Rước xá lợi của Đức Phật: của trao và cách nhận

Đã đọc: 9688           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Hòa thượng Thích Giác Toàn nhận ngọc xá lợi Phật tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: VNN

Lễ rước xá lợi Phật và thỉnh kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người phật tử, bởi trong Tam bảo, xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo, kinh là Pháp bảo và nhà sư là Tăng bảo. Đó là ba ngôi báu - đối tượng quy kính của người theo đạo Phật.

LTS: Sau khi đăng bài Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền của Họa sĩ Lê Thiết Cương, Tuần Việt Nam nhận được bài viết phản hồi của Đại đức Thích Thanh Thắng - Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.

Tôn trọng tính đa chiều của thông tin và để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết này.

Ngày 4/3/2010, Báo Vietnamnet đăng tin tức và hình ảnh lễ rước Xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam qua bài viết: "Nghẹt thở rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam". Bài viết có ba điểm nhấn: Điều kỳ diệu ở đất Phật, Niềm an lạc vượt lên trên không gian tôn giáo, Giữ gìn bảo vật xá lợi Phật cho muôn đời sau. Trong đó có đoạn: "Thượng tọa Thích Huyền Diệu cho biết ông đã nói với mọi người rằng với những bảo vật quý này, chỉ có thể rước bằng một chuyến bay trang trọng, không ngờ nay đã thành hiện thực".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước giao cho việc đứng ra tổ chức sự kiện này, đồng thời lễ rước cũng nhận được sự gia trì từ 11 phái đoàn Phật giáo của 11 quốc gia. Và điều Thượng tọa Thích Huyền Diệu "không ngờ" ấy, đến từ sự phát tâm cúng dường của một phật tử, mà không phải đến từ tiền đóng thuế của nhân dân hay từ sự vận động tài trợ của các doanh nghiệp như những cuộc lễ lớn thường thấy.

Ngày 16/3/2010, người Phật tử ấy đã xuất hiện (dù không mong muốn) qua bài viết: "Đại gia bí ẩn" chi 100.000 USD đưa xá lợi Phật về Việt Nam trên VTC News. Người phật tử đó bộc bạch: "Việc tôi làm nếu người khác có cơ hội cũng sẽ làm như vậy. Thành tâm hướng Phật thì sẽ được Ngài phụ hộ độ trì"; "100.000 USD để cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật".

Những tưởng sự việc đã rõ, càng rõ như ban ngày về "cái tâm của những người hướng Phật". Nhưng tôi thật bất ngờ khi đọc bài viết "Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền" của Họa sĩ Lê Thiết Cương, đăng ngày 19/3/2010.

Họa sĩ Lê Thiết Cương gần như không nắm hết những thông tin trước đó, nên đưa ra một số câu hỏi như "Không biết tiền thuê chuyên cơ và thuê 3 xe hơi hạng sang tổng cộng là bao nhiêu? Ai bỏ ra?". Nhưng điều làm người phật tử bị tổn thương chính là những lời "kết luận" của Họa sĩ Lê Thiết Cương:

"Một chiếc chuyên cơ của hãng Hàng không Quốc gia bay trong ngày khứ hồi Việt Nam - Ấn Độ để chở 3 viên Ngọc xá lợi Phật. Đoàn đi gồm khoảng 100 nhà sư, phật tử, nhiều nhà báo, có cả nhà sử học. Về đến phi trường Nội Bài, 3 viên xá lợi được chở tới Bái Đính (chùa Bái Đính mới, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) bằng 3 chiếc xe đời mới đắt tiền (2 chiếc Lincoln Crystal và 1 chiếc Limousine Hummer).

Đức Phật dạy: Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là thiếu hiểu biết

Đọc đoạn: "những người bình thường thì cho rằng đây là một sự kiện văn hóa, những Phật tử thì cho rằng duyên. Những người biết thì bảo, cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh".

Kinh Kim Cương bảo: vô minh giống như tấm gương bị bẩn, phải lau sạch đi, không những thế phải đập cả cái gương đi. Gương sạch mới thấy Tâm, thấy tính, kiến tính thành Phật. Thế mà cuối cùng cũng không còn tâm nữa, không chấp vào tâm nữa mới đến được bờ bên kia huống hồ lại chấp vào chùa to, tượng to, chấp vào xá lợi, cho dù là xá lợi của Đức Thích Ca"

Họa sĩ khu biệt ba đối tượng: người bình thường, người phật tử, người biết ("người biết"? - NV). Và người cho mình cái quyền đại diện cho "người biết" này bảo: "cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh".

Tuy nhiên, "người biết" càng mâu thuẫn hơn khi dùng "giáo lý nhà Phật" để "soi" sự việc. Bởi nếu đã nhận ra "không đúng, không sai", "thiện ác còn chả có nữa" thì làm gì có điểm tựa để phê bình, lý luận. Khi không có điểm tựa để phê bình, lý luận thì không thể đưa ra bất cứ kết luận nào dù là "vô minh" hay "kiến tánh"...

Giáo lý Phật giáo là giáo lý trung đạo, không rơi vào chấp có (có thể hiểu là hình thức chùa to, Phật lớn, xá lợi...), không rơi vào chấp không (có thể hiểu không cần đến phương tiện truyền đạo như chùa to, Phật lớn, xá lợi...). Giáo lý đạo Phật có "đốn" (giác ngộ ngay lập tức), "tiệm" (giác ngộ dần dần), "mật" (sâu kín, khó diễn tả), "hiển" (rõ ràng), tuỳ xứ, tuỳ thời, tuỳ căn cơ mọi người mà vận dụng những phương tiện thích hợp để đạt hiệu quả truyền pháp, có thể y cứ vào "danh" để sáng tỏ "nghĩa", có thể y cứ vào "nghĩa" làm sáng tỏ "danh". Nhiều khi muôn bài thuyết pháp cũng không bằng việc tỏ bày một hình thức để cho người khác khởi niềm tin kính hướng thiện.

Đức Phật nói vô thường, vô ngã trong một quốc độ mà căn tính của con người vốn chấp thường, chấp ngã. Nếu một thế giới mà con người không còn chấp thường, chấp ngã thì việc gì Ngài phải mất công nói về vô thường, vô ngã. Nếu một thế giới mà không còn tư duy nhị nguyên thì việc gì phải bàn về "đúng - sai", "thiện - ác", "danh - nghĩa". Nếu một thế giới mà mọi người đều không còn chấp vào "đúng - sai", "thiện - ác", "danh - nghĩa", thì thế giới ấy không cần đến giáo dục, khuyến hoá.

Vậy những "người biết" mà Họa sĩ Lê Thiết Cương nói họ đang có tư duy nhị nguyên, hay không còn tư duy nhị nguyên? Xác định được điều này thì mới có thể lấy giáo lý mà "soi" được. Bằng không, anh không có cái để bỏ và anh không thể bỏ được những cái anh đang sở hữu (chấp), đang vun đắp cho bản thân, thì sao anh có thể khuyên người khác hãy bỏ, đừng chấp và hãy coi mọi chuyện là không có gì hết được?

Trong Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (được lập vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7, 1126), thiền sư Giác Tính Hải Chiếu có viết: "Tạc nên hình tượng để biểu thị "sự thâu tóm"; dựng nên đền tháp để có "sự hướng về". Hết tâm sức để kinh doanh, bỏ châu ngọc mà không tiếc. Cho nên đường thì đặt ranh giới bằng dây vàng, hiên thì phô sự quý giá của rèm châu. Tuy rằng hết đỗi trang nghiêm, mà vẫn không hề xa xỉ. Bởi vì mục đích là ở sự tìm cái "nhất" và cái "chân", chứ đâu phải chỉ cốt làm cho bụng dạ và con mắt chói lòa để khoe khoang sự tráng lệ. Từ khi có Phật giáo tới nay, sự thờ phụng ngày càng thêm mới...".

Lễ rước xá lợi Phật và thỉnh kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người phật tử, bởi trong Tam bảo, xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo, kinh là Pháp bảo và nhà sư là Tăng bảo. Đó là ba ngôi báu - đối tượng quy kính của người theo đạo Phật. Trong những ngày đầu nhà nước Đại Việt giành lại quyền độc lập tự chủ, lịch sử dân tộc từng ghi nhận những sự kiện thỉnh kinh tạng từ Trung Hoa, và việc rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam là một "cơ duyên" chưa từng có.

Tôi xin trở lại bài báo Nghẹt thở rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam để nêu ra cái "cơ duyên" chưa từng có này: "Cơ duyên để phật tử Việt Nam được chiêm bái những viên ngọc xá lợi Phật quý giá ở chính đất Phật, đến từ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từ ngày 30/9 đến 5/10/2009. Khi đó, chủ tịch Hội phật giáo thế giới tại Ấn Độ, hòa thượng U Nyanerinda đã trao tặng cho Phó chủ tịch nước chín viên xá lợi Phật".

Lễ rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam chính thức được thông qua con đường ngoại giao. Nước bạn đã trân trọng trao tặng một bảo vật vô giá cho Việt Nam. Vì vậy, "của trao" và "cách nhận", "văn" và "chất" của sự kiện phải được ý thức như vấn đề thuộc "phương diện quốc gia", không phải cuộc mua bán ở chợ để có thể tuỳ tiện dùng đến những từ "đắt đỏ", "lãng phí", "tốn kém" (nói như người phật tử đã phát tâm cúng dàng kia, dù có hàng triệu đô cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật), và càng không thể dùng những từ "vô minh" để hạ thấp lễ rước xá lợi Phật có ý nghĩa thiêng liêng đối với người Phật tử Việt Nam. Người Việt có câu: "Để thì hòn đất, cất thì ông Bụt", việc trân trọng các giá trị văn hoá tinh thần chỉ hơn nhau qua hành động "để" và "cất". Và người phật tử Việt Nam từ nghìn đời nay vẫn luôn cần mẫn ý thức "cất" cho dân tộc mình một bàn thờ thiêng liêng đối với Phật, Thánh, Ông Bà Tổ Tiên như thế.

Với chi phí 100.000 USD = 1,9 tỉ đồng (hoàn toàn do phật tử tự nguyện cúng dường), không bằng 30 phút bắn pháo hoa đêm giao thừa xuân Canh Dần ở Hà Nội (5 tỷ đồng) mà họa sĩ Lê Thiết Cương nặng lời với hàng triệu người phật tử Việt Nam như vậy có phải đã thái quá trong ngôn ngữ rồi không?

Theo: tuanvietnam.net

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (6 đã gửi)

avatar
Lê Nguyệt Minh 29/03/2010 14:23:26
Tôi cơ bản đồng tình với họa sĩ Lê Thiết Cương, mặc dù có thấy rằng lời lẽ có phần nặng nề, nhưng là ý trân thành.
Tôi thấy lời biên bạch của Đại đức Thích Thanh Thắng, dù được nhà sư trích rất nhiều kinh phật,nhưng không hề thuyết phục được bản thân tôi và nhiều phật tử tôi quen biết. Chúng tôi thể trích nhiều kinh phật được như Đại đức Thích Thanh Thắng. Tôi xin hỏi Đại đức một câu: "Trang trọng" có đồng nghĩa vơi "xa hoa" không?
Còn đối với Người phật tử cống hiến 100,000 USA, chúng tôi rất kính trọng, nhưng xin được nhắc nhở quí vị một điều: nếu khi hành đạo, làm việc thiện với suy nghĩ là mình sẽ được "Ngài phụ hộ độ trì", động cơ như vậy chưa thễ nói là "tròn như trăng rầm" được. Nó vẫn còn mang tính vụ lợi.
Dưới con mắt của những người phật tử nghèo chúng tôi, những nhà sư tay đeo đồng hồ Rolex, đi xe Mec ở các thành phố lớn thì thật không bằng hình ảnh nhà sư chùa làng đứng tưới rau.
avatar
khac trung 30/03/2010 22:42:34
Ý kiến của bài báo cũng như của bạn Minh và kể cả của những người khác nữa đều không sai đối với bản thân họ. Tùy vào hoàn cảnh và sự hiểu biết của mỗi người về đạo và đời mà ý kiến có khác nhau. Theo thiễn ý của tôi thì sự việc sẽ có ý nghĩa và tốt đẹp hơn tùy vào tỷ lệ thành tâm của mỗi người trong đoàn dành cho viêc cung nghinh này như thế nào?
avatar
abc 31/03/2010 03:14:41
Ở quê tôi có một bà nhà giàu hay làm từ thiện và cũng hay lên ... TV. Lúc đầu có người cho là lòng từ thiện của bà không được "tròn như trăng rằm" vì còn ham được "Ngài phù hộ độ trì" và ham được người khác khen. Lúc đầu tôi cũng có phần nào nghĩ như vậy. Nhưng khi TV chiếu cảnh một thanh niên bị tai nạn tưởng hỏng cả hai chân không đi lại được, nhờ được bà này giúp đở tiền chạy chữa mà cuối cùng đã cử động được hai chân nên bắt đầu tập đi, tôi cảm động quá. Việc làm từ thiện của bà này dù có ý gì đi nữa thì cũng có ích lợi trực tiếp và cụ thể cho người nghèo.

Từ đó tôi nghĩ lại, thôi thì ai có vụ lợi gì thì cũng kệ, có sao đâu. Có thể động cơ của họ chưa hoàn toàn "tròn như trăng rằm" vì nhận thức còn hạn chế, nhưng việc làm tốt thì vẫn tốt, vẫn ích lợi cho tha nhân. Đến một lúc nào đó họ hiểu đạo hơn, không còn vụ lợi nữa thì tốt biết bao.
avatar
Ngoc Thao 08/04/2010 23:12:40
Chào họa sĩ Lê Thiết Cương và bạn Lê Minh Nguyệt!

Kiến thức Phật Pháp của tôi có thể không nhiều so với các bạn, nhưng tôi hi vọng sự hiểu biết nhỏ nhoi của mình cũng có giá trị. Tôi chắc chắn mình không phải là "người biết" như anh Cương đề cập trong bài viết của mình.
Tam Bảo là vô giá - trong đó quan trọng nhất là Phật bảo. Chúng ta quy y Phật, rồi mới quy y Pháp và sau là quy y Tăng. Tôi thường nghe sư phụ tôi đọc kinh mỗi tối "Phật Pháp cao siêu rất nhiệm màu, trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu". Chúng ta là những kẻ kém phước mới sanh ra trong đời mạt Pháp. Không có cơ duyên được gặp Phật, nghe chính Phật giảng Pháp. Nhưng phước báu thay chúng ta được lại được cung thỉnh Xá Lợi Phật - là hiện thân của Chư Phật. Phước báu này là của cả dân tộc chứ không phải của riêng người cúng dường cung thỉnh, và càng không phải nhờ vào "cái biết" của những "người biết" mà anh Cương là đại diện cho họ.
Việt Nam ta cung thỉnh Xá Lợi Phật long trọng bằng tất cả tịnh tài, tịnh vật và trên hết là niềm hạnh phúc dâng trào của hàng triệu con tim Phật tử. Như những đứa con được gặp cha sau hơn 2.500 năm xa cách. Tiền tài và cất chất đó không thể so sánh hay diễn tả hết nổi tình cảm của "các con" dành cho Cha.
Xét ở cương vị người Cha, chắc chắn Cha không bao giờ đòi hỏi các con phải cung thỉnh Cha lọng trọng như vậy. Nhưng bổn phận làm con cùng với lòng tôn kính Cha vô hạng thì không bao giờ cho phép mình dãi đãi được. Chỉ khi nào trong lòng ta, Cha có gì đâu mà quan trọng thì mới cho rằng đó là sự xa hoa.
Đức Phật là Cha, là Thầy, chúng ta thọ nhận giáo Pháp của Ngài, nhờ giáo Pháp mà con người biết hướng thiện, và tự giải thoát mình (Ngài đã dạy trong các bố thí bố thí Pháp là quan trọng nhất). Đối với Cha, với Thầy - Ân Sư vậy mà ta lại tiếc rẻ 100.000USD - cái mà khi ta nhắm mắt lìa đời sẽ rời bỏ ta trước tiên. Ngày xưa ông trưởng giả Cấp Cô Độc đã không tiết gia sản của mình mà lót vàng trong vườn Kỳ Viên để cúng dường Đức Phật, vua Tần Bà Sa La muốn cúng dường cả nửa vương quốc của mình cho Đức Phật. 100.000USD so với khu vườn lót vàng cùng với một nửa vương quốc thì chẳng nghĩa lý gì cả. Nếu nghĩ như họa sĩ Cương và bạn Minh Nguyệt chắc họ cũng bị "vô minh" che lấp chăng? Nếu bị vô minh che lấp thế sao các vị ấy lại trở thành những bậc giác ngộ. Còn những người được coi là biết thì không biết đến bao giờ mới giác ngộ.

Đó là vài dòng suy nghĩ cùng với kiến thức hạn hẹp của tôi. Nếu có điểm nào chưa đúng, xin các anh chị chỉ dạy thêm.

Chân thành cảm ơn!

Ngọc Thảo
avatar
Quang Đạt 12/05/2010 01:06:26
Thân chào các Đạo Hữu ,

Xá lợi Phật là vô giá , là bất khả tư nghì . Thật là may mắn cho hàng triệu Phật tử thuần thành được chiêm bái, đảnh lễ Xá lợi Phật nhằm tăng trưởng thiện căn lành và Phước báu thù thắng. Chúng ta cần trân trọng biết ơn người đã đóng góp 100.000 USD để tạo điều kiện mang Xá lợi Phật về nước . Một sự kiện trọng đại làm nức lòng hàng triệu con tim của các Phật tử.

Những lợi ích mà Đức Phật mang lại cho nhân loại là vĩ đại qua bao thời đại trên 2.500 năm rồi. Giáo lý của Ngài đã làm cho con người sống tốt đẹp , nhân ái , từ bi , thánh thiện và đi đến giải thoát an lạc .

Việc người Phật tử cúng dường 100 ngàn USD để cung thỉnh Xá lợi Phật về hoàn toàn có tính tự nguyện , cũng đâu có mang tính vụ lợi hay để được độ trì gì như suy nghĩ cạn cợt của Lê Nguyệt Minh. Là Phật tử thuần thành chân chính thì việc Giáo hội PGVN cung nghinh Xá Lợi Phật về nước là để cho hàng triệu người Phật tử khắp mọi miền của đất nước được chiêm bái , đảnh lễ , lợi ích thật là to lớn.

Thiên nghĩ những lời nói của họa sĩ Lê Thiết Cương chẳng làm Phật tử nào bị tổn thương cả , mà ngược lại cộng đồng Phật tử rất hiểu ý nghĩa của việc cung nghinh Xá lợi Phật có giá trị ra sao. Không thể lấy cái vật chất nhỏ nhoi mà so sánh với giá trị đạo lý , kim thân của Đức Phật vốn là vô giá.
Việc cung nghinh trân trọng như vậy cho thấy niềm tin , sự tôn kính của GHPGVN những chư Tăng , Phật tử đối với Tam Bảo .
Namo Sakya Muni Buddha

Quang Đạt
avatar
Quang Đạt 17/06/2010 15:48:56
Trung Quốc công bố Xá lợi xương sọ Đức Phật có từ thời nhà Tống
14/06/2010 20:26 (GMT+7)

(Nam Kinh, Trung Quốc): Ngày 12-6, qua truyền hình và internet, hàng triệu người ở Trung Quốc đã theo dõi các nhà lãnh đạo Phật giáo và nhà khảo cổ long trọng công bố xá lợi xương sọ Đức Phật Thích Ca được cung nghinh từ Ấn Độ trong triều đại nhà Tống (960- 1279 AD).

Sau khi tham dự lễ cung nghinh và an vị xá lợi xương sọ Đức Phật được tổ chức tại chùa Qixia (TP.Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc), Hòa thượng Chuan Yin, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cho biết bảo vật được lấy ra lần đầu tiên lúc 9 giờ sáng ngày 12-6 từ một quách nhỏ bằng vàng nằm trong một kim quan bằng bạc là xá lợi xương sọ Đức Phật.

Xá lợi xương sọ Đức Phật có mầu nâu không đồng đều và sáng, trông giống như một hòn đá nhỏ. “Xá lợi có rất nhiều khoang rất giống như một tổ ong”, ông Hua Guorong, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.Nam Kinh tiết lộ.

“Việc phát hiện này của chúng tôi phù hợp với những miêu tả về xá lợi xương sọ Đức Phật đã được ghi chép trong sử ký”, Hòa thượng Xue Cheng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc phát biểu và nói thêm rằng xá lợi Phật là bảo vật cực kỳ thiêng liêng đối với Phật tử.

Bên cạnh xá lợi xương sọ Đức Phật, 10 viên xá lợi Phật khác cũng được tìm thấy trong kim quan nhỏ bằng vàng và bạc khác. 108 cao tăng đến từ Trung Quốc, Ma Cao và Đài Loan đã cử hành lễ cung nghinh và an vị tất cả số xá lợi này tại chùa Qixia. Phật tử sẽ có phúc duyên chiêm bái số xá lợi Phật ấy trong một tháng. Để đảm bảo an toàn cho các bảo vật vô giá này, cuộc lễ tiến hành hôm thứ 7 (12-6) được bảo vệ nghiêm ngặt và nhiệt độ bên trong chính điện luôn giữ ổn định ở mức 20 độ C, và độ ẩm từ 55 đến 60%, ông Hua cho biết.

Xá lợi xương sọ Đức Phật được tôn trí trong bảo tháp có tên là Tháp A-Dục Vương. Các nhà khảo cổ khai quật bảo tháp này cách đây 2 năm dưới nền chính điện của ngôi chùa cũ Changgan thuộc TP.Nam Kinh. Ngôi chùa này được xây dựng năm 1011. Chính điện được phát hiện khi các nhà khảo cổ khởi công khai quật phế tích chùa Đại Báo Ân thuộc TP.Nam Kinh. Chùa Đại Báo Ân được xây dựng trong triều đại nhà Minh (1368-1644 AD).

Tháng 7-2008, các nhà khảo cổ tìm thấy một bia đá ghi rằng chính điện là nơi bảo quản một “bảo tháp 7 tầng của Vua A Dục”, bên trong tháp có các kim quan bằng vàng và bạc tôn trí xá lợi xương sọ và các di vật khác của Đức Phật. Một tháng sau, một hòm sắt chứa bảo tháp được khai quật tại chính điện. Tháng 11-2008, các nhà khảo cổ đã đưa bảo tháp ra khỏi hòm sắt và tìm thấy hai kim quan nhỏ.

Theo Lu Jianfu, một chức sắc của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, cách đây 2.500 năm, sau lễ trà tỳ Đức Phật, các đệ tử của Ngài đã nhặt được một xá lợi xương sọ, 4 xá lợi răng, 2 xá lợi xương đòn và 84.000 viên xá lợi khác. Vua A Dục (Asoka), hoàng đế Ấn Độ (273 BC - 232 BC) đã tập hợp tất cả các phần còn lại của Đức Phật sau lễ trà tỳ, tôn trí vào trong các bảo tháp để gửi đến các nơi trên thế giới.

Bảo tháp ở Nam Kinh được coi là một trong hàng chục ngàn bảo tháp của Vua A Dục tôn trí xá lợi Phật. Bảo tháp 4 lớp, cao 1.21 mét, rộng 0.42 mét được cho là lớn nhất trong các bảo tháp đã tìm thấy ở Trung Quốc. Theo tài liệu Phật giáo thời nhà Đường (618-907 AD), Trung Quốc có cả thảy 19 bảo tháp Vua A Dục tôn trí xá lợi Phật. Cho đến nay, người ta cho rằng chỉ mới 7 bảo tháp được phát hiện tại các vùng miền khác nhau của Trung Quốc.
(theo Xinhua)
tổng số: 6 | đang hiển thị: 1 - 6

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập