Thực và Ảo

Đã đọc: 5103           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bát Nhã cho rằng, thế gian gọi là loka này, tuy là thực tại thực, nhưng là huyễn, cảnh mộng, tiếng vang, tượng gương, ánh nắng, bóng sáng, hoặc là thành quách tầm hương biến hóa …..

“… khi Mắt tiếp xúc với Sắc, phát sinh ra một thứ nhận thức gọi là Nhãn thức. Bởi nhân duyên nhãn xúc, nhãn thức hình thành đi theo với cảm thọ (tri giác) ưa thích (lạc thọ) hoặc không ưa thích (khổ thọ) , hoặc không ưa cũng không ghét (xả thọ) . Tai, mũi, lưỡi, thân, ý , tiếp xúc với Thanh, hương, vị, xúc, pháp , do nhân duyên ấy mà hình thành nên Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, Thức . Đó là Thế gian (loka).”

Bát Nhã cho rằng, thế gian gọi là loka này, tuy là thực tại thực, nhưng là huyễn, cảnh mộng, tiếng vang, tượng gương, ánh nắng, bóng sáng, hoặc là thành quách tầm hương biến hóa …..

Nhưng trong thực tại thực huyễn mộng này, con người lại sáng chế ra cái gọi là thực tại ảo. Chà chà ! Một thực tại ảo trong cái thực tại thực huyễn mộng ! Cái nào là ảo, cái nào là thực ?

Câu hỏi lại đưa ta vào phim Inception (được dịch là Ý tưởng khơi nguồn), trong đó, có giấc mộng của giấc ngủ, giấc mộng trong giấc mộng và giấc mộng trong giấc-mộng-của-giấc-mộng ! Ghê thật . Lại làm ta nhớ đến Mạt Na thức, Ý thức và Alaya thức khi chúng lang thang trong giấc ngủ đầy mộng mị .

Những tuần lễ đầu năm 2013 này, lại dấy lên vụ việc mạ lỵ người trên facebook . Việc mạ lỵ nhau hay cãi nhau như phổi bò trong thực tại ảo là việc xảy ra hầu như ….hàng ngày, họ mang cái thực tại thực vào trong thực tại ảo . Nếu văn hoá trong thực tại thực đã xuống cấp thì văn hoá trong thực tại ảo lại càng ….xuống cấp trầm trọng . Trong thực tạo ảo, chẳng có ranh giới, chẳng ai biết ai thực sự, ngoại trừ những người đã có một danh vị nào đó trong xã hội, trong internet, chẳng ai biết bạn là một chú chó, miễn là chú chó biết tư duy” , Friedman đã nói vậy trong Thế giới phẳng rồi mà ! Thế nhưng, nếu chú chó chẳng biết tư duy …???

Ngày xưa, xưa lắm, đến những 2500 năm trước, việc phòng hộ các giác quan trông vậy mà đơn giản hơn thời hiện nay rất nhiều lần. Có lẽ vì thế mà ngày xưa có lắm Bồ tát đắc pháp. Cách nay khoảng bốn chục năm hay hơn, ít khi người ta đi xem phim, bởi vì chỉ ở các thành phố tương đối lớn mới có rạp chiếu phim. Ở quê, người ta xem hát tuồng mỗi khi có lễ lộc đình thần hoặc các gánh cải lương nghèo.

Ngày nay, người ta xem phim , nghe ca nhạc hàng ngày, hàng giờ, trên TV, trên mạng, ngày này qua ngày khác. Thanh thiếu niên thì vùi đầu trong game tập giết chóc, tập hận thù, tập trả đủa, số còn lại thì vùi đầu trong ảo ảnh của tự ngã qua Avatar trong các mạng xã hội. Nếu không kể đến một số người tìm đến những địa chỉ đen của sex . Không biết còn lại bao nhiêu phần trăm người tìm đọc những tác phẩm có tính khoa học, nhân văn, đạo đức ? Cũng không biết có bao nhiêu người nỗi tiếng trên thực tại ảo bằng các clip “lộ hàng” hay “ca múa nháy nhót” .

Như con dao hai lưỡi, càng sắc bén lại càng nguy hiễm, internet cũng thế. Ý dẫn đầu các pháp, khi thanh thiếu niên bước vào thực tại ảo, thì đầu tiên là bản chất người đó bộc lộ – hành nghiệp hoạt hoá – và ngay tiếp sau, là sự tương tác, huân tập lẫn nhau trong cộng đồng mạng. Và điều gì lướt qua mắt, tai và ý của họ, đều được “đánh dấu” vào Alaya thức dưới dạng chủng tử. Và rồi, dị thục sẽ làm tiếp nhiệm vụ và phận sự của nó.

Nguy lắm thay, nếu thanh thiếu niên đi vào con đường thực tại ảo, sống trong đó, đồng hoá bản thân trong đó . Sẽ là những đứa trẻ trầm cảm, cô đơn, kém khả năng giao tiếp, không thể kết bạn nhiều người, nó cảm thấy lạc lõng trong trường lớp, lạc lõng trong thực tại thực, thậm chí đến gần như tự kỷ. Nó sẽ trở lại là nó trong thực tại ảo mà thôi, và hiện tượng thực tại thực và thực tại ảo đan xen nhau trong tâm thức, làm cho những kẻ yếu kém về định lực, sẽ trở thành những kẻ cuồng điên trong giây lát . Những trẻ bỏ học vì nghiện game, những sát thủ trẻ tuổi ngày càng xuất hiện nhiều tại khắp nơi trên thế giới, nơi mà internet không được kiểm soát và quản lý tốt . Hãy nhìn những quốc gia như Lào, Bhutan, Myanmar, Nepal, Brunei….nơi mà việc ác khó có nhân duyên để thành tựu thì thấy và biết .

Game ban đầu chỉ là trò chơi giải trí, nhưng dần dần nó là nơi hái ra tiền, nhiều tiền đến nỗi tiền đã kích thích việc sản xuất game bạo lực trở thành một nền công nghiệp, trong những game đó, con người thoả sức săn bắt, giết chóc một cách vô tư. Nó làm trỗi dậy trong Alaya thức các chúng tử xa xưa, thời hồng hoang lúc nhân loại lấy săn bắt, giết chóc làm phương tiện mưu sinh, cho đến giác đấu và sự tiến bộ đã biến chúng thành môn thể thao boxing, wrestling, săn bắn, chọi gà, chọi trâu, chọi chó….

Con người chỉ có tội khi hành hung, sát nhân trong thực tại thực. Còn trong boxing, lỡ tay giết chết đối thủ thì vô tội nhưng vẫn bị dư luận và truyền thông lên tiếng về đạo đức thể thao. Nhưng trong thực tại ảo ? Giết càng nhiều thì càng có điểm cao !!! .

Có một ít nhà Tâm lý học ra sức bênh vực cho game online do tiền thuê mướn nghiên cứu tâm lý cao giá từ các hãng sản xuất game, họ cho rằng chơi game sẽ giảm stress !!! tăng trí thông minh vv và vv . Nhưng lại có nhiều hơn, các nhà Tâm lý học, Tội phạm học, Giáo dục học âu lo về tác hại của game bạo lực. Nhưng thói đời vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá, thiên hạ nghe đùng đùng ! Không chừng game có khả năng thành lập hiệp hội như hiệp hội súng Hoa Kỳ ! Mặt trái của kinh tế thị trường là như vậy, tiền là tất

cả, là tiên là Phật…

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Các Bồ tát Ma ha tát nghiệp trong mộng là có tăng ích, hoặc tổn giảm chăng? Phật nói : hữu vi hư dối chẳng thật như mộng sở tác (Đại Trí Độ : hết thảy pháp như mộng, nên không tích tụ thành), làm sao nghiệp kia có tăng giảm được? Sở dĩ vì sao? Vì chẳng phải nghiệp sở tác ở trong mộng có được tăng ích hoặc tổn giảm (Đại Trí Độ : Vì trong mộng không có pháp tích tụ thành) , cần đến khi giác nhớ tưởng phân biệt cảnh sở tác trong mộng mới có tăng giảm (Đại Trí Độ: khi thức, nhớ tưởng, phân biệt lại, nên có tích tụ thành).

Thiện Hiện đáp rằng: Có những vụ ban ngày giết mạng người, ban đêm trong mộng nhớ tưởng phân biệt rất nỗi sung sướng; hoặc lại có người trong mộng dứt mạng kẻ khác, đến khi thức giấc rất sanh vui mừng. Hai nghiệp như thế, ý Ngài hiểu sao? (Đại Trí Độ : Nếu người trong mộng sát sinh, khi thức, nhớ nghĩ, phận biệt, thủ lấy tướng sát sinh, ta giết như vậy khoái ư ?)

Xá Lợi Tử nói: Không sở duyên sự hoặc nghĩ, hoặc nghiệp đều chẳng sanh được, cần có duyên sự thời nghĩ và nghiệp mới khởi. Nghĩ và nghiệp trong mộng duyên đâu mà sanh? (Đại Trí Độ : Không có Nhân Duyên, thì nghiệp không sinh ; không có Nhân Duyên, thì tư duy không sinh. Có Nhân duyên thì nghiệp sinh; có nhân duyên thì tư duy sinh)

Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Hoặc mộng, hoặc giác không sở duyên sự nghĩ và nghiệp chẳng sanh. Cần có sở duyên sự nghĩ nghiệp mới khởi. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Hoặc mộng, hoặc giác cần ở trong pháp kiến văn giác tri, có giác huệ chuyển, do đấy khởi nhiễm, hoặc lại khởi tịnh. Nếu không có các pháp kiến văn giác tri, không có giác huệ chuyển, cũng không có nhiễm tịnh. (Đại Trí Độ: Đối với pháp, có thấy, nghe, hay, biết tâm sinh . Tâm ấy có sạch, có dơ) . Do đây nên biết hoặc mộng, hoặc giác, có sở duyên sự nghĩ nghiệp mới khởi, không có sở duyên sự nghĩ nghiệp chẳng sanh. – Đại Bát Nhã Huyền Tráng – Tập 19 – Hội II – Q.451, Phẩm Mộng Hành .

Giết người trong mộng còn mang nghiệp nữa là, giết người trong lúc thức ở thực tại ảo? Có một hiện tượng trong các mạng xã hội, một hiệu quả lan tràn mà Le Bon gọi là hiện tượng bầy đàn hay tâm thức lan truyền là có thật, một đoạn video clip, một hình ảnh, một câu nói đúng lúc, sẽ làm lan tràn trong cộng đồng mạng, làm thành một hiện tượng xã hội ngoài đời, gangnam style mới đây thôi. Vì vậy, thực tại thực và thực tại ảo nhiều khi khó phân biệt . Thế giới mạng không phải là thế giới ảo nữa, mà là một thế giới thật, có ảnh hưởng thật và hậu quả thật”. Đó là lời nhắc nhở của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Internet là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, mà một trong các yếu tố của mù chữ là mù internet . Nơi nào không có internet, nơi đó trở lại thời kỳ năm 1970 về trước. Không có sự phát triển tin học, nhân loại không thể có các tiện nghi trong mọi lãnh vực khoa học, kỹ thuật, vận chuyển, thông tin liên lạc, văn hoá, giáo dục, y tế….như ngày hôm nay.

Internet không có lỗi, lỗi là tại .…Tham lam, Sân hận, Si mê, lỗi do tâm sở Tư, Phi lý Tác ý, do hành nghiệp của người dùng và do cộng nghiệp của cộng đồng mạng.  Muốn nâng cao hiệu quả của internet, muốn khắc phục mặt tiêu cực của nó, không có gì khác hơn là củng cố đạo đức và văn hoá trong thực tại thực. Hãy có nền giáo dục đạo đức và văn hoá tốt, trong từng gia đình, trong nhà trường và trong xã hội . Nếu ta tạo nên những công dân tốt, có văn hoá trong đời sống thực, nếu ta quản lý và kiểm soát tốt thực tại ảo, thì internet sẽ là một kho tàng trí tuệ loài người cực kỳ hữu ích .

Trước tiên, cộng đồng Phật tử phải nêu gương giáo dục cho con trẻ trong gia đình, cho dù nhà trường và xã hội là những gì thuộc khách quan, ta không thể tác động được. Mặt khác, cứu cánh của Phật tử là Đạo Đức, Thiền định và Trí tuệ và tôn chỉ của Phật giáo là Duy Tuệ thị Nghiệp , cộng đồng Phật tử hãy nêu gương ấy trong thực tại ảo, đồng thời hãy phòng hộ các quan năng khi sử dụng internet . Hiệu quả của tính lan truyền tâm thức sẽ làm chuyển hoá cộng đồng mạng.

Phật tử hãy dấn thân vào cộng đồng mạng, để chuyển hoá cộng đồng mạng và qua đó, chuyển hoá thực tại thực này. Hơn lúc nào hết, các Đạo Sư nên đi vào thực tại ảo, mang vào đó, ánh sáng của Đạo Đức, Thiền Định và Trí tuệ. Bồ tát Duy Ma Cật nếu tái sinh về xã hội hiện đại, chắc ngài cũng sẽ dấn thân vào thực tại ảo đấy chứ !

Friday, January 18, 2013

Tâm Nhẫn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập