Môn sử và Sử luận

Đã đọc: 3591           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sử không chỉ thuần dữ kiện mà đi vào cùng với văn – triết để luận bàn đạo lý dân tộc, từ chính nghĩa đến giá trị nhân văn.

Trước tiên xin liên hệ đến câu “Tiên học lễ, hậu học văn” để nhìn nhận mối tương quan giữa dạy và học cho cả thầy và trò.

Chữ lễ có nội hàm rộng, nhưng nói cụ thể như Khổng Tử là “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (nén mình theo lễ – là – làm người). Nén mình theo lễ cũng là tuân thủ các quy tắc giáo giới. Cho nên lễ giáo cũng chính là uy nghi phép tắc cho cả thầy và trò. Nén hay khắc kỷ chính là hạn chế những luông tuồng, tuỳ tiện…

Hậu học văn. Khái niệm “văn” ở đây bao hàm nghĩa rộng của tư duy lý luận và hình tượng, được đặt trong quan hệ tư tưởng văn – triết hay văn – sử – triết bất phân.

Cho nên văn (hình thức) được đặt trong mối tương quan với chất (nội dung), để chuyên chở đạo (văn dĩ tải đạo) để dõi theo đạo (văn dĩ quán đạo) và để làm sáng đạo (văn dĩ minh đạo).

Đầu thế kỷ 20, sự đứt gãy văn hoá, tư tưởng vô hình chung tách biệt giữa hai hình thức tiếp nối cổ trung đại và cận hiện đại khiến cho văn – sử – triết được nhìn nhận một cách lỏng lẻo, hời hợt.

Trong khi chưa hiểu tường tận khẩu ngữ kia để định hình triết lý giáo dục thì các dữ kiện lịch sử thuẩn về số liệu học không chuyển tại được giá trị sống hay hơi thở thời đại ở cả vẽ đẹp hình tượng thẩm mỷ lẫn nội dung triết lý sâu xa, cũng như đạo lý làm người.

Xin dẫn một ví dụ:

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), Nguyên soái Toa Đô của địch bị quân ta chặt đầu ở Tây Kết. Khi thủ cấp được dâng lên, vua Trần Nhân Tông thương hại nói “người làm tôi phải nên như thế này. Rồi cởi áo đắp cho, sai quân đem liệm chôn”.

Hành động của vua được sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm”.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến tranh. Dù dựng nước hay giữ nước cũng liên hệ mật thiết đến chiến tranh và tinh thần khẳng định độc lập chủ quyền. Dù có vay mượn tư tưởng triết lý từ Ấn, Hoa hay phương Tây cũng nhằm khẳng định những giá trị trên.

Cho nên mỗi một cột mốc lịch sử từ thay đổi triều đại cho đến chuẩn bị chiến tranh đều thể hiện những nguyên tắc đối kháng, tiếp biến văn hoá và văn minh nhất định.

Sử không chỉ thuần dữ kiện mà đi vào cùng với văn – triết để luận bàn đạo lý dân tộc, từ chính nghĩa đến giá trị nhân văn.

Đọc sử sách xưa là để luận bàn tính đúng sai, tốt xấu, khen chê của thời đại. Dù chủ quan khách quan đến mấy cũng không xa rời đạo lý dân tộc và đạo lý làm người,

Chính vì lẽ đó văn – sử – triết không thể tách rời. Bất kỳ một dữ kiện hành xử nào của vua chúa, chính sách đều được bàn luận trên nền tảng minh triết và đạo lý ấy.

Lịch sử dân tộc và lịch sử thời đại dù được viết bằng cảm quan triết lý tư tưởng nào cũng có sợi chỉ đỏ đạo lý dẫn dắt. Dựng nước thế nào, giữ nước ra sao, sự tiếp nối ấy là triết lý chú không chỉ dừng lại quy mô thời đại hay cường độ chiến tranh.

Dù có là Đinh – Lê – Lý – Trần – Hồ – Lê (Trịnh), Nguyễn – Hồ tồn tại ngắn dài ra sao cũng không phải để độc tôn triết lý tư tưởng phủ nhận các giá trị thời đại khác. Lịch sử cho thấy thời đại nào độc tôn, bất khoan dung tư tưởng thì thời đại đó hỗn loạn, xem nhẹ các giá trị nhân đạo nhân văn, dẫn tới suy vi, tha hoá đạo lý…

Nếu học sử dạy sử chỉ để chuyển tải các dữ kiện chiến tranh, thì nó chỉ khơi dậy lòng căm thù giai cấp, và độc quyền tư tưởng.

Học sử để luận sử, luận sử để sáng tỏ văn triết. Một học sinh có quyền đặt câu hỏi, nếu chúng ta không đánh giặc cho chủ nghĩa cộng sản, thì dân tộc ta có tránh được một cuộc chiến tốn nhiều xương máu như vậy không?

Có thể có nhiều câu trả lời không thỏa mãn hết các điều kiện chủ quan khách quan, nhưng không thể phủ nhận câu hỏi có tính suy tư kia. Vì dẫu gì học sinh cũng là chủ nhân tương lai của đất nước, họ có quyền dẫn dắt dân tộc bước đi và tiến lên theo cách nào, không cho phép tư duy dừng lại ở một dữ kiện được nhào nặn và đúc khuôn.

Nếu lịch sử chỉ là lịch sử độc tôn của một thời đại, triều đại thì nó sẽ không đáp ứng được nhận thức và tư duy xuyên suốt của cội nguồn lịch sử dân tộc.

Học sinh không thích học sử vì các em bị quá tải bởi các dữ kiện ngày tháng năm và con số thống kê dày đặc từ 1930 đến nay.

Hoàn toàn có thể gói gọn:

Đâu là bản chất của các cuộc khời nghĩa nông dân? Vì sao công nông phải liên minh? Sự ra đời và chỉ đạo của Đảng cộng sản trong mối tương quan với các đảng phái khác. Vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong chiến tranh nhân dân. Các cuộc kháng khiến (chống Nhật, Pháp, Mỹ) làm thay đổi cục diện chiến tranh tại Việt Nam. Ý nghĩa và giá trị thống nhất đất nước sau chia cắt. Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam cho chúng ta nhận thức gì. Sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản, bài học nào cho Việt Nam. Những chính sách sai lầm của Đảng và sự điều chỉnh…

Thử hình dung, nếu các thời đại sau dạy sử về thời đại này, họ sẽ rút thêm các dữ kiện chính nào.

Học sinh hiện nay có trình độ ngoại ngữ, lại tiếp cận nhiều thông tin mở, các tài liệu và hồ sơ chiến tranh từ các phía, hoàn toàn có thể cho các em tìm đọc, phân tích, thuyết trình và tranh luận.

Môn sử không chỉ là môn để giáo viên giảng dạy theo giáo án có sẵn mà cần phải cho phép học sinh luận sử theo tư duy và nhận thức đa chiều.

-------
Nguồn: https://www.bodhimedia.org

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập