Bài Hướng Dẫn Đơn Giản cho Cuộc Sống

Đã đọc: 4756           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tâm thức chiếm một chỗ ưu việt trong Phật giáo, đối với tất cả mọi thứ mà một người nói hoặc làm xuất hiện trước tiên một ý tưởng nơi tâm thức. Để có được một tâm thức thuần thục là coi như sở hữu được một kho tàng. Khi một người luyện tập tâm thức, xoay vào bên trong xét nghiệm và tẩy rửa tâm thức của họ, người ấy sẽ tìm thấy nơi nội tại một nhà kho rộng lớn chứa đựng hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự là một phẩm chất của tâm thức cần được tìm thấy nơi tâm. Đức Phật dạy rằng sự buông bỏ đối với vật chất thế gian là hạnh phúc rất to lớn, cao hơn sự hưởng thụ vật chất thế gian. Niết Bàn là hạnh phúc cao tột, hạnh phúc khi được giải thoát khỏi đau khổ và sự tái sinh, và hạnh phúc nầy đạt được chỉ duy nhất là giải thoát tâm thức khỏi những nhiễm ô.

Nội Dung

  • Lời giới thiệu
  • 1.  Chính Kiến về cuộc sống
  • 2.  Lợi ích của Chính Tư Duy
  • 3. Kế Hoạch cho Cuộc Sống
  • 4. Chướng Ngại
  • 5. Nghỉ Ngơi
  • 6.  Giữ Ngũ Giới
  • 7.  Kiềm Chế Cảm Xúc
  • 8.  Cẩn thận với sự Thiên vị và Tuyên truyền
  • 9.  Cuộc sống Gia đình Hạnh phúc
  • 10.  Thực tập Tâm Từ
  • 11.  Giải thoát Tâm Thức
  • 12.  Chính Niệm trong hơi thở
  • 13.  Thanh thản Đối diện với Tử thần
  • 14.  Người Phật tử Chân chính
  • Vài hàng về Tác giả

 

 

 

Lời Giới Thiệu

Vô số sách đã viết về Phật giáo, nhưng những sách nầy quá toàn diện, quá chuyên môn, hoặc quá uyên thâm để giúp đỡ cho người cư sĩ trong việc tìm kiếm những chỉ dẫn súc tích.  Nhu cầu có một quyển sách cầm tay đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, chỉ dẫn làm thế nào để sống một cuộc sống đúng đắn của người phật tử tại gia. 

Bài tiểu luận nầy cố gắng bổ khuyết bằng cách cung cấp chính xác như tựa bài đã ghi :  Bài Hướng dẫn Đơn giản cho Cuộc Sống.

 

Để cho việc tham khảo được dễ dàng, bài tiểu luận được chia ra thành từng phần ngắn, gọn.  Phần đầu tiên là tầm quan trọng của các lý thuyết.   Nó giúp người đọc tập trung vào nguyên tắc trọng yếu trong lời giảng của đức Phật, không có những giải thích quá phức tạp và khó hiểu.  Những nguyên tắc trình bày ở đây có thể được xem như một bài triết lý rõ ràng về cuộc sống, một khuôn khổ làm sáng tỏ ý nghĩa và mục đích của đời sống người phật tử.  Những nguyên tắc nầy giúp cho người cư sĩ tại gia hiểu được vị trí của họ trong một đồ hình to lớn hơn, để họ biết đâu là việc ưu tiên phải làm, và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.  Hiện nay, sự thiếu thốn về một triết lý sống trong cuộc đời khá phổ biến, và sự thiếu thốn đó đã phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề đạo đức suy đồi đối với cá nhân và cả đoàn thể, nói riêng ở Tích-Lan hay nói chung ở mọi nơi trên thế giới.

 

Phần hai liên quan đến việc thực hành, và thể hiện sự hiểu biết về sự hiện hữu đã được phác họa trong phần thứ nhất.  Ở đây, chúng ta xét nghiệm về những lợi ích hiện hữu khi đón nhận Phật Pháp như một phương thức để suy ngẫm và để sống ;  trong phần nầy chúng ta cũng nhìn vào bên cạnh những gì đang xảy ra trong xã hội khi các giá trị tâm linh bị chối bỏ và thay vào đó là sự căng thẳng từ những phát triển vật chất.

 

Hai phần kế tiếp đặc biệt nói về nhu cầu phác họa một kế hoạch cho cuộc sống cá nhân, và những chướng ngại có thể xảy ra làm mai một sự thành công của kế hoạch đó.  Vấn đề chính của người cư sĩ phật tử là làm thế nào để phối hợp một nếp sống cư sĩ thành tựu với nguyên tắc đạo đức và tâm linh của một phật tử.  Vấn đề nầy có thể được giải quyết bằng cách sắp xếp cuộc sống của người cư sĩ phật tử trong khuôn khổ của Bát Chính Đạo, và họ cần thực tập theo lời Phật dạy.

 

Bởi vì sự an toàn về kinh tế khá quan trọng trong việc phát triển phật pháp, đức Phật quan tâm đến phúc lợi vật chất và phúc lợi phát triển tâm linh của các cư sĩ.  Đức Phật không ngăn chận các cư sĩ tìm kiếm hạnh phúc trần gian, nhưng ngài nhấn mạnh rằng trong khi theo đuổi mục đích vật chất, người phật tử phải hết sức cẩn thận để không vi phạm đạo đức căn bản.  Những điều luật nầy được tóm gọn trong Ngũ Giới, năm điều luật tối thiểu về đạo đức mà người cư sĩ phật tử cần tuân theo.  Vì Ngũ Giới là việc quan trọng trong quy tắc cơ bản đối với một cư sĩ phật tử, nên một phần riêng được đề ra để trình bày về Ngũ Giới.

 

Các phần còn lại của bài tiểu luận là những chỉ dẫn làm thế nào để áp dụng các nguyên tắc căn bản phật giáo vào các phạm vi chánh trong cuộc sống của người phật tử.  Bài tiểu luận chấm dứt với một đoạn ngắn trình bày những gì được trông mong nơi người cư sĩ phật tử lý tưởng trong cuộc sống hằng ngày.  Châm ngôn hướng dẫn của toàn thể bài tiểu luận là : Làm tốt một ít việc còn hay hơn là làm dở nhiều việc .

 

Tóm lại : Lời dạy của đức Phật là duy nhất trong sự hoàn bị của nó, là một kế hoạch có lý trí và phù hợp nhất đối với một cuộc sống lành mạnh.  Nó không dựa vào giáo điều hoặc niềm tin mù quáng, nhưng dựa vào những bằng chứng với kết luận có kiểm chứng.  Vì vậy, phật pháp ban tặng một nếp sống hợp lý và nó trở nên hấp dẫn đối với những ai biết suy nghĩ.  Hơn nữa, phật pháp hoàn toàn tương ứng với những phát triển của khoa học ngày nay và nó không cần những lời giải thích mới mẽ hầu tránh va chạm với những khám phá của khoa học.

 

Tuy nhiên, sự kiện chỉ chấp nhận Phật giáo một cách tri thức, sẽ không mang lại hạnh phúc và an toàn.  Để hoa quả phật pháp được nảy nở, lời dạy của đức Phật phải được xử dụng một cách thông minh và sáng suốt trong tất cả mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày.  Nó cần được đón nhận, thích nghi, và áp dụng cho đến khi tất cả những nguyên tắc căn bản được thấm nhuần và trở thành thói quen trong khi liên tục thực tập, bởi vì sự hiểu biết về phật giáo một cách lý thuyết sẽ không thể nào đầy đủ.

 

Nếu một người ước muốn thay đổi cá tính hiện tại, những thay đổi nầy cần rất nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn.  Chiều cao ngất ngưỡng của Niết Bàn không thể nào với tới bằng một cú nhảy vọt nhưng bằng sự cố gắng bền bỉ, và yên tịnh trong suốt thời gian dài, được hướng dẫn bởi những lời dạy của đức Phật.  Chúng ta đừng quên rằng cuộc hành trình một ngàn dặm bắt đầu bằng từng bước một.  Thực tập hằng ngày, bắt đầu bằng sự duy trì Ngũ Giới một cách nghiêm ngặt, là phương cách để tiến dần một cách trình tự trên con đường.  Kể cả thực tập chút ít mỗi ngày cũng giúp cho người thực tập mỗi ngày một bước gần hơn tới mục tiêu.

 

Nhân cơ hội nầy, tôi xin hồi hướng tất cả công đức Phật Pháp cho cha mẹ tôi, bây giờ đã khuất bóng.  Món quà phật pháp vượt trội hơn tất cả các quà tặng khác : Sabbadanam dhammadanam jinati.  Nguyện rằng công đức nầy góp phần vào hạnh phúc của muôn loài.

 

 

1. Chính Kiến về cuộc đời

 

Để được hạnh phúc, thành công, và an toàn, trước tiên chúng ta phải học nhận xét về bản thân chúng ta và thế giới đúng với bản chất thật sự của nó, và chúng ta nên uốn nắn các sinh hoạt hằng ngày theo nhận thức nầy.  Chúng ta cần phải nhìn vào các giải pháp cho các vấn đề của chúng ta trong vòng nhân quả, bởi vì luật nhân quả của vũ trụ hoạt động ngay nơi tâm tính con người, cũng như đối với thế giới vật chất bên ngoài .

 

Nền tảng cho một cuộc sống sung túc là hiểu biết về đạo đức nghiệp luật.  Kamma là tác ý hành động, hành động được thể hiện với ham muốn và ý định về mặt đạo đức .  Chúng ta cần nhận diện rõ ràng những hành vi thiện ý và bất thiện ý phát xuất ra những kết quả xấu và tốt.  Như một người gieo hạt giống, và rồi sẽ gặt quả.  Thiện hành thiện báo, và ác hành ác báo.  Hiệu lực trả quả cố hữu trong hành động có ý thức hoặc nghiệp.

 

Nghiệp cũng được tích lũy.  Không những các hành vi của chúng ta mang lại kết quả vui thú hay đau khổ, mà trong lực tích lũy nó cũng tạo thành cá tính của chúng ta.  Những hành động mà chúng ta tạo ra trong bất cứ đời sống nào cũng đều được chuyển tiếp đến các kiếp sống ở tương lai với những dạng thích hợp.  Những cá tính nầy góp lại tạo thành những tính chất đặc biệt của chúng ta.

 

Sự cố hữu trong hành động là động lực sản xuất một kết quả chín muồi.  Sự kiện nầy xảy ra không cần sự can thiệp hay bất cứ yếu tố giúp đỡ nào từ bên ngoài.  Phật giáo chối bỏ sự hiện hữu của một vị Thượng đế toàn năng.  Nghiệp không phải là định mệnh hay số phận, nhưng là hành động có ý thức của chúng ta và nó mang đến kết quả.  Hiểu biết về nghiệp quả, chúng ta sẽ học điều khiển các hành động của mình sao cho có lợi ích cho bản thân cũng như thúc đẩy các điều tốt nơi những người khác.

 

Có mười quá trình hành động được xem là bất thiện (akusala-kammapatha), những hành vi bắt nguồn từ ô nhiễm, tham, sân, và si.  Đó là : giết người, cướp của, tà dâm, nói láo, nói xấu, nói dữ, nói chuyện phiếm, tham lam, ác ý, và tà kiến.  Ngược lại với những điều nầy, là mười nền tảng công đức (puññakiriya-vatthu), những hành động bắt nguồn từ những phẩm chất đạo đức từ sự buông xả, lòng tốt, và trí tuệ sẽ  mang lại thiện nghiệp : lòng bao dung, đạo đức, thiền định, kính ngưỡng, phục vụ, hồi hướng công đức, hoan hỷ với công đức của người khác, nghe Phật Pháp, dẫn giải Phật Pháp, và trau dồi chính kiến.

 

Bởi vì thiếu sự hiểu biết đúng đắn và bị si mê che khuất, nên cuộc sống hiện nay phổ biến nhất về mặt vật chất, kể cả những đất nước có truyền thống Phật Pháp.  Khi con người bị thuyết phục rằng mọi thứ sẽ biến mất vào lúc chết, họ mất phương hướng về những lý tưởng đạo đức cao tột và trở nên lãnh đạm đối với những hậu quả lâu dài  của những hành động đã thực hiện. Cuộc sống của họ quay tròn theo những đuổi bắt mù quáng của thú vui nhục dục.  Do đó chúng ta thấy rằng ngày hôm nay con người kính ngưỡng tiền bạc bất kể là tiền kiếm được bằng cách nào, họ săn đuổi thú vui ở mọi nơi, theo đuổi quyền lực và danh vọng bất kể phải trả giá bằng sự liêm chính của bản thân.

 

Si mê chẳng biết đến luật pháp không có nghĩa là được miễn tội khi đứng trước tòa án, đối với luật nghiệp quả cũng như vậy : luật nhân quả hoạt động bất chấp người ta tin vào nó hay không, kết quả chín muồi sẽ xuất hiện sau nguyên nhân của nó.  Giống như một đứa trẻ sẽ bị phỏng nếu nó sờ vào lửa bất kể là nó có hiểu hay không hiểu về sự nguy hiểm khi chơi với lửa, vì vậy những ai vi phạm luật đạo đức sẽ phải đối diện với những hậu quả một khi nghiệp chín muồi, bất kể là họ chấp nhận hay không chấp nhận luật nhân quả.

 

Giống như cái bóng bị dính chặt vào hình thể, và rồi sự tái sinh cùng liên kết với nghiệp.  Tham đắm (tanha), ham muốn ích kỷ, hối thúc chúng ta hành động để khẳng định cuộc sống, nghiệp, hành động có ý chí.  Không có sức mạnh nào trong thiên nhiên bị mất đi, và năng lượng đạo đức cũng không ngoại lệ.  Một khi sự ham muốn và si mê vẫn còn trong tâm thức, nghiệp phải tìm cách thể hiện chúng sau khi chết.  Cái quả không thể tránh được của ham muốn hiện hữu là sự tái sinh.

 

Phật giáo khẳng định sự thay đổi liên tục của đời sống cá nhân sau khi chết, nhưng chối bỏ sự hiện hữu của một linh hồn thường hằng.  Tâm thức là sự thay đổi của những tiến trình tinh thần không có bất cứ cốt lõi bền bỉ nào, mặc dù không có thực chất, nhưng thay đổi nầy tiếp tục từ đời sống nầy sang đời sống khác, bị đưa dẫn bởi sự thèm khát hiện hữu.  Tâm thức của một người sắp lìa đời, vẫn còn sự ham muốn hiện hữu tiềm tàng, bám vào vật, ý tưởng nào đó, hoặc cảm giác liên hệ đến một hành động trong cuộc sống, và sự bám víu nầy tiếp sức sống vào một mầm móng thích hợp trong cuộc đời mới.  Một cơ thể mới sinh ra đời có thể là con người hoặc không phải con người, tùy vào nghiệp lực đã tạo trong đời sống trước đó.  Mầm sống được kích thích bởi tiến trình của sự tái sinh, được phú cho ý thức khởi đầu ( gọi là Kiết sanh thức - patisandhicitta ) nằm tiềm tàng trong những dấu ấn quá khứ, đặc tính, và sở thích của một cá nhân riêng biệt.  Do đó cái chết đưa đến sự ra đời và sự ra đời đưa đến cái chết.  Sự tái sinh do đó có thể xảy ra nhưng không mang theo một linh hồn đầu thai.

 

Học thuyết song sinh của Phật giáo về nghiệp và tái sinh là « trung đạo », cung cấp câu trả lời thích hợp cho vấn đề trong cuộc sống.  Trung đạo là tránh hai thái cực chủ nghĩa hữu thần và chủ nghĩa duy vật, duy trì trách nhiệm đạo đức, không có vấn đề tôn thờ một Thượng đế toàn năng và nhân từ.   Một con người là sự biểu lộ rõ ràng về hành động của họ trong quá khứ.  Một người được sinh ra từ nghiệp quá khứ, được chống đỡ bằng nghiệp hiện tại, và đến khi lìa đời tất cả các nghiệp tích lũy của người đó đưa người đó đến một cuộc sống khác.

 

Phật giáo dạy rằng con người tiến triển theo phẩm chất nghiệp mà họ thâu thập trong cuộc sống.  Điều nầy đáp ứng cho đạo đức một nền căn bản dựa vào lý trí, thay thế các điều răn của một đấng Thượng đế.  Dựa vào những bài giảng của đức Phật, sự thoái bộ vẫn có thể xảy ra ("kammic descent – nghiệp thoái lui") từ thế giới loài người sang thế giới dưới loài người, như thế giới súc vật, và sự tiến bộ ("kammic ascent – nghiệp thăng tiến") từ thế giới loài người sang cõi trời, thiên đàng.  Để biết được sự nguy hiểm của việc rơi xuống các thế giới thấp hơn cõi người, một người luôn luôn phải hành động cẩn thận.  Phẩm hạnh, dựa vào hạnh kiểm chính đáng, bảo vệ một người khỏi bị thoái bộ và bảo đảm sự thăng tiến về tâm linh.

 

Một người phật tử chân chính đón nhận luật nhân quả như họ được dạy, nhìn nhận nghiệp như lý do trọng yếu đối với sự sai biệt chênh lệch giữa con người về sức khỏe, phú quý, và trí tuệ.  Họ cũng học để đối diện với những mất mát của cuộc đời, thất vọng, thất bại, và các nghịch cảnh một cách bình tĩnh, không than vãn ; bởi vì họ biết rằng tất cả đều là kết quả của những hành động bất thiện trong quá khứ.  Nếu họ tự hỏi : « Tại sao việc nầy lại xảy ra cho tôi ? »,  câu trả lời được bày tỏ nơi nhân quả.  Họ sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề trong khả năng của họ và khi ngoại cảnh không thể thay đổi được, họ cố gắng tự thích nghi trong hoàn cảnh mới.  Họ sẽ không hành xử hấp tấp, không rơi vào tuyệt vọng, không trốn tránh khó khăn bằng cách uống rượu, xử dụng thuốc, hoặc tự tử, như đã từng xảy ra ở Tích Lan.  Những hành động kể trên chỉ cho thấy sự non nớt về mặt cảm xúc và sự si mê không hiểu biết gì về những lời dạy của đức Phật.

 

Đối với một phật tử chân thật, sinh hoạt hằng ngày, bằng tư tưởng, lời nói, và hành động, quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác trong cuộc sống.  Sự hiểu biết đúng đắn về luật nhân quả trong Phật giáo và sự tái sinh, là thiết yếu nhất cho một cuộc sống hạnh phúc, hợp lý, và là phúc lợi cho thế gian.  Đức Phật đã nói như sau :

 

Kẻ sát nhân sẽ gặp kẻ sát nhân ; Kẻ chiến thắng sẽ bị người chiến thắng ; Kẻ ngược đãi sẽ thắng sự lạm dụng, kẻ quấy nhiễu sẽ bị phiền muộn.  Như vậy bằng cách phát triển cách hành xử, kẻ cướp phá sẽ bị cướp đoạt .

—    Samyutta Nikaya, Kosala Samyutta, Sir Robert Chalmers phiên dịch

 

Mặc dù chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta có một bản ngã – một cá nhân thật sự có thể chất – theo lời dạy của đức Phật chúng ta thật sự chẳng là gì cả, giống như tiến trình của một ngọn lửa, một tổng hợp thể chất và tinh thần luôn luôn thay đổi, không có cái gì giống nhau trong vòng hai giây kế tiếp.  Tất cả những thành phần tạo nên chúng ta đều vô thường, bất như ý, và không có bản ngã.  Cuộc sống không phải là một người, một nhân dạng, nhưng mà là sự thích ứng ; nó không phải một sản phẩm, mà là một tiến trình.  Thực tế không có ai làm việc ấy, chỉ là sự làm việc ; không có ai suy nghĩ, chỉ là sự suy nghĩ ; không có ai đi, chỉ là đi.

 

Đức Phật dạy chúng ta làm thế nào để chấm dứt vòng luân hồi sinh tử, nơi chúng ta phải chịu nhiều loại đau khổ.  Cách thức chấm dứt vòng luân hồi là loại bỏ những nguyên nhân dẫn dắt chúng ta từ đời sống nầy sang đời sống khác.  Nguyên nhân chánh là ham muốn, nó mang nhiều dạng khác nhau.  Ham muốn ép buộc con người phải hành xử (nghiệp) để thỏa mãn ham muốn, và vì sự ham muốn chủ yếu không thể thỏa mãn được, với kết quả là sự tái sinh.

 

Ham muốn là một sức mạnh tinh thần tiềm tàng nơi mọi chúng sinh chưa tỉnh thức.  Nguyên nhân gây ra ham muốn là si mê (avijja) không biết bản chất thật của cuộc sống : không biết rằng cuộc sống là một tiến trình luôn thay đổi,  con người phải đau khổ, và cốt lõi hoàn toàn không có một cái ngã nào.  Suốt cuộc sống, bất kể cuộc sống ở nơi nào, đều mang một bản chất giống nhau : một tiến trình được đóng nhãn với ba dấu ấn của vô thường, bất như ý, và vô ngã (anicca, dukkha, anatta).

 

Đức Phật tự ngài nhận biết bản chất thật của cuộc sống và qua sự chứng nghiệm mà ngài đạt được, xa lìa sinh và tử : một hiện thực thường hằng, hạnh phúc, và bất tử.  Trạng thái nầy không thể nào diễn tả được nhưng nó phải được chứng nghiệm bằng nội tại, bằng kinh nghiệm trực tiếp của một cá nhân ; đạt được đến trạng thái nầy phải do một người tự chứng nghiệm lấy.  Hiện thực cuối cùng nầy, nơi mà ý nghĩ chấm dứt trong sự chứng nghiệm, là Niết Bàn, là mục đích của con đường Phật giáo.

 

Các bài giảng của đức Phật được cô đọng lại trong bốn sự thật, được gọi là Tứ Diệu Đế : đau khổ, nguyên nhân của đau khổ ( ham muốn), chấm dứt đau khổ ( Niết Bàn), và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau ( Bát Chính Đạo).  Tất cả những điều nầy là chân lý vĩnh viễn, chân lý không thể thay đổi và không thể thay đổi theo thời gian và không gian.

 

Con đường duy nhất cho chúng ta tránh đau khổ và bất mãn là loại trừ lòng ham muốn ; bởi vì tất cả mọi thứ ta có được và bám vào một cách háu hức đều vô thường.  Không có gì tồn tại mãi mãi – không có người, không có vật, không có kinh nghiệm.  Bất cứ gì xuất hiện đều phải tàn lụi, và bám víu vào vật sẽ tàn lụi thì không chóng thì chầy cũng đau khổ.  Thật là không dễ dàng để mà loại trừ ham muốn ; thật ra, nó là một thử thách đầy cam go trong mọi thử thách. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta có thể loại trừ ham muốn, và đạt đến một trạng thái nội tại mỹ mãn với sự bình thản vững chãi.

 

Chúng ta có thể chấm dứt đau khổ bằng cách trau dồi Bát Chính Đạo trong ba giai đoạn của đạo đức, chính niệm và trí tuệ - sila, samadhi, pañña.  Đạo đức thanh tịnh hóa hạnh kiểm, và chính niệm giúp cho tinh thần được tĩnh lặng.  Khi tinh thần được tĩnh lặng và chú tâm, trí tuệ xuất hiện, một sự thấu hiểu sâu sắc rõ ràng hiện diện, hiểu biết và nhận thấy mọi vật đúng với bản thể của nó.  Với trí tuệ xuất hiện, tất cả mọi dạng ham muốn vĩnh viễn bị hủy diệt ; ngọn lửa cuộc đời bị dập tắt vì không còn nhiên liệu.  Trạng thái không bị điều kiện hóa đã thắng – Niết Bàn, là nơi bất tử, hạnh phúc và chân thật.

 

Bát Chính Đạo bao gồm tám yếu tố sau đây, liên hệ mật thiết và có sự tương tức, được sắp xếp thành ba nhóm :

 

Nhóm Trí Tuệ (pañña)    

  1. Chính Trí : hiểu biết về bản chất thật của cuộc sống ; hiểu biết Tứ Diệu Đế
  2. Chính Tư Duy : ý nghĩ thoát khỏi nhục dục, ác tâm, và công kích.

 

Nhóm Đạo Đức  (sila)

  1. Chính Ngữ : từ bỏ nói dối, vu cáo, nói dữ, và nói chuyện phiếm.
  2. Chính Hạnh : từ bỏ sự giết hại, ăn cắp, và tà dâm.
  3. Chính Mạng : tránh công việc làm có liên quan đến sự bức hại hoặc bóc lột con người.

 

Nhóm Thiền Định (samadhi)

  1. Chính Tinh Tấn : luyện tập tinh thần để tránh những trạng thái suy nghĩ bất thiện và để phát triển những trạng thái toàn thiện.
  2. Chính Niệm : phát triển năng lực của sự chú tâm và nhận thức trong «  bốn nền tảng của chính niệm » - thân thể,  cảm giác, tinh thần, và những hiện tượng tinh thần.
  3. Chính Định : trau dồi cho đến khi tâm thức trụ vào một điểm duy nhất.

 

Tám yếu tố nầy tóm gọn lại lời giảng dạy và cách thực hành của đức Phật.  Đó là trọng tâm của Phật Pháp.  Chỉ biết và chiêm ngưỡng Phật Pháp thì chưa đủ ; cần phải thực tập phật pháp trong cuộc sống hằng ngày, vì biết được điều nào đúng đã là khó khăn và so với việc thực tập được điều đó lại càng khó khăn hơn.  Chúng ta chỉ thật sự biết điều gì đó khi nào chúng ta thực hành điều ấy liên tục, khi chúng ta biến điều ấy trở thành bản chất của chúng ta.  Mặt thực tiễn của Phật Pháp là luyện tập gấp ba lần đạo đức, chính niệm và trí tuệ ; ba việc nầy tích lũy tạo nên Bát Chính Đạo, là « trung đạo » mà bậc Chính Giác đã khám phá ra trong khi đạt Niết Bàn.

 

Người tu sĩ và cư sĩ đều giống nhau khi bước chung trên một con đường.  Cả hai đều bắt đầu chung trên một nền tảng, chính tư duy ; cả hai đều cùng mục đích, Niết Bàn.  Điều duy nhất khác nhau là trình độ trong sự thực tập và khoảng cách tiến bộ.  Tuy vậy, cho dù là cư sĩ hay tu sĩ, sự thực tập Bát Chính Đạo có phương pháp sẽ bồi dưỡng sự phát triển của các phẩm chất hoàn thiện và đưa đến sự giải thoát – sự rộng lượng, lòng tốt, và trí tuệ.  Những phẩm chất nầy dần dần được phát triển và chín muồi, nó sẽ làm yếu đi và cuối cùng là bứt đứt những kiềm chế của tham, sân, si đã từng trói buộc chúng ta quá lâu trong vòng luân hồi sinh tử.

 

 

2. Những lợi ích của Chính Tư Duy

 

1. Chính Tư Duy là nền tảng để phát triển một hướng đúng đắn về các giá trị đạo đức, đang thiếu sót một cách khẩn thiết ở thời đại của chúng ta.  Thiếu Chính Tư Duy thì cái nhìn của chúng ta bị lu mờ và hướng đi bị sai lệch ; tất cả những cố gắng của chúng ta sẽ bị đưa đi sai đường và hướng dẫn sai lạc, tất cả những kế hoạch cho cá nhân và sự phát triển cho xã hội phải bị nhầm lẫn và thất bại.  Những kế hoạch như vậy cần phải được dựa trên Bát Chính Đạo với tầm quan trọng về sự tự cố gắng, tự chủ, và sự kính trọng đối với cá nhân.

 

Khi quan điểm sai lầm thắng thế, chúng ta hoạt động với một giá trị sai lệch : chúng ta lao mình vào những cuộc săn đuổi mù quáng về của cải, quyền lực và sở hữu vật chất ; chúng ta bị ám ảnh bởi sự thôi thúc để xâm chiếm và thống trị ; chúng ta mong mỏi một sự trả thù tàn nhẫn ; chúng ta thích ứng một cách ngu xuẩn đối với các tục lệ và tiêu chuẩn xã hội.  Chính Kiến chỉ dẫn cho chúng ta hướng về giá trị đạo đức sáng suốt : hướng về sự buông xả và lòng tự tế ; hướng về sự rộng lượng của tâm hồn và phục vụ tha nhân ; mưu cầu trí tuệ và sự hiểu biết.  Sự hỗn loạn và tình trạng điên rồ về đạo đức đang thịnh hành trên thế giới bây giờ sẽ được xoa dịu, nếu không muốn nói là bị tiêu diệt, khi con người thực tập con đường của đức Phật.  Chính Mệnh và Chính Hành, thí dụ, có thể giúp chúng ta tránh được những xung đột từ kết quả của một cuộc sống bất thiện với hành động sai lầm. Tránh được điều nầy giúp cho xã hội có thể được an bình và thái hòa.

 

Mặc dù ở các đất nước Tây phương giàu có, con người hiện tại đang hưởng thụ những tiêu chuẩn cao về mặt vật chất và sự phục vụ, phẩm chất đời sống nội tại của họ không mang lại bằng chứng tương đương nào với sự cải tiến vật chất.  Lý do cho đời sống nội tại nghèo nàn của họ là sự bỏ bê các giá trị tâm linh.  Khi chủ nghĩa vật chất xoáy mòn các kích thước của cuộc sống tâm linh cao cả, tình trạng đâm đầu vào chủ nghĩa đạo đức hư vô là việc đương nhiên.  Chúng ta nhận thấy điều nầy nơi những tình trạng báo động ở các bảng thống kê trong xã hội vật chất : con số tự tử gia tăng, sự bùng phát về tội ác, phạm tội tình dục, nghiện rượu, và sự lạm dụng các loại thuốc kích thích tăng nhanh.   Điều nầy chứng tỏ rằng, sự căng thẳng xuất hiện từ các phát triển vật chất trong một xã hội luôn tìm kiếm dục lạc, và cuối cùng là sự tự hủy diệt, giống như một miếng sắt đã bị chất rỉ sét ăn mòn từ bên trong.  Kể cả tri thức và kỷ luật cũng không đầy đủ, bởi vì nếu không có lý tưởng đạo đức, con người có thể biến xã hội trở thành một công xưởng khổng lồ hoặc một trại lính.  Chỉ có sự trau dồi giá trị đạo đức đúng đắn mới có thể làm cho xã hội có văn hóa và văn minh một cách đúng nghĩa.

 

2.  Có được Chính Tư Duy sẽ giúp chúng ta nhận diện những giá trị thế gian là do con người tạo ra và nó rất tương đối.  Những giá trị thế gian sai lầm làm cho con người lạc lối và làm cho họ đau khổ một cách vô ích.  Đức Phật dạy những giá trị truyền thống, giá trị thật sự, giá trị dựa trên nền tảng chân lý vô tận.  Đức Phật là người đầu tiên nhận biết bản chất thật sự của cuộc sống, và rồi ngài tiết lộ Phật Pháp - luật vĩnh viễn của chân lý và công bằng cho người trần tục mù quáng.  Phật Pháp bao gồm Tứ Diệu Đế và các nguyên tắc về nghiệp và tái sinh.  Bất cứ giá trị nào xa rời những nguyên tắc nầy, không cần biết là nó được chấp nhận rộng rãi đến cỡ nào trong tiêu chuẩn thông thường, đều là vô giá trị và dối trá.  Trong khi có những người mà tâm trí họ bị che lấp bởi tà kiến, họ sẽ bị lầm lẫn bởi cái nhìn sai lệch nầy, nhưng một người với Chính Kiến sẽ nhận biết được sự rỗng tuếch ngay tức khắc.

 

3. Nhận thấy cuộc sống bao hàm sự liên tục thay đổi và cuộc sống luôn phải đối diện với vô số dạng đau khổ, với Chính Tư Duy một người học sống đơn giản và biết điều hòa ham muốn.  Một người sáng suốt và có đạo đức biết điều hòa những ham muốn của họ và đi theo « trung đạo » trong tất cả các tình huống.  Hiểu biết rõ liên hệ giữa ham muốn và đau khổ, một người nhận thức được sự quan trọng trong việc kiểm tra ham muốn bằng nếp sống giản dị.  Một người có Chính Tư Duy sẽ nhận thức rằng hạnh phúc chân thật là một trạng thái nội tại – một phẩm chất tâm thức – và như vậy sẽ tìm kiếm hạnh phúc nơi nội tại.  Hạnh phúc là không dựa vào vật chất bên ngoài, cho dù cần có một mức độ vật chất tối thiểu để có thể tiến hành việc phát triển nội tại.

 

Chúng ta chỉ cần có bốn loại căn bản về phương tiện sinh sống: thức ăn bổ ích, quần áo, chỗ ở, và thuốc men.  Bổ sung cho những điều nầy, chúng ta cần có bốn nhu cầu về tinh thần: Chính Trí, đạo đức, xem chừng các cánh cửa của các giác quan, và thiền định.  Đây là hai bộ đồ dùng căn bản cần thiết cho một nếp sống cao thượng.  Sống giản dị, không cần sở hữu và vướng mắc vào những thứ dư thừa, sống thỏa mãn với tâm hồn an lạc, bỏ thời gian và công sức để theo đuổi những giá trị cao cả, và đạo đức cao thượng.  Tính tự phụ và tính hư danh đã cột chặt chúng ta vào những mục đích giả dối, và tâm thức càng nhỏ thì lòng tự phụ càng lớn.

 

4. Phật giáo ủng hộ tính khách quan về vấn đề đạo đức, vì đạo đức phật giáo dựa trên luật nhân quả trong phạm vi đạo đức, và luật nầy, như luật vật lý về trọng lực, là chân lý có giá trị không biến đổi trong mọi thời.  Những hành vi thiện và ác đều sản xuất ra kết quả vui và đau buồn bất kể quan điểm hay mong muốn của người đã tạo ra nó.  Nhìn nhận sự khách quan của luật nhân quả và sự liên hệ trực tiếp giữa hành động và hậu quả, một người với Chính Niệm sẽ từ bỏ những hành động sai lầm và tôn trọng triệt để những tiêu chuẩn của phẩm hạnh thiện lành, được biểu hiện qua Ngũ Giới ( giải thích ở phần sau).

 

5. Khi sự thay đổi gắn liền với cuộc sống, những việc không thể ngờ tới đều có thể xảy ra.  Vì vậy người Phật tử sáng suốt nhận biết nhu cầu khống chế các cảm xúc.  Khi tai ương xuất hiện, chúng ta phải đối diện với nó một cách bình tĩnh, không than khóc hoặc rơi vào tuyệt vọng.   Năng lực để giữ bình thản giữa những biến động của vận mệnh là lợi ích từ Chính Tư Duy.  Chúng ta phải hiểu rằng tất cả mọi thứ xảy ra cho chúng ta, vì chúng ta là kẻ cuối cùng phải chịu trách nhiệm cho các nguyên nhân và kết quả đã xảy ra.  Tương tự như vậy, khi chúng ta đạt được sự tự chủ cảm xúc tới mức nào đó, chúng ta sẽ có khả năng loại bỏ những lo âu và sợ hãi vô căn cứ.  Những điều dường như là bất công trong cuộc sống, lời phàn nàn, thích nghi sai lạc về cảm xúc, v…v…, tất cả đều được giải thích tường tận và hợp lý bằng luật nghiệp quả và tái sinh.   Một khi hiểu được luật nầy, chúng ta sẽ thấy rằng, trong bài phân tách cuối cùng, chúng ta là những nhà kiến trúc cho chính vận mạng của mình.

 

6.  Xa hơn kết quả của Chính Tư Duy là năng lực nhìn người, nhìn vật, và các sự kiện một cách khách quan, lột trần những cái thích và không thích, không thiên vị hay thiên kiến.  Khả năng nầy đối với sự khách quan, một dấu hiệu thật sự của sự trưởng thành về mặt tinh thần, sẽ bắt nguồn cho sự suy nghĩ sáng suốt, một nếp sống lành mạnh, sự giảm sút đáng kể về tính nhạy cảm, sự ảnh hưởng nguy hiểm của làn sóng thông tin, và là một sự cải thiện tốt đẹp về mặt tình cảm giữa cá nhân với cá nhân.

 

7. Một người với Chính Tư Duy có thể tự suy nghĩ cho bản thân.  Họ có thể quyết định mọi việc, có những ý kiến riêng, biết đối diện với những khó khăn của cuộc sống, được trang bị bằng những nguyên tắc thực tế do đức Phật chỉ dạy.  Người Phật tử chân chính sẽ không là kẻ hèn nhát về đạo đức hay trí thức, nhưng họ sẵn sàng đứng một mình bất kể những người khác nói gì và nghĩ gì.  Dĩ nhiên, họ sẽ tham vấn tìm lời khuyên khi cần thiết, nhưng họ cũng sẽ tự quyết định và can đảm nhận trách nhiệm với quyết định của họ.

 

8.  Chính Tư Duy mang đến cho chúng ta một mục đích sống.  Một người cư sĩ phật tử cần phải học sống có mục đích, với mục đích xứng đáng – cả hai mục đích trực tiếp và mục đích cuối cùng, cái nầy phải hòa hợp được với cái kia một cách hài hòa.  Để được hạnh phúc thật sự chúng ta cần một triết lý sống giản dị nhưng hợp lý.  Triết lý là sự mong muốn dữ dội để tìm hiểu về bản chất của con người và số mạng của con người trong vũ trụ.  Nó mang đến cho cuộc sống một phương hướng và ý nghĩa.  Không có nó, chúng ta sẽ mơ màng hoặc lúng túng đi trên đường đời.  Một triết lý rõ ràng dứt khoát giúp cho cuộc sống có ý nghĩa và ích lợi hơn, giúp cho chúng ta sống hài hòa với môi trường thiên nhiên, và với mọi người xung quanh.

 

 

3.  Kế hoạch cuộc sống

 

Để xử dụng hết tiềm năng của con người, chúng ta không những chỉ cần một mục đích thực tiễn cho cuộc sống, nhưng cũng cần một kế hoạch để đạt đến mục đích đó.  Hai phần trước của bài tiểu luận trình bày cơ sở để phát triển những giá trị đạo đức đúng đắn, những giá trị thiết yếu mang lại hạnh phúc, thành công, và an toàn trong cuộc sống thế tục, và để tiến dần về mục đích cuối cùng của con đường Phật giáo, Niết Bàn.  Trong khi chúng ta bước trên con đường giải thoát, vì là cư sĩ chúng ta sống trong thế tục, và mục đích trực tiếp của chúng ta là làm thế nào để cho cuộc sống thế tục thành một phương tiện thành công ở thế gian và cũng là một viên gạch lót đường cho sự giải thoát sau cùng.

 

Để đạt được điều nầy, chúng ta phải sắp xếp cuộc sống trong khuôn khổ Bát Chính Đạo.  Chúng ta có thể nhận biết mục đích trực tiếp của mình bằng cách phác họa một kế hoạch cho cuộc sống cá nhân trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta.  Kế hoạch cho cuộc sống cần phải thực tế.  Nó phải vạch ra được sự phát triển thực tế nơi tiềm năng của chúng ta, lèo lái chúng ta hướng về việc thực hiện mục đích một cách hoàn toàn nhất trong khả năng của chúng ta.

 

Ngay lúc đầu, chúng ta cần phải có sự hiểu biết chân thật về chính bản thân.  Thật là vô ích để nghĩ ra một phương án khả thi cho cuộc sống dựa vào nền tảng của sự lừa dối, phô trương bản thân và khả năng của mình.  Chúng ta khám phá nhiều điều về bản thân, bằng cách tự quan sát và tự kiểm điểm, cách hay nhất để tự cải thiện.  Chúng ta phải tự hỏi ít nhiều, mức độ ra sao về lòng rộng lượng, tự tế, điềm đạm, quan tâm, chân thật, và tỉnh táo trong vấn đề đạo đức, thẳng thắn, chuyên cần, nghị lực, siêng năng, cẩn thận, kiên nhẫn, bao dung và tế nhị.  Đây là những phẩm chất của sự tiến triển tốt đẹp nơi người Phật tử, những phẩm hạnh mà chúng ta phải tích cực noi gương.

 

Chúng ta cần cải thiện bản thân khi biết mình yếu đuối.  Thực tập một chút mỗi ngày chỉ cần như vậy là được.  Chúng ta phải ghi nhớ rằng một hành động được thực hành thường xuyên, sẽ dễ dàng cho chúng ta thực hành nó trong tương lai và chiều hướng thực tập sẽ mạnh mẽ hơn và rồi sẽ biến thành một phần thói quen, ăn sâu vào cá tánh.

 

Kế hoạch cuộc sống của chúng ta cần phải bao gồm tất cả những phạm vi chánh yếu của cuộc sống bình thường, bao gồm sự nghiệp, hôn nhân, sanh và nuôi dưỡng con, nghỉ hưu, tuổi già và chết.  Cuộc sống hạnh phúc của người cư sĩ bao gồm việc tìm xem một cách chính xác ta có thể làm gì và làm giỏi việc ấy.  Tưởng tượng rõ hình ảnh về một mục đích thực tiễn trong cuộc sống, và phác họa những bước thực tế cần phải có để đạt mục đích đó, và nó hướng dẫn chúng ta hoàn thành lý tưởng.  Chúng ta thường hay trở thành cái mà chúng ta thật sự mong muốn, để đạt được mục đích chúng ta phải hành động một cách thực tế và hữu hiệu.

 

4. Chướng ngại

 

Năm trạng thái sau đây thường hay ngăn ngừa hoặc gây trở ngại cho sự cố gắng  trên bước đường chân chính của người cư sĩ Phật tử.   Đức Phật gọi là Ngũ Triền Cái (pañcanivarana)  bởi vì nó đóng lại các cửa tiến hóa của thế tục và tâm linh. Mặc dù đức Phật đầu tiên đã dạy về Ngũ Triền Cái như là những chướng ngại chánh yếu trong thiền định, chúng ta chỉ cần suy nghĩ một chút là có thể thấy Ngũ Triền Cái đều rất bất lợi cho sự thành công trong cuộc sống kinh doanh thế tục.

 

1.  Đầu tiên trong Ngũ Triền Cái là ham muốn sắc dục, thèm khát sở hữu hoặc ham muốn các thú vui dục lạc. Trong khi một cư sĩ Phật tử tìm kiếm sự sung túc và sở hữu vật chất như một phần hạnh phúc trong cuộc sống thế tục, người phật tử vẫn nhận biết về các giới hạn trong việc theo đuổi vật chất.  Họ nhận biết rằng nếu như một người đạt được sự giàu sang và danh vọng bằng những phương cách không chính đáng, hoặc trở nên quá bám víu vào danh vọng và quyền lực, họ sẽ trở nên đau khổ và thất vọng thay vì sung sướng và hài lòng.  Tiền bạc không thể giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta.  Có một số người chẳng bao giờ học được điều nầy, và bỏ thời gian cũng như công sức để tích lũy của cải và cái được gọi là «  những món ngon vật lạ »  mà tiền có thể mua được.  Nhưng thật ra, họ càng sở hữu nhiều chừng nào thì lại càng ham muốn nhiều chừng ấy.  Những người như vậy sẽ chẳng bao giờ được hạnh phúc.  Một người Phật tử cần phải điều độ trong mọi thứ.  Những ham muốn quá độ - đối với những người giàu có, thú vui nhục dục, uống rượu, phô trương khoe khoang sự thành đạt của họ - là những dấu hiệu của sự thiếu tự tin nội tại, cần phải tránh những thứ nầy.

 

2.  Ác ý hoặc căm thù, chướng ngại thứ hai, là một đối nghịch cảm xúc của ham muốn, tuy vậy nó vẫn là một chướng ngại mạnh mẽ như ham muốn đối với việc phát triển của một người.  Bởi vì chúng ta bị hấp dẫn bởi những cái đáng thèm muốn, chúng ta bị khó chịu bởi những cái đáng ghét.  Thích và không thích là hai lực đánh lừa thế gian, dẫn dắt con người lạc lối vào sự xung đột, hỗn loạn, và làm cho máu thấm đầy mặt đất .

 

3.  Sự lười biếng và tính chậm chạp là chướng ngại kế tiếp, chướng ngại đối với sự cố gắng tích cực. Người lười biếng không có khuynh hướng phấn đấu để hướng về sự hiểu biết đúng đắn hoặc phẩm hạnh cao thượng.  Họ là kẻ du thủ du thực hoặc là kẻ mơ mộng, dễ dàng làm con mồi cho các tên trộm cắp của ham muốn và căm thù.

4.  Sự hiếu động và lo âu là một cặp chướng ngại rất hiển nhiên hiện nay.  Sự hiếu động biểu hiện nơi sự huyên náo, thiếu kiên nhẫn, thèm khát sự sôi nổi, và tính cách náo loạn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.  Lo âu là cảm giác tội lỗi và hối hận mà một người cảm nhận được khi họ nghiền ngẫm về một hành động xấu ác đã làm hoặc một hành động thiện lành chưa làm xong.  Thuốc giải tốt nhất cho sự sai sót hoặc sự vi phạm là quyết định không bao giờ tái phạm; thuốc giải tốt nhất cho sự hờ hững làm việc tốt là làm ngay việc tốt bây giờ không chút chậm trễ.

 

5.  Chướng ngại cuối cùng là sự nghi ngờ.  Sự nghi ngờ, là không có khả năng để quyết định, thiếu quyết tâm, ngăn ngừa một người cam kết hướng về lý tưởng cao thượng và không thể theo đuổi sự thiện lành với một quyết tâm vững chãi.

 

Năm chướng ngại nầy là một bất lợi rất lớn cho sự tiến bộ của một người.  Nó cướp đoạt sự hiểu biết và hạnh phúc của tâm thức, và tạo ra nhiều đau khổ không cần thiết.  Bằng cách trau dồi năm phẩm hạnh cốt yếu – lòng tự tin, năng lực, chính niệm, chú tâm, và trí tuệ  - và với sự cố gắng bền bĩ một người có thể làm giảm đi ảnh hưởng tai hại nầy .

 

5. Thư thả

 

Cuộc sống hiện đại đầy dẫy những căng thẳng và mệt mỏi. Vì vậy việc thư thả là chất liệu cần thiết cho hạnh phúc.  Bằng cách thấu hiểu những nguyên nhân của  căng thẳng và bằng cách điều chỉnh lại các nguyên nhân nầy, chúng ta có thể sống một cách bình yên kể cả khi chúng ta đang gắng sức để sinh hoạt.

 

Việc làm nặng nhọc không áp lực chẳng bao giờ làm chết ai cả.  Vậy tại sao lại có một số người luôn luôn làm việc một cách áy náy và bồn chồn?  Thông thường, người như vậy bị điều khiển bởi sự khao khát, ham muốn mãnh liệt.  Họ muốn đạt được mục đích một cách háo hức, với lòng tham lam rằng họ không thể nghỉ ngơi cho đến khi họ đạt được cái họ muốn ; hoặc họ sợ hãi sẽ mất đi vật gì đó mà họ yêu quý, rằng họ không thể thư thả để hưởng thụ giây phút hiện tại ; hoặc họ oán giận những kẻ đã cản trở sự thèm khát của họ ; hoặc họ luôn luôn khao khát quyền lực, địa vị, danh vọng vì một vài nhu cầu vô lý để chứng tỏ bản thân họ cho những người khác thấy và tự khẳng định giá trị của họ .

 

Nếu một người muốn tránh bị căng thẳng và mệt mỏi, như vậy họ phải luyện tập cho tâm thức nhìn thấy rõ mọi thứ mà họ chạm trán – người, vật, sự kiện, và kinh nghiệm – Trong thực tế, các hiện tượng đều ngắn ngủi, dựa vào những điều kiện mà xuất hiện.  Họ phải suy ngẫm và quán sát về những điều nầy trong ba cá tính – vô thường, bất như ý, và vô ngã.  Làm được như vậy sẽ giúp cho họ giảm bớt sự quan tâm đối với các hiện tượng nầy, và như vậy sẽ giảm bớt sự khao khát và tham đắm đối với nó.

 

 Họ phải tránh tức giận, nôn nóng, và kiêu ngạo – những ý nghĩ về « tôi »  và «  của tôi »   - bởi vì những cảm xúc đó sẽ sản xuất ra căng thẳng, mệt mỏi.  Khi một người áp dụng thái độ nầy trong cuộc sống, họ sẽ khám phá ra sự buông xả to tác, sự yên bình sâu lắng, sự an lạc nội tại kéo dài hơn kể cả khi họ ở trong những tình trạng mà trước đó chỉ gây ra căng thẳng và lo âu.  Giải đáp để kiềm chế căng thẳng là xuyên qua việc rèn luyện và làm chủ tâm thức.

 

Một người cũng có thể làm giảm căng thẳng bằng cách tạo ra những thói quen tốt trong khi làm việc.  Một người có thể tự hạn chế mỗi lần làm một việc, bởi vì ráng làm một lúc nhiều việc chỉ dẫn đến những kết quả kém.  Một người cần phải phân rõ giờ làm việc và giờ chơi.  Một người phải làm việc với tâm thức thư thả, trong khi làm việc, nhớ tự nhắc nhở mình rằng một người có thể hoàn thành nhiều việc và làm rất tốt nếu họ làm việc một cách bình tĩnh và trong công việc hằng ngày nên xen kẽ vào những khoảnh khắc giải lao.

 

Những kỷ luật phụ thêm sau đây sẽ trợ giúp nhiều cho việc chiến đấu căng thẳng:

 

1. Gìn giữ Ngũ Giới một cách chu đáo.  Cảm giác phạm tội gia tăng sự căng thẳng. Bằng cách gìn giữ các giới luật, một người sống cuộc sống không có lỗi lầm và như vậy hưởng được sự tự do, không phải bị lương tâm cắn rứt như kẻ đã phạm giới.  Lương tâm bị cắn rứt là bạn đồng hành của sự bực bội trong ngày, là bạn đồng sàng của sự khó chịu lúc về đêm.

 

2. Cảm giác tự chủ.  Tâm thức luôn luôn bị hấp dẫn bởi các đối tượng có cảm xúc dễ chịu, và chán ghét những đối tượng khó ưa.  Đi lang thang một cách thiếu thận trọng giữa các lĩnh vực đối tượng, tâm thức bị phân tán và quẩn trí.  Bằng cách canh chừng các cánh cửa cảm xúc, sự khích động lãng phí nầy được kiểm tra.  Tâm thức trở nên yên tịnh và ổn định, và kết quả là trải nghiệm được hạnh phúc không tì vết.

 

3. Thiền định.  Thiền định, hoặc bhavana, thanh tịnh hóa tâm thức.  Một khi tâm thức dần dà được tẩy gội, một người sẽ nhận thấy rõ ràng bản chất chân thật của cuộc sống.  Họ sẽ không bị lệ thuộc vào vật chất thế tục và phát triển sự thanh thản không thể bị lay động bởi sự thăng trầm của vận mệnh.

 

4. Trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm.  Tứ Vô Lượng Tâm (brahmavihara) là Từ, Bi, Hỷ, Xả.  Đây là những cảm xúc đã được thăng hoa làm giảm đi sự căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày, cải thiện liên hệ giữa các cá nhân ở nhà hay sở làm, khuyến khích sự hòa hợp và tình hữu nghị giữa các chủng tộc, giúp phát triển một tâm thức cân bằng, và gia tăng sự bình tĩnh cũng như sự an lạc nội tại.

 

5. Một lời khuyên thực tiễn cuối cùng :  Thời gian, năng lực, và tiền của có giới hạn, trong khi các ham muốn thì vô hạn.  Vì vậy một người cần phải biết việc nào cần được ưu tiên.  Người cư sĩ Phật tử, nói riêng, phải có khả năng phân biệt : biết điều gì thật sự thiết yếu cho cuộc sống thiện lành ; cái mình muốn nhưng chưa gấp ; việc gì không quan trọng và không cần thiết ; và cái gì có hại.  Biết phân biệt những điều nầy, một người cần phải theo đuổi các việc được ưu tiên, và tránh các việc không cần thiết.  Điều nầy giúp cho một người tránh được sự lo âu, thời gian lãng phí vào những việc không cần thiết, và thúc đẩy sự cân bằng, và cuộc sống thanh đạm.

 

6.  Gìn giữ Ngũ Giới

 

Kỷ luật đạo đức tối thiểu của một cư sĩ Phật tử là Ngũ Giới (pañcasila).  Những giới nầy là luật đạo đức được đón nhận một cách tự nguyện để khuyến khích phẩm hạnh trong sáng của một người và để tránh gây thương tổn và đau khổ cho những người khác.  Tà hạnh rất nguy hiểm đối với bản thân và những người xung quanh, nó tăng cường Tham, Sân và Si.  Tiến hành một hoạt động xấu ác không phải chỉ là việc chọn lựa tự do: nó vi phạm đến luật đạo đức của vũ trụ, mang lại đau khổ không thể tránh được trong đời nầy và cả những đời sau.  Đối nghịch với hành động xấu ác là thiện hành (sila).  Phẩm hạnh liên quan đến việc tránh xa những hành động thiếu đạo đức bằng cách tự nguyện đón nhận những nguyên tắc đạo đức giữ mình.  Hành động thiện lành bắt nguồn từ ba gốc rễ thiện của sự buông xả, lòng tốt, và trí tuệ.  Bằng cách cam kết chấp nhận các giới đạo đức, một người thề nguyện sẽ chỉnh đốn tư cách của mình cho phù hợp với ba phẩm chất thiện hạnh nầy.

 

Ngũ giới :

 

1.  Không giết hại các sinh vật

2.  Không lấy của không cho, ăn cắp, ăn trộm

3.  Không phạm tội tà dâm

4.  Không nói dối

5.  Không xử dụng rượu và các chất thuốc kích thích

 

Thực hành Ngũ Giới cũng bao hàm việc tránh xa năm loại nghề nghiệp bị cấm chỉ đối với một cư sĩ Phật tử :  buôn bán vũ khí, buôn người ( bao gồm nô lệ và mại dâm), buôn thịt ( nuôi thú để giết thịt), buôn rượu, thuốc kích thích và thuốc độc.

 

Đức hạnh, dù được trình bày một cách tiêu cực trong các giới, không phải là một trạng thái tiêu cực.  Ngược lại, đức hạnh là một sự thành công mạnh mẽ về tâm thức.  Để gìn giữ các giới một cách chu đáo trong cuộc sống hằng ngày sẽ làm tăng trưởng sự trong sạch nơi tâm thức, thiện xảo và trí tuệ.  Tránh giết hại, thí dụ, gia tăng lòng Bi và Từ đối với tất cả các chúng sinh, hai trong «  số vô lượng tâm »  mà đức Phật đã tán dương.  Thành thật mang đến sự can đảm, rộng lượng, và lòng yêu sự công bình.  Tránh được việc tà dâm, kết quả là sức mạnh thể chất, sinh khí, và sự nhạy bén của các giác quan.  Tính chân thật mang lại tính ngay thẳng.  Tránh xử dụng các chất thuốc kích thích và rượu mang lại sự sáng suốt cho tinh thần.  Cuối cùng, chính niệm là thiết yếu cho việc gìn giữ các giới, và sự cố gắng liên tục để gìn giữ giới gia tăng sự sáng suốt về tâm thức.

 

Thực hành Ngũ Giới thường xuyên dẫn đến sự tự chủ được gia tăng với cá tính mạnh mẽ.  Tâm thức thành công trong việc điều khiển ham muốn, kể cả ở mức độ thấp, mang đến sức mạnh.  Ham muốn là một thực lực như điện lực.  Khi ham muốn không được kiềm chế, nó chạy loạn, nó theo đuổi những gì có hại cho bản thân và người xung quanh.  Bài giảng của đức Phật không khuyến khích sự nảy nở ham muốn, mà khuyên chúng ta bằng các phương thức mà chúng ta có thể khai thác, làm chệch đi sức mạnh của ham muốn và làm cho nó thăng hoa, xử dụng nó cho những mục đích có giá trị.

 

Phẩm hạnh là giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển Bát Chính Đạo ; như đã giải thích ở trên, nó bao gồm các yếu tố Chính Ngữ, Chính Hành, và Chính Mạng.  Năng lực được bảo tồn bằng phẩm hạnh được xử dụng cho việc thực hành giai đoạn thứ nhì, sự chú tâm, và từ đó nó là mảnh đất để phát triển trí tuệ.

 

Việc gìn giữ Ngũ Giới là một hành động tự nguyện mà mỗi cá nhân cần phải tự chọn lựa.  Đức Phật không tạo ra các giới như là những điều răn, Ngài cũng không hăm dọa trừng phạt bất cứ ai khi họ phạm giới.  Tuy nhiên, cần nhắc lại điều nầy:  Đức Phật hoàn toàn hiểu rõ sự vận hành của vũ trụ, và Ngài tuyên bố rằng luật nhân quả không thể vi phạm : các hành động thiện lành mang đến quả vui thú, các hành động xấu ác mang lại quả đau khổ.  Ngũ Giới là những lời chỉ dẫn mà đức Phật truyền lại cho chúng ta để hướng dẫn chúng ta xa rời hạnh xấu ác và tiến dần về phẩm hạnh mang lại lợi ích cho chúng ta và người xung quanh.  Khi chúng ta uốn nắn các hành vi của chúng ta bằng Ngũ Giới, hành động của chúng ta phù hợp với Phật Pháp, tránh được sự bất hạnh ở tương lai và xây dựng dần việc bảo vệ hạnh phúc cho chúng ta và những người khác ngay ở hiện tại và cả trong tương lai.  Như vậy, khi chúng ta sống ngày càng gần với Ngũ Giới, phúc lành sẽ ngày càng nhiều trong cuộc sống của chúng ta.

 

7. Kềm chế các cảm xúc

 

Cảm xúc là một trạng thái cảm nhận sâu lắng, sự « khích động nội tại » có thể là một động cơ thúc đẩy phải hành động.  Cảm xúc thông thường kết giao với bản năng, những khuynh hướng bẩm sinh hoạt động trong những phương cách và tình trạng đặc biệt.  Con người bị điều kiện hóa rất nhiều bởi các cảm xúc, bởi những cái thích và không thích.  Cảm xúc của con người thường hay nghiêng về những lợi ích cá nhân và sự ích kỷ, kể cả khi nó lấn át lý trí và lẽ phải, bắt buộc chúng ta phải hành động trong cách nào đó, mà khi giây phút tỉnh táo trở về, chúng ta nhìn lại mà mất hồn .

 

Cảm xúc thường xuất hiện để trả lời cho sự đánh giá tức thời của nhận thức. Một người đánh giá nhận thức của mình – về người khác, về vật, tình trạng – như thích hoặc không thích, như giúp đỡ hay đe dọa.  Trên căn bản đánh giá nầy, một cảm xúc xuất hiện đối với tình cảnh nào đó : ham muốn đánh giá các vật đó một cách tích cực, chán ghét hoặc kinh sợ đối với những thứ không thích.  Cảm xúc có thể gây hại, như thèm khát, giận dữ, và sợ hãi, hoặc thiện lành như thông cảm và từ bi.  Trong khi ham thích và chán ghét là những mẫu đầu tiên của các cảm xúc bất thiện, lòng tự tế và từ bi là những thí dụ về các cảm xúc nổi bật giúp chúng ta trở nên cao thượng và thăng hoa bản chất tự nhiên của con người.

 

Trong cùng một phạm vi và sức mạnh của cảm xúc, con người khác nhau rất xa về sự phát triển cảm xúc.  Trong khi một người nhiệt tình, bốc đồng, kẻ khác lại điềm tĩnh, hay suy nghĩ; trong lúc một người dễ nổi giận, thì kẻ khác lại kiên nhẫn;  trong lúc một người trầm tĩnh, kẻ kia lại có thể chuyển đổi các cảm xúc khác nhau trong tích tắc.  Một lý do quan trọng cho những khác biệt nầy là mỗi người thừa kế những nghiệp khác nhau, các thiên hướng và các cá tánh của các kiếp sống trước.  Cho dù cảm xúc được bày tỏ hay đè nén, buông thả hoặc thăng hoa, nó dựa vào sự kết hợp các yếu tố: tính khí bẩm sinh, gia đình, và đặc tính chủng tộc và ảnh hưởng lớn hơn là truyền thống xã hội.

 

Chúng ta không thể nào phát triển Phật Pháp hoặc tìm thấy hạnh phúc nếu không thể kiềm chế cảm xúc ở mức độ nào đó.  Người dễ dàng nổi giận tự hủy diệt hạnh phúc của họ và làm nhiễu loạn sự an lạc tâm thức của những người khác.  Cảm xúc bản năng là những vật liệu thô của cá tánh.  Nếu sự bốc đồng bản năng bị chệch hướng hoặc đè nén, nó có thể gây ra nhiều nguy hại và đau khổ.  Nhưng nếu năng lượng thông thường được chuyển đến cảm xúc nầy, lại được hướng dẫn đến một đối tượng có giá trị hơn, sức mạnh của cảm xúc đó có thể thăng hoa và kết quả là sự lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng.  Đối với người Phật tử, giá trị tốt nhất của tất cả lý tưởng là đạt đến Niết Bàn; như thế nó là sự truy lùng đối với lý tưởng nầy, và có khả năng hấp thụ và chuyển đổi cuộc sống đầy cảm xúc của chúng ta.  Lý tưởng cao cả nầy có sức mạnh gợi lên và hài hoà tất cả những năng lượng cảm xúc của chúng ta, dẫn dắt chúng ta thực hiện được mục đích tốt đẹp cuối cùng của mình.

 

Không có sự cố gắng, thận trọng, và ý chí, thì khó mà trực tiếp kiềm chế được các cảm xúc.  Thực tập Phật giáo nhắm vào việc làm chủ các cảm xúc.   Bước đầu là làm chủ được việc giữ gìn Ngũ Giới.  Thực tập năm giới hằng ngày giúp chúng ta làm chủ được những dạng tham đắm và cảm xúc thô bạo.  Bước kế tiếp là luyện tập tâm thức để kiềm chế cảm xúc khi cảm xúc bắt đầu xuất hiện.  Việc nầy thành công nhờ vào chính niệm : bằng cách quán sát đối tượng, với tất cả sự chú ý, các cảm xúc xuất hiện thoáng qua, cho nó một cái tên, một nhãn hiệu như:  « tâm nhục dục » , « tâm giận dữ » , « tâm ganh ghét » , « tâm hối lỗi » , v…v…  Một khi chúng ta có thể đặt tên cho các cảm xúc, chúng ta đang ở vị trí tốt hơn để buông bỏ nó, mà không bị nó cuốn trôi theo.  Giây phút mà một người bình tĩnh thu nhận lý do nào làm cho họ giận dữ - một khi họ biết rõ được nguyên nhân làm cho tâm nổi giận xuất hiện – họ liền có thể dừng lại cơn giận.  Một tâm thức luôn luôn giữ chính niệm và có những ý tưởng tốt lành không thể cùng lúc có ý tưởng giận dữ, bất thiện.

 

Tiến trình tương tự cần được áp dụng để đối phó với cảm xúc nguy hại khi nó xuất hiện.  Lúc đầu nó giúp đỡ được chúng ta nếu như trong cuộc sống hằng ngày, một người luôn luôn tâm niệm công thức sau: « Tôi đang cảm giác gì lúc nầy ? »  hoặc «  Tôi đang nghĩ gì ? »  và lập tức trả lời câu hỏi như: « Tôi đang cảm thấy giận » , hoặc «  Tôi đang ganh tỵ » , v…v… Chúng ta cũng nên xét nghiệm, kể cả sau đó, khi nào và tại sao lại giận – hoặc bất cứ cảm xúc có hại nào – áp đảo chúng ta, và như vậy tránh được những tình trạng và phản ứng nguy hại trong tương lai .

 

Bằng sự thực tập kiên nhẫn và bền bĩ chúng ta có thể dần dần làm chủ được các cảm xúc nguy hại.  Sự cố gắng và kỷ luật rất đáng giá, vì nó mang lại sự hài hòa to tác nơi nội tại – trong tâm thức một người – và bên ngoài với những liên hệ cùng người xung quanh.  Bí quyết để kiềm chế là sự tôn trọng triệt để những giới đạo đức căn bản, và trên hết giữ chính niệm đối với các ý nghĩ và cảm xúc của mình.

 

 

8.  Cẩn thận với Thành kiến và Tuyên Truyền

 

Phật giáo dạy chúng ta rằng cần có một đầu óc sáng suốt, biết tự chủ, tự túc, và thiền định.  Mặc dù mỗi người đều thừa hưởng một tâm thức, nhưng rất ít người trong số chúng ta biết xử dụng tâm thức để suy nghĩ cho chính bản thân.  Đa số con người hiện nay để cho người khác suy nghĩ giúp mình.

 

Tâm thức hấp thụ rất nhiều chất độc từ môi trường bên ngoài vì ta liên tục bị những người khác khêu gợi.  Sự thụ động tinh thần nầy trở nên tai hại với sự phát triển của các kỹ nghệ thông tin.  Truyền thanh, truyền hình, và báo chí, tạp chí giật gân và báo đăng tin tức, om sòm nhắn tin cho chúng ta mỗi phút trong ngày, và sức mạnh thâm nhập của họ được tăng cường bởi những người chấp nhận tất cả những gì mà họ nghe được, và sẵn sàng tuân theo những gì mà họ tin là phải làm gấp.  Bị tấn công dồn dập bên trái, bên phải, bằng mười ngàn sự xui khiến, chúng ta không còn biết tự suy nghĩ, tự cảm nhận, hoặc tự hành động nữa; thay vào đó, chúng ta nghĩ như mọi người muốn chúng ta nghĩ, cảm nhận như họ muốn chúng ta cảm nhận, hoặc hành động trong cách thức nào đó để được người trên hoặc kẻ đồng trang lứa ủng hộ.  Sự lôi kéo của đám đông thiệt là khó mà cưỡng lại.

 

Mỗi lần chúng ta xem báo, hoặc mở ra-dô, hoặc ngồi xuống trước màn ảnh truyền hình, chúng ta lập tức là đối tượng của sự tuyên truyền, quảng cáo, và những sự gợi ý rất tinh tế về xã hội.  Việc nầy được làm hằng ngày, một cách có chủ ý và có hệ thống.  Tất cả những thông tin đều dạy chúng ta khoan suy nghĩ, hoặc nếu chúng ta có suy nghĩ, suy nghĩ theo như họ muốn.  Báo chí, thí dụ, tìm cách điều khiển sự tán thành không phải chỉ ở nơi chủ bút và các cột ý kiến, mà còn ở cách trang trí tờ báo, ngôn ngữ, và những đầu đề quan trọng.

 

Những người khai thác truyền thông bằng cách nầy thường là một nhóm rất nhỏ, nhưng đầy quyền lực: chủ nhân và người đỡ đầu cho truyền thông, các hãng quảng cáo, những chủ nhân cơ sơ thương mại.  Những người như vậy chủ yếu bị thúc đẩy bởi sự tự lợi, tự phụ, tham tiền của và quyền lực.  Thường thường họ thủ những vai thống trị trong nhiều nẻo đường đời, bao gồm chính trị, thương mại, luật pháp, y học, và giáo dục.  Giữa lúc tinh thần công chúng trì trệ và lãnh đạm, vai trò lý lẽ trở thành phụ thuộc so với cảm xúc, và làm cho việc xâm chiếm lý lẽ trở nên dễ dàng hơn.  Vì vậy, bằng cách uốn nắn ý kiến công chúng xuyên qua việc vận động truyền thông, một thiểu số nhỏ có thể điều khiển đại đa số.

 

Những ai được bao gồm trong nhóm thiểu số nhỏ nhưng đầy quyền lực nầy đều có cái mà họ muốn bán.  Quảng cáo sản phẩm làm cho chúng ta ham muốn và tham vật chất nhiều hơn, nhưng nó không mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật sự, chúng ta không có được sự an lạc.  Chúng ta nghe nói rằng hạnh phúc của chúng ta dựa vào có ra-dô, truyền hình, máy video, máy nghe nhạc, và các trò chơi điện tử.  Tuy vậy, không cần biết chúng ta tô điểm bản thân với tất cả những vật dụng giải trí, chúng ta vẫn đau đớn cảm nhận rằng cuộc sống của chúng ta vẫn còn thiếu sót.

 

Tốc độ, quyền lực, và hiệu quả của tất cả những phát minh về kỹ thuật trong một xã hội hoàn toàn đầy tiện nghi vật chất như xã hội của chúng ta dẫn đến gia tăng tỷ lệ về bệnh tật và căng thẳng tinh thần.  Những người bị áp lực mà không nổi điên thì tìm những lối thoát khác, như xử dụng thuốc kích thích, rượu, gia nhập vào những giáo phái loạn tinh thần, trong khi những người khác không thể đương đầu thì họ tìm lấy lối thoát cuối cùng: tự tử, con số đã gia tăng đến mức báo động trong thời đại của chúng ta.

 

Vậy làm thế nào một người Phật tử có thể bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tai hại mà chúng ta nơi nơi đều phải đối mặt trong thế giới hiện nay?  Là người cư sĩ Phật tử chúng ta phải luôn luôn áp dụng thái độ cẩn trọng đối với các bài viết và lời nói, và phải luôn xử dụng chính niệm để bảo vệ chúng ta khỏi bị lay động bởi cảm xúc, bởi những kẻ chỉ tìm cách lấy lòng chúng ta.  Chúng ta phải lùi lại để nhận diện và xét nghiệm điều đó một cách khách quan từ những góc độ khác nhau.  Chỉ sau khi đánh giá các lựa chọn, chúng ta mới có thể đánh giá và đi đến kết luận.

 

Khi chúng ta nghe một ý kiến, chúng ta phải cố gắng tìm xem ai là tác giả bài viết đó hoặc ai là người đề xướng, có lợi ích nào cho họ hay không, bao gồm những liên kết chính trị, tôn giáo, và xã hội.  Chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng, ít ra bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt, và chúng ta sẽ dễ dàng chọn lựa đúng vị trí nếu chúng ta xem xét cặn kẽ hai mặt của vấn đề không chút thành kiến.  Trước khi kết luận, một người cần phải gom góp tất cả những sự kiện có liên quan, giữ bình tĩnh và không nôn nóng, tránh bị lay động bởi cơn giận và sự ưa thích, khen hoặc chê.  Nguyên tắc tương tự của sự suy nghĩ khách quan cần được áp dụng trong những vấn đề khác nơi cuộc sống hằng ngày.

 

Nếu chúng ta hiểu đúng đắn sự vận hành của nghiệp và tái sinh, chúng ta sẽ nhận ra không ai giống ai, và như vậy chúng ta sẽ tránh việc so sánh; bởi thế giới nầy cũng như sự tuyên truyền hay so sánh.  Sự so sánh duy nhất có ý nghĩa là sự so sánh giữa con người của tháng trước, năm trước, hoặc thập niên trước, và con người hiện tại ra sao: về mặt thể chất, tri thức, đạo đức, và tài chính.  Nếu không có sự cải thiện nào, hoặc sự cải thiện chưa đủ, một người phải đặt câu hỏi tại sao như vậy và tìm thuốc chữa những khiếm khuyết của mình không chút chậm trễ.  Nếu hàng năm ta đều làm bảng kiểm kê, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho ta.  Hãy để sang một bên lòng tự phụ và thành kiến, ôn lại giá trị và hình dạng của mình, ta sẽ sống một đời sống đơn giản hơn, thiện lành hơn, và hạnh phúc hơn.

 

 

9.  Cuộc sống gia đình hạnh phúc

 

Đối với người trưởng thành, việc thương yêu một người khác phái là một việc tự nhiên.  Người cư sĩ Phật tử nhìn nhận rằng không có gì là « tội lỗi » hoặc xấu hổ trong việc tính dục, và như vậy sẽ không phải đau khổ, mang nặng mặc cảm tội lỗi khi có những ham muốn tính dục.  Cùng lúc họ sẽ nhận biết rằng sự ham muốn tính dục cũng giống như những dạng ham muốn khác, cần được điều độ và kiềm chế tránh làm thương tổn đến bản thân và người xung quanh.

 

Trong một hôn nhân thành công, các thành viên ký hợp đồng phải nhìn nhận rằng tình yêu là một cảm giác to tác hơn sự hấp dẫn tính dục.  Nếu một người thật sự thương yêu đối phương, họ sẽ học ban tặng mà không cần đòi hỏi.  Chỉ như vậy, vấn đề về tính dục mới có thể được giải quyết một cách ổn thỏa.  Hơn nữa, đôi lứa cần phải tự hỏi, « Tôi muốn gì từ người bạn đời của mình? »  và cần tìm hiểu một cách khách quan rằng bạn đời tương lai có được những phẩm hạnh nào.  Họ có thể tuyển một người bạn thân, tin cậy, thăng bằng, biết về người bạn đời tương lai trong một thời gian, và người ấy có thể ở một vị trí tốt để đánh giá đúng.  Có những nguy hiểm hiển nhiên trong việc làm người mai mối ngay trong chính hôn nhân của mình. 

Thông thường ta hay đánh giá người bạn đời tương lai với những phẩm hạnh và đạo đức, mà có lẽ trong mắt của những người không thành kiến khác họ còn thiếu sót.   Nguy hiểm nầy cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn, vì không sớm thì muộn sẽ xảy ra sự vỡ mộng, và như vậy bắt đầu giai đoạn bất mãn và đau khổ trong hôn nhân. 

 

Không còn nghi ngờ gì, trong cuộc sống hôn nhân, việc ái ân rất quan trọng, nhưng nó phải được giữ đúng vị trí,  việc ái ân là sự bày tỏ tình yêu trong hôn nhân.  Việc ái ân bằng mọi cách không phải là việc quan trọng duy nhất trong hôn nhân; chỉ khi nào việc ái ân lệ thuộc vào tình yêu và tình thương mến thì nó mới mang lại một kinh nghiệm cảm xúc thật sự thỏa mãn.  Xa và cao hơn sự tương đồng về tính dục, một hôn nhân hạnh phúc cần đến sự cảm thông và thích ứng, sự hy sinh và lòng vị tha, sự bao dung và kiên nhẫn.  Đời sống hôn nhân thật sự trở nên phúc lành hơn là tai họa, khi hôn nhân được xem như một công ty mà hai người được ủy nhiệm nghĩ nhiều về công ty hơn là bản thân họ, họ sẵn sàng cố gắng để đạt đến sự hài hòa và mãn ý.

 

Đa số các cặp vợ chồng mong mỏi có con.  Những đứa con sẽ khác mình, vì mỗi đứa thừa hưởng nghiệp riêng của nó trong những kiếp sống quá khứ, sự thừa hưởng nghiệp bao gồm cả phong thái và khuynh hướng cá tánh của đứa nhỏ.  Sự kiện nầy cho thấy trách nhiệm và giới hạn của cha mẹ trong việc dạy dỗ những đứa con.

 

Đứa nhỏ sống những năm đầu học hỏi nơi gia đình, và thời thơ ấu học bằng cách bắt chước những giá trị đạo đức và nếp sống của cha mẹ.  Trường học và những cơ sở có ảnh hưởng đến đứa nhỏ, nhưng không thể thay thế cha mẹ.   Cha mẹ Phật tử phải nhìn nhận rằng họ có bổn phận nghiêm trọng làm gương cho những đứa con của họ.  Như vậy họ phải thường xuyên gìn giữ Ngũ Giới và chỉ bày cho các con rằng Phật Pháp hiện diện và cần được thể hiện ngay trong nếp sống hằng ngày của họ.  Cha mẹ cần phải nhận biết rằng đứa con có những tiềm năng to tác, xấu cũng như tốt, và nên kiềm chế tiềm năng xấu ác.   Chỉ có cha mẹ mới ban phát sự chăm sóc thương yêu cho đứa con và đứa con có thể làm thỏa mãn nguyện vọng và ước muốn của cha mẹ .

 

Đức Phật khuyên các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con cái, cung cấp đầy đủ cho con, lo cho con học hành, lập gia đình cho con đúng lúc, và tham gia vào tất cả những khía cạnh phúc lợi khác của con.  Nhưng bất hạnh thay, rất nhiều bậc cha mẹ ngày nay không làm tròn nghĩa vụ nầy, với kết quả là những đứa trẻ thường lầm đường lạc lối.  Cha mẹ Phật tử có trách nhiệm cần phải sẵn sàng bỏ đi vui thú riêng tư của mình để tham gia vào việc dạy dỗ con cái.  Họ phải nhìn nhận rằng ảnh hưởng gia đình là quan trọng nhất trong việc uốn nắn cá tánh của đứa trẻ, gia đình có nhiều ảnh hưởng đối với đứa trẻ hơn tất cả những ảnh hưởng đến từ bên ngoài.  Trong các phạm vi nơi mà cha mẹ thiếu sót sự tinh thông thỏa đáng, họ cần phải sẵn sàng để tham khảo một quyển sách nuôi dạy con trẻ đúng cách.

 

Năm năm đầu tiên trong đời sống của đứa trẻ là những năm học hỏi quyết định cá tánh của đứa trẻ sau nầy, và ở giai đoạn nầy đứa trẻ rất nhạy cảm đối với ảnh hưởng của cha mẹ.  Sau đó những nhu cầu của đứa trẻ thay đổi, và sẽ tiếp tục thay đổi một cách triệt để ở những giai đoạn phát triển khác nhau.  Cha mẹ cần phải ghi nhớ điều nầy để đáp ứng được những nhu cầu mới mẽ.

 

Trong những năm đầu, ba yếu tố chính yếu nhất trong sự trưởng thành thiện lành và thăng bằng: sự thương yêu và trìu mến của cha mẹ ; một môi trường gia đình ổn định ; và phát huy hoạt động sáng tạo và tiềm năng cá nhân.  Các trẻ em đa số học bằng cách bắt chước.  Nếu cha mẹ tỏ ra sự trưởng thành về mặt cảm xúc, không rầy la tranh cãi, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, kể cả đối với các con của mình, như vậy con trẻ sẽ phát triển các cá tánh lành mạnh, đúng đắn về mặt đạo đức và mặt tâm lý.  Khi đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu và sự thông cảm, với sự thấu hiểu sâu sắc về những nhu cầu đang thay đổi của đứa trẻ, được nuôi dưỡng với những lý tưởng cao cả và nguyện vọng cao thượng, đứa trẻ sẽ có được một nền tảng vững chắc an toàn để dựa vào đó xây nền móng cho cá tánh trong tương lai.  Trong trường hợp nầy, những bước đầu tiên cùng với con đường Phật giáo cần được thiết lập kỹ.

 

Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy khó chịu và căng thẳng, khi con trẻ có chiều hướng chống lại uy quyền của mẹ cha.  Đây là giai đoạn cần nhiều sự thương yêu và thông cảm.  Ở tuổi vị thành niên, lúc mà bản năng tính dục thức dậy, mẹ cha là người phật tử hiểu biết có thể hướng dẫn con cái và giúp đỡ chúng trong việc thích ứng với những đổi thay nơi cơ thể và cuộc sống.  Khi con cái hỏi về tính dục, mẹ cha cần phải sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào, trả lời một cách bình tĩnh và tóm tắt một cách thực tế.  Nếu mẹ cha không thể trả lời cho con cái về sự thực đời sống thì mẹ cha nên đưa một quyển sách thích hợp cho con cái để con tự tìm hiểu về chủ đề.   Trên hết, hiện nay ngành giải trí luôn khêu gợi tính dục, sự chung chạ bừa bãi vô trách nhiệm, và sự bùng phát của căn bệnh AIDS, việc giữ lại những thông tin quan trọng không phải là cách để bảo vệ con trẻ mà là đặt con trẻ vào sự hiểm nguy.

 

Khi thiếu sót sự canh chừng, trông nom, và hướng dẫn đúng đắn của mẹ cha, con trẻ thường có chiều hướng phạm tội và xử dụng thuốc kích thích.  Vì vậy, mẹ cha phải chăm nom con cái kỹ lưỡng hơn, cần phải có nhiều thời gian với con, cần phải biết con mình làm gì trong thời gian rảnh rỗi, và cần phải quen biết bạn bè của con.  Con cái thật sự có vấn đề chỉ là thiểu số; mẹ cha có vấn đề lại là đa số.

 

Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, bổn phận của mẹ cha là giúp đỡ con lựa chọn một nghề nghiệp và lựa chọn người hôn phối thích hợp, nhưng mong ước của đứa con trong những phạm vi nầy cần được tôn trọng.  Ra lệnh cho con như con là đứa con nít chỉ mang lại những điều phiền muộn mà thôi.

 

Khi chúng ta sống trong một thế giới đầy sự cạnh tranh dữ dội trong nhiều phạm vi của cuộc sống, mẹ cha là những Phật tử sáng suốt phải biết giới hạn trong việc sinh con để có thể mang lại cho con cái những điều tốt nhất.  Trong những đất nước đang phát triển như Tích Lan, nơi mà tỷ lệ sinh sản thường cao hơn tỷ lệ sản xuất của cải, đây là giới hạn cần thiết để loại trừ sự nghèo nàn, nhất là trong giới thợ thuyền ở thành phố cũng như đồng quê, gia đình của họ thường rất đông con cái.  Phật giáo không phản đối sự kiềm chế sinh sản, ngoại trừ phương cách phá thai, và với nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới bị suy yếu như hiện nay dưới áp lực dân số quá đông, mẹ cha là Phật tử cần phải nhìn nhận sự cần thiết giới hạn con số con cái để có thể bảo đảm cái tốt nhất cho các con.

 

Trong một đất nước như Tích Lan, bổn phận của chánh phủ là phổ biến sự giới hạn sinh sản bằng cách tạo ra những phương thức ngừa thai hữu hiệu, an toàn, miễn phí, và ít tốn kém.  Sự sản xuất chú trọng ngay vào dân số - hơn là nâng cao tài sản của một số ít người được đặc ân – xử dụng kỹ thuật thích đáng, với sự phân phối đúng tài nguyên và kế hoạch gia đình, sẽ làm cho sự sung túc thật sự gia tăng và giúp nâng cao phẩm chất cuộc sống của đại đa số, đồng thời họ cũng phải bồi dưỡng sự hiểu biết sáng suốt về các giá trị đạo đức.  Nếu không, họ vẫn luôn luôn sống trong tình trạng nghèo nàn.

 

Sự khai trí về tâm linh và đạo đức của trẻ em cần phải song hành với sự phát triển về thể xác và cảm xúc.  Khi con trẻ khôn lớn, mẹ cha phải biết cách dạy dỗ con những điều quan trọng trong Phật Pháp, xử dụng ngôn ngữ bình dị và những thí dụ hằng ngày.  Họ nên giải thích về nghiệp hành và sự tái sinh, nên dạy con cái những kỷ luật đúng đắn về phẩm hạnh, và làm sáng tỏ lý do thực tập phẩm hạnh trong đời sống hằng ngày.  Hơn nữa, trong một đất nước Phật giáo, những đứa trẻ cần được đưa đến chùa thường xuyên, nhất là những ngày yên tịnh. Nếu được, con trẻ nên đi học trường có dạy Phật pháp, và cần được khuyến khích để đặt câu hỏi và bàn thảo những vấn đề của con trẻ nếu có, với các vị tỳ khưu có trí tuệ và đức hạnh. Tóm lại, Phật pháp được xử dụng để dẫn dắt chúng ta làm thế nào sống cuộc sống hiện tại tốt đẹp.  Phật pháp là nghệ thuật của hạnh phúc ngay trong đời nầy và ngay hiện tại, và là con đường để đưa đến sự giải thoát trong tương lai.

 

Chủ nghĩa vật chất đều đều đã xoáy mòn những giá trị đạo đức, truyền thống, tâm linh và xã hội.  Ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất hiện nay cũng đã đi đến những làng mạc xa xôi, những thành lũy cổ xưa của nếp sống Phật giáo.  Nhưng những thanh thiếu niên nào được mẹ cha dạy dỗ và tự khám phá ra giá trị của Phật pháp không thể nào bị sai đường lạc bước.

 

10.  Thực tập lòng nhân từ

 

Ước vọng làm việc thiện, mang đến niềm vui và phúc lợi cho người khác, được nuôi dưỡng một cách hữu hiệu trong Phật giáo bằng sự thực tập có hệ thống của Tứ Vô Lượng Tâm (brahmavihara): Từ (metta), Bi (karuna), Hỷ (mudita), và Xả (Upekkha). Bằng cách nuôi dưỡng những phẩm hạnh nầy một phật tử có thể dần dần loại bỏ những uế nhiễm tinh thần như sân hận, tàn ác, ganh ghét, và mang đến cho con người những phẩm hạnh cao quý nhất.  Những hành động cao thượng nâng con người đến vị trí của một vị thánh; hủy bỏ những rào cản phân chia cá nhân và các nhóm; xây dựng những cây cầu vững chắc hơn những cây cầu xây bằng đá và sắt.

 

  1. Metta là lòng tốt, lòng tự tế, tình thương đại đồng; một cảm giác thân thiện và quan tâm thật lòng đến tất cả các chúng sinh, con người hoặc không phải con người, trong tất cả các trường hợp.  Dấu ấn đứng đầu của metta là thái độ nhân từ:  một ước muốn mãnh liệt để cải thiện phúc lợi cho mọi người.  Metta chinh phục tật ganh ghét dưới những bóng dáng khác nhau: giận dữ, ác ý, ác cảm, và oán giận. 

Đức Phật nói :

—    “Hận thù diệt hận thù,

Đời này không thể có,

Từ bi diệt hận thù,

Là định luật thiên thu.”

—    Dhp. v.5

 

Bài kệ nầy là có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta trong thời đại nguyên tử nầy khi sự hủy diệt kinh khủng bùng phát ở mọi nơi trên trái đất.  Hòa bình không thể có được bằng sức mạnh chọi với sức mạnh, bom với bom, bạo động với bạo động.  Metta hoặc lòng Từ là giải đáp hữu hiệu duy nhất đối với bạo động và sự hủy diệt, bất kể bằng vũ khí thường hay bom nguyên tử.

 

2.  Karuna là thái độ được truyền đạt bằng những chữ như lòng bi mẫn, sự cảm thông, lòng trắc ẩn, và lòng khoan dung. Cá tính căn bản là sự cảm thông đối với tất cả những ai đau khổ, và nổi lên ước muốn an ủi hoặc loại bỏ niềm đau và nỗi khổ của tha nhân.  Karuna giúp tẩy trừ sự nhẫn tâm và thờ ơ đối với nỗi khổ của kẻ khác.  Đây là thuốc giải trực tiếp cho sự tàn ác, một tật xấu thông thường khác trong thế giới hiện nay.  Đây là lòng bi mẫn thúc giục một người phục vụ tha nhân một cách vị tha, và không hề đòi hỏi sự đền đáp, kể cả lời cảm ơn.

 

3.  Mudita là Hỷ, niềm vui vị tha, niềm vui khen ngợi : ước muốn nhìn thấy những người khác sống vui vẻ hạnh phúc, khả năng chia xẻ hạnh phúc và thành công với người khác.  Thái độ nầy bổ sung cho lòng bi mẫn Karuna : trong khi karuna san sẻ nỗi khổ với người khác, mudita san sẻ niềm vui.  Mudita là thuốc giải trực tiếp cho sự ganh tỵ.  Ganh tỵ xuất hiện vì những người khác được may mắn:  ganh tỵ oán giận những ai đạt được địa vị, danh giá, quyền lực và thành công.  Nhưng một người thực tập mudita không những vui sướng khi người khác thành công, nhưng cũng cố gắng cải thiện bản thân để được tiến bộ.  Vậy thái độ nầy rất quan trọng để đạt được sự hòa hợp và an bình xã hội.

 

4. Upekkha, sự thanh thản là tâm cuối cùng trong Tứ Vô Lượng Tâm. Upekkha thiết lập một tâm thức thăng bằng nơi thế gian rối loạn với những may rủi thất thường : được và mất, danh tiếng và bất hạnh, vinh danh và ô danh, sướng và khổ.  Upekkha nhìn tất cả mọi chúng sinh không thiên vị, là kẻ thừa hưởng những kết quả của hành động mình làm, không chút vướng mắc hoặc ghét bỏ.  Upekkha là thái độ trung lập nghiêm trang của một người đã chu tri.

 

Sự trau dồi có phương pháp, thận trọng, kiên trì về Tứ Vô Lượng Tâm trong đời sống hằng ngày chuyển hóa thái độ và quan điểm của thiền sinh.  Tứ Vô Lượng Tâm cần là nền tảng cho tất cả các hoạt động xã hội phật giáo, cũng như sự an lạc và hòa hợp của cá nhân và đoàn thể.  Hoạt động phúc lợi xã hội phật giáo có thể có nhiều dạng, nhưng quan trọng nhất là tinh thần khi đang làm việc ấy.  Tinh thần nầy cần được biểu thị bằng hạ thấp phúc lợi cá nhân so với phúc lợi đoàn thể.  Để cho việc phúc lợi xã hội phật giáo có được giá trị thật sự, động tác cần được hướng dẫn bằng sự hiểu biết và thực tập, bắt nguồn từ sự thông cảm, tình thương chân thật, và sự cảm thông đối với người khác.  Việc làm phúc lợi cần sự bày tỏ hoàn hảo của lòng từ bi, không phải sự hạ mình, hoàn toàn không kiêu ngạo – kể cả lòng kiêu hãnh làm việc tốt.  Sự hiển thị tình huynh đệ tuyệt đối với tất cả chúng sinh.

 

Mỗi một môn đồ thật sự của đức Phật cần phải cố gắng không ngừng để trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm một cách chuyên cần.  Những phẩm chất nầy không bao giờ bị lỗi thời.  Nó mang lại một thông điệp chung là chuyển hóa chúng ta trở thành những chúng sinh toàn cầu.

 

11.  Giải thoát tâm thức

 

Tâm thức chiếm một chỗ ưu việt trong Phật giáo, đối với tất cả mọi thứ mà một người nói hoặc làm xuất hiện trước tiên một ý tưởng nơi tâm thức.  Để có được một tâm thức thuần thục là coi như sở hữu được một kho tàng.  Khi một người luyện tập tâm thức, xoay vào bên trong xét nghiệm và tẩy rửa tâm thức của họ, người ấy sẽ tìm thấy nơi nội tại một nhà kho rộng lớn chứa đựng hạnh phúc.  Hạnh phúc thật sự là một phẩm chất của tâm thức cần được tìm thấy nơi tâm.  Đức Phật dạy rằng sự buông bỏ đối với vật chất thế gian là hạnh phúc rất to lớn, cao hơn sự hưởng thụ vật chất thế gian.  Niết Bàn là hạnh phúc cao tột, hạnh phúc khi được giải thoát khỏi đau khổ và sự tái sinh, và hạnh phúc nầy đạt được chỉ duy nhất là giải thoát tâm thức khỏi những nhiễm ô.

 

Người trần tục lạc lối lại nghĩ khác.  Trong mắt người ấy sự hưởng thụ dục lạc là hạnh phúc duy nhất.  Tuy nhiên, người ấy quên rằng hạnh phúc dục lạc chỉ xuất hiện từ việc thỏa mãn ham muốn, và do đó một khi ham muốn đã được thỏa mãn hạnh phúc nầy dần biến mất. Không có nghĩa là càng nhiều ham muốn thì sự thỏa mãn dục lạc sẽ thường hằng, bởi vì thời gian trôi qua không thường còn.  Sự theo đuổi dục lạc chỉ đưa đến sự bồn chồn và bất mãn.

 

Mục tiêu của văn hóa phật giáo là trực tiếp đạt được sự hiểu biết qua trực giác về bản chất thực sự của cuộc sống bằng phương pháp tập luyện tinh thần xuyên qua thiền định.  Thực tập nầy bắt nguồn cho sự xả ly và như vậy giải thoát tinh thần khỏi những ảo tưởng.  Thiền định dẫn dắt tinh thần từ chỗ mang nặng đau khổ của cuộc đời đi đến trạng thái chuyển hóa, an vui, Niết Bàn.  Nguyên nhân căn bản của sự tái sinh và đau khổ là vô minh, bản chất thật của cuộc sống.  Chúng ta thường cho rằng những gì vô thường, bất như ý, và hư vô là những thứ thường hằng, là suối nguồn hạnh phúc, và có thực chất.  Ảo tưởng nầy chống đỡ cho sự ham muốn về cuộc sống hiện hữu và đưa dẫn đến việc tích lũy nghiệp. Thiền định được phác họa để từng bước một dẫn đến sự tan rã các ảo tưởng nầy và như thế đưa đến việc giải thoát khỏi những móng vuốt của ham muốn.

 

Trong Phật giáo có hai loại thiền định được biết đến : sự phát triển về tĩnh lặng (samatha-bhavana), nhấn mạnh về sự tập trung tư tưởng, và sự phát triển về sự thấu hiểu sâu sắc, sáng suốt (vipassana-bhavana), nhấn mạnh về trí tuệ.  Hai kiểu thực tập thiền định nầy phù hợp với nhóm hai và ba trong Bát Chính Đạo, nhóm tập trung tư tưởng và nhóm trí tuệ.  Tập trung tư tưởng có nghĩa là tinh thần chú tâm vào một điểm duy nhất, khả năng đặt để tinh thần vào một đối tượng duy nhất, loại bỏ tất cả mọi thứ khác.  Tập trung tư tưởng không phải là sự tự chấm dứt, mà chủ yếu là sự phát triển bởi vì đó là căn bản của trí tuệ, khả năng nhìn mọi vật đúng với bản chất của nó.  Đây là trí tuệ giải thoát tinh thần khỏi vòng nô lệ.

 

Luyện tập tinh thần thật chẳng dễ dàng chút nào, vì tinh thần từ lâu đã quen thói trôi theo dòng tham, sân, si; xuyên qua bao năm, chúng ta ham thích sự hưởng thụ dục lạc, nổi cơn thịnh nộ, đắm mình trong sự buồn tẻ, bồn chồn không yên, và lưỡng lự nghi ngờ.  Những thói quen nầy thật ra rất khó để thay đổi.  Hơn nữa, đây là bản chất của tinh thần chưa được huấn luyện, lang thang từ việc nầy đến việc khác.  Như vậy khi thiền sinh ngồi xuống để luyện tập, những ý tưởng quái lạ sẽ nhảy nhót trước mắt.  Để khắc phục những rối loạn nầy, đức Phật đã dạy năm phương cách để trục xuất những ý tưởng rối rắm.

  1. Phát triển ý tưởng tốt lành để đối chọi với ý tưởng rối rắm ; thí dụ, phát triển ý tưởng về lòng từ bi để trục xuất ý tưởng thù hận.

 

2.   Suy nghĩ về các hậu quả xấu của những ý tưởng rối rắm ; thí dụ, ác ý hoặc sự giận dữ có thể đưa đến những lời nặng nề hoặc những cú đấm, tạo ra kẻ thù, hoặc gì đó tệ hơn nữa.

 

3.  Chuyển tinh thần khỏi ý tưởng rối rắm và đặt để nó vào ý tưởng lợi ích hoặc hoạt động có ích lợi.  

 

4.   Tìm kiếm nguyên nhân của ý nghĩ xấu ác vừa khởi dậy và suy nghĩ về ý tưởng đó có lợi ích hay hữu dụng cho mục đích hay không.

 

5.   Tranh đấu trực tiếp với ý tưởng xấu ác để đè bẹp và chế ngự nó.

 

Bắt đầu thực tập thiền là một sự cố gắng liên tục để kéo tinh thần trở lại đối tượng ban đầu.  Dường như không thể nào chú tâm vào đối tượng được chọn lâu hơn là vài giây đồng hồ.  Tuy nhiên, một người thực tập liên tục có thể làm cho kỹ năng của họ tinh tế hơn cho đến khi họ có thể giữ tinh thần tập trung vào chủ đề đã chọn trong một thời gian dài một cách vững vàng và điềm tĩnh.  Và rồi sự luyện tập trở nên hấp dẫn hơn, đáng làm hơn và cũng ít mệt mỏi hơn.  Dần dà sự cố gắng của người ấy sẽ lên đến cực điểm của sự tập trung tinh thần, đó là định (samadhi).

 

Việc thành công trong sự tập trung vào điểm duy nhất, thiền sinh xoay tâm thức trong sạch, ổn định, sáng suốt nầy sang sự chiêm nghiệm về sự hiện hữu.  Điều nầy đánh dấu sự bắt đầu của vipassana-bhavana,  thiền phát triển sự thấu hiểu sâu sắc.  Thiền sinh với chính niệm tự điều tra về chính “ngũ uẩn” của bản thân mình.  Thiền sinh nhận thấy rằng thân thể, hoặc hình dạng, được cấu tạo với những thể chất dễ thay đổi, trong khi tâm thức tự nó bao gồm những yếu tố tinh thần phù du: cảm giác, nhận thức, những dạng tinh thần (ý định, cảm xúc, ý tưởng, dục vọng, v…v..), và ý thức.  Thiền sinh thấy rằng tất cả những thứ nầy xuất hiện trong sự phụ thuộc lẫn nhau, tất cả đều nằm trong vòng luân lưu.  Không có một bản ngã thực thụ, không có một linh hồn bất tử nào trong đó có thể được gọi là “tôi” hay “của tôi”.   Khi sự vô thường, bất như ý, và bản chất vô ngã của ngũ uẩn biểu hiện trước thiền sinh, thiền sinh nhận thức rằng không có điều gì đáng để bám víu vào; tất cả những gì bị điều kiện hóa đều phù du, và cái gì phù du thì ở đó không thể nào tìm thấy được hạnh phúc vững chắc.  Đây là pañña, trí tuệ, cấp bậc ba và là bậc cuối cùng của Bát Chính Đạo.

Với trí tuệ phát triển, tất cả các dạng và bóng của vô minh chấm dứt.  Tham đắm và nghiệp, nhiên liệu cho ngọn lửa sinh bị cạn kiệt, và không còn cung cấp nhiên liệu mới nữa.  Như vậy ngọn lửa hiện hữu tắt ngúm vì thiếu nhiên liệu.  Khi một người đạt đến mục đích nầy qua đời, họ sẽ không còn tái sinh trong bất cứ thế giới nào nữa.  Người đó đã đạt đến Niết Bàn, Bất Tử.

 

 

12.  Chính niệm trong hơi thở

 

Chính niệm trong hơi thở (anapanasati) là một đề tài thiền quán xuất sắc, đặc biệt hữu dụng đối với người cư sĩ bận rộn, vì bất cứ ai cũng đều có thể tập luyện an toàn, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.  Để thực tập loại thiền quán nầy, đầu tiên thiền sinh cần phải chọn tư thế tọa thiền thích hợp.  Những ai có thể ngồi thoải mái trong tư thế kiết già hoặc bán già thì chọn những tư thế nầy; những ai thấy các tư thế nầy khó khăn thì hãy chọn bất cứ cách ngồi nào giúp cho họ có thể ngồi giữ thẳng từ thắt lưng trở lên; những người khác có thể chọn lựa ngồi trên ghế dựa.  Thân người cần phải giữ thẳng nhưng không được cứng ngắc; đôi tay đặt trên đùi, tay nầy để trên tay kia; và (cho những ai đang ngồi ghế) đôi chân đặt sát xuống đất.

 

Thiền sinh sau đó cần hít thở một cách yên tịnh và tự nhiên, tinh thần theo dõi hơi thở ra vào không chút xao lãng.  Lúc đầu thiền sinh chỉ cần hít vào, thở ra và không suy nghĩ nhiều về việc nầy.  Thiền sinh có thể chăm chú vào lỗ mũi hoặc môi trên, nơi nào hơi thở được cảm nhận một cách rõ ràng khi hít vào thở ra.  Nơi đó cần được chú tâm.

 

Khi thiền sinh tiếp tục quán sát hơi thở, thiền sinh sẽ càng trở nên tập trung hơn.  Thiền sinh sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng nơi thân và tâm, trở nên tĩnh lặng và an lạc; có thể có cảm giác như đang lơ lững trên không trung.  Khi sự tĩnh lặng mạnh mẽ được thành lập và tâm thức trở nên tập trung, thiền sinh có thể chuyển sự tập trung về hướng phát triển sự thấu hiểu sâu sắc (vipassana), nhắm vào việc đạt được sự thấu hiểu sâu sắc trực tiếp vào bản chất chân thật của hiện hữu.  Loại thiền định nầy, một khi thành công, dẫn dắt thiền sinh qua các cấp bậc và dần tiến lên Niết Bàn.

 

Ngoài các lợi ích tối hậu, chính niệm trong hơi thở có giá trị tức thời có thể được nhận thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày của một người.  Nó khuyến khích sự  buông bỏ và khách quan.  Nó cho phép một người có được khoảng cách tinh thần cần thiết để đi đến những quyết định sáng suốt trong vô vàn khó khăn của cuộc sống hằng ngày.  Thiền quán hơi thở thường xuyên gia tăng sự tập trung và sự tự chủ, nâng cao chính niệm, và có lợi ích cho sức khỏe cũng như nếp sống thư thả.

 

 

13. Thanh Thản Đối Diện Tử Thần

 

Cái chết là điều duy nhất chắc chắn trong cuộc sống, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta có kế hoạch cho cái chết và tự chuẩn bị đầy đủ để đối diện với nó một cách bình tĩnh?  Tất cả chúng sinh đều phải chết.  Thân thể tan rã, phân tán, và biến thành tro bụi.  Điều duy nhất chúng ta sở hữu và ở lại với chúng ta sau cái chết là nghiệp của chúng ta, những hành động cố ý.  Những hành động của chúng ta tiếp tục, mang đến một dạng mới của sự sống cho đến khi tất cả những ham muốn đều bị tiêu diệt.  Chúng ta được sinh ra và tiến hóa tùy vào phẩm chất nghiệp lực của chúng ta.  Những hành động thiện lành sẽ đưa đến sự tái sinh tốt đẹp, những hành động bất thiện sẽ đưa đến sự tái sinh xấu ác.

 

Quan niệm thuộc về vật chất cho rằng con người chỉ là kết quả sinh học của sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng, và nó chấm dứt nơi cái chết, điều nầy không đầy đủ để giải thích hoàn toàn cuộc sống của con người.  Thiên nhiên và dưỡng dục, di truyền và môi trường xung quanh, tự nó không thể giải thích, thí dụ, tại sao hai trẻ song sinh cùng mẹ cha, về hình dáng giống nhau như tạc, hưởng quyền ưu đãi như nhau, lớn lên trong cùng một môi trường, thường triển lãm những đặc điểm về tinh thần, đạo đức và cảm xúc rất khác nhau.  Hơn nữa, khoa học gặp những khó khăn trong trường hợp những trẻ con thần đồng và đặc biệt một số trẻ em nhớ lại tiền kiếp của mình.

 

Người phật tử thực tế, biết rằng không thể tránh khỏi cái chết, có kế hoạch cho cái chết và luyện tập bản thân để thanh thản đối diện với nó.  Người ấy cũng biết rằng cách tốt nhất để phác họa kế hoạch cho cái chết là sống một cuộc sống đạo đức và chính trực.  Như vậy người phật tử thuần thành thường gìn giữ ngũ giới, thực hiện những hành động thiện lành, rộng lượng, và nỗ lực giảm thiểu lòng tham và ganh ghét.  Sự thực là người có cuộc sống thiện lành sẽ có niềm an ủi và đó là nguồn sức mạnh khi tử thần đến.  Nỗi sợ hãi về cái chết dần mất đi hiệu lực và nọc độc.

 

Để chuẩn bị cho cái chết, vị gia trưởng cần phải chu toàn nhiệm vụ trong gia đình, đối với những người khác, và đối với tôn giáo của họ.  Trong thực tập nghĩa là để lại một số tiền thu nhập vừa đủ cho gia đình, làm tờ di chúc thích hợp, sửa soạn tang lễ sẵn cho mình, và cung cấp một ngân quỹ để duy trì các tỳ khưu tài giỏi, đức hạnh, giữ giới luật và có khả năng thuyết pháp đúng đắn.

 

Đức phật dạy các vị cư sĩ, cũng như các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, rằng họ nên thường xuyên suy ngẫm về việc không thể tránh khỏi cái chết: “Cái chết là điều chắc chắn, cuộc sống thì bấp bênh” (maranam niyatam, jivitam aniyatam).  Những điều nầy là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta về nhu cầu cần sắp xếp việc nhà ổn thỏa, về mặt đạo đức và triết lý, không chút chậm trễ, và đối diện mỗi ngày như là ngày cuối cùng trong đời của chúng ta.  Thế giới ngày hôm nay sẽ là một nơi hạnh phúc và an toàn để sinh sống nếu mọi người trên thế giới chỉ cần chú tâm vào lời kêu gọi nầy.

 

 

14.  Người Phật Tử Lương Thiện

 

Các phần trước của bài luận nầy giúp cho người cư sĩ phật tử, từ góc độ thực tập, hiểu được những điểm chánh trong giáo lý nhà Phật và chấp nhận việc thực hành trong sinh hoạt hằng ngày.  Thực tập vững vàng những nguyên tắc nầy bảo đảm các điểm thiện lành sẽ được xây dựng nơi cá tính của người đó, làm cho người đó trở thành một con người toàn vẹn, trung tâm của sự sáng suốt trong một thế giới hỗn loạn đang trôi theo những triết lý thời thượng đầy những lời hứa hẹn rỗng tuếch.

 

Một cư sĩ phật tử ít nhất cần phải giữ Ngũ Giới, giới giúp cho người ấy phát triển phẩm hạnh nơi hành vi và lời nói.  Nhưng không nên ngừng lại ở đây.   Người tìm kiếm sự hoàn mỹ chân thật của hạnh phúc cần phải trau dồi tâm thức.  Người cần có chính niệm khi những trạng thái không lành mạnh xuất hiện như tham lam, giận dữ, vọng tưởng, và cần biết phải làm thế nào để đối phó với chúng một cách hữu hiệu khi chúng đe dọa làm cho người ấy mất thăng bằng.  Một người cần phải tiến hành xa hơn và cố gắng trau dồi tâm thức một cách có hệ thống xuyên qua thực tập thiền định để được yên tĩnh và có tầm nhìn sáng suốt.

 

Xã hội mà chúng ta đang sống là sự phản ảnh của tâm thức con người, chính chúng ta tạo ra xã hội nầy.  Nếu xã hội của chúng ta trở nên thối nát, đầy dẫy sự vô luân, và nó phá hoại tìm năng cao tột của bản chất con người, đó là vì những người trong xã hội ấy đã để cho bản thân họ trôi dạt vào những trạng thái tham nhũng và vô đạo đức.  Phẩm chất của một xã hội chắc chắn dựa vào phẩm chất đời sống của dân chúng trong xã hội đó.  Một cá nhân không thể nào làm thay đổi nguyên cả xã hội cho tốt hơn.  Nhưng với bất cứ giá nào, mỗi người trong chúng ta đều có khả năng chuyển đổi thế giới tâm thức của mình.

 

Làm thế nào đây?  Bằng cách gìn giữ Ngũ Giới một cách hoàn hảo, bằng cách giữ chính niệm trong sinh hoạt hằng ngày, tẩy gội những nhược điểm nơi tâm thức, bằng cách trau dồi tứ vô lượng tâm, bằng cách thiền định hăng hái mỗi ngày, bằng cách nghe thuyết pháp và giải tỏa những nghi ngờ về giáo lý.  Bằng cách tuân theo những lời chỉ dẫn một người chắc chắn sẽ gặt hái kết quả: tâm an lạc, hài lòng, vắng bóng những xung đột nội tại ngay giữa thế giới hỗn loạn, điên đảo của chúng ta.

 

Người phật tử tốt cần phải tìm kiếm cơ hội để làm việc từ thiện.  Người phật tử cần phải nhiệt tâm giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.  Tuy nhiên, khi bố thí, một người cần phải bố thí không phân biệt, như đức Phật khuyên : viceyya danam databbam.   Như vậy những người nghèo nhất sẽ được lợi ích với những gì họ cần nhất.

 

Một người phật tử chân chính cần phải dành vài phút mỗi ngày để xem lại những gì xảy ra trong ngày, và để thấy rằng người ấy có rời xa lời dạy của bậc thầy hay không.  Nếu có, anh ta cần phải hỏi tại sao anh ta lại làm như vậy, để trong tương lai tránh việc lặp lại.  Có phương thức đọc về phật pháp cũng giúp cho một người để toàn bộ đời sống vào đúng quan điểm.  Thói quen hằng ngày đọc một bài pháp của đức Phật rất hữu dụng, như kinh Chân Hạnh Phúc (Maha-Mangala), hoặc đọc vài câu trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) và suy ngẫm một lúc về các câu thích hợp đối với cuộc sống của một người.  Làm như vậy giúp một người quên đi những lo âu và phiền toái tầm thường, để làm rõ suy nghĩ của một người, và để nhắc lại những giá trị cuối cùng và chân lý mà dựa vào đó một người xây dựng cuộc sống của mình.

 

Những bài giảng của đức Phật bao gồm phẩm hạnh, thiền định, và trí tuệ.  Chỉ có sự thực tập về phẩm hạnh, thiền định, và trí tuệ, thì Phật Pháp mới đơm hoa kết quả; nếu không thì Phật Pháp sẽ suy tàn.  Điều thực tế nầy cần phải được những người quan tâm đến sự suy tàn và biến mất của Sasana luôn luôn ghi nhớ.  Tôn giáo úa tàn khắp nơi, người ta chú ý ngày càng nhiều đến những nghi lễ, nghi thức, và những buổi hành lễ rỗng tuếch, trong khi chẳng ai chú ý đến việc luyện tập thực thụ với những nguyên tắc tín ngưỡng nơi đời sống thực tế.  Tuy vậy, đây lại là điều quan trọng nhất.

 

Bằng cách thực tập theo những lời hướng dẫn trên đây, một người Phật tử lương thiện sẽ trưởng thành trong mọi khía cạnh của phật pháp.  Những lời hướng dẫn nầy giúp cho một người uốn nắn nhân cách của mình trở nên hoàn hảo, để truyền dẫn những nguyên tắc chân thật của phật pháp vào kiến thức của người ấy, để huấn luyện những cảm xúc và rèn luyện ý chí.  Làm như vậy sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho bản thân của họ, và giúp cho cuộc sống của họ trở thành phước lành cho những người xung quanh.

Nguyện cho quý vị và tôi và tất cả các chúng sinh được an lành và hạnh phúc.

Vài dòng về tác giả

Ông Robert Bogoda sinh vào năm 1918 ở Colombo, thành phố thương mại của Tích Lan.  Việc học hành ở cấp trung học của ông bị gián đoạn vì sự qua đời quá bất ngờ của phụ thân ông, và rồi ông bắt buộc phải nhận chức giáo viên khiêm tốn.  Trong khi dạy học, ông đã tự học tập để lấy bằng Cao-học và Cử-nhân khoa học (Kinh tế) ở trường đại học Luân Đôn, chuyên ngành về Quản Lý Xã Hội.  Hiện tại, ông đã nghỉ hưu, ông theo đuổi sở thích về Phật giáo và phúc lợi xã hội.  Văn bản “Bài hướng dẫn đơn giản cho cuộc sống” được viết với nền tảng nầy.

 

 

Source : http://www.wisdomlib.org/buddhism/book/a-simple-guide-to-life/d/doc2139.html

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập