường và tu học mau đạt kết quả[8].

“Trách nhiệm xã hội” của phật giáo còn thể hiện tư tưởng nhân sinh làm điều thiện, tránh điều ác. Theo Từ điển Phật học:Thiện là tốt, thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người[9]. Theo Phật giáo, bản tính con người có nhiều loại, cả tốt lẫn xấu, vì vậy, con người phải thường xuyên tỉnh táo, cảnh giác trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành vi, dù là nhỏ cũng phải thiện, lành. Tránh xa những hành động ác có nguồn gốc từ ba căn: tham, sân, si. Phật giáo khuyên con người gấp rút làm việc thiện, chế ngự điều ác “hãy gấp làm điều lành, ngăn tâm làm điều ác[10] như lời đức Phật căn dặn các Phật tử: “Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ ưu, hành động như vậy là bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có  hại cho người, không có hại cho  ai,  được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện, sẽ đem lại tâm lạc, tâm hỷ. Hành động như vậy là thiện và chúng ta phải thực hành[11]. Như vậy vấn đề “trách nhiệm xã hội” là một bộ phận trong thực hành đạo đức của Phật giáo, được coi là phương tiện để con người đạt đến hạnh phúc, đồng thời cũng là chuẩn mực, nguyên tắc điều chỉnh hành động trong các mối quan hệ xã hội của con người. Có thể thấy, “Trách nhiệm xã hội” trong đạo đức phật giáo thể hiện ở ba góc độ: nhận thức, thực hành và điều chỉnh hành vi. Góc độ nhận thức, có nội dung, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức phải được hiểu ý nghĩa sâu xa, phải “vào được lòng người, cảm ứng với người là đức”.Có nghĩa là ở góc độ nhận thức, “trách nhiệm xã hội” phải là một giá trị, một bộ phận của nhân cách con người. Ở góc độ thực hành là việc thực hiện các nội dung, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức một cách tự nguyện có quyết tâm với nghị lực và ý chí phấn đấu, phật giáo thường diễn đạt bằng thuật ngữ: “tinh tấn ba-la-mật”[12] đó là nghị lực, ý chí, sự quả cảm vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hướng về con đường hoạt động rộng lớn, tạo dựng hạnh phúc đại đồng cho mọi người chung hưởng, mà không hề biết mệt, không chút vụ lợi, ẩn ý, không trông mong một đặc ân nào”[13]. Phương diện điều chỉnh hành vi là nội dung, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức luôn là cơ sở, nền tảng để con người giữ mình ngăn chặn những suy nghĩ, hành vi bất thiện, sửa chữa, điều chỉnh hành vi chưa thiện như đức Phật nói: “Chỉ có ta làm điều tội lỗi; chỉ ta làm ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm người khác trong sạch[14]. Thực ra không chỉ riêng đạo đức Phật giáo, mà tất cả hệ thống đức tin, đạo đức của các tôn giáo (Công giáo, Tin Lành, Nho giáo, Hồi giáo) đều chứa đựng tinh thần “trách nhiệm xã hội” và vì vậy, đạo đức tôn giáo nói chung có ý nghĩa lớn đối với trách nhiệm xã hội trong đời sống đương đại. Chúng tôi thấy có hai ý nghĩa cơ bản sau:

- Đạo đức tôn giáo đánh thức lòng yêu thương con người, cơ sở nền tảng của tinh thần trách nhiệm xã hội ở cá nhân và doanh nghiệp.Thật vậy, những giá trị nhân bản trong đạo đức tôn giáo không chỉ đánh thức lòng yêu thương con người mà còn thường xuyên xuất hiện để trở thành lối sống, nhân cách của cá nhân và doanh nghiệp.

- Đạo đức tôn giáo trở thành hạt nhân kết nối mọi con người, lôi cuốn họ vào những hoạt động xã hội thể hiện rõ “trách nhiệm xã hội”, đặc biệt là những hoạt động xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện mà tôn giáo có vai trò hạt nhân tổ chức[15].

Từ những phân tích và trình bày trên, chúng tôi cho rằng cần phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để xây dựng và phát huy trách nhiệm xã hội ở mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực hoạt động, mọi nghề nghiệp: “Trách nhiệm xã hội cá nhân; trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; về lĩnh vực hoạt động: trách nhiệm xã hội của nhà báo, nhà văn, người quản lý, công chức nhà nước v.v...”. Một số trách nhiệm xã hội có thể đưa vào luật như: xử phạt việc xả chất thải bừa bãi, quy định xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng; xử phạt người lấn chiếm lề đường; xử phạt người gây tiếng ồn quá mức v.v... Một số trách nhiệm được giáo dục và tạo dư luận xã hội phê phán: thói ích kỷ, thói vô cảm, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác. Đối với trách nhiệm xã hội cá nhân, ngoài những quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ, bổn phận người công dân; cần giáo dục đạo đức, trong đó có đạo đức tôn giáo, nhằm xây dựng, hình thành lòng yêu thương con người, trách nhiệm xã hội trở thành lối sống, trở thành một bộ phận trong nhân cách của mỗi cá nhân.

 

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam (2012) Báo cáo kết quả hoạt động từ thiện – nhân đạo, y tế, giáo dục của các tôn giáo giai đoạn 2007 – 2012.

2. Ban thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh Đồng Nai, Báo cáo các hoạt động xã hội hóa công tác y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo 2012.

3. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn.

4. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, Nxb. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, tập 1,2, 3.

5. Marguerite – Marie Thiollier (2001), Từ điển tôn giáo, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Kimura Taiken (2001), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tp. HCM.

7. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển. NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tập 1, 2.

8. Thành hội Phật giáo Tp.HCM, Báo cáo các hoạt động xã hội hóa công tác y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo 2012.

9. Thích Tâm Thiện (1995), Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo. Nxb. Tp.HCM.

10. Viện Triết học, Trách nhiệm của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam – Hàn Quốc (Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế) tháng 4-2013, Tp.HCM.

11. Viện Triết học, Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc (Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế) tháng 11=2013, Quảng Ninh.

12. Các trang Web:

- WWW.investorwords.com/4616/Social_responsibility

- WWW.Woopidoo.com/encyclopedia

- WWW.ehow.com/definition_conporate-social-responsibility

- WWW.entrepreneur.com/glossary/index.htm

- http://www.yinshun.org.tw/books/16/yinshun16-02,htm

- http://buddhism.lib.ntu.edu.tw/dlmbs/author

- http://buddhaway.org/too-taixu,htm


[1](*). PGS.TS Trưởng khoa Triết học, Th.S giảng viên khoa Triết học.

(**). Trường ĐH.KHXH&NV.ĐHQG – HCM.

. http://philpaper.org/Kant’sMetaphonsforPersonsandcommunity/DianaE.Axelsen.

[2]. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tập 2, trang 120.              

[3]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, tập 2, trang 378.      

[4]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, trang 1069.

[5]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, trang 1070.

[6]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, trang 1071.

[7]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, trang 1083.

[8]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, tập 3, trang 1007.    

[9]. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, trang 57.           

[10]. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, trang 60.         

[11]. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, trang 65.         

[12]. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, trang 82.         

[13]. Nguyễn Duy Cần (1962), Phật  học tinh hoa, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, trang 64.         

[14]. Đoàn Trung Còn (1966), Phật học từ điển, NXB. Phật học tòng thơ, Sài Gòn, tập 3, trang 916.     

[15]. Ban thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam (2012). Báo cáo kết quả hoạt động từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục của các tôn giáo giai đoạn 2007 – 2012.

Thành hội Phật giáo, thành phố Hồ Chí Minh (2012) Báo cáo hoạt động xã hội hóa của các tôn giáo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo năm 2012.           

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập