Cảm động chuyện sư cô mua khỉ thả lên núi

Đã đọc: 4453           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thầy Thích Diệu Mơ mang sữa tươi, mang lộc chùa đem ra gốc thị. Bọn khỉ sà xuống xin lộc. Con hôn, con hít, cứ quấn quýt lấy sư như bọn trẻ mong mẹ đi chợ về.

Kỳ 2: Mẹ của bầy khỉ

Tôi đã từng rơi nước mắt khi xem đoạn phim tài liệu của nhà báo Phạm Chức (Đài PTTH Hải Dương), khi anh quay cảnh sư thầy Thích Diệu Mơ gầy guộc, nhỏ xíu, phất phơ như chiếc lá nằm bên miệng mũi khoan đã nhồi mìn. Nếu những người phá núi kia châm điện, núi nổ tung, thầy cũng tan xác. 

Thầy Mơ là mẹ của bầy khỉ.

Suốt mười mấy năm trời, thầy Thích Diệu Mơ (trụ trì chùa Nhẫm Dương, Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) phải lấy tính mạng của mình ra thách thức, mới giữ lại được rông núi xanh rờn, giữa một huyện mà nơi nơi là các nhà máy xi măng, là những quả núi bị bắn mìn nham nhở vì lòng tham của con người.

 
Núi Nhẫm Dương còn lại một mẩu nguyên vẹn thế này là nhờ thầy Mơ bất chấp tính mạng để giữ. 


Sư thầy giữ quả núi ấy không phải cho bản thân mình. Thầy giữ cho nhân dân, cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Thầy giữ một chút môi trường cho đàn khỉ sinh sống.

Quả núi ấy, từng có từ mấy trăm triệu năm trước. Trong hang Thánh Hóa, ngay sau chùa Nhẫm Dương, chính tay thầy Mơ đã đào từ lòng đất, nào là xương voi, xương hổ, xương tê giác, xương người xưa. Đặc biệt là những chiếc răng, bộ hàm, những mẩu xương vượn Pôn-gô, tổ tiên gần gũi nhất của loài người.

Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đã rưng rưng xúc động khẳng định đó là xương Pôn-gô. PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã mang những chiếc răng ấy đến các hội thảo trên thế giới, để khoe với nhân loại, rằng nước Việt là nơi định cư của tổ tiên loài người từ 3 triệu năm trước. 

 
Chú khỉ mặt đỏ mang khuôn mặt buồn trong lồng tre chắc chắn. Ảnh nhà báo Phạm Ngọc Dương chụp trong chuyến chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Chú khỉ này bị dính bẫy. Người ta nhốt trong lồng chuẩn bị nấu cao. 


Đất nước này không chỉ có lịch sử oai hùng 4 ngàn năm, mà còn là nơi phát tích của nhân loại trên thế giới này. Thật tự hào biết bao. Thầy Mơ muốn giữ lại quả núi, giữ lại hang động, giữ lại ngôi chùa cho thế hệ sau là vì những ý nghĩa đó. 

Rông núi đẹp mê hồn đó, là nơi liên tục định cư của tổ tiên loài người, từ 3 triệu năm trước, cho đến tận ngày nay. Khỉ cũng là một nhánh của tổ tiên loài người, chúng cũng là chủ nhân của rộng núi này từ hàng triệu năm trước. Thật tàn nhẫn khi chúng ta bổ ngọn núi ấy ra nghiền, đổi lấy vài triệu bao xi măng. Đá thì Việt Nam thiếu gì. Thật thảm thương cho ngôi nhà của khỉ.

 
 
 
Uống sữa đi con. 


Kinh Môn vốn là Hạ Long trên cạn, với núi non, đồng ruộng, thung sâu ngập nước, các áng đẹp như tiên cảnh. Giờ “Hạ Long trên cạn” nham nhở, tan nát. Chỉ trong vòng hơn chục năm, hàng ngàn đàn khỉ đã bị tiêu diệt đến con cuối cùng.

Trên dãy núi Nhẫm ấy, hàng ngàn con khỉ, cũng đã biến mất. Cảnh tượng khỉ sống quây quần với nhà chùa, giờ không còn nữa. Chúng vào nồi cao cả rồi.

Một phật tử đến viếng chùa kể: “Thầy ơi, cạnh nhà con, ở xã Minh Tân, có một đồ tể chuyên nấu cao khỉ. Lão ta xích khỉ vào cột, đun nước sôi, rồi múc từng ca dội vào người nó. Con khỉ quỳ hai chân, chắp tay vái gã đồ tể. Nó vừa vái, vừa khóc ròng ròng. Nóng quá, nó chạy vòng quanh cột. Nó vừa chạy vừa khóc, vừa gãi trợt da trắng hếu. Lão dội cả chục ca nước sôi, nó yếu dần, lăn ra chết nhe răng”.

Phật tử nọ vừa kể vừa khóc tu tu. Thầy Thích Diệu Mơ cũng nước mắt chan vạt áo. 

 
Chú khỉ này từ ngọn cây thị xuống ăn lộc của thầy. 


Thế là, thầy Mơ càng quyết tâm giữ núi Nhẫm. Thầy vác đơn lên tận trung ương để kiện kẻ nào dám bắn mìn núi Nhẫm. Thầy cùng bà con làng xóm đào núi trồng cây, để núi tốt tươi, để con khỉ cuối cùng có chỗ mà sinh sống. Rông núi trọc lốc đã xanh tươi trở lại, nhưng khỉ thì chẳng còn con nào. Chúng bị thợ săn bắn giết, cho vào nồi cao cả rồi.

Thầy Mơ gặp lão đồ tể kia: “Này anh. Khỉ là tổ tiên của loài người. Cứu mạng người hay mạng khỉ bằng xây 10 tòa tháp. Tôi không xây chùa nữa, mà dành tiền mua khỉ. Anh mua được khỉ nào, anh bán cho tôi”.

 
Chả khác gì đứa trẻ. 


Lão đồ tể này vốn là tay buôn khỉ, bán sang Trung Quốc và nấu cao khỉ. Được sư thầy cảm hóa, lão vâng dạ nghe lời. Mua được khỉ nào, lão gọi sư thầy đến bán. Lão bán đắt thế nào, thầy Mơ cũng mua. Bao năm nay, tiền không có, chùa xây dang dở mãi chẳng xong, sơn chẳng có mà quét, vì có bao nhiêu tiền, sư thầy mua khỉ cả.

Cặp khỉ đầu tiên sư thầy mua từ lão đồ tể, là con Trố và Ngố. Chở về chùa, thầy thả lên núi. Mở lồng, nó đi không nổi, cứ ngã oành oạch. Đói đến nỗi không đứng nổi.

Thầy sắm chuồng sắt, nhốt chúng vào. Hàng ngày thầy mua sữa tươi cho nó uống. 

 
Thầy Mơ mua khỉ nhốt vào lồng sắt. Khi nào chúng khỏe, muốn về thế giới hoang dã, thầy thả lên núi Nhẫm. 


Trố và Ngố khỏe rồi, thầy thả lên núi, mà chúng chẳng chịu đi, cứ quấn quýt thầy. Du khách đến chùa, hai tên khỉ xông ra trêu ghẹo, trèo cả lên vai du khách. 

Thầy Mơ mắt mọng đỏ nghĩ đến khỉ Mi Mi. Nó thông minh chẳng kém người. Nó chỉ ăn chay như thầy Mơ. Ngủ cùng thầy. Sáng cũng dậy sớm đánh răng. Thầy soi gương, nó cũng soi. Thầy chuộc nó từ tay bọn buôn khỉ.

Nó thông minh đến nỗi, thầy chỉ bảo: “Mi Mi hôi lắm”, thế là nó nhảy xuống ao ngụp lặn, kỳ cọ. Tắm táp sạch bong rồi mới mò lên cho “mẹ” kiểm tra. 

Mấy lần Mi Mi mò lên núi sống với đồng loại, nhưng chỉ được đôi ngày, nó lại mò về đòi ngủ với mẹ. Nó nhớ mẹ!

 
Nhà báo Phạm Chức là người gắn bó nhiều năm với chùa Nhẫm Dương và núi Nhẫm. Anh bỏ nhiều công sức, tâm huyết cùng thầy Mơ giữ núi trước sự tham lam của các nhà máy xi măng. Về chùa nhiều lần, nên anh rất thân thiết với bọn khỉ.
 
Khỉ bắt rận cho mèo. 


Nhưng chính thói quen tự cầm hộp sữa uống, mà nó mất mạng. Mấy bác thợ lắp ống nước không để ý, nó lấy trộm hộp keo. Tưởng là sữa, nó nặn ra và uống hết. Nó quắn ruột chết dưới gốc thị trong một đêm mưa. Thầy mang nó lên núi chôn. Cả tháng thầy buồn, chẳng ăn uống được gì. Thầy đã cầu siêu cho nó về với tiên tổ, rằng “kiếp sau con đừng làm khỉ nữa, vì thế giới này có còn chỗ cho con ở nữa đâu”.

Năm kia, thầy Mơ giải thoát 2 chú khỉ khỏi bọn nấu cao. Một con thầy đặt là Vâu, một con là Xích Lu. Cả hai đều thông minh, lém lỉnh. Chúng lớn cùng nhau, ở cùng nhau, nên như đôi bạn thân thiết.

Xích Lu toòng teng với chàng khỉ nào đó trên núi nên mang bầu. Cái bụng chửa chạm đất, đi lại lững thững ở sân nhìn chết cười. Phật tử trông chùa là anh Lan quét sân. Mắt anh kém, nên quét vào Xích Lu.

 
Thầy Mơ mang lộc nên núi tìm khỉ. 


Đang mang bầu nên Xích Lu hơi khó tính. Tưởng anh Lan đánh, nó xông vào dọa cắn anh Lan. Con chó ngồi dưới gốc thị tưởng Xích Lu cắn chủ liền xông vào ngoạm trúng cổ Xích Lu, khiến nó chết giãy đành đạch.

Vâu nhìn cảnh bạn chết mà khóc lóc thảm thiết. Nó nhảy tót lên cây thị khổng lồ, không dám xuống đất nữa. Hôm sau, nó tìm lên núi Nhẫm theo đồng loại. 

Ngày đi kiếm ăn trên núi, chiều đàn khỉ tìm về cây thị 600 tuổi trước chùa Nhẫm. Cây thị to đến nỗi, bọn khỉ vàng như đàn chuột trên ngọn cây rậm lá. 

Thầy Thích Diệu Mơ mang sữa tươi, mang lộc chùa đem ra gốc thị. Bọn khỉ sà xuống xin lộc. Con hôn, con hít, cứ quấn quýt lấy sư như bọn trẻ mong mẹ đi chợ về.

Thầy Mơ không nhớ nổi đã thả bao nhiêu khỉ lên núi Nhẫm Dương. Bao năm nay, hễ phát hiện ở đâu có khỉ, thầy liền mua về nuôi nhốt chúng trong chuồng sắt. Con nào ở lại thì thầy nuôi, muốn về với đồng loại thì thầy thả lên núi. 

Đàn khỉ đang hồi sinh trên núi Nhẫm Dương và thầy Mơ lại càng phải nâng cao cảnh giác với những chiếc mũi khoan, đang từng ngày, từng giờ chờ sự mất cảnh giác của thầy để khoan núi, nổ mìn ăn trộm đá đem nghiền xi măng.

Nguồn: VTC

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập