Cái ăn

Đã đọc: 3154           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Thiền giả đi đến nơi yên vắng, ngồi tâm thâu nhiếp tất cả, chẳng loạn động, khởi lên ý tưởng chẳng khứng về thức ăn khi nhai, nếm, ăn, uống. Như trăm thứ thực vật ngon, được nấu nướng trong sạch, được người quí trọng, hương vị, màu sắc đầy đủ, đáng được xem là đại qúi, thế mà một khi đã ăn uống vào trong bụng rồi, chúng trở nên chẳng sạch, hôi thối, đáng ghét, chẳng khứng chịu nổi.

Ngày mùng 5 tháng 5 năm nay, như mọi năm, nhà chị tôi cúng giữa năm, cũng theo tục lệ ông bà, và chị tôi cũng chẳng biết nguyên do vì đâu mà phải cúng cả . “Ông bà làm sao, mình làm vậy!” . Chị nói .

Nhưng năm nay, chị tôi đã già rồi, cả anh rễ của tôi nữa, hai người gần tám mươi rồi, mà bà chị tôi vẫn lục đục vào bếp. Bà than thở, mệt quá đi thôi ! . Bà chị tôi đi lại còn không nỗi, lại huyết áp cao, thực ra, chị nên nghỉ ngơi và giao cho đám con cháu chị làm là được rồi . Chúng đã lớn cả rồi, có đứa đã gần 50 rồi, nhưng chị vẫn xuống bếp : “Tụi nó nấu nướng, nêm nếm không được đâu” . Chị phát biểu . Nhưng tụi nhỏ dù không hài lòng, chúng vẫn tuân lời . Đám con chị rất có hiếu, không bao giờ cãi lời chị .

Có lẽ anh chị tôi kén ăn, thức ăn phải ngon và nêm vừa theo ý của anh chị, thì anh chị mới ăn. Nếu không vừa miệng hoặc trình bày không vừa mắt, thì anh chị sẽ “chán ghét” ngay và không thèm ăn, có khi bỏ ăn và ra tiệm ăn !

Thế cho nên, cái “cảm thọ lạc” trong cái ăn mà Freud gọi là sự “khoái lạc của cái miệng” sẽ ám ảnh mạnh đến tâm tánh con người ; và tất cả những “thọ lạc” của tất cả những món ngon vật lạ ấy, trở thành một hệ thống dữ liệu “thực tưởng” (tưởng về cái ăn) trong bộ nhớ tưởng uẩn của tâm trí. Và tiếp tục, những thực tưởng ấy làm cho con người tầm cầu về cái ăn, tầm cầu vật thực, chúng giống như những “kịch bản tâm trí” về cái ăn, mà những khi, có bửa ăn nào trái với những “kịch bản” ấy, thì tâm trạng chán ghét sẽ trỗi dậy .

Có lẽ vì thế mà ông anh rễ của tôi không ăn chay được, bắt buộc lắm, thì anh chỉ ăn qua loa cho xong ngày với vẻ mặt chán chường (không biết trong lòng của anh có chán ghét không). Kể ra, cũng có cố gắng ! Nhưng anh tôi rất siêng năng trong hội đình làng, có lẽ vì có cúng tế heo quay và có cả một ít rượu nữa, nhưng anh bảo rằng, tham gia để “tạo phước” , dù chuyện hội hè đình đám ấy, cũng đôi phen gây sóng gió trong hai vợ chồng già .

Cái ăn tuy vậy mà rất rắc rối, nhiều khi nó làm cho cuộc sống chung trong gia đình chất chứa nhiều nỗi “ấm ức” thậm chí đến “uất ức”, có thể lâu ngày dẫn đến stress bùng nổ. Tội nghiệp nhất là những nàng dâu rơi vào những gia đình mà cha mẹ chồng hay cả gia đình nhà chồng đều có thói quen kén ăn hoặc phải ăn những món ăn theo sở thích . Tại mỗi bửa ăn, nàng dâu tội nghiệp phải chờ đợi sự phán xét của cha mẹ chồng hay cả gia đình nhà chồng và niềm vui hay sầu khổ cũng theo đó mà xuất hiện .

Tôi cũng thấy một trường hợp khác, cũng là anh rễ của tôi, anh ta không ăn cơm nào nấu trong nồi cơm điện, mà chỉ ăn cơm nấu bằng nồi, trên bếp than hay bếp gas mà thôi ! Quái dị như vậy đó, anh ta đã làm khổ bà chị tôi mà bà chị tôi chẳng biết khuyên anh ta như thế nào nữa ! Đó cũng là một hình thức “bạo hành” gia đình, nhưng là “bạo hành về mặt tinh thần” .

Tôi cũng đã từng chứng kiến một người thân của tôi, khi được người cháu từ một khoảng khá xa đến thăm và tiện thể, tặng một món ăn sáng như một món quà . Thế nhưng, món ăn ấy lại là thứ mà người ấy không thích. Thế thì, thay vì đón nhận món quà với “tâm tuỳ hỷ”, người ấy nhận món quà với gương mặt lạnh lùng và sau khi người cháu kiếu từ ra về, người ấy phán một câu chẳng ra gì cả .

Tôi đã từng chứng kiến một gia đình gần xóm, bà chị thích ăn một kiểu, đứa em gái thích ăn một kiểu. Thế là cả nhà luôn ở trong tâm trạng “ấm ức”, khi bà chị chán ghét thức ăn, chị ta ăn qua loa với vẻ mặt chầm hâm, không khí buổi ăn đoàn tụ gia đình bị ô nhiễm, và rốt cuộc chẳng ai vui vẻ cả, ăn mà tâm trạng nặng nề . Ngược lại, bà em gái cũng thế, nhưng không dám đưa cái mặt “chầm hâm” ra, mà dồn nén nỗi chán ghét trong lòng . Thế mới là khổ chứ !

Bà già hàng xóm gần nhà, có hai đứa con gái thôi, mà hai đứa con gái cũng không lập gia đình , bà đã hơn 80 tuổi, dễ đến 84, nhưng nhất định nấu ăn riêng, dù vẫn ở chung nhà với hai đứa con gái ! Quái dị chưa ?

Lúc tôi nằm bệnh viện, một bà già khoảng 90 tuổi, nhất định không ăn cơm bệnh viện theo menu ăn kiêng, báo hại những đứa con, đứa thì phải chăm nom bà , đứa thì phải nấu ăn theo sở thích của bà và theo chế độ do bệnh viện yêu cầu, bỏ cả công việc làm ăn !

Tôi đã từng chứng kiến những sở thích ăn uống quái dị, như người thích ăn nóng muốn phỏng miệng, người thích ăn cơm nấu mềm, kẻ cơm khô, v….v, mà mỗi khi lên bàn ăn, những cái thích quái dị không được nuông chiều, thì bỗng dưng thấy chán ghét !

Ông bà ta có câu : “Miếng ăn là miếng tồi tàn ; mất đi một miếng, lộn gan lên đầu” . Không cần phải mất miếng ăn, chỉ cần khác với sở thích về món ăn, là có chuyện rồi ! Miếng ăn là miếng tồi tàn, ăn không đúng kiểu, cũng lộn gan lên đầu !!!. Ông bà ta cũng có một câu khác : “Thà chết chứ tật không bỏ !”, “Chết thì bỏ xác, nhưng tật thì mang theo” !

Như thế, chỉ với “cái ăn” thôi, nó có thể làm sứt mẽ niềm hạnh phúc gia đình, thậm chí nó có thể dẫn đến stress trong gia đình và mang theo kiếp sau nữa !. Cho nên Phật tử phải quan tâm đến cái “cảm thọ” trong ăn uống của chính mình, và nên quán xét luôn cả hệ thống “thực tưởng” của mình để chúng không đi đến những hành vi tạo nghiệp , gây nên đau khổ cho mình và cho người thân . Cảm thọ chỉ là cảm thọ mà thôi, làm gì mà quan trọng đến như vậy ?

Giải Thoát Đạo Luận nói : “Thiền giả đi đến nơi yên vắng, ngồi tâm thâu nhiếp tất cả, chẳng loạn động, khởi lên ý tưởng chẳng khứng về thức ăn khi nhai, nếm, ăn, uống. Như trăm thứ thực vật ngon, được nấu nướng trong sạch, được người quí trọng, hương vị, màu sắc đầy đủ, đáng được xem là đại qúi, thế mà một khi đã ăn uống vào trong bụng rồi, chúng trở nên chẳng sạch, hôi thối, đáng ghét, chẳng khứng chịu nổi.”

Thanh Tịnh Đạo cũng giải thích, Về Tưởng chẳng khứng thức ăn, tu tập việc quán Tưởng nầy thành tựu, sẽ dứt bỏ được sự mê thích về ăn uống, nhận thấy thức ăn khi nuốt vào xong, đều trở nên bất tịnh, nhờ đó mà lìa xa năm món dục lạc, về sắc, về thanh, về hương, về vị và về xúc chạm.”

Và theo Đại Trí Độ, Tưởng nhàm ăn (thực yểm tưởng) là Quán tất cả mọi thức ăn từ nhân duyên bất tịnh sinh ra, tương tự như quán thân bất tịnh. Từ sự bất tịnh trong chính thức ăn nguyên liệu, đến sự bất tịnh trong chế biến, khi ăn vào, khi đến bộ tiêu hóa và đến khi thải ra ngoài .”

Sự quán tưởng nhàm ăn nhằm đoạn lìa Dục Tham Ăn, bởi vì ăn là một bản năng sinh tồn mà sự tiến hóa đã ban cho mọi loài sinh vật, nhất là loài sinh vật có xương sống, một khoái cảm trong chính cái ăn, mà Freud đã nói về dục tính libido qua đường miệng .

Cho nên, cái ăn quan trọng lắm, ngoài chức năng của nó là duy trì sự sống, bảo trì cho thân thể, cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày, nó còn là một thực tại để người cư sĩ lấy nó mà tu tập, hầu đạt đến sự an trú trong hiện tại . Hãy thấy con người đang bị cuốn trôi theo dòng cảm thọ của ăn uống, đang bị chi phối của thực tưởng, và phát sinh những hành vi thân-khẩu-ý do tham và sân, cuối cùng tập thành một lậu hoặc, dễ gây những phiền não, bất hạnh .

Giải Thoát Đạo Luận kết luận : Thiền giả do đường lối của hành môn nầy mà tu tập tưởng chẳng khứng thức ăn. Khi tưởng ấy an trú thì thành ra nhàm chán sự ăn uống, khi sự chán ngán đã tự tại rồi thì tâm thành bất loạn. Nếu tâm đã chẳng loạn rồi, thì các triền cái bị diệt, các thiền chi khởi lên, đắc thiền ngoại hành và an trú.

Khi đã đoạn diệt được “thực tưởng” rồi, cũng có nghĩa là làm chủ được dòng cảm thọ, lúc ấy, tâm ta ổn định vì những tập khí, lậu hoặc do thực tưởng không còn nữa . Do làm chủ được dòng cảm thọ, ta sẽ ăn ngon miệng hơn, vì loại thức ăn nào cũng có cái ngon đặc hữu của nó, tâm tuỳ hỷ tự nhiên sinh . Ta đã an trú trong thực tại hiện tiền .

Phương pháp này rất hay, ở chỗ, nó vừa diệt tận được những thói quen tập khí xấu trong ăn uống của ta, nhưng nó lại vừa cho phép ta hưởng thụ được những món ngon mà thiên nhiên đã ban tặng cho ta qua cảm thọ thiên phú của con người, ta phải mang ơn thiên nhiên và những người nội trợ đã nấu nướng để ban tặng cho ta hương vị của sự sống này.

Hạnh phúc và niềm vui của sự đoàn tụ gia đình trong các bửa ăn hằng ngày là tại đây và bây giờ . Hạnh phúc ấy chẳng đâu xa cả, chẳng cần phải nhọc công nghĩ ngợi phải làm gì cả . Chỉ vậy thôi, chỉ tuỳ hỷ và biết ơn mà thôi .

Tâm Nhẫn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập