Lời thật mất lòng

Đã đọc: 7160           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tục ngữ có câu ”Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng” nghĩa là thuốc tuy đắng miệng nhưng làm cho người ta hết bệnh, lời thật tuy trái tai nhưng giúp người ta thấy được sai lầm mà khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều người lại rất sợ sự thật, luôn luôn dấu diếm bưng bít, không dám tự nói ra và cũng không muốn người khác nói đến. Nếu có ai nói đến họ sẽ buồn giận ngay. Tôi thuộc nằm lòng câu tục ngữ trên nhưng lại sơ xuất, mắc phải sai lầm đáng trách.

Tôi có người chú họ đã ngoài bảy mươi, gia cảnh chỉ đủ ăn, con cái cũng thế. Ông bị tai biến ba lần trong khoảng bốn năm. Lần thứ nhất tương đối nhẹ, chỉ hơi méo miệng, nói lắp, tay chân bên phải đều yếu, đi đứng phải chống gậy. Không lâu sau ông bị lần thứ hai, nặng hơn, nói ngọng và ngồi xe lăn. Lần thứ ba thì bán thân bất toại, nằm liệt giường, miệng ú ớ như người câm, đầu óc không còn tỉnh táo, khi nhớ khi quên. Nằm một chỗ trong thời gian dài, con dâu trong nhà lại chăm sóc không kỹ lưỡng, chu đáo nên phần lưng và mông của ông bị lở loét vừa hôi hám vừa hành hạ đau đớn, ông rên la suốt ngày. Khoảng ba bốn tháng trước khi mất, sự sống của ông như loài thực vật, thỉnh thoảng lại bị co giật, ai đến thăm cũng lắc đầu thương hại!

Một lần, ông chợt hồi sinh sau cơn co giật mạnh đến sùi bọt mép. Tôi cùng vài anh  em họ đến thăm ông. Vợ chồng Liêm -con trai ông- rước thầy về tụng kinh cầu an và bày bàn hương án ngoài sân đủ cả hương đăng trà quả ngày đêm khấn vái nguyện cầu. Thấy vậy, anh tư Bính hạ giọng nói nhỏ với chúng tôi:

-Đã đến nước nầy rồi còn bày vẽ chi cho tốn tiền, họ đâu phải tụng không?

-Sống phải cho ra sống chứ sống như thế nầy thì chết còn sướng hơn? Anh Sáu Canh phụ họa.

Cô hai Quí tặc lưỡi, than:

-Đau chân hả miệng! Tội nghiệp! Giày dép còn có số, chưa tới số làm sao chết được?

Tôi mỉm cười và nói theo quán tính:

-Số mạng gì ở đây? Tại cái nghiệp của ổng chưa hết đó thôi?

Vừa lúc đó thằng Liêm bước tới sau lưng tôi, ngồi xuống ghế, đưa mắt nhìn tôi với vẻ bực bội, hỏi:

-Anh nói cái gì nói lại nghe coi?

Biết mình sơ ý nhưng lỡ lời rồi làm sao rút lại được, cũng không thể chối quanh nên buộc lòng phải lặp lại những gì đã nói theo yêu cầu của Liêm. Nó hằn học, hỏi tôi:

-Như vậy là anh nói ba tui làm nhiều việc ác nên mới bị quả báo?

-Tôi không có ý đó, xin chú đừng hiểu lầm?

-Hiểu lầm! Liêm gằn giọng. Anh làm như tui là con nít không bằng?

Không chỉ tôi mà cả mấy anh em có mặt đều biết khá rõ về cuộc sống của ông chú và các con của ông ấy nhưng tôi thật tình không có ý đó, cũng không phân bua mà chân thành xin lỗi Liêm. Các anh em cũng cùng khuyên giải nó. Tôi biết nó hiểu lời tôi nhưng vẫn cố chấp. Tại sao nó bắt lỗi tôi mà không bắt lỗi cô hai Quí? Tôi xin giải thích ngắn gọn như sau:

Số mạng là quan điểm xuất phát từ đạo Khổng, đạo Lão. Theo đó thì thân phận con người sống lâu hay chết yểu cùng họa hay phước và tất cả những thứ khác nữa liên quan đến họ đều do ông trời sắp đặt, định sẳn, không thể thay đổi, cãi lại được. Nói dễ hiểu hơn là số mạng như cái khuôn làm bánh, cái khuôn như thế nào thì cái bánh như thế ấy không thể khác được. Quan điểm đó đã ăn sâu vào tận xương tủy của mọi người suốt mấy ngàn năm nay nên bất cứ ai cũng đều tin như thế. Mọi chuyện giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu, hay dở, thành bại trong cuộc sống đều do…ý trời định hết! Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết:

Cho hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới đựơc phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào.

Còn nghiệp là một trong những khái niệm quan trọng của triết học Ấn Độ cổ đại, có nghĩa là hành động, là sự tác động qua lại của sự vật và biến cố trong vũ trụ. Phật Thích Ca đã phát hiện nó cũng là mối liên hệ động lực của con người nên Ngài từ bỏ ý nghĩa truyền thống ban đầu, đưa nó xuống bình diện con người và giảng giải lại một cách mới mẻ, năng động và trực tiếp mang tính tâm lý. Từ đó nghiệp có nghĩa mới là ý nghĩ, lời nói, việc làm của con người hay còn gọi là ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp. Nghiệp tạo ra nhân, nhân sinh ra quả tạo thành chuỗi mắc xích nhân quả vô tận trong cuộc sống con người. Nghiệp có thiện có ác, nghiệp thiện sanh ra nhân quả thiện, nghiệp ác sanh ra nhân quả ác. Cũng trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết về nghiệp như sau:

Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều

Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm

Lấy tình thâm trả tình thâm

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời

Hại một người cứu muôn người

Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng

Thưở công đức ấy ai bằng.

………………..

Bán mình là hiếu cứu người là nhân

Một lòng vì nước vì dân

Âm công cất một đồng cân đã già

Đoạn trường sổ rút tên ra

Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau

Còn nhiều hưởng thụ dài lâu

Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào.

Rồi cụ kết luận:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn vốn tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Qua hai giải thích trên cho thấy số mạng tương đương với nghiệp, chỉ khác nhau ở  cách nhìn và cách đặt vấn đề. Tuy nhiên, nói đến số mạng, dù có khắc nghiệt đến đâu vẫn nghe nhẹ nhàng, dễ chấp nhận, bởi lẽ nó có ý nghĩa thụ động, bị ông trời đặt để, con người muốn hay không đều không được. Còn nói đến nghiệp (nhất là nghiệp dữ) thì nghe nặng nề hơn, khó chấp nhận hơn vì nó có ý nghĩa chủ động, do con người tạo ra, mà tạo nghiệp gì thì hưởng quả nấy là lẽ đương nhiên. Chính vì thế mà người ta rất dễ bị mặc cảm, khó chịu khi nghe người khác nói đến khái niệm nghiệp trước hoàn cảnh không mấy tốt đẹp của họ. Trường hợp của Liêm là một bằng chứng thiết thực dù nó biết rõ điều đó mà vẫn cố phủ nhận và sừng sộ với tôi..

Đạo Phật truyền vào nước ta hơn hai ngàn năm, cùng song song tồn tại và phát triển với đạo Khổng đạo Lão. Tuy nhiên, giáo lý về nghiệp có lẽ chưa được truyền bá sâu rộng, nhân dân chưa thấm nhuần nên nó chưa đánh bại được khái niệm số mạng trong lòng họ. Ngay thời hiện đại mà nhiều người vẫn còn tin có ông trời, vẫn còn tin số mạng của mình do trời định chứ không tin vào cái nghiệp do chính mình tạo ra. Niềm tin vào số mạng dễ dẫn người ta đến bi quan chán nản, thiếu ý chí phấn đấu, buông xuôi. Cũng có người quẩn trí làm liều, tạo nghiệp dữ để mong vượt lên số mạng.

Sự việc xảy ra tuy nhỏ nhưng đã dạy tôi bài học lớn về đối nhân xử thế. Tôi sẽ dè dặt, cẩn thận hơn đối với từng đối tượng và từng trường hợp tương tự dù cho những lời tôi nói là sự thật một trăm phần trăm. Muốn biết nhân trước của mình, hãy nhìn vào sự hưởng thụ hôm nay; muốn biết quả sau của mình, hãy nhìn vào việc mình làm hiện tại/-

 

  TRƯƠNG HOÀNG MINH

 

ĐC liên hệ:

Hộp thư lưu trữ - Bưu điện Trà Ôn

Vĩnh Long   -   DĐ : 01268871701

Email: hoangminhtovl@gmail.com

 

 

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập