Ý nghĩa về Như Lai

Đã đọc: 7822           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Như Lai là một vị đã hiểu rõ thế giới, như vậy là đã đạt đến chỗ tột cùng của thế giới, mới có thể hiểu biết về thế giới. Nhưng phải ở trong thế giới mới có thể hiểu biết thế giới, phải ở trong sanh tử mới có thể vượt qua sanh tử, như đã được trình bày ở trong Kinh Rohitassa, (Tăng Chi, IV-45).

(Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp)

Trước hết, chúng tôi đề cập đến các bậc Như Lai nói chung, rồi đến Thế Tôn, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng, những định nghĩa gì đã được dùng để diễn tả các Ngài, và nhất là những đóng góp gì rất đặc biệt về những giáo lý chánh yếu, những pháp môn giảng dạy đã giúp chúng sanh thoát khỏi sự khổ đau.

Một vấn đề có thể làm rất nhiều người thắc mắc, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, là Ðức Phật là ai, Ngài là thần chăng, vị Tiên chăng, Ngài là người như chúng ta chăng? Chúng ta là Phật tử, chúng ta là người tìm hiểu đạo Phật chúng ta cần xem Ðức Phật là ai, cho đúng với lời Phật dạy? Một câu hỏi về một số vấn đề đã được Ðức Phật khéo giải đáp trong Kinh số 36 "Về tùy thuộc thế giới".(Tăng Chi, IV-36).

Bà La Môn Dona thấy dấu chân Ðức Phật có dấu bánh xe (pháp luân) với đầy đủ tất cả chi tiết, khi Ðức Phật đi trên con đường giữa Ukkatha và Setabbya, liền suy nghĩ đây không phải là dấu chân của loài người, nên đến gần Ðức Phật và hỏi: "Có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn Thát Bà, Ngài sẽ là Dạ Xoa, Ngài sẽ là loài người?". Với bốn câu hỏi này Ngài tuần tự trả lời: "Ta sẽ không phải là Tiên, Ta sẽ không phải là Càn Thát Bà, Ta sẽ không phải là Dạ Xoa, Ta sẽ không phải là Người".

Câu trả lời làm cho Bà La Môn Dona ngạc nhiên, và chúng ta cũng dễ hiểu, vì nếu Ðức Phật trả lời: "Ta sẽ là chư Thiên... hay ta sẽ là loài Người" tức là Ðức Phật còn phải tái sinh, còn phải sinh tử luân hồi. Cho nên Ðức Phật mới trả lời: "Ta sẽ không phải là chư Thiên, Ta sẽ không phải là Càn Thát Bà, Ta sẽ không phải là Dạ Xoa, Ta sẽ không phải là Người". Nhưng câu trả lời này đã làm cho Bà La Môn Dona ngạc nhiên khiến phải hỏi tiếp: "Vậy sở hành của Ngài là gì, và tôn giả sẽ là gì?". Câu trả lời tiếp của Ðức Phật rất là đặc biệt:

-- "Này Bà La Môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà la môn, đối với những người chưa đoạn tận những lậu hoặc, Ta có thể là Càn Thát Bà, Ta có thể là Dạ Xoa, Ta có thể là loài người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai...".

Như vậy, tùy thuộc chúng sanh được đề cập đến, đối với chúng sanh là chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ðức Phật có thể là chư Thiên, nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận, không còn sanh tử luân hồi. Ðối với loài người chúng ta chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ðức Phật có thể là người, nhưng là một con người đã đoạn tận các lậu hoặc. Nói một cách khác, dầu thuộc loại chúng sanh hữu tình nào đang còn có lậu hoặc, đang còn sanh tử luân hồi, Ðức Phật có thể là chúng sanh ấy, nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận. Chúng ta là người, Ðức Phật đối với chúng ta là người, chỉ có sự sai khác, Ðức Phật là người đã đoạn tận các lậu hoặc, còn chúng ta là người , nhưng chưa đoạn tận các lậu hoặc. Rồi Ðức Phật cho chúng ta một ví dụ xác định rõ ràng vị trí của Ngài trong thế giới loài người: "Ví như, này Bà la môn, bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng, không bị thấm ướt. Cũng vậy này Bà la môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì".

Rồi Ðức Phật dùng một bài kệ phác họa hình ảnh Ngài ở trong đời:

"Với lậu hoặc chưa đoạn,
Có thể Càn Thát Bà,
Hay đi đến Dạ Xoa,
Với Ta, lậu hoặc tận,
Như sen trắng tươi đẹp,
Ðời không thấm ướt Ta,
Ta là Phật, chánh giác,
Ta có thể là Tiên,
Có thể là loài chim,
Hay vào trong thai người.
Bị phá hủy, trừ khử,
Không bị nước thấm ướt,
Do vậy Ta được gọi,
Hỡi này Bà la môn".

Ðức Phật đã sống ở trong đời, không bị đời uế nhiễm, như đã gọi là Như Lai (Tathàgata) tức có nghĩa là vị đã thật sự hiểu đời, hiểu thế giới như thế nào mới không bị đời uế nhiễm, như Kinh "Thế Giới", (Tăng Chi, IV-23), đã nêu rõ:

--"Này các Tỷ kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy với đời. Này các Tỷ kheo, thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác, thế giới được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác, thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai tu tập".

"Cái gì này các Tỷ kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Từ đêm, này các Tỷ kheo, Như Lai được chánh đẳng giác, đến đêm Ngài nhập Niết Bàn, trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không thể khác được. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy nên được gọi là Như Lai".

"Này các Tỷ kheo, trong toàn thế giới, Thiên giới, Ma giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn trí, toàn kiến, đại tự tại. Do vậy được gọi là Như Lai".

Như Kinh trên đã trình bày, Như Lai là một vị đã hiểu rõ thế giới, như vậy là đã đạt đến chỗ tột cùng của thế giới, mới có thể hiểu biết về thế giới. Nhưng phải ở trong thế giới mới có thể hiểu biết thế giới, phải ở trong sanh tử mới có thể vượt qua sanh tử, như đã được trình bày ở trong Kinh Rohitassa, (Tăng Chi, IV-45). Trong Kinh này, thiên tử Rohitassa hỏi Ðức Phật: "Tại chỗ nào bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ (đời này) không có sanh khởi (đời khác), chúng con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không?". Và Ðức Phật đã trả lời dứt khoát là không thể được. Rohitassa tán thán câu trả lời của Ðức Phật, khen rằng thật là vi diệu vì chính thiên tử Rohitassa bước đi với tốc độ nhanh như tên bắn chớp nhoáng, với bước chân từ biển Ðông qua biển Tây, đi như vậy luôn 100 năm không có dừng nghỉ cũng phải chết giữa đường, không có thể đạt đến tận cùng thế giới.

Nhưng rồi Ðức Phật dạy, chúng ta không cần đi đâu xa, chính trên cái thân này của chúng ta, chúng ta có thể đạt đến chỗ tận cùng của thế giới. "Này hiền giả, Ta tuyên bố rằng tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ đời này, không có khởi đời khác thời không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới. Nhưng này hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này (byàmatta) với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt".

Và với bài kệ sau đây, Ðức Phật tóm tắt lời dạy của Ngài:

"Với đi, không bao giờ
Nếu không, không đạt được
Thời không có giải thoát.
Do vậy, bậc có trí,
Ði tận cùng thế giới,
Bậc đạt được an tịnh
Không mong cầu đời này.
Ðặt tận cùng thế giới
Chỗ tận cùng thế giới
Ra ngoài khỏi khổ đau,
Hiểu biết rõ thế giới,
Với phạm hạnh thành tựu,
Biết tận cùng thế giới,
Không mong cầu đời sau".

Vì vai trò quan trọng của cái thân chúng ta, nên Ðức Phật đã dạy trừ thân kiến (sakkàyaditthi), giới cấm thủ và nghi mới có thể chứng được quả Dự Lưu, từ bỏ địa vị phàm phu bước vào địa vị hiển thánh. Do vậy, đôi khi Ðức Phật cũng rống tiếng rống con sư tử về cái thân năm uẩn của chúng ta, một tiếng rống làm chư Thiên khiếp sợ vì tưởng rằng thân của chư Thiên thường còn, như Kinh Con Sư Tử, (Tăng Chi, IV-33), đã ghi nhận:

-- "Cũng vậy này các Tỷ kheo, Như Lai thuyết pháp: Ðây là thân năm uẩn (sakkàya), đây là thân năm uẩn tập khởi, đây là thân năm uẩn đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thân năm uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, có những chư Thiên nào, tuổi thọ dài, có dung sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài lớn. Chư Thiên này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Chúng nghĩ: Chúng ta là vô thường, này chư tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta không thường hằng, này chư tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta không thường trú, này chư tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ rằng chúng ta thường trú. Này chư tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này".

Với Ðức Phật tự mình đã giác ngộ, khi Ngài mới thành Chánh giác, Ngài khởi lên một tư tưởng rất khiêm tốn:

"Thật là khó khăn, không sống cung kính, không vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn... Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa đầy đủ... Làm cho đầy đủ định uẩn chưa đầy đủ... Làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa đầy đủ... Làm cho đầy đủ tuệ giải thoát uẩn chưa đầy đủ. Ta hãy cung kính, đãnh lễ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn nào khác. Nhưng ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác Ma và Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn, chư Thiên và loài người, không có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, với giới... với định... với tuệ... với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỷ kheo, Ta nghĩ như sau: Với pháp này mà ta đã chơn chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ pháp ấy".

Như vậy Ðức Phật với tâm tư khiêm tốn muốn tìm một Sa môn hay Bà la môn để nương tựa y chỉ vào chánh pháp. Thái độ này của Ðức Phật giải thích vì sao Ðức Phật khuyên tôn giả Ananda chớ có sầu muộn sau khi Ðức Phật nhập diệt, vì các đệ tử Phật luôn luôn có chánh pháp lãnh đạo, có chánh pháp làm chỗ y chỉ, có chánh pháp làm chỗ nương tựa. Ðức Phật có thể xem là vị giáo chủ khuyên chúng ta không nên nương tựa, ỷ lại cá nhân, Ngài chỉ khuyên chúng ta nên y chỉ vào chánh pháp, nên nương tựa chánh pháp.

Và như vậy chúng ta thật không lấy làm lạ khi Ðức Phật được tôn xưng là bậc tối thượng trong thế giới các loài hữu tình như Kinh "Các Lòng Tin" (Tăng Chi, IV-34), đã xác định: "Dầu cho loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng. Thế Tôn, bậc A la hán chánh đẳng giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào Ðức Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, chúng được quả Dị thục tối thượng".

Do Ngài chiếm một địa vị tối thượng trong thế giới các loài hữu tình, do sự chứng ngộ, giải thoát của Ngài là thiết thực, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, nên Ngài sống ở đời, đạt được bốn sự không sợ hãi, như Kinh "Vô Sở Úy" (Tăng Chi, IV-8) đã trình bày. Ngài tuyên bố: "Có bốn không sợ hãi này của Như Lai, này các Tỷ kheo, do thành tựu bốn không sợ hãi này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng và chuyển pháp luân".

Ngài thấy rằng, không một ai có thể chỉ trích Ngài là chưa giác ngộ một cách hoàn toàn, chưa đoạn tận lậu hoặc một cách hoàn toàn, các pháp Ngài thuyết là chướng đạo pháp thật sự không có gì chướng ngại và mục đích về pháp Ngài tuyên bố, không thiết thực đưa người thực hành đoạn tận được khổ đau. Vì Ngài đã thật sự giác ngộ hoàn toàn, đã thật sự đoạn tận dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, vì các pháp chướng ngại mà Ngài tuyên bố thật sự làm trở ngại cho người hành trì trên con đường tu đạo, vì mục đích Ngài thuyết giảng, vì các phương pháp hành trì do Ngài giới thiệu đã thực sự giúp cho hàng vạn, hàng triệu người được giẳi thoát, giác ngộ. Do vậy Ngài ung dung tự tại đi vào mọi hội chúng, không một chút sợ hãi rụt rè, vì không một ai có thể chất vấn, cật nạn Ngài được. Ngài đã chứng được bốn không sợ hãi của những bậc thật sự giác ngộ.

Với vị trí vô thượng của Ngài, với sự giác ngộ tuyệt vời của Ngài, với bốn không sợ hãi của Ngài, cho nên Ngài thành tựu bốn pháp vi diệu, chưa từng có, như đã được diễn tả trong Kinh "Vi Diệu" (Tăng Chi, IV-128):

"Này các Tỷ kheo, khi Như Lai, bậc A La Hán chánh đẳng giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu, chưa từng có này xuất hiện".

"Này các Tỷ kheo, quần chúng ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ. Khi pháp không chấp giữ được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh trí...".

"Này các Tỷ kheo, quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn. Khi pháp không kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh trí..."

"Này các Tỷ kheo, quần chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh. Khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh trí..."

"Này các Tỷ kheo, quần chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy. Khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh trí..."

"Này các Tỷ kheo, khi Như Lai, bậc A La Hán, chánh đẳng giác xuất hiện, có bốn pháp chưa từng có này xuất hiện".

Ðây thật sự là ảnh hưởng vi diệu của chánh pháp. Chúng ta chưa nghe chánh pháp thì thôi, nhưng đã nghe được chánh pháp thời tâm tư của ta dần dần biến đổi, bản tính ưa thích chấp giữ được nhẹ dần tính chấp giữ, bản tánh kiêu mạn chúng ta vơi bớt kiêu căng ngạo mạn, bản tánh dao động của chúng ta trở thành an tịnh lắng dịu và bản tánh vô minh vô trí được trở thành sáng suốt, giác ngộ. Khả năng cảm hóa của chánh pháp thật sự là hy hữu vi diệu. Khả năng cảm hóa của Ðức Phật thật sự là hy hữu vi diệu.

Thích Minh Châu
(Trích Tuyển Tập "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi")

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập