Huyền học : Cơ sở của Mê tín, Giới cấm thủ và Tà kiến

Đã đọc: 9386           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Huyền học không thể và không bao giờ đem đến giải thoát cho nhân loại; ngược lại, nhiều khi nó còn nô lệ hoá tâm thức con người vào nỗi sợ hãi thích thú, một sado-machosism tiềm ẩn, làm trầm trọng thêm nỗi Khổ của con người.

Thứ tư, 09-05-2012

Khi ta tìm kiếm một chiếc kim rơi , ta chẳng thấy gì khác ngoài những phạm trù khái niệm về chiếc kim trong tâm thức đang điều khiển ta. Đó là những “điều kiện tìm kiếm”, một loại “mạch lọc” tâm thức: bằng kim loại, nhỏ như sợi tóc, dài khoảng vài phân, óng ánh …Hãy nhớ rằng , trong khi ấy, ta không thấy gì ngoại trừ ám ảnh “cây kim” và những điều chẳng thấy nhiều hơn vô vàn lần cái điều đang tìm là cây kim!

Khái quát hóa ví dụ trên, sở dĩ loài người dựa vào huyền học như bói toán, tử vi, tướng số, phong thuỷ, địa lý, cảm xạ …, là vì nỗi sợ hãi ẩn náu trong tận cùng tâm thức (alaya) từ thuở hồng hoang, sợ hãi những hiện tượng thiên nhiên . Nỗi sợ ấy hoà trộn với tâm thức mong cầu, tầm cầu bị thúc đẩy do căn Tham (sự bám luyến, sợ mất mát) và căn Si (si mê, mông muội), trước lẽ vô thường được mất, thịnh suy, chết chóc….của mọi hiện tượng và của cuộc sống. Nói chung là nỗi sợ hãi và nỗi khổ niềm đau không giải thoát ra được.

Các môn huyền ra đời trong bối cảnh tối tăm của vô minh, khổ đau và hãi sợ ấy, để cho phàm nhân vô minh một cái phao cứu sinh trên mặt biển đời trong đêm đen đầy giông bão. Các bộ môn này đều cho phàm nhân rất nhiều “điều kiện” để “in vết” vào tâm thức, những “điều kiện in vết” ấy , ví như tại văn minh Tàu, là năm sinh âm lịch, nào là Nhâm Quí, nào là Mậu Canh… hay tại Tây phương, nào là những những lời tiên tri Nostradamus hay bói bài Taro…, hoặc 12 cung tháng Nhân Mã, Kim Ngưu…, để tiên đoán về những quá khứ, tương lai, số phận, bệnh tật, tai hoạ…, mà những tượng ấy lấy trong truyền thuyết cổ đại Hy Lạp .

Đó là những “mạch lọc” của huyền học được cài đặt vào tâm thức phàm nhân, đã “in vết” vào Tưởng Uẩn, sau đó vào Hành uẩn để sai sử hành vi con người. Tâm lý phàm nhân lúc ấy, tự động lưu ý những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, mà những sự kiện ấy tương tự với những điều được “in vết” từ trước; hoặc họ được làm những gì hay “kiêng” những gì, cũng theo điều kiện huyền học ấy.

Và vì thế, toàn bộ cảnh trần đi qua 6 giác quan sẽ được Hành Uẩn và Tưởng uẩn chắt lọc theo những “điều kiện cho trước” này, mà thấy rằng Có hay Không. Nếu Có, thì càng kiên cố thêm niềm Tin vào huyền học. Nếu Không, thì cho rằng nhờ Phước đức ông bà để lại, hoặc thần linh phù hộ mà tránh được!

Tất cả chỉ là sự tất yếu của thế giới hiện tượng do tính chất đối đãi nhị biên phân biệt: Có và Không mà thôi . Đây là một hệ quả của thuật toán nhị phân 0 và 1. 

Với thế giới nhị-biên Đúng Sai, Có Không, cũng như thuật tóan nhị phân 0 và 1, xác xuất lý thuyết phân bổ cho mỗi bên là 50% và 50%. Huyền học tập trung vào hệ thống tâm lý của Dục giới, nó “khai thác, vuốt ve, an ủi, động viên , giải thích và cả tấn công” vào trạng thái tâm lý sinh khởi từ các căn Tham-Sân-Si, những nỗi vọng tưởng, mong cầu, sợ hãi , tuyệt vọng…. Huyền học cung ứng cho phàm nhân một hy vọng hão huyền giữa 50% những vọng tưởng tốt đẹp và 50% những sợ hãi , tuyệt vọng , bất hạnh ! . Vì thế, huyền học vẫn ngự trị dai dẵng trên 50% nỗi thất vọng không xảy ra ; và an ủi, định hướng cho vọng tưởng khác khi 50% thất vọng xảy đến ! . Với “mạch lọc” tâm thức, phàm nhân vô minh sẽ thấy nhiều khi huyền học đúng đến…60% hay thậm chí …đúng hơn nữa!. Tất cả đều là vọng tưởng từ vô minh nguyên thuỷ của chúng sinh trong cõi Dục này.

Ngoài ra, còn sự tò mò của con người, một bản chất sinh học nữa. Các sinh vật “thăm dò” các đối tượng chưa bao giờ xuất hiện trong hệ dữ liệu tâm trí nó, để nó liệt vào “chiến đấu” (fight) hay “bỏ chạy” (flight) trong kinh nghiệm của chúng. Con người cũng thế, họ tò mò muốn biết tương lai gần xa có gì không? Và một sự vui vẻ tràn đến, khi Tà sư phán rằng, hạnh phúc trong tầm tay. Làm gì có hạnh phúc tự nhiên mà đến?

Phàm nhân vô minh không hiểu rằng họ đã và đang nhận được tất cả những gì xứng đáng với cuộc sống của chính họ. Họ không biết rằng, do vô minh mà họ đã làm ra số phận của họ.

Huyền học chỉ là những hiện tượng do con người chế định ra, chúng được phóng chiếu, bành trướng từ “tự ngã” ra thế giới hiện tượng, tập thành các “nghề” mưu sinh:

  • Huyền học thuộc con người qua chỉ tay, tướng số, bói bài ; các loại gieo quẻ, cầu xăm; hoặc là đồng bóng , cô cậu .… mà tâm thần học gọi là bệnh Đa nhân cách
  • Huyền học thuộc Không gian : các khoa Chiêm tinh, Phong thủy, Địa lý, Bát trạch, Cảm xạ …
  • Huyền học thuộc Thời gian : các khoa Tử vi, Tử bình , xem ngày giờ tháng năm…hung kiết …

Huyền học không thể và không bao giờ đem đến giải thoát cho nhân loại; ngược lại, nhiều khi nó còn nô lệ hoá tâm thức con người vào nỗi sợ hãi thích thú, một sado-machosism tiềm ẩn, làm trầm trọng thêm nỗi Khổ của con người . Những tập tục mê tín hoặc/và những lễ hiến tế dã man trong lịch sử nhân lọai, những mê tín, đồng bóng,…đã biến thái thành những cuộc lễ tế cầu kỳ tốn kém rất vô ích ngay trong hiện tại, vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt ta, là một minh chứng cho sự mông muội ẩn mặt dưới đáy sâu Vô Thức.

Hãy nhớ rằng, các nhà huyền học chỉ làm tiền trên sự vô minh của nhân loại mà thôi, vì nếu linh ứng, thì họ hoặc con hay cháu chắt họ, đã thành ….vua hay tổng thống rồi!

Huyền học nở rộ như nấm sau mưa và lên ngôi trong thời đại mà Đức Phật ví rằng “ác thế ngũ trược”. Phật giáo ví rằng, thời ác thế là thời đại mà thế giới không còn Thiện Pháp nữa, thì xuất hiện Năm vấn đề ô nhiễm, vẫn đục (ngũ trược):

  • Thời đại vẫn đục (kiếp trược) , là thời đại suy đồi, mục ruỗng, trong thời đại này, mọi thứ suy đồi, tai nạn, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, …nói chung là không còn an ninh thân thể nữa . Ô trược phát sinh tràn ngập thế gian. Cũng có thể hiểu là thời kỳ quá ngắn ngũi, đầy dẫy vô thường, không an bình…
  • Tâm lý vẫn đục (phiền não trược) , vì sự suy đồi của thời đại huân tập vào chúng sinh , nên mọi phiền não vô minh hiện hành , những hiện tượng tiêu cực xã hội tràn ngập, hận thù, tham lam , hám danh , kiêu mạn , luân thường đạo lý đảo lộn và mục ruỗng . Nói chung, về mặt tâm lý, tinh thần và tình cảm bị phiền não khổ đau , không hạnh phúc an lạc.
  • Kiến thức vẫn đục (kiến trược), vì thế, nên những nhận thức của chúng sinh là khối nhận thức sai lầm, điên đảo, mục ruỗng, mà giáo lý gọi là Tà kiến phát sinh. Chúng sinh chống trái nhau, đi đến chiến tranh , chia rẽ, nghi kỵ, hận thù …. Tà kiến chỉ cho  Thân kiến (không còn giá trị đạo đức cá nhân) , biên kiến (ngoài ta là kẻ thù, địch thủ), tà kiến (chủ thuyết điên cuồng , mê tín dị đoan , luật pháp điên đảo …), kiến thủ (phong tục tập quán đồi bại, mục ruỗng, … ) và giới cấm thủ (mê tín , cuồng tín , …). Nói chung, là nhận thức (kiến) sai lệch. 
  • Con người vẫn đục (chúng sanh trược ), do phiền não trược và kiến trược nên chúng sanh trở nên mâu thuẫn nhau , chúng sinh trở thành chó sói của nhau , gia đình và xã hội rối rắm , con người bất hiếu, bất trung tín, bất nghĩa , vô lễ , vô giáo dục …. Ccon người trở nên cô đơn và đầy lòng sân hận, con người hành động mù quáng , vô minh, tạo ác nghiệp. Con người sống theo bản năng sinh vật, theo các Bất thiện căn , lòng người ly tán .
  • Mạng sống vẫn đục (mạng trược) , do những thứ trên , đời sống chúng sanh tất nhiên vô nghĩa , do con người bị “vong thân” , không tự tại với chính mình , chạy đua theo đời sống , khổ đau vì đời sống , lo âu trong cuộc sống , cho nên có cuộc sống mục ruỗng , không cần biết ngày mai , không ích lợi gì cho chính bản thân cũng như cộng đồng . Con người chìm đắm trong sinh tử luân hồi .

Các vẫn đục tâm thức, “Ô trược”, trên huân tập lẫn nhau, sinh khởi lẫn nhau. Chúng sanh sinh ra trong thời đại của năm thứ này cho nên gọi là ngũ trược. Chúng tạo thành năm loại “mạch lọc” bất thiện cho tâm thức mặc tình phóng chiếu, bành trướng:

 “Như vậy, Xá-lợi-phất, trong thời kiếp trược rối loạn, chúng sanh nhơ bẩn sâu dầy (cấu trọng) , bủn xỉn tham lam (xan tham) , đố kỵ ganh ghét ( tật đố) , thành tựu các bất thiện căn, ….” (kinh Pháp Hoa)

Khoa học ngày nay không màng đến các huyền học nữa, họ cho rằng đó là những màn trình diễn của “tự kỷ ám thị”, “tự thôi miên”, “đa nhân cách”, hoặc hạ đẳng hơn, là lừa đảo, là lang băm…

Bệnh đa nhân cách, loại bệnh mà các Tà Sư phán rằng, “có vong nhập”, ngày nay không còn là nỗi khó hiểu của ngành Tâm Thần học.

“Đa Nhân Cách, nói đúng hơn là Hội chứng rối loạn đa nhân cách , Multi Personality Disorder – MPD , căn bệnh được Pierre Janet, một bác sĩ người Pháp, mô tả lần đầu ở th kỷ 19. Theo Janet, một người được coi là bị MPD nếu có 4 triệu chứng:

  • Có 2 hoặc nhiều hơn trạng thái của các nhân cách thay nhau chi phối con người .
  • Các nhân cách phải hoàn toàn riêng biệt, tương đối ổn định về nhận thức, quan hệ gia đình, xã hội, khả năng miêu tả thế giới xung quanh .
  • Khi bị một nhân cách này chi phối, người bệnh có khả năng quên các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân cách tiềm ẩn khác, đến mức không thể xem đó là chứng quên thông thường.
  • Các rối loạn đó không phải do ảnh hưởng của thuốc hay hóa chất.

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển.

Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” như vậy nhưng những mầm nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Dưới một tác nhân nào đó, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng MPD.

 

Về bản chất, trong mỗi con người chỉ có một nhân cách phát triển. Nhân cách này được bồi đắp, rèn luyện nên trở nên bền vững, mạnh mẽ và riêng biệt. Những mầm nhân cách khác thường yếu đuối, èo uột nên nếu bị rối loạn, chỉ đủ sức chi phối người bệnh trong một thời gian ngắn. Ngoài những điều kiện trên, đều là bệnh nhân tâm thần.

Tuy nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh mới chỉ là những giả thuyết nhưng các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng, nếu có một lối sống lành mạnh, có một nhân cách mạnh mẽ, “cá tính”, biết tiếp thu thông tin một cách thông minh và tỉnh táo thì bạn có thể tự bảo vệ được mình trước chứng rối loạn đa nhân cách.

Thật sự là rõ ràng khi ta tiếp cận những điều trên đây với khái niệm “chủng tử” trong Duy Thức hoặc “tâm hộ kiếp bhavanga” trong Abhidamma . Thật là vô cùng xúc động trước trí tuệ của Đấng Bổn Sư. Tại điểm này, một lần nữa, Khoa học đã gặp Phật giáo!

Ta nên nhớ rằng, một khi tâm thức đã bị “điều kiện hoá”, thì tâm thức tự động hành hoạt theo những “điều-kiện-tiên-định”, và con người chỉ tồn tại một cách nô lệ cho tâm-thức-đã-bị-điều-kiện-hoá. Ta không làm chủ thân-tâm này một chút nào hết.

Vì thế, khi khổ đau, họ lại tìm đến huyền học, bói toán. Khi hãi sợ, họ cũng tìm đến tà sư giải cho. Đứng trước hiện tượng MPD, họ cũng đến tà sư nhờ trục đi bớt “linh hồn”, đứng trước người bệnh tâm thần, tà sư phán “vong nhập”!. Và như thế, huyền học của các tà sư vẫn sống dai dẳng với đại đa số nhân loại khổ đau, vô minh và hãi sợ, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim!

Và sau hàng ngàn năm, một vài “kiêng kỵ” (giới cấm thủ) đã hoà lẫn vào chuẩn mực thế gian, làm thành những tập tục, những phong tục mà ai cũng phải theo. Huyền học mê tín không bao giờ diệt tận, khi và chỉ khi nhân loại chấm dứt khổ đau và sợ hãi, tuệ giác minh trí sáng suốt được khai mở.

Huyền học quả là một ngành kinh doanh có tiềm năng !!!

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (4 đã gửi)

avatar
Thin Nguyen 16/05/2012 05:11:13
Đọc bài này, tôi càng có cơ sở vững chắc cho suy nghĩ của tôi trước thông tin nhân bài viết cho lễ hội Chùa Dâu : Ngoài lễ hội Chuà Dâu, Bắc Ninh quê tôi còn dự kiến rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân gian để đề nghị xét công nhận " Di sản Văn Hóa phi vật thể".

Trong danh sách đó, tôi thấy loại hình " múa hát lên đồng" , tuy có rất nhiều động tác múa, di chuyển thân thể. Ca từ nhiều và có vẻ đặc biệt. Trang phục phong phú và đẹp.... nhưng riêng sự hiểu biết và thực tế tôi đã trải qua. Tôi xin được mạnh dạn đề nghi :KHÔNG BAO GIỜ NÊN XẾP LOẠI HÌNH NÀY VÀO " DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ" . Nếu xếp vào loại này thì chỉ càng làm tệ nạn mê tín dị đoan phát triển manh, tác dụng HẠI CÒN MẠNH MẼ HƠN NHIỀU LẦN,những người làm nghề đồng cốt còn dẫn dắt Nhân Sinh đi vào con đường lầm lạc tệ hại hơn, nhiều người đã mất của lớn, nay sẽ càng thêm nhiều người mất của nhiều hơn mà cái lợi đem đến chỉ là sự sợ hãi và nôi lo ngày càng leo thang. Không giai quyết được vấn đề gì./.
avatar
Tâm Nhẫn 18/05/2012 12:38:16
Lên đồng hay thầy mo hoặc những hiện tượng tương tự vẫn còn tồn tại ở những địa phương nơi mà khoa học, kỹ thuật và ánh sáng văn minh chưa đến trong tâm thức , chưa nói đến ảnh hưởng của hệ thống tín ngưỡng . Nếu người dân mang lòng mê tín vào các hiện tượng ấy, đó là tự thân mỗi người, nếu các hiện tượng ấy chỉ là một lễ hội dân gian không tính mê tín, thì đó là một nét văn hoá vui chơi, tương tự văn hoá ngày ma quỉ – Halloween day – ở Tây phương .
Đó là thế gian, thế gian do đại đa số hữu tình có thọ có tưởng cư trú nơi đó mà tạo thành : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức . Vì thế, không nên tác động gì vào những tín ngưỡng dân gian này , hãy để những vấn đề ấy đi theo qui luật vô thường .
Những tín ngưỡng dân gian kiểu nói trên, Phật giáo gọi là “giới cấm thủ”, Phật tử tuy không phạm giới này, nhưng vẫn ngắm nhìn các pháp thế gian như nó là , để tự soi sáng trong tâm mà tìm hiểu nguyên nhân phát sinh và động lực phát triển, để thấy quá khứ, hiện tại và vị lai . Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác .
Nếu ta bỏ hết những lễ hội ấy, đó là cực biên, nếu ta không chuyển hoá để trở thành nét văn hoá, văn minh, thì đó cũng là cực biên. Phật tử hành trung đạo, chuyển hoá những lễ hội cho hết mê tín, để nét nhân văn và văn minh có thể trình hiện . Do vậy, muốn chuyển hoá những điều mê tín trên, chỉ có duy nhất một tác động : Hoằng Pháp mà thôi , ta tạo nhân duyên cho những hiện tượng trên trở thành một lễ hội có tính văn hoá nhân văn .
avatar
Tâm Nhẫn 18/05/2012 12:40:25
Lên đồng hay thầy mo hoặc những hiện tượng tương tự vẫn còn tồn tại ở những địa phương nơi mà khoa học, kỹ thuật và ánh sáng văn minh chưa đến trong tâm thức , chưa nói đến ảnh hưởng của hệ thống tín ngưỡng . Nếu người dân mang lòng mê tín vào các hiện tượng ấy, đó là tự thân mỗi người, nếu các hiện tượng ấy chỉ là một lễ hội dân gian không tính mê tín, thì đó là một nét văn hoá vui chơi, tương tự văn hoá ngày ma quỉ – Halloween day – ở Tây phương .
Đó là thế gian, thế gian do đại đa số hữu tình có thọ có tưởng cư trú nơi đó mà tạo thành : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức . Vì thế, không nên tác động gì vào những tín ngưỡng dân gian này , hãy để những vấn đề ấy đi theo qui luật vô thường .
Những tín ngưỡng dân gian kiểu nói trên, Phật giáo gọi là “giới cấm thủ”, Phật tử tuy không phạm giới này, nhưng vẫn ngắm nhìn các pháp thế gian như nó là , để tự soi sáng trong tâm mà tìm hiểu nguyên nhân phát sinh và động lực phát triển, để thấy quá khứ, hiện tại và vị lai . Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác .
Nếu ta bỏ hết những lễ hội ấy, đó là cực biên, nếu ta không chuyển hoá để trở thành nét văn hoá, văn minh, thì đó cũng là cực biên. Phật tử hành trung đạo, chuyển hoá những lễ hội cho hết mê tín, để nét nhân văn và văn minh có thể trình hiện . Do vậy, muốn chuyển hoá những điều mê tín trên, chỉ có duy nhất một tác động : Hoằng Pháp mà thôi , ta tạo nhân duyên cho những hiện tượng trên trở thành một lễ hội có tính văn hoá nhân văn .
avatar
Học Phật 13/11/2019 13:09:37
Bài viết hay mà giờ cháu mới đọc được. Cảm ơn tác giả ạ.
tổng số: 4 | đang hiển thị: 1 - 4

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập