Ý nghĩa của Phật sự Đại giới đàn - Chọn người làm Phật

Đã đọc: 4737           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ xưa đến nay, không phải ngẫu nhiên, Đại giới đàn nào, ban tổ chức cũng treo biểu ngữ “TUYỂN PHẬT TRƯỜNG”. Điều đó khẳng định mục đích và ý nghĩa Phật sự này là nhằm tuyển người học Phật và làm Phật, chứ không làm gì khác. Do đó, công tác chuẩn bị của ban tổ chức là cực kỳ quan trọng, có thể nói việc xét tuyển chọn nguời xuất gia học đạo chính thức đứng vào hàng ngũ Tăng già là điều tiên quyết, quan yếu của Giáo hội. Nó quyết định vận mệnh Tăng già trong sứ mệnh truyền đăng tục diệm, khiến cho Chánh pháp được trường tồn, chúng sinh được an lạc.

Theo Bích Nham Lục (Đại 48, 143, quyển Hạ) ghi: “Tuyển Phật trường là tuyển những người tu hành, sau này có khả năng thành Phật, thành Tổ. Nếu tuyển người làm Phật, Tổ mà không có con mắt như thế thì dù một nghìn năm cũng không làm được việc gì”. Xem ra tuyển người học Phật và làm Phật trở thành một Phật sự cực kỳ quan trọng không chỉ ban tổ chức giới đàn mà cả một Giáo hội Tăng già bất cứ thời đại nào, không gian nào trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, nhất là những người chính thức đứng vào hàng ngũ Tăng già thực thi sứ mệnh tự độ và độ cho người khác.

Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 14, chương Đan Hà Thiên Nhiên có kể rằng, ngài Đan Hà lúc đầu học theo Nho, khi sắp đi thi thì có một thiền khách nói rằng chọn con đường làm quan không bằng chọn con đường làm Phật. Đan Hà hỏi: “Muốn chọn con đường làm Phật (tuyển Phật) nên đến chỗ nào? Thiền khách đáp: “Hiện nay ở Giang Tây có Mã đại sư xuất thế, đó là Tuyển Phật trường”. Nghe xong ngài Đan Hà đến yết kiến Mã đại sư. Rõ ràng, để gia nhập vào Tăng đoàn và trở thành thành viên Tăng già, biểu trưng một trong ba ngôi Tam bảo quý nhất ở đời thật không đơn giản. Vấn đề đặt ra người học đạo xuất gia phải biết nương cầu vị thầy đầy đủ giới đức, tâm đức, tuệ đức để cầu thọ giới pháp; trên hết là thể hiện sự phát Bồ đề tâm dõng mãnh và hội đủ các điều kiện được lãnh thọ giới pháp như Luật Phật quy định, ngõ hầu mới có khả năng học Phật, hành theo giáo lý Phật, chứng ngộ quả vị Phật như thệ nguyện ban đầu của mình.

Thực tế cho thấy, ngoại trừ những năm đầu từ khi Giáo đoàn của Đức Phật mới thành lập, những người đến với Đức Phật vốn đã có căn cơ, trình độ tu tập đã vững vàng, tâm linh đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ cần nghe Đức Phật giảng một lần, hay vài lần thì chứng quả; hoặc do nhân duyên gặp Đức Phật sau vài lần đối đáp thì bừng ngộ; cũng có trường hợp Phật phán: “Lại đây, này Tỳ-kheo!”, được gọi là Thiện lai Tỳ-kheo.

Về sau, Tăng già ngày càng phát triển. Việc thu nạp đệ tử mới của các Tỳ-kheo trong Tăng đoàn có phần dễ dãi, thiếu sự chọn lọc, đưa đến sự việc Tăng già ở vài địa phương không còn sự hòa hợp thanh tịnh, nhiều Tỳ-kheo thối thất Bồ đề tâm, buông lung, dẫn đến sự hoàn tục…, có khi còn làm tổn hại đến Tăng già. Từ đó việc gia nhập Tăng già trở nên khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện hơn, nhất là khi giới luật được hình thành càng lúc càng nhiều để đáp ứng yêu cầu thanh tịnh, hòa hợp trong Tăng già giữa số lượng rất đông các Tỳ-kheo đệ tử của Đức Phật. Hay nói cách khác công tác tuyển Phật trường là Phật sự trọng đại, đòi hỏi cần xem xét nhiều nhân duyên cần và đủ thì giới tử mới đắc pháp và giới đàn mới thành tựu.

Trước hết là tư cách làm thầy. Một người phát tâm cầu thọ giới thì phải nương vào một Tỳ-kheo mà mình tin tưởng để nương tựa, để được làm đệ tử. Theo Luật định thì một Tỳ-kheo làm thầy bổn sư tế độ cho học trò của mình phải luôn tâm niệm rằng mình cần tu học để giải thoát và giúp chúng sinh giải thoát hay nói khác đi là tự độ và độ tha. Bất cứ ai cũng có thể hiểu rằng tự mình mà không độ được mình thì khó mà độ người khác. Dù có tâm từ bi vị Tỳ-kheo muốn độ cho người khác, thì vị ấy cũng phải đạt được một số thành quả nhất định về việc thành tựu Giới Định Tuệ trên bước đường tu học. Khi Phật còn tại thế, lúc ấy có vị Tỳ-kheo một tuổi hạ dẫn theo một đệ tử chưa có tuổi hạ, hai vai mang hai túi y, trên đầu đội một túi, tay trái cầm bát và giày da, tay phải xách bình nước và túi da đựng dầu, cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ. Cái túi y trên đầu rơi xuống nhằm đầu gối của Phật, Phật bèn dùng tay gạt ra. Tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi: -Này Tỳ-kheo, vật này của ai vậy? - Bạch Thế Tôn, của đệ tử cùng đi với con. Phật bảo, ông được mấy tuổi hạ? - Dạ thưa một tuổi hạ. - Đệ tử của ông mấy tuổi hạ? - Dạ chưa có tuổi hạ nào. Phật dạy: - Ông mới một tuổi hạ mà đã nuôi đệ tử chưa có tuổi hạ thì cũng giống như người yếu đuối mà lại cứu người yếu đuối.

Thế rồi, Phật nói với các Tỳ-kheo: Bản thân mình không tự hàng phục được mà muốn hàng phục người khác thì không có lẽ đó. Bản thân mình không tự chế ngự được mà muốn chế ngự người khác thật không có lẽ đó. Bản thân mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người khác thật không có lẽ đó. Ta không cho phép Tỳ-kheo dưới 10 tuổi hạ độ người xuất gia thọ Cụ túc giới.

Sau khi Phật chế giới không cho phép Tỳ-kheo dưới 10 tuổi hạ độ người xuất gia thọ Cụ túc giới, rồi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đủ 10 tuổi hạ, độ người xuất gia cho thọ giới Cụ túc. Nhưng độ rồi mà không chịu dạy dỗ để họ giống như trâu hoang, dê hoang, sống phóng túng, không biết chế ngự, thiếu sự trong sạch, uy nghi không đầy đủ, không biết phụng sự Hòa thượng, A-xà-lê, không biết vâng lời Tỳ-kheo trưởng lão, không biết phép tắc vào trong chúng Tăng, không biết cách thức khoác y, cầm bát. Các Tỳ-kheo bèn đem sự kiện đến bạch Phật. Ngài dạy: Từ nay về sau, ai thành tựu 10 điều kiện sau, Ta mới cho phép độ người xuất gia thọ Cụ túc giới. 10 điều đó là: 1.Giữ giới thanh tịnh. 2.Nghe nhiều A-tỳ-đàm. 3.Nghe nhiều Tỳ-ni. 4.Học giới. 5.Học định. 6.Học tuệ. 7.Có thể xuất tội và sai người khác xuất tội. 8.Có thể nuôi người bệnh. 9.Khi đệ tử gặp nạn có thể giải cứu, hoặc nhờ người khác giải cứu. 10.Đã đủ 10 tuổi hạ. Ngoài ra, người nào ít nhất 10 tuổi hạ và biết hai bộ luật của Tỳ-kheo, bộ luật của Tỳ-kheo-ni cũng được phép làm thầy.[1]

Thứ hai là việc xem xét tư cách giới tử. Một người khi đã phát nguyện chính thức đứng vào hàng ngũ Tăng già thì vị đó - giới tử phải ý thức đúng đắn về quyết định của mình trong việc cầu giới pháp. Giới tử cần có một số kiến thức căn bản về giáo lý Phật- đà, nhận biết điều hay, điều lợi lạc nơi mình nương tựa. Giới tử phải có đủ sức khỏe, chịu đựng được mọi hoàn cảnh, môi trường sống với thời tiết, ăn uống đạm bạc, ngủ nghỉ có giới hạn, tinh thần vững vàng, kiên nhẫn với mọi thử thách, không bị ràng buộc  với hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội… Trên hết là giới tử phải phát tâm dõng mãnh thọ giới và hành giới sau khi được truyền trao. Suy cho cùng sinh mệnh của Tăng già là giữ gìn giới luật, yếu tính của Tăng già là sự hòa hợp và thanh tịnh. Đây cũng điều kiện căn bản và cốt lõi quyết định giới tử nào được trao truyền giới luật trong việc tuyển Phật trường.

Thế nên các bộ luật như Tứ phần, Ngũ phần đều quy định giới tử trước khi thọ giới phải không mắc 13 chướng ngại còn gọi là chướng nạn hay già nạn. Chính những chướng ngại này làm trở ngại việc tu tập và phát triển của một tổ chức Tăng già sau này. Hay nói cách Tăng đoàn là hình ảnh của Đức Phật, mang trọng trách thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự (thừa sứ mệnh của Đức Như Lai và thực hiện sự nghiệp cao cả của Phật). Do đó, khi tuyển chọn người xuất gia học Phật cần phải tuân thủ một số điều kiện tương đối nghiêm ngặt, hầu tuyển chọn được những người có thân tướng đoan nghiêm và phẩm chất ưu việt. Điều này nhằm mục đích tránh sự chê bai của người đời, khiến người ta sinh tâm tin tưởng và tôn kính (tị thế cơ hiềm, linh nhân sinh khởi tín tâm). Nhờ vậy giới tử sau này khi trở thành thành viên chính thức của Tăng già mới đủ khả năng thăng tiến tâm linh và uy đức cảm hóa tha nhân cùng mình hướng tâm đến giác ngộ giải thoát sinh tử. Các giới tử sẽ qua một lần sát hạch về 13 già nạn với nội dung như sau:

1.Phạm biên tội: Từng xuất gia và đã phạm 4 điều trọng cấm nên bị tẩn xuất. 2.Phá tịnh hạnh của Tỳ-kheo-ni, tức là trường hợp hành dâm liên hệ Tỳ-kheo-ni. 3.Tặc trú: Mượn danh nghĩa Tỳ-kheo, giả làm Tỳ-kheo để hưởng lợi. 4.Phá nội ngoại đạo: Từng theo ngoại đạo, đến xin làm Tỳ-kheo rồi trở lại tu theo ngoại đạo rồi lại đến xin làm Tỳ-kheo. 5.Giết cha. 6.Giết mẹ. 7.Giết A-la-hán. 8.Phá hòa hợp Tăng: Tự xưng mình đắc quả, lôi kéo một số Tỳ-kheo đi theo mình gây chia rẽ trong Tăng già. 9.Cố ý gây thương tích cho Phật. 10.Bất năng nam: Cấu tạo sinh dục không đầy đủ, từ đó có những tâm lý bệnh hoạn. 11.Phi nhân: Không phải người, ý nói các chúng sinh cõi khác. 12.Súc sinh: Loài vật. 13.Nhị hình: Vừa có nam căn, vừa có nữ căn.

Ngoài những chướng pháp trên, còn một số tài liệu Luật ghi thêm rằng người thọ giới phải có tướng mạo đàng hoàng, năm căn đầy đủ, không đui, không què, câm, điếc, ngọng, không quá cao, quá thấp, không quá đen, quá trắng mới được tuyển chọn. Thiết nghĩ, các căn không đầy đủ có thể gây trở ngại cho việc tu tập, còn các điều kiện còn lại và kể các điều kiện về các căn có lẽ là tránh cho sự dèm pha ác ý của một số người xấu hoặc của người ngoại đạo, nhất là khi Phật giáo đang phát triển.

Một người mới xuất gia học đạo, sau khi lãnh thọ giới Sa-di, hoặc Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, đủ 20 tuổi mới hội đủ điều kiện để thọ Cụ túc giới, trở thành thành viên chính thức của Tăng già. Cụ túc giới, nghĩa là giới bổn đầy đủ của một vị Tỳ-kheo gồm 250 giới đối với Tăng, và 348 giới đối với Ni. Một người cầu thọ giới Cụ túc phải tự ý thức mình sẽ trở thành thành viên của Tăng già, do đó vị ấy luôn tâm niệm là biểu trưng một trong ba ngôi báu của Tam bảo. Ý nghĩa cao quý này đòi hỏi vị Tỳ-kheo là một người thanh tịnh, hòa hợp. Thế nên một trong những điều kiện căn bản để tuyển vào Phật trường là phải thành tâm thực thi giới hạnh. Vai trò của giới luật vô cùng to lớn trong việc làm hóa hiện các điều thiện, huỷ diệt các điều bất thiện có nguy cơ nảy mầm. Nhờ giữ giới mà giới tử có thể đến bờ giác ngộ. Trong bài Thụ giới luận của Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông viết:“Kinh vân: Giới như bình địa, vạn thiện tòng sinh. Giới như lương y, năng liệu chúng bệnh. Giới như minh châu, năng phá hôn ám. Giới như  thuyền phiệt, năng độ khổ hải”. (Kinh nói rằng: Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ) [2].

Mặt khác, người xuất gia đệ tử của Phật, sống trong một đoàn thể không phải một người, hai người mà rất nhiều người, thời Phật còn tại thế kinh điển thường ghi có 1.250 người. Với số đông như thế, nếu không có giới luật thì biết căn cứ vào đâu mà để hòa hợp, tương ưng cùng nhau chung sống? Thực tế mỗi người có một căn tính, điều kiện khác nhau nếu không có kỷ cương giới pháp để răn dè, kiêng giữ thì sẽ dẫn đến bất hòa, không dễ dàng tiến tu đạo hạnh.

Cho nên, Phật dạy việc thành tâm thực thi giới hạnh khiến cho Tăng già mỗi ngày thêm hưng thịnh. Trong Thiện Kiến Luật, Phật từng dạy Tôn giả A-nan có 5 điều làm cho giáo pháp Như Lai tồn tại lâu bền: 1.Hàng đệ tử Phật biết tuân giữ Tỳ-ni luật. 2.Tịnh Tăng thành chủng: Dù chỉ có 5 người xuất gia mà giữ giới thanh tịnh, thì đó cũng là một yếu tố quan trọng để giáo pháp tồn tại lâu dài. 3.Truyền thọ bất diệt: Nếu ở trung quốc có 10 người lập giới đàn truyền thọ giới xuất gia, ở biên quốc có 5 người, sự truyền thọ như thế dưới hình thức 10 người hay 5 người, từ chỗ này đến chỗ khác, quốc độ này đến quốc độ khác, cũng là yếu tố khiến Phật pháp trụ thế lâu đời. 4.Hạnh nghiệp thanh tịnh: Khi đã lãnh thọ giới pháp thì giới pháp chính là những mối ưu tư những mục tiêu tuân hành. Nếu chúng Tăng phạm giới mà liền biết sám hối, tập chúng 20 người theo Luật định, để xuất tội nặng những vị Tỳ-kheo phạm giới, khiến cho những vị ấy cũng được thanh như bao nhiêu vị Tỳ-kheo khác, thì đó là yếu tố làm cho giới pháp tồn tại lâu dài. 5.Trú trì vĩnh cửu: Với tất cả tấm lòng phát tâm thọ giới và hội đủ các điều kiện nói trên, các giới tử được Hội đồng Thập sư trao truyền giới của mười phương chư Phật ba đời.

Rõ ràng với tất cả ý nghĩa mục đích của Phật sự Tuyển Phật trường như đã trình bày nói trên, Đại giới đàn Hành Trụ do Thành hội TP.Hồ Chí Minh tổ chức năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với các người mới xuất gia học đạo - trở thành thành viên chính thức của Tăng già mà còn cả Giáo hội trong việc kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần cho Đạo pháp trường tồn, chúng sinh an lạc.                               

TP. Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 10 năm 2011

Thích Phước Đạt

Nguồn: Giác Ngộ Online

[1] Xem Luật Ma ha Tăng kỳ, quyển 28, Đ 22, tr. 457b –c. [2] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Sđd, quyển thượng, tr. 81 - 82.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập