Từ hai vụ án giết chồng của Thúy Liễu, Kim Liên đến bài kinh "Bảy hạng vợ trên thế gian"

Đã đọc: 5736           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài kinh như lời cảnh tỉnh cho những ai đang làm vợ và sẽ làm vợ có được một định hướng đúng đắn trong đời sống vợ chồng.

Được viết bởi: Thích Pháp Như

Môn: Tâm lý giáo dục

Giáo sư hướng dẫn: Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh

Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều vụ án vợ giết chồng gây xôn xao dư luận như trong thời gian gần đây. Phải chăng đạo đức của con người đã dần xuống dốc khi nhẫn tâm sát hại người “đầu ấp tay gối” với mình, người đã cùng đồng hành với mình trên cuộc đời này, người mà ngày xưa mình thề thốt sẽ yêu thương họ và đòi cha mẹ phải gã cho bằng được “nếu không lấy được người đó mình sẽ chết”. Vậy mà khi lấy nhau rồi, sống với nhau có mấy mặt con thì họ không còn tôn trọng nhau nữa. Những thoái hư như ngoại tình, cờ bạc, rượu chè và lối sống hưởng thụ đã làm cho họ mờ mắt không còn yêu thương, quan tâm lo lắng chăm sóc cho chồng con nữa. Hạnh phúc gia đình không còn đầm ấm, bổn phận trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, làm dâu không trọn vẹn. Đến khi mâu thuẫn xảy ra đến đỉnh điểm, họ đã ra tay sát hại chồng mình một cách dã man không thương tiếc.

Bằng chứng là vào ngày 29/3/2012, TAND ( tòa án nhân dân ) tỉnh Long An, đã tuyên phạt mức án chung thân với bị cáo Trần Thúy Liễu (41 tuổi) về tội giết người. Cơ quan điều tra kết luận, do bà Liễu có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn Tâm và nhiều lần cùng người tình sang Campuchia đánh bạc dẫn đến thư nợ. Nhà báo Hoàng Hùng (chồng bà Liễu) trút giận và gây gỗ với vợ, mâu thuẫn gia đình trở nên căng thẳng. Bà Liễu nhiều lần đòi chồng bán nhà trả nợ không được nên thường kiếm chuyện với chồng. Rạng sáng ngày 19/1/2011, lợi dụng lúc ông Hùng đang ngủ tại phòng làm việc ở lầu 1, bà Liễu liền ra lan can thả sợ dây dù xuống đất để tạo hiện trường giả. Sau đó, bà lấy bịch xăng quăng về phía chồng, đốt tờ báo ném vào rồi nhanh chóng quay ngủ. Khi nghe tiếng kêu cứu của chồng, bà Liễu chạy ra đẩy ông Hùng vào nhà tắm dội nước dập lửa. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nhưng 10 ngày sau thì tử vong.[1]

Trước ngày vụ án Trần Thúy Liễu đốt chồng đưa ra xét xử tại Long An cách đó 18 ngày dư luận lại xôn xao về vụ đầu độc chồng tạ Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM)
Dư Kim Liên (44 tuổi[2] , ngụ số nhà 371/11 đường Hậu Giang, phường 11, quận 6 , TPHCM) đầu độc chồng là trung tá CSGT Nguyễn Xuân Chuyên (50 tuổi công tác tại Đội CSGT Phú Lâm). Người vợ lên kế hoạch giết chồng chi tiếc nhằm chiếm đoạt toàn bộ tài sản để trả nợ thua số đề .

Có chồng và hai con cùng làm trong ngành cảnh sát , nên công việc của bà Liên là ở nhà nội trợ, nhưng người phụ nữ này đã chơi lô đề trong một thời gian dài và mắc nợ nhiều người với số tiền lớn. Do các chủ nợ truy đòi, bà Liên đòi chồng bán nhà trả nợ nhưng ông Chuyên không đồng ý và thậm chí còn đề nghị ly dị nên bà Liên đã lên kế hoạch giết chồng. Ngày 11/3/ 2012 bà Liên mua 10 viên thuốc ngủ và ngâm vào nước cho hòa tan. Rạng sáng 12/3 , khi thấy chồng đi nhậu về ngủ say, bà lén dùng ống tiêm bơm hết số thuốc ngủ vào người chồng khiến ông mê man. Đợi đến hơn 6g sáng, bà Liên ra hiệu thuốc tây mua ống kim tiêm loại 5cc và đến cửa hàng mua một chai thuốc trừ sâu đem về nhà. Lúc này, ông Chuyên vẫn đang say giấc, bà vợ dùng ống tiêm thuốc trừ sâu bơm vào mông, vào miệng chồng cho đến khi nạn nhân tử vong. Bà Liên thông báo rằng “chồng chết do bị tăng xông” và nhanh chóng khâm liệm. Phát hiện những dấu hiệu bất thường CQĐT đưa xác ông Chuyên đi khám nghiệm thì bà Liên giả điên, giả dại, khóc lóc, tuy nhiên màn kịch của bà không qua mắt CQĐT. Đến chiều 14/3/2012 bà Liên đến công an quận 6 đầu thú . Ngay sau đó CQĐT bắt khẩn cấp bà Liên để tiếp tục điều tra làm rõ.[3]

Từ hai vụ án trên khiến cho tôi liên tưởng đến một bài kinh “Bảy loại vợ của thế gian” mà Đức Phật dạy để giáo hóa cho nàng Sujata con dâu của trưởng giả Cấp Cô Độc trong kinh Nikaya để từ đó răn dạy cho những ai đã làm vợ, đang làm vợ và sẽ làm vợ có cách cử xử đúng đắn với chồng và gia đình chồng để có một cuộc sống hạnh phúc và tránh những điều đáng tiếc xảy ra như Thúy Liễu, Kim Liên.

Một hôm Đức Phật đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc thọ trai, sau khi thọ trai xong như thường lệ ngài chuẩn bị thuyết pháp thì ngài nghe nhiều tiếng la hét, gắt gỏng, quở mắng gia nhân. Ngài ngừng lại hỏi ông Cấp Cô Độc thì được biết đó là giọng gắt gỏng của nàng dâu trong nhà. Ông Cấp Cô Độc bạch Đức Phật.

Thưa Thế Tôn, đó là Sujata con dâu của con, nó được sinh ra trong gia đình giàu có, nó không coi cha mẹ chồng ra gì, đanh đá vô lễ đối với chồng con, cha mẹ. Cô ta chẳng bao giờ biết bố thí, chẳng bao giờ có đức tin và thường xuyên gây gỗ cãi cọ với người xung quanh. Xin Thế Tôn hãy giáo hóa giùm con.

Phật gọi Sujata đến bảo : Này Sujata, có bảy hạng vợ trên thế gian, con hãy nghe và khéo suy nghĩ mình thuộc dạng vợ nào:

  1. Vợ như kẻ sát nhân
  2. Vợ như kẻ trộm cắp
  3. Vợ như bà chủ cay độc
  4. Vợ như người mẹ
  5.  Vợ như em gái
  6. Vợ như người bạn
  7. Vợ như người hầu gái ( phụ tá )

Sujata: Bạch Thế Tôn, vì lời Thế Tôn quá ngắn gọn con không được hiểu lắm, xin Thế Tôn hãy giảng giải cho con được biết.

Rồi Đức Phật thuyết một bài kệ gồm 9 đoạn :

1)     “ Nữ nhân mê của, niềm tin chẳng có

Chê chồng mình, đàn ông khác lạ trông

Để được giàu sang, bụng sẵng giết chồng

Vợ như thế, vợ ác nhân ác loại.”

2)     “Của chồng kiếm bằng buôn bán lặn lội

Bằng cấy cày, bằng đồng án quanh năm

Mà nữ nhân mưu sự giữ riêng mình

Vợ như thế khác nào phường trộm cắp.”

3)     “Thích ngủ, ham ăn biếng lười, dụng lập

Lời lẽ cộc cằn, tư cách chanh chua

Chồng càng nhịn, thương, càng hiếp đáp bừa

Vợ như thế , vợ bạo tàn cay độc.”

4)     “ Nữ nhân nào xem mình như nô bộc

Chăm sóc chồng như hiền mẫu chăm con

Giữ của cho chồng, không để hao mòn

Vợ như thế sánh mẹ hiền chẳng khác.”

5)     “Nữ nhân nào kính thương chồng trong mắt

Như em gái dành cho một người anh

Phục vụ chồng luôn theo ý phu nhân

Vợ như thế, tỷ muội nào dám sánh?”

6)     “Nữ nhân nào chồng thấy là hân hạnh

Như bạn xa nhau gặp lại hằng năm

Dung mạo dịu dàng, nhân đức thấm nhuần

Vợ như thế, thiện hữu nhân chánh đức.”

7)     “Nữ nhân nào không giận hờn thành thật

Mềm mỏng với chồng kiên nhẫn khoan tâm

Giận chẳng giữ lâu, vâng ý chồng làm.

Vợ như thế chính là viên phụ ta”.

“Các vợ sát nhân, độc tài, lang chạ

Cướp của bất lành chẳng kính nể ai

Mạng thọ hết rồi sẽ khó chẳng sai

Cửa địa ngục hẳn là nơi họ đến”

“Nhưng nếu vợ như mẹ hiền, em mếm

Như bạn thân hay phụ tá nhân từ

Đầy đủ đức lành, thanh nhã tâm tư

Sau khi chết sẽ tái sinh hạnh phúc.”[4]

Đức Phật nói với Swjàtà: “Đây là bảy hạng vợ mà một người đàn ông có thể gặp. Vậy Như Lai xin hỏi: Trong bảy hạng vợ ấy Swjàtà tự mình xếp vào hạng vợ nào?”

Bài kệ này đã làm cho Swjàtà thức tỉnh và động lòng. Cô liền hứa với Đức Phật từ nay về sau sẽ cố gắng hành động như một viên phụ tá (người hầu) đối với chồng. Từ đó, nàng hết lòng tin tưởng vào Đức Phật và không quên ơn Ngài để dùng chánh pháp cứu độ tâm hồn mình.

Bài kinh như lời cảnh tỉnh cho những ai đang làm vợ và sẽ làm vợ có được một định hướng đúng đắn trong đời sống vợ chồng. Theo đạo Phật, từ vô thỉ đến nay chúng sanh bị trôi lăn trong vòng sanh tử, trải qua vô lượng kiếp luân hồi đã từng làm cha mẹ, ông bà, con cái, vợ chồng, anh chị em của biết bao chúng sanh khác và vợ chồng là duyên nợ từ nhiều đời nhiều kiếp với ta trong cuộc đời qua các mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè đồng nghiệp. Tất cả các mối quan hệ đến với ta có 2 điều:

1. Đến với ta bằng thiện duyên : có nghĩa là những người đó đến với ta trong cuộc đời có lòng thương ta, mến ta hay giúp đỡ cho ta, tạo cho ta có niềm tin trong cuộc sống.

2. Đến với ta bằng ác duyên hay nghịch duyên: là những người đến trong cuộc đời ta bằng sự ganh ghét, hơn thua, thù hận, giết chóc, gây đau khổ cho ta.

Và ta đến với mọi người cũng bằng hai cách đó, có người lúc đầu thương, sau lại ghét, còn có người lúc đầu ghét, sau lại thương. Tuy nhiên làm người con Phật thì cố gắng tạo thiện duyên hơn ác duyên , còn ai đến với mình như thế nào còn do nghiệp và quả báo của mình đã tạo với người đó từ vô lượng kiếp trong quá khứ.

Vợ chồng cũng thế họ đến với nhau không đem hạnh phúc cho nhau (thiện duyên) thì sẽ gây đau khổ cho nhau (ác duyên). Thế giới bảy tỷ người, con người ta luôn đi tìm “một nửa của mình” nhưng có người tìm mãi vẫn không tìm được hoặc khi tìm được rồi sống với nhau thì không hợp tánh tình hay mình chọn nhầm “một nửa” đó. Phải chăng họ chọn nhầm hay “nghiệp lực” đã khiến họ phải gặp người đó. Những ân oán nợ đời buộc chặt họ với đối phương qua sợi dây tình ái hay sự ràng buộc có tính pháp lý là hôn nhân. Sức hút về tình yêu là một sức hút mạnh nhất hơn hẳn lực hấp dẫn của vạn vật, nó làm cho con người ta không thể cưỡng lại nỗi khi gặp đúng “đối tượng”. Con người hay ví von nó như “tiếng sét ái tình” mà con người luôn mong muốn tiếng sét đó đánh trúng mình để không phải “chịu lỗ” so với người khác. Thà họ chấp nhận “chịu khổ” chứ quyết không “chịu lỗ”, chính vì vậy mà có nhiều người sẵn sàng tự tử nếu không lấy được người mình yêu.

Để được một tình yêu con người phải cạnh tranh với những tình địch của mình, hay trải qua những nghịch cảnh như mẹ cha cấm cản, bạn bè hay dư luận lên án, những bất đồng trong văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo… để đến được với nhau. Khác với con vật, con người là động vật cao cấp hơn hẳn con vật ở nhiều điểm mà “tình yêu” là một điều chỉ con người mới có. Và chỉ có con người mới có chuyện dựng vợ gã chồng khi đến tuổi quy định của các quốc gia, dân tộc, tuy nhiên cũng có người vượt ra những rào cản quy định của luật pháp trong chuyện này. Khác với xã hội phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” thì ngày nay con người tự do tìm hiểu và lựa chọn tình yêu của mình. Khi đám cưới người ta hay chọn vàng làm nhẫn để đeo cho cô dâu, chú rể, hay những đồ trang sức bằng kim cương, đá quý mà cha mẹ hai bên trao tặng hàm ý rằng họ phải trân trọng nhau như quý trọng của báu. Vì vậy người ta còn gọi tình cảm vợ chồng là “nghĩa đá vàng”.

Cứ tưởng lấy được nhau thì đã xong, nhưng đâu ai ngờ rằng bi kịch đau khổ hay mâu thuẫn, bất hạnh hay hạnh phúc mới bắt đầu đến hồi cao trào với nhiều tình tiết dỡ khóc dỡ cười trong đời sống vợ chồng. Ông bà ta hay có câu “nồi nào úp vung nấy” nhưng nếu xét về mặt vật lý thì “cái vung” nếu úp được “cái nồi” thì cái vung luôn lớn hơn cái miệng nồi, tuy nhiên cũng có trường hợp nồi lớn hơn vung (nồi dùng để kho cá kho tộ). Như vậy giữa vợ chồng sẽ không đồng nhau trên các mặt, vì thế mà phải chấp nhận những nhược điểm hay khuyết điểm của nhau. Quan trọng là cư xử như thế nào để cả hai cùng hoàn thiện và sống chung với nhau trong hạnh phúc thì quả thật là một điều khó.

Trong giáo trình giảng dạy củaThượng tọa Thích Viên Giác về môn Tư tưởng kinh Nikaya và A Hàm khi đề cập đến sự kết hợp của các cặp vợ chồng có 4 điều sau đây:

  1. Đê tiện nam sống với đê tiện nữ.
  2. Đê tiện nam sống với cao thượng nữ.
  3. Cao thượng nam sống với đê tiện nữ.
  4. Cao thượng nam sống với cao thượng nữ.

Khái niệm “đê tiện” ở đây chỉ cho hành vi từ thân, khẩu , ý của một con người không tốt về cách ứng xử cũng như tính cách và cao hơn là nhân cách gây đau khổ cho mình và cho người khác, còn “cao thượng” chỉ cho người có những hành vi, nhân cách tốt, sống có đạo đức không gây đau khổ cho mình và người mà còn đem lại lợi ích cho mình và người. Đối với bốn điều trên các cặp vợ chồng sẽ rơi vào một trong bốn điều đó. Theo nghiệp lực và nhân duyên trong tiền kiếp của mỗi người có duyên hay nợ với người nào đó thì gặp phải. Trong bốn hạng thì hạng thứ 4 là hạnh phúc nhất đó là “thiện duyên” của cả hai vợ chồng hay ta nói theo cách của dân gian là “khéo tu” nên gặp phải vợ hay người chồng “biết sống” . Loại thứ 1 làm cho cả hai đều đau khổ và bất hạnh có thể xảy ra với bất cứ người nào không ai có thể biết được. Loại thứ 2 và 3 cũng không mấy hạnh phúc tuy nhiên đỡ hơn loại thứ 1, nếu một trong hai người biết chấp nhận những nhược điểm của người kia hay không. Con người không ai hoàn hảo nên chấp nhận sự tương đối mà sống thì gia đình cũng sẽ an ổn .Tùy theo cách “ăn ở” của vợ hay chồng mà có thể thay đổi được tích cách của đối phương . Có thể nói “nghiệp lực” hay “nhân duyên” chiếm khoảng 50% còn lại là 50% do cách sống của mình mà mình có thể thay đổi được, điều quan trọng là mỗi người có chịu thay đổi nó hay không. Thay đổi ở đây là thay đổi từ tính cách , lối sống sao cho phù hợp với vợ hay chồng để sống được an ổn. “Bạn không thể thay đổi được người khác nhưng bạn thể tác động làm người người khác thay đổi.” Và thay đổi tốt hay xấu là tùy vào trình độ và nhận thức của mỗi người. Cũng có những trường hợp vợ dạy chồng trở nên người tốt và chồng dạy vợ trở nên người tốt. Khái niệm “đê tiện” hay “cao thượng” ở đây không chỉ mức độ và mọi người tự nhận định với cách nhìn của mình . “Đê tiện” hay “cao thượng” cũng chỉ trong gang tất, có người tốt cả đời nhưng một phút nào đó không tỉnh táo cũng dễ dàng phạm tội trở thành người xấu. Vì vậy tâm lý học giáo dục cho là hành động cá nhân của mỗi người là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến sự hình thành và phát triển tâm lý con người.

Quay trở lại với Thúy Liễu , Kim Liên ta thấy cả hai đều làm vợ của những người chồng có học thức (ông Hoàng Hùng là nhà báo, ông Nguyễn Xuân Chuyên làm cảnh sát giao thông) và có địa vị xã hội. Họ còn có con ngoan: Thúy Liễu có hai cô con gái ngoan, Kim Liên có hai con trai cũng làm trong ngành cảnh sát. Họ có nhà cao, cùng ở nhà làm nội trợ. So với những người dân lao động thì họ đã có rất nhiều thứ, phải nói là quá hạnh phúc rồi, trong khi đó giữa xã hội này nhiều người còn chật vật với miếng cơm manh áo kiếm từng đồng từng cắt thì họ lại dùng số tiền của chồng làm ra tiêu pha vào những canh bạc. Nặng nề hơn Thúy Liễu còn có tình cảm với người đàn ông khác, đây chính là mấu chốt của tội lỗi. Chưa nói đến tư tưởng của Phật giáo mà đối với quan niệm của Nho giáo Thúy Liễu đã quá sai :

“Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”

Phải chăng vì quá “nhàn cư” nên Thúy Liễu, Kim Liên mới sinh ra những điều “bất thiện”. Đối với những phụ nữ ngày đêm tần tảo lo cho chồng cho con thì làm gì có chuyện “bất thiện” xảy ra. Cho nên cuộc sống đầy đủ vật chất , nhàn hạ tấm thân chưa hẳn là hạnh phúc, phải chăng lại là một sự nguy hiểm đối với ai không biết giữ mình. Giàu sang không chồng hư thì vợ hư, vợ không hư thì con cái cũng hư. Vì thế giàu sang chưa chắc đã là hạnh phúc, chưa chắc là phước. Biết đủ với những gì của mình có và cố gắng làm việc trong sự chân chánh cộng với sự an tĩnh trong tâm hồn, bình an trong cuộc sống đó là hạnh phúc.

Đối với Thúy Liễu, Kim Liên đã gây ra tội ác do không trân trọng những hạnh phúc mình đang có, không hài lòng với những điều mà một người phụ nữ bình thường ước ao mà chạy theo những cái bóng của dục vọng, của vật chất từ sự “nhàn cư”. Cư dân mạng có câu: “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có một người đàn bà ở không.”, “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người đàn bà đánh bạc.” Hai câu này rơi đúng vào trường hợp của Thúy Liễu, Kim Liên.

Đối chiếu với bài kinh Đức Phật đã nói, Thúy Liễu và Kim Liên rơi đúng vào ba hạng vợ đầu: 1. Vợ như kẻ sát nhân; 2. Vợ như kẻ trộm cắp; 3. Vợ như bà chủ cay độc.

Nữ nhân nào không có lòng từ mẫn đối với chồng , không tôn trọng chồng mà còn chê bai, vì dung mạo của người đàn ông khác mà ngoại tình, không chung thủy với chồng, vì tiền của để được giàu sang, hưởng thụ để thỏa mãn tính cá nhân, có khuynh hướng quấy rối gia đình thậm chí sẵn sàng giết hại chồng mình, đây được xem như vợ là kẻ sát nhân.

Nữ nhân nào không lo san sẻ đời sống kinh tế với chồng mà lại tiêu pha của cải của chồng làm ra từ các nghề như nông nghiệp, công nghiệp, buôn bán … vào những canh bạc, ăn xài phung phí, dẫn đến nợ nần, đây được xem là vợ như kẻ trộm cắp.

Nữ nhân nào làm biếng, tham ăn, thích ngủ , không chịu làm việc, lời lẽ cộc cằn chửi chồng mắng con, ngồi lê đôi mách, tư cách chanh chua, hiếp đáp chồng không tôn trọng chồng, không quan tâm chăm sóc chồng con mà muốn được cung phụng, người như thế được xem là vợ như bà chủ cay độc.

Cả ba hạng vợ này cả Thúy Liễu , Kim Liên đều rơi vào, tuy nhiên Kim Liên không có tư tình với người đàn ông khác. Đối với pháp luật của thế gian đã tuyên phạt Thúy Liễu mức án chung thân vào ngày 29/3/2012 và hôm 13/4/2012 theo Vnexpress, Thúy Liễu đã gửi đơn kháng cáo vì chỉ định đốt ông Hùng để cảnh cáo mà thôi. Tuy nhiên đây là lý do khó có thể thuyết phục được người khác. Hậu quả của bà gây ra thật quá sức tưởng tượng, cho nên những ngày tháng còn lại của cuộc đời phải chịu cảnh tù tội, sự dằn dặt của lương tâm, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và tội nghiệp hơn cả là nỗi đau của những người con và những người thân bên hai họ. Còn vụ án Kim Liên đang trong quá trình điều tra nên bản án dành cho Kim Liên như thế nào ta vẫn chưa biết được.

Theo như lời của bài kinh nói ba hạng vợ như kẻ sát nhân, vợ như kẻ trộm cắp, vợ như bà chủ cay độc khi sống làm khổ mình, khổ chồng con, gia quyến và xã hội khi chết bị đọa vào địa ngục. Trong năm tội đọa địa ngục Vô gián (có nghĩa là không có ngày ra khỏi) là:

  1. Giết cha
  2. Giết mẹ
  3. Giết các vị thánh A la hán
  4. Phá hòa hợp Tăng
  5. Làm thân Phật chảu máu

Đối với tội giết chồng hay giết vợ dù không nằm trong năm tội ngũ nghịch nhưng khi chết cũng bị đọa vào địa ngục. Hậu quả để lại còn to lớn hơn là dư luận xã hội lên án, thuần phong mỹ tục bị phá vỡ, gia đình tan tác, con cái mặc cảm , để lại tiếng xấu cho muôn đời sau. Trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am đã viết về Phan Kim Liên vì tư tình với Tây Môn Khánh đã bày mưu tính kế giết Võ Đại Lang anh của Võ Tòng, với những vần thơ như sau:

“Độc thay tâm địa đàn bà

Mưu kia kế nọ chẳng qua vì tiền

Xét soi chẳng hỡi Hoàng Thiên?

Sinh chi những giống đảo điên khổ đời.”[5]

Hay

“Vì đâu đạo nghĩa tan tành

Càng trông thế thái nhân tình cành cay

Mênh mang trời rộng đất dày

Học tính giết hại xưa nay bao người.”[6]

Qủa báo dành cho ba hạng vợ trên là thế, tuy nhiên Đức Phật đã nêu ra bốn hạng vợ được ngài khen ngợi khi sống được hạnh phúc cho bản thân mình, chồng con và gia đình bên chồng thương mến , khi thân hoại mạng chung tái sanh vào cõi thiện (trời , người) đó là: 4. Vợ như người mẹ; 5. Vợ như người em gái; 6. Vợ như người bạn; 7. Vợ như người hầu (phụ tá).

Người nữ nhân nào biết yêu thương chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách gìn giữ và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái, người vợ ấy Như Lai gọi là hạng vợ như mẹ.

Người vợ nào thùy mị, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuần phục chồng như đối người anh trong nhà, người vợ này Như Lai gọi là vợ như em gái.
Người vợ nào luôn luôn niềm nở vui vẻ , hòa thuận với chồng như thẻ hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp, luôn giữ tiết hạnh và chung thủy với chồng, người vợ như vậy Như Lai gọi vợ như người bạn.

Người vợ nào luôn mềm mỏng , không nóng tính , không sân hận , không giận dỗi dù chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỡ mãn, lớn tiếng, trái lại còn biết tùy thuận khuyên răn, chinh phục chồng mình, vợ như vậy Như Lai gọi vợ như người hầu.

Ở đây Đức Phật đã “chê ba” và “khen bốn” , như vậy là người nữ ưu điểm vẫn nhiều hơn nhược điểm, điều quan trọng là biết khắc phục những nhược điểm của mình và phát huy ưu điểm của mình hay không.

Ta thấy Đức Phật rất tinh tế khi nói đến người vợ như người bạn, dân gian hay ví người chồng hay người vợ của mình như “bạn đời” .Chồng vợ tôn trọng, quý kính nhau như những người bạn, vượt trên tình bạn bình thường đó chính là “bạn đời”. Vì người vợ hay chồng sẽ sống với nhau suốt đời, cùng nhau chia sẻ những buồn vui, hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc sống. Cha mẹ sinh ra mình, nuôi nấng dạy dỗ mình nhưng không phải là người sống chung với mình và đi với mình trên lộ trình “kiếp người” mà chỉ người bạn đời của mình mới có thể đồng hành với mình mà thôi. Người vợ hay chồng để được là “bạn đời” phải có sự chứng nhận của pháp luật bằng việc đăng ký kết hôn, còn những người sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì cũng không phải là vợ chồng. Chính vì tính pháp lý ấy mà con người không được phép kết hôn với người khác nữa. Tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia cho phép người đàn ông có một hay nhiều vợ hoặc người phụ nữ có một hay nhiều chồng. Văn hóa phong tục tập quán của mỗi quốc gia mỗi dân tộc về việc này cũng khác nhau.

Với Nho giáo, người phụ nữ phải có “tam tòng” (cha mất theo chồng, chồng mất theo con ), “tứ đức” (công – dung – ngôn - hạnh) và văn hóa Việt Nam đã in đậm điều này. Người phụ nữ nào khi chồng mất, ở vậy chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi dạy con tốt, còn có tài giúp ích cho đất nước thì người phụ nữ ấy có khi được nhà vua khen tặng tấm hoành phi đề bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” có nghĩa là phong tặng cho người phụ nữ có đức hạnh.

Đàn ông còn có nhiều mối quan hệ như bạn bè, đối tác nên có khi cũng rượu chè, thậm chí nôn mữa, thế nên người phụ nữ phải biết khôn khéo lời nói và hành động của mình để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Phải hy sinh một chút, nhường nhịn một chút không la mắng, cãi vả hay oán trách chồng. Vợ chồng lầm lỗi gì thì nhẹ nhàng “đóng cửa dạy nhau”, “nhân vô thập toàn” nên phải thông cảm những lỗi lầm của đối phương và chấp nhận sự tương đối để sống với nhau. Nếu không hài lòng điều gì cứ nói thẳng thắn nói với nhau để cả hai cùng hoàn thiện.

Trong kinh Giao thọ Thi Ca La Việt, Phật dạy:

Người vợ thờ chồng có 5 điều:

1. Chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp.

2. Khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng , quét dọn chờ chồng về.

3. Không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại.

4. Làm theo lời chồng răn dạy, có việc gì không được che dấu.

5. Khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.

Chồng đối với vợ cũng có 5 điều:

  1. Đi đâu phải nói cho vợ biết.
  2. Việc ăn uống phải đúng giờ, cung cấp quần áo và những đồ cần thiết cho vợ.
  3. Phải cung cấp vàng bạc, châu báu cho vợ.
  4. Những vật trong nhà dù ít hay nhiều đều giao phó cho vợ.
  5. Không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng , hầu hạ , chuyển tài sản cho người khác.

Muốn cuộc sống vợ chồng tốt đẹp thì cả vợ lẫn chồng đều phải ý thức trách nhiệm của mình để vun vén hạnh phúc cho nhau, chứ không riêng trách nhiệm của ai, nếu có thể chia sẻ trách nhiệm với nhau được thì càng tốt. Sự công bằng trong cuộc sống vợ chồng khiến cho người vợ cũng như người chồng được tôn trọng, được yêu thương. Nhiều cặp vợ chồng sống không hạnh phúc, bao nhiêu đau khổ xảy ra bạo lực gia đình, áp lực cuộc sống, không hiểu biết kiến thức về cuộc sống gia đình, sự khác biệt về quan điểm sống, phong tục tập quán , văn hóa , tôn giáo… cũng đã dẫn đến đổ vỡ một cách trầm trọng. Trước khi lập gia đình họ không tìm hiểu nhau kỹ càng, không học hỏi giáo lý các bậc thánh, không áp dụng những lời dạy của thánh hiền và kinh nghiệm của người xưa nên không biết cư cử đúng đắn đến nỗi cuộc sống vợ chồng đổ vỡ, gây nên những hệ lụy. Nếu như người vợ cũng như người chồng đều thực hành đúng như những lời dạy của Đức Phật thì cuộc sống quả thực là hạnh phúc và con cái cũng hưởng một chút ân đức từ cha mẹ của chúng. Cho nên các cặp vợ chồng phải hiểu được trách nhiệm và bổn phận của mình để thực hiện nó một cách công bằng để không phải gặp những đau khổ.

Xã hội ngày nay ít ai còn dạy cho con cháu của mình biết trước khi về nhà chồng về làm dâu thì phải như thế nào mà đa phần để cho con cái tự tìm hiểu lấy và sống theo cách của mình cho nên mới xảy ra nhiều chuyện thương tâm. Trong lịch sử của Đức Phật nói đến Thập đại đệ tử truyện mà trong đó có câu chuyện về bà Visakha là một nữ tín chủ được sinh ra trong một gia đình giàu có và thấm nhuần đạo Phật. Trước khi bà về làm dâu cho gia đình chồng theo đạo Bà la môn cha bà đã dạy cho bà 10 điều của một nàng dâu phải biết.

1. “Lửa trong nhà không nên mang ra ngoài”: nghĩa là không nên mang việc ở trong nhà nói ra bên ngoài.

2. “Lửa bên ngoài không nên mang vào nhà”: có nghĩa là láng giềng hay người ngoài nói xấu nhà chồng cũng không nên về nhà học lại.

3. ‘‘Chỉ cho người nào nên cho”: nghĩa là cho vay những ai có trả lại.

4. “Không cho người nào không nên cho”: nghĩa là không cho vay những ai không trả lại.

5. “Cho cả những người đáng cho và người không đáng cho”: nghĩa là đối với bà con thân hữu cần giúp đỡ, dù họ có đền đáp hay không đền đáp thì vẫn cho.

6. “Ngồi một cách vui vẻ’’: nghĩa là cha mẹ chồng hoặc chồng thì phải đứng dậy không được ngồi.

7. “Ăn một cách vui vẻ’’: tức là người vợ không được ăn khi cha, mẹ chồng hoặc chồng chưa ăn xong, phải hầu hạ cơm bưng nước rót xong xuôi hết mới được ăn.

8. “Ngủ một cách vui vẻ”: tức là người vợ không được ngủ trước cha mẹ chồng hoặc chồng, phải làm hết bổn phận lớn nhỏ của mình đối với họ rồi mới được đi ngủ.

9. “Biết giữ gìn lửa trong nhà”: tức là cung kính đối với cha mẹ chồng hoặc chồng, cẩn thận đối với họ thông qua từng cử chỉ, lời nói, ý nghĩ để giữ gìn hòa khí trong nhà như giữ gìn lửa sáng.

10. “Thờ phụng thần thánh trong nhà”: tức là thờ phụng cha mẹ chồng và chồng như thần thánh.

Đây là mười điều mà một người khi về làm dâu cần phải biết. Xã hội ngày nay ít có người muốn sống với cha mẹ chồng, dù có sống với cha mẹ chồng hay không thì mười điều này nếu thực hiện đúng thì cha mẹ chồng và chồng đều thương mến.

Cuộc sống hôn nhân có những điều khó khăn và áp lực, nếu mỗi người hiểu tâm lý và giáo lý sẽ dễ dàng chấp nhận những khuyết điểm của đối phương và sống với nhau được. Biết san sẻ những khó khăn, cảm thông nhau những khuyết điểm, cùng tháo gỡ những gút mắt, biết chấp nhận và hài lòng những gì mình có và phấn đấu vươn lên trong sự chân chánh thì gia đình nào mà không hạnh phúc.

Qua hai vụ án Trần Thúy Liễu, Dư Kim Liên giết chồng đến bài kinh Bảy loại vợ của thế gian, ta thấy những lời Phật dạy cách đây hơn hai ngàn năm vẫn có giá trị cho đến bây giờ. Bài kinh cảnh tỉnh những ai đang còn trầm luân trong biển khổ để soi sáng con đường phía trước mà con người phải đi qua trên hành trình kiếp người. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình nhà báo Hoàng Hùng, trung úy Nguyễn Xuân Chuyên, cầu nguyện hương hồn của hai chú được siêu thoát. Và cũng cầu mong cho hai bị cáo Thúy Liễu , Kim Liên biết ăn năn hối lỗi thành khẩn khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm có ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

Thích Pháp Như ( TpHCM, ngày 16 tháng 4 năm 2012)

 


[1] Nguồn: www.vnexpress.net

[2] Theo bài viết: Thúy Liễu, Kim Liên: khi đàn bà khát bạc, nghiện lô của Minh Nhật viết Kim Liên 44 tuổi, còn Lâm Oanh thì viết trong bài: Vợ trung tá CSGT đã dùng thuốc trừ sâu giết chồng viết Kim Liên 47 tuổi.

[3] Nguồn: www.vnexpress.net

[4] Nguyễn Điền, Sự tích ngày Cấp Cô Độc – vị đại tính thế thời Đức Phật, bài kệ thoát dịch ra văn vần.

[5] Thi Nại Am, Thủy Hử, , tập 1, hồi thứ hai mươi bốn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, tr 486.

[6] Sđd, tr 488.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập