Nhìn Lại Chính Mình

Đã đọc: 4377           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Nhìn lại chính mình” là trở về với cái tâm hay cái tự tánh, “bản lai diện mục” của mình. Nó như hư không, vốn trong sáng, thanh tịnh, không nhiễm trần cấu, không biến động. Nó tạo ra vạn pháp, hay nói cách khác vạn pháp là những dạng khác nhau của tâm, tung ra là vạn pháp, thu lại là tâm, một trong tất cả, tất cả trong một.

Vua Trần Nhân Tông khi còn là Thái tử, học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Trước khi về lại hoàng cung, ngài hỏi sư phụ yếu chỉ của thiền, Tuệ Trung đáp bằng câu thơ “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nghĩa là nhìn lại chính mình là bổn phận, không theo bên ngoài được. Vua lấy đó làm phương pháp tu hành và đắc đạo, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là vị tổ đầu tiên của thiền phái Việt Nam.

Hiểu theo Tuệ Trung Thượng Sĩ thì “nhìn lại chính mình” là bổn phận gốc của người tu hành, cũng như nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận trước tiên của con cái và giữ gìn, bảo vệ tổ quốc là bổn phận hàng đầu của công dân. Làm tròn bổn phận đó người tu sẽ chứng đắc đạo pháp, người con hiếu thảo, người dân yêu nước. Ngược lại, mãi mê hướng ngoại, chơi bời lêu lổng, chạy theo nước khác thì người tu sẽ không giác ngộ, người con bất hiếu, người dân bất trung. Kinh Hoa Nghiêm viết “Cái tự kỷ nầy ở trời thì đồng với trời, ở đất thì đồng với đất, nơi người thì đồng với người, nơi vật thì đồng với vật. Trên bổn phận tự kỷ, hoặc nói bổn cụ (vốn đầy đủ), hoặc nói bổn không (vốn rỗng không), hoặc nói mê và ngộ, hoặc nói tu và chứng bày ra đủ thứ dây trói buộc”. Cho nên “Chân thiện tri thức chẳng lìa tự kỷ, cầu đạo nơi tự kỷ, chẳng tìm ở nơi khác”

Dù ở thời mông muội hay ở thời hiện đại, cuộc đời luôn là vườn hoa gồm nhiều chủng loại, màu sắc rực rỡ, hương thơm bát ngát, mật ngọt tràn đầy. Nó có sức hấp dẫn mãnh liệt, quyến rủ, cuốn hút mọi người như cõi thiên đàng, cũng đem đến không ít nghiệt ngã, khổ đau thất vọng của chốn địa ngục. Chính chúng là thủ phạm làm cho tâm ta dấy động, chao đảo, vẩn đục như mặt nước giòng sông bị cuồng phong làm nổi trận ba đào. Nhà Phật có câu “tâm viên ý mã” là nói tâm ý con người thay đổi xoèn xoẹt để tìm dục lạc, như con vượn nhảy nhót lăng xăng trên cành cây, con ngựa chạy lung tung trên đồng cỏ tìm thức ăn. Bạn hãy làm thử một thí nghiệm sẽ thấy được điều đó. Bạn lấy tờ giấy trắng và cây bút vào phòng riêng và ghi chép ra hết những tâm ý tốt xấu, hay dở của bạn một cách trung thực, chừng năm bảy phút. Chắc chắn bạn sẽ giật mình vì trong khoảng thời gian đó, tâm ý của bạn phát sinh liên tục, không ngừng nghỉ, hết cái nầy đến cái khác có khi bạn ghi chép không kịp. Bạn yên chí, sẽ không có ai biết tâm ý của bạn vì bạn có thể đốt bỏ miếng giấy ngay sau đó. Thiền sư Osho đã bày như thế.

Thật ra, không có tha nhân, ngoại cảnh nào có thể quyến rủ, lôi kéo, ràng buộc mình được mà chỉ do mình tự đem thân vào tròng. “Nhìn lại chính mình” là trở về với cái tâm hay cái tự tánh, “bản lai diện mục” của mình. Nó như hư không, vốn trong sáng, thanh tịnh, không nhiễm trần cấu, không biến động. Nó tạo ra vạn pháp, hay nói cách khác vạn pháp là những dạng khác nhau của tâm, tung ra là vạn pháp, thu lại là tâm, một trong tất cả, tất cả trong một. Người mê lầm chấp là hai nên kẹt vào danh tướng, sanh ra đủ thứ chấp trước làm chướng ngại trong việc tu hành. Lại có người thích chia chẻ vạn pháp thành những vật thể riêng lẻ rồi cho mình là một cá thể độc lập tồn tại bên ngoài vạn pháp. Nhà Phật gọi đó là vọng tưởng, xuất phát từ vô minh phân biệt, một dạng của vọng tâm. Trong “Đại Thừa Khởi Tín Luận” ngài Mã Minh viết “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi. Vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt theo”.

Đã không có tha nhân hay ngoại cảnh ràng buộc thì tự mình cởi trói, tháo gở bằng cách “nhìn lại chính mình”. Đưa vọng tưởng, chấp trước trở về với tự tánh, đưa vạn pháp trở về với hư không thì tâm ý sẽ thanh tịnh, đâu đâu cũng là Tịnh độ, cuộc đời sẽ xinh đẹp, trở thành nơi pháp lạc. Vua Trần Nhân Tông đã làm được như vậy, trong bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” (Ở đời vui đạo) bằng chữ Nôm, ngài viết “Giữ gìn tánh sáng, tánh mới hầu an, Kềm nén niềm vọng, niềm dừng chẳng khác”, “Dứt trừ nhân ngã thì bày ra tướng thực kim cương. Diệt hết tham sân mới thấy rõ lòng mầu nhiệm”. Ngài cũng không trông cậy, cầu cứu sự giúp đỡ của tha nhân, ngoại cảnh hay các thực thể siêu nhiên, kể cả cảnh giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, vị Phật tôn giáo, giải thoát cho Ngài:“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc”. Bởi vì Ngài cho rằng:

             Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

             Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

             Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

             Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

 

             (Ở đời vui đạo phải tùy duyên

             Đói bụng ăn ngay, mệt ngủ liền

             Của quí trong nhà đừng chạy kiếm

             Không vương cảnh vật đó là thiền.)

 

Có thể nói, “nhìn lại chính mình” là phương pháp hoàn thiện bản thân tốt nhất, hữu hiệu nhất không chỉ cho việc tu hành mà còn cho cuộc sống hàng ngày. Trong việc tu hành, nhìn lại chính mình mới thấy được thân mình bất tịnh, mọi cảm thọ đều khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã; mới dứt trừ nhân ngã, diệt hết tham sân si được. Trong cuộc sống hàng ngày mình tiếp xúc với nhiều hạng người và nhiều thành phần xã hội cho nên không tránh khỏi sai sót, va vấp, đụng chạm nhau sanh ra trái ý, phật lòng nhau. “Nhìn lại chính mình” mới thấy được lỗi lầm, ăn năn sám hối, khắc phục sửa chữa, trở thành người tốt.

Phương pháp nầy đã được Phật Thích Ca thực hiện lúc còn tại thế, tổ chức  ngày “Tự Tứ” cho các đệ tử “nhìn lại chính mình” đồng thời đánh thức tinh thần tự giác và cầu tiến của các đệ tử trên con đường tu tập và hoằng dương đạo pháp. Tự là chính mình, Tứ là cho, ban cho như Thúy Kiều “tứ thơ” cho Đạm Tiên khi đi chơi thanh minh, “mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng”, vua “tứ hôn” cho quần thần ngày xưa. Ở đây có nghĩa là tự mình nói ra những ưu khuyết điểm của mình cho người khác nghe phê phán, đóng góp, chỉ ra những cái thiếu sót hoặc sai phạm mà mình không biết hoặc cố tình che dấu cho mình khắc phục, sửa chữa lỗi lầm và không được tái phạm.

“Nhìn lại chính mình” còn được nói đến trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Đệ Tử thứ ba. Sau khi biết ông Duy Ma Cật bệnh (không phải bệnh trên thân thể), Phật sai các đệ tử Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề cùng nhiều vị khác đến thăm ông ấy nhưng không ai dám đi, thậm chí đến Ngài Ca Diếp, đại đệ tử của Phật mà còn thoái thác. Bởi vì họ tự thấy mình còn thua xa ông Duy Ma Cật về mọi mặt, cũng như các y sĩ làm sao dám đến thăm bệnh một bác sĩ bậc thầy!

 

“Nhìn lại chính mình” dễ hay khó? Rất dễ đối với người quyết tâm còn ngược lại rất khó. Trước tiên phải biết đặt mình đúng chỗ. Ngày xưa, là vua một nước, ngồi trên thiên hạ, quyền quí cao sang tột đỉnh mà Trần Nhân Tông vẫn đặt “mình ngồi thành thị, nết dừng sơn lâm”  để cho “muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tánh. Nửa ngày rỗi tự tại thân tâm”. (Bài “Cư Trần Lạc Đạo” được vua Nhân Tông làm khi còn Thái thượng hoàng chứ chưa đi tu). Còn ngày nay, chúng ta là thường dân mà thân đi chùa, ở chùa nhưng tâm ý lại ở ngoài xã hội. Ngày xưa vua “Tham ái nguồn dừng, chẳng thèm nhớ châu yêu ngọc quí. Thị phi tiếng lặng, không màng nghe yến thốt oanh ngâm”, còn ngày nay chúng ta là thường dân mà cứ mãi chạy theo dục lạc thế gian thì có hổ thẹn với tiền nhân không? Tóm lại, cốt lõi của vấn đề là không ai trói buộc mình thì chẳng cần giải thoát.

Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe một vị hòa thượng đọc hai câu thơ không biết có phải ca dao hay lời sấm:

Tu hành không Phật cũng tiên

Không vua thì chúa hoặc miền công khanh.

Tôi nghĩ đó là lời sấm chứ không phải ca dao vì nó ứng với thời hiện đại. Ngày xưa vua bỏ ngai vàng điện ngọc, quan bỏ quyền cao chức trọng để được làm sư, còn ngày nay ngược lại, nói không phải vơ đũa cả nắm chứ đa số tăng ni bây giờ rất khoái cuộc sống của vua quan. Chùa chiền thay cung điện, xe hơi thế kiệu vàng, chén gốm sứ thay bình bát, tín nữ thế a hoàn, thiện nam làm ngự lâm pháo thủ…Dân gian có câu “Kính Phật trọng tăng”, nhưng ở một chừng mực nào đó, tôi thấy có nhiều người kính Phật mà chẳng trọng tăng bởi vì họ chưa “nhìn lại chính mình”, ngoại trừ những vị chân tu đạo cao đức trọng một lòng vì đạo pháp, phục vụ chúng sinh./

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập