Niệm Ân Đức Phật

Đã đọc: 1192           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nói đến Đức Phật thì không có ngôn từ nào hàm chứa đủ để tán thán tôn vinh hạnh nguyện từ bi cứu khổ của Ngài. Nhưng với Đức Phật có lẽ là vị giáo chủ duy nhất xem sự tôn vinh khen ngợi hoàn toàn không cần thiết như câu chuyện ở kinh Tự hoan hỷ trong Trường bộ kinh.

  Mỗi năm mùa Phât đản lại về như một lời nhắc nhở đến những người con của Đức Phật về sự ra đời của vị cha lành cho cả Chư thiên và nhân loại hay nói một cách thực tế hơn cho những con người mà màn bụi vô minh trong mắt không quá dầy đặc để còn nhìn thấy ánh sáng của giáo pháp, còn nghe được những lời giáo huấn của Ngài. Nói đến Đức Phật thì không có ngôn từ nào hàm chứa đủ để tán thán tôn vinh hạnh nguyện từ bi cứu khổ của Ngài. Nhưng với Đức Phật có lẽ là vị giáo chủ duy nhất xem sự tôn vinh khen ngợi hoàn toàn không cần thiết như câu chuyện ở kinh Tự hoan hỷ trong Trường bộ kinh.

      Khi ấy Ngài Xá Lợi Phất dùng những lời nói tốt đẹp tán thán Đức Phật liền nghe Ngài quở trách rằng: “Này Xá lợi Phất ! Ông thật là đại ngôn, gan dạ khi đã biết rõ chưa trong quá khứ, hiện tại cũng như vị lai về hạnh lành của chư Phật đã vội vàng tán thán Như lai, thật không nên như vậy”. Lời trách mắng này không những cho thấy đức tính khiêm cung của Đức Phật mà còn được hiểu rằng Đức Phật luôn mong muốn các hàng đệ tử đừng để tâm vướng mắc vào bốn pháp thiên vị mà Ngài đã dạy

      1/ Thiên vị vì thương

       2/ Thiên vị vì ghét

       3/ Thiên vị vì sợ hãi

       4/ Thiên vị vì tối dốt

       Bởi sự chính trực công tâm, chân thật luôn là lối sống là tính cách cao đẹp của người hiểu biết mà Đức Phật là người tinh tế đã giáo huấn tỉ mỉ mọi điều mọi lẽ trong rất nhiều bài kinh. Do vậy sự có mặt của Ngài trong cõi ta bà này là một món quà vô giá, nếu ai thấy biết và tin nhận sẽ tìm ra con đường sáng để đi đến tận cùng của an lạc hạnh phúc mà chẳng phải ở đâu xa vời. Quả thật vậy với ba bộ tam tạng kinh điển Kinh Luật Luận Đức Phật để lại là một minh chứng rõ nét cho thấy những hàng rào giới hạnh cho dù nhỏ nhặt Ngài cũng không cho phép được xem thường vì đó là cốt lỏi để giữ gìn nhân cách cao thượng, để sống yêu thương thuận hòa và cũng để tránh xa những hạt nhân vi tế bất thiện tập nhiễm có thể dẫn đến nghiệp quả không lành, vô ích bất lợi cho kiếp sống con người.

      Vì thế chính cuộc đời của Đức Phật đã là bài thuyết pháp không lời mà mọi người đều biết rõ, Đức Phật xuất thân từ dòng dõi vua chúa cao sang, chung quanh có đông đảo cận thần người hầu kẻ hạ vậy mà trong một đêm khi quyết định rời bỏ hoàng cung Ngài đã để lại tất cả để chọn con đường gian nan vất vả chỉ nhằm vào giải quyết mối nghi nan vì sao nhân loại khổ đau ? Nguyên nhân nào dẫn đến khổ đau cho con người ? Cách nào để chấm dứt khổ đau ? Và con đường nào dẫn đến sự chấm dứt khổ đau ? Lý do là như vậy mà Đức Phật đã phải đánh đổi biết bao nhiêu gian nan khó nhọc để kiên cường chiến thắng ma chướng trong tâm mới có thể đạt đến quả vị chánh đẳng chánh giác, để ngày hôm nay nhân loại có cả một kho tàng pháp bảo mênh mông, với đầy đủ các pháp môn cho nhiều hạng người từ thấp đến cao, từ vua quan sĩ thứ lương dân, từ người giàu sang đến kẻ bần cùng, tuỳ vào nhân duyên phước báu nếu biết lãnh hội, tuân giữ các giới hạnh đều có được an lạc hạnh phúc như nhau.

    Đó là sự bình đẳng mà Đạo Phật mang đến cho con người để không ai phải quỵ lụy van xin, sợ hãi một khi nhân quả duyên lành vui khổ đều do chính mình lựa chọn và quyết định. Chỉ có một điều những hy sinh khó nhọc mà Đức Phật phải trải qua để đạt được chứng ngộ, quả thật không phải dễ dàng thì sự tu học để hành theo những lời dạy của Ngài chắc chắn cũng không dễ vì mọi thứ trên đời này đều phải trả giá, khi giá trả càng cao thì giá trị đạt được càng lớn. Vì vậy Đức Phật Thích ca Mâu Ni còn đưọc gọi là Phật tinh tấn bởi sự nổ lực quyết tâm của Ngài. Trong Thập độ Ba la mật, tinh tấn cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng vì một khi dễ duôi giải đãi lười biếng thì không có việc gì có thể thành công được. Đó là lý do trước khi thị tịch Niết bàn Đức Phật cũng còn nhắc lại lời nói sau cùng với các đệ tử:

     _ Này các con ! Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, tận lực chuyên cần để thành đạt giải thoát.

      Thật sự hàng rào giới luật nghiêm khắc của Đức Phật rất khó để tuân theo gìn giữ thực hành nếu không có niềm tin và lòng tôn kính tuyệt đối vào lời dạy của Ngài. Bởi vậy trong thời Phật còn tại thế có những phàm tăng khi hay tin Đức Phật sắp Niết bàn họ lại vui mừng bảo nhau từ nay chúng ta không còn phải nghe Phật rầy la nên làm điều này hay không nên làm điều kia nữa. Chính sự trong sạch, từ bi, nhân cách cao thượng chỉ có nơi Đức Phật đã khiến danh từ Phật trở thành tuyệt đối tốt lành từ hình ảnh đến ý nghĩa, mà trong dân gian VN mỗi khi nói chữ tâm Phật là hiểu ngay đến những điều tử tế tốt đẹp.

      Nói ngàn câu tán thán Đức Phật cũng không bằng thực hành những gì Ngài dạy, đó là những điều Đức Phật đã nói trong lời di huấn cuối cùng. Cho nên trong một cộng đồng xã hội rộng lớn hay trong một gia đình nhỏ bé nếu mỗi cá nhân biết giữ gìn bảo hộ thân tâm trong sạch, chắc hẳn sẽ có một thế giới an bình hạnh phúc. Như bài thơ kệ của vua Trần Thái Tông để lại cũng không ngoài ý nghĩa nhắc nhở con người hãy tỉnh thức quay về, đừng để ngũ trần, lục dục, tham sân si dẫn dắt thì con đường trở lại với bản thể chân như trong sáng là ngôi nhà chính mình sẽ không còn xa vời vợi

        Chân tể huân đào vạn tượng thành

        Bổn lai phi triệu hựu phi manh

        Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm

        Khước bội vô sanh thụ hữu sanh

        Tị trước chư hương, thiệt tham vị

        Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thanh

        Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

        Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

Tạm dịch

       Huân đúc chân như tỏa vạn hình

       Nguyên sơ chẳng diệt cũng không sinh

       Chỉ do hữu niệm, quên vô niệm

       Dứt bỏ vô sinh nhận hữu sinh

       Mũi đắm hương thơm, lưỡi đắm vị

       Mắt, tai ham sắc, thích âm thinh

       Làm thân lữ khách phong trần mãi

       Vạn dặm còn xa thật tánh mình.

                                

                                             Fresno California Phật đản 2021

                                                            Nam Phương ( Nghiêm Thuỷ )

         

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập