K26. Kinh Phật về thiền và chuyển hóa

Đã đọc: 2337           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Ý nghĩa và cách thức tụng kinh

PHẦN DẪN NHẬP

1. Nguyện hương

2. Đảnh lễ Tam bảo

3. Tán dương giáo pháp

PHẦN CHÁNH KINH

CÁC KINH VỀ THIỀN

1. Kinh bốn pháp quán niệm

2. Kinh quán niệm hơi thở

3. Kinh các cấp thiền quán

4. Kinh bốn loại hành thiền

5. Kinh sống trong hiện tại

CÁC KINH VỀ CHUYỂN HÓA

6. Kinh chuyển pháp luân

7. Kinh ba dấu ấn thực tại

8. Kinh thực tập vô ngã

9. Kinh mười hai nhân duyên

10. Kinh chánh tri kiến

11. Kinh căn bản tu tập

12. Kinh bảy cách dứt trừ khổ đau

13. Kinh ẩn dụ về thành trì

14. Phật nói kinh bốn vô lượng tâm

15. Kinh từ bi và hồi hướng

16. Kinh tám điều giác ngộ của bậc đại nhân

PHẦN SÁM NGUYỆN

1. Bát-nhã tâm kinh

2. Niệm Phật

3. Năm điều quán tưởng

4. Quán chiếu thực tại

5-a) Sám quy mạng

5-b) Sám quy y

5-c) Sám quy nguyện 1

5-e) Sám nguyện

6. Hồi hướng công đức

7. Lời nguyện cuối

8. Đảnh lễ Ba ngôi báu

PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Xuất xứ các bài kinh và sám nguyện

Phụ lục 2: Các ngày lễ trong hai truyền thống Phật giáo

Phụ lục 3: Các ngày ăn chay

 

 


 

LỜI NÓI ĐẦU

 Kinh Phật về thiền và chuyển hóa là một phần trong quyển Kinh Phật cho người tại gia, vốn là tác phẩm được tôi khởi xướng từ năm 2002, kể từ khi tôi trở về Việt Nam sau gần 8 năm tu học tại Ấn Độ. Thực ra, tác phẩm này được thai nghén từ năm 1994, ngay sau khi tôi biên soạn và xuất bản quyển “Kinh tụng hằng ngày”. Do vì bận rộn quá nhiều Phật sự, dù rất mong muốn, tôi đã không thể hoàn tất tác phẩm này trong vòng 2 năm, như đã dự kiến. Hơn một thập niên trôi qua, tôi mới có thời gian và điều kiện để hoàn thành công việc tuyển chọn, phiên dịch và ấn hành rộng rãi.

Nếu Kinh tụng hằng ngày là một tuyển tập 49 bài kinh từ hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, thì Kinh Phật về thiền và chuyển hóa phần lớn được tuyển dịch từ kinh tạng Pali và một số từ kinh điển Đại thừa. Như tên gọi, bộ Kinh này chỉ dành cho giới Phật tử, vốn mưu cầu sự nghiệp, phước báu, hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc mình có cho những người hữu duyên.

Vì nhắm đến đối tượng người tại gia, trong quá trình tuyển chọn và biên dịch, tôi đã phân loại 16 bài kinh quan trọng thành 2 nhóm chủ đề: thiền, thực tập chuyển hóa, nhằm đáp ứng cái “gu” tâm linh của người tại gia. Bộ Kinh Phật cho người xuất gia đang được biên dịch, đáp ứng nhu cầu tu học nâng cao và chuyên sâu cho những người xuất gia tu trọn thời gian, tu toàn diện, tu đúng pháp Tứ đế và tu có hệ thống.

Phần lớn các bài Kinh trong tác phẩm này rất phổ biến trong thời đức Phật nhưng có phần xa lạ với Phật tử Bắc truyền tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Tây Tạng và Việt Nam. Lý do là vì các nghi thức tụng niệm tại Việt Nam phần lớn là phiên dịch từ các nghi thức tụng niệm bằng chữ Hán, do các Tổ sư Trung Quốc biên soạn, vốn chỉ nhấn mạnh phần thứ 5 của bộ Kinh này, đang khi bỏ qua 4 phần quan trọng khác, rất quan trọng cho việc xây dựng hạnh phúc của người tại gia ở kiếp sống hiện tại này.

Chủ đề 1 gồm 5 bài kinh về thiền định, trong các kinh này giới thiệu thiền định như cốt lõi thực tập trong đạo Phật. Thực tập thiền định bắt đầu từ việc làm chủ các giác quan, chánh niệm trong từng cử chỉ, quán niệm hơi thở ra vào, làm chủ thân thể, cảm giác, tâm tư và ý niệm. Nhờ thực tập thiền, ta sống an lạc trong giờ phút hiện tại, không chìm mình vào quá khứ, không rong ruổi về tương lai, tự tại yên vui bây giờ và tại đây. Thiền là cốt lõi của chuyển hóa.

Chủ đề 2 gồm 11 kinh về triết lý căn bản, bắt đầu từ kinh Chuyển pháp luân, vốn là phương pháp luận giải quyết khổ đau, một đóng góp to lớn của đức Phật cho nhân loại. Học thuyết duyên khởi, tương tác đa chiều là triết lý phủ định các quan điểm giải thích về nguồn gốc thế giới bao gồm duy thần, duy vật và duy tâm. Ba dấu ấn của thực tại “vô thường, vô tướng, vô nguyện” và sự thực tập vô ngã là triết lý giúp ta vượt qua các nỗi khổ niềm đau do chấp dính vào cái tôi và cái tôi sở hữu. Nền tảng đức tin chân chính, kiến thức và trí tuệ, thuyết minh và xác minh, những điều nên biết và các ẩn dụ triết lý… trong phần này giúp ta nhận diện bản chất khổ đau và giải quyết khổ đau theo bát chánh đạo. Theo đức Phật, giáo pháp của ngài nên được sử dụng như chiếc bè, đưa người từ bờ khổ đau sang bờ hạnh phúc; không phải để chấp lấy, bái lạy, dâng cúng trên bàn thờ. Khi còn khổ đau thì còn sử dụng giáo pháp để trị liệu. Khi khổ đau kết thúc, hành giả sống thong dong trong đời.

Kinh Phật về thiền và chuyển hóa góp phần xây dựng một thế giới Cực Lạc, bây giờ và tại đây, bằng chính sự thực tập và chuyển hóa.

Vì tính chất toàn diện và hệ thống của bộ Kinh, tôi kính mong quý Phật tử tại gia nên nỗ lực không mệt mỏi, đọc tụng, nghiền ngẫm và ứng dụng trong đời sống thực tiễn. Nếu mỗi bài kinh là một toa thuốc tâm linh, có thể trị lành các chứng bệnh khổ đau thì tuyển tập các bài kinh này sẽ là nguồn dược chất vô cùng quý giá.

Mỗi ngày dành trung bình 30 đến 60 phút đọc kinh này với tinh thần vừa nêu, người đọc tụng được mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức, thâm nhập kinh tạng, nhờ đó giải quyết được các vấn nạn khổ đau của kiếp người.

16 bài kinh được tuyển chọn trong bộ Kinh này là kho tàng trị liệu tâm linh không thể thiếu với những ai mưu cầu hạnh phúc và quý trọng giá trị an lạc đạt được từ lối sống tôn trọng nhân quả, đạo đức. Hãy cùng nhau truyền bá bộ Kinh này để con đường tâm linh Phật giáo trở nên gần gũi và được nhiều người trải nghiệm. Xin đem tất cả công đức từ việc soạn dịch và ấn hành kinh này hồi hướng đến pháp giới chúng sanh được an lạc.

 

                                                 Giác Ngộ, ngày 17-08-2018

                                                   Sa-môn Thích Nhật Từ

                                                                 Cẩn bút

 


 Ý NGHĨA VÀ

CÁCH THỨC TỤNG KINH

 

I. Ý NGHĨA TỤNG KINH

Dù theo truyền thống nào, điểm quan trọng mà người thọ trì Kinh cần chú ý là tụng Kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, không nên quá chú trọng vào các nghệ thuật tán tụng, mặc dù nghệ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin tôn giáo. Người đọc tụng cần phải chú trọng vào phần “cốt lõi nhất” của Kinh là nội dungnghĩa lý của nó. Không có sự chú tâm thật sâu thì khó có thể lãnh hội được ý nghĩa nhiệm mầu trong Kinh.

Người đọc tụng phải giữ ba nghiệp thanh tịnh, chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của Kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của đức Phật, biết cách ứng dụng và hành trì. Bậc cổ đức thường dạy “tụng Kinh giả minh Phật chi lý” là nhằm vào ý này vậy. Chính sự ứng dụng lời Kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Nói cách khác miệng tụng tâm hành mới chính là tụng Kinh đúng nghĩa.

II. CÁCH ĐÁNH MÕ VÀ ĐIỂM CHUÔNG

Cách thức tụng Kinh trong Phật giáo rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng truyền thống. Trong Phật giáo Bắc tông, tụng Kinh đã trở thành một nghi lễ hẳn hoi, với sự hỗ trợ của các pháp cụ và nhạc cụ, như chuông, mõ, trống, kiểng, khánh, tang, đẩu v.v… Sự tụng Kinh ở nhiều nơi đã trở thành một khóa lễ nhạc có âm điệu trầm bổng, du dương, gây nhiều cảm hứng tốt ở người nghe.

Phần Nghi Thức Dẫn Nhập và Nghi Thức Sám Nguyện-Hồi Hướng được tụng giống như các khóa lễ xưa nay, tùy theo từng truyền thống. Riêng phần chánh kinh, để người đọc tụng và người nghe dễ hiểu và được lợi ích, người đọc nên ngừng một hoặc hai nhịp không tụng sau mỗi chấm câu hoặc sang hàng hay hết một đoạn, trong khi mõ vẫn được gõ đều đặn.

a. Ký hiệu được sử dụng

Ký hiệu O chỉ cho “đánh chuông.” Ký hiệu C chỉ cho “nhắp chuông” (nhắp dùi chuông vào vành chuông để báo hiệu rằng sẽ có một tiếng chuông được vọng lên). Ký hiệu M chỉ cho “gõ mõ.”

b. Cách vào chuông mõ

       C O O O M M M MM M M

       O M

       O M

       O M MM M C

c. Đánh mõ và điểm chuông

Ngoài mục đích tạo trường canh và nhạc điệu cho các khóa lễ, mõ và chuông còn có tác dụng thức tỉnh người đọc. Để các tác dụng này được phát huy triệt để, mõ phải được đánh đều đặn, nhịp nhàng, chậm rãi; không được đánh quá mạnh hay quá nhẹ để tránh trường hợp tiếng lớn, tiếng nhỏ làm mất trang nghiêm và khó đọc tụng cho đều. Chuông được điểm ngân nga sau các đoạn hay câu có ký hiệu O, đối với phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Đối với Chánh Kinh, chuông sẽ được điểm lên ngay sau mỗi đoạn Kinh hay sau mỗi ý Kinh hoàn chỉnh, nhằm đưa người đọc tụng trở về với thực tại, lắng niệm và ghi nhớ sâu lời Phật dạy.

d. Phối hợp chuông, mõ, khánh và lời tụng

Sau tiếng nhắp chuông của vị Duy-na, vị chủ lễ bắt đầu xướng tụng. Chủ lễ xướng hết chữ thứ hai thì đại chúng mới bắt đầu hòa theo và cùng tụng. Chữ đầu và chữ thứ ba của đoạn do chủ lễ khởi xướng thì không có nhịp mõ. Nhịp mõ được gõ vào nhịp chữ thứ hai và thứ tư. Nghĩa là tiếng mõ thứ nhất sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ hai, tiếng mõ thứ hai sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ tư. Sau đó, cứ mỗi chữ thì có một nhịp mõ cho đến hết một bài kinh. Riêng chữ (tiếng) kinh áp chót thì gõ hai nhịp mõ liền nhau và chữ (tiếng) kinh cuối thì một tiếng mõ dứt. Cứ như vậy, chúng ta tụng hết thời kinh.

Đối với bài Sám Nguyện trước bài Hồi Hướng, ta có thể phối hợp mõ với khánh. Tiếng mõ đầu sẽ đi với chữ kinh thứ hai, tiếng khánh đầu sẽ đi với chữ kinh thứ ba. Sau đó, một chữ một tiếng mõ, một chữ một tiếng khánh, cứ như vậy phối hợp mõ và khánh tụng cho hết bài sám. Phần kết thúc bài sám như sau: chữ áp chót của bài sám sẽ đi kèm với hai tiếng mõ liền nhau hơi nhanh và chữ cuối sẽ đi kèm với một tiếng mõ; trong khi từ chữ áp chót của bài sám, khánh được đánh theo hồi, từ bảy đến mười nhịp, khoảng cách của các nhịp khít dần đều và âm thanh của các nhịp nhỏ dần đều.

III. LỢI ÍCH CỦA TỤNG KINH

Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá kinh này sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:

- Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy, nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.

- Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau; để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.

- Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.

- Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.

Đọc tụng Kinh Phật có nhiều công đức như thế, kính xin tất cả mọi người hãy tinh tấn hơn nữa, trong việc đọc tụng, thọ trì và truyền bá lời Phật dạy!

                                                               Trân trọng,

                                                   Sa-môn Thích Nhật Từ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Đăng nhập