Chiến thắng nhờ lòng trắc ẩn

Đã đọc: 2666           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi có anh bạn thân làm nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng lại rất thích chụp ảnh nghệ thuật, việc chụp ảnh không chỉ là thú vui tao nhã mỗi khi rãnh rỗi mà còn là một nghề tay trái của anh. Thường thì mỗi khi về nhà, anh hay rủ tôi ra các làng ngoại ô quanh Huế để chụp ảnh. Anh thích chụp phong cảnh làng quê yên bình với cây đa, bến nước, con đò, những mái đình rêu phong cổ kính, những con đường làng quanh co rợp bóng tre hay những đàn vịt nối đuôi nhau trở về trên những dòng kênh  vào lúc chiều muộn. Không những thích phong cảnh, anh còn thích chụp chân dung của những người dân quê hiền lành, chất phác mà đặc biệt nhất là những cụ ông cụ bà cao tuổi. Nhiều khi buồn cười vì anh hay làm quen và“gạ gẫm” các cụ từ trong nhà ra sân , vườn, hay đứng bên bờ rào chè tàu, bên giếng nước hay trước cổng nhà để anh chụp ảnh. Người già phần lớn thường rất ngại chụp hình nhưng vì nể sự ngọt ngào và nhiệt tình của anh nên đành vui vẽ diện áo dài, đội khăn xếp, nhọc công làm “ người mẫu” cho anh. Và cũng có đôi lần, tôi thấy anh mai phục đâu đó để “săn” ảnh, anh không ngại mất rất nhiều thời gian để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống đời thường một cách rất  tự nhiên của các cụ. Hình như anh cảm được cái vẽ đẹp “tiềm ẩn” nào đó nơi các cụ nên mới “ghiền” các cụ đến thế. Anh hay trò chuyện với tôi và ví vẽ đẹp của một đời người giống như sắc đẹp của loài hoa sen, mỗi giai đoạn đều có vẽ đẹp và những thần thái riêng. Tuổi trẻ thì tất nhiên là đẹp ở sự trẻ trung, ngây thơ và hồn nhiên như búp sen non mơn mỡn mới nhú lên từ bùn đen để đón sương mai và ánh sáng. Tuổi trưởng thành là lúc hoa đang bung nở, khoe hương, khoe sắc với vẽ đẹp tròn đầy và viên mãn, còn tuổi già thì như đài sen với cơ man nào là hạt, vẽ đẹp của sự chắt chiu, của sự dồn tụ và từng trải qua năm tháng để ươm những mầm sống cho tương lai.  Anh bảo rằng không phải ai già cũng xấu, nhiều người lúc về già lại đẹp và phương phi hơn lúc trẻ mà điển hình nhất là hình ảnh của cố chủ tịch Hồ Chí Minh, phần lớn ảnh chân dung in trên những đồng tiền Việt Nam, tem thư, ảnh thờ ở nhiều gia đình, ảnh treo trên tường trong trường học hay các cơ quan đoàn thể…đều chụp lúc Bác đã về già. Bởi vậy, đi liền với hai câu thơ nổi tiếng của thi sỹ Bảo Định Giang :“Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” luôn là hình ảnh hoa sen được lồng ghép với ảnh của Cụ Hồ với chòm râu bạc trắng như cước, lúc tuổi đã về chiều.

Chính vì sự quan tâm và luôn tôn vinh vẽ đẹp của người cao tuổi nên “ông trời chẳng phụ lòng người”, trong cuộc thi Canon Photo Marathon 2011 do hãng máy ảnh Canon tổ chức, vượt qua hơn 2500 bức ảnh, tác phẩm của anh đã  giành giải nhất với chủ đề “ Một Mình”. Thật khó mà tả hết niềm vui ngày anh lên nhận giải, bữa đó ban giám khảo đã nhận xét ảnh của anh ngoài bố cục giản dị, ánh sáng hài hòa, ảnh không chỉ có chiều sâu về nội dung mà còn mang tính nhân văn cao. Đó là bức ảnh anh chụp một cụ già đang trầm mình giữa dòng kênh đen ngòm với chiếc thuyền bé cỏn con để vớt phế liệu, một công việc mưu sinh không chỉ nhọc nhằn vất vã mà còn rất độc hại nữa. Hình ảnh bạn chụp đã khiến tôi hồi tưởng lại quá khứ, lúc còn học đại học ở Sài Gòn, hàng ngày phải đạp xe qua những dòng kênh đen và bốc mùi khó chịu, nhiều khi bắt gặp ai đó đang lặn lội dưới lòng kênh để tìm kiếm cái gì đó đã khiếm tôi rùng mình và thảng thốt. Hóa ra giữa chốn Sài Thành này, ngoài cuộc sống giàu sang sung túc với nhà lầu, xe hơi, cao ốc chọc trời, khu thương mại sầm uất, những nơi vui chơi giải trí thâu đêm suốt sáng… thì bên cạnh đó là thân phận của những người nghèo khổ, những mãnh đời cơ cực đang lầm lủi mưu sinh từng ngày, quả thật là hai mặt đối lập của bức tranh về cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội này. Ảnh của bạn khiến mình cảm thấy vừa quen vừa lạ, quen là vì mình đã từng bắt gặp hình ảnh đó nhiều lần lúc trước nhưng cảm thấy lạ và ngạc nhiên là bởi vì một hình ảnh mưu sinh rất đời thường nhưng qua ống kính tài hoa của bạn, nó đã được nâng lên và trở thành tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tuy vậy, sự ngạc nhiên của tôi chưa dừng lại ở đó, trong cuộc thi này ngoài giải nhất ra còn có một giải đặc biệt nữa được trao cho tác giả bức ảnh xuất sắc nhất của cuộc thi năm ấy. Phần thưởng của giải này là một chuyến đi tập huấn về nhiếp ảnh trên một hòn đảo nhỏ xinh đẹp của nước Úc, một sự tưởng thưởng mà ai cũng ước ao. Khi xem bức ảnh này, ai cũng phải công nhận là nó rất xứng đáng, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức và quan trọng nhất là đáp ứng được tiêu chí mà ban tổ chức đặt ra. Đó là bức ảnh đen trắng chụp về một bà cụ đang nằm co quắp, cô đơn một mình trên giường bệnh ở trong một căn phòng rất “khiêm tốn” về ánh sáng, chỉ có một quần sáng rất  nhỏ nhoi khiến mọi người cảm nhận sự hiện diện của bà trong căn phòng vắng lặng này. Tác giả bức ảnh bảo rằng, khi nhận đề tài từ ban tổ chức cuộc thi, thì hình ảnh đầu tiên mà anh nghĩ đến đó là người bà của mình đang nằm cô đơn một mình, thế là anh chạy một mạch về nhà, lựa chọn rất kỹ góc độ chụp, lặng yên và từ từ bấm máy. Anh bảo rằng anh cũng không ngờ rằng ảnh của mình đoạt giải thưởng cao “chót vót” như thế.

Trong cuộc sống của chúng ta, người già là một trong những đối tượng rất yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Bởi vậy, người cao tuổi luôn cần được quan tâm, bảo vệ và phụng dưỡng bởi con cháu hay các tổ chức xã hội. Thế nhưng đôi khi vì những hoàn cảnh khác nhau hay vì mãi mê trong cuộc mưu sinh  mà chúng ta lơ là, thiếu sự quan tâm hay thậm chí quên đi sự hiện diện của họ trong cuộc sống của mình, thời gian qua đi thì chẳng bao giờ trở lại, đến khi họ bất ngờ rời xa chúng ta thì lại hối hận, tiếc nuối và cắn rứt lương tâm. Những ngày lễ, tết hay Vu lan là dịp để chúng ta nghĩ về họ, báo hiếu  hoặc có những hành động thiết thực đối với những người thân yêu của mình. Hằng ngày đọc báo, thỉnh thoảng chúng ta bức xúc với những hành động ngược đãi đối với người già, quặng lòng với những hoàn cảnh bơ vơ, lạc lỏng, không nơi nương tựa của một số mãnh đời bất hạnh khi tuổi đã xế chiều. Bởi vậy, những câu chuyện về lòng hiếu thảo, sự thương yêu đùm bọc, những việc làm thiết thực nhằm mang lại hạnh phúc hay thậm chí là những hành động tôn vinh hình ảnh những người già như ông bạn thân của tôi lúc trước thật rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng, một việc làm chưa bao giờ là quá sớm, bởi quỹ thời gian còn lại đối với người luống tuổi là rất ít. Biết đâu hôm nay chúng ta còn gặp mặt họ mà ngày mai thì không còn.  Càng nghĩ, tôi càng thấy ban giám khảo của cuộc thi ảnh cách đây mấy năm thật công bằng, nhân hậu và sáng suốt biết nhường nào.

                                                                                KTS. Hoàng Văn Hào



Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập