Thánh quả Thanh văn trong mắt Kim Cang Bát Nhã

Đã đọc: 6143           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bốn Thánh quả Thanh văn, trong đôi mắt Kim Cang Bát-nhã, ta thấy có những ý nghĩa độc đáo như sau:

 

1. Thánh quả Tu-đà-hoàn trong đôi mắt Bát-nhã:

Kinh văn:

Hỡi Tu-bồ-đề! Thầy nghĩ như thế nào? Một vị Tu-đà-hoàn có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc quả Tu-đà-hoàn không?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng, nhưng thực ra không có dòng nào để đi vào cả. Vì không đi vào các dòng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, nên gọi là Tu-đà-hoàn”.1

Tu-đà-hoàn quả = 須陀洹果 là phiên âm từ tiếng Phạn là: Srotāpattiphalaṃ.

Hán dịch là 預 流果 = Dự lưu quả hay 入 流 果 = Nhập lưu quả hoặc 七 來 果 = Thất lai quả.

Dự lưu hay Nhập lưu là dự phần vào dòng dõi bậc Thánh hay gia nhập dòng dõi của bậc Thánh.

Dự lưu quả là quả vị đầu tiên trong Bốn Thánh quả thuộc Thanh Văn.

Thất lai quả là vị Thánh đạt tới quả vị nầy, tâm thức còn có khả năng biểu hiện chất liệu sinh tử bảy lần ở trong Dục giới.

Do tu tập Tứ Thánh Đế hiện quán vị Thánh giả nầy loại trừ ba hạ phần kiết sử, gồm:

- Loại trừ thân kiến thủ:

Do quán chiếu mà thấy rõ sự thật về khổ, về vô thường, về duyên khởi vô tự tính và vô ngã của vạn hữu trong từng sát na sinh diệt của hiện tiền mà hành giả buông bỏ những nhận thức sai lầm về tự ngã, không còn cho rằng:

“Thân năm uẩn này là tôi, là của tôi. Tôi là như thế này, là như thế kia,… Nên, gọi là buông bỏ thân kiến thủ”.

- Loại trừ nghi:

Do quán chiếu thấy rõ sự thật của Khổ, Tập, Diệt và Đạo, đúng như lời Phật dạy, nên hành giả đoạn trừ hết thảy tâm nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, không còn có sự do dự đối với các pháp hành của Đức Phật đã dạy.

- Loại trừ giới cấm thủ:

Do quán chiếu thấy rõ sự thật của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nên hành giả buông bỏ mọi điều răn dạy và tin tưởng không phù hợp với Thánh đạo. Nên, gọi là buông bỏ giới cấm thủ.

Do quán chiếu Tứ Thánh Đế hiện tiền và hành giả loại trừ vĩnh viễn ba loại kiết sử này, nên được tham sự vào dòng dõi của bậc Thánh, vững chãi tiến tới đời sống giải thoát và địa vị Toàn Giác.

Bằng cách nhìn của nhục nhãn (mắt phàm), ta có hai dòng sống:

Một dòng sống chảy theo sinh tử hay dòng đời. Và một dòng sống chảy theo Thánh đạo.

Không đi theo dòng đời mà quay sang sống theo dòng sống của Thánh đạo, gọi là Dự lưu hay Nhập lưu.

Nhưng, bằng con mắt của Bát-nhã, Ngài Tu-bồ-đề nói rằng: “Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng, nhưng thực ra không có dòng nào để vào cả. Vì không đi vào các dòng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, nên gọi là Tu-đà-hoàn”.

Cách nói của Ngài Tu-bồ-đề như thế là cách nói của Tuệ giác Bát-nhã.

Với Tuệ giác Bát-nhã, dòng đời hay dòng Thánh, chúng chỉ là hai mặt biểu hiện của một tâm thức.

Dòng đời là sự biểu hiện của tâm thức nhiễm ô bởi tham ái, nghi ngờ, chấp ngã, chấp vào những nhận thức sai lầm và tuân thủ những giáo điều hủ tục.

Dòng đạo là sự biểu hiện của tâm thức thanh tịnh, tâm thức không còn cất chứa những chất liệu thân kiến thủ, nghi ngờ và giới cấm thủ nữa.

Ta buông bỏ mọi ý niệm về ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ mạng, thì ngay đó là ta có tâm thức của bậc Thánh, ta có dòng tâm thức của bậc Thánh, nên ngoài dòng tâm ấy, ta không cần có dòng Thánh nào nữa để đi vào.

Bởi vậy, Ngài Tu-bồ-đề mới nói:

“Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng mà thật ra không có dòng nào để đi vào cả”.

Lại nữa, Ngài Tu-bồ-đề còn nói: “Không đi vào các dòng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, nên gọi là Tu-đà-hoàn”. Nghĩa của nó là thế nào?

Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, thuật ngữ chuyên môn của Phật học gọi là “lục trần”, tức là sáu loại bụi đời.

Sáu loại bụi đời có thể chảy vào tâm thức chúng ta qua sáu cửa ngõ giác quan, làm thức ăn cho các tham ái, khiến cho dòng tâm linh vốn thanh tịnh của chúng ta bị vẩn đục.

Vì vậy, bậc Thánh Dự lưu không đi vào dòng chảy của “lục trần” ấy. Các Ngài chỉ phòng hộ sáu quan năng, dừng lại mọi ý nghĩ, không đi theo dòng chảy ấy, là tức khắc dòng sông tâm linh thanh trong, tươi mát hiện ra, nên Ngài Tu-bồ-đề mới nói:

“Không đi vào các dòng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, nên gọi là Tu-đà-hoàn”.

Như vậy, cách thấy và nói của Ngài Tu-bồ-đề về Thánh quả Dự lưu là cách thấy và nói từ Tuệ giác Bát-nhã. Và chỉ có cách thấy và cách nói ấy, mới là cách nói và cách thấy chính xác đối với Thánh quả dự lưu.

2. Thánh quả Tư-đà-hàm trong đôi mắt Bát-nhã:

Kinh văn:

“Hỡi Tu-bồ-đề! Thầy nghĩ như thế nào? Một vị Tư-đà-hàm có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc quả Tư-đà-hàm không?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Tư-đà-hàm là một lần đi và một lần trở lại, nhưng thực ra không có đi và trở lại gì cả, nên gọi là Tư-đà-hàm”.2

Tư-đà-hàm quả = 斯陀含果 là phiên âm từ chữ Sakṛdāgāmi-phalaṃ của Phạn. Hán dịch là 一 來 果 = Nhất lai quả, nghĩa là tu tập đạt đến quả vị này, còn phải trở lại một lần ở trong Dục giới.

Hành giả do loại trừ hẳn thân kiến thủ, nghi, giới cấm thủ và làm yếu liệt hai kiết sử tham lam và sân hận, nên thành tựu phẩm tính của bậc Thánh Tư-đà-hàm.

Nên, Ngài Tu-bồ-đề nói: “Tư-đà-hàm có nghĩa là một lần đi và một lần trở lại, mà thực ra không có một lần đi và một lần trở lại nào cả, nên gọi là Tư-đà-hàm”.

Cái đi mà đi là do có hành động đi, có hành động đi là do có ý chí muốn đi, như vậy cái đi không thể tự đi, mà chúng đi trong một dòng chảy của nhân duyên không tự thể.

Bản tính của nhân duyên là Không. Nên, trong bản tính ấy, không có cái đến, không có cái đi; không có cái sinh và cũng không có cái diệt.

Bởi vậy, mọi hiện hữu khi hội đủ nhân duyên, thì nó biểu hiện và khi nhân duyên ly tán, thì nó ẩn tàng.

Cũng vậy, vị Thánh giả Tư-đà-hàm, khi tâm thức vắng bặt các hạt giống thân kiến thủ, nghi, giới cấm thủ và các hạt giống tham ái, sân hận yếu liệt, thì phẩm tính giải thoát của bậc Thánh Tư-đà-hàm từ nơi tâm thức tự biểu hiện, và những phẩm chất nơi tâm của vị ấy tự chuyển hóa sang Thánh chất.

Vì vậy, Ngài Tu-bồ-đề nói: “Tư-đà-hàm là một lần đi và một lần trở lại, mà thực ra không có một sự đi hay một sự trở lại nào cả”.

Do đó, không có sự đi hay sự trở lại nào cả, mà chỉ có sự biểu hiện hay ẩn tàng của những hạt giống tham ái, sân hận và các chấp thủ nơi tâm thức vị ấy. Và vì vậy, ở Kim Cang Bát-nhã, Ngài Tu-bồ-đề gọi vị ấy là Tư-đà-hàm.

3. Thánh giả A-na-hàm trong đôi mắt Bát-nhã:

“Hỡi Tu-bồ-đề! Thầy nghĩ như thế nào? Một vị A-na-hàm có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc quả A-na-hàm không?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? A-na-hàm có nghĩa là không còn trở lại, nhưng thực ra không phải là không trở lại, nên gọi là A-na-hàm”.3

A-na-hàm quả = 阿 那 含 果 là phiên âm từ chữ Anāgāmiphalaṃ của tiếng Phạn. Hán dịch là 不 來果 = Bất lai quả; nghĩa là vị Thánh đạt tới quả vị giải thoát không còn trở lại ở trong Dục giới nữa.

Hành giả do tu tập Tứ Thánh Đế hiện quán đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử gồm: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục và sân hận, nên thành tựu phẩm tính giải thoát của bậc Thánh A-na-hàm. Nghĩa là khi hành giả thành tựu phẩm chất của vị Thánh này, thì không còn trở lại trong cõi Dục giới nữa, mà lưu trú ở cõi trời Sắc giới, tiếp tục tu tập đoạn trừ sắc ái và vô sắc ái để tiến tới địa vị giải thoát sinh tử của vị A-la-hán.

Thánh giả A-na-hàm, tuy đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử thuộc Dục giới, nhưng trong tâm thức của họ vẫn còn những chất liệu của sắc ái và vô sắc ái, họ vẫn chưa vượt thoát khỏi sinh tử của hai thế giới này, nên Ngài Tu-bồ-đề nói: “Bạch Đức Thế Tôn! A-na-hàm có nghĩa là không còn trở lại, nhưng thực ra không phải là không trở lại, nên gọi là A-na-hàm”.

Câu nói này của Ngài Tu-bồ-đề, theo bản tiếng Phạn ta có: “Na hi sa bhagavan kaścid dharmo yo’nāgāmitvam āpannaḥ / Tenocyate anāgāmīti //”.4

Nghĩa là: “Bạch Thế Tôn! Không có pháp gì đi mà không trở lại, nên gọi là A-na-hàm”.

Thánh giả A-na-hàm tu tập, tuy đã đi ra khỏi tâm thức Dục giới, nhưng vẫn đang còn bị trói ở trong nhân duyên của tâm thức Sắc giới và Vô sắc giới, nên việc Thánh giả A-na-hàm không còn trở lại là không còn trở lại với đời sống thuộc tâm thức Dục giới, nhưng vẫn còn trực diện và lại tiếp tục chuyển hóa với những hạt giống thuộc tâm thức Sắc giới và Vô sắc giới.

Nên, Ngài Tu-bồ-đề đã nói: “A-na-hàm có nghĩa là không còn trở lại, nhưng thực ra không phải là không trở lại”.

4. Thánh giả A-la-hán trong đôi mắt Kim Cang Bát-nhã:

“Hỡi Tu-bồ-đề! Thầy nghĩ như thế nào? Một vị A-la-hán có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc đạo A-la-hán5 không?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì thực ra không có pháp nào tên là A-la-hán.6

Bạch Thế Tôn! Nếu vị A-la-hán khởi lên ý niệm rằng: Ta đã đắc quả A-la-hán, là chính vị ấy còn mắc kẹt vào ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng.

Bạch Thế Tôn! Ngài nói trong những người đạt được Thiền định bất tranh,7 con là số một và con cũng là vị A-la-hán ly dục số một.

Bạch Thế Tôn! Con không nghĩ rằng, con là vị A-la-hán ly dục.

Bạch Thế Tôn! Nếu con còn nghĩ rằng, con đã đắc đạo A-la-hán, thì Ngài không nói Tu-bồ-đề là người thích hạnh an tịnh; vì Tu-bồ-đề không còn khởi lên tâm hành nào, nên Như Lai gọi con là người ưa sống trong hạnh an tịnh”8.

A-la-hán = 阿羅漢 là phiên âm từ chữ Arhat của Phạn ngữ. Hán dịch có ba nghĩa:

- Sát tặc: Nghĩa là vị Thánh này có khả năng giết sạch hết các loại giặc phiền não, sinh khởi do ngã chấp.

- Vô sanh: Trong đời sống của vị Thánh này các loại vô minh và phiền não thuộc về ngã chấp không còn sinh khởi trở lại ở trong tâm thức.

Nên, vị Thánh giả này tự tại đối với phân đoạn sinh tử.

- Ứng cúng: Do vị Thánh này có khả năng đoạn trừ các lậu hoặc đối với sinh tử trong ba cõi, nên đời sống của vị ấy, ví như mảnh ruộng phì nhiêu, xứng đáng cho chư Thiên và loài người kính lễ, phụng sự và gieo trồng phước đức vô lậu.

Các Thánh giả từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm, tuy đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử gồm: tham dục, sân nhuế, nghi ngờ, thân kiến thủ, giới cấm thủ, nhưng còn phải tiếp tục tu tập để đoạn trừ năm thượng phần kiết sử thuộc về Sắc giới và Vô sắc giới như: “Hữu ái, vô hữu ái, kiêu mạn, trạo cử và vô minh”.

Thánh giả do tu tập Thánh đế hiện quán, không những đã đoạn tận dục ái mà còn đoạn tận sắc ái và vô sắc ái, không những đoạn tận kiêu mạn mà còn đoạn tận ngã si, ngã mạn, ngã ái và vô minh ái nữa.

Do đoạn tận hết thảy những loại phiền não ấy, mà thành tựu phẩm chất của vị Thánh A-la-hán, sống an nhiên và tự tại giữa phân đoạn sinh tử.

Đức Thế Tôn hỏi Ngài Tu-bồ-đề rằng: “tat kiṃ manyase Subhūte api nu arhata evaṃ bhavati mayā arhattvaṃ prāptaṃ iti? Subhūtỉr āha. Nohīdaṃ bhagavan / nārhata evaṃ bhavati mayā arhattvaṃ prāptam iti / tat kasya hetoḥ? Na hi sa bhagavan kaścid dharmo yo’rhannāma / Tenoeyate – arhanniti / = Nầy Subhūti, Người nghĩ như thế nào? Một vị A-la-hán có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc đạo A-la-hán không?

Ngài Subhūti thưa: Dạ không. Không một vị A-la-hán nào nghĩ rằng, ta đắc quả A-la-hán. Bạch Thế Tôn, Vì sao? Vì thực ra không có pháp nào tên là A-la-hán cả. Nên, mới gọi là A-la-hán”.9

Tên gọi của các vị Thánh giả Thanh Văn nêu lên khác nhau, là do khả năng chuyển hóa phiền não và mức độ an tịnh sâu cạn của tâm, vì vậy mà không có pháp nào nhất định là pháp của Tư đà hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và ngay cả A-la-hán.

Tự tánh của tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, ta không thể gọi nó là gì và ta không thể diễn tả nó là gì trong ý niệm và ngôn ngữ quy ước.

Tánh ấy của tâm xưa nay vốn vậy, tại Thánh không tăng, tại phàm không giảm, càng Thiền quán sâu sắc, tâm càng an tịnh, thì tính ấy hiện ra một cách tự nhiên, nên đối với tính ấy, chẳng có gì là được, là không được; chẳng có gì là đạo, chẳng có gì là phi đạo; chẳng có gì là A-la-hán và chẳng có gì là phi A-la-hán, bởi vậy mà Ngài Tu-bồ-đề, bằng Tuệ giác Bát-nhã đã nói: “Không có pháp nào tên A-la-hán cả”.

Thực ra, A-la-hán là tên mượn để gọi một vị tu tập đã đạt tới tâm thức vắng lặng, không còn khởi lên và không còn bị ảnh hưởng bởi những ý niệm về ngã, và tên gọi ấy chỉ thích ứng cho vị nào, khi tâm thức của vị ấy không còn khởi lên bất cứ cái ý niệm nào về ngã.

Và trong quá trình thành tựu đời sống giải thoát và giác ngộ, phẩm tính A-la-hán không thể tồn tại cá biệt, mà nó tồn tại trong sự gắn liền với các phẩm tính giác ngộ như: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật - Thế Tôn. 

A-la-hán gắn liền với tất cả chất liệu của tâm Toàn Giác như thế, nên không có một tên gọi A-la-hán nào cá biệt. Nếu có một tên gọi A-la-hán nào cá biệt với tâm Toàn Giác, thì đó không phải là tên gọi A-la-hán đích thực.

Bởi vậy, Tôn giả Tu-bồ-đề đã trả lời với Đức Thế Tôn, khi được Ngài hỏi rằng:

“Này Tu-bồ-đề, người nghĩ như thế nào? Một vị A-la-hán có thể nghĩ rằng: Ta đã đắc đạo A-la-hán không?

Ngài Tu-bồ-đề, thưa không. Vì không có pháp nào tên là A-la-hán cả”.

Như vậy, các Thánh quả Thanh Văn đã được Tôn giả Tu-bồ-đề giải trình với Đức Thế Tôn bằng Tuệ giác Kim Cang Bát-nhã.

Với tuệ giác này, Tôn giả Tu-bồ-đề đã chặt đứt mọi lạm dụng ý niệm và danh ngôn, đưa ta đi thẳng vào tự tánh giác ngộ.

Đó là ý nghĩa Thánh quả Thanh văn trong con mắt của Tuệ giác Kim Cang.

 

                  T.T.H.


 1 Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, La Thập, tr. 749b26, Đại Chính 8.

2  Kinh đã dẫn.

3 Kinh đã dẫn.

4 Buddhist Sanskrit Texts - n 17, p.78

5 A La Hán Đạo = Arhattvaṃ ( Buddhist Sanskrit Texts-n17p78).

6 Tên A La Hán  = Arahannāma

7 Thiền định bất tranh = Hán: 無諍三昧 = Vô tránh tam muội. Phạn: Araṇāvihāriṇāma: Nghĩa là sống an tịnh không tranh chấp, sống với tâm an tịnh hoặc sống với cảnh giới an tịnh .

8 Kinh đã dẫn.

9 Buddhist Sanskrit Texts – n17p78. Bản La Thập đã lược, không dịch  Tenoeyate – arhanniti (tr. 749c - Đại Chính 8).

Nguồn: Tập san Nghiên cứu Phật học Phật giáo Thừa Thiên Huế

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập