Phỏng Vấn Đại Đức Thích Nhuận Phổ, Trụ Trì Chùa Hòa Lạc và Chùa Đại Nam ở Nhật Bản

Đã đọc: 5669           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kính bạch Thầy Nhuận Phổ, hôm nay con có duyên tới Nhật, con kính xin Thầy chia sẻ một số câu hỏi liên quan đến việc làm Phật sự của Thầy tại hai ngôi chùa Hòa Lạc và chùa Đại Nam ở Nhật Bản.

1. Hải Hạnh: Kính bạch Thầy, xin Thầy cho con biết nhân duyên gì đưa Thầy đến Kobe? Khi tiếp xúc với tuổi trẻ ở đây, Thầy có cảm xúc như thế nào để dẫn đến phát nguyện lớn xây chùa Việt Nam tại tỉnh này?

Thầy Nhuận Phổ: Khi Thầy đang học ở Tokyo, Thầy có đến chùa Nam Hòa thì gặp Phật tử ở dưới Kobe lên trên đó dự lễ Vu Lan. Vào năm 2010, Thầy đi về dưới Kobe và có những buổi nói chuyện cùng Phật tử, Thầy nhận thấy rằng Phật tử sống nhiều năm ở đây đều khao khát có một ngôi chùa, rồi Thầy đi vòng quanh thăm các nhà Phật tử thì biết rằng hầu như các cháu nhỏ ở Nhật được gởi tới các nhà thờ vì ở đây hầu như không có chùa mà chỉ có nhà thờ do các sơ dạy. Họ hầu hết vào nhà thờ sinh hoạt trong các lễ hội như tết. Thầy nghĩ đối với người lớn dù sao đi nữa họ cũng còn có văn hóa gốc rễ để giữ được, nhưng còn đối với các cháu thì không biết một chút gì về văn hóa của tổ tiên nên khi các cháu tiếp xúc với văn hóa bản địa thì sẽ mất dần văn hóa tổ tiên và rời xa cha mẹ luôn. Sau đó Thầy đi tìm hiểu thêm thì nghe kể các cháu về nói với cha mẹ rằng văn hóa Phật giáo như là một ngoại đạo. Như vậy các cháu sẽ bị mất gốc bởi vì cha mẹ bận làm ăn lo cho cuộc sống, không có thời gian gần gũi các cháu. Thầy thấy đây là một hiện trạng rất nguy hiểm.

Đêm hôm đó về Thầy cứ trằn trọc mãi nếu như mình không có làm thì ai sẽ làm chuyện này? Nếu các cháu bị mất gốc như vậy thì thế hệ một có thể mất đi, nhưng thế hệ hai mà mất gốc một cái thì mất gốc luôn cả tổ tiên, mất đi cả giống nòi và mất luôn cả tôn giáo nữa. Đối với Thầy thì Thầy cảm thấy có lỗi với Thầy tổ, quý Thầy và mọi người. Cho nên Thầy phát nguyện dốc hết tâm huyết để dấn thân làm việc này.

Khi Thầy gặp các người già qua đây sống, con cái đi làm hết thì họ cảm thấy lạc loài và con cháu sinh ra ở đây rồi mai mốt chết thì sẽ đi về đâu? Nếu đi về Việt Nam, về tổ tiên thì con cái ở đây đâu có đi về thăm, mà để ở đây thì để ở đâu? Mai mốt họ không có nơi nương tựa, chẳng lẽ đem vô chùa Nhật hay ở nơi nào đó thì con cháu họ cũng không đến chùa Nhật đâu. Do đó họ cảm thấy bơ vơ như vậy thì Thầy nghĩ rằng vấn đề cấp thiết nhất là phải lập một nơi để người trẻ có nơi để mình dạy dỗ, còn những người thế hệ một như ông bà cha mẹ có nơi gởi thân cho các cháu trở về trước đã và sau đó các cháu phải về. Mặt thứ hai nữa là cho những người già nếu có ngôi chùa người ta gởi gắm vào nơi thanh thản khi chết và người ta không cảm thấy lo sợ cho tương lai mình sẽ đi về đâu nữa? Cho dù Thầy về Việt Nam đi nữa thì ở đây cũng có một ngôi chùa cho người ta yên tâm để đi về và con cháu trở về ngôi chùa. Ở bên đạo thiên chúa, người ta có một hướng phát triển rất mạnh, còn Phật giáo hầu như không có phát triển về vấn đề này.

2. Hải Hạnh: Xin Thầy cho biết nhân duyên thành lập ngôi chùa Hòa Lạc này, hiện nay ngôi chùa một trệt một lầu mặc dù nhìn thấy nhỏ nhưng mọi thứ được chu tất về các hoạt động có thể xảy ra được, thì xin Thầy nói về nhân duyên, thuận duyên và nghịch duyên về ngôi chùa đã được hình thành.

Thầy Nhuận Phổ: Khi Thầy xuống đây sinh hoạt thì lúc đó Thầy đang ở Kyoto rất là xa và hay gặp Phật tử như vậy thì Thầy liên lạc với Phật tử cứ ba tháng Thầy về đây một lần tổ chức các khóa tu. Sau đó hai tháng và cuối cùng một tháng rồi dần dần Thầy có các buổi thuyết giảng vào lễ hội xuân, Phật đản và Vu Lan. Hoạt động từ từ sau đó đến năm 2011 Thầy thi đậu đại học ở dưới này nên Thầy đã xin Ôn về sinh hoạt dưới này làm Phật sự. Trong thời gian sinh hoạt như vậy thì quý Phật tử dưới này đi tìm đất để mua vì người ta khao khát có một ngôi chùa. Thực tế Phật tử ở đây rất là đông và khao khát ngôi chùa nhưng có một cái gì đó cản trở. Khi Thầy đi về dưới đây Thầy cũng đi tìm đất và giao cho Phật tử hai năm để tìm nhưng chưa được, lúc Thầy về cũng đi tìm thử nếu mà Phật cho thì chắc chắn mình có một nơi để thờ và sau đó Thầy đi vào chỗ bán bất động sản thì đến năm 2011 Thầy tìm được đất này, quý Phật tử gom góp tiền lại để mua căn nhà cũ này. Lúc đầu dự tính chỉ dỡ ra một số ở trong để thờ Phật có nơi mà thầy trò ngồi lại với nhau thôi, nhưng sau đó Thầy nghĩ nếu đã làm thì làm một lần luôn và sửa lại luôn rồi từ từ sửa lại thành ngôi chùa luôn và được cho phép. Do đó cho đến năm 2012 thì ngôi chùa được hình thành rồi Thầy làm lễ lạc thành và sinh hoạt.

3. Hải Hạnh: Thông thường các chùa Việt Nam ở hải ngoại xây dựng theo phương án trả góp vào trong ngân hàng, nhưng đối với chùa của Thầy thì kinh phí xây dựng cho đến giờ có gặp gì trở ngại không?

Thầy Nhuận Phổ: Khi quyết định dựng chùa thì quý Phật tử ở đây hầu như đều khao khát có một ngôi chùa vì gần 30 năm rồi nên mỗi người bỏ vào một chút, một chút để mua miếng đất dựng chùa thì trong đó có nhiều người đóng góp vào, cũng có nhiều người đa nghi coi mình có làm được hay không và cũng có những người không muốn mình làm. Đối với Phật giáo lúc nào cũng đều có những khó khăn như vậy nhưng Thầy tin chắc rằng mình sẽ làm được. Vì Thầy nghĩ rằng việc này không phải làm cho bản thân mình mà làm cho Phật giáo và đang làm cho Thầy tổ vì tiền đồ Phật giáo Việt Nam. Cho nên trong quá trình làm thì có rất nhiều khó khăn, cũng có nhiều người chống đối mình vì không muốn mình làm. Do không có tài chánh trong tay, nên phải làm từng giai đoạn với phương pháp làm tới đâu xin tới đó, chớ không phải theo người Nhật Bản khi làm cái gì phải có sẵn đầy đủ trong tay, và thuê người Nhật thì rất đắt đỏ. Còn bên mình không có thì bắt buộc Thầy phải làm từ từ vì lúc đầu Thầy nghĩ làm một tháng không xong thì một năm, một năm không xong thì ba năm và làm đến khi nào có ngôi chùa này thôi. Thầy nghĩ như vậy mà thậm chí làm đến nỗi trong tay không còn gì cả, có những nơi người ta cho những vật liệu cũ hay những hãng xưởng bị sập, mình tới gỡ những cây sắt rồi thầy trò đem đi bán để mua vật liệu về làm tiếp. Sau khi làm một thời gian thì Phật tử thấy ngôi chùa bắt đầu hình thành, từ đó họ cũng đóng góp vào, rồi mỗi lần làm tới đâu người ta đóng góp tới đó.  Khi khánh thành thì chùa không còn phải nợ cái này hay cái kia.

 

4. Hải Hạnh: Được biết ngoài ngôi chùa Hòa Lạc này ra Thầy còn có thêm ngôi chùa thứ hai là chùa Đại Nam, nhân duyên của chùa Đại Nam như thế nào? Xin Thầy cho con biết dự kiến việc xây dựng chùa Đại Nam vào thời điểm nào?

Thầy Nhuận Phổ: Khi Thầy về ngôi chùa Hòa Lạc này thì nơi đây chỉ là môi trường làm nền tảng đầu tiên thôi. Vấn đề Thầy quan tâm và ưu tư nhất là cộng đồng người Việt Nam, nhất là về văn hóa, ngôn ngữ và tâm linh, đặc biệt về nét văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Nếu ngôi chùa nhỏ bé vậy thì không thể triển khai được nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Tại sao ngôi chùa của Nhật Bản có một nét riêng, ngôi chùa Thái, ngôi chùa Tây Tạng có một nét riêng khác. Khi mình đi tới đó thấy được nét đẹp văn hóa của họ và đất nước của họ. Ngôi chùa Hòa Lạc này nằm trong phạm vi nhỏ vậy không thể hiện được nét đẹp đó. Thầy nghĩ rằng phải có một miếng đất vừa phải để mình có thể thể hiện được tất cả nét đẹp của văn hóa Việt Nam và một ngôi chùa Việt Nam qua ngôi chùa Đại Nam này. Thầy nghĩ rằng chỉ có ngôi chùa mới thể hiện được văn hóa Việt Nam, ngôi chùa mới bảo vệ được những phong tục của tổ tiên cho nên Thầy quyết định tiến hành xây dựng ngôi chùa Đại Nam.

Việc thứ hai mà Thầy quan tâm nữa khi Thầy có dịp đi tang lễ của người Việt Nam nhất là ở Tokyo, một tang lễ rất đắt, có một chị đã mua một miếng đất chỉ một cái mộ thôi mà gần 27 triệu Yen, còn đi tang lễ ở đó cũng rất là đắt, có một cái cốt thôi cũng mất mấy triệu Yen. Khi Thầy về dưới này nhìn thấy người Việt Nam mất mà đưa vào chùa Nhật thì rất là tội. Họ bỏ xứ qua đây là một sự mất mát to lớn và đi làm đã đau khổ rồi đến khi chết xuống cũng phải lo cái khoản này nữa thì Thầy nghĩ rằng như vậy không có được. Nếu mình là một người tu sĩ hay là người có sự ưu tư về người Việt Nam đang sống tại đây mà để như vậy thì sẽ cảm thấy không yên ổn. Do đó Thầy nghĩ rằng cần mua một miếng đất phải to thì nơi đó ngoài việc giáo dục ra mình còn để vào trong đó một phần hồn cho những người lớn khi nằm xuống, không những Phật giáo mà bất cứ người Việt Nam nào mong muốn về đây. Khi về đây rồi họ cảm thấy an ổn và con cháu của mình như thế hệ một, thế hệ hai và thế hệ ba thấy cha ông nằm đó thì chắc chắn các cháu sẽ trở về. Khi đó thì văn hóa Việt Nam sẽ không bị đánh mất, chớ nếu bây giờ cha mẹ chết mà bỏ vào chùa Nhật thì chắc chắn rằng con cháu sẽ nghĩ đến văn hóa Nhật. Do vậy khi đưa về chùa Việt Nam thì tương lai dù sao đi nữa con cháu mặc dầu không biết được tiếng Việt nhưng mà cũng biết đó là nơi của người Việt Nam và tổ tiên của người Việt Nam nên Thầy suy nghĩ về vấn đề này để làm sao con cháu của mình không mất nền tảng này. Nếu mất nền tảng này chính bản thân Thầy có tội với mọi người. Do vậy mà Thầy tiến hành mua mãnh đất to này để làm chùa Đại Nam ngoài việc bảo tồn văn hóa mà còn lo cho mọi người.

5. Hải Hạnh: Diện tích của ngôi chùa Đại Nam là bao nhiêu và dự kiến khi nào hoàn tất xây cất, xin Thầy cho con biết?

Thầy Nhuận Phổ: Diện tích chùa Đại Nam là 1400m, xung quanh còn đất mà người ta bỏ trống. Khi Thầy về chùa Đại Nam lúc tìm đất thì có một Phật tử cũng phát tâm cúng dường cho Thầy một miếng đất khoảng 500m2 với một căn nhà 2 lầu, nhưng Thầy nghĩ như vậy quá nhỏ nên Thầy không có nhận. Thầy mới nói đi tìm một miếng đất như tâm nguyện của Thầy để mở lớn lên, vì vậy tìm một miếng đất 1400m. Khi tìm miếng đất này, có một vài miếng đất trống người ta còn để thì tương lai mình có thể đẩy mạnh mua miếng đất này. Thầy nghĩ đời Thầy nếu mà không làm được hay không xây dựng được nhưng mà làm sao đẩy mạnh mua miếng đất trước bởi vì nghĩ tới khi con cháu về thấy chùa Nhật nào cũng lớn cả, còn chùa Việt Nam nào cũng nhỏ bé tí. Vì vậy nếu mua miếng đất nhỏ quá thì cảm thấy hổ thẹn với ông bà tổ tiên khi qua đây sống mấy chục năm, Thầy không muốn con cháu mình hổ thẹn cho nên Thầy nghĩ phải mua và mở rộng ra để thứ nhất làm cho ngôi chùa lớn và để Thầy tổ qua đây thăm viếng thấy con cháu của mình bên này cũng làm được một cái gì đó cho người Việt Nam. Kế đến con cháu mình nhìn lên thấy ông bà tổ tiên là những người đi trước sẽ tự hào rằng ông bà đi trước đã làm được như vậy. Đó là tâm nguyện của Thầy là sẽ mở thêm đất. Còn vấn đề xây dựng cho chùa Đại Nam là làm sao xây dựng bằng những gì của người Việt Nam làm, tức là trân trọng những gì anh chị em làm, đóng góp từ thế hệ lớn đến thế hệ nhỏ, cứ túc tắc làm từ từ nếu có điều kiện, chớ Thầy không quan niệm như người Nhật là thuê người Nhật làm. Theo Thầy nếu làm thì Thầy sẽ đặt bên Việt Nam đưa qua bởi vì trong cấu trúc của người Việt vì người Việt làm một cái gì thì họ để trọn tâm hồn vào bên trong cái đó, còn người Nhật làm chắc chắn suy nghĩ của họ bỏ vào trong đó cho nên hai kiến trúc khác nhau mà con cháu lớn lên nhìn thấy hai kiến trúc đó sẽ nhận ra được và không trân trọng. Thầy tâm niệm mọi thứ sẽ đặt từ Việt Nam và sẽ đưa thợ Việt Nam qua để thể hiện tất cả linh hồn của người Việt Nam trong ngôi chùa. Cho nên công trình có thể sẽ hơi lâu một tí.

6. Hải Hạnh: Trong bảy thập niên chư tôn đức Việt Nam sang du học có thể chia làm 4 giai đoạn: 1. Hòa thượng Thiện Ân, Hòa thượng Mãn Giác; 2. Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Như Điển, v.v...; 3. Sau năm 1975 gồm có Thượng tọa Giác Dũng, Thượng tọa Nguyên Tâm, Ni Sư Thông Thắng từ những năm 1994; 4. Các quý Thầy Cô trong phạm vi khoảng mười mấy năm trở lại đây. Qua bốn giai đoạn đó, nhận thấy việc xây cất chùa như là chưa được thuận duyên và cũng chưa có được một ngôi chùa chính thức vững vàng chỉ có khoảng 10 năm trở lại đây thì các chùa Việt Nam còn khiêm tốn so với chùa lớn của Nhật. Do đó xin Thầy cho biết khi nhìn thấy các vị tiền bối đi trước gặp những khó khăn có nhiều vị định cư ở Mỹ, ở châu Âu hay ở Úc, nhưng 10 năm trở lại đây quý Thầy Cô có khuynh hướng là định cư ở tại Nhật và làm đạo tại Nhật. Xin Thầy cho con biết nguồn động lực cũng như phương pháp làm Phật sự và hoạt động cho cộng đồng có tốt hơn ba thời điểm trước không?

 

Thầy Nhuận Phổ: Khi Thầy phát tâm ra làm chùa thì lúc đó Thầy rất e dè vì Thầy là một du học tăng qua đây. Thứ nhất bản thân mình chưa lo được thì mình làm sao nghĩ đến vấn đề khác được, khi qua đây có những lúc đi học thực tế Thầy có những lúc rất khó khăn. Nhưng khi Thầy phát tâm làm ngôi chùa này thì Thầy biết rằng chọn làm Phật sự thì phải cố gắng làm, có những vị hỏi Thầy rằng “Làm sao Thầy làm được?” thì Thầy nói rằng đối với Nhuận Phổ thì không làm được vấn đề này nhưng mà Nhuận Phổ nghĩ rằng mình là một Như Lai sứ giả thì làm cái này chỉ có ở trên Phật chỉ đạo làm thôi, chớ không phải làm cho Nhuận Phổ. Vì làm cho Phật chắc chắn Phật phải lo cho chuyện đó rồi, chớ bản thân của Nhuận Phổ đây không thể lo được thì Thầy có nói như vậy và hiện tại Thầy cũng nói như vậy đó. Cho nên làm việc gì tính tới việc đó, trong quá trình làm Thầy có rất nhiều khó khăn. Thầy cũng trằn trọc băn khoăn tại sao thế hệ trước quý ngài qua đây mà quý ngài không lo về Phật giáo ở Nhật Bản cho con cháu mình ở đây? Sau khi quý ngài qua bên Mỹ, Úc, Đức hay Châu Âu rồi thì quý ngài có thể trở lại dễ dàng hơn trong khi thân phận của tụi con ở bên Việt Nam qua vì quý ngài có thể vận động Phật tử ở nước ngoài qua đây làm chùa. Nhưng đến khi con tìm hiểu lại có lẽ văn hóa của Nhật quá khép kín nên người ta không thể chấp nhận để mình đi vào văn hóa này. Chính điều này Thầy nghĩ quý ngài không để tâm và điều thứ hai nữa là quý ngài đi qua du học thì ở trong thân phận du học có một cái lo, tức là qua đây du học mà làm không tròn phận sự du học được thì lỡ người ta đuổi về sao được. Thế là như vậy sẽ xấu hổ với Thầy tổ và bạn bè thì chắc chắn rằng không ai dám làm, ai cũng sợ cái đó cả, chính bản thân Thầy khi ra làm cũng lo cái đó. Nếu mình làm thì người ta đuổi về thì mình như thế nào? Nhưng khi mà Thầy xuống đây gặp Phật tử như vậy thì Thầy có khẳng định rằng “Có người nói với Thầy rằng tôi sẽ báo cho bộ xuất nhập cảnh để họ đuổi Thầy về!” Rồi Thầy mới khẳng định với người đó rằng “Nếu khi Thầy ra làm Phật sự, làm chùa mà có bị đuổi về thì Thầy sẽ về? Vì tôi có thể hy sinh bản thân này tôi làm, nếu dựng lên ngôi chùa không có tôi thì dù sao chùa dựng lên sẽ không có ai phá. Đó là quan niệm của người Việt Nam và dựng ở đây chắc chắn dựng lên ngôi chùa rồi không thể phá được. Phật thì không thể bị phá được vì không có mình thì có Phật tử đứng ra bảo vệ. Điều thứ hai nếu dựng lên ngôi chùa rồi không có Nhuận Phổ, không có tôi thì rõ ràng có chư tăng ở đây sẽ về để hướng dẫn. Vì vậy hy sinh bản thân này không đi học thì chuyện đó đáng để hy sinh.” Khi Thầy nghĩ như vậy thì mạnh dạn và là động cơ trở nên mạnh và làm. Khi tiến hành làm Thầy làm được, rồi mua đất cũng được, và từ đó biết rằng có một nguồn năng lực hỗ trợ mình vì ở đây mình làm hay mua không mượn và không có vay. Mọi người cùng nhau đóng góp thì làm được nhưng mà làm thế nào cho hợp lý. Thầy đã vượt qua được rào cản này thì Thầy mới thấy được mình giải quyết được một phần nào trong đó xưa nay quý Thầy Cô bị một cái rào cản là du học sinh không làm được chùa. Khi Thầy vượt qua rào cản này, thì Sư Cô Tâm Trí, Sư Cô Như Tâm và Thầy Quảng Niệm bắt đầu vượt qua rào cản này và phát triển Phật giáo thêm thì Thầy rất mừng.

 

7. Hải Hạnh: Được xem là tăng sĩ trẻ của Việt Nam vượt qua sự rào cản du học sinh đã xây cất chùa mà trong đó các Thầy Cô khác nương theo hạnh nguyện này bắt đầu hình thành các ngôi chùa khác thì xin Thầy cho biết thời gian làm các Phật sự cho cộng đồng Việt Nam và nhất là việc xây chùa mất quá nhiều thì có ảnh hưởng phần nào đó đối với công việc chính là việc du học của Thầy và trong bối cảnh như thế Thầy đã trì hoãn như thế nào để vừa đạt được mục đích xây chùa của Thầy và vừa đạt được mục tiêu du học.

Thầy Nhuận Phổ: Trong công việc chắc Hải Hạnh cũng biết về lãnh vực nghiên cứu khi Ôn cho Thầy đi học để nghiên cứu và sau đó trở về để phụ giúp công việc dịch thuật cho Ôn, đó là tâm nguyện của Ôn để về làm việc nhưng mà một điều Thầy thấy rằng khi qua đây Thầy gặp như vậy thì chắc chắn rằng Thầy làm trái lời của Ôn tức là không làm theo tâm nguyện của Ôn khi giao Thầy qua đây. Về lãnh vực nghiên cứu và lãnh vực làm Phật sự thì lãnh vực nghiên cứu nằm trong sách vở và Thầy đặt một vấn đề rằng “Mình học thì cũng phải ra làm Phật sự, chớ không phải mình học xong để ngồi trên một cái gì đó hay ngồi trong một cái nhà để nghiên cứu. Nếu mà làm như vậy thôi thì chỉ mang lại tính học thuật, còn bây giờ học xong ra làm Phật sự thì tại sao mình đang học mà chúng sanh cần mình ra làm mà không ra làm thì ai làm nữa? Cho nên từ đó Thầy mới nghĩ rằng mình ra dấn thân làm. Hai con đường dịch thuật và dấn thân là hai con đường khác nhau. Dấn thân là đi vào chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thứ, chi phối rất nhiều thời gian, còn học thuật thì chỉ có ngồi một chỗ thì Thầy nhiều lúc vừa học vừa làm. Khi mà Thầy ra làm Phật sự thì chi phối rất nhiều thời gian so với việc học. Trước đây Thầy học là tập trung 100 phần trăm vào việc học, nhưng bây giờ Phật sự ở một ngôi chùa hay hai ngôi chùa, Phật tử vui buồn phải giải quyết vấn đề, lúc nào cũng chi phối Thầy cả rồi không phải lo về Phật tử không mà lo về chính sách ảnh hưởng đến vấn đề Phật giáo nữa, phát triển như thế nào, tương lai như thế nào và làm như thế nào để mà bảo vệ và phát triển Phật giáo nữa.” Các vấn đề này cứ luôn luôn trằn trọc trong Thầy nên nhiều lúc ngồi trong giảng đường mà vẫn nghĩ về ngôi chùa phải làm như thế nào cho tốt, nghĩ như thế nào Phật giáo cho được rộng mở, cho nên vấn đề chi phối rất là nhiều. Vì vậy trong quá trình Thầy học, Thầy có chia sẻ với giáo sư là làm Phật sự như vậy thì tôi cũng cảm thấy rất vui, cho nên giáo sư nghĩ rằng làm Phật sự rất bận rộn và giáo sư cũng là một tu sĩ nên hiểu và thông cảm vấn đề này và nói rằng trong khóa thạc sĩ Thầy cứ học từ từ và chính vì vậy Thầy không lo gì cả. Vấn đề là Thầy làm được gì cho người Việt Nam ở đây là chính, còn vấn đề học thuật chỉ là phụ để cho mình có đầy đủ giấy tờ ra làm việc thôi, chớ cái đó không phải là Thầy dấn thân cho nên Thầy làm được như vậy, Ôn rất vui. Đó là việc chi phối việc học của Thầy, trong phần thạc sĩ Thầy đã học xong phần thạc sĩ rồi, chỉ còn viết luận văn thôi, đáng lẽ Thầy đã viết rồi nhưng vì khi dựng ngôi chùa Đại Nam, Thầy tập trung vào nó nhiều hơn để cho hoàn thành, nên Thầy xin Thầy giáo kéo dài thời gian lại và từ từ. Giáo sư nói thì thôi cứ làm còn chuyện học không quan tâm gì cả. Vấn đề này giáo sư cũng đã quan tâm cho Phật giáo Việt Nam, cho nên khi thấy ngôi chùa Việt Nam dựng lên, chính giáo sư cũng quan tâm và người Nhật cũng quan tâm. Vì vậy họ nói sẽ cố gắng giúp đỡ. Vấn đề là chia thời gian ra trong năm này Thầy sẽ cố gắng tập trung cho việc viết luận văn của Thầy cho xong.  

8. Hải Hạnh: Hiện nay Cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản, chùa Nam Hòa là chùa đầu tiên được chính phủ Nhật Bản hợp thức hóa, đến chùa Hòa Lạc, chùa Đại Nam và một số cơ sở của các vị tăng ni khác có gặp một số trở ngại về mặt pháp lý để hợp thức hóa thì tiến trình hợp thức hóa và tiến trình để hợp thức hóa như thế nào? Xin Thầy cho con biết.

Thầy Nhuận Phổ: Tiến trình hợp thức hóa theo luật Nhật Bản mình có thể đi từng ngôi chùa của Nhật Bản làm chi nhánh rồi sau đó thì tách ra, thì họ thừa nhận là chi nhánh của Nhật. Khi Thầy làm chùa này có một số chi nhánh và một số chùa Nhật tới đây cũng muốn chùa này theo nhánh của họ như phái Liên Hoa Tông, v.v... nhưng Thầy mới nói với họ rằng “Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi muốn ngôi chùa này là ngôi chùa Việt Nam, chúng tôi không muốn ngôi chùa này là chi nhánh của Nhật.” Nếu là chi nhánh thì chi nhánh của Việt Nam, chớ nếu khi mình đã vào rồi chắc chắn quan hệ qua lại mình phải bị mang ơn thì như vậy thà mình đi bằng bước chân của mình cho dù gặp khó khăn cũng từ từ mà nên. Thầy thấy ngôi chùa Nam Hòa là đầy đủ hợp pháp nhất thì Thầy cũng mong muốn chùa Nam Hòa là một tổng bộ đầu tiên, như ở Nhật Bản thì ngôi chùa Thái nằm ở Tokyo thì sau đó các chi nhánh nằm chung quanh hết, trực thuộc một cái để cùng nhau sinh hoạt, ngồi lại sinh hoạt với nhau trong tình đoàn kết, không phải chỉ có tăng ni sinh hoạt với nhau mà kể cả Phật tử cũng ngồi nhìn lại với nhau để sống trong một thể thống nhất và điều Thầy đặt nặng là để cho những tôn giáo khác nhìn vào thấy Phật giáo ngồi chung lại với nhau, người Việt Nam ngồi lại với nhau và người Nhật Bản nhìn vào như vậy để họ không xem thường người Việt Nam nói chung và người Phật giáo nói riêng. Vấn đề hợp thức hóa là như vậy và Thầy cũng mong muốn cùng các ngôi chùa Việt Nam khác có cùng tổng bộ với nhau để các ngôi chùa Việt Nam đều có tính hợp lý. Nếu như vậy nó rất là dễ, đó là một cách. Cách thứ hai là bản thân mình khi lập chùa lên thì tự lo giấy tờ nhưng làm như vậy rất lâu, thời gian họ xét cái này, xét cái kia rồi tính cách của mình là du học và du học như thế nào, chớ mình không phải là thường trú ở đây mà xét về tính thường trú thì khó. Thí dụ Chùa Hòa Lạc chi nhánh thì dễ, còn chùa Đại Nam to có chỗ đậu xe và sinh hoạt trung tâm thì dễ và có tính hợp lý hơn còn chùa Hòa Lạc thì khó. Bởi vì khi xét tôn giáo thì phải xét mọi thứ như xét nhà bếp, nơi ăn, nơi ở, bãi đậu xe, họ tính với tất cả mọi thứ, quan trọng hết rồi xung quanh chùa này người ta có chấp nhận mình không nữa? Chính quyền cho phép mà xung quanh không chấp nhận thì cái đó cũng không được cho phép. Chùa Đại Nam mà nộp giấy tờ hợp thức hóa để người ta chấp nhận thì lúc đó mình nộp luôn giấy tờ của chùa Hòa Lạc vào luôn. Nguyên tắc ở đây là từ 3 đến 5 năm mà sinh hoạt hợp lý và chứng minh mọi thứ hợp lý và hoạt động theo đúng tinh thần tôn giáo thì họ thấy như vậy họ sẽ cho phép nhưng cũng tùy thuộc vào dân làng ở đây nữa. Có lẽ là 3 năm hay 5 năm hay 10 năm tùy theo mình sống như thế nào đối với người xung quanh. Khi Thầy biết quy luật như vậy rồi Thầy phải sống thay đổi như thế nào đó đối với những người xung quanh. Tức là chùa phải sinh hoạt 3 hay 5 năm là Hội Đoàn Tôn Giáo để họ thấy được sinh hoạt theo tôn chỉ của Phật giáo.

9. Hải Hạnh: Cộng đồng Việt Nam sống ở Nhật Bản cũng giống như Cộng đồng Việt Nam sống ở Hàn quốc chia làm 3 nhóm: người đi vượt biên tỵ nạn chính trị, hợp tác lao động tu nghiệp sinh, đi theo con đường hôn nhân. So với Hàn quốc thì Nhật Bản đi theo con đường hôn nhân không có nhiều và với 3 thành phần như thế người Phật tử tại gia có gặp những thuận duyên và khó khăn gì hay không? Với diện tích chừng mực rất khiêm tốn, với tư cách trụ trì của hai chùa, Thầy đã giúp đỡ cho các cộng đồng đó như thế nào?

 

Thầy Nhuận Phổ: Với diện tích như vậy như chùa Hòa Lạc cứ mỗi lần lễ hội, có khoảng 300 đến 400 người về đây và vùng Kobe có những người tỵ nạn rất nhiều và định cư ở đây rất đông gồm có những người Phật giáo, không Phật giáo và kể cả những tôn giáo khác. Về vấn đề sinh hoạt đối với những người Phật tử về gắn bó với chùa và Phật tử tại gia khi về đây có hướng dẫn hoặc có Thầy Phước Điền hay quý Thầy Cô khác sinh sống ở đây hướng dẫn, còn quý Phật tử ở nhà tu cũng đã biết tụng kinh, bái sám thì Thầy cũng đỡ lo. Có một điều Thầy đang cố gắng là Phật tử ngồi lại với nhau thì người ở Việt Nam dù sao cũng thấm, còn mấy người qua đây định cư thì chỉ biết Phật giáo một chút à khi qua đây cuộc sống gạo tiền cơ ngơi cho nên khi đến với Phật giáo thì người ta bảo thủ để tồn tại và hình như đến với cái khác chớ không phải đến giống như người Việt Nam. Cho nên để chuyển hóa thế hệ vì tư tưởng này cho thấm nhuần Phật giáo thì cần một giai đoạn thời gian rất là lâu để người ta từ từ thấy rằng tinh thần Phật giáo đem đến lợi lạc rất nhiều cho người Việt Nam. Khi họ tiếp nhận được rồi thì họ sẽ quán niệm tới còn bây giờ người ta nghĩ rằng tới cũng được không tới cũng được, không có Phật giáo hay không có Phật giáo xưa nay mình cũng sống được thì đâu cần có chùa để tồn tại hay không tồn tại. Tư tưởng này vẫn còn len lõi trong người Việt Nam có thể là người Phật tử rất là nhiều, vì vậy phương án của Thầy là bây giờ phải đi từ từ, tiêm và dạy chừng nào để họ thâm nhập chừng đó rồi từ từ Thầy tin rằng giáo lý Phật giáo có thể đẩy mạnh được vấn đề này và có thể cảm hóa được người ta. Còn giai đoạn gần đây du học sinh qua đây rất nhiều mà du học sinh ở Việt Nam đã tu học rất nhiều các khóa này khóa kia của các thầy dạy, có nơi qua đây vừa là du học sinh, vừa là tu nghiệp sinh và vừa là kỹ sư, thì qua đây người ta có một sự khủng hoảng rất lớn. Thầy thấy rằng từ sự khủng hoảng lớn đó nếu mà không tạo một môi trường thì các em đi làm về tụ tập vào tối thử bảy, chủ nhật ngồi lại rượu chè, bài bạc và đi chơi hoang phí như vậy. Do đó Thầy nghĩ rằng mình cần phải tạo một sân chơi để cho các em đó trở về và từ đó Thầy thành lập môt gia đình Phật tử để các em du học sinh có nơi trở về sinh hoạt. Hiện tại có nơi sinh hoạt, các em trở về rất là vui, khoảng 100 người hoặc hơn và Thầy đang kéo dần về. Trong lớp sinh niên Thầy chia sẻ với các anh chị lớn tuổi ở đây có trách nhiệm tìm hiểu luật, tìm hiểu công ăn việc làm cho các em và xưa nay các em không có tư tưởng mở công ty, bây giờ Thầy thấy các em có tư tưởng mở công ty được thì Thầy chỉ cho các anh chị lớn tuổi giúp đỡ định hướng cho các em đó mở công ty này công ty kia để từ những công ty đó mình khẳng định rằng người Việt Nam có thể làm được tất cả mọi thứ từ thế hệ trẻ của chúng ta. Vì vậy các em đó đang mở công ty bất động sản, buôn bán và qua đó tìm công ty giới thiệu việc làm để giới thiệu cho các em như vậy. Về lớp già, Thầy không đáng lo, còn lớp trẻ Thầy có định hướng giúp các em như vậy.

 

10. Hải Hạnh: Qua các chia sẻ của Thầy, con có thể nhận ra rằng chùa Hòa Lạc và chùa Đại Nam, hoạt động Phật sự có thể chia ra làm hai nhóm như nhóm Phật tử trung niên và lão niên bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau và nhóm thanh niên gồm có du học sinh, tu nghiệp sinh và những người hợp tác lao động. Những hoạt động đó tương đối khá tốt thì Thầy có nghĩ rằng trong tương lai bắt đầu từ năm 2015 trở đi, ngoài nghi thức tụng niệm vốn thích hợp cho người trung niên và lão niên có cần thiết có thêm một nghi thức tụng niệm cho người Việt Nam bằng tiếng Nhật để cho thành phần sanh ra lớn lên tại đây thế hệ mội rưỡi, thế hệ hai và những người có khuynh hướng định cư lâu dài vốn họ giỏi tiếng Nhật cần thêm hoạt động đó để có thể làm cho thế hệ trẻ này có thể hiểu đạo Phật Việt Nam hay Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo nói chung bằng tiếng Nhật mà là một ngôn ngữ rất quen thuộc đối với họ hay không?

 

Thầy Nhuận Phổ: Thầy thấy rất hay và cần suy nghĩ và sẽ cố gắng làm để các cháu biết được ngôn ngữ Phật giáo bằng tiếng Nhật, cái này là làm trong tương lai. Hiện tại ngôn ngữ Việt Nam dạy cho người Nhật đã có rồi nhưng nó vẫn còn hạn hẹp rất nhiều. Sách nói tiếng Việt chuyển qua tiếng Nhật rất hiếm, hình như họ không quan tâm đến vấn đề này. Thầy cũng nghĩ cho các cháu nào tìm các sách đó ra rất là khó. Lúc chuyển tải rất khó không hết ý Thầy sẽ suy nghĩ để cố gắng làm và có dịch lại. Nhiều lúc Thầy cũng có suy nghĩ này, không biết Thầy có bảo thủ hay không bảo thủ, ngôn ngữ Việt Nam, các cháu đó làm sao thì làm các cháu đó phải biết ngôn ngữ Việt Nam là chính còn ngôn ngữ Nhật là ngôn ngữ mẹ đẻ, biết hay không biết được không cần phải nói. Còn thế hệ trẻ cần phải biết viết tiếng Việt được và nói tiếng Việt được để không mất gốc người Việt. Theo Thầy biết có nhiều Thầy giáo về Việt Nam học về đây dạy lại tiếng việt cho các cháu. Sau bảy năm dạy tiếng việt không có cháu nào nói tiếng Việt được. Cuối cùng các cháu không học tiếng Việt. Trong quá trình dạy Thầy giáo dạy tiếng Việt mà Thầy giáo nói tiếng Nhật, thì các cháu vẫn không biết tiếng Việt mà nói tiếng Nhật. Các cháu đã biết tiếng Nhật mà nói tiếng Nhật thì đâu có hiệu quả tiếng Việt gì?

Thầy nghĩ các cháu người Việt mà không nói tiếng Việt, suy nghĩ tiếng Việt thì cũng không có hiệu quả. Do đó phải dạy làm sao hay làm cách nào đó để các cháu có thể biết nói tiếng Việt thật sự, viết tiếng Việt thật sự và suy nghĩ tiếng Việt thật sự. Tách ngôn ngữ ra cho riêng biệt, khi ở nhà thì sao cũng được, nhưng khi tới cộng đồng người Việt thì bắt buộc phải biết nói ngôn ngữ tiếng Việt thì chắc chắn nó sẽ thuần tiếng Việt và không bị mất gốc tiếng Việt.

 

Nói chung các cháu sẽ bị mất gốc tiếng Việt vì khi đến trường các cháu đã học tiếng Nhật và lệ thuộc vào ngôn ngữ này. Do đó Thầy nghĩ rằng phần nào đó sau này các cháu sẽ không biết tiếng Việt và đó là cách của Thầy suy nghĩ.

 

11. Hải Hạnh: Đáp ứng cho các cháu sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản để hiểu về Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Yếu tố dẫn các cháu tới các chùa Việt Nam, sau đó chùa Việt Nam nên có giảng dạy tiếng Việt. Tiếng Nhật là phương tiện hướng dẫn thì bằng cách này con tin rằng chúng sẽ gắn bó được với chùa, vì hiểu được thì mới gắn bó được. Chớ kiểu ở châu Úc, châu Mỹ và châu Âu cha mẹ dẫn con cháu tới chùa sinh hoạt nhưng vì rào cản ngôn ngữ nên các cháu không hiểu được nên sau thời gian là các cháu bỏ hết. Hy vọng rằng trong tương lai, ngoài sinh hoạt như thế, tiếng Nhật là công cụ tạm gọi là nửa phần tiếng Việt, nửa phần tiếng Nhật, nửa phần là để cho con cháu biết được tiếng Việt là nguồn gốc, nửa Nhật là để cho người Nhật bản địa có thể tham gia và người Nhật với bản chất khép kín vì thế theo việc này có thể thu hút người bản địa hiểu Phật giáo Việt Nam bằng tiếng Nhật và đang khi Thầy rất giỏi tiếng Nhật. Phật giáo Tây Tạng nhờ vào người bản địa sử dụng tiếng Anh trong vòng 6 thập niên thôi họ đã phát triển mạnh Phật giáo Tây Tạng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, Thầy có suy nghĩ gì nới rộng hoạt động của Thầy để các cháu sinh ra ở đây cùng tham gia?

 

Thầy Nhuận Phổ: Đây là ý kiến hay, Thầy sẽ suy nghĩ và họp với các anh em lại để bàn thảo ý này. Đó là cái nhìn rất hay của những người sống ở các nước Tây phương đã giúp Thầy có cái nhìn mới và Thầy sẽ tìm cách đưa vào người Nhật.

 

12. Hải Hạnh: Thông qua các chia sẻ của Thầy, con đã quan sát và vô cùng kính phục của một du học tăng trên đất nước Nhật vì là du học tăng như các chư tăng ni khác phải bỏ thời gian rất nhiều cho việc học, nhưng Thầy đã hy sinh dấn thân vào Phật sự cho cộng đồng Phật tử Việt Nam. Đây là một tấm gương chói sáng, con cầu nguyện hồng ân tam bảo gia hộ cho Thầy cũng như quý Thầy Cô khác thân tâm thường an lạc, trí tuệ sáng suốt và hoàn thành sứ mạng cao cả trên đất Nhật.

Con xin kính chúc Thầy luôn an lành.











Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
06/10/2015 20:30:09
Cam dong va vui qua . Chuc Thay suc khoe va an lac
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập