Giáo dục Phật giáo Nam Bộ (Nhìn từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh & Học viện Phật giáo Nam tông Khmer)

Đã đọc: 3099           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giáo dục Phật giáo là lĩnh vực khá rộng, có thể bao gồm khái quát Giới học, Định học và Huệ học. Đó là việc đào tạo những tu sĩ sao cho có thể trở thành cá nhân tốt trong xã hội, từ rèn luyện kỷ năng đạo đức đến việc học tập và cả phương pháp học tập.

Một trong những tính chất nổi bật của Phật giáo chính là từ bi và trí tuệ. Những người con Phật đều khẳng định “duy tuệ thị nghiệp” (duy nhất chỉ có trí tuệ là sự nghiệp tu học và giáo dục của người tu học Phật pháp). Từ trên những nhận thức mang tính tích cực này, việc giáo dục trong Phật giáo rất được coi trọng. Ở vào giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nam kỳ là địa bàn, là ngòi nổ đầu tiên trong vấn đề này, từ đó đã hình thành nhiều lớp học gia giáo. Trong phạm vi của một tham luận, bài viết chỉ đề cập đến việc giáo dục Phật giáo ở Nam bộ, và chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động của hai Học viện Phật giáo: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Thời gian đề cập cũng xoay quanh giai đọan trong khoảng từ 5 năm trở lại đây, sau khi Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập đến nay.

Giáo dục Phật giáo là lĩnh vực khá rộng, có thể bao gồm khái quát Giới học, Định học và Huệ học. Đó là việc đào tạo những tu sĩ sao cho có thể trở thành  cá nhân tốt trong xã hội, từ rèn luyện kỷ năng đạo đức đến việc học tập và cả phương pháp học tập. Trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, có thể đề cập đến những vấn đề cụ thể, như việc giảng dạy trong một trường đại họ c Phật giáo của giảng viên và việc học của sinh viên. Như vậy, khái niệm giáo dục Phật giáo ở đây, nghiên cứu trường hợp tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh  và tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được giới hạn trong việc dạy và học ; gói gọn trong việc đào tạo tăng ni sinh theo đường hướng, lý tưởng của Phật giáo. Từ đó vấn đề đặt ra là : Thứ nhất, giáo dục Phật giáo trong trường đại học Phật giáo có cần thiết phải giống và tuân thủ hoàn toàn theo giáo trình bậc đại học do Bộ Giáo dục đề ra và được cấp bằng tương đương như vậy hay không? Thứ hai, để cho việc giáo dục Phật giáo trong Học viện có hiệu quả, cần thiết phải thấy được hiện trạng của việc giáo dục này ra sao và thứ ba, việc giáo dục Phật giáo hiện nay cần thiết phải được tổ chức như thế nào để đạt được mục tiêu lâu dài của giáo dục Phật giáo đã đề ra ?

Trả lời ba câu hỏi này chính là góp phần định hướng cho một nền giáo dục Phật giáo bậc Đại học có được một bước phát triển mới, mang tính bền vững và đậm màu sắc của một trung tâm đào tạo ra những người đóng vai trò trung gian, nối kết tư tưởng thâm thúy của Đức Phật đến với tín đồ Phật giáo, giúp cho Học viện vừa trở thành một cơ sở giáo dục những người công dân tốt cho xã hội (về mặt đời) vừa trở thành nơi đào tạo những tu sĩ xuất s ắc trong việc truyền bá giáo lý Phật đà (về mặt  đạo).

1. Nhận thức về một nền giáo dục Phật giáo Việt Nam.

Như đã đề cập trên, khái niệm giáo dục Phật giáo ở đây được giới hạn trong việc dạy và học; đào tạo tăng ni sinh theo đường hướng, lý tưởng của Phật giáo. Từ đó vấn đề đặt ra là : giáo dục Phật giáo trong trường đại học Phật giáo có cần thiết phải giống và tuân thủ theo giáo trình bậc đại học do Bộ Giáo dục đề ra và có cấp bằng tương đương như vậy hay không?

Trả lời câu hỏi trên sẽ giúp khẳng định rõ hơn mục tiêu của nền giáo dục Phật giáoViệt Nam, đặc biệt là ở bậc Đại học.

Từ sau năm 1975, khá nhiều nhà khoa học, các tu sĩ Phật giáo đã trao đổi, viết tham luận, tập trung vào việc góp phần nâng cao vị thế của nền giáo dục Phật giáoViệt Nam. Gần 16 năm trước đây, năm 1996, một cuộc hội thảo về giáo dục Phật giáo đã được tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh và sau đó kỷ yếu hội thảo đã được in thành sách mang tên “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại”[1]. Công trình khoa học này quy tụ 36 tham luận trình bày quan điểm của mình về nền giáo dục Phật giáo. Đây là bước chuyển khá rõ nét  trong tiến trình Phật giáo Việt Nam vươn lên hội nhập với thế giới và khu vực. Tại hội thảo này, tôi đã nêu lên quan niệm của mình về một nền giáo dục Phật giáo Việt Nam thời hội nhập là cần thiết thể hiện được 4 yếu tố cơ bản, đó là giáo dục Phật giáo phải thể hiện được bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam; phải thể hiện được tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam; thể hiện được  những cốt tủy của giáo lý Phật giáo và phải thể hiện được phương châm hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội.”[2]

Để có nhận thức đúng đắn về nền giáo dục Phật giáo, cần thiết nắm rõ mục tiêu của giáo dục Phật giáo. Đó là nền giáo dục có mục tiêu trước mắt là đào tạo tầng lớp tăng ni đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới của giáo hội. Tầng lớp này phải là những người mẫu mực về đạo đức, có trình độ Phật học vững vàng, có kiến thức về khoa học -kỹ thuật, về hành chính quản trị, về văn học, lịch sử, về xã hội học và tâm lý học ….

Bên cạnh những mục tiêu trước mắt này, mục tiêu tối hậu của giáo dục Phật giáo chính là sự giải thoát. Để có thể thực hiện giải thóat, cần thiết tu tập giáo lý Phật giáo, tức giới, định và tuệ. Tuy nhiên, do đối tượng giáo dục là những con người cụ thể trong xã hội, trong từng thời đại, cho nên nội dung của giáo dục Phật giáo phải bao gồm cả những kiến thức thế học.

Từ mục tiêu lâu dài này, cần thấy được “ý nghĩa chủ yếu trong giáo dục Phật giáo là nhằm vào mặt tâm linh, giải thóat khỏi những chướng ngại tâm linh thường khó thực hiện bằng những nội dung giáo dục được truyền thọ như những kiến thức, cho nên phương pháp giáo dục khi truyền đạt cái nội dung bất khả tư nghì đòi hỏi có một tính chất đặc thù, trực tiếp, ngay liền mà ta thường thấy ở Thiền tông với những thoại đầu, công án, với tiếng quát, với gậy hèo…nhằm thức tỉnh cái khả năng tự chứng tự nội (pratyatma). Đấy là phương pháp hỗ trợ để người học tự phát huy khả năng chứng ngộ của mình.”[3].

Ngoài mục tiêu tối hậu là giải thóat, các mục tiêu của giáo dục phải dựa vào và mang sắc thái của từng địa phương, đất nước và thời đại. Vì vậy, mục tiêu đào tạo cần được đặt ra theo từng cấp độ khác nhau, có biện pháp và phương thức thực hiện linh động.

Như vậy, với mục tiêu trước mắt và lâu dài của nền giáo dục Phật giáo, cũng như việc nhận thức giáo dục Phật giáo phải mang tính toàn diện, bao trùm cả sinh hoạt tâm linh của con người, thì

nên chăng có cần thiết phải đòi hỏi sự giống nhau và tuân thủ theo giáo trình bậc đại học do Bộ Giáo dục đề ra và đòi hỏi cần có cấp bằng tương đương tốt nghiệp đại học như thế học? Đòi hỏi sự tương đồng về cấp bằng cũng tức là đã phiến diện hóa nội hàm của việc nhận thức về nền giáo dục Phật giáo và từ trong bản thân của nền giáo dục đó đã bị thế tục hóa!

2. Hiện trạng của việc giáo dục tại hai  Học viện

2.1 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

Học viện họat động đến nay đã được 9 khóa. Phương hướng họat động của Học viện được nêu lên trong Điều 4: “Mục tiêu của Học viện là đào tạo một thế hệ công dân đức trí song toàn để kế thừa và phát triển đạo Phật và con đường giáo dục Phật giáo. Bên cạnh ấy, Học viện nỗ lực xây dựng một môi trường giáo dục Phật học như một ngành khoa học và nhiều ngành khoa học khác, lành mạnh, năng động, chất lượng và hiệu quả góp sức phấn đấu t hực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dượng nhân tài, gắn kết vào việc đào tạo nghề nghiệp cho mọi người, cổ vũ khuyến khích và chăm lo đào tạo đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, phẩm chất và nhân cách góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.”[4]

Phải thừa nhận rằng, liên tiếp qua 9 khóa học, số lượng tăng ni sinh có tăng lên ngày một cao hơn[5], nội dung  giảng dạy ngày một phong phú hơn. Về tổ chức cũng như trang thiết bị phục vụ giảng dạy và cơ sở vật chất có cố gắng đầu tư nhiều hơn trước, một số được trang bị mới. Gần đây, việc điểm danh cũng được hiện đại hóa qua máy điện tử…Nhìn chung, trong thời gian chờ đợi cơ sở mới đang được xây dựng, nhằm mở rộng diện tích Học viện, Ban Điều Hành Học viện đã hết sức cố gắng để có thể tạo mọi thuận lợi nhất cho việc giảng dạy và học tập của tăng ni sinh.

Tuy nhiên, liên tiếp trong những năm qua, hiệu quả của việc giáo dục Phật giáo tại Học viện không hoàn toàn chỉ là dựa vào sự đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mà quan trọng và lớn lao hơn còn phải tùy thuộc vào đội ngũ giảng viên. Được tận dụng từ một số tăng ni sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về, nguồn nhân lực tham gia giảng dạy tại Học viện  đã được bổ sung, cả từ giảng viên không phải là tu sĩ. Tuy vậy, hiệu quả của điều này chưa thật sự khả quan như mong đợi. Bởi lẽ, để có thể giảng dạy tốt, không chỉ là tấm lòng và kiến thức Phật học. Kỹ năng sư phạm cũng cần thiết cho việc trao truyền bằng những phương pháp giảng dạy mới, cách thực hành mới và đặc biệt là có một số chuyên đề cũng cần thiết đi điền dã, nắm bắt thực tế. Một vị thầy đứng lớp dạy Phật pháp, ngoài kiến thức Phật học, còn cần thể hiện sự vững chãi và thanh tịnh tâm.Thân giáo bao giờ cũng thiết thực đối với người học Phật. Người tu Phật đòi hỏi sự thể nghiệm hơn lý thuyết. Các phương thức giáo dục tuy có nâng cao, nhưng chưa được chuyên môn hóa và thống nhất

Về giáo trình, sự bất cập trong giáo trình hiện nay là một khó khăn lớn đã làm hạn chế việc học tập của tăng ni sinh. Nguồn  tư liệu tham khảo còn thiếu,Tăng Ni sinh gặp khó khăn trong việc tìm đọc hoặc mua sách tham khảo, nhất là những sách về lịch sử, về văn hóa Việt Nam, về tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung giảng dạy chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn, có thể là xuất phát từ mục tiêu tối hậu là sự giải thóat nên không gắn nhiều với thực tế.

Hc viện Phật giáo Nam tông Khmer

Được thành lập từ năm 2006, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đảm đương một khối lượng công việc khá lớn. vì vậy đã gặp một số khó khăn nhất định.

Trong lời phát biểu khai mạc Học viện, HT. Danh Nhưỡng  - Viện trưởng  cho biết: “Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập là tâm nguyện của nhiều thế hệ Sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer. Với quyết tâm của toàn thể chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer, sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Tp. Cần Thơ, quận Ô Môn, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào dân tộc Khmer, Học viện được thành lập năm 2006, đến đầu năm 2007 chiêu sinh khóa I.(…) Mục đích của việc thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là đào tạo chư Tăng trẻ Nam tông Khmer có năng lực, trình độ, chuyên môn và chuyên sâu cao ở cấp độ Cử nhân. Sau khi tốt nghiệp Học viện, chư Tăng sẽ t rở thành người hữu dụng để phục vụ các công tác Phật sự của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, phục vụ cộng đồng dân tộc Khmer hiệu quả.”

Với sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đảng và Nhà nước các cấp, sự đoàn kết, quyết tâm của chư Tôn giáo phẩm Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Hội đồng Điều hành, của đồng bào Khmer, khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngủ giảng viên, về kinh phí từng bước đã được khắc phục và đạt được kết quả tốt. Khó khăn lớn nhất của Học viện là khâu tài chính. Tăng sinh theo chế độ nội trú hoàn toàn nên việc ăn ở cũng là một vấn đề cần quan tâm. Phần công đức phí cho các vị giáo thọ và giảng sư thỉnh giảng .. cũng cần thiết. Ngoài ra, việc trang bị một số máy tính và các thiết bị khác cũng cần tính đến vì đây là cơ sở hoàn toàn mới, chứ không được kế thừa như  Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM . Hiệu quả của việc học tập cho thấy với số lượng 61 chư Tăng tốt nghiệp Cử nhân Phật học, có 12,6% chư Tăng đạt loại giỏi. 55,2% đạt loại khá; 32,2 chư Tăng đạt loại trung bình. Số giảng viên của Học viện có học vị hiện nay còn khiêm tốn với 3 Tiến sĩ ,  8 Thạc sĩ và  5 vị tốt nghiệp Cao cấp Phật học.[6]

3. Những định hướng cho một nền giáo dục Phật giáo

Qua một số thực trạng nêu trên, cho thấy cần thiết quan tâm đến một số vấn đề sau đây như là những định hướng vì một nền giáo dục phát triển hài hòa, dựa trên tư tưởng  bất nhị của Phật giáo.

Về nguồn nhân lực tham gia giảng dạy tại học viện, nên chọn sinh viên xuất sắc ở hệ đại học, sau đó tiếp tục bồi dưỡng để đào tạo thành đội ngũ kế thừa[7]. Người giảng dạy cần phải đúng chuyên ngành mình đã học tập, nghiên cứu, như vậy mới có thể có kinh nghiệm, am hiểu sâu và truyền đạt rốt ráo được. Mặt khác, ở trường đạo cũng đòi hỏi người giảng phải có đạo đức, có lực tu, chứ không chỉ đơn thuần là truyền đạt những lý thuyết suông, vì vậy cần xét tuyển người chân tu thật học, có năng lực thực sự, có qua trường lớp sư phạm để việc truyền đạt có kết quả nhiều hơn.

Về tăng ni sinh theo học, tuy có số lượng khá đông, nhưng không phải không có người chỉ đặt nặng vào bằng cấp, ít quan tâm đến phẩm hạnh đạo đức. Đây là điều quan trọng, vì giáo dục Phật giáo phải toàn diện cả hai mặt tri thức và tâm linh. “Tăng ni sinh ngày nay biết áp dụng tư tưởng tiến bộ xã hội, nhưng nếu không khéo dễ bị sa ngã vào hố danh lợi, phiền não”.[8]

Do số lượng sinh viên ngoài Tỉnh về học khá đông, Học viện cần nhanh chóng có Phật học xá. Chổ ở không có đã dẫn đến tình trạng một số tăng ni phải trọ học bên ngoài, gây nhiều vấn đề không hay. Trường Phật học không chỉ đào tạo về kiến thức mà còn áp dụng vào việc tu tập và hoằng truyền chánh pháp[9].

Về phía Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Giáo dục Tăng Ni cần có kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ cho giảng viên Khmer soạn giáo án thống nhất để giảng dạy tại Học viện. Và cũng cần lưu ý đến tính chất đặc thù của tu sĩ Nam tông Khmer. Các tăng sinh này có thể hoàn tục sau khi tốt nghiệp nên việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn giảng viên Khmer cho học viện cần chủ động, có định hướng, tránh tình trạng họat động học viện gặp khó khăn, đứt quảng trong việc dạy và học do thiếu giảng viên.

Việc hỗ trợ Tăng sinh Khmer tiếp tục tham học tại Học viện, biến Học viện Phật giáo Nam tông trở thành nơi thu hút tăng sinh các nước trong khu vực; mời một số chư tăng các nước về giảng dạy tại Học viện sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình giao lưu văn hóa Phật giáo, trong đó có cả việc truyền đạt kinh nghiệm giáo dục Phật giáo trong thế kỷ mới.

Tóm lại, để có thể đẩy nhanh việc đào tạo Tăng ni tại Học viện Phật giáo, vừa đảm bảo được yêu cầu, mục tiêu của giáo dục Phật giáo đề ra, trước hết cần có nhận thức đúng đắn về nền giáo dục Phật giáo Việt Nam. Đó là một nền giáo dục dựa trên tư tưởng trung đạo. Không thể đặt nặng vấn đề đạo mà xa cách với thực tiễn cuộc sống. Như vậy sẽ là một nền giáo dục Phật giáo khô cứng, thiếu thực nghiệm, chưa thấy hết tinh thần tùy duyên bất biến của Phật giáo. Ngược lại, quá thiên về thế học cũng sẽ đi đến đặt nặng việc thế tục, ngày một xa rời với mục tiêu tối hậu là sự giải thóat. Giáo dục Phật giáo ngày nay cần bám vào 4 yếu tố cơ bản: phải thể hiện được bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam; tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam;  cốt tủy của giáo lý Phật giáo và phải thể hiện được phương châm hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Có vậy, giáo dục Phật giáo Việt Nam mới mang tinh thần bất nhị, vượt lên trên đối đãi nhị nguyên, để đào tạo một lớp tăng ni sinh vừa nhập thế vào đời hành đạo, mang lại lợi lạc cho chúng sinh mà vẫn an lạc, tự tại, giải thóat qua những bài học sống động từ thân giáo, từ những giáo trình thể hiện nội lực của giảng viên qua quá trình thực hành, thể nghiệm từ chính bản thân mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Trần Hồng Liên 2001.Vấn đề giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay. Trong sách “Nhiều tác giả. 2001.Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại . Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nhiều tác giả. 2001.Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

- Khai Tâm.  Suy nghĩ về giáo dục Phật giáo hiện nay. Website:  daophatngaynay.com

- Phỏng vấn Tăng Ni sinh khóa 7. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.

 

 

 


[1] Nhiều tác giả. 2001.Giáo  dục Phật giáo trong thời hiện đại. Viện Nghiên cứu Phật học Việt  Nam. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Trần Hồng Liên 2001.Vấn  đề giáo dục Phật giáo Việt  Nam hiện nay. Trong s ách “Nhiều tác giả. 2001. Giáo  dục Phật giáo trong thời hiện đại . Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 170-174.

[3] Thích Thiện Siêu 2001.  Bàn về mục tiêu của giáo dục Phật giáo. Trong sách :”Giáo  dục Phật giáo trong thời hiện đại”.Nxb  Tp.Hồ Chí Minh, tr. 29.

[4] Trích Điều 4 trong Quy chế của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.

[5] Riêng khóa 7, s ố lượng tăng ni s inh theo học có tăng đột biến do một s ố tiêu chuẩn chiêu s inh khóa này được dễ dãi hơn như :phật tử được tham dự lớp; không cần thiết có bằng Trung cấp Phật học…

[6] Theo báo cáo của HT. Danh Nhưỡng

[7] Phỏng vấn tăng s inh khóa 7: Thích T.Huệ

[8] Phỏng vấn Thích N.Thuận, tăng sinh khóa 7.

[9] Phỏng vấn Thích nữ C. Nhật, ni sinh khóa 7.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập