Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Đã đọc: 10071           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Gần đây, có khá nhiều thông tin miệng và mạng internet râm rang về chuyện một số Phật tử cải đạo. Vì lý do đó có một số tu sĩ và Phật tử thảo luận với nhau “làm sao để gìn giữ phật tử”, như là tìm cách ngăn bờ sông không cho nước xoáy mòn lở sụp đất! Qua tìm hiểu thì có kế hoạch “NGÀY TÀN CỦA PHẬT GIÁO” Allen Carr được phổ biến trên LankaWeb.com (Planning the demise of Buddhism) đặc biệt là tổ chức Asia Harvest (Mùa gặt Á châu) có trụ sở tại Mỹ, đang tìm cách “cải đạo” Phật tử ở các nước Á châu và Việt Nam.

Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp của một số quí tăng ni và chư vị Phật tử bởi những lời chỉ trích của Allen Carr qua 4 vấn đề:

- Hoằng pháp: Không thu hút giới trẻ, chùa chiền thưa thớt xuống cấp, tu sĩ quá ít, Phật sự tẻ nhạt đìu hiu.

- Tác phong tu sĩ: Trên tay phì phèo điếu thuốc, quá thân mật với nữ Phật tử, phát ngôn linh tinh, xuyên tạc chính trị.

- Hình ảnh ngôi chùa: Nhà chùa là cơ sở kinh doanh, nơi buôn thần bán thánh mê tín dị đoan.

- Gia đình Phật tử: Quá yếu về số lượng và chất lượng. Cả miền Bắc không có nỗi một đơn vị.

Qua một số ít lo toan của giới Phật giáo trên mạng và sự tự đắc của tác giả đã thấy bề nổi một số hiện tượng “tự nhiên” trong cuộc sống, rồi lấy đó như một cửa thành trì, hể vào được là phá tan đất nước. Qua ý tưởng đó tôi mượn một câu trong binh pháp của Tôn Tử: “Muốn thắng trận không phải là nhờ có nhiều quân, mà phải có tinh quân và tướng giỏi”. Có lẽ tác giả Allen Carr thích quân ô hợp?

Người Phật tử chúng ta ai mà không nằm lòng câu: “văn như tư, tư như tu” Tức là khi nghe một vấn đề gì phải suy nghĩ xem có đúng đạo lý, có phù hợp bản thân, có lợi ích cho số đông hay không? Rồi sau đó mới làm theo lời khuyên, kể cả lời đức Phật!

Chính vì cách dạy học trò nhận thức cao siêu như vậy, nên cả thế gian này tôn xưng đức Phật: “Thầy dạy khắp trời người, cha lành chung bốn loài”. Không phải cho đến bây giờ mới có người bỏ đi mà trong thời ngài còn trụ thế, vẫn có 500 người đứng dậy bỏ đi. Ngài cho số đó là cành lá hạt lép.

Điều đó cho thấy chủ trương của Phật giáo là tinh thần tự giác, chứ không dùng bất cứ một thủ thuật nào để lôi kéo tín đồ, nên bất cứ người Phật tử nào cũng tự hào, triết lý mình đang theo suốt mấy nghìn năm chưa từng làm tổn thương hay đổ một giọt máu của chúng sinh.

Một nền đạo lý đầy tính nhân sinh như vậy, tồn tại qua chừng đó thời gian thì quá đủ để trả lời cho mọi câu hỏi, và ai đó đã lo lắng “Ngày tàn của Phật giáo” vì những lý do tác giả Allen Carr đã nêu thì suy nghĩ có phần hời hợt với chính đạo lý mình đang tu học. Bởi chính đức Phật đã từ chối lối tu đỉnh cao của các đạo sĩ Ấn giáo vì cho rằng không đưa đến giải thoát khổ đau của sinh tử, vì ngài đản sinh là từ cõi trời Đao Lợi, ngài nhận thấy cho dù thời gian có dài bao lâu đi nữa thì cũng phải có hồi kết thúc nếu trong mỗi cá thể đó chưa đoạn tận cội gốc tham sân và si.

Không phải vô cớ mà Albert Einstein đã phát biểu: “…đến với Phật giáo là để nắm bắt chứ không phải để chiêm ngưỡng” ý tưởng đó đã trùng khớp với bài kinh mà đức Phật đã dạy: “…ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây (Đại kinh thí dụ lõi cây-Trung Bộ I, H.T Minh Châu)

Một nền tảng triết lý uyên thâm như vậy làm sao có thể một sớm một chiều mà có thể lãnh hội hết được, huống hồ những người lâu lâu mới đến Tam bảo thắp vài cây nhang, xin Phật ban cho phúc lành thì làm sao mà không bị chao đảo trước những thủ thuật lôi kéo số đông bằng vật chất và những người chạy đến vì cái bao tử? Đứng góc độ của nho học đã khó chấp nhận những người như vậy qua quan điểm sống: “Bần tiện bất nan di, uy vũ bất nan khuất”

Cho nên người Phật tử chân chánh hà tất phải bận lòng trước sự đến đi của thế sự, vì đó là bản chất của phiền não. Đức Phật đã từng dạy: “Nghèo túng do thiếu cơm ăn áo mặc chưa phải là khổ, mà người đó thiếu trí tuệ mới là khổ”. Bởi không phải chỉ khổ có đời này mà còn nhiều kiếp sống ở tương lai.

Lời nhắn nhũ đó đáng để chúng ta suy gẫm về cách hành xử, qua một bài viết với cái nhìn thiển cận chưa theo nỗi tư tưởng đạo Nho, và triết lý của Tôn Tử mà đã dao động! Trong khi đối tượng giải thoát của đạo Phật đâu phải chỉ có giới hạn ở 7 tỷ người trên một hành tinh nhỏ bé này? Mỗi ngày chúng ta phát nguyện độ khắp pháp giới chúng sinh. Cho nên bất cứ nơi đâu trong chốn thiền môn cũng nêu khẩu hiểu: “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” chứ đâu có lấy giáo hội hay tín đồ làm sự nghiệp! Không khéo chúng ta bỏ chánh đạo để tạp tểnh làm chánh trị thì chết dở, bởi cái này Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xem như một đôi dép rách! Đừng cho rằng số đông mới là hay là giỏi. Người xưa từng chủ trương: “quí hồ tinh, bất quí hồ đa” cho nên hậu đại học bao giờ cũng ít hơn trung học là điều tất yếu trong hệ thống giáo dục!

Lệ Thọ

Sài gòn 13/02/2011

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (35 đã gửi)

avatar
quynh hoa 11/02/2011 15:57:40
Dung tren goc do nguoi con Phat , la Hoc Phat va Tu Phat thi duong nhien la co Co So Ly Luan Phat Hoc ben vung , Dong thoi co nen tang kien co thi " Van nhi tu , Tu nhi tu" la le chac that vay. Tuy nhien , Dao Phat hoang phap la dan dat moi tang lop xa hoi va moi nguoi nam - phu - lao - au cung di tren lo trinh " Giac Ngo va Giai Thoat Giac Ngo " bang chinh su thuc tap chanh niem va thuc tu trong doi song cua nhung con nguoi " Quay Ve Nuong Tua Tam Bao ". Cho du Dao Phat la Dao cua nhung chi nguyen " Tu Giac " di chang nua , thi moi moi " Nguoi Tu Si" phai chac chan la mot con nguoi song dung pham hanh , phai la Guong Mau " vi la Bac Mo Pham " Thay cua troi - nguoi" , va nguoi tu si luon luon " Phan Quang Tu Ky Bon Phan Su Bat Tung Tha Dac " Hay thiet tha voi Ly Tuong ma ban than da phung hien va hay no luc tinh tan thuc hoc - thuc tu , chi co nhu vay " Bat Chien Tu Nhien Thanh" va khong co the luc nao xam pham duoc.
avatar
Tể tướng Lưu Gù 11/02/2011 22:15:45
Phật giáo Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ sang, bắt đầu du nhập hình thành phát triển đến nay hơn 20 thế kỷ.
Đạo Phật đã hòa mình cùng với người dân Việt hơn hai mươi thế kỷ, đạo Phật với dân tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Việt coi đạo Phật là đạo của Tổ tiên truyền lại (Đạo Dân Tộc). Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng lung lay. Vì thế, để bảo vệ tinh thần dân tộc, gìn giữ tín ngưỡng truyền thống của tổ tiên, người Việt Nam tự thấy có bổn phận bảo vệ đạo Phật một cách hồn nhiên :

MÁI CHÙA CHE CHỞ HỒN DÂN TỘC;
NẾP SỐNG MUÔN ĐỜI CỦA TỔ TÔNG.

Ngược dòng lịch sử mấy ngìn năm văn hiến, từng trang xem thì đủ biết thời Lý, Trần là vàng son rực rở, vẻ vang nhất, bởi thời nầy các minh Quân thánh triết biết vận dụng chủ nghĩa Từ bi Trí tuệ của đạo Phật để Quốc sách An dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực. . . Phật giáo là Quốc đạo thì đất nước thịnh trị phú cường, nhân dân ấm no hạnh phúc, nhà nhà lạc nghiệp an cư.

Trãi bao thăng trầm cùng vận đất nước dân tộc :

DÂN TỘC BỐN NGÀN NĂM VĂN HIẾN, KHI THĂNG KHI TRẦM VẪN TIẾP BƯỚC TIỀN NHÂN;
ĐẠO PHÁP HAI NGÀN NĂM LỊCH SỬ, LÚC THỊNH LÚC SUY LUÔN SOI ĐƯỜNG CHO HẬU THẾ.
avatar
Đa Toán 12/02/2011 09:14:41
Tôi đọc bài này trên Phattuvietnam.net, sau đó đọc bài Phản bác của Phật tử Minh Thạnh. Sau đó tôi mới tìm ra bài gốc của Thầy tại trang này. Tôi xin có đôi lời nhận xét:
- Bài viết này nếu lập cơ sở trên chủ đề phản biện "Ngày tàn của Phật giáo" thì bài viết này ok.
- Bài viết này nếu lập cơ sở trên chủ đề "con đường tu xuất ly thế gian" thì bài viết này ok.
- Bài viết này nếu lập cơ sở trên chủ đề "tâm bất động dù ta thực thi nhiều hành động" thì bài viết này ok.
- Bài viết này nếu lập cơ sở trên chủ đề "Tín ngưỡng Phật giáo ứng dụng trong đời sống" thì bài viết này không được chấp nhận.

Tôi nghĩ trang Phattuvietnam.net là một trang Phật pháp phổ thông, nên bài này gây nhiều sự hiểu lầm cũng là điều tất yếu. Khi đăng bài này trên PTVN, độc giả bỏ qua phần lập cơ sở của thầy là viết bài này để đánh giá về tác phẩm "Ngày tàn của Phật giáo", và có thể nghĩ đây là bài phản biện các bài viết của tác giả Minh Thạnh!

Kính.
avatar
BÙI LAN 12/02/2011 09:46:28
một bài viết BÙI LAN thấy rất hay, có tác dụng ru ngủ rất tuyệt vời.
avatar
Hai Quơn 12/02/2011 15:35:03
Tui thấy bốn chơn yếu mà bạn Đa Toán đặt ga với bài viết của tác giả Lệ Thọ giất đúng .
Tác giả Lệ Thọ nên lấy đó làm mừng vì chên cơ sở truyền thông đại chúng ,một tư tưởng HAY - ĐÚNG với mình chưa chắc sẽ là cái HAY - ĐÚNG của thiên hạ .Ở đó có nhiều thành phần ,suy nghĩ ,kiến thức khác nhau và đặc biệt đừng quên một điều ở đó không phải chỉ có toàn là con nhà Phật hết trơn .Cho nên sẽ là thiệt bậy nếu thiện ý chơn chánh của mình đưa ga bị hiểu lầm nếu không chú ý đần những cái điều trên .
Chèn đét ơi ! Đây là thời đại gì mà có nhiều suy nghĩ lung tung quá chừng .Tui cũng hết biết luôn vậy đó nha .THƯƠNG CHO TÌNH CẢNH ĐẠO PHÁP QUÊ TA NHIỀU QUÁ .LÚC NÀO CŨNG CÓ LẮM CHƯỚNG DUYÊN .
avatar
Lâm Trường Thanh 12/02/2011 17:32:53
Kính chào quý bạn

Ngày nào còn 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, thì ngày đó không có ngày tàn của Phật giáo.

Kính bút

Lâm Trường Thanh
avatar
Thuan Nuong 12/02/2011 17:41:27
Rất khâm phục tư thái "An Nhiên" và "Tự Tại" của tác giả Lệ Thọ .
avatar
Cầu Thị 12/02/2011 20:44:06
Trước đây tui thấy trang PHATTUVIETNAM.NET bài viết cũng khá hay nhưng sau này thì trang này ngày càng chứa đầy những đố kị, sân si, bè phái v.v. Hôm qua tui đã gửi một comment về bài viết của Minh Thạnh, nhưng họ ém nhẹm mất rồi.

Đúng như tác giả Lệ Thọ viết thì ngày xưa Đức Phật không chủ trương số đông vì thời đó Đạo Phật là đạo của sự tự giác ngộ, tự giải thoát. Còn ngày nay, đã là thời mạt pháp, Đạo Phật là đạo của thế tục cho nên rất nhiều người muốn lập thành số đông.

Tác giả Minh Thạnh lấy lập luận của những vị được nhiều người biết để dẫn chứng, phản bác. Nhưng họ có phải là Đức Phật đâu thì chắc chắn vẫn còn những sai lầm!

Ngày xưa, Đức Phật chẳng bao giờ lôi kéo những người khác vào Tăng đoàn cho đông thêm, mà ngài chỉ quán sát ai có khả năng giác ngộ thì Ngài có những hành động để người đó thấy và tự người ấy đi theo Đạo Phật một cách tâm phục khẩu phục. Có rất nhiều ngoại đạo, Ngài chỉ nói chuyện bình thường rồi đường ai nấy đi, Đức Phật không chủ trương bảo người đó theo mình. Cho đến khi Ngài viên tịch, Ngài đã gạt sang bên chuyện lập một người đứng đầu để thống lãnh, củng cố Tăng đoàn. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ ý chỉ của Đức Phật.

Dân gian ta có câu "Vàng thật không sợ lửa." Nhưng hiện nay chúng ta sợ cải đạo, sợ tín đồ rời bỏ đó là do chúng ta cảm thấy chúng ta đang suy yếu và sợ người khác cạnh tranh. Nếu chúng ta là "Vàng thật" và mỗi mỗi đạo sư dẫn đường là một tấm gương đạo pháp sáng ngời thì tự khắc tín đồ sẽ tự nhiên quy theo một cách tâm phục khẩu phục, chứ không cần phải kêu gọi, lôi kéo, cạnh tranh v.v. Bởi hành động thế tục này trái với giáo chỉ của Đức Phật!
Reply Tán thành Không tán thành
-6
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Mộng Du 12/02/2011 20:55:52
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật.
Thưa Lệ thọ.
Khi đề cập đến một lời nói thời danh nào, trước hết chúng ta phải biết tác giả, hoàn cảnh và nhu cầu xuất hiện của nó.
Quý cái tinh chuyên về chất lượng, chứ không quý về số lượng, theo cách dịch như vậy, chúng ta thấy nó thích hợp cho sự ám chỉ về hàng lãnh đạo, hay đào tạo lãnh đạo.
Còn về quần chúng tín đồ lại lấy tư tưởng đó, rồi suy diễn mọi người trở thành Phật tử phải hiểu thâm sâu về giáo lý Phật đà thì quả thật viễn vông và ấu trĩ, khập khiễn.
Chúng ta nên nhớ rằng, 500 người bỏ đi trong hội Pháp hoa là vì họ không chấp nhận nổi khi Phật gần tuyên thuyết và thọ ký cho người khác thành Phật trong tương lai.
Họ bỏ đứng dậy đi ra, chứ không phải họ bỏ đạo Phật mà đi.
Họ là hạt lúa lép chỉ thích ứng với pháp thấp, chứ không phải họ chê pháp Phật mà bỏ đi.
Nên nhớ, chính Ngài Xá lợi phất cũng khóc thống thiết và rất hối hận, khi tự cho Niết bàn của la hán là tuyệt đỉnh. Khi Phật thọ ký thì Tôn giả cũng dựng ngược lông.
Chúng ta đừng lấy cái sự bỏ đi ra đó mà đối chiếu với sự bỏ đạo. Trong thời Phật, không có ai theo ngài rồi lại bỏ. Kể cả Đề bà đạt đa bỏ đi, nhưng sau cũng quy kính Phật lại.
Đừng lấy hạt lúa lép thời Phật mà so sánh với hạng người sơ cơ thời đại này. Cái hạt lúa lép vào thời Phật thì cũng thuộc vào một trong bốn hạng của tứ Thánh quả rồi. Tệ nhất cũng là Dự lưu.
Lệ Thọ là giảng viên Học viện Phật giáo tại Tp.HCM, mà sao lại có sự so sánh ngu ngơ, khập khiển vậy nhỉ.
Chúng ta nên biết rằng, khi Phật còn tại thế, thì chính hình dung, sắc tướng của Ngài cũng đủ hóa giải mọi dị biệt trong hàng đệ tử. Do vậy, mầm mống phân phái đã có từ khi Ngài tại thế, nhưng đến khi Ngài Niết bàn rồi, nó mới bùng phát. Hàng Thánh giả cũng không đủ lực để hóa giải.
Chính vì thế, hàng phàm phu chúng ta, cứ cựa một cái là đem thời Phật ra so sánh là hơi ngông đấy.
Nhà bác học Albert Einstein có khen ngợi đức Phật và đạo Phật thực đấy. Nhưng đó là cách nhìn của nhà khoa hoc. Chứ trong óc não của ổng vẫn tin tưởng vào một vị Thiên chủ.
Lấy cái cá biệt mà đem ra áp dụng cho số đông, thì hỡi ơi, còn gì để nói.
Nếu nói quý hồ tinh bất quý hồ đa, thì phải nói như thế này nè:
Học viện đã đào tạo được mấy ngàn tăng, ni; và hiện tại đang dạy cho hơn 100 tu sĩ Phật giáo, thì phải đào tạo cho bài bản. Chứ đừng học nhiều, biết nhiều mà 100 pháp trong duy thức học mà không thuộc thì hỏng bét. Cái gì cũng biết mà biết mơ hồ thì còn quá hơn là đừng biết.
Khái niệm và nội hàm là nấc thang của tri thức. Hễ nắm chắc được nội hàm của khái niệm thì nói ít mà hiểu nhiều. Chứ nội hàm không nắm rõ thì giảng càng dai càng lạc đề.
Đấy, quý hồ tinh bất quý hồ đa là như vậy đấy.
Đã là sinh viên học viện thì phải nắm rõ lịch sử phân phái trong Phật giáo. Nếu không nắm được, tri thức treo cành cây.
Nếu ai đến cửa Phật cũng học thâm sâu giáo lý, thì cái ban hoằng pháp lập ra làm gì.
Mặt bằng tri thức ngoài xã hội còn thiên lệch, méo mó theo từng vùng, từng địa phương, mà lại đòi hỏi kiến thức của Phật giáo đồ ai cũng phải thâm sâu thì quả thật vô lý hết sức.
Thầy nói rằng :
"Cho nên người Phật tử chân chánh hà tất phải bận lòng trước sự đến đi của thế sự, vì đó là bản chất của phiền não"
Hỡi ơi, tiền nhân chúng ta mà nghĩ như Thầy, thì cái đạo Phật đã bị bỏ bao bố hết rồi. Ôn Đôn Hậu còn bị bắt tự đào hố để tự chôn mình, thì cái phiền não mà Thầy muốn tránh thấm béo vào đâu.
Theo Thầy, những người đang thảo luận về vấn đề cải đạo là không chân chánh àh.
Thầy né tránh cái phiền não này, thì Thầy sống với niềm an lạc nào vậy. Kể ra để chúng tôi học hỏi.
Thầy có đọc tác phẩm "50 năm chấn hưng Phật giáo" của Ôn Thiên Hoa chưa? Mà sao Thầy khoái an lạc vờ vĩnh vậy.
Vô cớ nỗi lòng tham, đám atula cầm lửa lấn chiếm đỉnh núi Tu di, vốn dĩ không phải của chúng, thì phải có Tứ thiên vương chống trả, đuổi chúng về vị trí của chúng.
avatar
Thiện Phúc 17/02/2011 06:10:49
Chào các vị.
Nhân đọc được bài Quí hồ tinh bất quí hồ đa của tác giả Lệ Thọ và một số ý kiến của quí vị, tôi có ý kiến sau:
1/ Các vị đã hạ thấp đạo Phật bằng các tôn giáo khác, nên tìm cách chống "bán phá giá".
2/ Hồi giáo cũng đã xâm lăng Phật giáo, và cải giáo một số quốc gia trước đây từng là quốc giáo của Phật giáo, sao không ai lên tiếng vậy?
3/ Nếu tìm cách chống cải đạo, thì nhiều tôn giáo lắm, vậy Phật giáo có phải mở một cuộc "Phật chiến" không?
4/ Tôi đến với Phật giáo là tư tưởng tuyệt vời. Thinh văn duyên giác Bồ tát mà còn không quan tâm. Chứ mấy cái việc chống gì gì đó thì tôi coi không có ra gì. Nếu đạo Phật trong thời gian sắp tới chính thức từ Tăng Ni kêu gọi Phật tử chúng tôi chống...tôi tự nguyện bỏ cái đạo chống của quí vị, để trở về vui thú điền viên. Bởi đức Phật cũng phải chấm dứt mạng căn ở tuổi 80, và giáo lý của ngài cũng không thể đứng trên sinh trụ dị diệt. Ngoài ra ngài cũng có tam năng tam bất năng.
Đấy, tui hiểu thế nên tôi theo đạo lý ngài, còn quí vị tui thấy có phần hơn đức Phật!
Khâm phục khâm phục!
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Tang Thai 12/02/2011 21:22:00
Khi người ta đến với bạn bằng lợi lộc, thì người ta cũng vứt bỏ bạn bằng lợi lộc.
Tôi không tin rằng những đối tượng cải đạo vì được những lợi ích trước mắt lại trung thành với đạo mới của họ. Vậy, chẳng lẽ phải khống chế họ kiểu như trong các truyện kiếm hiệp hay dùng: cho uống độc dược, phải làm việc cho "lãnh đạo" để được uống nhỏ giọt thuốc giải? Có lẽ vậy.
Không có gì phải tiếc vì có kẻ chạy đi, vì người Phật Tử thuần thành có trí tuệ.
avatar
T. Nghiệm 12/02/2011 23:34:07
Sở dĩ số lượng người phương tây bỏ đạo Thiên Chúa ngày càng nhiều bởi vì họ đã sống chung với đạo này một thời gian khá lâu và mới hiểu được bản chất vấn đề. Người Á Đông theo đạo Thiên Chúa ngày càng nhiều bởi vì đạo này còn mới mẻ so với họ và đáp ứng được nhu cầu trước mắt.

Lẽ sống của con người bình thường là thế. Đơn cử trường hợp dễ hiểu: Có một cặp tình nhân mới quen nhau thì lúc nào cũng muốn lấy nhau để được bên nhau. Lúc đó, có người ngoài thấy họ không hợp và bảo xa nhau thì chẳng bao giờ được. Nhưng để cho họ bên nhau một thời gian rồi thì sẽ có mâu thuẫn phát sinh và sau đó tự họ sẽ chia tay hoặc ly dị.

Ở ngoài chăn thì nghĩ vào trong chăn sẽ ấm, nhưng thật tình là: "Ở trong chăn mới biết có rận."

Phương pháp "Trial and Error" được ứng dụng rất hiệu quả trong khoa học hiện nay là một điển hình cho vấn đề này. Có nghĩa là: Chỉ có sự trải nghiệm cái sai thì mới thấy được cái đúng. Và: Phương pháp giáo hoá tốt nhất là không giáo hoá.
avatar
GIA THỊNH 13/02/2011 09:19:50
Tôi thấy tác giả nói chí phải. Đâu cứ phải đông tín đồ là tốt, tôn giáo nào hay thì họ thu hút người khác đến thôi. Cứ như đạo của tôi, đủ mọi cách để cải đạo, mở rộng nước Chúa. Nào là cải đạo cho người nghèo khổ , cải đạo qua hôn nhân, cải đạo cho người sắp chết, thậm chí cho người đã chết... đủ các cách để mở rộng nước chúa cho dù bất chấp thủ đoạn bẩn thỉu nào. Phật giáo không nên bắt chước những thói này.
avatar
Trung Thanh 13/02/2011 10:18:34
Vậy thì mạo muội xin thưa mí T.Nghiệm ! Giữa trình độ thông hiểu Phật pháp của VN và nước ngoài khác nhau như thế lào và phương tây có cái cách cải đạo vô liêm sỉ như ở xứ ta không Có` thể tui chưa hiểu ý kiến của T.Nghiệm nói nhưng với Lệ Thọ thì .,..tỏng tòng tong cả rồi đấy ạ !
avatar
huynhvanhoang 13/02/2011 17:55:53
trên tinh thần ,< y nghĩa bất y ngữ> tôi tán thán bài viết của Thầy Lệ Thọ
avatar
Thuan Thanh 13/02/2011 18:33:47
Hết sức ca ngợi tinh thần "y nghĩa bất y ngữ của huynhvanhoang ! Ít ra cũng phải có một người dũng cãm ,giúp TIẾN SĨ-TU SĨ Thích Lệ Thọ một ly nước giải khát .
Riêng tôi và nhiều bạn khác nỗi đau đáu về vấn nạn cải đạo vẫn còn nguyên vẹn ,nhức nhối khôn cùng .
Thãm thương thay Phật giáo VN !!!
avatar
Nguyen Tan Rac 14/02/2011 00:27:31
Đạo Phật là đạo giác ngộ, phải có duyên mới đến với đạo Phật. Vì thế chúng ta chớ có quá sợ hãi vì chuyện cải đạo mà có những bài viết sân si với nhau ! Nếu đã không nhân duyên với đạo thì không cần ai quyến rũ thì người ta cũng lơ là với đạo, bỏ đạo hoặc không vào đạo. Việc hoằng pháp lợi sinh của đạo Phật ngày nay khá rộng và lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Ai có nhân duyên nhiều kiếp hoặc có chủng tử pháp phật thì họ sẽ tự giác qui y, hoc hỏi, hành trì. Đừng sợ !
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Do Ngan Thua 14/02/2011 03:09:07
Bạn Nguyen Tan Rac (!) ơi ,vấn đề ở đây không phải sợ hay không sợ mà là những ý kiến đưa ra để cùng nhau kiến giải ,giúp nhau nhìn rõ hơn một vấn đề .Nhất là có một vài con chiên đi lạc vào đây phá rối .Nguyen Tan Rac (!) hãy lo nhiệm vụ của mình cho tròn đi nhé .
avatar
Hieu 14/02/2011 18:34:32
Bài viết hay. Tuy nhiên chỉ thích hợp với thiểu số. Câu cuối cùng hơi dở vì tác giả đã chen một cái ngã của mình vào.
avatar
Xuân Thu 14/02/2011 21:57:47
Thầy Lệ Thọ đã tạo cơ hội vàng cho Phattuvietnam.net mà họ nói sẽ có loạt bài.
Mong Cầu Thị gửi lại bài viết gửi cho Minh Thạnh để mọi người được biết.
avatar
Hạ Đông 15/02/2011 07:00:06
Dám thứ hỏi bạn Xuân Thu .Phải thù thú thiệt là tôi bậm gan lắm mới dám đệ trình. lên Ngài một vài ý nầy .

- Loạt bái nớ là noạt bài chi ?

Tốt nhất sao mấy bữa nay hõng đưa lên chi thiên hạ tường lãm .Phài đợi đến khuya hôm ni mới "KHÈ " lên là sao ạ ?
avatar
vo vo 15/02/2011 21:00:29
Không hiểu sao các bạn lai để chỉa mủi dùi vào tác giả LT. Tôi không biết đã ai thực sự làm được gì cho việc chống lại cải đạo chưa, hay chỉ lớn tiếng hò hét trên diễn đàn ? Mọi người có quyền nêu ý kiến của cá nhân , và bảo vệ ý kiến của mình nhưng không vì vậy mà lên tiếng dè bĩu, phê phán chụp mũ ai khác ý với mình là vong ân, phản bội. Phật tại Tâm và đến với đạo Phật để tìm sự an bình tỉnh tại , chính cái đó mới là điều mà những người Phật tử bình thường như chúng tôi cần. Nhưng các vị là phật tử thuần thành hay Tu sĩ mà bới móc nhau như vậy trên diễn đàn có đúng là gìn giũ cho đạo Phật không? Các vị Tu mà còn Sân SI với nhau bắt bẽ nhau từng câu chữ như vậy, thì đúng là chẳng bình an được . Ngoài đời vì tranh giành danh vì lợi mà người ta chỉ chờ khuyết điềm cùa ai đó đề đạp xuống cho mình ngoi lên , còn các vị há cũng vậy ru ? Chưa thấy mục tiêu chống cải đạo tới đâu mà chỉ thấy sự chia rẽ trong nội bộ như vậy là để khoảng trống cho kẻ lạ vào nhà rổi . Chính cách sống, cách hành xử và Tu tập cùa các vị Tu sĩ chân chính mới là động lực đề các phật tử theo đó mà tìm về với Phật Pháp, như vậy không hành động mà có động, còn cái động của quí vị chỉ gây sự chia rẽ và nghi hoặc trong nội bộ đó là động mà như không là vậy
avatar
VPG 18/02/2011 02:57:59
"Quý hồ tinh, bất qúy hồ đa" là nói về nghề nghiệp, chứ không phải nói về tôn giáo.

Nghề nghiệp quý ở chỗ giỏi nghề, nghề nghiệp tinh thông, tinh xảo, chứ không phải quý ở chỗ biết nhiều nghề. Biết nhiều nghề, mà không giỏi riêng nghề nào hết thì không quý chút nào. Chỉ cần giỏi một nghề là có thể nuôi sống bản thân, gia đình, và giúp ích cho xã hội.

Còn tôn giáo mà nói "bất quý hồ đa" thì lúc chỉ còn có một hai tín đồ lèo tèo thì quý ở chỗ nào?
Ngay cả khi Đức Phật thành đạo, Ngài cũng muốn phổ biến đạo của Ngài cho rất nhiều người. Ngài không nói là "bất quý hồ đa".
avatar
Tâm Minh 20/02/2011 00:30:53
Quí vị cần biết rằng "ngôn tại ý ngoại", và "y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" kia mà
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Minh Tâm 20/02/2011 17:34:25
"Ý tại ngôn ngoại" bạn ơi!
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Chí phèo 24/02/2011 02:47:17
Bậc thượng đẳng an tâm với đạo.
Bậc trung đẳng an tâm với sự việc.
Bậc hạ đẳng chỉ lo danh lợi vật dục.
Đạo Phật và đệ tử Phật ở hạng nào????
avatar
Thị Nở 24/02/2011 10:16:30
Thị Nở thấy mình không ở hạng nào trong 3 hạng trên. Vì Nở còn phải lo nhiều việc thường ngày lắm. Nào là lo chuyện đề phòng chùa cháy, tượng phật bị chặt đầu, Nào phải lo chuyện ăn vạ đòi đất, Nào phải lo chuyện dặn dò người thân canh chừng khi mình chết kẻo không thì "quạ đen ở đâu kéo đến ăn hết phần hồn", Nào phải lo bảo vệ đất nước kẻo không thì đất nước bị chia năm, xẻ bảy lập khu tự trị, "bị dâng cho ngoại bang", bàn thờ tổ quốc, tổ tiên bị đạp đổ... thì có tội với tiền nhân.
avatar
Chí Phèo 27/02/2011 02:14:55
Quí vị ơi.
Sao mà nhầm lẫn và dễ giải trong nhận thức thế!
Trên đời này tôn giáo nào không mơ số lượng tín đồ và đạt được quốc giáo. chính vì vậy mà Palestine, Israel; Ấn giáo và Hồi giáo đánh nhau hàng trăm năm nay vì cái gì?
Cách làm của quí vị có phải là đưa Đạo Phật và dân tộc vào quỹ đạo của các quốc gia trên không? Như vậy thì đạo Phật đã mất đi vị trí số một trong lòng dân tộc Việt Nam là “hộ quốc an dân”. Đạo Phật đã trở thành hơi thở và huyết quản của 85% dân tộc Việt.
Song đạo lý cũng phải có hồi suy vong hay hưng thịnh là lẽ tất nhiên theo quy luật: “sinh trụ dị diệt”.
Tại sao ta lại đi phó thác chuyện sống còn của dân tộc và Phật giáo cho một người nổi tiếng Dalaidhama? Ngài cũng là con người vẫn chưa đoạn tận vi tế tham sân si. Vậy sự lựa chọn đó là không an toàn. Chúng ta học Phật tại sao không theo lời Phật? Có phải chúng ta đang xã hội hóa Phật giáo, và biến đạo Phật thành một tôn giáo?
avatar
Nguyễn Văn Chín 22/03/2011 03:35:36
Đạo mà ít tín đồ là đạo đó sẽ không trường tồn. Một tôn giáo phải cần số lượng tín đồ thật đông, càng nhiều càng tốt. Việc người theo đạo hiểu giáo lý kinh sách đến mức độ nào là trách nhiệm truyền đạo của tôn giáo đó và đó là vấn đề thời gian. Anh Lệ Thọ nó "quý hồ tinh bất quý hồ đa" là anh nói ẩu và câu nó đó là câu nó để tuyển chọn người làm việc trong những công ty kinh doanh sản xuất đâu có thể đem áp dụng cho một tôn giáo. Đạo ngày nay đang trên đường thoái trào do rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân tự mản là lớn nhất. Thầy nào. sư nào cũng muôn tranh giành trụ trì chùa ta phật lớn nhưng công việc hoằng pháp, tu học thì lơ là chỉ lo làm dịch vụ kiếm tiền. Một trăm ngôi chùa là hết chín mươi chín chùa là tổ chức cúng bái, lễ lạc mang tính chất kinh doanh và không đúng giáo luật. Ví dụ chùa sao lại tổ chức cúng sao giải hạn, cúng tam tai, xin xâm, bói toán, xem tử vi, gieo quẻ, vẽ bùa, xem ngày cưới, xem ngày chôn cất .v..v... Những vị sư trẽ tốt nghiệp các trường đào tạo của phật giáo về trụ trì ở các chùa ở những xã còn nghèo nhưng bày cái lễ nhậm chức trụ trình rất là rình ran, hoành tráng, cói xí, băng rôn, quy tụ rất đông người, Tổ chức đạo tràng , quà tặng, ăn uống rất tốn kém bên cạnh một thôn xã dân còn nghèo khổ xem rất phản cảm. Đạo chủ trương từ bi, bố thí nhưng bây giờ việc ấy hầu như chỉ thực hiện cho có lệ. Công việc Phật sự thì ít nhưng công việc tư sự của sư trụ trì thì nhiều. Ngày nào cũng có người thỉnh rước tụng kinh cầu siêu cho người chết có khi sư đi khỏi cvhua2 ba bốn ngày thậm chí cả tuần mới về chùa, Chùa chỉ còn chú tiểu và người hộ tự.Sự việc nhiều lắm nói sao cho hết, Sư trẻ và quán cơm chay với nử phật tư trẻ ăn ưống trò chuyện quá múc thân thiện rất phản cảm... Nhiều quá nói không hết....
avatar
Minh 22/03/2011 07:00:49
Chào bạn Thị Nở,
Tôi rất tâm đắc với lời bình luận của bạn. Tôi cũng có những mối lo giống như vậy.

Câu nói "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" thật ra không hẳn là không đúng.
Ngày xưa, khi Đức Phật thành đạo, Ngài bắt đầu giảng Pháp và lúc đó chỉ từ một người giác ngộ duy nhất là Ngài thôi mà Đạo Phật phát triền một cách hòa bình đến hàng bao nhiệu trăm triệu Phật tử như bây giờ.

Nếu bây giờ có một vị tu hành đạt đến mức Thánh tăng, đại chấn hưng Phật giáo thì ảnh hưởng sẽ lớn biết mấy, sá gì mấy chuyện ngoại đạo âm thầm đi lôi cuốn tín đồ.
Có điều là khó có được một vị như vậy trong thời buổi này.

Nói đến chuyện cải đạo, tôi mong ngóng biết bao được gặp những người chuyên đi dụ dỗ người ta cải đạo.
Tôi muốn nghe họ nói những gì mà có người nhẹ dạ nghe theo như vậy. Và tôi sẽ nói cho họ biết thế nào là đạo của họ, tôi e rằng họ không biết rõ đạo của họ bằng tôi đâu. Tôi vẫn "đọc" kinh thánh" mà họ sùng bái, và tôi nghĩ là tôi hiểu rõ nội dung hơn họ.

Tôi đã trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời, khi còn là sinh viên cũng có một linh mục dụ dỗ tôi theo cái đạo lúc bấy giờ gọi là công giáo, khi sắp kết hôn cũng bị gia đình bên kia đề nghị theo đạo của họ, nhưng tôi đã vượt qua hết, kết quả bây giờ người hôn phối của tôi cũng theo đạo Phật với tôi.

Thật ra những người chịu cải đạo là những người không hiểu rành đạo Phật mà thôi. Và trách nhiệm về ai thì tự quý bạn suy nghĩ sẽ biết.
avatar
Dieu binh 09/04/2011 07:56:12
Toi tin rang Phat giao mai mai la dao phat trien nhat boi suc song manh liet cua Duc phat
avatar
Dương Tử Anh Phương - Hoa Khai 11/04/2011 01:40:55
Thấy bên Phattuvietnam.net im im! Tưởng là chuyện êm êm, sao bên này vẫn còn rầm rộ thế nhỉ???
Tôi đã gửi lá thư này cho Phattuvietnam.net! Nay mời quý vị đọc thử!!!

"Kính gửi BBT Phattuvietnam.net!
Hoa Khai (HK) là 1 trong những độc giả thân thiết của trang nhà! Ngày nào cũng vậy, trước khi vào bàn học, HK đều vào trang nhà lướt qua một chút! Và lần nào cũng vậy, khi rời trang nhà HK đều mang trong mình chút ưu tư! Và mỗi ngày tích tụ đã khiến hôm nay dù bận rộn việc học thi nhưng HK quyết tỏ lòng mình!
Đầu thư xin kính chúc BBT trang nhà sức khỏe, thành công và niềm vui hạnh phúc! Thấy trang nhà thành công bao nhiêu thì HK cũng trộm "vui ké" bấy nhiêu! :)
HK là kẻ tuổi nhỏ, tài hèn, nên trong câu cú không thể không có sai xót hay chứa tính chất gọi là ngạo mạn! Thứ nữa là do bức thư này HK viết vội vì bận bịu nên không đạt mức hoàn chỉnh cao nhất. Nên kính mong BBT đọc và hoan hỉ bỏ qua những lỗi của HK.
BBT thân mến!
Không biết HK có đúng không nữa nhưng HK thấy những bài viết mang tính chất thuần túy và các mô hình của Phật giáo trên thế giới như: Người Thái luyện mình, Pháp hành Minh Sát thực tiễn, Nỗi lo mag tên trùng tang,... thì độc giả của Phattuvietnam.net (Ptvn) lại chỉ đọc sơ qua và chẳng ai có ý kiến gì hết! Trong khi đó, những bài liên quan đến "sự tồn vong" của Phật giáo lại được quan tâm "hơi quá". Phải chăng tinh thần "Hộ pháp" độc giả của Ptvn quá lớn để tạo ra một khoảng chênh lệch quá lớn như thế này! Những bài viết mang tính chất tinh thần Phật giáo lại rất ít được quan tâm, ý kiến, trao đổi kiến thức Phật Pháp. Chúng ta làm "công tác hộ Pháp" mà chỉ biết "nói suông", nói cho kêu, cho to, cho lớn! mà chẳng hành động được thứ gì! Có sinh ắt có diệt, có thịnh ắt có suy, đó là điều từ cổ chí kim mà không cần ai phải giải thích. Phật giáo có tàn lụi đi nữa thì đó là điều tất yếu, ngay cả Đức Phật cũng không phủ nhận chuyện ấy! Nhưng không phải bây giờ...! Quý vị "Hộ pháp" nghĩ như thế nào mà kêu bây giờ Phật giáo Việt Nam đang tàn lụi??? Nếu tàn lụi thì làm sao quý vị được tổ chức cái Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà nội truyền hình trực tiếp to đùng đùng thế kia! Nếu tàn lụi thì tại sao Lễ thắp sáng 7 bông sen trên Sông Hương của Phật giáo Huế được truyền hình trực tiếp trên HVTV cho cả khu vực miền Trung. Nếu tàn lụi thì làm sao quý vị được treo cờ Phật giáo, tổ chức lễ Phật Đản rình rang! Nói tóm lại là Phật giáo bây giờ không thể tàn lụi được! Vậy mà quý vị cứ đi hết bài này đến bài khác, tâng bốc cho lên thành vấn đề "nóng bỏng"! Sao quý vị không thực hành đi, mà cứ ngồi đó mà nói mãi! Quyền lực của báo chí là gì? Là khiến cho Vedan phải ngưng xả nước thải ra Sông Thị Vải, là khiến cho Vedan phải bồi thường cho nhân dân! Là khiến cho cái xấu, cái ác phải thôi lộng hành khi báo chí lên tiếng. Là khiến cho các cấp, các ngành, phải "sốc", phải nhìn lại, phải kiểm điểm, phải xấu hổ khi coi xong "Táo Idol". Ptvn lên tiếng thì đã được gì chưa? Phía Thiên chúa giáo đã lên tiếng xin lỗi về vụ rùm beng, bê bối "Sư cô trụ trì cải đạo" chưa? Dự án truyền hình Phật giáo đã đi đến đâu rồi! Mô hình trường mầm non, tiểu, trung học Phật giáo đã đi đến đâu rồi? Hay chỉ còn trên giấy?
"Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" sự thật đó, sự thật thì mất lòng thôi!!! Bao nhiêu người la, bao nhiêu người chửi. Thầy Lệ Thọ ơi Thầy Lệ Thọ, thầy biết thì thầy cứ làm thinh, mũ nĩ che tai như các bậc tôn túc khác đi, nói lên làm chi đã bao nhiêu chúng sanh mang tội hủy báng Tăng già!
Bao nhiêu người "Hộ pháp" mà không biết Hộ như thế nào, hoặc chỉ nói mà không làm, quấy động lòng người, được gì cơ chứ!!! Mất thời gian lắm!
Theo Hoa Khai thì nếu quý vị thật tình "Hộ pháp", thì xin quý vị hãy bắt tay vào mà hành động đi, đừng ngồi đó mà nói nữa, nói hoài, nói hoài, khổ lắm nói mãi thôi đừng nói nữa làm đi!
Quý vị làm sao mà có kênh truyền hình Phật giáo kìa, có hệ thống Mẫu giáo, Tiểu, Trung học Phật giáo kìa! Làm sao mà cứ đến hè thì tỉnh nào cũng tổ chức Khóa tu mùa hè để khỏi dồn về Hoằng Pháp mà tội Thầy Chân Tính lắm! Làm sao tỉnh nào cũng có Ban Văn hóa, ấn tống kinh sách, băng đĩa Phật giáo "phờ-ruy"(free) đi kìa! Làm sao cho tỉnh nào có trường Đại học thì Phật giáo "Tiếp sức mùa thi" mỗi kỳ thi Đại học về, rồi bao nhiêu học sinh nghèo, sinh viên nghèo phải bỏ học hằng năm! bớt 1 cái Trai Đàn chẩn tế thôi cũng đủ cấp học bổng cho hàng chục học sinh, sinh viên nghèo!!! Hình như độ tử nhiều hơn độ sinh thì phải rồi đó!
Đất Huế chùa sát chùa, ấy thế mà năm vừa rồi mới tổ chức được cái Tiếp sức mùa thi phạm vi 2 Hội đồng thi!!! Chỉ cho ăn, không cho ở!
Đất Huế chùa sát chùa, ấy thế mà người dân ở đây hỏi Kiến thức Phật giáo nửa chữ bẻ đôi không biết! Gia đình Phật tử thì nội bộ lủng củng, lôi thôi, lếch thếch!
Đất Huế chùa sát chùa, vậy mà không có nổi 1 CLB Sinh viên Phật tử, Thanh niên Phật tử.
Đất Huế có Trung tâm văn Hóa Phật giáo Liễu Quán, mà chỉ là tòa nhà có 1 bức tượng Phật, 1 bức tổ sư Liễu Quán, vài tủ sách ít ỏi! Cửa đóng suốt ngày! Văn hóa Phật giáo Huế ở đâu?
Đất Huế năm rồi có Hội thảo Tuổi trẻ và Phật giáo, loe ngoe vài đứa trẻ, còn đâu toàn người già, người trẻ nói thì bị người lớn quở "nói mau cả túi (tối)", "xin bạn nói cô đọng súc tích dễ hiểu, thời gian có hạn". Xong Hội thảo, ý kiến vẫn chỉ là ý "kiến"!!!
Đất Huế chùa sát chùa, nên rủ người trẻ đi chùa thì bị nói lại: "Bị điên, hết chỗ đi rồi à!"
Tiềm năng của Huế mạnh nhất, nhưng cũng chỉ là "Tiềm năng"! Mong lắm 1 chấn Hưng Phật giáo Huế thứ 2!
Phật giáo Huế, Quảng Trị theo dân vào Đồng Nai kinh tế mới! Cũng tiềm năng lắm, cạnh Sài Gòn, Bình Dương Phật giáo phát triển ầm ầm, ấy thế mà, Đại đức Thích Thiện Mỹ phải đi xe từ Biên Hòa lên Sài Gòn bay ra Hà Nội, rồi đi xe về Thanh Hóa để tổ chức Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo ở tỉnh này! Trong khi đó lịch sử Phật giáo Đồng Nai chưa có 1 Hội trại tuổi trẻ cũng như Khóa tu mùa hè nào! Đại Đức Thích Quảng Hiền, Thích Chiếu Ý,...(chùa Phước Viên - Biên Hòa) tài ba, bác học, uyên thâm... cũng rời Đồng Nai để lên Đắc Nông, Đắc Lắc hoằng pháp! Trong khi Đồng Nai vẫn âm thầm đi sau Thiên chúa giáo! Ai cho Phật giáo Đồng Nai tổ chức "con đường đèn hoa, rước Phật" mỗi khi Phật Đản giống như Thiên chúa giáo tổ chức "con đường đèn hoa, rước Chúa" mỗi khi Giáng sinh nào???
Ấy đấy! Quý vị Hộ pháp nhiều vị quyền cao chức trọng lắm, nhiều vị nắm trong mình đao to búa lớn lắm, quý vị giải đáp giúp Hoa Khai với!
Còn Ptvn, Hoa Khai chẳng muốn nói gì thêm nữa, chỉ nói lại mấy câu này thôi: "Quyền lực của báo chí là gì? Là khiến cho Vedan phải ngưng xả nước thải ra Sông Thị Vải, là khiến cho Vedan phải bồi thường cho nhân dân! Là khiến cho cái xấu, cái ác phải thôi lộng hành khi báo chí lên tiếng. Là khiến cho các cấp, các ngành, phải "sốc", phải nhìn lại, phải kiểm điểm, phải xấu hổ khi coi xong "Táo Idol". Ptvn lên tiếng thì đã được gì chưa? Phía Thiên chúa giáo đã lên tiếng xin lỗi về vụ rùm beng, bê bối "Sư cô trụ trì cải đạo" chưa? Dự án truyền hình Phật giáo đã đi đến đâu rồi! Mô hình trường mầm non, tiểu, trung học Phật giáo đã đi đến đâu rồi? Hay chỉ còn trên giấy?"

Những điều HK nói có lẽ khó nghe nhưng dù sao cũng xin chân thành cảm ơn BBT Ptvn đã lắng nghe điều Hoa Khai muốn nói.
Nam mô Hoan Hỉ Phật!
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương!
Trung tâm Học Liệu Huế, ngày 26/02/2011
Sinh viên Phật tử: Dương Tử Anh Phương - Hoa Khai!
avatar
Mộng du 23/04/2011 07:46:53
Thông tin trước đây chỉ ghi là Lệ Thọ, thông tin hôm nay chỉ ra tác giả là Thích Lệ Thọ.
Vậy thì, đã xác định được vị trí của người viết rõ ràng rồi. Điều ấy cũng có nghĩa rằng, phạm vi trao đổi càng dễ dàng và cụ thể hơn.
Trước tiên, tác giả viết rằng:
"Không phải cho đến bây giờ mới có người bỏ đi mà trong thời ngài còn trụ thế, vẫn có 500 người đứng dậy bỏ đi. Ngài cho số đó là cành lá hạt lép."
Đây là đại ý được rút trong kinh Pháp hoa. Nhưng theo chính văn trong kinh là 5000 người , chứ chẳng phải 500 như tác giả đề cập đâu. Hãy xem kinh Pháp hoa do hòa thượng Trí Tịnh dịch, trang 62, dòng thứ 6 từ trên xuống, đoạn thuộc phẩm Phương tiện.
Nếu đem so ra với số lượng "bỏ đi" mà Thích Lệ Thọ dẫn ra là ít hơn 4500 người, tức chỉ là 1 phần 10 mà thôi.
Đó là một điều tác giả "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa" cần phải nhận ra khuyết điểm của mình. Tại sao một bộ kinh vừa lớn về số lượng lẫn nội dung, vừa đọc tụng thông dụng như thế mà tác giả lại không nhớ kỹ nhỉ ?
Tôi nhớ đâu đó, Bùi Giáng có định nghĩa "nghiên cứu" trong tác phẩm Tư tưởng hiện đại rất hay, đại ý thôi nghe, rằng : Cứ tưởng cái gì cũng biết, cũng giải thích được, chứ đâu biết rằng giải thích cho lắm chỉ còn lại cái xác, phần tinh hoa thì bốc hơi bay mất; nghiên cứu thì xô nghiêng một sự vật hiện tượng, sau đó cứu nó đứng dậy, đứng thẳng hay không lại là chuyện khác.
Tiếp theo, chúng ta hãy đánh giá cái "bỏ đi" trong bài viết của Thích Lệ Thọ nó ra sao?
Gắn trong nội dung bài viết này, tác giả nói rằng: "Gần đây, có khá nhiều thông tin miệng và mạng internet râm rang về chuyện một số Phật tử cải đạo."
Vậy thì, cái việc "bỏ đi" đó là đi đâu?
Theo kinh Pháp Hoa, ngyên văn "trong hội có các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, cả thảy năm nghìn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về" (Kinh Pháp hoa, tr.62).
Không có cái chỗ nào có nói "bỏ đi".
Nhưng dùng "bỏ đi" cũng tạm được đi.
Nhưng khi đọc trong bài viết của Thích Lệ Thọ, sự "bỏ đi" đó là bỏ pháp hội để đi ra ngoài, hay bỏ Phật mà đi?
Chắc chắn tác giả cường ép chúng ta hiểu theo nghĩa bỏ Phật mà đi, để phù hợp với tư tưởng "Không phải cho đến bây giờ mới có người bỏ đi mà trong thời ngài còn trụ thế, vẫn có 500 (Thực ra là 5000, Mộng du chú thích) người đứng dậy bỏ đi.' , như Thích Lệ thọ đã viết.
Nếu có 5000 cùng một lúc bỏ Phật mà đi, thì đức Phật có phải là Phật, là “Thầy dạy khắp trời người, cha lành chung bốn loài” nữa không?
Chỉ chừng đó thôi, tôi nhớ đến một câu Thầy tôi dạy:
" Cái gì cũng biết, mà nội hàm và khái niệm nắm không vững, thì coi như chẳng biết cái gì"
Dẫn Đông, trích Tây; chú câu nói nhà khoa học, thích danh ngôn của nhà quân sự lỗi lạc. Nhưng rút lại, chính cái Kinh mà dòng họ Thích cần phải tụng, phải nhớ, phải hiểu thì lại sơ sài, qua loa.
Trước đây tôi đã có ý kiến phản hồi, trao đổi, phân tích rằng, bên cạnh câu " quý hồ tinh, bất quý hồ đa" cồn có "dụng hồ đa tắc kiến hồ tinh", cũng như, phân tích cái vô lý của một người trích và thích một câu của nhà chính trị Trung quốc, mà lại đi ám tả người khác làm chính trị, trong khi họ chỉ là một Phật giáo đồ thuần túy.
avatar
Mộng du 23/04/2011 20:31:04
(Tiếp theo).
Còn một sự liên hệ nữa, qua câu nói "Không phải cho đến bây giờ mới có người bỏ đi mà trong thời ngài còn trụ thế, vẫn có 500 người đứng dậy bỏ đi." của Thích Lệ Thọ; đó là, có 500 vị Tỳ kheo bỏ Phật mà theo Đề bà đạt đa, khi Đề bà đạt đa mống tâm muốn thay Phật để lãnh đạo Tăng già.
Chúng ta có hai cách lý giải.
Thứ nhất, trường hợp này khác với sự cải đạo. Vì rằng, dù họ theo ngài Đề bà đạt đa, nhưng họ vẫn tôn kính hoặc vẫn còn Quy mạng Phật, cho nên giới thể Tỳ kheo mới còn. Còn Tín đồ Phật giáo bị cải đạo thì hết còn Quy mạng Phật, Pháp, Tăng. Và trường hợp "bỏ đi" của 500 vị Tỳ kheo này thật hy hữu, giống như sự hy hữu khi Phật xuất thế vậy, vì đây là trường hợp phá Pháp luân Tăng. Trường hợp này chỉ xảy ra khi có một đức Phật tại thế.
Thứ hai, Tăng đoàn không bỏ mặc họ, mà chính ngài Xá Lợi Phất đi khuyến họ trở về với Phật.
Vì có câu " Ngài (tức là Phật-MD) cho số đó là cành lá hạt lép", thì chắc chắn Thích Lệ Thọ muốn nói đến Kinh Pháp Hoa.
Tôi dẫn ra trường hợp thứ hai này để giúp Thích Lệ Thọ nhớ, và suy nghĩ lại cái "hậu đại học" của mình. Cũng như, "tinh" và "đa" trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào thì hợp lý.
avatar
hạnh 26/02/2012 01:01:33
Làm sao để gìn giữ phật tử?

Một số Phật tử từ bỏ đạo Phật để theo một đạo khác như Công Giáo hay Tin Lành, là một điều dễ hiểu, bởi từ khi bước vào chùa việc tu hành không có gì khác hơn là tụng kinh, trì chú, cầu nguyện van xin cúng bái đủ thứ, còn tệ hơn nũa là đạo của các đám ma, với các buổi đưa linh rước linhvv… Như thế đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín dị đoan không hơn không kém gì so với các đạo khác.
Nếu nói trên đời này, vũ trụ này, cũng khắp đông tây nam bắc vv… có một vị thần linh chúa tể có quyền ban phước giá họa cho muôn loài chúng sanh thì có lẽ Đức chúa Trời là bậc nhất có quyền năng ấy, ai tín chúa thì người đó sẽ lên sống đời ở Thiên Đàng, còn chống chúa, không tin chúa thì đời ở hỏa ngục. Đạo Phật mê tín dị đoan cũng vậy, các đệ tử cũng cầu xin đức Phật . Bồ Tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi bằng cách cầu an, cầu siêu vv… để cho được vãng sanh nơi Tây Phương Cực lạc, chẳng ai muốn đạo ở địa ngục ( bởi người ta tin có một địa ngục). Nói chung đều là mê tín dị đoan hoang đường, nhưng đã là người có đầu óc mê tín mù mờ thì có lẽ tin chúa sẽ có hiệu quả hơn là tin Phật.. Bởi Chúa có quyền năng tuyetj đối.
Vì vậy nói làm sao để giữ gìn Phật tử? có nghĩa họ là những người đệ tử của Chùa này Chùa nọ,mang danh là đệ tử Phật nhưng chẳng thực hành theo lời Phật dạy mà chỉ chuyên làm điều mê tín dị đoan. Theo tôi cái quan trọng là làm sao để gìn giữ Chánh Pháp mới là cái hàng đầu? đệ tử đông mà là toàn Ma vương, ma quân thì chẳng có lợi gì? Thà ít mà giữ được Chánh pháp.Có giữu được chánh Pháp thì mới có đệ tử chân chánh còn không là một đám tà ma không hơn không kém.
Muốn giữu Chánh Pháp cần phải chấn hưng Phật giáo toàn cầu, trước mắt là loại bỏ những nghi thức cúng tế mê hoặc, loại bỏ những kinh ngụy tạo, mê tín di đoan thiếu tính thuyết phục. Công việc này không phải làm được ngay mà phải có một chiến lược lâu dài, nhưng thà chậm, lâu còn hơn là cứ để mặc cho các chùa chiền . sư sãi tự do làm những điều xằng bậy không đúng với chánh Pháp thì đạo Phật sẽ ngày càng suy tàn, không khác gì một đạo mê tín trái với giáo lý của đức phật đã chỉ bày
tổng số: 34 | đang hiển thị: 1 - 34

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.29

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Những lời Chúa phán! Những lời Chúa phán!
23/12/2009 00:04:00
Next

Đăng nhập