Phật Giáo Như Là Một Triết Học Hay Một Tôn Giáo

Đã đọc: 3367           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trước khi xác định Phật Giáo như là một hệ thống tư tưởng triết học (Buddhism as a philosophy) hay như là một tôn giáo (Buddhism as a religion), chúng ta sẽ tìm hiểu triết học là gì ? và Phật giáo là gì ?

                                   

   I . Triết học là gì?

Triết học (philosophy) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp cổ đại: philosophia ( tiếng phiên âm theo Anh văn), có nghĩa là lòng yêu mến sự hiểu biết. Nói rộng hơn, triết học là những quan niệm, tư tưởng, thái độ của một cá nhân hay một nhóm người siêu việt.

Hai chữ Triết học (哲學) đã xuất hiện ở Trung quốc và Việt Nam từ ngày phong trào văn hoá Âu Tây du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. Trước đó, người Trung quốc thường dùng hai chữ Đạo học (道學).

Theo  lối chiết tự trong Hán văn thì chữ Triết (哲)   gồm có bộ thủ (手/扌) gốc ở chữ thủ (手 ) là cánh tay, chữ cân (斤) là cái rìu , với chữ khẩu (口)  là cái miệng; cả 3 chữ ấy hội ý lại thì có nghĩa là phân tích để biết. Như vậy, triết học có nghĩa là đi tìm chân lý bằng cách phân tích sự vật.

Ở Ấn độ, các nhà tư tưởng dùng chữ “Anviksiti-vidya”(= khoa học tìm tòi khảo cứu) có nghĩa tương đương với chữ “triết học”. Còn có một danh từ đồng nghĩa là “Tarkacastra”( = sự hiểu biết căn cứ vào suy luận ). Còn chữ “Darsanas” có nghĩa là quan điểm, cách xem xét của một hệ thống triết học đặc biệt, “Darsanika” (philosopher) là triết gia, là người được nhiều người khác biết đến qua hệ thống triết học của vị đó. Ngày nay người Ấn độ thường dùng chữ “Tattvavidya-castra (= sách nói về khoa học chân lý) để chỉ chữ triết học.

Chữ Đạo (道) trong Đạo học là con đường để chỉ dẩn cho con người hiểu được ý nghĩa của cuộc sống ở đời, để thích ứng với cuộc sống, và cũng để cải thiện cuộc sống.

Triết học là một nổ lực nghiên cứu cái căn bản, cái tổng quát của các vấn đề để đi tới chỗ tận cùng, đến chỗ không thể nào tiến thêm được nữa, đến cái nền tảng của vấn đề.

Trong việc nghiên cứu triết học, chúng ta đi tìm chân lý, sự thật của các vấn đề, của các quan niệm về bản chất của sự hiện hữu thực tại, sự tồn tại của tri thức, của luân lý, của lý tính và của mục đích của người đời.

Trong tiếng Việt, có sự phân biệt:

  1. Triết lý  là một thái độ sống của con người trước cuộc đời, như vậy ai cũng có triết lý nghĩa là có một thái độ sống của mình đối với người khác, không người nào có thể tránh khỏi triết lý; tiếng cuộc đời bao gồm hai yếu tố:
    1. người đời: con người ở đời với những người khác trong xã hội.
    2. đời người: ý nghĩa của cuộc đời.
  2. Triết học là sự học hỏi, sự nghiên cứu về triết lý, sự suy tư, suy nghĩ về triết lý. Do đó, các vấn đề của triết học không thể tách rời khỏi những con người sống trong xã hội.

Triết học có 3 đặc điểm:

  1. Suy tư triết lý là những suy nghĩ, nghiên cứu về một hệ thống tư tưởng từ một điểm bắt đầu để đi đến kết luận.
  2. Suy tư triết lý là suy nghĩ về một thực tại, một cái gì tồn tại có trước khi ta suy nghĩ về nó.
  3. Suy tư triết lý là một suy nghĩ có ý thức, đòi hỏi phải nhìn trực tiếp vào một vấn đề, một đối tượng với một thái độ phản tỉnh (reflective attitude) tức là chúng ta phải biết xếp đặt các suy nghĩ thành một hệ thống, từ phân tích cho đến tổng hợp. Có ý thức phản tỉnh, chúng ta mới đạt được sự thức tỉnh (awakening), mới đạt được giác ngộ (enlightenment).

Trong cuộc sống hằng ngày, có những chuyện xảy ra khiến chúng ta phản tỉnh. Thí dụ như kinh nghiệm về thất bại, về hoạn nạn là chuyện khiến ta phản tỉnh: ý thức về cuộc đời đau khổ, và suy nghĩ đi tìm nguyên nhân của sự khổ đau đó, hoặc tìm cách diệt cái khổ sở đó, hoặc có những dự định vươn tới những cái tốt đẹp hơn trong tương lai.

Thất bại thường xảy ra trong hoàn cảnh có sự liên hệ giữa một người hay nhiều người với người khác. Thất bại hoặc hoạn nạn có thể có các hình thức sau đây:

  1. Thất bại trên đường học vấn, thi cử: không thể tiếp tục học vì một nguyên nhân nào đó, hoặc thi rớt mặc dầu hết sức cố gắng học tập.
  1. Thất bại trên đường buôn bán, làm ăn lỗ lả, đường công danh sự nghiệp.
  1. Thất bại trên đường tình duyên và gia đạo: bị người yêu hay người phối ngẫu lừa gạt, sang ngang.
  1. Thân thể có khuyết tật vì bẩm sanh hoặc vì tai nạn, bịnh hoạn.
  1. Hoạn nạn trước một biến cố nào đó trong cuộc đời: ví dụ: trước cơn gió lốc của cuộc cờ chính trị hoàn cầu, chính quyền Saigon ở miền Nam Việt Nam đã sụp đổ vào ngày 30 tháng tư năm 1975. Dĩ nhiên những người thuộc phe chiến thắng, phe cọng sản ở miền Bắc Việt Nam, đã rất vui mừng, rất hồ hỡi vì họ chiếm được một kho tàng chiến lợi phẩm to tát ở miền Nam.Nhưng đại đa số đồng bào ở miền Nam đã bước vào một ngỏ rẻ mới mà trước mắt là sự khốn khổ, sự khổ đau so với những ngày bình yên hạnh phúc mà họ đã hưởng được trước đây.

Bên thắng cuộc đã bỏ tù, tịch thâu tài sản, đày đọa người dân bên thua cuộc, đẩy họ đi vào cảnh khốn cùng, khổ sở. Nhiều người đã mất hết tài sản mà họ đã làm lụng cực khổ suốt đời. Nhiều người đã phải lìa bỏ quê hương, lìa bỏ vợ con, lìa bỏ chồng con để đi tìm tự do bằng cách vượt biển hoặc bằng cách đi đường bộ, họ đi tìm cuộc sống tự do trong cái chết. Thẳng thắn mà nói trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Việt Nam, nói khác đi, là cuộc chiến tương tàn, nồi da xáo thịt đã kéo dài hơn 30 năm thì gia đình nào từ Bắc chí Nam cũng đều có người thân, có bà con họ hàng, bạn bè hoặc ở phía bên này, hoặc ở phía bên kia. Như vậy thì ai cũng có người thân, có bà con họ hàng, có bạn bè bị đi tù đày dưới chế độ Cọng sản, có người chịu kham khổ, có người đã chết trung ngục tù, hoặc vượt biên, bỏ xứ ra đi và có thể chết trước những cơn sóng to gió lớn ngoài biển cả. Nói tóm lại, đại đa số nhân dân Việt Nam là nạn nhân của chủ nghĩa Cọng sản, của chế độ độc tài tàn bạo, của các nhà lãnh đạo cuồng tín.

Đứng trước sự thất bại, trước hoạn nạn, con người có thể có thái độ, có triết lý về cuộc đời khác nhau:

  1. Chấp nhận: con người cho rằng tại số trời, tại định mệnh đã an bài: “Học tài thi phận”, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
  1. Coi như một bài học kinh nghiệm: con người cho rằng thất bại là một kinh nghiệm sống có ý nghĩa nhờ đó mình có thể vươn lên sự thất bại để đi đến sự thành công trong tương lai. Người quân nhân thua trận có thể cho rằng: “can cường trong chiến bại”.
  1. Không thể chịu đựng: con người đăm ra chán đời, thấy cuộc đời là phi lý. Do đó, con người hoặc phản kháng lại cuộc đời, hoặc đi tu, hoặc tự tử , hoặc rời khỏi quê hương đi tìm tự do v.. v..
  1. Đi tìm cái thành công trong sự thất bại: con người cho rằng ý nghĩa của cuộc đời không phải chỉ ở chỗ thành công hay thất bại mà ở nơi sự cố gắng, ở nơi nổ lực phấn đấu và chiến đấu không ngừng: “Đừng lấy thành bại mà luận anh hùng”.

Các thí dụ trên cho thấy rằng triết lý là một thái độ sống gắn liền với con người, triết lý không là một ý niệm vượt khỏi con người. Còn triết học là một nhận thức về ý nghĩa của cuộc đời. Tuy nhiên ở nhiều nơi, triết lý và triết học được sử dụng đồng nghĩa, thí dụ như “ “triết lý Phật giáo = triết học Phật giáo” (Buddhist philosophy), triết lý giáo dục ( philosophy of education) v.v.v.

Nghiên cứu triết học thì đòi hỏi sự học hỏi về các tư tưởng, các quan niệm với sự suy nghỉ hết sức cẩn thận và phán xét về các vấn đề phức tạp ấy. Chúng cần có một số hành trang, một số kiến thức căn bản để học hỏi các lập luận của các triết gia như tìm hiểu những định nghĩa về các từ ngữ mà các triết gia đã sử dụng, những lập luận của họ để bảo vệ quan điểm của họ, cùng với sự phê phán, về các lý luận của chính triết gia đó hoặc sự phê phán của các vị khác về các lý luận, các biện minh của các triết gia này.

Triết học Tây phương đã được phân chia ra nhiều lãnh vực chính như sau:

  1. Siêu hình học ( Metaphysics) là tiếng có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ xưa là meta-physica ( meta= bên kia, physica= vật lý, vật hữu hình). Siêu hình học có mục đích khảo sát bản chất căn bản của sự hiện hữu, sự tồn tại (being). Siêu hình học là một trong những tác phẩm triết học của Aristotle (Hy lạp, 384 tr.C.N). Siêu hình học gồm có hai ngành chính là:

 a. Vũ trụ luận (Cosmology) là tiếng có nguồn gốc từ Hy lạp là Kosmos = thế giới, logia= nghiên cứu về. Vũ trụ luận là khoa nghiên cứu về thế giới, vũ trụ để tìm hiểu nguồn gốc, sự tiến hoá, thay đổi trải qua nhiều thế hệ, và số phận của vũ trụ. Việc khảo cứu về vũ trụ đã có một lịch sử lâu dài liên quan đến khoa học, triết học, thuyết bí truyền của một nhóm người, và của một tôn giáo. Vũ trụ luận nghiên cứu các vấn đề chính yếu sau đây: - Vũ trụ vạn vật phát sinh từ đâu.-Tính chất của vũ trụ vạn vật như thế nào: tĩnh hay động, thường hằng hay vô thường,luôn luôn chuyển biến. Vũ trụ vạn vật có khởi thuỷ, có chấm dứt không.

b.Bản thể luận ( Ontology) là khoa nghiên cứu về thực tại, về bản chất của sự tồn tại, sự hiện hữu.

  1. Nhận thức luận ( Epistemology) hay tri thức luận có mục đích nghiên cứu về nhận thức hay tri thức (knowledge) và sự phán đoán niềm tin của tri thức . Nhận thức luận nghiên cứu các vấn đề chính yếu sau đây:

a. Nguồn gốc của tri thức, của cái biết.

b. Khả năng và giới hạn của tri thức.

c. Bản chất của tri thức.

d. Biểu chuẩn của chân tri : cái biết thật, biết đúng và nguyên do của lầm lẩn.

  1. Luận lý học (Logic) là môn học có mục đích xác định những động tác của trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý, xem động tác nào đúng, động tác nào  không đúng.Luận lý học giúp ta đi tìm cái chân, cái đúng.
  1. Đạo đức học hay Luân lý luận( Ethics) hay Nhân sinh quan ( the way of life):

Theo nghĩa rộng, đạo đức học là môn triết học nghiên cứu về những qui luật giúp con người hành động theo một con đường tốt nhất để sống ở đời.

Theo nghĩa hẹp, đạo đức học là hệ thống tư tưởng, hay quy luật về đạo đức của một triết gia, một nhóm người, một tôn giáo. Đạo đức học thường có liên hệ với môn triết lý chính trị ( political philosophy) là môn khảo cứu về việc cai trị và mối liên hệ giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm người đối với các cộng đồng xã hội kể cả một quốc gia, một đất nước.

  1. Thẩm mỹ học ( aesthetics) là môn học nghiên cứu về cái đẹp ( beauty ) trong các ngành nghệ thuật: văn chương, hội họa, điêu khắc, kiến trúc v.. v.. .Việc phán đoán hay cảm nhận về cái đẹp thì thay đổi theo cá nhân, có tính cách chủ quan, và thay đổi theo không gian và thời gian. Thẩm mỹ học luôn tôn trọng quan niệm về cái đẹp của các trường phái khác nhau. Thẩm mỹ học không đứng về quan niệm này để đả phá quan niệm khác liên hệ đến cái đẹp. Thẩm mỹ học giúp đi tìm cái đẹp, cái mỹ. Chân-Thiện-Mỹ là những mục tiêu mà con người hướng tới.
  1. Triết lý về ngôn ngữ (philosophy of language) là một môn học khám phá bản chất, nguồn gốc và sự sử dụng của ngôn ngữ.
  1. Triết lý giáo dục ( philosophy of education, educational philosophy) là môn học có đối tượng hoặc là lãnh vực học tập của triết học ứng dụng, hoặc là lãnh vực nghiên cứu tư tưởng của một trong các nhà tư tưởng về học thuyết giáo dục của họ, và khảo sát các định nghĩa, mục đích và ý nghĩa của giáo dục trong khoa sư phạm, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục, chương trình giáo khoa cũng như việc khảo sát tiến trình học tập của học sinh , sinh viên. Nói cách khác, triết lý giáo dục của một quốc gia là một khuôn mẫu cho chính sách giáo dục của quốc gia đó nhằm đào tạo những con người, những công dân trong nước được phát triển một cách toàn diện về khả năng phê phán của trí tuệ và về phẩm giá, tư cách đạo đức để tạo nên con người hữu dụng cho xã hội với một nhân cách rất tốt.

Triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam trước 1975 là một triết lý siêu việt lấy nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản cho chính sách giáo dục ở miền Nam. Trong bài “ Về một nhà giáo dục thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Nhà Văn hóa, Giáo dục, Nhân bản Việt Nam của NVT trong quyển “Kỷ niệm về GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Văn Đàn Đồng Tâm xuất bản tại California, USA có đoạn như sau: “ Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa : “Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã tiếp nối các nhà lãnh đạo gíao dục Miền Nam Việt Nam để phát huy một triết lý giáo dục siêu việt. Tôi xin trích dẫn đoạn văn trình bày cái triết lý giáo dục của VNCH như sau:             

            1.Thứ nhất :Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản (humanistic education). Nhân là người hay con người , bản là căn bản . Trong lảnh vực triết lý, thuyết nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong đời sống trên thế gian nầy. Thuyết nhân bản lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con ngừơi trong cuộc đời nầy làm căn bản chớ không nhắm đến linh hồn hay cuộc đời nào khác ngoài thế giới mà loài người đang sống trong đó. Theo thuyết này, con người có giá trị đặc biệt của con người, cao cả hơn tất cả các giống sinh vật khác trên đời này. Chỉ có con người mới có văn hóa, có những hoạt động có suy tư, có sang tạo, làm cho cuộc sống của con người có tiến hóa luôn từ xưa đến giờ. Nhân bản cũng chỉ tính cách linh thiêng của con người khác hơn mọi loài vật khác. “Nhân linh ư vạn vật”và con người phải được tôn trọng bởi tính linh thiêng đó. Con người tự nó là một cứu cánh chứ không phải là một phương tiện. Triết lý nhân bản chấp nhận có những khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giá con người và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo , địa phương, tôn giáo , chủng tộc v…v..v.. Với triết lý nhân bản , con người có giá trị của con người như nhau và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

2-Thứ hai: Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc ( nationalistic education ). Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh anh hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc Việt Nam có mặt trên thế giới này từ bao nhiêu ngàn năm trước. Dân tộc đó có tiếng nói riêng của nó từ bao đời. Dân tộc tính đó trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị tan biến hay tiêu trầm trong những nền văn hoá khác.

3- Thứ ba: Giáo dục Việt Nam là  giáo dục khai phóng (liberal education). Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải là bảo thủ, không nhất thiết là phải đóng cửa. Ngược lại , giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới , tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội , giá trị văn hoá nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hoá quốc gia xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới  “

( Nguyễn Thanh Liêm, “ Giáo dục ở Miền Nam  Tự Do trước 1975 “Đồng Nai Cữu Long xuất bản , Santa Ana  2006, trang 24,25.

  1. Triết học của Tôn giáo (Philosophy of Religion): là sự nghiên cứu có tính triết lý về ý nghĩa và bản chất của tôn giáo; bao gồm những sự phân tích các quan niệm, niềm tin tôn giáo cùng với những điều luật, những lập luận và những điều thực hành của truyền thống tôn giáo. Thường thì triết học tôn giáo giới hạn sự nghiên cứu vào các tôn giáo hữu thần ( Theistic religions).Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây có phạm vi rộng rãi hơn, có tính toàn cầu nên đã nghiên cứu các truyền thống tôn giáo vừa hữu thần vừa không phải là hữu thần ( Non- theistic religious traditions). Nhiều công trình nghiên cứu còn mở rộng hơn và có tính đa dạng, có đối tượng   nghiên cứu các tư tưởng gia Đông và Tây cùng với những thuyết lý như thuyết bất khả tri (agnostics) thuyết bi quan và thuyết vô thần nữa.Triết học cuả tôn giáo đi tìm những lãnh vực chính của triết học và các môn liên hệ như thần học (theology) sử học, xã hội học, tâm lý học và các khoa học tự nhiên.

Ở Tây phương, chủ đề chính của môn triết học tôn giáo có trọng tâm giới hạn vào sáu đề mục như sau:

a)     Ngôn ngữ và niềm tin tôn giáo.

b)     Tính đa dạng của tôn giáo.

c)     Quan niệm về Thượng đế / Trời hay thực tại tuyệt đối.

d)     Những tranh luận bảo vệ hoặc chống lại sự hiện hữu cuả Thượng đế.

e)     Những vấn đề liên quan đến tội ác và khổ đau.

f)     Những phép lạ và sự nhiệm mầu của tôn giáo.

  1. Triết Học của Lịch sử ( Philosophy of History )

Sử học là môn học nghiên cứu về quá khứ trong tất cả các hình thức của quá khứ. Triết học của lịch sử khảo sát nhiều nền tảng có tính lý thuyết của sự thực hiện, sự áp dụng, các hậu quả xã hội của lịch sử và luôn cả sự biên soạn lịch sử.

Thứ nhất, triết học của lịch sử sử dụng những lý thuyết tốt nhất trong các ngành triết học như Siêu hình học, Nhận thức luận và Đạo đức luận để đưa ra những vấn nạn về bản tánh của quá khứ và làm sao ta hiểu được quá khứ dù cho quá khứ đã xảy ra một cách ngẫu nhiên hoặc quá khứ đã được hướng dẩn bởi vài nguyên tắc nào đó, làm sao giải thích hay diễn tả một cách hay nhất về các biến cố của quá khứ, làm sao giải thích biến cố lịch sử này có liên hệ đến biến cố lịch sử khác, làm sao thẩm định cho đúng lời của các nhân chứng và các chứng cớ.

Thứ hai, vì có liên hệ với các ngành nghiên cứu khác, triết học của lịch sử điều nghiên các vấn đề như là một thành phần cá biệt, sử học chú trọng vào cái cá biệt hơn là cái tổng quát. Các chuyển biến của lịch sử thường do những người thực hiện theo động lực nội tại hơn là những lực thuần tuý bên ngoài. Các đối tượng lịch sử không còn có thể quan sát một cách trực tiếp, nhưng được nghiên cứu một cách gián tiếp bởi những chứng cớ, bằng chứng. Những vấn đề và nhiều sự việc quá khứ phải được nghiên cứu và thảo luận theo tính chất phê phán của triết học.

Nói cách khác, triết học của lịch sử là môn học nghiên cứu các khía cạnh lý thuyết của lịch sử trong hai ý hướng chính: thông thường các nhà nghiên cứu phân biệt ngành phê phán triết học của lịch sử với ngành triết thuyết của lịch sử:

Phê phán triết học của lịch sử (critical philosophy of history) là lãnh vực lý thuyết của các quy luật có tính kinh viện (trường ốc) của lịch sử, đối đầu với các vấn nạn như bản chất của các chứng cớ lịch sử, mức độ có thể xảy ra một cách khách quan của các biến cố lịch sử v.. v.

Triết thuyết của lịch sử (speculative philosophy of history) là một lãnh vực của triết học nêu lên ý nghĩa xảy ra một cách ngẫu nhiên của lịch sử phát triển của con người, của nhân loại.

Vài nhận định có tính cách triết lý của sử học:

  1. Ngày xưa, người Ấn độ ít chú trọng đến lịch sử biên niên, ngay cả việc ghi lại các sự kiện lịch sử theo thời gian cũng không được giữ gìn, họ đã để thất lạc. Người Ấn độ ngày xưa chỉ chú trọng đến nội dung các tư tưởng tôn giáo, các học thuyết mà thôi. Bởi thế nên, các nhà nghiên cứu lịch sử triết học Ấn độ đã gặp khó khăn trong việc xác định niên biểu của các triết gia, các tư tưởng tôn giáo ở trong thời thượng cổ và trung cổ để xác định ảnh hưởng cũng như sự tiến hoá của tư tưởng Ấn độ một cách chính xác. Cố Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm đã viết trong lời tựa của quyển “Lược sử Phật giáo Ấn độ” như sau: “Trong khi biên soạn cuốn sử này, chúng tôi đã vấp phải sự khó khăn nhất, đó là vấn đề “niên đại”. Vì các bộ sách dùng để tham khảo, về niên đại xảy ra ở các thời đại, thì mỗi sách nói mỗi khác, chỉ nói phỏng chừng, như “vào khoảng năm ấy, thế kỷ ấy”, vậy nên khó thể mà quyết định được đích xác. Đó thực là một khuyết điểm lớn trong việc chép sử, rất mong độc giả lưu ý.”

(Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Saigon, 1963, tr. 12).

[ Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm (1921- 2000) đã là Chánh Đại Diện kiêm Trụ Trì Chốn Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngà viên tịch (1973 - 2000), chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa lớn nhất Saigon. Ngài nguyên là GS TS môn Phật học tại Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon và Viện Đại Học Vạn Hạnh (1964 - 1967) ].

Trong khi đó, người Trung Hoa từ thời xa xưa đã chú trọng đến việc ghi chép các sự kiện lịch sử theo thứ tự thời gian. Người ghi chép sử có thể là một người bình thường , hoặc là một vị quan , hay là một nhóm các vị quan ở triều đình phụ trách .

Vào đời Vua Hán Võ Đế (156 tr. CN – 87 tr. CN) thuộc nhà Tây Hán ( 202 tr. CN – 9 sau CN) có quan Thái Sử Tư Mã Thiên (145 tr. CN – 86 tr. CN) đã hoàn thành bộ “Sử Ký” vào năm 97 tr. CN, lúc ấy ông giữ chức Trung Thư Mệnh. Thật ra bộ sử này do Tư Mã Đàm cùng với con là Tư Mã Thiên cùng biên soạn, sách có tên là “Thái Sử Công Thư”, người đời  gọi tắt là “Sử Ký”, ngày nay thường gọi là lịch sử.  “Sử Ký - Tư Mã Thiên” là một công trình ghi chép việc toàn quốc nước Tàu từ đời Hoàng đế ( khoảng 2698 tr. CN) đến đời Hán Vũ đế ( 156 tr. CN – 87 tr. CN), một lịch sử kéo dài gần 2000 năm. “Sử Ký- Tư Mã Thiên” là một công trình ghi chép rất to tát, phương pháp chép sử cho đến ngày nay , từ Đông sang Tây, đều cho là rất có giá trị. Sách Sử Ký này không những chỉ ghi chép các sự kiện lịch sử xảy ra , các hành vi của Vua Chúa mà còn ghi chép cả các ngành văn hoá như triết học, văn học , lể nhạc …Tư Mã Thiên còn đưa ra những nhận định của ông về các chuyện đã xảy ra theo quan điểm đức lý của Khổng Mạnh.

Vào đời Đường (618 - 907), việc ghi chép sử được giao cho một nhóm người cùng góp sức biên soạn như các bộ sử : Tấn, Tống, Tề, Lương, Tần, Ngụy, Chu, Tề. Kể từ đây , việc chép chính sử được giao cho một nhóm người như là một thông lệ.

  1. Có những sự kiện lịch sử được tái diễn trở lại :

-       Vào năm 1279, Hốt Tất Liệt (Khubilai Khan - 1215- 1294) là cháu nội của Thành Cát Tư Hản (Chinghis Khan – 1162 - 1227) đã đem quân Mông Cổ đánh bại nhà Nam Tống (1127 - 1279), thống nhất Trung quốc, thành lập triều Nguyên , đóng đô ở Yên Kinh (tức Bắc Bình) , thống trị một vùng đất rộng lớn gồm nội địa nước Tàu, Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng, Trung bộ Á -tế-á, Cao ly, Giao Chỉ.

Quân Mông Cổ rất hiếu chiến, võ nghệ cao cường nhát là việc cởi ngựa để giao chiến rất giỏi. Nhưng văn hoá người Mông Cổ rất thấp kém so với nền văn hóa của người Hán. Cho nên người Mông Cổ, trong thời gian trị vì nước Tàu từ năm 1279 đến năm 1368, đã chịu ảnh hưởng văn hóa Hán tộc ở nhiều mặt như: xã hội, giáo dục, tư tưởng, văn nghệ, kinh tế v..v..Văn hóa Hán tộc đã cải tạo người Mông Cổ, đã giúp họ văn minh hơn và không còn thuần tuý giữ tính háo chiến của giống dân du mục lúc mới chiếm nước Tàu.

Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, vào ngày 30 tháng năm 1975, chính quyền VNCH Saigon bị sụp đổ, chính quyền Cộng sản Hà nội thắng trận và thống trị cả nước từ lúc đó. Tương tự như việc văn hóa Hán tộc đã ảnh hưởng người Mông Cổ, văn hóa miền Nam VNCH, bên thua cuộc, cao hơn văn hóa miền Bắc XHCN, cho nên sau khoảng 40 năm cai trị miền Nam, người miền Bắc đã chịu ảnh hưởng của văn hóa miền Nam ở nhiều phương diện như cách ăn mặc, văn nghệ , kinh tế v..v.., mặc dầu ngay từ những ngày đầu mới chiếm chính quyền Saigon, bên thắng cuộc đã đốt hết sách vở của miền Nam nhằm mục đích xóa sạch nền văn hóa phương Nam. Có thể đây sẽ là đề tài của nhiều luận văn cho các nhà nghiên cứu sử học.

Cần phân biệt “triết học của lịch sử” (philosophy of history) với “lịch sử của triết học” (history of philosophy). Lịch sử triết học là các tư tưởng triết học trải qua thời gian : thời thượng cổ, thời trung cổ, thời cận đại, thời hiện đại. Thí dụ: “Lịch sử triết học Tây phương”,”Lịch sử triết học Đông phương”, “Lịch sử triết học Ấn độ”, “Lịch sử triết học Trung quốc”, “Lịch sử triết học Phật giáo” v.. v...

10. Triết lý chính trị (political philosophy): là môn khảo cứu về việc cai trị và mối liên hệ giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm người đối với các cộng đồng xã hội kể cả một quốc gia, một đất nước.

Trong triết học Trung Hoa, tư tưởng triết lý chánh trị có một địa vị quan trọng. Kẻ sĩ là người có sứ mạng trị dân, trị nước, nên các triết gia thường đưa ra nhiều lý luận chính trị với nhiều giải pháp cứu dân, cứu nước trước cơn loạn lạc, binh biến.

Các nhà Nho thường muốn nhập thế, làm chính trị: trị dân, trị nước với ước mơ đất nước được thái bình, thịnh trị như dưới thời các vua Nghiêu, vua Thuấn v… v...Triết lý chính trị căn bản của Nho giáo là: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Khổng Tử (551-479 tr. CN) đã dạy rằng: “Vua phải làm tròn bổn phận của vua, rồi bề tôi mới làm tròn bổn phận của bề tôi, dân mới làm tròn bổn phận của dân”. Triết lý đạo đức chính trị này đã được giảng dạy và nhồi nhét vào đầu óc kẻ sĩ, người dân Trung Hoa trong suốt khoảng trên 2000 năm, kể từ đời Hán (206 tr.CN - 219 sau CN) tới đời Thanh (1644 - 1911). Trong lịch sử Trung Hoa, ta thấy lời dạy của Khổng Tử chỉ được áp dụng có một chiều: kẻ dưới, thứ dân thì bắt buộc phải làm tròn bổn phận của họ chứ người trên có bao giờ làm tròn bổn phận của họ đâu: hầu hết các ông Vua đều say mê tửu sắc, dâm loạn, tàn ác, hại dân, hại nước và ngu xuẩn. Thành thử đa số nhân dân vẫn sống trong cảnh lầm than; những lời nói nhân ái, lo cho dân chỉ là những tiếng ở đầu môi chót lưỡi của người trên. Bởi thế nên, các triết gia Trung Hoa ở vào thời nào họ cũng muốn đặt lại vấn đề, cũng muốn xét lại việc trị nước để nhân dân bớt khổ hơn, họ đưa ra một triết lý chính trị, một giải pháp chính trị mới cho việc trị nước, cứu dân.

11. Triết học của luật pháp ( Philosophy of law) là một ngành của triết học và luật học (jurisprudence) nhằm nghiên cứu những câu hỏi căn bản về luật pháp và những hệ thống pháp luật như: Luật pháp là gì?; Các tiêu chuẩn của hiệu lực của pháp lý là gì?; mối tương quan giữa luật pháp và đạo đức là gì?; nền tảng đạo đức của các bộ luật? ...

Dĩ nhiên, triết học còn có nhiều lãnh vực, nhiều ngành khác nữa mà chúng ta không liệt kê hết ở đây.

Nói tóm lại, triết học là một ngọn hải đăng để soi sáng và làm nền tảng cho tất cả mọi môn học.

I I. Phật giáo là gì?

Phật giáo truyền vào Việt Nam ở cuối thế kỷ thứ nhất sang đầu thế kỷ thứ hai của Tây lịch. Phật giáo truyền vào nước ta bằng hai đường: một là từ Ấn độ truyền trực tiếp vào bằng đường biển do các thương nhân và tăng sĩ Ấn độ; hai là bằng đường bộ từ Trung Quốc. Cách phiên âm chữ Phạn “buddh” còn để lại hai cách như sau: lối phiên âm trực tiếp từ Ấn độ đọc là Bụt (Buddh), ở miền quê xứ Bắc Việt Nam thường phát âm theo lối này; cách phát âm từ chữ Hán Việt truyền từ ngõ Trung quốc đọc là Phật (Buddh).”

       Nguyễn vĩnh Thượng,Tư tưởng Phật giáo trong văn học đời Lý, Hiện Đại: 1996, Toronto, Canada.

Phật (佛) là âm Việt-Hán, do người Trung Hoa phiên âm từ chữ Phạn Buddh.                  

Phật giáo (佛教) là những niềm tin và thực hành căn cứ vào những lời dạy của Đức Phật .

Phật (Buddh, Anh văn: Buddha) có nghĩa là bậc đã giác ngộ (the awakened one or the enlightened one ). Phật, hay Giác giả hay Thế Tôn là danh hiệu tôn xưng (the reverend title, very respected  title) về đức độ của  Phật . Ngài là một con người lịch sử (the historical person) đã khám phá con đường giải thoát (the path to nirvana) cách chấm dứt khổ đau (the cessation of suffering) và truyền bá những khám phá nầy cho nhân loại để họ cũng có thể đạt được sự giải thoát.

Phật còn có một danh hiệu khác là Thích-Ca Mâu-Ni (Shakya –Muni) có nghĩa là bậc trí tuệ (Muni) trong bộ tộc Thích-Ca ( Shakya)

    Ngài có tên chính là Cù-Đàm Tất-Đạt-Đa (Siddharta Gantama) nên còn gọi là Phật Cù-Đàm ( Gautama Buddha )

    Ngài là bậc giác giả đã khai sáng ra đạo Phật. Đức Phật đã sanh sống và thuyết giảng giáo lý của Ngài ở miền Đông -Bắc Ấn Độ. Phật giáo (Buddhism) là những niềm tin và thực hành căn cứ trên những lời giảng dạy của Ngài.

     Siddhartha Gautama ( Cù-Đàm Tất -Đạt -Đa) ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch (khoảng 624 trước C.N-544 trước C.N ) ở vùng Đông -Bắc xứ Ấn Độ và xứ Nepal. Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ được trình bày trong bài “Cuộc đời của Đức Phật”.

      Vào khoảng thập niên 1950 và 1960 ở Bắc Mỹ ( Hoa kỳ và Canada) Âu châu , Úc châu , từ Buddhism (Phật giáo)hãy còn xa lạ với đại chúng . Tuy nhiên, trước đây rất lâu, các học giả, các giáo sư tây phương đã trước tác nhiều tác phẩm khảo cứu Phật giáo rất có giá trị, và nhiều bản dịch các kinh điển nhà Phật ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, giúp cho các nhà khảo cứu tư tưởng triết học Phật giáo không thông thạo Sanscrit và Pali. Đã có nhiều tín chỉ (course) về triết học Đông phương, trong đó có triết học Phật giáo được giảng dạy ở các đại học Âu Mỹ.

     Có rất nhiều học giả và giáo sư đại học Tây phương đã có những đóng góp to lớn cho việc truyền bá tư tưởng triết học Phật giáo như:

- Edward Joseph Thomas (Anh, 1869-1958) với tác phẩm “The History of Buddhist Thought, 1933” (Lịch sử tư tưởng Phật giáo)…

 - Louis de La Vallee- Poussin (Bỉ, 1869-1938) với “L’ Abhidharmakosa de Vasubandhu (1923-1931) (A-Tì- Đạt-Ma- Câu-Xá luận của Ngài Vasubandhu) … 

- Christmas Humphreys (Anh, 1901-1983) với  “Buddism ,1951”( Phật giáo )  …

- Edward Conze (Anh, 1904-1979) với “ Buddhism, Its Essence and Development,1951” ( Tinh hoa và sự phát triển của Phật giáo) …

- Daisetz Teitaro Suzuki (Nhật, 1870-1966) với “ Essays in Zen Buddhism, 1949” (Thiền Luận ) …

- Allan Watts ( Anh, 1915-1973) với “The Way of Zen ,1957” (Thiền Đạo) …

Walpola Palula (Sri Lanka,1907-1997) với “ What the Bhuda taught” (Đức Phật đã dạy những điều gì) …

-Triết gia Arthur Schopenhauver (Đức, 1788-1860) là một triết gia Tây phương đầu tiên đã chú tâm nghiên cứu Phật giáo, và còn nhiều vị khác nữa…

Về phía đại chúng thì ngày nay ở Tây phương , từ ngữ “ Buddhism” được thấy đề cập trong các buổi đối thoại bình thường , trên đài truyền hình, nhiều tiệm sách đã bày bán các sách Phật giáo . Đạo Phật đã trở thành một phần của văn hoá của Tây phương. Nhất là sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với làn sóng tị nạn và di dân của người Á châu (Việt, Miên, Lào, Trung hoa),  các người di dân nầy đã mang văn hóa Phật giáo đến vùng đất mới, họ xây dựng nhiều chùa, nhiều niệm Phật đường, thế hệ di dân thứ nhất thường qui tụ lại thờ kính Phật theo văn hoá từng dân tộc (ethnic group).

Nhiều vị tăng sĩ Á châu và giáo đoàn của các vị tăng nầy đã được người Tây phương biết đến như:

2.1- Ngài Tenzin Gyatsa (1935 -   ) là vị Dalai Lama thứ 14 của Phật giáoTây Tạng (Tibetan Buddhism):

Tương truyền, Phật giáo đã được du nhập vô Tây Tạng vào thế kỷ thứ 3 sau CN.  Nhưng theo sử liệu thì Phật giáo đã chính thức thâm nhập vô Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 CN, dưới thời Vua Songtsen Gampo, trị vị từ năm 605-650 CN. Vua này có 2 bà vợ: một là công chúa Bhrikuti Devi xứ Népal, hai là công chúa Văn Thành, cháu gái vua Đường thái Tông (635-638) xứ Trung Hoa. Cả hai bà đều rất mộ đạo Phật, nên họ đã khẩn cầu nhà Vua cho Phật giáo thâm nhập vào xứ Tây Tạng. Trong lịch sử phát triển đạo Phật ở Trung Hoa và ở Việt Nam, phụ nữ là những người hộ pháp nhiệt thành và đắc lực nhất, nhờ lòng mộ đạo nhiệt thành của họ nên rất nhiều chùa chiền Phật giáo đã được xây cất không những có kiến trúc hoành tráng mà số lượng còn hơn các Văn Thánh miếu của Khổng giáo nữa.

Vào hậu bán thế kỷ 14 sang đầu thế kỷ 15, Đại sư Tsongkhapa (1359 – 1419), vị lãnh đạo tôn giáo tối cao, đã canh tân Phật giáo Tây Tạng, còn gọi là Lạt-Ma giáo, đây là quốc giáo của Tây Tạng. Lạt-Ma giáo được truyền vào phía Bắc Trung Hoa, Mông Cổ từ đời Minh (1368-1644). Kể từ năm 1575, Đại sư Tsongkhapa đặt ra hai vị lãnh đạo tối cao cho Lạt-Ma giáo là: 1. Dalai Lama (Đạt-lai Lạt-ma) có  nghĩa là  vị  Lama có  tâm  hồn bao la như  biển cả,( Dalai= biển cả , ocean), ( Lama = tối thượng sư, vị  sư sống đời độc thân (celebrate priest). Vị này ngự tại Giáo đền ở Lhasa để hành xử thế quyền, được coi như là hoá thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (re-incarnation of Avolokitesvara). Sau khi Dalai Lama chết thì Panchen Lama (Ban-thiền Lạt – Ma) tìm người thay thế trong số các trẻ em vừa mới sanh sau cái chết của Dalai Lama vì họ tin rằng đó là hoá thân của vị Dalai lama này, và ngược lại . Vị Dalai Lama thứ nhất là Gedun Drupa (1391 – 1474).   2. Panchen Lama (Ban-thiền Lạt –ma) có nghĩa là đại học giả ( great scholar), vị này chủ quản đời sống tâm linh, nắm giữ thần quyền, được coi như là hoá thân của Đức Phật A-di-đà (Amitabha Buddha).

Năm 1910, nhà Thanh đem quân xâm chiếm Tây Tạng. Tuy nhiên năm sau thì nhà Thanh sụp đổ, nhân đó vị Dalai Lama thứ 13 Thupten Gyatso (1876 – 1933 ) , đã trị vì từ 1895, tuyên bố độc lập cho đất nước Tây Tạng, đuổi quân đội ngoại xâm nhà Thanh ra khỏi xứ. Tây Tạng hưởng được độc lập thực sự từ 1912 đến 1950.

 

                                                    (Nguồn : internet)

Vị Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso (1935-   ) lên thay thế. Năm 1949, Mao trạch Đông chiến thắng ở Trung quốc, Mao cho quân tái chiếm Tây Tạng. Năm 1950, chánh phủ Tây Tạng tôn vinh Đức Dalai Lama thứ 14 làm nhà lãnh đạo xứ Tây Tạng, lúc ấy Ngài được 15 tuổi. Suốt thập niên 1950, Mao đã dần dần áp đặt chủ nghĩa xã hội trên đất Tây Tạng. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1959, Dalai Lama thứ 14, lúc ấy Ngài được 23 tuổi, đã gỉa dạng thường dân và đã cùng với một số ít người tùy tùng trốn qua Ấn độ. Từ đó Ngài sống cuộc đời lưu vong và chưa bao giờ có cơ hội trở lại quê hương của mình. Tại hải ngoại, Ngài đi bôn ba khắp nơi để vận động giành độc lập cho Tây Tạng. Đức Dalai Lama đã đem đến cho phong trào tranh đấu Phật giáo thế giới một đức lý xã hội của Phật giáo dấn thân ( Social Ethics of Engaged Buddhism).

Năm 1988, Đức Dalai Lama tuyên đọc “Gỉải Pháp Trung Dung” (Middle Way Approach) để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Trung quốc và Tây Tạng tại Quốc Hội Liên Bang Âu Châu (European Parliament) ở  Strasbourg, Pháp quốc. “Giải Pháp Trung Dung” được Ngài lấy từ “”Bài thuyết pháp đầu tiên” của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni cho 5 người đệ tử đầu tiên của Ngài.Con đường trung đạo là con đường ở giữa hai cực đoan: một là lối tu khổ hạnh ( asceticism), hai là cuộc sống tự thoả mản trong dục lạc ( self indulgence ). Quý vị có thể đọc diển văn chính trị nầy một cách chi tiết hơn ở  www.dalailama.com/messages/middleway-approach,accessed Jan.30,2013.Theo “giải pháp trung dung” của Ngài, thay vì Tây Tạng đòi độc lập hoàn toàn từ Trung Quốc thì giờ đây : Tây Tạng muốn được tự do về các việc nội trị như tôn giáo, văn hoá , giáo dục,  kinh tế , y tế và môi trường qua một chính phủ được dân bầu một cách dân chủ; còn Trung Quốc thì lo việc ngoại trị: ngoại giao và quốc phòng. Theo Ngài Dalai Lama , với giải pháp trung dung , thì cả Trung Quốc và Tây Tạng đều được hưởng lợi ích chung.

Nhưng tiếc thay, các nhà lãnh đạo  Trung Quốc không để ý tới “ Giải pháp trung dung” của Ngài Dalai Lama . Càng ngày Trung Quốc càng vi phạm nhân quyền, và đã đàn áp nhiều cuộc phản kháng bất bạo động ở Tây Tạng. Ở hải ngoại,  Dalai Lama tiếp tục đi bôn ba vận động sự ủng hộ cho Tây Tạng ở khắp nơi. Cộng đồng các quốc gia tự do dân chủ ở Âu Châu, Bắc Mỹ, Úc Châu đều ủng hộ lời kêu gọi của Ngài.

Năm 1989, Ngài được trao giải thưởng Nobel về hoà bình (Nobel Peace Prize). Năm 2007, Ngài được trao huy chương vàng của Ngành Lập Pháp Hoa kỳ ( U.S Congressional Gold Medal).

    Đức độ đáng tôn kính của Đức Dalai Lama thứ 14 đã được cả thế giới khâm phục, từ các vị lãnh đạo các nước dân chủ cho đến mọi người dân ở Bắc Mỹ/ Hoa kỳ và Canada, Anh,Pháp, Đức, Úc …, nên có rất nhiều người đã cải đạo sang Phật giáo Tây Tạng, hay Lạt-Ma giáo, rất đông.

* * *

2.2 - Thích Thiên Ân  ( Việt Nam ,1926-1980 ) với “ Zen Philosophy, Zen Practice,1980” ( Triết học Thiền và Thiền thực tập) …

2.3 - Thích Nhất Hạnh (Việt Nam 1926--) với “The heart of the Buddha‘s Teaching ,1999” ( Trọng tâm các lời Phật dạy ) ...

2.4 - Ở Tây phương ngày nay, có nhiều tác phẩm có tính cách đại chúng viết về Phật giáo như sau :

-       The light of Asia ,1879, poem by Edwin Arnold ( Anh, 1832-1904)

-       Buddha , Manga series từ1972 đến1983 by Osamu Tezuka .

-       Shiddharta (Tiểu thuyết của Hermann Hesses viết bằng tiếng Đức, 1922 ) . Tiểu thuyết này được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có bản dịch tiếng Việt rất nổi tiếng “Câu chuyện của dòng sông” do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch , Saigon 1966. Phùng Khánh , sau nầy xuất gia là Sư cô Thích nữ Trí Hải , đã viết và dịch thuật nhiều sách Phật học rất có giá trị, đã viên tịch ở Việt nam .

-       Phim ảnh: - Little Buddha,1994 film by Bernado Bentolucci.

-       Truyền hình: - Buddha  ( T.V series 2013, mythological drama ).

-      Nhạc – Keiruna Nadee, 2010  Oratario by Dinesh Subasingle .V…V…

 *    *   *                          

Cách đây trên 2500 năm, ở Đông phương, đạo Phật phát xuất từ Ấn Độ, đã truyền bá sang nhiều xứ khác như Népal, Tây Tạng, Sri Lanka,Thái lan, Miến Điện, Miên, Lào, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam v...v… Tư tưởng triết học Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm vào các lãnh vực văn học, nhân sinh quan, âm nhạc, kiến trúc v... v… của các xứ này.

*  * *

Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo thường đưa lên câu hỏi: “Phật giáo là một tôn giáo hay là một triết học?” (Is Buddhism a religion or a philosophy?).

Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi trên lần lượt như sau:

  1. Phật giáo như là một tôn giáo :

Nếu hiểu tôn giáo hay đạo (religion) là niềm tin tuyệt đối vào Thượng đế (God), là đấng sáng tạo (creator) ra vũ trụ, và có nhiều quyền lực toàn năng để người theo đạo đó tôn thờ thì ở Tây phương có các đạo như Đạo Thiên Chúa (Catholicism), Đạo Cơ Đốc (Christianity), Đạo Do Thái (Judaism), Đạo Hồi (Islam). Các đạo này là đạo thờ có một Thần hay gọi là các tôn giáo độc thần (monotheistic religions). Còn ở Ấn Độ thì có Ấn Độ giáo (Hinduism) thờ nhiều thần hay đạo đa thần (polytheistic religion). Như vậy Phật giáo không được coi là một tôn giáo, bởi vì:

-       Phật giáo không tin có Thượng đế (God), không tin có Đấng Sáng Tạo (creator) ra vũ trụ và kiểm soát số phận định mệnh của nhân loại.

Đức Phật là một con người lịch sử (historical person). Ngài không bao giờ tự xưng mình là Thượng đế, không bao giờ tự xưng mình là Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ.

Phật giáo không chấp nhận ở đức tin mù quáng và tuyệt đối. Phật giáo khuyên mọi người đừng thụ động chấp nhận những điều gì bạn đã đọc hay nghe, và cũng đừng tự động phản đối các điều đó ngay. Người nghiên cứu đạo Phật cũng như người Phật tử cần phải dùng trí tuệ của mình để phán đoán các điều ấy.

Đức Phật đã từng dạy:

Đừng chấp nhận bất cứ ta nói một cách thụ động và dể dàng bởi vì đó là lời ta nói ra, bởi vì đệ tử kính trọng ta, nhưng đệ tử phải suy xét, phán đoán các điều ấy. Sau khi khảo sát các lời dạy của ta, nếu đệ tử thấy đó là điều đúng thì mới thực hành, còn nếu không đúng thì đừng nghe và làm theo.”

Nếu hiểu tôn giáo là niềm tin vào đạo lý và sự thực hành các nghi lể, tục lệ và tổ chức của một nhóm người, của một tổ chức thì Phật giáo là một tôn giáo cũng như các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, đạo Hồi , Ấn Độ giáo v...v…

  1.  Phật giáo như là một Triết học:

  Nghiên cứu triết học nhằm giúp ta phán đoán và đi tìm chân lý, đi tìm sự thật. Điều nầy không có nghĩa là lúc nào ta cũng tìm được sự thật, nhưng có điều chắc chắn rằng mục đích của chúng ta là đi tìm sự thật.

Nói cách khác, nếu hiểu triết học là sự yêu mến trí tuệ giác ngộ thì Phật giáo là một triết học, bởi vì Phật giáo đã: - hướng dẩn ta nhận thức sáng suốt về các hành động và tư tưởng của ta; giúp ta phát triển trí tuệ giác ngộ, sự hiểu biết chân lý.

Ở trong quyển Anguttara Nikaya (Tăng nhất tập) có đoạn ghi lời Đức Phật như sau: “Đừng tin tưởng những điều gì dựa vào tập quán , những bài văn viết lưu truyền lại. Đừng tin những gì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đừng tin tưởng những điều gì do các bậc thánh nhân, giáo chủ nói lại. Ngay cả đừng tin tưởng vào những điều mà thầy học của mình, tôn sư của mình nóí ra.  Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm nghiệm những lời nói, những điều do các bậc nêu trên dạy, ta phải nhận rõ đâu là chỗ đúng, đâu là chỗ sai, đâu là điều có lợi cho mình, cho kẻ khác. Các đệ tử hãy lấy đó làm tiêu chuẩn sống ở trong cuộc đời nầy.”

Lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như của các nhà tư tưởng Phật giáo sau nầy đều chú trọng đến sự khảo sát nghiên cứu điều gì cũng hết sức kỹ lưỡng, hợp lý. Đây chính là những điều cơ bản của các triết gia Tây phương, triết gia Ấn Độ làm nền tảng cho các lý luận của mình. Như vậy, Phật giáo được coi như là một triết học, do đó Đức Phật được kính trọng như là một triết gia lớn(the Great Philosopher)/ một nhà tư tưởng lớn (the Great thinker). Triết gia là người theo đuổi chân lý (Philosopher goes in pursuit of truth) đã khám phá được chân lý và truyền bá chân lý nầy cho người khác.

Để nghiên cứu Phật giáo như là một triết học, chúng ta sẽ nghiên cứu các tư tưởng tôn giáo có trước khi Đức Phật ra đời và có cùng thời với Đức Phật, các lời dạy của Đức Phật, các lý thuyết triết học và các lý luận của các luận sư Phật giáo sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Như vậy, chúng ta sẽ không đi sâu vào việc tìm hiểu các giới luật của tăng đoàn (Buddhist monastic order of Sangha) gồm có Tăng và Ni. Chúng ta cũng không đi sâu vào các bài viết có tính đại chúng (popular writing ) nhằm soạn giảng các bài học luân lý cho các thính giả bình thường . Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không tìm hiểu các kiến trúc, điêu khắc, tranh vẽ Phật giáo ở đây.Các điều nầy đã được trình bày trong các bài viết hay trong các sách khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu lời dạy của Đức Phật và sự khai triển lời dạy nầy bởi các luận gia Phật giáo.Những phán đoán thuần lý và lý luận của các vị nầy, những kết luận về quan điểm của họ. Từ đó, chúng ta sẽ nhận rõ chân lý của lời Phật dạy.

Trong lời dạy của Đức Phật mà các nhà tư tưởng Phật giáo thường dựa vào quan niệm về thế giới tự nhiên thì có điểm không đúng với khoa học tự nhiên ngày nay. Thí dụ như quan niệm các vật thể thông thường như đá, bàn ghế đều do bốn nguyên tử khác nhau cấu thành: đất, không khí, nước và lửa (earth, air, water, fire). Trong triết học cổ đại của Hy Lạp cũng có quan niệm tương tự.Các triết gia ngày xưa , gọi nước là một yếu tố, họ đã nghĩ rằng chỉ có một chất căn bản là chất lỏng. Ngày nay, có sự phân biệt giữa nước (H2O) với rượu, ethyl ( ethyl alcohol) trong hai loại nầy có yếu tố lửa ( fire element) ở mức độ khác nhau. Hơn nữa, vật chất được cấu tạo bởi nhiều yếu tố hơn là 4 yếu tố trên. Ngay cả yếu tố màu sắc (color) cũng không do 4 yếu tố trên cấu thành.

Như vậy, triết lý Phật giáo có bị lổi thời trước quan niệm của khoa học về thế giới tự nhiên hay không?

Tôi xin trả lời rằng triết lý Phật giáo vẫn là tư tưởng đáng tôn trọng. Thật vậy, khi nghiên cứu triết học cổ đại của Hy Lạp, triết gia Aristotle ( Hy Lạp 384 Công nguyên -322 CN) tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ (the earth is the center of the universe ) . Ngày nay, chúng ta biết điều nầy là sai lầm, nhưng Aristotle vẫn được tôn trọng là một triết gia quan trọng trong lịch sử triết học Tây phương. Trong việc nghiên cứu triết học cổ đại, chúng ta sẽ bỏ qua những phần trái với kiến thức khoa học hiện đại và chúng ta sẽ chú trọng vào các phần còn lại.

Khi nghiên cứu “Phật giáo như là một triết học”, chúng ta sẽ nghiên cứu các lãnh vực triết học chính yếu của Phật giáo như sau: -Vũ trụ luận, Nhận Thức luận, Nhân minh luận hay luận lý học, Luân lý luận hay Đạo đức học , Giải thoát luận hay con đường giải thoát của đạo Phật.

Chúng ta thấy có nhiều nơi sử dụng danh từ “Phật giáo” và “Phật học” (Buddhist studies) gần như đồng nghĩa. Tuy nhiên hai danh từ này có chổ phân biệt tế nhị: - Phật giáo ý chỉ yếu tố tôn giáo của đạo Phật, còn Phật học ý chỉ yếu tố triết học, sự nghiên cứu về đạo Phật, về học thuyết của đạo Phật.

                            *    *    *

Trong suốt 45 năm thuyết pháp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã không viết một chữ nào về các lời giảng dạy của Ngài. Tương tự như vậy, các Triết gia Trung Hoa sống đồng thời với Thích Ca như Khổng tử, Lảo tử cũng đã không để lại một chữ viết nào về các lời dạy của các Ngài. Lời dạy của Thích Ca được truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Khoảng 500 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết Bàn thì Giáo đoàn (Sangha) mới bắt đầu tập hợp lại các lời dạy của Ngài, và ghi lại các lời dạy này trong các cuốn Phật kinh (Sutra) căn cứ vào ký ức của các bậc trưởng thượng. Những lời nói trong kinh văn có nhiều nơi khó hiểu, đôi khi hầu như không thể hiểu được vì các bản văn ghi lại quá giản lược, và chỉ trở nên dể hiểu, chỉ trở nên một tư tưởng triết học thâm sâu nhờ sự soi sáng bằng các bài bình giảng văn chương, các bài nghị luận triết học của các bậc học giả có trí tuệ, các vị này còn tìm hiểu và khai phá những ý tưởng thăng trầm ẩn tàng trong các kinh điển ấy.

Đạo Phật không lưu lại một kinh điển do chính Thích Ca Mâu Ni viết bằng một văn tự nào; đây có thể là một ưu điểm, và có thể là một may mắn cho tư tưởng Phật giáo. Điều này giúp cho tư tưởng Phật giáo không bị dính chặt vào văn tự, nhờ thế các nhà diễn giải, các luận sư  đã làm rực rỡ, và đã điểm tô Triết học Phật giáo thành rừng Triết học đầy kỳ hoa dị thảo. Do đó, khi nghiên cứu tư tưởng Phật giáo, người học Phật cần đem sự hiểu biết, trí tuệ của mình để có thể thấu hiểu cái triết lý thâm sâu và siêu việt này.

Đạo Phật lúc mới đầu là một triết học, nhưng dần dần dân tộc Ấn độ biến đạo Phật thành một tôn giáo. Rồi tôn giáo này được truyền bá qua các nước Á Châu như Tây Tạng, Trung Hoa, Sri Lanka, Miến Điện, Đại Hàn, Việt Nam, Nhật Bản … và các nước Tây phương như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Úc …Ngày nay với sự phát triển vượt bực, đạo Phật đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Đạo Phật đứng hàng thứ tư  sau Cơ đốc giáo, Hồi giáo v à Ấn độ giáo.Triết lý siêu việt của đạo Phật đã trở thành một trong những đỉnh cao tư tưởng của lịch sử triết học Đông phương cũng như Tây phương. Phật giáo đã vượt ra khỏi một tôn giáo và là một tư tưởng triết học.

                               Toronto, 10 Nov. 2014.

                               Nguyễn vĩnh Thượng

Cựu Giáo Sư Triết Học tại các trường Tr. H Petrus Ky, Hồ  Ngọc Cẩn,

Nguyễn An Ninh, Cần Đước, và trường Sư Phạm Saigon (1969 – 1975)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập