Đọc bài "Nói với Sujata…thời hiện đại"

Đã đọc: 2053           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài viết của Thầy vẫn với lời văn nhẹ nhàng, chậm rãi mặc cho ngoài kia, ở đâu đó bom đạn cứ rơi, xung đột cứ lan rộng, những cái đầu hiếu chiến đầy tham vọng cứ muốn nuốt chửng các nước nhỏ hay ngoài bức tường nơi Thầy ở đầy rẩy những chuyện gây bức bối trong xã hội mà ngày ngày đang làm cho bao người dân lương thiện phải lo ngại cho đạo đức của con người ngày càng bị xuống cấp

Kính Bạch Thầy !

Mặc dù con biết cuốn ‘’Thương Một Ánh Mây Bay’’  tới gần hai tháng rồi, nhưng mãi tới tháng 8 con mới có duyên được cầm cuốn sách trên tay. Dù con chưa đọc hết các bài trong tuyển tập, nhưng con đang loay hoay tự hỏi ‘’Em’’ của Thầy với rất nhiều trí tưởng tưởng và những câu hỏi rất là thế tục, có nhiều lúc con chỉ muốn nhấc điện thoại hỏi Thầy (tác giả ) là ‘’Thầy ơi ! chắc trước khi Thầy đi xuất gia, Thầy có người Ta thương Thầy lắm phải không ? và giờ chắc họ vẫn còn thương Thầy, nên Thầy mới có nhiều bài muốn nhắn gửi ‘’Em’’ đến như thế’’. Nhưng rồi con lại thôi không dám hỏi, vì con sợ Thầy cười.  Con cứ nghĩ nó là một tình yêu đơn phương của một cô gái nào đó thương Thầy mà Thầy thì như một áng mây bay. Ai đó lại thật ngốc nghếch, muốn lấy dây mà cột mây để giữ lại cho riêng mình.

Con thì không có đủ khả năng để viết lời bình về một bài viết nào đó nhất là những tác phẩm văn học thì lại càng không thể. Cho đến khi đọc bài ‘’Nói với Sujata…thời hiện đại ‘’ thì con muốn mượn bài viết của Thầy để nói đôi lời về việc mua quà làm từ thiện thôi.

Bài viết của Thầy vẫn với lời văn nhẹ nhàng, chậm rãi  mặc cho ngoài kia, ở đâu đó bom đạn cứ rơi, xung đột cứ lan rộng, những cái đầu hiếu chiến đầy tham vọng cứ muốn nuốt chửng các nước nhỏ hay ngoài bức tường nơi Thầy ở đầy rẩy những chuyện gây bức bối trong  xã hội mà ngày ngày đang làm cho bao người dân lương thiện phải lo ngại cho đạo đức của con người ngày càng bị xuống cấp…Thế nhưng, nó lại sâu sắc đến thế khi Thầy nhắn nhủ “này người cúng dường sữa ơi, hãy đem tình thương và sự tỉnh thức vào bát sữa. Bởi có thể chính bát sữa của bạn hôm nay sẽ góp công vào việc nuôi dưỡng những vị Phật tương lai sau này’’.

 Câu chuyện của Thầy kể về một nhà hảo tâm nào đó mang hàng trăm hộp sữa tươi cúng dường cho các Tăng Ni sau buổi tan học tại Học viện. Nhãn in thời hạn sử dụng là 31-Mar-2011;EXP;31 Mar 2012. Như vậy là chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn sử dụng.  Ai cũng biết sữa tươi là một loại nước uống  rất dễ hư hỏng, nếu không bảo quản ở nhiệt độ theo qui định thì sẽ bị hư hỏng thậm chí chuyển thành độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống. Thầy rất lo lắng cho việc gần một năm qua việc bảo quản nó có được thực hiện khi để ở trong nhiệt độ qui định hay không ? trong khi chỉ còn có ba ngày nữa là phải hủy bỏ.

Thầy viết : “ Về mặt sinh học, thức ăn chay đơn giản, đạm bạc nên thể trạng yếu, hệ thống miễn dịch của người xuất gia không được tốt bằng người bình thường và có nguy cơ thiếu một số vi khoáng chất cho cơ thể. Thế nên sữa là nguồn thực phẩm hỗ trợ tốt cho sức khỏe của mình... Ngày xưa đức Thế Tôn nhờ có bát sữa của nàng Sujata mà lấy lại sức khỏe để tu tập giác ngộ đạo Vô thượng Bồ- đề. Một bát sữa cúng dường thực sự quý báu như thế!’’

Thầy ơi ! lời nhắn nhủ  của Thầy nghe như mây bay gió thoảng, ấy thế mà nó thấu tận tim gan đấy Thầy ạ. Con nghĩ chẳng riêng gì việc cúng dường cho các Tăng Ni phải cận thận thôi đâu mà cho bất kỳ ai thì cũng phải đều có tâm như thế. Con cũng thật may mắn có cơ duyên được đi theo ké mấy đoàn phát quà từ thiện cho những người bệnh tâm thần. Vì là bệnh nhân tâm thần ngoài việc cho  tiền hay gạo, mì …phải gửi cho ban quản lý đưa thẳng xuống nhà ăn, người bệnh được nhận trực tiếp thì chỉ là bánh, hộp sữa có thể là  ổ bánh mì hay hộp bánh ngọt. Có một mạnh thường quân Phật tử Thanh Nhã  đã nói với ban quản lý của trại ‘’chúng tôi phải trực tiếp đi chọn hàng có thương hiệu uy tín về chất lượng tốt nhất, tuy mắc một chút, nhưng phải đảm bảo để khi họ ăn vào không có chuyện gì xẩy ra, nếu không thì mang tiếng, phước đâu không thấy mà còn mang thêm tội nữa’’. Khi đó con rất cảm phục tấm lòng của họ.

Như Thầy đã nói dân gian có câu “ của cho không bằng cách cho’’. Nhưng cũng có lúc có thể người cho lại “lực bất tòng tâm’’ đó Thầy. Bởi vì, khi đi làm từ thiện ở một tỉnh nào đó ở xa, thường thì gạo, mì hay những vật dụng cồng kềnh, chiếm không gian lớn, trọng lượng nặng, số lượng lại rất nhiều thì thường là phải nhờ người địa phương, nơi gần địa chỉ phát quà nhất mua, để không phải mất phí vận chuyển bằng cách qua điện thoại hoặc Mail. Có khi người mua hộ và người nhờ mua cũng không hề biết mặt nhau. Khi đó thì chỉ còn chông chờ vào lương tâm người mua dùm và người bán thôi, nhất là khi làm từ thiện tại những vùng bão lũ thì lại càng khó nữa. Có khi người cho không cố ý mua đồ tồn kho, đồ kém phẩm chất hay đồ đã hết hạn sử dụng, nhưng người bán thì lại cố ý thì cũng chịu, vì ở cách xa như vậy thì làm sao mà mua trực tiếp hay chọn, kiểm tra trực tiếp được. Lại có khi người mua giúp, mua hàng tốt nhưng chỗ để tập kết không cẩn thận thì cũng hỏng luôn. Đã có những chuyến đi từ thiện cứu ngặt tại miền Trung, chúng con thấy những bao gạo mà đoàn nhờ mua được chính quyền nơi đó để đúng vào chỗ ngôi nhà bị dột, cửa sổ thì không kín, thế là bao gạo bên dưới cùng  ứt sũng, phần trên thì ẩm ướt. Đến nước này thì người nhận được chỉ còn là những bao gạo mốc meo thôi nếu chỉ cần để thêm một ngày nữa. Khi đó thì vừa mang tiếng cho người cho, vừa mắc tội với người nhận, còn người nhận thì chỉ còn biết giở khóc, giở cười.

Như vậy là người cho, người được tin cậy đứng ra mua giúp, người bán, nơi để tập kết hàng (người nhận xếp hàng, bảo quản hàng trước khi hàng được phát ra) đều phải là những người có tâm, có trách nhiệm đến tận cùng khi những gói quà đó được cho đến  tận tay người cần được nhận. Nếu tất cả những người này không coi những món đồ đó như là mua cho chính mình và chính mình là người sử dụng nó thì người nhận phải biết sao đây ? trong khi đó người nhận đang lâm cảnh đói nghèo, đói ngặt. Không biết là họ có cám ơn nổi nữa không.

Ngay như quà tết cuối năm tại các công sở, công ty… thường  phát quà tết cho nhân viên. Trong  gói quà tết, có đủ thứ, rượu, bánh, mứt, lạp sườn…tùy theo giá trị gói hàng, nhưng thường thì hàng này toàn là hàng bán ế trong các siêu thị hay quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng. Người được phân công đi mua hàng mà không kiểm tra thì người nhận những gói quà cho này lãnh đủ. Có khi thì họ không dùng, họ lại mang đi tết người khác hay mang về quê biếu. Người nhận được quà biếu tết trong một giỏ bọc rất là bắt mắt cứ ngỡ là toàn đồ tốt, ai dè lại toàn là đồ hết hạn sử dụng thế mới đau chứ. Thế là người được nhận cuối cùng chẳng biết phải ‘’cám ơn’’ ai bây giờ.

Thế mới biết, đâu chỉ có quà  cúng dường, quà từ thiện mà ngay cả quà biếu tết cũng làm cho người nhận giở khóc giở cười Thầy nhỉ.

Hãy làm mọi việc bằng tình thương và sự cẩn trọng, bạn nhé. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho bạn và gia đình luôn được bình an…’’ Đó là câu kết của bài viết Nói với Sujata…thời hiện đại ‘’của tác giả Đại Đức Thích Đồng Tâm trong tuyển tập “Thương Một Ánh Mây Bay’’.

 Đúng là lời kết của một người Thầy tâm linh!

Và Thầy cũng cho con mượn luôn lời kết này làm lời kết cho bài viết của mình, nếu không con mà viết thì nó rất là đời phàm Thầy nhé.

Các bạn hãy tìm đọc nhé, vì nó không những chỉ mang lại sự bình an thôi đâu mà còn là những lời nhắn nhủ rất bổ ích cho những ai muốn có được phước báu và hạnh phúc.

 

 

Sài Gòn   tháng  8  năm 2014

Giác Hạnh Hoa

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập