Chiếc nhạn lưng trời

Đã đọc: 2707           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tưởng niệm Cố Hòa thượng Thích Quảng Bửu

Nhạn quá hàn đàm

Ảnh vô thấu lãnh

Bậc đại sĩ đến cuộc đời này và từ giã cuộc đời này theo cách thế của cánh nhạn lướt qua đầm lạnh. Đầm muôn đời vẫn im lìm soi bóng, mặc cho cánh nhạn cứ lướt qua. Sự gặp nhau đó chỉ là một sự kiện trong pháp giới trùng trùng duyên khởi. Đầm không hề hay biết mình đã từng in bóng một cánh nhạn. Nhạn cũng không cảm thấy lạnh khi quá hàn đàm. Cả hai đều vô tâm.

Ngài đã đến với thế gian này, đã trải qua cuộc đời này như cách thế của cánh nhạn lưng trời. Từ bỏ sự nghiệp giáo viên, ngài đã chánh tín xuất gia. Không phải đồng chơn nhập đạo, nhưng ngài bất nhiễm thế duyên. Đến với thiền môn Thiên Trúc, nghiên tầm giáo điển đêm ngày. Gác chuyện thế gian, tinh tấn tầm sư phỏng đạo. Ngài đã tảo phỏng minh Giác Ngộ, thân cận cao đức Nguyên Uyên. Cho nên, ngày đêm thường trì giới định, sớm trưa cảnh sách tỳ ni; một lòng nghiêm thân tấn đạo, thiết yếu cần tu nhật dụng.

Để tiếp tục con đường tu học, ngài về tu viện Nguyên Thiều. Ở đây, cuộc sống đơn sơ lam lũ, khắc khổ đạm bạc, như cây bạch đàn vươn lên từ đất sỏi núi đồi. Từ chốn già làm này, ngài đã phát chí siêu phương.

-Tâm mở mang rộng rãi, như hai dòng sông sau trước, thấm mát cỏ cây.

-Hình gầy guộc khẳng khiu, tựa ba ngọn tháp kế bên, trầm hùng đáng nể.

Ngài thường ít nói, nhưng lắng nghe nhiều. Nghệ thuật lắng nghe đã khiến bao người thoải mái khi trò chuyện hoặc giải bày tâm sự. Đặc biệt, ngài không bao giờ nói chuyện hay dở tốt xấu của người khác. Như tiêu chí của thiền sư Bàn Sơn: “…tu hành nhơn đại kỵ thuyết nhơn trường đoản thị phi. Nãi chí nhất thiết thế sự phi can kỷ giả, khẩu bất khả thuyết, tâm bất khả tư. Đản khẩu thuyết tâm tư, tiện thị muội liễu tự kỷ…”

Mấy mươi năm lập cước ở tu viện Nguyên Thiều, ngài đã tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. An nhiên tự tại như một thánh tượng giữa bảo điện, trọn ngày không có tín chúng lễ lạy cũng như vậy, lắm lúc hương hoa tràng phan cúng phẩm trang nghiêm cũng như vậy. Mặc ai khen ngợi, ai phỉ báng cũng như vậy. không vui mừng, không buồn khổ. Chỉ có vẻ mặt hiền hòa, nụ cười bí ẩn không biến đổi. Cũng ngần ấy năm, một đôi dép nhựa, một áo tràng nâu, một luống rau, một lu tương đã hun đúc nên một pháp khí tòng lâm cho Bình Định.

-Dép nhựa đi về lối cũ, giữa hai hàng tùng bách xanh um.

-Nón lá che khắp chùa xưa, trong vạt áo tràng nâu bạc thếch.

Hình ảnh này đã sừng sững trong tâm khảm bao lớp tăng ni sinh và tứ chúng tu viện Nguyên Thiều.

-Cứ nhìn Tháp Bánh Ít, uy nghi sừng sững, không màu mè, đứng chơ vơ, mài gió gọt trăng qua bao triều đại.

-Mới biết chốn thiền môn, thâm u nghiêm tịnh, chẳng ồn ào, nằm yên lặng, sôi kinh nấu điển quên bặt thời gian.

Không những vậy, đã qua 365 ngày hiu hắt, bao lớp tăng ni sinh, khi trở về trường cũ, vẫn còn nghe trong lá cây xào xạt, âm vang khàn khàn đang giảng Phật Thừa Tông Yếu; vẫn nghe núi rừng vọng lại lời phân tích Giới Bổn Tỳ Kheo. Bao lớp Phật pháp đống lương, tông môn thạch trụ cũng từ 3 bữa tương dưa, 2 thời khóa tụng mà thành tựu. Đạm bạc đơn sơ như thế mà miên mật duy trì 2 buổi công phu sớm tối mấy chục năm. Quả là bậc xuất trần thượng sĩ.

Sức khỏe yếu dần, bệnh tật xuất hiện. Thọ mạng như đèn treo trước gió. Đau nhức hoành hành thân xác nhưng tâm thần rất thanh thản. Ngài biết rõ là huyễn thân mộng trạch, không trung vật sắc, cho nên có đau nhưng không khổ. Do tiền tế vô cùng, nhứt vô sở đắc, mà xuất thử một bỉ, thăng trầm bì cực. Nếu đời này không hạ quyết tâm, thì chắc chắn vị miễn tam luân, hà thời hưu tức? Cảm nhận được đại hạn đến gần, ngài thông báo chư tăng khắp chốn, phật tử gần xa, xin phép được miễn thăm hỏi, để thúc liễm thân tâm, hàng trì chánh niệm. Đồ chúng tu viện Nguyên Thiều đã giúp ngài thực hiện được điều đó.

Thật là nhất đao lưỡng đoạn trong phương pháp: tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. Bệnh hoạn là lẽ đương nhiên của kiếp người. Nó gây ra không ít khốn đốn cho nhân loại, nhưng với ngài lại là một trợ duyên cho công phu hành trì. Ngài đã gặt hái được thành quả từ đó. Hãy lắng nghe và xem lại các clip trong thời gian di quan nhập tháp. Thoại tướng đã xuất hiện để cung nghinh một tỳ kheo hóa thân vào Dòng thánh xuất thế. Hành trạng một đời, công phu nhiều kiếp của ngài cũng rực sáng tinh khiết như thoại tướng. Ai cũng biết đó là hiện tượng vật lý thiên nhiên, nhưng trùng hợp trong khoảnh khắc như thế, trong không gian như thế, âu cũng là một điều hy hữu vị tằng hữu!

Có được một cao tăng thạc đức, không phải đồng chơn nhập đạo mà chánh tín xuất gia, nghiêm trì giới luật, miên mật hành trì như ngài cũng là một đóng góp to lớn cho Phật pháp. Một đóng góp không mưu tính, không danh lợi, không danh xưng, không chức vụ. Âm thầm mà rộng khắp, yên lặng mà vang xa, đơn sơ mà nghiêm túc, đạm bạc mà thanh cao. Mượn lời của Tử Lộ: “ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên”. Đây mới thực sự là mạng mạch của Phật pháp, mới là tông phong vĩnh chấn, tổ ấn trùng quang. Đây là một kỳ hoa dị thảo, nằm sâu trong núi rừng u tịch, âm thầm tỏa ngát hương. Đáng kính thay!

Xin kính lễ ngài – thầy Quảng Bửu

Con Nhuận An, chùa Hưng Long

Giữa tháng Giêng, Đinh Dậu, 2017

 


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập