Phần Phụ Lục: Những Vấn Đề Con Cái Của Chúng Ta.(*)

Đã đọc: 6911           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Lời Trần Tình:

Trong hoàn cảnh hiện nay của mọi gia đình, chắc nhiều bậc cha mẹ phải nhức đầu để đối phó với vấn đề con cái. Nguyên-Thảo cũng như bao nhiêu người khác, chúng ta hãy còn lúng túng về việc hướng dẫn con trong một môi trường xa lạ, khác hẳn với phong tục của mình.

Chính vì vậy những bài nầy được ra đời! Nguyên-Thảo cố gắng gom góp những cái mà mình được biết, cùng nhận xét riêng, hay đúc kết lại từ trong những cuộc đàm đạo với bạn bè. Biết rằng nó không phải là hoàn thiện; có nhiều sai sót; đồng thời chưa hẳn là những nhận xét chính chắn. Nhưng Nguyên-Thảo cố gắng trình bày như là những ý kiến đóng góp cùng với các bậc cha mẹ, hay trong Cộng đồng chúng ta để nhằm giải quyết được vấn đề một cách tốt hơn.

Nguyên-Thảo hi vọng các điều ấy sẽ đem lại một số ý kiến nào đó có thể hữu ích, giúp các phụ huynh hỗ trợ sự học tập, đời sống của con mình thêm tích cực.

Cuối cùng, Nguyên-Thảo xin cảm tạ đến Quý vị đã để ý đến tập tài liệu nầy và mong rằng mọi người chúng ta tìm được sự an vui và có kết quả khả quan hơn trong vấn đề "khó khăn đến bạc đầu".

Xin Thành kính!

 

 

Nguyên Thảo.

 

 

I-Các Giai Đoạn Trưởng Thành Của Con Cái Chúng Ta.

 

Vào một buổi sáng nọ, ngồi uống cà phê với bạn bè, chúng tôi lại đề cập về vấn đề con cái... Điều ấy, sau đó làm cho Nguyên Thảo suy nghĩ nhiều lắm! Thôi thì, với số vốn mình biết được bao nhiêu thì viết "đại" lên bấy nhiêu, dù không giúp được nhiều, nhưng ít ra cũng giúp được cho bạn hữu, hoặc những cặp vợ chồng trẻ có con còn nhỏ, có thêm một số ý kiến để chăm sóc con được tương đối tốt hơn trong hoàn cảnh lộn xộn của giới thanh, thiếu niên hiện nay nầy.

Một cặp vợ chồng khi đã quyết định có con mà được có con: Sự sung sướng đó giống như người nhạc sĩ, nhà viết văn hay họa sĩ sáng tác tạo được tác phẩm đầu tay. Ở đây, cả hai vợ chồng chung nhau tạo được các "tác phẩm" con cái. Nếu các sáng tác của người nghệ sĩ trong tương lai có được ngưỡng mộ, tán thưởng hoặc bị chê bai hay không là do nơi tài của người nghệ sĩ. Nhưng con cái của một cặp vợ chồng sẽ khó hơn nhiều, vì nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ngoài thiên tư của đứa trẻ: Cha mẹ chăm sóc có kỹ lưỡng hay không? Đứa trẻ có dễ dạy, biết nghe lời hay không? Và còn tùy vào hoàn cảnh gia đình, nhà trường, xã hội lẫn môi trường sống chung quanh nữa.

Sự giáo dục của cha mẹ đối với trẻ niên thiếu có thể tạm coi là chấm dứt khi đứa trẻ trưởng thành, bước được những bước sành sỏi để vào đời. Tuổi đó là bao nhiêu? Là 21 (tuổi được giao chìa khóa) hay là 24, 25? Điều ấy cũng khó xác định lắm! Theo ý của Nguyên Thảo, thiên tư của đứa trẻ bao giờ cũng là yếu tố chính: Đứa trẻ có ý, biết nhận xét thì lại càng chững chạc và trưởng thành sớm hơn.

Trước khi vào vấn đề, Nguyên Thảo xin xác định là chỉ muốn cống hiến và nêu lên một số suy nghĩ, ghi nhận riêng của mình về một vấn đề xã hội, phụ thêm vào những nhận xét riêng của bạn, hầu giúp bạn có phương cách tốt, hữu hiệu hơn để đối phó, cùng với cách giải quyết mà thôi. Ngoài ra, Nguyên Thảo không có tham vọng gì cả.

Tùy thuộc vào tâm lý, sinh lý của đứa trẻ (tức là phát triển về cơ thể, trí óc) mà ta có thể chia sự trưởng thành của trẻ con làm 3 giai đoạn. Sự phân chia nầy có thể tương ứng với cấp lớp học của trẻ trong nhà trường, vì chương trình học cũng dựa vào tâm, sinh lý để giáo dục cho chúng.

Giai đoạn 1: Từ lúc mới sanh cho đến 6 tuổi:

Trong năm đầu đứa trẻ chỉ sống theo bản năng bẩm sinh của con người: đòi bú, ăn, ngủ, rồi tập lật, trườn, bò, đứng chựng và đi. Tập nói bập bẹ. Đứa nào cứng cáp thì chưa đầy năm, trễ thì quá thôi nôi, hoặc năm rưởi, có khi hơn nữa.

Từ thôi nôi trở đi, thường thì đứa trẻ nói chuyện nhiều hơn, hồn nhiên sống với bản năng và chúng cũng tập, bắt chước theo lời nói, hành động mà chúng quan sát, lẫn sự chỉ dạy của cha mẹ, anh chị hoặc những người gần gũi với chúng. Trong giai đoạn nầy chúng giống như tờ giấy trắng, những người trong gia đình hoặc chung quanh sẽ ảnh hưởng đến chúng rất nhiều cùng với sự giáo dục ở nhà trường. Vui chơi là chính, học chỉ là phụ.

Giai đoạn 2: Từ lúc 7 tuổi đến tuổi dậy thì:

Nữ thập tam (13), nam thập lục (16). Nhưng ở trên xứ Tây trẻ con có thể dậy thì sớm hơn. Trong giai đoạn nầy, trẻ con bắt đầu có nhận thức, ghi vào trong óc những sự kiện vui buồn của cá nhân, gia đình, trường lớp; Những ấn tượng của xã hội, mặc dù chúng vẫn còn ham chơi, thích ngủ nhưng cũng bắt đầu biết tham gia vào hoạt động chung của gia đình (phụ giúp cha mẹ, anh chị), dự vào công việc tập thể (chơi thành nhóm, thành đám); sinh hoạt lớp, trường học. Ở thời kỳ nầy, đứa trẻ mới chỉ ghi nhận, có nhận thức, nhưng hãy chưa có những phản ứng hay sự phản kháng nào. Vì vậy, bậc làm cha mẹ cũng cần lưu ý về điểm nầy mà tránh đi những xung đột riêng tư trước mặt chúng nó, để chúng cảm thấy gia đình vẫn là mái ấm, là hạnh phúc. Sự âu yếm, dịu dàng, ngọt ngào, thân thiện, khen thưởng và lèo lái chúng vào con đường tốt rất là quan trọng; đồng thời cũng là "bước" để trách nhiệm của mình được nhẹ nhàng hơn trong giai đoạn kế tiếp.

Giai đoạn 3: Từ dậy thì cho đến tuổi trưởng thành.

Đây là giai đoạn quan trọng nhất của con người, trong thời kỳ nầy, cơ thể đứa trẻ bắt đầu phát triển, các tuyến sinh dục, tăng trưởng hoạt động và thúc đẩy sự phát triển cơ thể một cách toàn diện và trọn vẹn để biến một thiếu niên trở thành thanh niên tràn đầy nhựa sống. Do sự trổi dậy mạnh mẽ ấy của cơ thể, sức lực lẫn trí óc, nên tâm lý cũng biến đổi mạnh bạo. Bây giờ "chàng thanh niên" cảm thấy đủ khả năng để làm tất cả mọi việc, có thể biết được nhiều điều, cho nên "chàng" hăng hái tham gia vào các công việc xã hội, gia đình; tập quán xuyến, lãnh đạo. Và đứa con ngoan ngoãn, nghe lời trong các giai đoạn trước lúc nầy cũng có ý kiến, biện luận, tranh cãi, lắm lúc phản kháng nữa. Nếu ta không lưu tâm đến sự kiện nầy, có thể dễ dàng tạo sự xung đột giữa chúng ta cùng với con cái; và nếu chúng ta lở lớn tiếng rầy la, hoặc bắt ép chúng nghe theo, thì có thể sẽ bị phản kháng nhẹ nhàng, hoặc dữ dội tuỳ theo trường hợp; đôi khi có trường hợp mà cha mẹ không thể nhân nhượng được, có lẽ... chúng sẽ bỏ nhà ra đi!

Con gái trong giai đoạn nầy đã trở thành "thiếu nữ"; Nếu ở xã hội Việt nam, đa số lại quay vào trong nhà phụ giúp mẹ, lo nấu nướng, chăm sóc em, dọn dẹp nhà cửa, may vá... Thì ở xã hội nầy, chúng cũng lại quay ra ngoài, tham gia vào các cuộc vui (disco, party, tới nhà bạn nhiều). Điều ấy gây khó khăn cho bậc cha mẹ không ít. Riêng con trai bắt đầu thể hiện những nét, "chứng tật" của lứa tuổi "choai choai" ở mọi nơi trên thế giới: Ghẹo gái, phá phách, uống rượu, hút thuốc, đôi lúc còn đi xa hơn nữa và trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội. Nếu không có chuyện gì xảy ra, đây là giai đoạn đẹp nhất của con người: Là thời hoa bướm, thời của tình yêu trai gái; thời của những kỷ niệm khi còn son trẻ hay thời còn mài đủn quần trên ghế nhà trường. Nhưng nếu gặp bạn xấu, ham vui, thì thời kỳ nầy cũng là thời kỳ dễ sa ngã vào tệ nạn nhất.

Do đó để hướng dẫn con cái, chuẩn bị tốt cho chúng trong giai đoạn nầy thì cuối giai đoạn trước (giai đoạn 2) cha mẹ cố gắng hướng dẫn, chuẩn bị, phân tích cho chúng về ích lợi của sự học và học phải giỏi để đạt được tương lai tốt; biết chọn bạn để chơi, chơi những trò chơi lành mạnh: Thể thao, âm nhạc, bơi lội... Có như vậy, thì trong giai đoạn nầy mới hi vọng giảm thiểu được nhiều âu lo, và tránh được phần lớn các điều nguy hiểm có thể xảy đến với chúng.

Đối với Nguyên Thảo, trong cả hai giai đoạn, vai trò của người mẹ rất quan trọng. Vì sao như thế? Vì tâm tính của người đàn bà vốn mềm mỏng, dịu ngọt nên dễ thâm nhập vào đứa trẻ hơn. Còn người cha nóng nảy, mạnh bạo thường tạo ra phản ứng mạnh, và đưa đến điều không hay.

Trong giai đoạn trước, Nguyên Thảo có đề cập đến sự ghi nhận vào tâm tư, nhận thức của đứa trẻ đối với hoàn cảnh gia đình: Hạnh phúc hay không hạnh phúc, chúng được thương yêu hay bị ghét bỏ... Tất cả điều ấy trở thành "nhân" và sang giai đoạn 3 nầy trở thành "quả". Nếu chúng thấy gia đình hạnh phúc, chúng được thương yêu, được mọi người quan tâm, thì chúng không nỡ rời mái ấm gia đình; còn trái lại, thì chúng không thiết tha gì ở lại nhà, chúng sẽ ra ngoài với bạn bè và dễ sa ngã vào tệ nạn. Lúc ấy, chúng ta "rất khó" mà níu kéo chúng trở lại.

 Để kết luận, trong phần nầy Nguyên Thảo xin đóng góp với bạn một số nhận xét về tâm lý đứa trẻ, đồng thời cũng nêu lên một vài ý kiến đóng góp trong vấn đề dưỡng dục con cái. Tuy nhiên, Nguyên Thảo cũng xin lưu ý cùng bạn lần nữa, khi đứa trẻ bắt đầu vào lứa tuổi 16 đến 21: Đấy là lúc sự phán đoán và nhận xét của chúng vẫn còn non nớt, mà chúng lại ưa thích gia nhập vào các cuộc vui, cũng như bắt chước từ người khác nên rất dễ bị cám dỗ và sa ngã. Đối với con gái, vấn đề nầy có thể sớm hơn một hay vài năm.

 Làm bậc cha mẹ ở xứ mình đã có nhiều khó khăn; mà còn trên xứ người thì lắm lúc phải bạc đầu vì con. Đôi khi: Mình ráng tận sức, tận khả năng rồi mà định mệnh đã an bài thì "Ấy là số trời"! Tuy nhiên hãy "tận nhân lực" để "tri thiên mệnh" vậy!

 

2- Tiến Trình Con Cái Rời Xa Chúng Ta Như Thế Nào?

 

Trong phần nầy, Nguyên Thảo, với nhận xét riêng của mình, ghi nhận lại một số sự kiện đã khiến con cái của chúng ta rời xa chúng ta, gây cho chúng ta những khó khăn, lo âu, buồn phiền. Và Nguyên Thảo cũng hy vọng những điều nầy sẽ bổ túc các nhận xét, hoặc điều biết của bạn để giúp bạn có thể có phương cách tốt hơn trong việc hướng dẫn các con còn lại, tránh được những nguy hại đã xảy ra cho lớp anh chị của chúng.                                                

Nguyên Thảo không đề ra cách thức giải quyết nào cả, bạn cứ đọc rồi suy nghĩ trong mỗi giai đoạn: Bạn có thể làm gì để giúp cho con cái tránh được sự sa ngã, cám dỗ, hoặc hướng dẫn thế nào cho chúng khá hơn.

Có lẽ ai cũng phải công nhận rằng: Một đôi vợ chồng mà không có con thì nó buồn vô hạn, mà con đông quá thì lại vất vả vô cùng. Đôi khi con cái là "nguồn vui của cuộc sống", mà đôi lúc "phải thật nhức đầu"!

Dù gì con cái ở Việt nam vẫn dễ dạy hơn ở trong xã hội nầy. Vì sao? Nguyên Thảo ghi nhận được 3 yếu tố ngoài bản chất trời sinh của đứa trẻ: Từ gia đình, giáo dục đến xã hội.

1- Về gia đình: Trước hết ta phải chấp nhận lỗi lầm vì hoàn cảnh của chúng ta, chúng ta thiếu thì giờ để lưu ý và chăm sóc con cái... Đa số người tị nạn đến xứ người thường vớí đôi bàn tay trắng; Cho nên muốn tạo một cuộc sống ổn định, thì phải lo làm để kiếm tiền, do đó hai vợ chồng ráng cố gắng làm, có khi phải làm ngày làm đêm để chạy đua với tiền nhà, điện, nước, ga, điện thoại, mua sắm xe, tủ lạnh, máy giặt... Muốn ổn định cuộc sống càng nhanh thì phải cật lực làm càng nhiều, do vậy ta thiếu mất thì giờ để chăm sóc tới con cái; đôi lúc ta lại cần đứa lớn chăm sóc cho đứa nhỏ nữa.

Kế đến là vấn đề trở ngại về ngôn ngữ. Con cái ở đây, ngoại trừ những đứa khi rời Việt nam đã lớn, còn ngoài ra thì có lẽ tiếng Việt chúng lại không rành. Cho nên cha mẹ giảng giải thì chúng chỉ hiểu loáng thoáng, lơ tơ mơ, nghe để mà nghe chứ hiểu rành rẽ thì lại không, do đó sự giáo dục của ta không có ảnh hưởng mấy. Còn cha mẹ thì tiếng Anh lại không đủ hoặc không làu thông làm sao diển tả ý mình muốn cho con cái hiểu một vài vấn đề nào đó trong gia đình; hoăc khi muốn truyền đạt kinh nghiệm sống ngoài xã hội cho chúng thì thấy chúng có vẻ lơ là, hoặc là chúng thốt ra một vài câu vô tội vạ "Ba, mẹ nói nhiều quá". Nếu lúc đó ta không hiểu, ta rầy chúng, hoặc nói mạnh hơn, thì chúng nói ta "chửi" chúng, chúng sẽ vào phòng đóng cửa lại, còn lại "ta sẽ tức với ta".

Có nhiều bậc cha mẹ cũng muốn giúp đỡ cho con cái trong sự học, nhưng cái học của mình lúc xưa có khác phần nào với cái học bên nầy, cụ thể như: Phương pháp nhân, chia chẳng hạn... Giảng theo tiếng Việt thì con chẳng hiểu gì cả, còn giảng tiếng Anh thì không thể giảng được. Mà khổ nổi, tiếng Việt có quá nhiều từ ngữ Hán Việt, chưa chắc người lớn đã hiểu trọn, thì đối với trẻ nhỏ trên xứ tiếng Anh nầy lại càng mù tịt, rốt cuộc muốn giúp con mà chẳng giúp được gì, đành phải mướn thầy dạy hoặc để tự con lo.

2- Về giáo dục: Lúc xưa khi còn mài đủn quần trên ghế nhà trường, trong các bài học hoặc trong sách, Nguyên Thảo cứ ngỡ xứ Tây chắc có lẽ con người rất là lịch sự nào là dở nón chào, tay bắt mặt mừng... Nhưng khi đến đây mình mới vở lẽ: Không có cách chỉ thế nào là lịch sự, lễ phép cả; hay là những cái đó đã quá thời của nó rồi chăng? Cho nên con cái lần lần quên đi cách chào hỏi mang qua từ lúc còn ở Việt nam. Rồi "mum", "mummy" thay từ "mẹ"; "Dad", "daddy" thay từ "ba"; "You", "me" thay từ "Anh, chị, em" và chào hỏi khách thay bằng cái nhìn, hoặc là "phớt tỉnh Ăng-Lê". Khi Ba, mẹ nhắc nhở thì chúng làm lấy lệ.

Quả thật chương trình học chú trọng các môn chính: Toán, Lý, Hóa, còn các môn giống như Đức dục, Công dân ở Việt nam thì không có, kể cả môn để dạy cách lịch sự tối thiểu của con người cũng không, mà cứ để nó tự do phát triển theo kiểu Tây: Con vò đầu cha và nói "good boy". Đôi khi nhà trường có những bài học về tính tự lập của đứa bé 16 tuổi bỏ nhà ra đi... Thế là ta đã bị cách giáo dục của nhà trường đẩy con cái rời xa ta. Sự níu kéo của ta càng ngày càng mong manh. Cộng vào đó, con cái ta học ở trường gần suốt ngày: Từ 9 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều. Số giờ học so với ở Việt nam thì không nhiều hơn bao nhiêu, nhưng đủ cho con cái ta cảm thấy gia đình như là một chỗ nghỉ ngơi, ăn, ngủ. Và ngày học ấy cũng đủ làm cho chúng thấy mệt. Cho nên về đến nhà, thường thì chúng ngủ ngay. Sau đó thức dậy, tắm rửa, ăn uống và làm bài tập (homework) rồi ngủ đến khoảng 7, 8 giờ sáng thức dậy đi học tiếp. Từ thời khóa biểu đó tạo cho chúng một cái nếp: Uống nước đem ly vào phòng nhưng không dọn dẹp, đến lúc cha mẹ thấy không còn ly, thì vào phòng chúng gom ly đem rửa. Rồi từ lớp 11, 12 và khi chúng vào Đại học: Bài học nhiều, thi cử tới tấp; cha mẹ thấy chúng học cực quá, ráng làm việc nhà, dọn dẹp, giặt quần áo, quán xuyến cho chúng, để chúng có thì giờ học. Nhưng tưởng đến cuối tuần chúng sẽ phụ giúp, ai ngờ rằng chúng đã hẹn nhau đi chơi, đá banh, dự sinh nhật, tiệc tùng. Thì ra, chúng lại bận rộn hơn cha mẹ nhiều! Thế là bậc cha mẹ cứ mà lo làm công việc của mình vậy!

3- Về xã hội: Xã hội xứ Tây nầy phải nói nó có cái hay của nó, đôi lúc thấy cũng bật nực cười. Hàng xóm gặp nhau chào hỏi qua loa, hoặc nói chuyện đâu đâu rồi ai lo công việc nấy; Nó đở ồn ào, cãi cọ, nhiều chuyện... Nhưng lắm khi quả thật vô tình, khi ở gần có người bệnh hoạn hoặc chết cũng không ai hay biết. Ai làm gì mặc ai, tốt hay xấu không cần biết, không có sự đàm tiếu ngợi khen, khinh bỉ từ bên ngoài. Nên người làm xấu chẳng đem đến cho gia đình sự xấu hổ lớn lao nào, đứa chửi cha mắng mẹ cũng không bị nguyền rủa. Do đó trẻ con thích gì chúng cứ làm, cha mẹ nói mãi chẳng được, nên đành phú thác cho trời, cho số mệnh của nó và coi đó như là một nghiệp chướng, quả báo của mình chứ không dám nói mạnh, chửi hoặc đánh, chỉ sợ chúng bỏ nhà ra đi. Nếu chúng bỏ nhà ra đi lại được xã hội trợ cấp tiền nhiều hơn, nhưng vẫn không đủ cho cuộc sống riêng tư, vì vậy cha mẹ phải lo. Lo vì chúng có thể bị sa ngã vào hút sách, ma túy hay tội phạm, thì chỉ tội nghiệp tương lai của chúng mà thôi! Thời gian dành cho gia đình thì rất là ít, chúng dành thì giờ cho bạn bè nhiều hơn, ngoài giờ học tập. Sợ nhất là chiều thứ sáu, hoặc cuối tuần, chúng rủ nhau đến khu ăn chơi (downtown) nhảy Disco. Lứa tuổi choai choai ở đâu cũng vậy, đều mang một đặc điểm chung: Quậy phá, tập làm người lớn, ghẹo gái, uống rượu, hút thuốc. Nếu gặp bạn không tốt sẽ bị lôi cuốn dễ dàng. Từ Disco sẽ qua thử uống chút rượu, "vui" rồi sẽ uống khá hơn, "xỉn" rồi thì đi thử tới động điếm để tập làm đàn ông, người lớn. "Hút thuốc không đả đâu, cần sa, bạch phiến mới đúng điệu"; "Hút hít chưa phê, chích mới phê". Thế là qua sự thách đố, dụ dỗ, lôi cuốn đó cuộc đời chúng lần lần đi sát vào "nấm mồ", vào "nghĩa địa"; còn cha mẹ thì càng ngày càng gầy héo vì thương và đau khổ bởi đứa con.

Thế vậy mà đoạn đường ấy có dứt đâu, hãy còn tiếp tục: Nếu trợ cấp xã hội không đủ thì chúng sẽ chôm chỉa của nhà, của người đem bán để thỏa mãn nhu cầu. Không đủ, thì có thể vào Casino, máy kéo, cờ bạc để cầu mong vận may, hoặc lọt vào tổ chức buôn bán, phân phối ma túy để kiếm tiền, đồng thời cung ứng nhu cầu của chúng. Khi đã lọt vào thì khó mà ra; ra tổ chức thì sợ sẽ bị thanh toán, đành phải trốn chui, trốn nhủi hoặc cao bay xa chạy. Còn bán thì cứ lựa bạn bè hoặc người quen. Thế là vô tình chúng lại phá hoại chính bản thân, gia đình chúng, xã hội và cả một cộng đồng sắc tộc của ta.

Để kết luận phần nầy, Nguyên Thảo chỉ mong với ghi nhận của mình được bạn lưu ý, phân tích, phối hợp với nhận xét của bạn, của bạn bè, để tạo nên một phong trào chấn chỉnh, tìm phương cách cứu vãn, hầu giúp cho cha mẹ từng gia đình đở phải lo, và con cái có một hướng đi vững chắc tìm đến cho tương lai vinh quang cho chính chúng nó, đồng thời giúp cho cộng đồng, sắc dân của ta tránh được những điều không hay.

 

 

3- Đi Tìm Nguyên Nhân Của Sự Khó Khăn Trong Việc Dạy Con Ở Xứ Người:

 

Chúng ta là những người đầu tiên ồ ạt ra xứ người và chọn nơi trú ngụ hiện tại làm quê hương thứ hai. Phần lớn là xã hội Tây phương, cho nên sự khó khăn bước đầu lại gặp càng nhiều khó khăn hơn. Có những người ở xứ nhà làm nghề rất vững chãi, dầy kinh nghiệm, nhưng khi đến xứ người phải chọn nghề khác. Có nhiều vị là Bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay nói chung đều thuộc thành phần ưu tú của đất nước cũng phải bó tay vì ngôn ngữ; do vậy cái khả năng, cái mảnh bằng sẵn có không thể lấy (thi) lại được và đành chuyển sang nghề mới.

Vấn đề ngôn ngữ, nghề nghiệp, cách sinh hoạt, láng giềng "gần như khác hẳn", chúng ta phải lần mò, dìu dắt nhau để thích ứng với hoàn cảnh mới. Song song vào đó, phải chạy đua với các hóa đơn tính tiền: Nào thuế đường, bảo hiểm xe cộ, ga, điện, nước, điện thoại, hội đồng địa phương, tiền nhà... khiến ta thiếu thì giờ để nghỉ ngơi. Nhưng vấn đề con cái lại là vấn đề quan trọng và âm ỉ hơn cả làm bậc cha mẹ thật nhức đầu; đôi lúc thái độ chán nãn, buông xuôi được hiện rõ ra ngoài cuộc sống.

Nguyên Thảo lần nầy muốn cùng bạn cố truy tìm nguyên nhân xem vì sao mà ta không thể thành công trong vấn đề dạy con của chúng ta (tuy nhiên, cũng có không ít gia đình có con đông, nhưng họ dạy, hướng dẫn con có kết quả rất là mỹ mãn. Sự việc đó, có lẽ, ta phải nhờ các bậc cha mẹ ấy góp ý, giúp hộ kinh nghiệm để ta có thể dễ dàng tìm được phương cách tổng quát mà dạy con).

Ở trên, Nguyên Thảo đã xài đến nhóm từ ngữ "gần như khác hẳn" gần như là quá đáng với cái nghĩa của nó, nhưng suy đi nghĩ lại thì không thay được từ nào đúng, chính xác hơn. Đó là điều nghịch lý. Và trong vấn đề dạy con ở xã hội nầy, chúng ta cũng gặp phải 5 điều nghịch lý:

Nghịch lý 1: Về cá nhân: Nếu cha mẹ ở Việt nam "là cha, là mẹ" có quyền dạy con, rầy con, thậm chí có khi còn chửi mắng, đánh đập con nữa. Cái cách "thương cho roi cho vọt" đã trở thành cái nếp rất lâu dài trong xã hội và giáo dục nước ta, đến nay vẫn hãy còn tồn tại. Người con chỉ biết vâng lời hoặc làm theo lời cha, như vậy mới gọi là có hiếu.

Nhưng trong xã hội Tây phương, thì lại không quan niệm như vậy. Người cha hay mẹ cũng như con đều là con người, chỉ khác nhau lớn nhỏ, cha con mà thôi. Ai cũng có quyền của con người; người nào cũng có tự do cá nhân riêng. Hành xử áp chế, đánh đập, chửi mắng là phạm pháp. Đứa con có thể nhờ cảnh sát bảo vệ mình, người cha hay mẹ phải bị câu lưu. Điều ấy làm cho cha mẹ cảm thấy khó khăn trong việc dạy con; đứa con hiểu được như vậy, lại càng an tâm mà bướng bỉnh. Nếu người cha (mẹ) nóng tánh la lối, rầy mắng thì chúng lại bỏ nhà ra đi.

Nghịch lý 2: Về gia đình: Những điều hiếu để, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ hay là đi thưa về trình dần dần xa rời nề nếp xưa cũ mà được thay thế bằng "hello", với những cái nhìn thay chào hỏi; công việc của cha mẹ thì cha mẹ cứ làm; con thì đã có hẹn "party", đá banh, đi chơi với bạn. "You", "me" gọn gàng hơn là anh, chị hay em, thì cách đối xử giữa anh, chị, em cũng có khác đi theo ngôn từ xử dụng: Em không cần nghe lời anh chị nữa, anh chị cũng không thể nói tới việc của em làm. Con càng lớn lên thì cái cảnh gia đình càng rời rạc hơn: em là em, anh là anh, chị là chị, chỉ còn vợ vớí chồng, cha với mẹ. Nếu vì lý do nào đó vợ là vợ, chồng là chồng, thì quả thực giống như cái nhà ở bên nây vậy: Mỗi người là một căn phòng có vách tường ngăn cách hẳn hoi.

Nghịch lý 3: Về giáo dục: Ở Việt nam, chương trình dạy học giúp trẻ con về kiến thức tổng quát các bộ môn: Khoa học, văn chương, sử điạ, cả công dân và đức dục. Giáo dục hổ trợ cho gia đình, đồng thời chuẩn bị tốt cho đứa trẻ gia nhập vào xã hội, quốc gia; biết bổn phận đối với Tổ quốc. Nhưng trên xứ nầy thì có lẽ: Có được mấy đứa học trò thuộc bài quốc ca; có mấy em hiểu được lịch sử và địa lý của đất nước mình. Văn chương thì lại còn xa vời hơn nữa. Tuy nhiên chúng rất rành về khoa học, máy vi tính; về liên hệ nam nữ; nhất là tuổi nào được rời khỏi nhà và những nơi nào sẽ bảo vệ chúng

Nghịch lý 4: Về xã hội: Mỗi con người ở đây có được đầy đủ quyền tự do cá nhân: Ăn nói, hội họp, làm việc, hoạt động... miễn là không phạm pháp. Không ai có quyền xâm phạm vào chuyện riêng tư của người khác, do đó xã hội bên ngoài thấy có vẻ nhộn nhịp, ồn ào, người nào cũng vội vàng, ai làm công việc nấy. Về nhà thì nhà ai nấy ở, láng giềng gặp nhau thì "say hello", cùng lắm là vài ba câu thời tiết hoặc chuyện đâu đâu rồi thôi. Không có vấn đề đàm tiếu, thiên hạ dị nghị, luận bàn: "Nhà nầy có mấy đứa con học giỏi", "thằng con nhà đó đi bán cần sa, bạch phiến bị bắt" hay "thằng đó có tiền án ăn trộm". Cho nên xã hội dửng dưng với tội ác mà cũng chẳng thúc đẩy những việc tốt được phát triển hơn lên.

Nghịch lý 5: Về tài chánh: Nếu ở Việt nam, cha hay cha lẫn mẹ cố gắng làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình, dự trữ phòng khi thiếu hụt, bệnh hoạn và chi xuất nuôi con cái, cho tiền con cái từ cái ăn mặc cho đến sách vở đi học hoặc tiêu xài. Chính vì điều đó đứa con mới thấy sự cần thiết của đồng tiền, biết nhìn vào sự vất vả của cha mẹ, và đồng thời mới có được ý thức "giúp cha mẹ là một bổn phận". Còn trên xứ nầy chúng lại được cấp tiền để đi học, sống chung ở nhà thì hưởng ít, ra ngoài được nhiều thêm. Điều ấy khiến đứa trẻ thấy mình không bị lệ thuộc vào cha mẹ và khinh lờn nếp sống gia đình. Nếu cha mẹ ép buộc chúng nó học, hoặc bắt chúng làm những điều "mình đã định hướng tương lai cho chúng" mà chúng không thích, thì tạo nên xung đột. Nếu cha mẹ không hiểu rầy la, lớn tiếng thì chúng đều có một ýnghĩ duy nhất là "ta chửi chúng nó". Cái khổ của cha mẹ là con mình không phân biệt được thế nào là dạy dổ, góp ý, rầy la, mắng chửi. Nếu ta nói với chúng có vẻ lớn tiếng, giọng hơi nặng nề, tất cả đều đồng nghĩa là "chửi". Thế là chúng cãi, hoặc vào phòng đóng cửa lại, hoặc là bỏ đi. Nếu ta dằn lòng không được ta chửi, đánh đập thì chúng lại bỏ nhà ra đi, đưa đến cái "khổ cho chúng mà cũng khổ cho ta".

Qua các điều nghịch lý từ cá nhân cho đến xã hội, tài chánh như vậy; có lẽ bạn cũng có thể mường tượng được vấn đề khó khăn để dạy con của chúng ta... Ta đã bị "bao vây toàn bộ", cho nên ta chỉ còn một cách duy nhất: Là xét lại mình để tìm một con đường khác ổn thoả hơn.

Trước hết, ta nhìn vào người địa phương để xem họ dạy con như thế nào? Và sau nữa, ta nương vào đó để phối hợp với những nét cũ của ta tạo thành cách mới, thì mới có thể hy vọng đạt được kết quả tốt hơn.

Nói đến người Tây phương dạy dỗ con cái, thì thú thực Nguyên Thảo cũng không hiểu nhiều và rành rẽ lắm. Lúc xưa, nghe người ta nói Ông Jean Jacques Rousseau viết ra phương pháp giáo dục để cho người khác dạy con, dạy học trò, nhưng chính con mình phải đưa vào trường nội trú. Phương pháp ấy được giáo sinh (học sinh trường sư phạm) ở Việt nam học tập. Nhưng khi đến xứ Úc nầy, có nhiều bạn than phiền "nhà trường dạy cái gì mà con cái ít thấy chúng nó học, vô trường chơi nhiều hơn là học". Trong giờ ra chơi, học sinh muốn leo trèo, làm gì thì làm, giáo viên cũng không nói. Nếu có em nào té gãy tay, thì kêu xe cứu thương đến chở tới nhà thương... Lúc ấy vì chân ướt chân ráo mới đến xứ người, nên Nguyên Thảo chỉ nghe, mà không có ý kiến tìm hiểu với bạn xem: Vì sao? Rồi thời gian sau bận đi đây, đi đó kiếm việc, kiếm tiền. Đến khi vợ con qua thì mới trụ lại một nơi. Con đi học, vợ chồng phải đi làm. Đôi khi làm phải cật lực hơn nữa mới có tiền mua sắm, ổn định đời sống và trang trải các chi phí quá nhiều. Lúc ấy, dù bận rộn thế nào Nguyên Thảo cũng phải lưu ý chút ít về sự học của con. À thì ra! Người bạn trước kia phàn nàn không phải là sai. Từ lúc nhà trẻ, mẫu giáo, đứa trẻ được cho chơi, vẽ hình, tô màu, làm thủ công, vừa chơi vừa học chữ, học nói, học viết. Sang Tiểu học (lớp 1 đến lớp 7) học càng ngày càng nhiều hơn chút ít, nhưng về nhà cũng ít khi chúng phải làm bài tập nhiều. Mãi khi chúng sang Trung học (lớp 8) thì chúng học "khá" hơn chút nữa, bài tập ở nhà có vẻ bận rộn. Đến lớp 10 mới thấy chúng học nghiêm chỉnh. Rồi lớp 11, 12 bù đầu với bài tập ờ nhà (homework) và chuẩn bị thi. Chương trình học thì thấy như thế đó, nhưng với kỹ luật nhà trường lại chắc không gò bó gì lắm. Ở đây thấy chỉ có khen, chứ chê trách hay hình phạt, kỹ luật chẳng có mấy khi...

Còn nhìn về chung quanh thì thấy người Tây phương không gò bó, ép buộc con cái gì cả: Nó phá thì kêu nó đừng phá, nó tới chỗ nguy hiểm thì kêu nó đừng tới, thế thôi! Con cái thích làm gì thì làm, rất là thoải mái, cha mẹ thỉnh thoảng chỉ trông chừng, chứ không phải cho con "được làm cái nầy, không được làm cái kia; chơi ở đây chứ không được tới đó, không nghe thì bị đòn". Điều ấy rất hiếm xảy ra.

Suy rộng ra, có lẽ họ để con họ tự do phát triển về năng khiếu, trí óc, sở thích của chúng, họ chỉ trông chừng và tạo các điều kiện giúp chúng mà thôi.

Trong các điều kiện giáo dục của nhà trường, con cái ta tiếp xúc trực tiếp với môi trường, xã hội chung quanh như vậy, khiến ta không thể hành xử theo lối cũ của ta được, cho nên:

1- Ta hãy xóa tất cả những gì ta kỳ vọng, muốn áp đặt vào đứa con, bắt nó phải học như thế nầy, giỏi như thế kia để đạt tới ngôi vị mà ta muốn nó đạt tới.

2- Hãy tập cho ta một sự bình tỉnh, nhẫn nại, từ tốn để mềm mỏng mà ứng phó.

3- Dằn xuống mọi cơn nóng giận. Khi nóng giận, ta "đừng nên nói, đừng đổ trút nó lên con cái".

4- Ta luôn nhớ là ta giống như một người bạn của con mình, chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, hương dẫn chứ không là một người bắt buộc, la rầy.

 Có 2 ví dụ điển hình mà bạn có thể hình dung được tình trạng liên kết với vấn đề dạy con:

a/- Khi ta lái xe từ trong đường nhỏ đến ngã ba và "give way" để ra đường lớn. Ta muốn băng qua đường để quẹo về phía bên kia, nhưng đường lớn xe đông quá, ta cứ kiên nhẫn đợi chờ...đến lúc an toàn mới qua, không thể qua ẩu, không khéo thì xảy ra tai nạn. Sự kiên nhẫn đó giống như sự kiên nhẫn của ta đối với việc dạy con vậy.

b/- Ta trồng một cây dưa, cần quấn lên dây, nhưng gì quá bận rộn, ta để cây dưa ngã cúp xuống, ngọn lại cong lên. Khi quấn ta cũng không thể nóng nước hay mạnh bạo được. Nếu không sẽ bị gãy. Do đó hôm nay ta quấn một chút, ngày mai ngọn khá thẳng lên, thì ta quấn thêm một chút, dần dần nó sẽ trở lại bình thường. Và khi quấn ta phải nhẹ nhàng, dịu dàng chìu theo hướng nó đi.

5- Ta hãy dẹp bỏ tất cả những kỳ vọng, áp đặt của ta trước kia vào đứa con, mà bây giờ, ta tự coi như là bạn của nó, chỉ giúp đỡ nó, an ủi nó, khuyến khích nó: Con học có khó không? Con có cần cái gì không? Con có đủ tiền mua không?

6- Ta hãy theo dõi sự tiến triển của chúng nó về môn học, hay sự học tập để hướng dẫn chúng trở lại cái điều mà ta đã kỳ vọng cho chúng: Kỳ nầy con học tiến bộ rất nhiều! Ba thấy con có khiếu về sinh vật, cơ thể học. Con có thích ngành y không?  Ba thấy con có vẻ hợp nghề y và có khiếu nữa. Vậy thì ráng học đi con để đủ khả năng vào ngành đó; mai sau, ra kiếm việc dễ mà được nhiều tiền, lúc đó tha hồ "mà" đi chơi...

7- Tuyệt đối ta không thể dùng quyền cha mẹ áp đặt lên con cái theo kiểu ở Việt nam được. 

Sở dĩ Nguyên Thảo nhắc lại điều nầy, vì điều nầy đã quá quen thuộc với chúng ta từ lúc nhỏ đến lớn, nên có thể một khi nào đó, ta sử dụng nó một cách vô ý, sẽ gây ra khó khăn lớn ngay, tức là bắt chúng làm cái nầy, không được cãi, cãi thì chửi, chửi không nghe thì đánh. Lúc ấy chúng bỏ nhà ra đi: Sự việc đã xảy ra rồi, ta không thể níu kéo lại được.

8- Dạy con ở đây không thể nôn nóng, nóng nước, phải tìm lời khéo léo, lúc ngôn ngữ của mình được ôn hòa, nhã nhặn, dịu ngọt mới "có tác dụng".

9- Nếu trường hợp người cha đã quá căng thẳng với đứa con, phương pháp tốt nhất là người cha "đừng nên nói gì nữa cả", cứ phớt lờ coi như là không có, ngay cả "như là không có đứa con đó" (để đánh lừa tâm lý cho sự buồn bực, và an ủi cho chính mình). Muốn nói gì đều qua người mẹ của nó là tốt nhất.

Người mẹ với bản tính mềm mỏng, ngọt dịu của một người đàn bà cũng cần thiết vuốt ve con, nhưng cũng biết vừa khuyên nhủ con, vừa phân tích để lôi kéo con trở lại gần với người cha (người mẹ là gạch nối, là người hòa giải, giữa đứa con và người cha).

10- Giúp con có điều kiện tổ chức BBQ, party với bạn nhân ngày sinh nhật, ngày vui của nó để tỏ ra mình quan tâm và chăm sóc tới nó.

11- Tổ chức các buổi BBQ cho gia đình, họ hàng gom mặt lại vui vẻ với nhau cho có vẻ một đại gia đình ấm cúng, gây ấn tượng tốt cho trẻ (tổ chức ở nhà hay pinic ở những nơi du lịch, công viên) cũng là một cách giáo dục hay.

Tóm lại, qua những vòng vo, tìm hiểu vấn đề mới và quan niệm xưa cũ của ta trong vấn đề dạy con cùng trở ngại của nó, Nguyên Thảo đúc kết qua cái nhìn riêng của mình vào một số vấn đề, hi vọng nó sẽ bổ túc "Ước muốn dạy con được dễ dàng hơn" của bạn, hầu giúp bạn có được một phương thức hữu hiệu và thành công.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập