Thực chất nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay và một vài những suy nghĩ cá nhân

Đã đọc: 3877           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Với riêng Phật giáo, 30 năm qua, kể từ ngày thống nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Giáo Dục Tăng Ni (GDTN) luôn được coi là Phật sự trọng đại trong mọi hoạt động của Giáo hội trước đà tiến triển và xu hướng hội nhập của đất nước.

Ở bất cứ quốc gia nào, giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) cũng luôn được coi là vấn đề then chốt và là “quốc sách hàng đầu”. Vai trò của GD & ĐT trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội là điều không thể phủ nhận. Trong xu thế hội nhập, đòn bẩy giúp cho nhiều quốc gia có những bước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc chính là ở GD & ĐT. Thấy rõ vai trò và tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, nhà nước ta đã xây dựng định hướng phát triển GD & ĐT, coi đây là lĩnh vực then chốt, tạo điều kiện cho GD & ĐT thực hiện sứ mệnh đi trước, đón đầu.

Và với riêng Phật giáo, 30 năm qua, kể từ ngày thống nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban Giáo Dục Tăng Ni (GDTN) luôn được coi là Phật sự trọng đại trong mọi hoạt động của Giáo hội trước đà tiến triển và xu hướng hội nhập của đất nước. Với mong muốn phát triển được sự nghiệp giáo dục đưa Phật giáo xứng tầm với vị thế của mình, đã từ lâu vẫn là niềm thao thức chung của nhiều bậc mô phạm giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội để làm thế nào có những định hướng của ban cho vấn đề giáo dục Phật giáo trong thời đại mới. Với niềm thao thức đó, nhân hội thảo toàn quốc về giáo dục Phật giáo, ban GDTN THPG Vĩnh Long chúng tôi xin được nêu lên một số suy nghĩ cá nhân mong góp vào niềm thao thức chung của Chư tôn đức về giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay.

1. CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Hiện nay, Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đã định hướng và hỗ trợ phát triển giáo dục Phật giáo cho hàng chục ngàn Tăng Ni sinh tại 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học và gần 100 lớp Sơ cấp Phật học trên toàn quốc. Sự định hướng và phát triển là vậy, song quá trình thực thi cho đến thời điểm này lại có rất nhiều bất cấp.

Thứ nhất, hiện nay cả nước chưa hề có một văn bản hay thông báo cụ thể về việc soạn thảo chương trình chính thức thống nhất cho các trường. Ví dụ ở Trường Trung cấp Phật học ở tỉnh A thì giáo án dạy và học tùy theo sự sắp xếp của Ban giám hiệu trường A; ngược lại, trường B thì theo Ban giám hiệu trường B; mỗi trường đều khác nhau.

Thứ hai là đặt nặng việc học quá nhiều môn trong một năm như vậy khiến cho việc dạy và học của thầy trò đều không đạt hiệu quả cao theo mong muốn. Giáo sư thì phải kiêm nhiệm nhiều môn dạy còn học trò thì chỉ có sự hiểu biết rộng mà chưa có chuyên sâu.

Thứ ba, trình độ sư phạm của giáo sư đủ để dạy các môn không thì lại chưa được quan tâm đúng mực.

Do đó, điều mong mỏi là mỗi năm ban GDTNTW  nên có những chuyến thăm đến các trường Phật học các tỉnh thành để lắng nghe những ưu tư và chia sẻ kinh nghiệm hoặc có thể tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo sư phụ trách các môn dạy nhằm cung cấp cho họ một số những lý giải chánh pháp nhất quán để không bị vướng vào quan điểm cá nhân sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong tư tưởng  của người học. Đồng thời làm sao cho các trường đều có một chương trình và giáo án chuẩn từ trên xuống, chứ đừng bao giờ quá chủ quan về chương trình của riêng bản trường mình, để giúp cho các Tăng Ni muốn học lên sẽ không phải bỡ ngỡ vì kiến thức không đồng nhất. Có như vậy chúng ta mới có một nền giáo dục hiện đại đáp ứng được sự tiến hóa chung của nền giáo dục quốc gia.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy suốt chiều dài lịch sử 4000 năm văn hiến của đất nước, trong đó hơn 2000 năm Phật giáo đã gắn liền với dân tộc và làm chất keo sơn bất khả phân ly. Vì bởi đạo Phật luôn lấy co n người làm trung tâm giáo dục nhằm mục đích chuyển hóa con người từ bờ mê đến bến giác. Trên tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác” đạo Phật không xa lìa cuộc đời, không tách khỏi cuộc đời, "Ðạo" và "Ðời" là một nhất thể, đạo vốn là đời được giác ngộ giải thoát khỏi các lậu hoặc phiền não, đem đến đời sống hạnh phúc chân thực cho con người, đoạn trừ mọi nỗi khổ niềm đau trong kiếp sống. Và trong suốt gần 50 năm tận tụy, đức Thế Tôn với chức năng của một vị Đạo sư giáo hóa liên tục không ngừng nghỉ bằng trí tuệ hoàn toàn sáng suốt, việc làm thánh thiện và phương pháp giảng dạy thật gần gũi thân thiết, đã đem lại sự an lạc hạnh phúc cho biết bao tha nhân và chúng sanh các cõi đều được thấm nhuần. Ngài xứng đáng là một bậc giáo dục tuyệt vời.

Cho nên cái hướng đến của giáo dục Phật giáo cũng chính là hòa tan vào đời sống của con người xã hội, mỗi hành động, mỗi ý tưởng của ngôn ngữ sinh hoạt đời thường đều phải có chất liệu Phật giáo thấm nhuần theo từng lĩnh vực: Văn hóa đạo đức, vật chất lẫn tinh thần, tr ách nhiệm và bổn phận con người trong cuộc sống. Cũng như Hòa Thượng Thích Chơn Thiện đã từng phát biểu như sau: "Giáo dục thường được hiểu là những gì làm nên văn hóa và văn minh của một xứ sở. Các công trình sáng tạo là suối nguồn của văn minh và các vai trò xây dựng phát triển xã hội của giáo dục, là suối nguồn của văn hóa một dân tộc Giáo dục văn hóa và văn minh đều là sản phẩm của tư duy con người trong một thời đại, con người luôn ước mong được an ổn, hòa bình và hạnh phúc. Vì thế, văn hóa và giáo dục phải đem lại an ổn, hòa bình và hạnh phúc cho con người .

Mt hệ thống văn hóa giáo dục ấy phải được xây dựng trên cơ sở một hệ thống triết lý, tâm lý và mầu người giáo dục lý tưởng. Các vấn đề giáo dục quan yếu này phải phát xuất từ một lý thuyết về nhân tính lý tưởng, nói lên được sự thật của con người, cuộc đời và nối liền hệ thống tách rời giữa con người và cuộc đời.”[1]

Và việc làm này được thực hiện cần phải đạt 4 mục đích sau: [2]

Giáo dục Phật giáo trước hết là dạy cho người khác biết và hiểu kinh điển Phật. Phật giáo là một tôn giáo có nhiều kinh sách, từ các kinh được đức Phật hay những vị đại đệ tử của Ngài giảng dạy, cho đến những lời dạy của các vị A-la-hán và Bồ-tát, những luận giải của các triết gia Phật giáo. Vì vậy mục đích đầu tiên của giáo dục Phật giáo là học những kinh sách này, và sử dụng chúng như là một thấu kính để hiểu ý nghĩa của lời Phật dạy.

Học kinh như là một phần của tiến trình tu tập. Như vậy mục đích thứ hai của giáo dục Phật giáo là để chuyển đổi bản thân, tức là việc học giáo pháp để làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, những con người có phạm hạnh và đạo đức hơn, trở thành những con người tử tế, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác.

Giáo dục là để phát triển trí tuệ, hiểu thấu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều luôn chân thật và có giá trị. Cho dù một vị Phật có dạy hay không thì Pháp ấy, những điều ấy vẫn luôn như vậy. Một vị Phật là người phát hiện ra Pháp, những nguyên lý chân thật của thực tại, và tuyên bố chúng với thế gian. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận chân sự thật, để qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, đào luyện tâm và có thể nhận ra được sự thật.

Giáo dục Phật giáo đào tạo nên những con người có thể đem giáo pháp của đức Phật truyền trao lại cho những người khác. Nghiên cứu Phật pháp là để làm lợi ích cho cuộc đời này, để cho có nhiều người được hưởng lợi ích từ việc thực hành theo giáo pháp ấy. Giáo dục Phật giáo như vậy là đào tạo nên những con người biết phụng sự người khác.

 Tóm lại, chương trình học của các cấp cần phải đúng mức, đúng tầm quan trọng của nó. Một chương trình giáo dục Phật học đúng đắn bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng giác ngộ. Điều tối kỵ là tránh việc học theo “lượng” mà quên “chất”. Thay đổi, cải cách để phát triển cần giữ vững một truyền thống “tu học- học tu” của nền giáo dục Phật giáo đã có từ hơn 2000 năm qua.

2. CHƯƠNG TRÌNH TU

Tu tập là một phần không thể thiếu trong suốt quá trình học của học viên. Ấy vậy mà hiện nay nền giáo dục Phật giáo của chúng ta lại chỉ chú trọng đến hai vấn đề: học để biết và học để làm mà quên đi việc chính của học là để tu. Cho nên thành quả đạt được không tránh khỏi sự khập khiễng, phiến diện do tạo ra nhiều học giả chứ không phải hành giả. Do đó yêu cầu này không phải thuộc về cá nhân của ban ngành nào mà trước tiên là Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN.

Một điều nữa dẫn đến sự khập khiễng của nền giáo dục Phật giáo hiện nay chính là công tác quản lý Tăng Ni không chặt chẽ. Sự kiện này đã được nói rất nhiều trên các trang báo Giác Ngộ và một số các diễn đàn trên các trang web của Phật giáo, thế nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy một động thái khả quan nào.

Thứ ba, giáo sư được xem là yếu tố hàng đầu quyết định cho sự hướng dẫn việc tu học của học viên. Do đó, người thầy ngoài việc luôn hoàn thiện kiến thức chuyên môn, tính sư phạm trong giáo dục, còn phải luôn trau dồi thân giáo để làm mô phạm cho học viên noi gương.

Thế kỷ 21 hiện nay, nền văn hóa dân tộc Việt Nam đã có rất nhiều những thay đổi hết sức căn bản và theo đó bản thân Phật giáo cũng vận động theo xu thế vừa dân tộc vừa hiện đại hóa, bắt nhịp và dung hòa với đời sống tư tưởng, tinh thần thế giới hiện đại. Vì vậy hơn hết ngành giáo dục Phật giáo trong giai đoạn hiện nay sẽ có một vai trò hết sức lớn lao trong việc cải cách của mình và tất cả mọi cải cách đổi thay đó cũng chỉ là sự tùy duyên để Phật giáo hôm nay hoằng dương phổ độ chúng sinh nhiều hơn, cập nhật hơn với đời sống, vừa là một bộ phận thành tố văn hóa dân tộc và cũng chính là một giá trị văn hóa nhân loại, có khả năng tác động trở lại mọi mặt hoạt động đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội và là cơ hội mở đường giải thoát cho biết bao những thách thức, vấn nạn hiện thực đang đặt ra trước mắt. Muốn tất cả những điều đó trở thành hiện thực, bản thân của mỗi cá nhân người dạy và người học đều phải có chất tu.

3. MỘT VÀI CẢM NGHĨ, ĐỀ NGHỊ

Với những trình bày trên, sau đây là phác họa đề nghị hết sức khiêm tốn và sơ lược cho ngành giáo dục Phật giáo hiện nay:

Cần phải hệ thống lại xem những trường Phật học các tỉnh thành đã đủ tiêu chuẩn của một trường chưa. Hoặc có thể mở liên tỉnh để đủ điều kiện về các phương diện cho thích hợp.

Chương trình giảng dạy cần thống nhất nội dung và đồng bộ từ trên xuống.

Thời gian tuyển sinh cần phù hợp với nhu cầu của những tăng ni sinh khi học xong chương trình cấp dưới muốn học cao hơn không phải đợi chờ quá lâu. Và số lượng người học cũng phải bảo đảm theo tiêu chuẩn giảng dạy, không nhất thiết, người nào, lứa tuổi nào cũng vào học chung một lớp được.

Chú trọng quá trình đào tạo nội trú cho Tăng Ni sinh để việc quản lý sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Việc giáo dục Phật giáo cần phải được mở rộng và phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp xã hội, để truyền bá giáo pháp Phật đà một cách tích cực hơn.

Tóm lại, nếu đã xem giáo dục là một quốc sách của từng quốc gia, thì giáo dục Phật giáo sẽ là một vị trí vô song trong việc nắm giữ vận mạng của Phật giáo. Nói vậy để thấy được trách nhiệm này không phải nhỏ và những người thực hiện nó cần phải thực sự có những tầm nhìn và biện pháp tích cực để nâng cao sự thay đổi. Đã 30 năm rồi, GHPGVN như một chàng trai trẻ 30 tuổi với lòng nhiệt huyết sung mãn, khí phách có thừa; thời gian ấy cũng đủ để chúng ta nhìn lại phía sau và định hướng tương lai phía trước.

Kính chúc Chư tôn đức cùng toàn thể hội thảo luôn được an lành.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát

 

 


[1] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua k inh tạng Pàli. Luận án Tiến sĩ Phật học.

[2] Tỳ kheo Bodhi, trong bài phát biểu được trình bày ở Hội thảo quốc tế về giáo dục tại Đài Loan năm 2009.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập